Vấn đề dùng từ “Thần Khí của Thiên Chúa”

 

Kính gởi quý độc giả sử dụng các bộ sách Giờ Kinh Phụng Vụ và bản dịch Kinh Thánh của Nhóm CGKPV,


Bấy lâu nay, trong kho tàng từ vựng tiếng Việt, các từ ngữ thuần công giáo cứ như một thứ tài sản mới tậu, nên nhiều khi việc đem ra sử dụng những từ ngữ ấy trong các bản văn công giáo là một thử thách, nếu không nói là một thách đố, cho người dịch cũng như người dùng bản dịch.

Trong số từ đó, “thần khí” là một thí dụ điển hình. Người viết bài này thú thật đã giật mình khi lần đầu tiên gặp thấy nó trong bản dịch của Cha Nguyễn Thế Thuấn, bởi vẫn nhớ lời kinh đã từng đọc thời còn nhỏ, trong họ đạo : “…xin cứu chữa chúng con cho khỏi thần khí mất mùa giặc giã…”.

Trong câu này, sau từ thần khí, không nhớ sách kinh xưa có ghi dấu phết nào không, nhưng chắc chắn khi đọc thì đọc liền tù tì, và phải hiểu thần khí là một thứ gì đó hết sức độc hại, cũng như mất mùa giặc giã, nên phải cầu xin cho được cứu thoát. Sau đó mới hiểu từ ấy chỉ các thứ ôn dịch chết người, đúng là những thứ độc hại ! Vậy thì tại sao một vị học giả chuyên Kinh Thánh như Cha Thuấn lại có thể dùng từ ấy để chỉ về hơi thở, sức sống của Thiên Chúa, thậm chí về Thiên Chúa Ngôi Ba, là Thánh Thần, “là Đấng ban sự sống” ?

Nhiều người cũng đã có phản ứng tương tự và đặt thành vấn đề, người nói miệng, kẻ viết bài gởi đến Nhóm chúng tôi. Vậy nay xin đưa ra một vài điểm đã được cứu xét để chia sẻ cùng quý độc giả.


1. Một nhận xét sơ bộ


Thật ra, qua tất cả các chuyển ngữ, từ Híp-ri RUA'H và từ Hy-lạp PNEUMA đều được hiểu là KHÍ, và Việt ngữ thêm THẦN -THẦN KHÍ - : một cách dịch hết sức phù hợp với tinh thần Việt Nam, luôn thêm một chữ kèm theo danh từ khi danh từ này đưa về một hữu thể đặc biệt, ở đây đưa về Thiên Chúa, là vị Thần tuyệt đối, duy nhất. Đây là một điểm khó bác bỏ, làm cơ sở cho việc dùng từ thần khí.

Nhưng nếu người ta hiểu theo nghĩa như trong lời kinh nói trên thì sao ?
Chúng ta sẽ tìm hiểu từ đâu mà trong quá khứ, từ thần khí được hiểu là “ôn dịch”, và xem coi trong hiện tại, nghĩa này còn được lưu giữ hay không.


2. Tìm nguồn gốc của từ thần khí mang nghĩa “ôn dịch”


Khi tham khảo các từ điển có mục thần khí, chúng ta có :
1 nghĩa, chỉ về tinh thần (xưa !) trong VN Tân Từ Điển của Thanh Nghị
1 nghĩa, chỉ về tinh thần ( !) trong Từ điển từ và ngữ VN của Nguyễn Lân
1 nghĩa, chỉ về tinh thần (xưa !) trong Tự Điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí
1 nghĩa, chỉ nghị lực trong Từ Điển Việt-Hoa-Pháp của Gustave HUE
3 nghĩa, đều chỉ về tinh thần trong Hán Việt Từ Điển của Nguyễn văn Khôn
2 nghĩa, chỉ sức sống và tinh thần trong Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh
2 nghĩa, chỉ về tinh thần và tính nết trong Từ Điển Hán-Việt của nxb Bắc Kinh
1 nghĩa, chỉ thần và khí trong người trong Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức
1 nghĩa, chỉ thần và khí theo đông y trong Đại từ điển tiếng Việt của TT Ngôn ngữ và văn hoá VN


Năm tự điển sau đây ghi thêm ý nghĩa “ôn dịch” ngoài những nghĩa nêu trên :
Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ
Giúp Đọc Nôm & Hán Việt của L.m. A. Trần văn Kiệm
Từ Điển Việt-Pháp của GÉNIBREL
Dictionnaire Vietnamien-Chinois-Français của Eugène GOUIN

Trong số tác giả có viết kèm chữ nho với cách đọc, Gouin và Trần Văn Kiệm vạch ra một hướng lần theo dấu vết sự xuất hiện của nghĩa “ôn dịch”. Xin lược ghi lại như sau :
Trong mục chữ
viết và đọc là thần, có viết chữ thìn (như “năm thìn”) nhưng đọc là thời ; cùng với chữ khí, hợp thành thời khí = temps épidémique = ôn dịch. Thời khí được kê dưới mục chữ thần vì còn được đọc là thần khí. Nhưng tác giả chỉ nêu ra bấy nhiêu, không có lý giải việc thay thế này.

Một vị học giả chuyên Hán Nôm soi sáng thêm cho chúng tôi : dưới thời Tự Đức, phải đổi mọi âm thời ra âm khác để khỏi phạm huý, vì tên huý của vua là Nguyễn Phúc Thời; do đó thời khí (= ôn dịch) phải đọc là thần khí. Và để bảo đảm không ai bị lo ra mà đọc sai và phạm huý khi đọc bản văn viết về ôn dịch, thì các bản văn đó không viết chữ thìn (đọc là thời) nữa, mà viết chữ thần , từ đó mà ra từ thần khí (mất mùa, giặc giã…).

Cũng xin lưu ý là 4 tự điển nói trên như ghi dấu thời truyền giáo tại Việt Nam, là thời soạn dịch các kinh chúng ta đọc khi xưa trong sách “Nhựt Khoá”. Các tự điển không chịu ảnh hưởng của Ki-tô giáo thì không biết đến nghĩa chữ đó, thậm chí một số nhỏ không có mục thần khí.
Riêng Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thêm ghi chú (truyền) ở nghĩa này, và quyển Giúp Đọc Nôm & Hán Việt, ở mục “khí”, có viết thần khí = hơi độc gây bệnh cả vùng, với ghi chú tiếng cũ rồi.


3. Ngoài tự điển tiếng Việt, có thể phối kiểm thêm :


- trong các tự điển Pháp-Việt hay Anh-Việt, chưa thấy quyển nào dịch “épidémie” hay “epidemic” ra tiếng Việt là “thần khí” cả. Ngay cả trong Từ Điển La-Việt-Pháp.
- tại Việt Nam, trong sách báo tiếng Việt thời nay, có bao giờ thấy đăng tin : ở vùng nào đó, có “thần khí SARS” hay “thần khí cúm gà” đâu …


Những điều trên cho chúng ta thấy ngôn ngữ là một thực thể sống động, có những nghĩa nhất định ở một thời, một chốn nhất định. Hiện nay, từ thần khí không còn gắn liền với nghĩa “ôn dịch” nữa. Vậy thiết tưởng chúng ta có thể trả lại nguyên vẹn cho Cha Thuấn “đứa con tinh thần” của ngài, và sử dụng từ thần khí với tất cả bề dầy và trọng lượng của nghĩa chữ trong Kinh Thánh.


TP Hồ Chí Minh, ngày lễ thánh Giê-rô-ni-mô, năm 2005
Thay mặt Nhóm Phiên Dịch
CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

Nữ Tu Nguyễn Thị Sang, CND

 

Trích www.vietcatholic.net

 

 


Phung Vu