GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TRANH LUẬN

"ĐỒNG BẢN THỂ" HAY "ĐỒNG BẢN TÍNH" ?

 

 

Gần đây tôi nghe nói có sự tranh luận về 2 từ ngữ đồng bản tính đồng bản thể. Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, đặc trách thường huấn cho các linh mục Giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh có yêu cầu tôi trình bày về ý nghĩa của 2 từ ngữ này, và lý do của sự lựa chọn từ ngữ đồng bản thể trong bản dịch Kinh Tin Kính Nixê-Constantinople của Nghi thức Thánh lễ, do Uỷ Ban Phượng tự của HĐGMVN xuất bản, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo in tại Hà Nội năm 2005.

 

Để việc làm thật khoa học và chính xác, trước hết tôi xin trích cả 3 bản dịch:

1.    Bản dịch của UỶ BAN GIÁM MỤC VỀ PHỤNG VỤ (Cha Nguyễn Văn Vi làm Tổng thư ký), xuất bản năm 1969:  “… được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha  (tr. 29)

2.    Bản dịch của UỶ BAN PHỤNG TỰ trực thuộc HĐGMVN (Cha Nguyễn Công Đoan làm Tổng thư ký), xuất bản năm 1992: “… được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha (tr. 16)

3.    Bản dịch của UỶ BAN PHỤNG TỰ trực thuộc HĐGMVN (Cha Kim Long làm Tổng thư ký), xuất bản năm 2005: “… được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha  (tr.17)

So sánh 3 bản dịch , thì bản mới nhất (2005) chỉ khác với bản 1992 có một chữ: chữ “Đức” thêm vào trước chữ “Chúa Cha,” và khác nhiều hơn với bản 1969 (của Cha Nguyễn Văn Vi): thêm chữ “được” trước chữ tạo thành, giống như bản 1992, sữa chữ “đồng bản tính” thành chữ “đồng bản thể” giống như bản 1992.

 

So sánh với các bản dịch ngoại quốc:

·         Bản tiếng latinh :  genitum, non factum, consubstantialem Patri

·         Bản tiếng Ý :  generato, non creato, della stessa sostanza del Padre (Catechismo della Chiesa Cattolica, Compendio, p.26)

·         Bản tiếng Anh:  begotten, not made, one in Being with the Father (Compendium, Catechism of the Catholich Church, p.16)

·         Bản tiếng Đức:  gezeugt, nicht geschaffen, eines Wesens mit dem Vater (Katechismus der Katholischen Kirche, kompendium, s. 39)

·         Bản tiếng Pháp:

 Bản dịch trong symbole et définitions de la foi catholique  (Denzinger), xuất bản năm 1996, Cerf : engendré non pas créé, consubstantiel au Père  (p. 57)

Bản dịch trong Catéchisme de l’Eglise Catholique, Abrégé :  engendré, non pas créé, de même nature que le Père (p. 45)

 

Bản dịch nào đúng?

     Tất cả các bản dịch trên, kể cả 3 bản tiếng Việt, đều đúng, nhưng tuỳ theo ngôn ngữ nào, mà có khả năng diễn đạt chính xác hơn, và tuỳ sự lựa chọn giữa chính xác hay dễ hiểu. Có những ngôn ngữ đạt được cả hai tiêu chuẩn (vừa chính xác, vừa hiểu được), có những ngôn ngữ chỉ đạt được một trong hai (hoặc lựa chọn sự chính xác, hoặc lựa chọn sự dễ hiểu).

 Trong tiếng Việt, nếu dịch là bản tính thì dễ hiểu hơn, vẫn đúng, nhưng chưa đủ nghĩa, vì loài người chúng ta hiện nay là 6 tỷ người, và tất cả đều có cùng một bản tính, nên chữ bản tính ở đây chưa đủ để loại hết nguy cơ đa thần (trithéisme: có 3 Chúa). Nếu dịch là bản thể, thì khó hiểu hơn, nhưng tránh được nguy cơ đa thần, vì đồng bản thể có nghĩa là một thực thể duy nhất. Vả lại trong môn tín lý Ba Ngôi học, người ta luôn luôn nói Nhất Thể Tam Vị, chứ không ai nói Nhất Tính Tam Vị.

 Theo tôi, bản tiếng Ý và tiếng Anh vừa dịch chính xác, vừa có thể hiểu:

·         Trong tiếng Ý, della stessa sostanza có nghĩa là cùng một bản thể: người Ý nào cũng hiểu chữ sostanza là thực tại chính yếu: Chúa Con là cùng một thực tại với Chúa Cha, chứ không phải là một thực tại khác với Chúa Cha như bè rối Ariô chủ trương.

·         Trong tiếng Anh, One in Being có nghĩa là Duy nhất trong hiện hữu, chỉ là một, là một Thực Thể duy nhất, một Thiên Chúa: có một Thiên Chúa Duy Nhất: Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con là Thiên Chúa cùng với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa cùng với Chúa Cha và Chúa Con, nhưng ở đây không thể có 3 Thiên Chúa được, vì là One in Being.

Trong tiếng Đức, Eines Wesens mit có nghĩa là Một Thực Thể với chữ wesen bởi động từ sein (être): người ta có thể hiểu được chữ wesen và hiểu đúng, là chỉ có một Thiên Chúa, tuy có tới 3 ngôi vị. Chữ wesen vừa chỉ bản tính, vừa chỉ bản thể. Tiếng Đức còn chữ Substanz, nhưng trừu tượng và ít được dùng.

Trong tiếng Pháp ngày hôm nay, chữ Substance thường được hiểu là chất, như chất dầu, chất mỡ, chất cứng, chất mềm (tự điển Pháp –Việt, tr.1122)… nên nếu dịch de la même substance, thì sợ người bình dân hiểu sai, nên phải dịch bằng de même nature cho dễ hiểu. Tuy nhiên chữ de même nature không được chính xác lắm, vì nhân loại chúng ta có cùng một bản tính (même nature), nhưng có tới hằng tỉ người. Chính vì thế mà trong lĩnh vực tín điều, quyển Denzinger mới nhất bằng pháp ngữ vẫn dịch là consubstantiel (đồng bản thể) cho những ai muốn hiểu thật đúng tín điều (D. 150, Symboles et définitions de la foi catholique, a.1996, p. 57).

 

Những lẫn lộn cần phải tránh:

 Lẫn lộn giữa Ba Ngôi học và Kitô học :

Những ai lý luận rằng khoa Tín Lý nói Chúa Kitô có hai bản tính, chứ không nói có hai bản thể (nên theo họ, phảI dịch consubstantialem Patri đồng bản tính vớI Đức Chúa Cha), thì có vẻ đúng trên mặt chữ, nhưng đó là một sự lẫn lộn trầm trọng: chữ đồng bản thể (tín điều của Công Đồng Nixê, năm 325), chỉ dùng khi nào nói tới Chúa Kitô trong tương quan với Chúa Cha; còn chữ hai bản tính cố ý nói tới Chúa Kitô, vừa là Thiên Chúa, vừa là con người (tín điều của Công Đồng Chalcédoine, năm 451). Trên bình diện nhân tính, Chúa Giêsu không thể đồng bản tính với Chúa Cha, vì con người không thể đồng bản tính với Thiên Chúa được, nhưng chúng ta thì đồng bản tính với con người Giêsu. Chữ hai bản tính được dùng để so sánh Chúa Giêsu một đàng với con người, một đàng với Thiên Chúa. Còn chữ đồng bản thể chỉ được dùng khi Chúa Giêsu được đặt trong tương quan hữu thể với Chúa Cha.

Lẫn lộn từ ngữ:

Có sự lẫn lộn giữa các từ ngữ bản tính (natura) dịch từ chữ hy-lạp phusis

Chúa Kitô có hai bản tính theo nghĩa này. Nếu không tin Chúa Kitô có hai bản tính, thì sẽ rơi vào bè Nhất tính thuyết (Monophysisme), 

Với chữ bản tính hay yếu tính (essentia) dịch từ chữ hy-lạp là ousia.

Chữ ousia trong tiếng hy-lạp, vừa có nghĩa trừu tượng, vừa có nghĩa cụ thể: nghĩa trừu tượng là yếu tính hay còn được dịch là bản tính, nghĩa cụ thể chỉ bản thể. Chúa Con là homo ousios, vừa đồng bản tính, vừa đồng bản thể với Chúa Cha. (Chính vì hai nghĩa khác nhau của chữ ousia, mà đã xảy ra nhiều tranh luận trong lịch sử tín điều Ba Ngôi). Chữ đồng bản thể có vẻ như trừu tượng hơn chữ đồng bản tính, nhưng xét về ý nghĩa thì cụ thể hơn và đầy đủ hơn.

 Lẫn lộn giữa hai Công Đồng Nixê-Constantinople (a. 381) chống lại lạc giáo Ariô và Công Đồng Chalcédoine (a. 451) chống lại lạc giáo Monophysisme (Nhất tính thuyết ):

o          Chống lại Ariô, Công đồng Nixê và Công đồng Nixê-Constantinople định tín như sau : Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời, Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa…, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể (homoousiov) với Đức Chúa Cha (D. 150, p. 57).

o          Chống lại lạc giáo Monophysisme (Nhất tính thuyết) chủ trương Đức Kitô chỉ có một bản tính là bản tính thần linh, Công Đồng Chalcédoine định tín như sau:  Chỉ có một Đức Kitô Duy Nhất, một Con, một Chúa, một Đấng Duy Nhất được sinh ra, được thừa nhận có hai bản tính (en duo phusesin : en deux natures), không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách rời (D. 302, p.108).

          Ngoài ra còn có những người lý luận rằng từ ngữ bản thể  (substantia) đi đôi với tuỳ thể (accidens), nên không ứng dụng cho Thiên Chúa. Lý luận này cũng không đúng, vì theo khoa thần lý học, Thiên Chúa là Bản Thể Đơn Thuần mà không có tuỳ thể, vì nơi Thiên Chúa không phân biệt giữa điều chính và điều phụ. Không cần nói đến tuỳ thể, vẫn có quyền nói tới  Bản Thể.

          Trong khoa Ba Ngôi học, Tertullien đã khám phá ra công thức una Substantia, tres Personae (Nhất Thể Tam Vị), và từ đó về sau thần học latinh luôn sử dụng như thế cho tới ngày hôm nay, dịch từ Hy-lạp mia ousia, treĩs hupostaseis.

           Thần học latinh không nói una natura, tres personae, mà nói una Substantia, tres Personae, và chữ substantia luôn luôn được dịch trong thần học, cũng như trong triết học là bản thể, chứ không bao giờ được dịch là bản tính.

 

KẾT LUẬN : 

Chúa Kitô đồng bản thể với Chúa Cha là tín điều quan trọng nhất của Công Đồng Nixê được nhắc lại trong kinh Tin kính Nixê-Constantinople (homoousiov tô Patrí), nên khi dịch Kinh Tin Kính Nixê-Constantinople, cần dịch càng chính xác càng tốt. Đối với ai cảm thấy khó hiểu từ ngữ đồng bản thể, thì có thể dùng cụm từ cùng một bản thể, chứ từ ngữ đồng bản tính, tuy đúng, vẫn chưa đủ nghĩa. Hoặc nếu không thích hay không chấp nhận thì có thể đọc Kinh Tin Kính các thánh tông đồ (Symbole des Apôtres), vì Phụng Vụ cho phép.

 

                                                                              Mỹ Tho, ngày 23 tháng 5 năm 2006

 

+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

Giám mục giáo phận Mỹ Tho

Chủ tịch UB Giáo lý Đức tin/HĐGMVN

 

                                          


Phung Vu