Câu Hỏi Về Rước Lễ Được Đặt Ra Khi Coronavirus Lây Lan

 

VATICAN NGÀY 9 THÁNG 3 NĂM 2020

Nhiều giáo phận đã ban hành các hướng dẫn Thánh Thể nên được phân phát trên tay như một biện pháp phòng ngừa, nhưng không rõ đó có phải là một thực hành an toàn hơn không - và thực hiện rước lễ thiêng liêng là một cách thay thế khác.

Tác giả: Edward Pentin (*)

THÀNH PHỐ VATICAN - Do các giáo phận ban hành nhiều chỉ thị khác nhau về cách các giáo xứ đối phó với coronavirus, nói riêng có một chỉ thị - các tín hữu nhận Mình Thánh Chúa trên tay chứ không phải trên lưỡi vì lý do vệ sinh - đang gây ra nhiều tranh cãi.

Trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ, các giám mục đặc biệt ban hành các hướng dẫn đề nghị Mình Thánh Chúa được phân phát trên tay cũng như hướng dẫn các giáo sĩ ngừng việc trao Máu Thánh Chúa từ chén thánh nếu cả hai hình bánh và hình rượu được trao.

Trước khi các giám mục của Ý ban hành một lệnh cấm đình chỉ tất cả các Thánh lễ cộng đoàn trong nước vào ngày 8 tháng 3, Milan là một trong những giáo phận đô thị đầu tiên thúc giục thực hành này. Tổng đại diện của tổng giáo phận, Đức ông Franco Agnesi, đề nghị vào ngày 22 tháng 2 rằng Mình Thánh Chúa “có thể được phân phát trên tay, theo các quy tắc phụng vụ hiện hành”.

Các giáo phận khác ở miền bắc Ý, khu vực được gọi là “vùng đỏ”, nơi hầu hết các trường hợp tử vong và nhiễm trùng đã được ghi nhận, cũng đã ban hành các hướng dẫn tương tự, cùng với các biện pháp vệ sinh khác về ngăn ngừa lây nhiễm.

Giáo hội tại Ý đang tuân theo các nghị định của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virút, mà theo Tổ chức Y tế Thế giới, đang lan nhanh trên toàn cầu và có tỷ lệ tử vong cao hơn đáng kể so với cúm (3,4% so với 0,1% ).

Hôm thứ Hai, Thủ tướng Giuseppe Conti của Ý đã đặt toàn bộ đất nước vào tình trạng phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Tại Hoa Kỳ, nơi đã ghi nhận 617 trường hợp và 22 trường hợp tử vong, hội đồng giám mục vẫn chưa ban hành hướng dẫn nhưng đã để lại nhiệm vụ đó cho các giáo phận, theo đó tuân thủ các biện pháp phòng ngừa tương tự.

Đức Tổng Giám mục John Wester ở Santa Fe, New Mexico, đã nghiêm cấm rõ ràng việc tiếp nhận Bí tích Thánh Thể trên lưỡi bằng một chỉ thị được ban hành vào ngày 3 tháng 3, nói rằng “TẤT CẢ” các người rước lễ “PHẢI nhận Mình Thánh Chúa trên tay chứ không phải trên lưỡi” trong khi giáo phận Spokane, Washington, đã “mạnh mẽ không khuyến khích” việc lãnh nhận Thánh Thể trên lưỡi.

Tổng giáo phận Chicago cũng ban hành các hướng dẫn phòng chống coronavirus vào ngày 3 tháng 3, tuyên bố rằng, “vì việc tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với nước bọt trong việc phân phát Thánh Thể trên lưỡi, cho đến lúc này mỗi người nên cân nhắc rước lễ trên tay”.

Trường Đại học Bắc Mỹ (NAC) tại Roma, dù có thể tiếp tục cử hành thánh lễ nơi riêng tư, cũng đã được yêu cầu đón nhận Thánh Thể trên tay, theo gợi ý từ một hướng dẫn ngày 05 tháng 3 từ Đức Cha Giám Quản Roma. Chỉ thị đó đã đề cập đến một chỉ thị trước đó vào ngày 3 tháng 3, “mời gọi” các linh mục giáo xứ trao Thánh Thể trên tay như một biện pháp thận trọng.

Cùng với việc đổ các bình nước phép và bỏ qua việc trao chúc bình an, giám đốc đào tạo phụng vụ của NAC, Cha Kurt Belsole dòng Benedictine, đã gửi cho các chủng sinh một email nói rằng Đức Giám Quản đã “chỉ thị cho cộng đoàn nhận Thánh Thể trên tay” và “do đó, chúng ta nên làm theo chỉ dẫn của Đức Giám Quản”.

Tại Thánh địa, Tòa Thượng Phụ nghi lễ La-tinh của Giê-ru-sa-lem đã công bố các biện pháp bao gồm việc “rước lễ bằng tay”, và cùng với các giáo phận trên khắp thế giới, Tòa Thượng Phụ đã chỉ thị cho các linh mục không cho các tín hữu “rước lễ từ chén thánh” hay trao chúc bình an.

Các giám mục của Anh và xứ Wales, nơi đã ghi nhận 321 trường hợp và bốn trường hợp tử vong do vi-rút vào ngày 9 tháng 3, đã ban hành các hướng dẫn vào ngày 27 tháng 2, trong đó “khuyên” các tín hữu “nhận Mình Thánh Chúa trên tay mà thôi”.

Các quan điểm khác

Nhưng khi các giáo phận dường như đang thực hiện một đường lối chung để thúc đẩy hoặc thậm chí bắt buộc phải rước lễ trên tay, các câu hỏi được đặt ra liệu có nên quyết định thay vì đề nghị hay mời gọi, và thậm chí liệu nó đã được chứng minh là hợp vệ sinh hơn không.

Tổng giáo phận Portland, Oregon, đã ban hành một tuyên bố vào ngày 2 tháng 3 nói rằng, đã hỏi ý kiến ​​hai bác sĩ về vấn đề này, nguy cơ nhiễm trùng khi rước lễ trên lưỡi hoặc trên tay thì  “ít nhiều như nhau” nếu thực hiện “đúng cách”.

Tổng giáo phận cũng nhấn mạnh rằng một giáo xứ “không thể cấm rước lễ bằng lưỡi”, cũng không có nghĩa là có thể bị từ chối nếu có người yêu cầu, tham khảo một chỉ thị của Vatican năm 2004, Redemptionis Sacramentum, lưu ý rằng “mỗi tín hữu luôn luôn có quyền được rước lễ trên lưỡi, theo lựa chọn của mình [92]”.

Tuyên bố tiếp tục nói rằng các thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa nên “có khả năng trao Mình Thánh mà không bị nguy cơ chạm vào tay hoặc vào lưỡi, và “giáo dân cũng nên được hướng dẫn cách rước lễ đúng cách bằng lưỡi hoặc bằng tay."

Đức Tổng Giám mục Jose Antonio Eguren ở Piura, Peru, cũng cho biết Ngài sẽ cho phép rước lễ bằng lưỡi trong tổng giáo phận của mình, Ngài nói rằng nguy cơ lây nhiễm cũng giống như rước lễ trên tay, và thúc giục các nhà thờ không đóng cửa hoặc gieo rắc “virus sợ hãi”, ACI Prensa báo cáo ngày 7 tháng 3.

Đức Tổng Giám mục cũng quy định các biện pháp vệ sinh phù hợp và cho biết các thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa được yêu cầu “tránh nguy cơ chạm vào miệng hoặc tay của những người rước lễ” và những người rước lễ nên được hướng dẫn cách rước lễ đúng cách.

Hầu hết các giáo phận trên thế giới đều khuyến cáo rửa tay thường xuyên, đặc biệt là vị chủ tế và các thừa tác viên Thánh Thể, như một biện pháp xa hơn để giúp ngăn chặn lây lan virus.

Theo Đức Giám mục Richard Stika ở Knoxville, Tennessee, các quy tắc của một giám mục, bất kể là gì trong vấn đề này, đều phải được tuân theo. “Thực sự, tại thời điểm này, cuộc thảo luận về rước lễ trên lưỡi hoặc trên tay được quyết định bởi giám mục địa phương, vì theo Giáo hội, giám mục là thẩm quyền địa phương và là Vị Đại diện cho Chúa Kitô”, Ngài đã tweet vào ngày 8 tháng 3. “Tốt hơn là chúng ta hãy cầu nguyện cho virus này chấm dứt, cho những người đau khổ và cho những người chăm sóc”.

 

Tranh luận sôi nổi

Vấn đề rước lễ như thế nào là một vấn đề gay go phát sinh từ một cuộc tranh luận lâu dài và sôi nổi về việc phải chăng đón nhận Mình Thánh Chúa trên tay là thích đáng hay chỉ đúng theo lịch sử Giáo hội ban đầu.

Người Công giáo truyền thống cho rằng việc nhận Mình Thánh Chúa trên tay cho thấy sự thiếu tôn kính đối với sự Hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, đặc biệt khi nó làm tăng nguy cơ các hình bánh có thể bị tục hóa và những mảnh vụn từ Mình Thánh bị phân tán. Họ cũng lập luận rằng, trong nhiều thế kỷ, phụng vụ chỉ cho phép đón nhận Thân Mình Chúa Kitô trong tư thế quỳ gối và trên lưỡi, đó là lý do tại sao hình thức ngoại thường trong Nghi lễ Rô-ma - Thánh lễ Latin truyền thống theo Sách lễ Rôma năm 1962 - cấm tiếp nhận trên tay.

Nhưng ở hình thức thông thường, việc đón nhận Mình Thánh trên tay có xu hướng trở thành chuẩn mực và trở thành thông lệ sau khi Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI ban hành huấn thị Memoriale Domini năm 1969Tài liệu được ban hành để đáp ứng xu hướng rước lễ trên tay đã được phát triển ở một số giáo phận Bắc Âu sau Công đồng Vatican II. Huấn thị nhằm mục đích giảm bớt xu hướng đó bằng cách cho phép thực hành chỉ khi phần lớn hai phần ba giám mục của các quốc gia ủng hộ xu hướng đó và không có ý khuyến khích xu hướng đó như một chuẩn mực phổ quát.

Nhưng các lập luận được sử dụng để nhấn mạnh vào việc đón nhận Mình Thánh trên tay như là một thực hành thông thường, cụ thể là dựa trên các tài liệu lịch sử ghi chép rằng việc đón nhận Mình Thánh trên tay đã được thực hiện trong Giáo hội sơ khai (các nhà phê bình cho rằng việc đón nhận Mình Thánh trên lưỡi là một sự phát triển phối hợp từ thời đó), rằng việc đón nhận Mình Thánh trên tay phản ánh tốt hơn những lời của Chúa Giê-su “hãy cầm lấy mà ăn”, và nó khuyến khích sự tham gia tích cực được cổ vũ bởi Công đồng Vatican II.

Một câu hỏi nữa là có những gì xảy ra trong hình thức ngoại thường. Theo các dòng chữ đỏ của nghi thức cũ, việc rước lễ “không được phép phân phát trên tay”, Hiệp Hội Thánh lễ Latin nước Anh nói như thế trong một tuyên bố ngày 3 tháng 3 để đáp lại các hướng dẫn của các Giám Mục Anh và xứ Wales.

Người ta cũng nói rằng, nếu sự lây lan của virút ngăn cản việc rước lễ trên lưỡi, thì việc rước lễ như vậy nên bị đình chỉ, và các tín hữu nên được khuyến khích ‘”rước lễ thiêng liêng”.

Trong bài bình luận ngày 5 tháng 3 gửi cho Register, Joseph Shaw, chủ tịch Hiệp hội Thánh lễ Latinh, đã đưa ra quan điểm rằng, trong thời gian dịch bệnh, các Thánh lễ công khai đôi khi bị đình chỉ, nhưng “hơn 15 thế kỷ qua” các tín hữu đã không nghĩ gì tới việc rước lễ thiêng liêng trong thánh lễ để chuẩn bị cho việc rước lễ thật sự và sốt sắng hơn vào lúc sau”. Điều này một phần là do, trước thế kỷ 20, việc rước lễ không phải là một vấn đề như vậy, vì “người ta không rước lễ quá thường xuyên”, đôi khi không rước lễ “một vài tuần”.

Kiêng Rước Lễ tại Milan

Đức Hồng Y Angelo Scola, Tổng giám mục đã về hưu của Milan, nhấn mạnh rằng trong bất cứ trường hợp nào việc tạm thời không được rước lễ có thể mang lại lợi ích về mặt linh hồn.

Phát biểu với Vatican News ngày 8 tháng 3 đáp lại việc tạm ngưng tất cả các Thánh lễ cộng đoàn trên khắp nước Ý, Đức Hồng Y nói rằng vào các ngày thứ Sáu trong Mùa Chay theo Nghi thức Am-brô-siô được cử hành tại Milan, “ việc kiêng chay Rước Lễ”[1] được tuân thủ.

Điều này phục vụ cho mục đích tâm linh giúp “làm cho [các tín hữu] cảm nhận sâu sắc sự thiếu vắng Chúa Kitô đang sống giữa chúng ta”, Đức Hồng Y nói, và nó làm tăng thêm “sự khao khát lời Chúa và Bí tích Thánh Thể”.

Tương tự như thế , theo nghi thức Byzantine trong Mùa Chay, không cho rước lễ vào Thứ Hai, Thứ Ba và Thứ Năm, và cho rước lễ vào Thứ Tư và Thứ Sáu, nhưng không cử hành Thánh lễ. Chỉ vào thứ Bảy và Chủ nhật là Thánh lễ được cử hành trong mùa Chay.

Edward Pentin là phóng viên của the Register tại Roma.

Kinh Rước lễ thiêng liêng

Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa con ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa con trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa con trong linh hồn con. Song le bởi vì bây giờ con chẳng có thể mà chịu Chúa con cho thật được, thì xin Chúa con ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng vậy, chẳng khác gì như Chúa con đã ngự vào thật, thì con xin ẵm lấy cùng hợp làm một cùng Chúa con cho trọn, xin Chúa con chớ để cho con lìa bỏ Chúa con bao giờ. Amen.

(*) Edward Pentin là thông tín viên thường trực tại Rôma của báo National Catholic REGISTER, Hoa Kỳ

Nguồn: https://www.ncregister.com/daily-news/reception-of-communion-question-comes-into-play-with-spread-of-coronavirus

Phạm Văn Trung chuyển ngữ tiếng Việt.

 



[1] “không rước Mình Máu Thánh Chúa”


Trang Phụng Vụ