Cử chỉ và điệu bộ của thân xác khi cầu nguyện

conggiao.info 4/2/2013 11:08:31 PM

[Xem thêm Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma 2002, số 42-44]

Có thể nói Kitô giáo là một tôn giáo nhập thể, “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm” (Ga 1,14). Qua Bí Tích Rửa Tội, thân xác đã trở nên Đền Thờ của Chúa Thánh Thần và chờ đợi ngày Phục Sinh. Con người được dựng nên và được cứu rỗi cả hồn lẫn xác, do đó, Phụng vụ không thể bỏ qua chiều kích “thân xác”. Các cử chỉ bên ngoài của thân xác nó biểu lộ một tâm tình sâu kín của tâm hồn. Một cử hành phụng vụ được xem như tích cực, ý thức và linh động phải được người cử hành diễn tả những tâm tình tình bên trong qua các thái độ, cử chỉ của thân xác. Ngay cả khi phụng vụ latinh hiện đại có xu hướng lãng quên, nhưng tính đa dạng và ý nghĩa của thái độ cần phải có trong phụng vụ luôn được xác nhận qua truyền thống.

1. Đứng:

 là trạng thái căn bản trong phụng vụ. Tư thế này đã được xem là tư thế cầu nguyện của người Do Thái, sách Tin Mừng đã chứng minh điều đó: “Khi anh em đứng cầu nguyện…(Mc 11,25); “Người Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng…”(Lc 18,11). Trạng thái đứng cầu nguyện cũng được các cộng đoàn Hội Thánh sơ khai thực hành. Đứng, trước tiên được hiểu đơn giản như trạng thái tôn trọng: đứng khi chủ sự bắt đầu buổi cử hành, đứng khi nghe công bố Tin Mừng, cũng như xưa dân Israel đứng để lắng nghe Lời Chúa (x. Nk 8,5). Đứng còn là trạng thái biểu trưng của sự phục sinh: được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi sự chết, không còn là nô lệ, nhưng là con, do đó, con người có thể đứng trước mặt Thiên Chúa với niềm tin tưởng của người con được tự do. Các Kitô hữu đầu tiên đã sử dụng động từ hy-lạp: “chỗi dậy” “đứng thẳng” để nói về sự phục sinh, và các giáo phụ nghiêm cấm quỳ gối trong khi cử họp nhau ngày thứ nhất trong tuần và trong mùa Phục Sinh (x. Justin, Apologie 1,67,5 ; Tertullien, De la prière 23 ; Cyprien, De la prière du Seigneur 31 ; Basile, Traité du Saint Esprit 27…). Và cuối cùng, đứng mang một ý nghĩa cánh chung: Đây chính là trạng thái của người chờ đợi ngày Cánh Chung, ngày mà “anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” theo lời dạy của Chúa Giêsu (Lc 21,28), và các người được tuyển chọn “đứng trước ngai và trước Con Chiên” (Kh 7,9). 

2. Ngồi:

là trạng thái của người lắng nghe: “Maria, cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (Lc 10,39). Trừ bài Tin Mừng, trong thánh lễ, ngồi để nghe các bài đọc và bài giảng. Ngoài ra, ngồi trong khi nguyện gẫm hoặc chiêm ngắm trong thinh lặng…

3. Cúi mình, phủ phục:

là những thái độ rất đặc biệt. Mặc dù phủ phục là trạng thái thường được nói đến trong Thánh Kinh. Nhưng trong phụng vụ Roma, phủ phục chỉ được sử dụng trong nghi lễ phong chức và tuyên khấn khi hát kinh cầu các Thánh. Ngoài ra có thể phủ phục (hoặc quỳ) khi linh mục chủ sự nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Trong khi đó, cúi mình là thái độ thường xuyên nhất và mang nhiều ý nghĩa. Cúi mình sâu khi đọc Vinh Tụng Ca (kinh Sáng Danh) sau mỗi thánh vịnh: ca tụng vinh quang Thiên Chúa ; và cúi mình bày tỏ tâm tình thờ lạy và tôn kính, chẳng hạn khi linh mục giơ cao Mình Thánh Chúa hoặc đến trước Thánh Thể. 

4. Quỳ gối:

là cử chỉ của người sám hối. Theo thánh Basile, trạng thái quỳ gối muốn nói rằng “chính tội lỗi ném chúng ta xuống đất” (Basile, Traité du Saint Esprit 27). Thái độ này thích hợp khi nhận lãnh bí tích Giải Tội hoặc trong khoảng thời gian cầu nguyện cá nhân. Trạng thái quỳ cũng được thực hành nhiều khi tôn thờ Bí Tích Thánh Thể. 

5. Ghi (vẽ) dấu Thánh Giá nhỏ (đơn) trên trán:

đã xuất hiện khá sớm trong các nghi lễ Rửa Tội. Việc làm này nói như dấu chỉ sự thuộc trọn về Chúa Kitô và tin và cái chết và sự phục sinh của Người. Mỗi tín hữu tự mình vẽ lại dấu thánh giá trên thân xác mình. Dấu thánh giá cũng được sử dụng khá sớm như một cử chỉ ban phép lành. Nhưng dấu thánh giá lớn (kép) mà người tín hữu tự vẽ trên trán, trên ngực và trên hai vai (từ trái sang phải đối với người Công Giáo, từ phải sang trái đối với người Chính Thống) là một cử chỉ hiện đại. Việc làm này vừa khai mở mọi cử hành phụng vụ “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, vừa gợi nhớ lại mầu nhiệm Cứu Chuộc nhờ bởi cây thập giá của Chúa Kitô và cũng vừa tuyên xưng vào một Thiên Chúa Ba Ngôi. Do đó, tín hữu có thể thực hiện điều này trong khi cử hành phụng vụ, mỗi khi làm đều niệm công thức Ba Ngôi. Anh em Kitô Đông Phương, khi vẽ dấu thánh giá trên mình với ba ngón tay chụm lại (ngón cái, danh, giữa) với ý nghĩa sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Dấu thánh giá cũng được liên kết với bài Tin Mừng (vẽ trên sách), Lời Chúa Kitô hằng sống, và cũng được thực hiện trong kinh nguyện Thánh Thể (vẽ trên bánh và rượu trước lời truyền phép). Ngoài ra, dấu thánh giá cũng được vẽ trên mình khi cử hành Kinh Thần Vụ, trước hát thánh ca Tin Mừng được rút ra từ Tin Mừng Luca 1 và 2: Bénédictus, Magnificat và Nunc dimittis. 

6. Giơ hai tay khi cầu nguyện:

là một cử chỉ được thực hiện khi cầu nguyện trong truyền thống Thánh Kinh (Xh 17, 9-12; Is 1,15 ; và nhiều Thánh Vinh:Mệnh lệnh Ngài con giơ tay đón nhận, Thánh Chí Ngài, con sẽ ngẫm suy” (Tv 119,48); “Hãy giơ tay hướng về Cung Thánh mà dâng lên lời chúc tụng Người” (134, 2), “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan, và tay tôi giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều” (Tv 141,2). Cử chỉ này cũng được các Kitô hữu đầu tiên thực hành. Các bức tranh thánh cũng phản ánh lại thái độ của người cầu nguyện giơ hai cánh tay lên cao, hai bàn tay mở ra, hoặc hai lòng bàn tay hướng lên trời…Đây cũng chính là cử chỉ khi đọc kinh Lạy Cha. Cử chỉ này muốn nói rằng của lễ mà người tín hữu muốn dâng lên Thiên Chúa Cha luôn nhờ lời cầu nguyện của Chúa Con. 

Cầu nguyện với hai tay vươn lên trời cũng chính là cử chỉ đi kèm theo lời cầu nguyện chuyển cầu mà Môisen đã thực hiện trong thời Xuất Hành, nhờ cử chỉ này mà dân được tuyển chọn đã chiến thắng (Xh 17,11). Giơ tay cầu nguyện còn là lời chúc tụng và ngợi khen (Tv 34). Giơ hai tay lên trời khi cầu nguyện đối với người tín hữu còn một ý nghĩa là liên kết lời cầu nguyện của họ với lời cầu nguyện của Chúa Kitô, cánh tay giang ra trên thập giá. 

Sau cùng, hãy lắng nghe lời khuyên của thánh Phaolô: “Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào,tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giân hờn, không xung khắc” (1 Tm 2,8). 

Lm. Gs. Lê Ngọc Ngà

 


Phung Vu