THỐNG HỐI MÙA CHAY 2007

KHAI MẠC

1. Dấu Thánh Giá và lời chào chúc :

Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta,

tình yêu của Chúa Cha

và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần

ở cùng tất cả anh chị em. đ/

2. Huấn dụ vắn :

Anh chị em thân mến, khởi đầu mùa chay thánh năm nay, chúng ta được hướng dẫn để sống thời gian hồng ân, bởi chủ đề Đức thánh cha Bênêđictô XVI gợi ra : “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu(Ga 19,37), đối với Gia Đình Giáo Phận thân yêu, đang trong Năm Thánh mừng kỷ niệm 80 năm truyền giáo, chúng ta có chương trình sống mùa chay là học với Chúa Giêsu để có “một trái tim biết nhìn(x. B. XVI, Deus caritas est, 31).

Giờ đây sắp bước vào những ngày thánh trong đạo, chúng ta cùng cử hành sám hối chung vì ý thức tội của chúng ta không chỉ mang tính riêng tư phạm đến Chúa và anh chị em mình, nhưng cũng gây ảnh hưởng trên khuôn mặt thánh thiện của Hội Thánh. Đây là cơ hội tốt để chúng ta canh tân lại đời sống và chuẩn bị bước vào đại lễ Vượt Qua.

“Xin cho chúng ta được ơn biết lắng nghe, chiêm ngắm, mến yêu và sống theo Lời Chúa” (ý cầu nguyện tháng 3/2007)

3. Lời nguyện

Chúng ta dâng lời cầu nguyện !

Lạy Chúa, Chúa kêu gọi chúng con :

từ chốn tối tăm đến với ánh sáng của Chúa,

từ gian dối đến chân lý, từ cõi chết sang sự sống ;

xin tuôn đổ Thánh Thần trên chúng con,

để Người mở tai chúng con và củng cố lòng trí chúng con,

ngõ hầu chúng con nhận biết ơn gọi cao quý đã nhận lãnh

và mạnh dạn tiến bước trên con đường

giúp chúng con sống đúng danh nghĩa là kitô-hữu.

Chúng con cầu xin,

nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa Chúa chúng con

là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa

trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

đ/ Amen

LẮNG NGHE LỜI CHÚA :

4. HátXin ban Thần Khí

5. Tin Mừng : Ga 19,31-37 (SBĐ ngoại lịch, trang 405, s. 8)

6. Suy niệm.

Câu chuyện xảy ra dưới chân thập giá Chúa được thánh Gioan là vị Tông Đồ duy nhất ghi nhận trong cuộc thương khó Đức Giêsu. Chúng ta sẽ được nghe lại trong ngày thứ sáu Tuần Thánh, nhưng hôm nay chúng ta suy niệm kỹ hơn để nhận ra tình yêu mà Chúa dành để cho chúng ta.

Vậy chúng ta hãy theo thánh sử Gioan để tập trung vào thân xác Đấng chịu treo trên thập giá. Điều thứ nhất ta thấy là ống chân Ngài không bị đánh dập như hai người cùng chịu đóng đinh bên tả bên hữu [điều này ứng nghiệm lời Kinh Thánh diễn tả Ngài là Chiên Vượt Qua, con vật phải toàn vẹn mà người Do thái dùng vào bữa ăn vượt qua hằng năm nhắc lại biến cố Xuất Hành (x. Xh 12,5) : “Không một khúc xương nào của Ngài đã bị đánh dập” (Ga 12,36 ; Xh 12,46)]. Điều thứ hai là sự kiện người lính dùng ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Ngài. Sự kiện này đã được người môn đệ yêu dấu chứng thực vì ông đã thấy và đã làm chứng. Ông đã nhớ lại lời Chúa nói : “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Và ông nhớ lại lời tiên tri Dacaria viết : “Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một” (Dcr 12,10b).

Hai anh em linh mục người Pháp là các cha Bernard và Louis Hurault đã giải thích đoạn Tin Mừng này như sau :

Cuối bài tường thuật cuộc Thương Khó và cái Chết của Chúa Giêsu, Gioan như đóng dấu ấn của riêng cá nhân mình trên tác phẩm bằng lời chứng được lập lại ba lần : Chúa Giêsu đã chết, người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài và máu cùng nước đã chảy ra từ trái tim bị đâm thủng của Chúa. Đối với tác giả, đây là giây phút mà ý nghĩa của tấn kịch này được lộ ra.

Hôm ấy là ngày chuẩn bị lễ Vượt Qua và trưa hôm thứ sáu này, gần bên địa điểm hành hình, người Dothái từ trên đồi đi xuống Đền Thờ để sát tế con chiên Vượt Qua. Trong nghi lễ sát tế này thì không được để rơi mất một giọt máu nào. Năm nay, Gioan không đi theo đám đông ấy ; ông đứng đây, dưới chân thập giá với Đức Maria và vài phụ nữ thánh thiện khác. Và đây, cũng như vị tư tế trogn Đền Thờ vào cũng giờ phút ấy, người lính làm cho Chúa Giêsu từ trên thập giá đổ hết máu mình ra cho đến giọt cuối cùng. Và bấy giờ Gioan sáng mắt ra : ông bỗng thấy sáng lên chói ngời ý nghĩa của lời Gioan Tẩy Giả đã thốt ra bên bờ sông Giođan vào bước đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, khi vị Tiền Hô chỉ cho các môn đệ của mình “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).

Cử chỉ của người lính bỗng mang giá trị tiên tri, mặc khải mầu nhiệm Chiên Thiên Chúa. Máu chuộc tội đã đổ ra, không phải trên bàn thờ trong Đền Thánh nữa, mà là trên miền đất đã được tái sinh, chứa chan sức sống nhờ máu Chúa Kitô. Nghi lễ sát tế chiên Vượt Qua mà xưa ông Môsê đã thiết lập theo lệnh Chúa nay được hoàn thành và biến thái. Cũng như trong cuộc “vượt cạn” của kỳ sinh nở, máu và nước vọt ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu hôm nay loan báo thời đại mới, với các bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể. …

Vết thương mở rộng nơi cạnh sườn Chúa Giêsu mời gọi chúng ta khám phá mối tình mãnh liệt và nhiệm mầu đã nung nấu trái tim Chúa suốt đời. các môn đệ đã từng chia sẻ cuộc sống thường nhật của Ngài rồi sẽ thấy những kỷ niệm và cảm xúc của mình phai nhật và tan biến theo dòng thời gian. Nhưng họ cũng sẽ khám phá rằng không có một lời, một cử chỉ nào, hay một khoảng thinh lặng nào của Chúa Giêsu lại không nói lên tình yêu của Ngài đối với Thiên Chúa. Chính từ trái tim bị lưỡi đòng khai mở mà phát sinh nơi chúng ta lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đừng bận tâm suy nghĩ lòng vòng để lý giải đức tin chúng ta, nhưng hãy chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa và để tình yêu ấy biến đổi chúng ta.

“Chúa ao ước chúng ta đón nhận tình yêu của Ngài và để cho mình được lôi kéo đến cùng Ngài … Chúa Kitô lôi kéo tôi đến cùng Ngài để liên kết với tôi, để tôi học yêu thương anh chị em với cùng một tình yêu của Ngài” (Đức Bênêđictô XVI, Sứ điệp chay 2007).

7. Gợi ý xét mình.

Có nhiều cách xét mình, chúng ta có thể xét mình như vẫn quen làm mỗi khi dọn mình xưng tội, nhưng trong bầu khí sám hối chung này, xin được gợi ý vắn tắt với anh em :

Khởi đầu năm phụng vụ 2007, Giáo Hội Việt Nam đề ra hướng mục vụ để “sống yêu thương và phục vụ”, với 3 ý chính là nền tảng việc sống đạo, định hướng việc sống đạo và trách nhiệm đối với việc sống đạo.

Nền tảng việc sống đạo là quy hướng vào Thiên Chúa được xác định qua ơn gọi nên thánh và sống sứ mạng chứng nhân. Vì Thiên Chúa là Đấng Thánh và chúng ta được mời gọi nên hoàn thiện (x. Mt 5,48), tôi có ý thức mình phải sống thánh thiện không ? Đâu là mối bận tâm chính của tôi : sống đẹp lòng Chúa hay chạy theo những quyến rũ của các đam mê chóng qua như tiền bạc, danh vọng, thú vui xác thịt … Tôi có luôn cảnh tỉnh để sống theo lời Thánh Tông Đồ khuyên nhủ “hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa (Rm 12,1), vì “đã được chỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới…” (Cl 3,1-2). Là kitô-hữu, tôi được mời gọi trở nên chứng nhân Chúa Kitô, là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (x. Mt 5,13-16), tôi đã sống thế nào : can đảm làm chứng cho sự thật, dù có phải chấp nhận hy sinh gian khổ hay dễ dãi với bản thân, ngại khó ngại cố gắng …, tôi có trung thực với chính mình và cố gắng trở nên sứ giả xây dựng sự bình an trong môi trường gia đình, làng xóm ; tôi có biết không ngừng vun trồng và đào sâu về đời sống đức tin bằng một đời sống đạo đức xứng với phẩm giá là con cái Chúa hay biếng nhác trong việc lắng nghe Lời Chúa cùng giáo huấn của Hội Thánh và lời khuyên nhủ của những người có trách nhiệm …

Việc sống đạo được định hướng nơi tinh thần canh tân bản thân, dấn thân phục vụ và góp phần xây dựng xã hội công bằng. Tôi có biết thường xuyên nhìn lại chính mình để có thể “mặc lấy con người mới” theo hình ảnh Chúa Kitô và sống theo Thần Khí (x. Gl 3,27 ; 5,16 ; Ep 4,1.24.30 ; Pl 3,10). Tôi có biết quan tâm đến những đau khổ của anh chị em chung quanh để cảm thông chia sẻ và nâng đỡ như người Samaritanô nhân hậu có con tim biết nhìn (x. Lc 10,29tt ; Ga 5,1tt ; Lc 7,11tt ; Mc 5,25-34) vì tất cả mọi người đều là anh chị em của tôi và cùng được gọi Thiên Chúa là Cha. Tôi có tích cực trong việc xây dựng Giáo Hội và xã hội trong khả năng Chúa ban, hay buồn thay lại phung phí các ơn lành của Chúa và như người kia đã đào lỗ chôn giấu nén bạc được trao phó …

Trong trách nhiệm đối với việc sống đạo, đặc biệt trong môi trường gia đình, tôi có góp phần vào việc làm cho sứ điệp Tin Mừng được lan tỏa nếp sống hài hòa chan chứa yêu thương, bằng thái độ chuyên cần học hỏi và suy niệm Lời Chúa, kiên quyết bảo vệ sự sống là hồng ân Chúa trao ban, và xây dựng nền văn minh tình thương … 

Còn có những lỗi phạm quen thuộc khác nơi cá nhân mà mỗi người chúng ta vẫn thấy "trước sao sau vậy" dù thường xuyên quyết tâm dốc lòng chừa, nhưng do yếu đuối nên vẫn tiếp tục lỗi phạm… Xin Chúa thương ban cho chúng ta được ơn quyết tâm hoán cải.

SÁM HỐI

8. Xét mình xong, mọi người cùng sám hối chung.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

chúng con xin dâng lời chúc tụng vì Chúa đã đến

cho mọi người được giao hòa với Thiên Chúa

là Thân Phụ của Chúa và cũng là Cha chúng con,

xin Chúa thương xót chúng con. đ/

Chúng con xin dâng lời chúc tụng

vì Chúa là người tôi trung nhưng trong cuộc sống trần gian

Chúa đã chấp nhận thành hiện thân của tội lỗi

cho chúng con nhờ Chúa mà được nên thánh,

xin Chúa thương xót chúng con. đ/

Chúng con xin dâng lời chúc tụng

vì luôn hiệp nhất với Chúa Thánh Thần,

Chúa ngự bên hữu Chúa Cha

để dẫn đưa chúng con đến với Ngài,

xin Chúa thương xót chúng con. đ/

9. Xong, chủ sự đọc lời nguyện :

Lạy Chúa là Thiên Chúa nhân từ,

Chúa không muốn các tội nhân phải chết,

nhưng muốn cho họ ăn năn trở lại và được sống ;

xin thương nhận lời thú tội của chúng con

và rộng lòng thương xót chúng con

đang cầu nguyện như Con Chúa đã dạy :

Lạy Cha chúng con …

10. Chủ sự đọc lời cầu chúc :

Nguyện xin Chúa Thánh Thần

ban ơn soi sáng tâm hồn anh chị em,

để anh chị em tin tưởng xưng thú các tội lỗi

và nhận biết lòng nhân từ của Chúa.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. đ/ Amen.

XƯNG TỘI

11. Rồi mọi người đi xưng tội, nhận lời xá giải và làm việc đền tội riêng.

TẠ ƠN

12.Nếu thuận tiện, thì sau khi đã lãnh nhận ơn giao hòa, cộng đoàn quy tụ lại để cùng nhau ca ngợi lòng từ bi của Thiên Chúa. Có thể hát thánh ca “Linh hồn tôi tung hô Chúa” (Magnificat) hay bài ca nào khác.

13.Lời nguyện và phép lành.

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con,

Chúa đã tha tội và ban bình an của Chúa cho chúng con ;

xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình yêu thương :

mà không ngừng tha thứ cho nhau

và xây dựng hòa bình trong thế gian.

Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. 

đ/ Amen


Chúa ở cùng anh chị em. đ/

Xin Chúa Cha là Đấng đã sinh ra chúng ta

để được sống muôn đời

ban phúc lành cho anh chị em. đ/

Xin Chúa Con là Đấng đã chết và sống lại

ban ơn cứu độ cho anh chị em. đ/

Xin Chúa Thánh Thần

là Đấng đã được ban xuống trong lòng chúng ta

và dẫn đưa chúng ta trên đường ngay nẻo chính,

ban ơn thánh hóa anh chị em. đ/ 

Và xin Thiên Chúa toàn năng

là Cha và Con và X Thánh Thần

ban phúc lành cho anh chị em. đ/

Chúc anh chị em đi bình an

và loan báo cho mọi người

biết những việc lạ lùng của Chúa là Đấng cứu độ chúng ta. đ/ Tạ ơn Chúa.

14. Hát kết thúc cử hành thống hối.

 

 

Lm. Giuse Trần Ngọc Liên

Chủng Viện Minh Hòa

Giáo Phận Đàlạt


Phung Vu