XI

Việc thanh luyện ký ức

qua bí tích thống hối và hòa giải

trong Năm Thánh 2000

 

Trong mấy văn kiện về Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha đương kim dùng một kiểu nói, đó là việc Thanh luyện ký ức”. Vậy chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của kiểu nói này và kiểu nói này có liên hệ gì tới Bí tích Thống hối và hòa giải không ?

Đây là một điều thật thích hợp và ý nghĩa, nhất là khi chúng ta vừa mới bắt đầu Năm Đại Hồng Ân, Năm Thánh 2000, tại Rôma và tại các Giáo Hội Địa phương và khi chúng đi xưng tội trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Nói tới Kiểu nói Thanh luyện ký ức”, chúng ta lại nhớ rằng : Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn dùng một kiểu nói khác liên hệ tới ký ức, đó là kiểu nói : làm sống lại ký ức lịch sử”. Kiểu nói sau này, thường được dùng trong các bài diễn văn của những dịp gặp gỡ đại kết, hoặc những dịp liên hệ tới các cuộc chiến tranh gây ra những tổn thất bất công, hoặc đối với những chế độ có nhiều chính sách đàn áp, hạ giá con người và phẩm giá con người.

Riêng về kiểu nói : Thanh luyện ký ức”, chúng ta đọc được cách rõ ràng trong Sắc chỉ Công bố Năm Đại Hồng Ân, Năm Thánh 2000, với tựa đề : “Mầu nhiệm Nhập thể” (Bulla Incarnationis Mysterium (NT), ban hành ngày 29-11-1999). Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha đã nhắc lại ba dấu chỉ thường có trong các Năm Thánh, là (1) đi hành hương, (2) việc đi qua cửa thánh và (3) việc lãnh nhận ân xá. Thêm vào ba dấu chỉ truyền thống này, Đức Thánh Cha còn thêm ba dấu chỉ đặc biệt trong Năm thánh 2000, đó là (1) thanh luyện ký ức, (2) chứng từ bác ái và (3) tưởng niệm các chứng nhân đức tin trong thế kỷ 20. Đức Thánh Cha cũng đã nói tới ba dấu chỉ này trong Tông thư về Năm thánh Tiến tới Thiên niên kỷ thứ ba, ở các số 33 về thanh luyện ký ức ; số 37 về việc làm sống lại các gương tử đạo của ngàn năm thứ hai ; và số 51 về chứng từ bác ái, nhất là đối với người nghèo.

Như vậy khi cử hành Năm Thánh này, chúng ta không được quên các dấu hiệu mới này, song song với các dấu hiệu truyền thống. Hôm nay tôi nói về dấu chỉ thanh luyện ký ức, nhất là trong phạm vi Bí tích Thống hối và hòa giải.

Đó là đại cương vấn đề qua các văn kiện của Đức Thánh Cha liên hệ tới các dấu chỉ của Năm Thánh, trong đó có dấu chỉ : thanh luyện ký ức. Bây giờ chúng ta tìm hiểu trực tiếp cho biết ý nghĩa của kiểu nói này. Theo sự hiểu biết thông thường, tại sao không nói là việc ăn năn thống hối và trở lại với Thiên Chúa, như vậy có vẻ đơn sơ dễ hiểu hơn không, mà dùng kiểu nói thanh luyện ký ức này ?

Có hai lý do để Đức Thánh Cha dùng kiểu nói thanh luyện ký ức : trước tiên, vì như vậy kiểu nói này đi song song với kiểu nói : làm sống lại ký ức lịch sử ; lý do thứ hai là vì kiểu nói thanh luyện ký ức có tính cách rộng lớn về đối tượng và về các người phải thực hiện, về cách thức thanh luyện, hơn là việc ăn năn hối cải mà mỗi tín hữu phải làm.

Về đối tượng phải thanh luyện : đây là tất cả những lỗi lầm trong qua khứ, như những bất trung, những chia rẽ, những trì trệ (xc. Tông thư Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba (=TNKB), s. 33) ; những tội phạm tới sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn cho Dân Ngài phải có (xc. TNKB, s. 34)  đó là những tội tập thể.

Về chủ thể thanh luyện : là toàn thể Giáo Hội trong Năm Thánh này. Đức Thánh Cha nói như sau : Do đó, trong khi Ngàn năm thứ hai của Kitô giáo đến hồi kết thúc, thật là thích hợp khi Giáo Hội mang lấy tội lỗi của con cái mình… Mặc dù thánh thiện nhờ sát nhập với Đức Kitô, Giáo Hội không ngừng sám hối : Giáo Hội luôn luôn thừa nhận trước Thiên Chúa và trước con người những con cái tội lỗi của mình…. Giáo Hội vừa thánh thiện, vừa được kêu gọi thanh luyện và không ngừng nỗ lực sám hối và đổi mới” (TNKB, s. 33).

Về cách thế thanh luyện ký ức : Việc thánh luyện ký ức bao gồm một việc tưởng nhớ trong ký ức các lỗi lầm của mình, và bao gồm hành động đạo đức và sự dấn thân thực sự và liên tục để thanh luyện, loại bỏ và hoàn bị trong tương lai. Đàng khác, cần phải tạo ra nơi tất cả các tín hữu nỗ lực ước ao nên thánh thực sự, lòng ước muốn mạnh mẽ hoán cải và đổi mới bản thân, trong một bầu không khí cầu nguyện chăm chỉ hơn và liên đới hơn trong việc tiếp đón người khác, đặc biệt những người nghèo khổ nhất (xc. TNKB, s. 42) hoặc ý chí cương quyết chọn lựa điều tốt (xc. TNKB, s. 50).

Như vậy chúng ta nhận thấy việc thanh luyện ký ức có một ý nghĩa rộng lớn và mời gọi mọi phần tử Giáo Hội tích cực dấn thân hơn.

Trong cái nhìn trên đây về việc thanh luyện ký ức, thì bí tích thống hối và hòa giải có ý nghĩa nào ? Trong cái nhìn này, thì Bí tích Thống hối và hòa giải được coi như là tột đỉnh của việc thanh luyện ký ức của Giáo Hội. Điều này có nghĩa là tất cả tiến trình thanh luyện ký ức trên đây sẽ có trọn ý nghĩa khi được hoàn tất tron bí tích thống hối và hòa giải. Chính vì thế Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi các tín hữu hãy chuyên cần học hỏi để tái khám phá và nhiệt tâm cử hành bí tích này (xc. TNKB, s. 50). Rồi chính Ngài đã giải thích tầm mức quan trọng của bí tích thống hối và hòa giải, như là một phương thế đem cho con người một khả thể mới để hoán cải và lãnh nhận ơn công chính hóa (xc. NT, s. 9) ; tín hữu có lại được sự tham dự trọn vẹn vào cuộc sống của Giáo Hội (ibidem) ; trong bí tích này tín hữu lãnh nhận thực sự ơn tha thứ (ibidem) ; một sự thanh luyện đích thực (ibidem) ; việc thanh luyện bí tích làm cho việc thanh luyện ký ức có được một ý nghĩa (ibidem). Đức Thánh Cha đã dùng đi dùng lại những kiểu nói này liên hệ tới việc thanh luyện qua Bí tích Thống hối và hòa giải.

Tòa Ân Giải tối cao, trong sắc lệnh quy định việc lãnh nhận ân xá trong Năm Thánh (=AX), đã khai triển tư tưởng trên đây của Đức Thánh Cha như sau : Chính vì thế con đường tiến đi trong Năm thánh, được chuẩn bị qua việc hành hương, nhận ra nơi việc cử hành bí tích thống hối và hòa giải như là điểm khởi hành và điểm tới” (AX). Điều này có nghĩa là việc cử hành Bí tích Thống hối và hòa giải được coi như là nguồn mạch ban ơn thanh luyện và ơn can đảm để thanh luyện ; đàng khác khi tín hữu được thanh luyện qua Bí tích Giải tội, họ cần sống đời sống đức tin cách chân thực hơn trong ý nghĩa trọn vẹn của nó. Đây là khía cạnh sinh động của việc thanh luyện trong Bí tích Giải tội, không phải chỉ vào tòa xưng thú các tội để được tha thứ, nhưng còn cần tiếp tục canh tân và thanh luyện trong đời sống hằng ngày. Rồi Bí tích Giải tội cũng là điểm tới của hành trình thanh luyện ký ức, vì chính bí tích này sẽ hoàn tất hành trình thanh luyện của tín hữu và của Giáo Hội. Chính vì vậy, Tòa ân giải tối cao nhấn mạnh rất nhiều về việc lãnh nhận Bí tích Thống hối và hòa giải để có thể lãnh nhận ân xá trong Năm Thánh, không phải như một điều kiện để lãnh nhận ân xá mà thôi, nhưng là một phương thế canh tân đời sống đức tin của mỗi người.

Ngoài ý nghĩa trên đây, trong cái nhìn về việc thanh luyện ký ức, Bí tích Thống hối và hòa giải còn có ý nghĩa nào khác nữa.

Với cái nhìn việc thanh luyện ký ức như là một việc làm cần được thực hiện với nhiều đối tượng có tính cách rộng lớn hơn, như những thiếu sót về thái độ của con người đối với Thiên Chúa, với xã hội, hoặc thống hối vì những bất trung, thì việc cử hành và lãnh nhận Bí tích Thống hối và hòa giải phải giúp người tín hữu ý thức về những bổn phận tôn giáo và xã hội cách bao trùm rộng lớn hơn. Vì thế khi kiểm điểm đời sống, khi xét mình trước khi đi xưng tội, hối nhân không chỉ xét xem đã phạm tội gì, phạm mấy lần, như chúng ta đã được dạy cho khi theo lớp giáo lý vỡ lòng, mà họ còn phải nhìn hành động tội của mình trong toàn thể công việc cứu rỗi của Chúa Kitô, trong toàn thể sinh hoạt của cộng đoàn và trong xã hội. Khi xét mình như thế, chúng ta sẽ nhận cái mức độ liên đới của mình với người khác, của tội mình phạm trong liên hệ với cộng đoàn và xã hội. Điều này có được, khi chúng ta đọc lời Chúa trước khi xưng tội và các buổi cử hành thống hối chung.

Trong khía cạnh mục vụ, nhất là trong Năm Thánh này cũng như trong Mùa Chay Thánh, chúng ta sẽ thực hiện việc thanh luyện ký ức như thế nào và cử hành Bí tích Thống hối và hòa giải ra sao ?

Câu hỏi này đưa vấn đề vào cụ thể. Tuy nhiên khi vào cụ thể, thì hoàn cảnh lại khác nhau. Vậy ở đây tôi chỉ đưa ra mấy điểm có tính cách chung mà thôi.

1) Trước tiên, mỗi người cần nhớ lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha về việc thanh luyện ký ức trong Năm Thánh này. Nếu chúng ta sốt sắng đi lãnh nhận ân xá tại các nhà thờ đã được chỉ định, thì chúng ta không được phép quên việc thanh luyện ký ức, canh tân và trở về trong đời sống đức tin. Năm Thánh là một Năm vui mừng vì hồng ân cứu độ của Chúa Kitô, nhưng cũng là một Năm trở về liên tục với Thiên Chúa. Điều này cần được giải thích nhiều trong các lớp giáo lý, trong các dịp hành hương. Nếu chúng ta sẵn sàng bỏ một ngày đi bộ hành hương đến nhà thờ chỉ định, ăn chay trong ngày đó, bố thí trong ngày đó, nhưng sau đó, chúng ta không tiếp tục thanh luyện ký ức tội lỗi và canh tân trờ về với Thiên Chúa, thì việc sống Năm Thánh chưa hoàn toàn.

2) Điểm thứ hai tôi muốn đề nghị ở đây, đó là việc đọc lời Chúa trước khi đi xưng tội và việc cử hành thống hối chung, nhất là khi đi hành hương theo nhóm. Lời Chúa sẽ cho ta ánh sáng để nhìn ra ý nghĩa đích thực của tội trong toàn theo kế đồ cứu rỗi của Thiên Chúa. Cử hành thống hối chung sẽ giúp chúng ta nhận ra liên hệ của tội với cộng đoàn và gương thống hối của người khác sẽ thúc đẩy chúng ta.

3) Sau cùng, việc lãnh ơn xá, nếu có thể được, nên tổ chức chung, hay ít ra một đôi lần chung với nhau trong giáo xứ hay đoàn thể hoặc cộng đoàn. Và khi đi hành hương lãnh ân xá, nên chuẩn bị trước qua việc học hỏi một số đề tài như về Công Đồng Vaticanô II, sách giáo lý chung,…, có sự ăn chay trước và dành số tiền cho người nghèo ; có các hoạt động bác ái, xã hội chung với nhau, có sự chia sẻ, thông cảm giữa những người đang xích mích với nhau trong gia đình hay trong giáo xứ, sau cùng là cùng nhau lên đường hành hương, nếu có thể được thì đi bộ như các lữ khách thời xưa đến Rôma để lãnh ân xá ; hoặc nếu đi xe chung, thí ít ra có đi bộ một đoạn đường như một cuộc kiệu tới nhà thờ, với việc đọc Kinh Cầu Các Thánh, hát thánh vịnh lên đường hoặc thống hối. Khi đến nhà thờ, cử hành thánh lễ hay một việc đạo đức bình dân nào đó.

Tiến trình thanh luyện ký ức cần làm luôn nhất là trong Năm Thánh này và trong Mùa Chay thánh. Mỗi người thực hiện riêng cho mình và cùng với cộng đoàn cùng nhau thức hiện công việc này.

 

Rôma, ngày 12.01.2000


Mục Lục Giới Thiệu Năm Phụng Vụ: Mùa Chay Thánh