Gia Đình Trong Các Văn Kiện Của Giáo Hội

(dongten.net)

Qua hàng thế kỷ, Giáo Hội vẫn giữ được giáo huấn nhất quán của mình về hôn nhân và gia đình. Một trong những diễn tả cao nhất của giáo huấn này đã được Công Đồng Vatican II nói đến trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes (“Vui mừng và Hi vọng”). Văn kiện này dành cả một chương cổ võ thăng tiến phẩm giá hôn nhân và gia đình (cf. GS, 47 – 52). Văn kiện này xác định hôn nhân như một cộng đoàn sự sống và tình yêu (cf. GS, 48), đặt tình yêu nơi trọng tâm của gia đình và đồng thời diễn tả chân lý tình yêu này chống lại mọi hình thức giản lược khác nhau, vốn đang tồn tại trong nền văn hóa đương đại. “Tình yêu đích thực giữa vợ và chồng” (GS, 49) ngụ ý đến việc trao ban chính mình, bao gồm và hội nhất các phương diện tình cảm và tính dục theo kế hoạch của Thiên Chúa (cf. GS, 48-49). Vì thế, số 48 Hiến Chế Mục VụGaudium et Spes nhấn mạnh đến việc các đôi vợ chồng đặt nền tảng trên Đức Kitô. Đức Chúa Kitô “đi vào đời sống của các Kitô hữu lập gia đình qua Bí tích Hôn Nhân” và ở lại với họ. Khi Nhập Thể, Ngài đã mang lấy tình yêu con người, tinh lọc và hoàn thiện nó. Nhờ Thánh Thần, Ngài ban cho tân lang và tân nương ơn sống tình yêu lứa đôi và làm cho tình yêu ấy thấm vào từng phần trong đời sống tin cậy mến của họ. Theo đó, có thể nói là tân lang và tân nương được thánh hóa và nhờ ân sủng của Ngài, họ dựng xây Nhiệm Thể Đức Kitô và trở thành một Giáo Hội tại gia (cf. LG, 11), khiến Giáo Hội có thể nhìn vào gia đình Kitô giáo, mà hiểu được mầu nhiệm của mình một cách đầy đủ, vì gia đình Kitô giáo diễn tả được Giáo Hội một cách thiết thực.

Thể theo tinh thần của Vatican II, Huấn Quyền Giáo Hoàng đã tiếp tục tinh lọc học thuyết về hôn nhân và gia đình. Cách đặc biệt, Đức Phaolô VI, trong Thông ĐiệpHumanae Vitae, đã nói đến mối dây gần gũi giữa tình yêu hôn nhân và việc lưu truyền sự sống. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dành sự chú ý đặc biệt đến gia đình trong những bài giáo lý của mình về tình yêu con người, trong Thư Gửi Các Gia Đình (Gratissimam sane) và, đặc biệt, trong Tông Huấn Familiaris Consortio. Trong những văn kiện này, Đức Giáo Hoàng đã gọi gia đình là “con đường của Giáo Hội”; ngài đưa ra một cái nhìn tổng thể về ơn gọi tình yêu của người nam và người nữ và đề xuất những hướng dẫn cơ bản cho việc chăm sóc mục vụ gia đình và cho sự hiện diện của gia đình trong xã hội. Khi bàn cụ thể về “tình yêu hôn nhân” (cf. FC, 13), ngài diễn tả cách thức đôi vợ chồng đón nhận ơn sủng của Thánh Thần Đức Kitô và sống ơn gọi của mình để nên thánh, qua tình yêu họ dành cho nhau.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16, trong Thông Điệp Deus Caritas Est của mình, một lần nữa nói về đề tài chân lý tình yêu giữa người nam và người nữ, vốn chỉ có thể được hiểu cách trọn vẹn dưới ánh sáng của tình yêu Đức Kitô Chịu Đóng Đinh(cf. DCE, 2). Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng “hôn nhân, vốn đặt nền trên một tình yêu có tính cách riêng biệt và chung quyết, trở thành biểu tượng cho tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người và ngược lại. Cách thức Thiên Chúa yêu thương trở thành thước đo cho tình yêu con người” (DCE, 11). Hơn nữa, trong Thông Điệp Caritas in Veritate, Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình yêu như là nguyên lý sự sống trong xã hội (cf. CV, 44), nơi đó con người học được cách trải nghiệm những ích lợi chung.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Thông Điệp Lumen Fidei, khi bàn về sự liên kết giữa gia đình và đức tin, đã viết: “Gặp gỡ Đức Kitô, để cho mình (người trẻ) được tình yêu của Ngài chiếm giữ và hướng dẫn, sẽ mở ra rộng hơn chân trời hiện hữu, trao cho nó một niềm hy vọng chắc chắn chẳng bao giờ mất đi. Đức Tin không phải là nơi trú ẩn cho những kẻ nhát đảm, nhưng là cái gì đó gia tăng sức mạnh cho cuộc sống của chúng ta. Nó giúp chúng ta ý thức về một lời mời gọi cao quí, lời mời gọi của tình yêu. Nó đảm bảo với chúng ta rằng tình yêu này đáng tin tưởng và đáng ôm ấp, vì nó được đặt nền trên sự trung tín của Thiên Chúa, vốn mạnh mẽ hơn bất cứ yếu đuối nào của chúng ta” (LF, 53)

(Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, The Pastoral Challenges of the Family in the Context of Evangelization (Instrumentum Laboris), Bản dịch Việt ngữ của Lê Hoàng Nam, SJ, số 4-7)

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin Chúa tiếp tục thánh hóa và nâng đỡ đời sống gia đình của chúng con, giúp chúng con biết lắng nghe và thực hành những lời dạy khôn ngoan của Giáo Hội, giúp các gia đình chúng con có thể hiểu và sống ơn gọi của mình cách xứng hợp theo đúng tinh thần người Công Giáo. Amen.

Câu hỏi phản tỉnh

Gia đình tôi và bản thân tôi có lắng nghe và thực hành lời dạy của Giáo Hội về hôn nhân Công Giáo?

Tôi tìm được sự nâng đỡ nào từ giáo huấn của Giáo Hội, đặc biệt khi gia đình tôi gặp những khó khăn trong đời sống, giữa vợ chồng với nhau hoặc/và giữa cha mẹ với con cái?

(Truyền thông Dòng Tên)

 

 


Năm Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình