Giáo Dục Gia Đình

Giuse Nguyễn Đức Hòa, OP. (daminhvn.net)  - ngày 02 Tháng tư 2014

 

 I. GIÁO DỤC NHÂN BẢN

Muốn nên thánh bạn phải là một con người trước đã.

Muốn là một người đạo đức bạn phải có những đức tính nhân bản trước đã.

Một vị thánh cũng đồng nghĩa với một con người có đời sống nhân bản tốt; một người công giáo đúng nghĩa cũng phải là một người công dân gương mẫu. Không thể có một vị thánh mà lại thiếu những đức tính nhân bản như sự tế nhị, lòng nhân ái, tình liên đới với người khác. Không thể có một người đạo đức mà lại bất lịch sự, ăn nói chanh chua hay cư xử cứng cỏi với mọi người.

“Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm nay lấy giáo dục Kitô giáo làm chủ đề. Điều đó thật đúng lúc khi mà khắp nơi trên thế giới, giáo dục đang là một vấn đề thời sự nóng bỏng và đặc biệt hơn nữa, tại Việt Nam, nhiều người cho rằng đã đến lúc cần phải cương quyết nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục. Mục đích của nền giáo dục Kitô giáo không chỉ là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn giúp con người sống xứng đáng với tư cách là con Thiên Chúa để mai sau trở thành công dân nước trời”. (số 2, 3). Giáo dục Kitô giáo là công trình học và sống làm con người và làm con Chúa. Đây là trách nhiệm của mọi Kitô hữu mọi nơi mọi thời”. (số 39). Vậy thì trước khi học làm con Chúa, chúng ta phải học làm con người trước đã. 

Nền giáo dục Kitô giáo không xây dựng con người trên những lý thuyết viển vông, xa rời thực tế, nhưng là đào tạo con người trên cơ sở nếp sống nhân bản. Và trách nhiệm ưu tiên trong vấn đề giáo dục Kitô giáo thuộc về gia đình, những người làm cha làm mẹ. Sống trong môi trường gia đình, các trẻ em có điều kiện tốt nhất để hấp thụ nền giáo dục kitô giáo đầu tiên trong đời, và là nền tảng để các em phát triển hơn nữa trong môi trường giáo xứ và xã hội sau này. Vấn đề là các bậc cha mẹ phải bắt đầu giáo dục con cái từ đâu và như thế nào. Vì giáo dục nhân bản là một đề tài lớn và phức tạp, chỉ xin tập trung vào việc giáo dục hai đức tính sau đây : lòng tự trọng và trung thực. 

 1. Giáo dục lòng tự trọng 

Từ điển tiếng Việt xuất bản năm 2003 định nghĩa tự trọng là “coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình”. Nói cách khác, tự trọng là ăn nói, cư xử và sống đúng với nhân phẩm và địa vị của mình. Khác với tự tôn là tự đề cao mình, tự khoe mình, tự đánh giá mình cao hơn con người thực của mình : đó là một hình thức của tính kiêu ngạo và là một tính xấu. Ngược lại tự trọng là một đức tính nhân bản quan trọng nhất, là nên tảng đức hạnh của một người có nhân cách. Thí dụ một người không ăn gian nói dối là người biết tự trọng, một người có sao nói vậy là người tự trọng, một người giữ lời hứa cũng là người biết tự trọng.  

Lòng tự trọng trước hết được thể hiện qua cách ăn mặc. Không nhất thiết phải ăn mặc sang trọng hay hàng hiệu mới là tự trọng, nhưng cần ăn mặc đúng cách, đúng lúc, phù hợp với hoàn cảnh. Một người đi lễ mà ăn mặc như đi picnic hay đi tắm biển thì chắc chắn không phải là nghiêm túc rồi. Đi đến nơi công cộng mà ăn mặc luộm thuộm hay thoải mái như trong phòng ngủ. Có lần dự tiệc cưới tại khách sạn New World Hotel tôi thấy một cô gái mặc đầm, nhưng áo thì chỉ là một miếng vải to cỡ cái khăn mùi soa che phía trước, đàng sau lưng thì cột hai đầu lại với nhau một cách cẩu thả. Ai nhìn thấy kiểu thời trang “kinh dị’ ấy cũng lắc đầu! Rõ ràng ăn mặc như vậy là thiếu tự trọng và cũng thiếu thẩm mỹ nữa! Mấy ông, mấy anh lớn mà cứ về đến nhà là cởi trần trùng trục, rồi ăn cơm, đọc báo, coi TV với gia đình cũng cởi trần thì chắc chắn là không biết tự trọng. Con em chúng ta nhìn thấy rồi chúng sẽ bắt chước thôi. Cho nên muốn giáo dục con cái ăn mặc đàng hoàng thì chính các người làm cha làm mẹ, làm anh làm chị trong gia đình phải làm gương trước. 

Lòng tự trọng cũng thể hiện qua lời ăn tiếng nói của chúng ta. Chỉ cần nghe một người nói dăm ba câu là chúng ta đã có thể biết người đó là người như thế nào, có giáo dục, có tư cách hay không. Điều rất đáng tiếc là nhiều người Việt Nam hễ cứ mở miệng ra là nói tục, chửi thề. Hầu như không có câu nói nào mà không bắt đầu và kết thúc bằng một câu chửi thề : chửi thề lúc ăn nhậu, chửi thề khi đi ngoài đường đã đành, lại còn chửi thề khi đang tranh luận với nhau. Có cả những học sinh, sinh viên, những ngưòi trí thức cũng chửi thề. Và chúng ta có thể thấy ngay rằng nếu người lớn mà chửi thề như vậy thì trẻ em cũng sẽ bắt chước và chửi thề không thua gì người lớn. Đáng buồn và ngạc nhiên hơn nữa là nhiều bà, nhiều cô ăn mặc model, đi xe xịn mà cũng chửi tục không kém gì cánh đàn ông con trai! 

Một du khách Việt Nam đền Malaysia kể lại như thế này : “Ở Malaysia tôi có ghi được một hình ảnh của hai chiếc xe đụng nhau. Hai tài xế xuống xe, bắt tay và xin lỗi nhau rồi họ giúp nhau đi tiếp. Còn ở ta? Việc đầu tiên của hai tài xế trong bối cảnh đó là chửi nhau để thị uy cái đã, sau đó nếu có sai cũng chẳng cần xin lỗi”. (VN Forum 13). Tại sao người Malaysia cũng là người Á châu như chúng ta mà họ cư xử văn minh tự trọng như vậy được, mà chúng ta thì cứ tiếp tục cái lối ‘văn hóa chủi thề’ như vậy. Cho nên bằng mọi giá, những người lớn trong gia đình phải khắc phục thói quen chửi tục và các bậc cha mẹ phải giáo dục con cái tránh tật xấu này. Thiên Chúa dựng nên miệng lưỡi để chúng ta ca tụng Chúa, cầu nguyện và để nói những điều tốt đẹp chứ không phải để chửi thề, chửi bậy. 

Tự trọng cũng có nghĩa là phải đúng giờ. Giữ đúng giờ không những nói lên tư cách của một người mà cũng chứng tỏ chúng ta biết tôn trọng người khác. 

Có lẽ không ở đâu mà giờ giấc lại du di, co giãn như ở Việt Nam. Người nước ngoài vẫn nói một cách mỉa mai : “Ở Việt Nam có giờ cao su!” Mời đi họp lúc 8 giờ sáng, nhưng mãi đến gần 9 giờ mà một số vẫn chưa đến; tiệc cưới ghi 6 giờ tối, nhưng thực tế phải đến 7g30 tối mới bắt đầu được; lễ Chúa nhật bắt đầu lúc 5 giờ sáng, nhưng một số giáo dân lúc đọc Tin mừng mới đến nhà thờ! Thói quen giờ ‘cao su’ thì ngay Việt kiều ở nước ngoài cũng chưa bỏ được. Tôi đã thấy thiệp cưới ở bên Mỹ ghi hai giờ khác nhau. Nếu tiệc cưới bắt đầu lúc 12 giờ trưa, thì trong cái thiệp gửi cho người Mỹ sẽ ghi 12 giờ trưa; còn thiệp gửi cho người Việt Nam thì lại ghi 10 giờ, hay 10 giờ 30. Nghĩa là người Việt có quyền đi trễ từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng đồng hồ! 

Cuối cùng lòng tự trọng cũng có nghĩa là phải giữ lời hứa. Không ai bắt chúng ta phải hứa điều gì, nhưng nếu đã hứa thì phải giữ lời hứa, thực hiện lời hứa, như thế mới là người có tư cách. Người hứa mà không giữ lời hứa tức là người nói xạo, không trung thực. Có lẽ chúng ta đã thấy nhiều cha mẹ khi con cái xin điều gì đó thì hứng lên là hứa : “Ừ, rồi ba sẽ mua cho con; ừ chiều này mẹ cho con đi chơi”. Nhưng sau đó thì không giữ lời hứa, hay hứa cho hai mà chỉ cho một, hứa cho đi chơi Đầm Sen nhưng cuối cùng chỉ đưa con đi công viên Lê Văn Tám chẳng hạn. Không giữ lời hứa dần dần sẽ đưa đến lỡ hẹn, không trả nợ, trả tiền thuê nhà đúng ngày như đã thỏa thuận, tự ý hủy hợp đồng khi thấy hợp đồng bất lợi cho mình, trả lại tiền cọc cho người mua nhà trước để bán cho người mua sau với giá cao hơn !  

 2. Giáo dục sự trung thực 

Chúng ta thử tưởng tượng nếu tất cả mọi người đều nói dối thì mọi tổ chức từ gia đình, khu xóm, làng xã, giáo xứ, cho đến thành phố, đất nước và cả thế giới sẽ tan rã, rối loạn; người ta sẽ không còn biết tin vào ai, vì không biết đâu là đúng đâu là sai, đâu là sự thật và đâu là gian dối (thí dụ bảng thông cáo ghi lễ chiều lúc 17g30, nhưng mãi đến 19 giờ mới có lễ; tiệc cưới ghi chiều thứ bảy, nhưng thực tế mãi đến chiều thứ hai mới tổ chức!). 

Các trẻ em VN từ xưa đến nay vẫn bị mang tiếng là hay nói dối (đi nói dối cha, về nói dối chú). Một trong những nguyên nhân là vì chính cha mẹ cũng nói dối, thậm chí còn khuyến khích con cái nói dối (Mẹ nằm trong phòng : có ai hỏi thì nói mẹ đi vắng; hay ba về thăm nội, nếu má con hỏi thì nói ba lên cơ quan có chút việc nha con). Chính cách giáo dục của nhiều cha mẹ, dùng hình phạt hay mắng chửi để răn đe cũng làm cho con cái sợ mà nói dối (con đánh bể cái chén là bị trận đòn; làm bài sai bị bố la hét. Trong khi đó người tây phương không dùng hình phạt để dạy con : con làm bể cái tô, người mẹ ôn tồn nói lần sau con cẩn thận hơn, cho nên đứa con sẵn sàng nói cho mẹ nó biết đã làm bể cái tô mà không sợ bị phạt hay bị đánh).  

Nhưng điều đáng báo động là hiện nay bệnh nói dối đã lây lan sang người lớn, len lỏi vào mọi ngành nghề, kể cả những nghề đáng kính như tòa án, thanh tra, giáo dục, y tế và tình trạng ngày càng tệ hại hơn. Nói dối, lừa lọc, gian lận đang trở thành căn bệnh tràn lan, đến nỗi nó đã trở thành chuyện đương nhiên, ‘bình thường’. Ông Lương Hoài Nam, một tiến sĩ kinh tế, viết trong loạt bài “Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ” của báo Thanh Niên năm 2006 : “Ở các nước văn minh thì cả năm nguời ta nói thẳng nói thật đến mức phải tạo ra ngày “cá tháng tư” để được quyền nói xạo, nói dối cho vui mà không bị lương tâm cắn rứt. Còn ở ta nói dối gần như trở thành một nếp sống, một nếp ứng xử rất phổ biến. Người ta thấy nói thật chẳng được gì, có khi tai bay vạ gió, mang họa vào thân”. 

Ngay từ khi đứa con lớn dần trong bụng mẹ đến ngày sanh, người ta đã phải chú tâm chạy chọt tìm một bệnh viện, chạy tìm bác sĩ để gửi gắm. Khi con vào nhà trẻ, một lần nữa, cha mẹ lại chạy tìm một nhà trẻ tin cậy, dù rất xa nơi cư trú và tốn kém không ít. Khi con vào các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) các bậc cha mẹ lại gồng mình chạy cho con vào trường công lập, trường điểm, dù học lực không đáp ứng, điểm không đủ. Và dĩ nhiên chỉ có tiền mới giải quyết được. Sau bốn năm năm ra trường thì lại chạy chọt vào doanh nghiệp có tên tuổi, có thu nhập cao, chạy chức, chạy quyền. Khi mua một cái xe phải chạy, lo lót để có số đẹp; khi mua lô đất, làm một căn nhà phải chạy toát mồ hôi với hàng chục thủ tục giấy tờ. Thậm chí đến lúc chết nằm xuống, tuy bản thân không còn chạy lo cho mình được thì người thân phải chạy để có miếng đất cho mồ yên mả đẹp (Hoàng Mạo, VN Forum 74, 75). Cái cảnh vào bệnh viện mà không biết điều với y tá, bác sĩ thì bệnh nhân, dù trong tình trạng cấp cứu, cứ nằm đấy mà chờ dài cổ cũng chẳng ai thèm ngó ngàng gì. 

Có lẽ không ở đâu mà chuyện làm giấy tờ giả nhiều như ở VN : bằng lái xe giả, chứng chỉ giả, văn bằng giả, hôn thú giả, hộ chiếu giả, thi hộ thi dùm, thậm chí ở Quảng Ngãi có người còn đắp mộ giả để đòi bồi thường. Tại một nghĩa trang liệt sĩ, người phụ trách trông coi nghĩa trang còn khai man số mộ liệt sĩ để lấy thêm tiền. (Báo Tuổi Trẻ số 04-03-2008 đăng tin một phụ nữ ở Thanh Hóa giả chết để lấy tiền bảo hiểm. Nghi ngờ, công an mở nắp quan tài thì bên trong là một bao nylon đựng 20 kg đất pha với tiết heo!). Đáng buồn hơn nữa, trong chính môi trường giáo dục nơi mà lẽ ra học sinh phải được dạy cho biết thế nào là sống trung thực, ngay thẳng, thì người ta lại dạy các học sinh, sinh viên những hình thức dối trá. Một sinh viên nói : “Mùa thi học sinh đã đến, lớp tôi học lại rộn lên những điệp khúc như : “Đã đi thầy X chưa? Đi được bao nhiêu môn rồi? Khi đi qua thầy thì rủ tao với nha!” Đã có quan niệm cho rằng mùa thi là mùa làm ăn của thầy cô. Nhiều học sinh, sinh viên sẵn sàng bỏ ra đống tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ để đổi lấy thành tích trong học tập. Những ai không làm như vậy thì bị coi là ngố, là không thức thời!  

Ngày nay nhân phẩm xuống giá rồi

Chỉ có thực phẩm lên giá thôi.

Lương tâm giá bèo hơn lương thực,

Chân lý chân giò một giá thôi! 

Chúng ta đã thấy những chuyện ăn cắp điện, ăn cắp nước, ăn cắp cước viễn thông, khai man thuế, khai man thu nhập, khai man tuổi trong thể thao, khai man thành tích, rút ruột các công trình công cộng xảy ra tràn lan như thế nào (Có một công trình xây dựng ở Hà Nội phát hiện ngoài là bêtông nhưng trong là cốt tre!). Đất nước sẽ thiệt hại bao nhiêu nếu các công chức cứ tìm cách đi chơi rồi nói dối là đang đi làm, đất nước sẽ thất thu bao nhiêu nếu mỗi doanh nghiệp bán được nhiều nhưng khai thuế chỉ một phần mười. Tất cả đều từ thói dối trá mà ra cả (Hmhai 2005. VN Forum 49). 

Điều này xảy ra tại ai? Dĩ nhiên một phần là do môi trường xã hội chúng ta đang sống đầy những cái chướng tai gai mắt, những gương mù gương xấu, những người sống bừa bãi, thiếu tư cách. Nhưng phải nói rằng gia đình, cha mẹ cũng có phần trách nhiệm trong việc tạo ra tình cảnh này. Nhiều cha mẹ cũng sống không trung thực, hoặc răn dạy con cái bằng lời hay lẽ phải nhưng lại cư xử theo kiểu chấp nhận tiêu cực. Chính họ đã trở thành tấm gương cho con cái họ. Rồi phải kể đến những người chỉ vì muốn đạt được mục đích (vật chất) trước mắt mà không biết là đang gieo mầm họa vào xã hội. Chúng ta thử tưởng tượng xem khi những quan niệm ấy được nhân rộng, trở thành điều mặc nhiên thì sẽ khủng khiếp thế nào? (Hung LeTrung, VN Forum 45). 

Cứ cho là môi trường xã hội ngày nay đầy dẫy những chuyện gian dối, lừa lọc mà chúng ta chẳng hy vọng thay đổi được, nhưng ít ra trong mỗi gia đình các bậc cha mẹ vẫn phải dạy con cái sống ngay thẳng, vì nó là điều cần thiết cho bản thân chúng và cũng cần thiết cho gia đình chúng ta nữa. Nếu thấy xã hội tràn lan những gương xấu mà chúng ta buông xuôi đầu hàng, thì có khác gì khi thấy phần lớn nhân loại (5/6 tỷ người) không tin có Chúa, chúng ta cũng không tin có Chúa sao? Ngược lại, càng thấy nhiều người chưa tin vào Chúa thì chúng ta càng phải củng cố niềm tin của mình cho vững mạnh hơn. 

Cũng vậy, càng thấy xã hội gian trá nhiều thì chúng ta càng phải giáo dục con em chúng ta sống trung thực hơn, trung thực trong lời nói, trung thực trong việc làm, trung thực trong cách đối xử với mọi người, và nhất là trung thực với bản thân chúng. Nhất định không bao giờ tự lừa dối mình bằng cách quay cóp, phóng đại thành tích của mình, hay khoe khoang những điều mình không có. Chúa nói : “Có thì nói có, không thì nói không, chứ không thể vừa có vừa không được!” 

Đã đến lúc các bậc làm cha làm mẹ không được phép chần chừ hơn nữa mà phải bắt tay vào việc giáo dục nhân bản cho con cái. Chúng ta đã thấy cả một thế hệ con em bị tiêm nhiễm cái thói gian dối của người lớn, và nếu không có những biện pháp cấp bách giáo dục tại gia đình thì rồi có lẽ những thế hệ mai sau cũng sẽ cứ tiếp nối cái lối sống gian dối, gian lận như ngày hôm nay thôi, và có thể trong tương lai còn tệ hơn nữa. Bản thân mỗi cha mẹ, mỗi người lớn phải biết tự trọng, cương quyết nói không với tiêu cực, không thỏa hiệp với những gì là gian dối, mờ ám, quyết tâm sống trung thực, để những người khác khi nhìn vào chúng ta có thể nhận định : “Nơi những người công giáo không có gì là gian dối!”, cũng giống như ngày xưa Đức Kitô nói về ông Nathanaen : “Đây đích thực là người Israel, nơi ông không có gì gian dối!” (Ga. 1, 47). Bản thân chúng ta có tự trọng, có sống trung thực thì rồi chúng ta mới có thể dạy con cái tự trọng và sống trung thực được. 

 II. GIÁO DỤC TINH THẦN CHUNG 

Từ lâu đã có một câu nói mỉa mai như thế này : “Nếu đẩy ba người Nhật xuống một cái hố, họ sẽ tìm cách đưa nhau lên. Còn nếu đẩy ba người Việt Nam xuống thì họ sẽ níu kéo nhau, không ai lên được”. (VN Forum, 80). Một người nước ngoài cũng từng nói : “Tôi chỉ sợ khi một người Việt Nam làm việc một mình, còn khi hai ba người làm việc chung với nhau thì họ sẽ phá nhau và sẽ chẳng làm nên trò trống gì”. Những câu nói như vậy quả thực làm cho chúng ta thấy nhức nhối và xấu hổ. “Không ăn được thì đạp đổ “từ lâu đã trở thành căn bệnh trầm kha của người Việt Nam. Tinh thần hợp tác trong kinh doanh, làm ăn buôn bán và kể cả trong nghiên cứu khoa học của chúng ta đều như thế. Cái kiểu níu kéo nhau không muốn người khác hơn mình có thể nói là một trong những tật xấu lớn nhất của người Việt Nam 

Chính mắt tôi chưa nhìn thấy, nhưng nhiều người nói rằng người Hoa sống ở TPHCM rất có tinh thân liên đới, tương thân tương ái với nhau, giúp đỡ nhau. Chẳng hạn những người Hoa cùng buôn bán trong một khu phố sẵn sàng đóng cửa tiệm của họ trong một thời gian để khuyến khích khách mua hàng đến mua tại một cửa hàng mới mở của một người Hoa khác mới đến. Những chuyện giúp nhau như vậy đối với người Việt Nam chúng ta có lẽ chỉ có trong truyện cổ tích, chứ trong thực tế thì ‘ma cũ bắt nạt ma mới’, những người buôn bán cũ sẽ tìm mọi cách gây khó dễ, thậm chí đe dọa những người mới vào nghề (khi mở nhà sách ở tu viện Martinô, Hố Nai cũng bị những người bán sách gần đó gây sự). 

Một giáo sư Việt kiều dạy học tại đại học Washington kể lại : “Trong lớp tôi dạy có ba sinh viên Việt Nam. Các em học rất chăm chỉ và học rất giỏi. Khi biết tôi là người Việt Nam, các em rất mừng và lại càng học chăm hơn. Khác với các sinh viên nước ngoài thường học theo nhóm, ba sinh viên Việt Nam lại mạnh ai nấy học một mình. Có lần tôi cho các em làm một bài nghiên cứu và đề nghị các em làm chung với nhau. Khi nạp bài, các em đưa cho tôi ba bài khác nhau. Tôi hỏi tại sao các em không làm chung thì cả ba đều lắc đầu cười ngượng nghịu và sau đó thì nói thẳng : “Làm chung thì chúng em không thích”. Trong công xưởng khổng lồ của hãng sản xuất máy bay Boeing có không ít người Việt Nam. Thỉnh thoảng mới gặp được một người Việt giữ vị trí cao. Một ông sếp người Mỹ nói nhỏ với tôi trong bữa cơm chiều : “Tao thấy người Việt tụi bay thông minh nhưng hay láu cá vặt! Cứ toàn tìm những chuyện lặt vặt để lên mặt khoe khoang!” (James Nguyễn - VN Forum 29). 

Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích dcct (Bài giảng Chúa nhật 02/2008 ), khi so sánh tinh thần cộng đồng của người Việt Nam với người Mỹ, đã viết : “Có lẽ còn một điểm nổi bật riêng của người Mỹ đó là nền giáo dục nhân bản cộng đồng. Ý thức trách nhiệm không chỉ qui về những giá trị riêng tư, nội tại mà họ còn có một ý thức khá sâu sắc về nếp sống cộng đồng, quan tâm đến công ích. Trẻ em được giáo dục từ trong gia đình đến trường học và ở ngoài xã hội. Nếu bạn đến một trung tâm mua sắm, bạn phải dùng đến xe đẩy để mua hàng. Mua xong bạn sẽ đẩy xe ra bãi đậu xe và để lại đó sẽ có người đi thu lại. Nếu quan sát kỹ bạn sẽ thấy các xe đẩy được xếp gọn ghẽ tại bãi đậu, tránh gây trở ngại cho việc lưu thông hay đậu xe dù không có chỗ qui định sẵn. Nếu trên đường đi bạn gặp một sự cố hay tai nạn thì những người lái xe sẽ dừng lại và sẵn sàng trợ giúp bạn. Vào một nhà hàng tự phục vụ bạn sẽ thấy những khay ăn được chính khách hàng hay các trẻ em tự động đem đến các thùng rác, dù vẫn có những người đi thu dọn. 

Một lần tôi đi xem một show diễn tại Universal Studio ở Hollywood. Trước giờ diễn thì không đông người xem nên họ tự do ngồi rải rác trên khán đài. Nhưng hôm đó đặc biệt có số lượng người xem đông và một người giữ trật tự yêu cầu khách ngồi dồn lại để người đến sau có chỗ ngồi. Ngay sau lời đề nghị tất cả hội trường khoảng trên ngàn người, gồm khách thập phương, đều đứng lên ngồi dồn lại, để chừa các ghế trống. Nhìn thấy hành động của họ ta có thể hiểu được nền giáo dục nhân bản cộng đồng đã được triển khai rất thành công. Nếu ở Việt Nam chắc hẳn là sẽ phải hò hét, phải lớn tiếng có khi phải dùng đến những hình thức cưỡng chế thô bạo và cũng sẽ có không ít những phản ứng bất mãn”. (Giáo dân ngồi ở ngoài dự lễ; bảo tắt máy xe ở tầng hầm không tắt) 

Mỗi người chỉ lo sống cho cá nhân mình, lo cho quyền lợi của mình, chỉ mong cho cuộc đời mình, gia đình mình ấm no, yên ổn chứ không hề nghĩ đến vận mệnh của đất nước sẽ đi về đâu. Vì trong mỗi người chúng ta có tầm nhìn quá hạn hẹp nên mỗi người chỉ là một cá thể chứ chưa hẳn đoàn kết thành một sức mạnh tập thể to lớn. Người Việt Nam có tính tự trị quá cao, tinh thần làng xã quá lớn nên nhà ai nấy giữ, làng ai nấy quản chứ không nhìn rộng hơn, nghĩ xa hơn. Cái bản tính ích kỷ như kiểu “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” chỉ càng hun đúc cho mỗi người một cái nhìn thiển cận xem ta là trên hết và xem người khác không ra gì, mặc dù người khác có nhiều điều để ta học hỏi. Cái tâm lý ganh ghét, kèn cựa, hãm hại khi người khác tài hơn mình, giàu hơn mình, có nhiều ưu điểm hơn mình càng làm cho dân mình nhỏ lại, đất nước mình không thể vươn xa. (Thanhhang@thanhniennews.com – VN Forum 67). 

Một nhân viên phục vụ tại bệnh viện Pháp-Việt kể : “Cách đây chừng một tháng tôi dẫn hai bố con anh bạn đồng nghiệp người Mỹ đi tìm thuê nhà tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, có lẽ là khu đô thị đẹp nhất nhì tại TPHCM. Chúng tôi thả bộ dọc theo các nhà cao tầng, anh bạn trầm trồ khen : “Không khác mấy so với các thành phố bên Mỹ”. Tôi phổng mũi tự hào nói với bố con anh ta : “Đấy, ở Việt Nam đâu phải chỉ có rác bẩn, sự ồn ào, lối sống thiếu văn hóa…” Nhưng niềm vui ngắn ngủi tan mất khi chúng tôi chờ đèn xanh qua đường. Xe máy cứ ngang nhiên vượt đèn đỏ, chúng tôi chờ một lúc thì đèn xanh dành cho người đi bộ đã chuyển sang đèn đỏ. Cô bé 14 tuổi con anh bạn người Mỹ nhận xét : “Thành phố mới nhưng người thì cũ!” (New city but old people). Tôi cười gượng mà thấy chua trong họng. Cái chữ “cũ” dành cho người Việt mình nghe mới ức làm sao! Những điều tưởng chừng như hết sức đơn giản, dễ dàng nhưng chúng ta không làm được. Cứ nhìn vào dòng người tham gia giao thông là có thể đánh giá được sự văn minh của đất nước. Chưa kể đến các thói quen xấu khác như vứt rác ngoài đường, khạc nhổ, tiểu tiện nơi công cộng, văn hóa xếp hàng (VN Forum 10). 

Nói đến chuyện vượt đèn đỏ, một em trong ca đoàn giáo xứ kể lại : “Một hôm đến ngã tư gặp đèn đỏ con dừng xe lại, thì phía sau có anh đi Honda nói như quát : “Đồ ngu, đi đi, còn chờ gì nữa? Mới trong rừng ra hả?” Con vừa bực vừa buồn cười tự hỏi : Không biết ai trong rừng ra, người tuân thủ luật giao thông hay người không tuân thủ luật giao thông? Thực ra không phải họ không biết vượt đèn đỏ là sai trái, nhưng họ cứ vượt bởi vì họ chỉ nghĩ đến cái lợi của mình mà không cần quan tâm đến người khác, đến lợi ích chung. 

Một trong những nguyên nhân khiến họ hành động như vậy là vì chung quanh mọi người đều làm như vậy, hay đã được người lớn giáo dục như vậy từ khi còn nhỏ. Chẳng hạn một đứa con trong gia đình thấy có con chuột chết ở trong bếp quay ra hỏi ba nó : “Ba ơi ba, có con chuột chết ở trong bếp nè. Làm gì bây giờ ba?” – “Thì vứt ra đường chứ còn làm gì nữa!” Cứ cái kiểu giáo dục ích kỷ như vậy cho nên không lạ gì mà sáng mùng một Tết chúng ta thấy những bịch rác vứt đầy ngoài đường, vì sợ để rác trong nhà vào ngày đầu năm thì nó xui, cho nên cứ dục ra đường là xong, ai xui thì xui miễn nhà mình không xui là được rồi. 

Một Cha bề trên kể rằng ngài có một đứa cháu 6 tuổi cùng với bố mẹ từ Mỹ về thăm Việt Nam. Trong một bữa ăn với gia đình, đứa cháu tự nhiên đứng lên, tay cầm miếng giấy lau, không nói không rằng mà cứ nhìn qua nhìn lại. Thấy vậy Cha bác hỏi cháu : “Cháu ngồi xuống ăn đi chứ, sao đứng hoài vậy?” Đứa cháu trả lời : “Cháu đang tìm thùng rác để bỏ miếng khăn giấy này vào!” Đấy, cũng là người Việt mình thôi nhưng khi sống ở nước ngoài thì các em nhỏ đã được giáo dục để biết giữ vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi mọi chỗ mọi nơi như ở Việt Nam. Như vậy chứng tỏ là các em bé Việt Nam vẫn có thể giáo dục được, chỉ cần cha mẹ, người lớn có quan tâm và làm gương hay không? Nhiều người nhận xét rằng từ ngày có bảng thông báo khắp nơi “Ai xả rác sẽ bị phạt 50.000đ!” thì công viên Đầm Sen sạch hơn trước nhiều. 

Lối sống bừa bãi, coi thường cái chung hầu như đã ăn sâu vào trong máu huyết người Việt Nam chúng ta đến nỗi người ta hành động theo phản xạ tự nhiên, không cần biết điều đó đúng hay sai, thậm chí có nhiều nguời cho đó là bình thường, chẳng có gì sai trái cả. Bạn Nguyễn Thu Anh thuật lại câu chuyện sau đây (VN Forum 14) : “Bữa nọ tôi ngồi đợi bạn ở vườn hoa đối diện công ty Saigontourist ở giữa trung tâm thành phố thì vô tình chứng kiến một cảnh tượng vừa bi vừa hài : Hai chú Tây balô đang say sưa ngắm phố phường, bỗng đâu ngay trước mũi họ rơi xuống một lon sữa bò. Tiếng “xoảng” làm họ giật mình ngơ ngác. Hóa ra đó là cái lon của chị bán càfé dạo. Lon sữa đã dùng hết nên được quăng vào một xó, quá đà nên xém trúng hai ông Tây. Sau khi lắc đầu mấy cái, một ông Tây cúi xuống nhặt lon và đi thêm vài chục mét nữa bỏ vào thùng rác công cộng. Một cái lắc đầu và hành động kia của ông Tây cũng khiến tôi thấy người Việt mình sao mà nhỏ bé đến mức tội nghiệp trong mắt người nước ngoài. Tự mình đánh mất tư cách của mình còn trách ai bây giờ? (Một phụ nữ ở Hà Nội bị đánh hội đồng, trong khi mọi người chỉ đứng coi, thì một người nước ngoài vào can). 

Có cả những hành động ích kỷ coi thường tính mạng người khác như nạn rải đinh trên xa lộ, tháo ốc vít đường ray xe lửa cũng vẫn thường xảy ra mà những người làm chuyện đó vẫn cứ an tâm bình thản. Không biết họ có nghĩ đến nhiều người bị tai nạn giao thông, thậm chí chết vì xe cán phải đinh, hay nghĩ đến những tai nạn xe lửa trật đường rày làm chết hàng trăm người nếu nhân viên kiểm tra không phát hiện kịp thời ? Mà mấy con bù loong thì bán được bao nhiêu tiền, có đáng giá gì so với mạng sống của bao nhiêu người! Ấy là chưa nói đến chuyện vẽ khoan cắt bêtông bừa bãi trên các tường nhà trong thành phố, chuyện ăn cắp đèn đường, ăn cắp dây điện thoại, ăn cắp dây cáp quang, ăn cắp nắp cống. (Robinet nhà vệ sinh giáo xứ bị mất hoài). 

Có ý kiến cho rằng tất cả cũng do cái nghèo mà ra cả, như chúng ta thường nói : “Đói ăn vụng, túng làm liều”. Cứ cho là sự nghèo túng một phần nào có ảnh hưởng đến việc làm bậy, ăn cắp ăn trộm của một số người, nhưng không phải mọi người nghèo đều đi ăn trộm ăn cắp. Có nhiều người nghèo vẫn sống lương thiện, vẫn tôn trọng của chung. Cũng có những người ăn trộm ăn cắp không phải vì nghèo, nhưng là do thiếu ý thức, không được giáo dục hay vì lười biếng. Thỉnh thoảng có cả con những gia đình khá giả mà vẫn đi ăn cướp. Cho nên điều quan trọng là phải giáo dục lương tâm ngay thẳng cho con cái khi chúng còn nhỏ, để khi biết những gì sai trái, là gian dối, bất công chúng sẽ không làm, hoặc nếu làm thì cảm thấy ngượng hay lương tâm cắn rứt. 

Bạn Trần Xuân Khoa, trong loạt bài “Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ” đăng trên báo Thanh Niên 2006, thuật lại : “Cách đây 3 năm tôi có một đứa cháu cùng bố từ Úc về ghé thăm. Năm ấy cháu lên bảy và đang học lớp 3. Một hôm tôi đưa cháu đi dạo phố. Sau khi đi qua những con đường nhiều cây xanh bóng mát và những nơi trẻ em thường vui chơi, chúng tôi ghé vào quán nước để nghỉ chân uống nước. Cháu rất vui khi thấy cái gì cũng lạ, nhưng có lẽ điều làm cháu vui nhất là mọi người gặp cháu đều nở nụ cười thân thiện. Sau khi nghỉ mệt chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình. Đột nhiên cháu dừng lại đòi đi tiểu, tôi đưa cháu vào gốc cây và bảo cháu tự nhiên đi. Nó vùng vằng không chịu, đòi tìm toilet. Tôi giải thích cho cháu ở đây là phố nhỏ làm gì có toilet công cộng, vả lại cũng đang vắng người nên cháu tè đại đi. Tôi năn nỉ mãi không xong đành đưa cháu trở lại quán nước để xin đi nhờ. Vào quán nước cũng đông người, nhà vệ sinh thì đang bận nên tôi dắt cháu qua phòng tắm bảo cháu “giải quyết” đi cho xong. Nó lại vùng vằng không chịu, tôi đành chờ cho tới khi người trong toilet đi ra, rồi cuối cùng mọi việc cũng “diễn biến” tốt đẹp.  

Trên đường về nhà, trời sắp đổ cơn mưa, tôi đưa cháu băng qua đường cho nhanh. Bỗng nhiên cháu khựng lại không chịu đi, sự cố gì nữa đây. Chao ôi, nó lại đòi đi vào đường có vạch sơn trắng (lối dành cho người đi bộ). Thôi rồi, ông cụ non nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, tôi chưa từng thấy ở người lớn và trẻ em chung quanh ta. Chia tay đứa cháu, tôi suy nghĩ mãi về cách dạy trẻ con của họ, làm sao có thể học và hành nghiêm chỉnh thế. Còn ở ta biết đến bao giờ mới dạy, học và làm được như vậy?” (Trần Xuân Khoa – VN Forum 1). 

Cũng là người Việt Nam mà một đứa bé mới lên bảy tuổi đã biết cương quyết không làm điều sai trái - mặc dù điều sai trái ở đây có thể châm chước được đối với một em bé (đi tiểu không đúng chỗ, băng qua đường chỗ không có vạch sơn trắng). Sự giáo dục đã ăn sâu vào máu huyết của em ngay từ khi còn nhỏ, nó đã thành một cái nếp, một thói quen mà em không thể làm ngược lại được. Ngày nào mà mọi người Việt Nam học được cách sống tôn trọng luật pháp, tôn trọng cái chung như em bé này thì mới có thể nói đến một đất nước Việt Nam văn minh hiện đại!  

Chắc chắn là nhiều người Việt Nam chúng ta cần phải được giáo dục lại từ đầu. Và điều này đòi hỏi nhiều nỗ lục, sự cộng tác kiên trì của mọi thành phần xã hội, đặc biệt của các bậc cha mẹ, mới có thể làm cho đất nước Việt Nam “thay da đổi thịt”, như mong ước của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư chung năm 2007 ( TC 34) : “ Con người sống trong xã hội không phải là một ốc đảo, nhưng liên đới với nhau trong niềm vui cũng như ưu sầu. Xã hội tính là một nét nổi bật của con người. Giáo dục Kitô giáo góp phần cổ võ tình liên đới, làm cho con người có trách nhiệm với nhau, trách nhiệm đối với xã hội và công ích, cùng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp an bình”. 

 III. GIÁO DỤC ĐỨC TIN TẠI GIA ĐÌNH 

Giáo dục nhân bản và tính cộng đồng cho con cái là những đức tính căn bản làm nên nhân cách con người, để có thể sống hài hòa với mọi người trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Phan nay đề cập đến vấn đề giáo dục cách sống đạo, sống đức tin cho con cái, vì một người công giáo không chỉ sống đúng với nhân cách của mình, mà còn phải sống đúng với tư cách là con cái của Chúa nữa. Điều này càng trở nên cấp bách hơn khi mà đời sống đức tin của người kitô hữu đang bị đặt trước rất nhiều thách thức và cám dỗ trong một thế giới chỉ biết đề cao và tôn vinh những giá trị vật chất. Và một lần nữa, vai trò của những bậc cha mẹ trong việc giáo dục đức tin tại gia đình là không thể thay thế được. Hiện nay, có lẽ vẫn còn nhiều cha mẹ cứ “khoán trắng” việc dạy đức tin cho nhà thờ, cho giáo xứ. Họ nghĩ rằng dạy giáo lý cho trẻ em là việc của các cha, các thầy, các sơ, các giáo lý viên. Thực ra, vai trò của giáo xứ chỉ là củng cố và đào sâu chính đức tin mà cha mẹ đã dạy cho con cái trong những năm tháng đầu của cuộc sống. 

Vậy thì cha mẹ phải bắt đầu dạy đức tin cho con cái từ lúc nào? Xin thưa, càng sớm càng tốt, ngay từ lúc bập bẹ biết nói. R.M. Restak nói : “ Mỗi đứa trẻ sinh ra là một thiên tài, nhưng chúng ta lại làm mai một tố chất bẩm sinh ấy trong sáu năm đầu”. (Nhân chi sơ, tính bản thiện). Có nghĩa là trẻ em khi còn nhỏ rất ngoan, rất dễ giáo dục, uốn nắn, nhưng chính vì sự thiếu quan tâm hay gương mù của cha mẹ và người lớn làm cho chúng ra hư. Cho nên cha mẹ phải dạy con các đức tính nhân bản cũng như đời sống đức tin ngay khi chúng còn nằm trong nôi. 

Tôi đã thấy nhiều bà mẹ vừa cầm tay con chỉ vào ảnh Chúa hay ảnh Đức Mẹ vừa đọc to “Chúa, Đức Mẹ” cho tới khi bé quen và có thể tự mình làm được như vậy. Lớn hơn một chút, cha mẹ dạy các cháu đọc những kinh đơn giản như Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh… Thánh nữ Têrêsa Hài đồng kể rằng nhờ được cha mẹ dạy đọc kinh Mân côi từ rất sớm, nên khi mới ba bốn tuổi thánh nữ đã thuộc. Mỗi lần lên cầu thang, cứ leo được chừng 7, 8 bậc thì thánh nữ ngồi nghỉ, và trong khi nghỉ thì đọc Kính mừng Maria!  

Khi các cháu lớn hơn thì dạy các cháu cách cầu nguyện đơn giản : xin Chúa cho con khoẻ mạnh để con đi nhà trẻ; xin Đức Mẹ cho ba hết đau, cho má về sớm. Rồi trong những buổi đọc kinh tối tại gia đình nên khuyến khích các cháu nhỏ cũng ngồi đọc chung với mọi người, dù cháu chưa thuộc hết các kinh và dù cháu vừa đọc vừa ngủ gật cũng được. Một thi sĩ nước ngoài, trong một bài thơ có viết : “Thật là đẹp và dễ thương, hình ảnh em bé vừa đọc kinh với gia đình vừa ngủ gật!” Nó đẹp và dễ thương ở chỗ dù em bé có quyền nằm ngủ, không bắt buộc phải đọc kinh với gia đình, nhưng cũng cố gắng ngồi được lúc nào hay lúc ấy. Đó cũng là có công phúc và đẹp lòng Chúa lắm rồi! Những buổi đọc kinh tối như vậy dần dần thấm vào tâm hồn em bé và làm cho đức tin của em lớn lên.  

Trước mỗi bữa ăn nên dạy các cháu làm dấu thánh giá và giải thích cho các cháu biết ý nghĩa của việc làm dấu thánh giá trước bữa ăn là có ý cám ơn Chúa vì Chúa đã ban cho có đất đai, ruộng vườn, cho mưa thuận gió hòa để người nhà nông cày cấy làm ra thóc lúa, cho ba má làm ra tiền để mua gạo, mua thức ăn. Việc làm dấu thánh giá truớc bữa ăn tuy đơn giản nhưng lại là cách tuyên xưng niềm tin công khai của người Kitô hữu, và nó cũng là một cách truyền giáo nữa. 

Tôi nghe nói một số các cháu con cán bộ gửi học tại nhà trẻ của mấy sơ, khi các sơ dạy các cháu công giáo cách làm dấu thánh giá trước khi ăn cơm, thì những cháu không có đạo cũng bắt chước miết thành thói quen, đến nỗi khi về nhà ăn cơm với ba má các cháu cũng làm dấu; nếu thấy ba má không làm dấu thì các cháu nhắc “ phải làm dấu cám ơn Chúa thì Chúa mới ban ơn!” rồi các cháu dạy ba má cách làm dấu như thế nào. Nhiều trường hợp vì chiều con, hơn nữa thấy chẳng mất mát gì, các cha mẹ là cán bộ cũng làm theo, rồi dần dần có cảm tình với đạo.  

Đến khi các cháu bắt đầu học tiểu học thì nên tập cho các cháu nghe hay đọc lời Chúa. Mỗi buổi tối một người trong gia đình hay chính cháu bé đọc một đoạn lời Chúa trong sách Tin mừng để cho lời Chúa thấm nhiễm vào tâm hồn các cháu. Muốn như vậy thì mỗi gia đình nên có một cuốn kinh thánh Tân ước loại nhỏ (giá chỉ có 15.000đ) hay cuốn Lời Chúa trong Thánh lễ (giá 45.000đ) có bán tại nhà sách. Nghe và đọc lời Chúa như vậy liên tục trong mấy năm thì rồi dần dần mọi người trong gia đình sẽ thuộc hết. Chỗ nào thắc mắc không hiểu thì hỏi các cha, các thầy. Đây là một trong những cách giáo dục đức tin rất có hiệu quả.  

Song song với việc nghe và đọc lời Chúa, nếu có thể nên đọc hoặc kể chuyện các thánh cho các cháu nghe. Chúng ta biết các truyện cổ tích mà chúng ta được ông bà, cha mẹ kể cho nghe khi còn nhỏ thì chúng ta nhớ mãi, nhớ cho đến già, không bao giờ quên; cũng vậy nếu được nghe về đời sống các thánh, các em cũng sẽ nhớ mãi, những gương sáng và hình ảnh về đời sống các thánh sẽ in sâu vào đầu óc các em và ảnh hưởng đến các em rất nhiều. 

Hiện nay có cuốn sách “Uống nước nhớ nguồn” viết về tiểu sử của 118 vị thánh tử đạo Việt Nam, trong đó có những gương sáng về lòng trung kiên giữ vững đức tin, trung thành với Giáo hội và can đảm tuyên xưng đức tin bất chấp những lời đe dọa, tra tấn, hình phạt và cả cái chết. Có những vị đã nhất định không nghe theo lời dụ dỗ của vua quan mà bước qua thập giá, vị khác không màng chi đến tiền bạc danh vọng mà chỉ muốn chết vì Chúa; chẳng hạn như thánh TÚC mới 19 tuổi : gia đình bỏ tiền mua chuộc lính để trốn về nhà, nhưng ngài không trốn, cứ ở lại trong tù để được tử đạo; thánh NGÔN, 22 tuổi , mới lầy vợ được hai tháng tìm cách trốn về thăm vợ, rồi cha mẹ vợ khuyên đã tự nguyện vào tù trở lại. 

Thánh CẦN : giáo dân cám dỗ bỏ đạo rồi về cha xứ tha tội cho đã khảng khái tuyên bố : “dù thiên thần hiện xuống bảo bỏ đạo cũng không bỏ!” Thánh TÔMA THIỆN, chủng sinh 18 tuổi : quan hứa gả con gái và ban chức tước nhất định không nhận… Những điển hình về đức tin như thế chắc chắn sẽ có tác động củng cố đời sống đạo của các thanh thiếu niên ngày hôm nay. Những người lớn, những bậc làm cha mẹ, nếu có dịp, cũng nên đọc những sách như vậy để biết cha ông chúng ta ngày xưa đã phải can đảm bảo vệ niềm tin của mình như thế nào, đồng thời để hâm nóng lại đời sống đức tin của chúng ta ngày hôm nay 

Giáo dục Kitô giáo còn nhấn mạnh việc huấn luyện lương tâm. Lương tâm là luật tự nhiên phản ảnh phẩm giá con người và đặt nền tảng cho các nghĩa vụ căn bản của con người (GHXH/GH 140). Khi có lương tâm ngay thẳng, con người sẽ dễ dàng cộng tác để xây dựng cuộc sống công bằng, tôn trọng phẩm giá và sự sống con người hơn (TC 36). Dạy lương tâm ngay thẳng cho con cái cũng có nghĩa là dạy cho chúng biết sợ tội, nói không với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, tránh làm những điều xấu, tránh những điều gian dối, bất công gây thiệt hại cho người khác (xc. Tv. 100).  

Tháng 11 năm 1916 tại một làng phía bắc nước Ý, một toán lính người Áo đến bắt cha xứ và đem đi. Cha xứ chỉ kịp trao chiếc chìa khóa nhà chầu cho cậu bé giúp lễ tên là Almiro, 7 tuổi và dặn cậu : “Đây là chìa khóa nhà chầu, khi nào cần thì con cho người ta rước lễ”. Sau khi cha xứ bị đem đi, giáo dân tuốn đến nhà thờ cầu nguyện. Trong y phục trang nghiêm, cậu bé mở cửa nhà chầu và cho mọi người rước lễ. Buổi sáng hôm đó khi trở về nhà, cậu nói với mẹ : “ Mẹ à, bây giờ con phải làm gì với đôi bàn tay này, đôi bàn tay đã từng chạm đến Mình Thánh Chúa?” Bà mẹ âu yếm trả lời : “ Almiro con yêu dấu của mẹ, con hãy cẩn trọng giữ gìn để đôi bàn tay này không bao giờ làm điều gì xấu, trái lại luôn làm điều tốt, điều đẹp lòng Chúa”. 

Mười bảy năm sau, tức là vào năm 1932 Almiro thụ phong linh mục và dâng lễ mở tay tại chính bàn thờ mà trước kia cha đã cho mọi người rước lễ. Lễ xong, khi hôn tay vị tân linh mục, bà mẹ cảm động nói : “ Mẹ không ngờ đôi bàn tay này đã một lần chạm đến Mình Thánh Chúa này, lại có một định mệnh tốt đẹp của ngày hôm nay : đôi bàn tay của vị linh mục đời đời của Chúa”. (Đôi bàn tay chạm đến Chúa - Chứng nhân Tin mừng A, 85). 

Đúng là “cây tốt thì sinh quả tốt” : cha mẹ đạo đức, thánh thiện thì sẽ có những đứa con đạo đức, thánh thiện. Việc giáo dục của cha mẹ đem lại kết quả tốt đẹp là như thế. Muốn làm được điều này thì chính cha mẹ phải là những người đạo hạnh, có lương tâm ngay thẳng. Cha mẹ gian dối trong buôn bán, chẳng hạn, không thể dạy con buôn ngay bán thật được. Cha mẹ làm điều bất công, tham những, hối lộ thì không thể giáo dục con cái sống trong sạch được.  

 Sách Tobia có ghi lại câu chuyện rất cảm động sau đây về một người có lương tâm ngay thẳng : “ Lúc bấy giờ, Anna, vợ tôi, nhận làm những công việc dành cho phụ nữ. Nàng giao hàng cho chủ và họ trả tiền công cho nàng. Ngày mồng bảy tháng Đytrô, nàng xén tấm vải đã dệt xong, rồi giao cho chủ. Tiền công bao nhiêu, họ trả hết cho nàng, lại còn thưởng cho một con dê con để ăn một bữa. Khi nàng bước vào nhà, thì con dê bắt đầu kêu be be. Tôi mới gọi nàng lại và hỏi : “Con dê nhỏ đó ở đâu ra vậy? Có phải của trộm cắp không? Đem trả lại cho chủ nó đi! Vì chúng ta không có quyền ăn của trộm cắp”. Nàng bảo tôi : “Đó là quà người ta thưởng cho tôi, thêm vào số tiền công!” Tôi không tin và cứ bảo nàng phải trả lại cho chủ. Vì chuyện đó, tôi xấu hổ cho nàng. (Tobia 2, 11- 14).  

Cha mẹ cũng phải dạy con lòng quảng đại, biết chia sẻ giúp đỡ những người nghèo khổ, túng thiếu. Việc bố thí không những đem lại niềm an ủi cho những người nghèo khổ mà còn chứng tỏ chúng ta là những người có lòng thương cảm, biết rung động trước nỗi đau của người khác. Cái gì thì cũng cần được giáo dục, dạy dỗ, kể cả lòng trắc ẩn, thương người. Không phải tự nhiên mà thánh Martinô có lòng yêu thương những người nghèo khổ, bệnh tật; cũng chẳng phải tình cờ ngẫu nhiên mà mẹ Têrêsa Calcutta lại quan tâm đến những người vô gia cư, những người đói rách, những người không có nơi nương tựa. Chắc chắn các ngài đã được hoặc là cha mẹ hoặc là dòng tu giáo dục trước nên mới có tâm hồn nhạy cảm như thế đối với những người bất hạnh. 

Tôi rất phục những bậc cha mẹ đã tập cho con cái biết giúp đỡ người nghèo bằng cách đưa tiền cho chúng để chúng đem cho những người ăn mày ăn xin; như vậy là tạo cơ hội để con cái tận tay giúp đỡ người nghèo, gần gũi những người nghèo và cảm nhận được thế nào là lòng bác ái kitô giáo. Ở Hoa Kỳ, tôi thấy khi đi lễ Chúa nhật thì không phải chỉ có cha mẹ bỏ tiền vào giỏ mà tất cả các đứa con cũng bỏ tiền vào giỏ luôn, như vậy là tập cho các em biết đóng góp, chia sẻ ngay từ khi còn nhỏ.  

Quan trọng hơn tất cả là cha mẹ phải giáo dục con cái bằng gương sáng đời sống. Lời nói chỉ có thể gợi lên những ý tưởng tốt đẹp nơi con cái, nhưng chính gương sáng mới có sức “đẩy” chúng làm theo. ĐGH Phaolô VI đã nói : “Ngày nay người ta thích nghe những chứng nhân hơn là các thầy dạy”. Cho nên cách giáo dục hữu hiệu nhất vẫn là gương sáng của chính cha mẹ. Một người cha lúc nào cũng phì phào điếu thuốc lá không thể dạy con kiêng thuốc lá được. Muốn khuyên con không hút thuốc thì chính người cha phải ngưng hút thuốc trưóc đã. Một người anh lớn ‘chửi thề như máy’ không thể dạy em ăn nói nghiêm túc được. Cha mẹ sáng nào cũng ngủ cho đến 7 giờ mới dậy không thể khuyên con đi lễ sớm mỗi ngày được. Muốn dạy con tinh trung thực trong vấn đề “cân, đong, đo, đếm” thì khi thấy con cân thiếu cho người ta, chẳng hạn, phải sửa ngay : “Con không được làm như vậy, đó là lỗi đức công bằng. Con phải cân cho đủ. Chẳng thà cân dư một chút còn hơn là cân thiếu cho người ta!” Khi bị mất của, nếu cha mẹ có lòng tín thác vào Chúa sẽ nói như ông Job :  Chúa ban cho, Chúa cất lấy. Con xin cám ơn Chúa. Con xin vâng theo thánh ý Chúa!” đó là dạy con biết sống đức tin khi gặp khó khăn. Ngược lại nếu cha mẹ lại kêu trách Chúa : “Chúa ơi, sao con khổ thế này. Thế là mất hết của con rồi!” như vậy là làm gương mù cho con cái. 

Để kết thúc, xin trích Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2007 : “Gia đình là Giáo hội tại gia, là truờng học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo. Mọi thành viên của gia đình, ông bà, cha mẹ và các anh chị em sống đạo nhiệt thành làm thành truyền thống đức tin gia đình. Nơi đây đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt trong những biến cố vui buồn của cuộc sống và qua những mẫu gương đức tin (28). Giáo dục Kitô giáo là công trình học và sống làm con người và làm con Chúa. Đây là trách nhiệm của mọi Kitô hữu mọi nơi mọi thời. Thế hệ trước có trách nhiệm chuyển giao đức tin cho thế hệ sau. Thế hệ sau tiếp nhận, củng cố và bàn giao cho thế hệ hậu sinh (39). 

Nhờ vậy mà đức tin được nuôi dưỡng, củng cố và phát triển. Sự giáo dục của cha mẹ không những làm cho con cái trở thành những công dân tốt cho xã hội, nhưng còn biến con cái thành những vị thánh, nhưng công dân của nước trời. Và đây chính là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của những bậc làm cha làm mẹ. 

________________

“Con sẽ sống theo lòng thuần khiết ở trong cửa trong nhà.

Việc xấu xa đê tiện con chẳng để mắt trông.

Con ghét kẻ làm điều tà vạy, không để cho dính dáng đến mình.

Tâm địa gian manh con hằng xa lánh, 

chẳng muốn biết gì đến chuyện xấu xa. 

Nhà con ở không hề chứa chấp kẻ quen trò bịp bợm thói lưu manh.

Hạng nói dối chuyên nghề con đuổi cho khuất mắt”. (Tv. 100)

 


Năm Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình