THÔNG ĐIỆP "MYSTERIUM FIDEI"

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI

 

Thông điệp gồm 75 số và được ban hành ngày 3/9/1965 này, sau phần dẫn nhập, có thể được chia thành 4 phần chính :

- THÁNH THỂ LÀ MẦU NHIỆM ĐỨC TIN

- THÁNH LỄ THỂ HIỆN LỄ TẾ THẬP GIÁ

- SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA TRONG THÁNH THỂ

- VIỆC TÔN SÙNG THÁNH THỂ

 

Trong phần dẫn nhập, Đức Giáo Hoàng diễn tả niềm phấn khởi và một số ưu tư của Ngài. Khẳng định sự quí giá của Bí tích Thánh Thể là mầu niệm đức tin, là bảo chứng tình mến bao la Đức Kitô dành cho Hội Thánh, là kho tàng vô giá của Hội Thánh, Đức Giáo Hoàng phấn khởi trước những điểm tích cực mà bí tích này có được :

Trước hết, nó được Công đồng đề cao : khi bàn đến việc canh tân Phụng vụ, Công đồng Vaticanô II - nhìn nhận Thánh Thể là trung tâm và trái tim của Phụng vụ, là nguồn mạch ban sự sống - đã chú tâm vào điểm chính yếu là khuyến khích tín hữu tham dự cách tích cực vào việc cử hành Thánh Thể, bằng cách sâu xa tin mến mầu nhiệm này, bằng cách dâng lên Thiên Chúa như hy tế cứu độ, bằng cách lãnh nhận Thánh Thể như thần lương nuôi dưỡng linh hồn.

Đồng thời Công đồng đề cao khía cạnh hy tế là chính yếu tính của thánh lễ và khía cạnh bí tích của thánh lễ mà tín hữu thông dự vào khi hiệp lễ.

Đức Giáo Hoàng tin tưởng rằng cuộc canh tân Phụng vụ sẽ đẩy mạnh lòng tôn sùng bí tích Thánh Thể, nhờ đó Hội Thánh sẽ dễ đạt đến sự hiệp nhất và sự đại kết. Ngài vui mừng và tin tưởng vì thấy con cái Hội Thánh nong nả đón nhận hiến chế Phụng vụ và cuộc canh tân Phụng vụ, cũng như thấy nhiều tác phẩm giá trị được ấn hành, giúp đào sâu đạo lý liên quan đến Thánh Thể.

Bên cạnh niềm phấn khởi đó, Đức Giáo Hoàng nêu lên một số ưu tư, vì có những người quảng bá những ý kiến làm xao động đức tin của tín hữu, làm cho đạo lý cổ truyền của Hội Thánh bị quên lãng, hoặc làm giảm nhẹ ý nghĩa của những khái niệm từng được xử dụng từ lâu đời trong Hội Thánh. Cụ thể là :

- Đề cao thánh lễ "cộng đồng", coi rẻ thánh lễ riêng tư

- Coi việc Đức Giêsu hiện diện trong Thánh Thể chỉ có tính cách bí tích mà thôi, chứ không phải là thật sự

- Diễn tả khác trước kia về sự chuyển bản thể

- Cho là Đức Giêsu không còn hiện diện ngoài lúc cử hành thánh lễ và trong những Mình Thánh Chúa còn dư.

Ngài nhìn nhận thiện chí của những cá nhân này, vì họ muốn đào sâu ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể và muốn trình bày cho hợp tâm thức người thời nay, nhưng Ngài coi đây là những sự phương hại trầm trọng đến đức tin, đến việc tôn sùng Thánh Thể đang có nhiều triển vọng được hồi phục và Ngài không thể im lặng trước những lệch lạc này.

Đến đây, thông điệp của Ngài đi vào 4 phần chính :

I. THÁNH THỂ LÀ MẦU NIỆM ĐỨC TIN

Thái độ đầu tiên cần có, đó là nhớ sự thật căn bản này để khỏi lây nhiễm thuyết duy lý : Thánh Thể là một mầu nhiệm, và đúng hơn, một mầu nhiệm đức tin, "chứa đựng nhiều điều kỳ diệu và hết mọi thực tại siêu nhiên" (Đức Lêô 13).

A. Nghĩa là khi tiếp cận, người ta không nên chỉ dựa vào lý luận phàm nhân, nhưng có một lòng tôn trọng khiêm tốn và gắn chặt vào mạc khải của Chúa.

- Thánh Chrysostome nói hãy cúi mình trước Thánh Thể và tin vào những lời Chúa nói, như cúi mình trước Thiên Chúa vậy.

- Thánh Tôma và thánh Clêmentê nói đừng dựa vào giác quan, mà hãy dựa vào đức tin và những lời sự thật của Chúa.

- Thánh Bônaventura nói tin Đức Giêsu hiện diện thật trong Thánh Thể như đang hiện diện thật trên trời mới là có công phúc.

- Và chính Tin Mừng cho thấy ngay từ đầu, tin đã là khó, chỉ thánh Phêrô và các tông đồ ở lại, vì nhận Chúa mới có những lời ban sự sống đời đời.

Bởi đó khi tìm hiểu Mầu nhiệm này, cần theo huấn quyền của Hội Thánh, vì Hội Thánh được Đức Kitô ban quyền gìn giữ và giải thích Lời Chúa.

B. Đồng thời còn phải giữ sự chính xác trong cách diễn tả, sợ việc xử dụng một số từ ngữ gợi ra những ý tưởng sai lạc đối với đức tin trong các mầu nhiệm cao cả.

- Thánh Tôma dạy : để nói về những điều được diễn tả bằng các từ ngữ, các kitô hữu phải lựa cách nói khác với cách nói tự do của các triết gia.

- Ta nên nhớ : sau một công việc dài lâu, có Thánh Thần trợ giúp, Hội Thánh đã ấn định một qui phạm về ngôn ngữ, không ai đuợc tự tiện thay đổi. Dĩ nhiên có thể giải thích, làm rõ nghĩa, nhưng phải trong cùng một hướng như lúc chúng được chọn.

II. THÁNH LỄ THỂ HIỆN LỄ TẾ THẬP GIÁ

A. Đến đây, Đức Giáo Hoàng nhắc lại đạo lý truyền thống của Hội Thánh về Thánh Thể, nhắc lại điều có thể được gọi là sự tổng hợp và đỉnh cao của giáo huấn của Hội Thánh : đó là trong mầu nhiệm Thánh Thể, hy tế Thập giá trên Núi Sọ được thể hiện cách kỳ diệu để ta tưởng niệm và để hiệu quả cứu độ của nó được áp dụng cho ta.

- Đạo lý này bắt nguồn từ chính Đức Giêsu, khi Người thiết lập mầu nhiệm Thánh Thể làm Giao ước mới, mà Người vừa là trung gian ký kết, vừa là Con Chiên chịu tế sát để niêm ấn - khi Người truyền cho các tông đồ cử hành hy tế này để nhớ đến Người, để cử chỉ của Người được vĩnh viễn tái diễn.

- Đạo lý này cũng được hỗ trợ bởi thánh Phaolô, khi người không chấp nhận việc tín hữu Côrintô tham dự hy tế Thánh Thể mà còn tham dự hy tế dâng cho ma quỉ.

- Ngoài ra đạo lý này được tìm thấy trong ý hướng của Hội Thánh, trong nhiều chứng từ, chẳng hạn của thánh Xyrilô thành Giêrusalem, thánh Augustinô, nhìn nhận Đức Giêsu là lễ tế mới của Giao ước, là của lễ đền tội, là hy tế cứu độ mà Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa để xin ơn tha tội, để cầu cho mọi nhu cầu, cầu cho kẻ sống người chết.

B. Về khía cạnh hy tế này, dựa vào lời dạy của Giáo phụ (như thánh Augustinô), của Đức Piô XII, của Công đồng Vaticanô II trong hiến chế về Hội Thánh, cần thêm một điểm giúp hiểu Mầu nhiệm Hội Thánh hơn : đó là tất cả Hội Thánh cùng với Đức Kitô đảm nhận vai trò làm tư tế và làm của lễ, tất cả Hội Thánh vừa dâng hy tế của thánh lễ, vừa dâng hiến chính mình trong thánh lễ.

- Đây là đạo lý thích hợp nhất để nuôi dưỡng lòng sùng mộ Thánh Thể, để đề cao phẩm giá của mọi tín hữu, để thôi thúc mọi người đạt tới tột đỉnh sự thánh thiện, hệ tại ở việc quảng đại dâng hiến bản thân phục vụ Thiên Chúa.

- Đây cũng là đạo lý chứng thực tính cách công cộng và xã hội của mọi thánh lễ :

+ Một thánh lễ riêng do chính linh mục cử hành không là "tư riêng", nhưng là hành động của Đức Kitô và Hội Thánh. Trong hy lễ mình dâng, Hội Thánh đã học tế dâng chính mình làm hy tế phổ quát, áp dụng hiệu năng cứu chuộc cho phần rỗi của toàn thế giới. Vì mọi thánh lễ đều được dâng vì phần rỗi của toàn thế giới, chứ không phải của một số người.

+ Bởi đó, tuy thánh lễ có đông giáo dân rất đáng cổ võ, nhưng thánh lễ riêng (chỉ có linh mục và một người giúp lễ) vẫn đáng tán thành. Vì thánh lễ này mang lại nhiều ơn cho bản thân linh mục và cho Dân Chúa hơn là nguyên việc rước lễ mà thôi.

+ Cũng bởi đó, xin các linh mục là những người khi chịu chức đã nhận quyền dâng hy tế cho Thiên Chúa và dâng lễ cầu cho kẻ sống người chết, hãy cử hành thánh lễ mỗi ngày cách xứng đáng và sốt sắng, để chính mình và các tín hữu được hưởng nhờ hoa trái dồi dào của hy tế thập giá, và để giúp cả nhân loại được cứu độ.

III. CHÚA HIỆN DIỆN CÁCH BÍ TÍCH TRONG HY TẾ THÁNH LỄ

A. ĐỨC GIÊSU HIỆN DIỆN CÁCH BÍ TÍCH

Cùng lúc với việc tế dâng mình trong hy tế thánh lễ, Đức Giêsu cũng bắt đầu hiện diện cách bí tích (nhờ hiệu quả của những lời truyền phép) như lương thực thiêng liêng của tín hữu dưới hình bánh và hình rượu.

1. Có nhiều cách Đức Kitô hiện diện cho Hội Thánh Ngài

10. Ngài hiện diện với Hội Thánh cầu nguyện

- Vì Ngài cầu nguyện cho ta, với tư cách là tư tế của ta - vì Ngài cầu nguyện trong ta, với tư cách là Thủ lãnh của ta - vì Ngài là Đấng được ta cầu xin, với tư cách là Thiên Chúa của ta (thánh Augustinô).

- Và vì nơi nào có kẻ tin tụ họp cầu nguyện thì có Ngài hiện diện.

20. Ngài hiện diện với Hội Thánh làm những việc từ thiện

- Chẳng những vì khi ta làm việc thiện cho một anh em hèn mọn là ta làm cho chính Đức Kitô.

- Mà còn vì chính Đức Kitô đang cứu giúp con người qua trung gian Hội Thánh Ngài.

30. Ngài hiện diện với Hội Thánh lữ hành đang khát mong đạt đến đời sống vĩnh cửu.

- Vì khát mong tức là tin, mà khi ta tin thì Ngài cư ngụ trong lòng ta.

- Vì khát mong là mến, lòng mến đó do chính Ngài đổ xuống lòng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho ta.

40. Ngài hiện diện với Hội Thánh rao giảng : vì lời Hội Thánh loan báo là Lời Thiên Chúa, được công bố nhân danh Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, để qui tụ một đoàn chiên dưới quyền một chủ chăn.

50. Ngài hiện diện với Hội Thánh điều khiển dân Chúa, vì quyền thánh thiêng xuất phát từ Đức Kitô, và vì Đức Kitô mục tử trợ giúp các chủ chăn.

2. Nhưng một cách cao vời hơn, Đức Kitô hiện diện cho Hội Thánh cử hành hy tế thánh lễ và ban phát bí tích nhân danh Ngài.

- Vì hy tế mà linh mục hiến dâng trong hiện tại là chính hy tế Đức Kitô đã trao phó cho các môn đệ Ngài, hy tế ấy thánh thiện không do sự thánh thiện của những con người mà do sự thánh thiện của Đấng làm cho nó nên thánh thiện.

- Lý do thứ hai : các bí tích là những hành động của Đức Kitô đang ban phát qua trung gian những con người, chúng thánh thiện tự chúng và thông ban ơn thánh cho người lãnh nhận.

3. Ta kinh ngạc trước những cách Đức Kitô hiện diện trong Hội Thánh và nhân đó ta có dịp chiêm ngắm chính mầu nhiệm Hội Thánh. Nhưng hơn thế, cách Đức Kitô hiện diện trong Thánh Thể thật là cách thức vừa khác vừa cao vời, khiến Thánh Thể trở thành bí tích dịu dàng nhất cho việc sùng kính, tuyệt mỹ nhất cho sự hiểu biết và thánh thiện nhất vì những gì nó chứa đựng (Gilles de Rome) - Nó chứa đựng chính Đức Kitô, nó là sự trọn hảo của đời sống thiêng liêng, là cứu cánh của mọi bí tích (thánh Tôma).

B. TÍNH BIỂU TƯỢNG THÁNH THỂ

Sự hiện diện của Đức Kitô trong Thánh Thể là sự hiện diện "có thật", không phải theo nghĩa là những sự hiện diện của Ngài ở những nơi khác không có thật, nhưng theo nghĩa đây là sự hiện diện bản thể (substantiel) và toàn thân của Đức Kitô, vị Người - Chúa.

Về điểm này, người ta giải thích sai khi cho là thân xác Đức Kitô vinh hiển chỉ có một thứ hiện diện "thuộc về Thần Khí" (pneumatique) hoặc có tính cách biểu tượng mà thôi, nghĩa là một sự hiện diện chỉ ở mức một dấu chỉ, một dấu chỉ tượng trưng cho sự hiện diện thiêng liêng của Đức Kitô, tượng trưng cho sự kết hợp mật thiết của Ngài với các tín hữu.

1. Dĩ nhiên Thánh Thể có mang một tính biểu tượng và tính biểu tượng này đã được các Giáo phụ và các nhà Kinh viện tìm hiểu nhiều, nhất là trong tương quan với sự hiệp nhất của Hội Thánh.

10. Chẳng hạn theo Công đồng Trentô, Đức Kitô để lại Thánh Thể cho Hội Thánh Ngài như biểu tượng của sự hiệp nhất của Hội Thánh, của sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, và do đó như một biểu tượng của Nhiệm thể mà Ngài là Đầu.

20. Sách Điđakê thấy sự kiện tấm bánh được làm nên do muôn ngàn hạt lúa tản mác là hình ảnh sự tập họp của Hội Thánh.

30. Thánh Xyprianô cũng hiểu việc Đức Kitô gọi tấm bánh do muôn hạt lúa làm nên là Mình Ngài và gọi chất rượu được ép từ muôn ngàn chùm nho là Máu Ngài như cách Ngài chỉ về Hội Thánh, Dân được tập họp và đoàn chiên được thống nhất.

2. Thế nhưng tính biểu tượng đó chỉ mới giúp ta hiểu hiệu quả của Bí tích Thánh Thể là tạo ra sự hiệp nhất của Hội Thánh, chứ chưa giải thích và cho thấy chính đặc điểm riêng của bí tích này trong bản chất nó, so với các bí tích khác, bởi vì nó là sự hiện diện thật của Đức Kitô.

10. Theo giáo lý tân tòng của Hội Thánh, theo quan điểm của Công đồng Trentô, theo chính Lời của Đức Kitô trong bữa Tiệc ly, và theo thánh I-nha-xi-ô, phải tuyên xưng Thánh Thể là Thân xác của Chúa Cứu Thế, thân xác đã chết và sống lại vì ta.

20. Theo Thêođorê de Mopsueste, Đức Kitô đã không phán "đây là biểu tượng của Mình Ta, của Máu Ta" nhưng phán "đây là Mình Ta, đây là Máu Ta", vậy ta đừng nhìn bản chất của sự vật được bày ra trước mắt ta, nhưng nhớ sự vật đó đã được biến đổi thành Mình và thành Máu.

30. Công đồng Trentô khẳng định là sau Truyền phép, Đức Kitô người thật và Thiên Chúa thật thật sự hiện diện dưới hình bánh hình rượu. Nghĩa là Ngài hiện diện trong nhân tính Ngài theo kiểu hiện hữu mà giác quan ta không thể cảm nhận được, nhưng ta phải vững tin rằng đây là điều có thể được đối với Thiên Chúa.

C. ĐỨC KITÔ HIỆN DIỆN BẰNG SỰ CHUYỂN BẢN THỂ

Để khỏi hiệu lầm về cách thế hiện diện vượt những định luật tự nhiên này, cần ngoan ngoãn nghe theo Hội Thánh trong lời dạy kinh nguyện của Hội Thánh.

1. Thế mà tiếng nói của Hội Thánh, vọng lại tiếng nói của Đức Kitô, bảo đảm với ta rằng Đức Kitô chỉ hiện diện trong bí tích này bằng sự chuyển đổi tất cả bản thể của bánh thành Mình Chúa và chuyển đổi tất cả bản thể của rượu thành Máu Chúa - một sự chuyển đổi đặc thù và diệu kỳ mà Hội Thánh công giáo diễn tả bằng từ "chuyển bản thể".

- Sau khi sự chuyển bản thể xảy ra, những hình sắc của bánh và rượu mang một ý nghĩa và một cứu cánh mới, chúng không còn là bánh rượu thông thường nữa, mà hóa nên dấu chỉ một sự vật thánh thiêng và một lương thực thiêng liêng.

- Có điều là chúng mang ý nghĩa và cứu cánh mới như thế vì chúng mang tải một thực tại mới, một thực tại có tính cách hữu thể học : nghĩa là dưới hình bánh hình rượu, điều đã có trong đó khi trước không còn nữa, bây giờ có một cái gì hoàn toàn khác.

- Và việc có thực tại hoàn toàn mới mẻ này không chỉ do Hội Thánh tin rồi nhận như thế, mà do thực tại khách quan có thật, vì giờ đây, bản thể của bánh và rượu không còn nữa, bánh và rượu chỉ còn giữ hình sắc của chúng mà thôi, và toàn cả Đức Kitô hiện diện trong thực tại thể lý và xác thể của Ngài, tuy khác cách hiện diện của các xác thể là chiếm một nơi chốn.

Do đâu có sự biến đổi bánh rượu này?

10. Các Giáo phụ trả lời : do những lời của Đức Kitô, những lời có quyền thay đổi, biến đổi mọi sự.

20. Do chính quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng vào lúc khởi đầu thời gian, đã từ hư vô dựng nên vũ trụ.

30. Do chính Đức Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh thập giá vì ta, giờ đây làm cho những lời của linh mục có sự hữu hiệu và ơn thánh do bởi Thiên Chúa (thánh Gioan Kim Khẩu).

40. Do sự hiến thánh, chúc lành, mạnh sức hơn thiên nhiên và biến đổi thiên nhiên (thánh Ambrôsiô).

2. Chẳng những dạy dỗ, Hội Thánh còn sống niềm tin đối với sự hiện diện của Mình Máu Đức Kitô trong Thánh Thể và không ngừng thể hiện một lòng tôn thơø chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Hội Thánh đã và tiếp tục tổ chức nền phụng-tự tôn thờ đối với bí tích Thánh Thể này không những trong thánh lễ mà còn ngoài giờ cử hành thánh lễ nữõa, qua việc cẩn thận lưu giữ những mẩu bánh đã được hiến thánh, qua việc trưng bầy cho tín hữõu long trọng chầu kính, qua việc rước kiệu.

IV. VIỆC TÔN SÙNG THÁNH THỂ

A. Việc tôn kính này được nhiều tài liệu rất cổ xưa của Hội Thánh chứng thực

1. Các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn dặn tín hữu giữ rất cẩn thận Mình Thánh Chúa mà họ mang về nhà. Thánh Hypôlitô khuyên tín hữu không được khinh thường Mình Chúa.

2. Theo Ôrigênê, khi giữ Mình Thánh Chúa và lỡ để rơi một mẩu nhỏ, tín hữu phải tự xét là mình mang tội.

3. Nôvaxianô kết án kẻ mang Mình Thánh Chúa mà không về nhà ngay, còn ghé qua hí trường.

4. Thánh Xirilô thành Alexandria chống lại ý tưởng cho rằng phần Mình Thánh Chúa còn lại từ hôm trước không thánh hóa tín hữu, vì theo Ngài, Mình Thánh Chúa không thay đổi, nơi đó luôn có sức mạnh và ơn thánh.

5. Người ta cũng không thể quên là thời xưa, các tín hữu bị bách hại, hoặc tu rừng đều có thói quen tự rước Chúa mỗi ngày bằng tay, nếu không có linh mục hoặc phó tế.

Đức Giáo Hoàng nói những điều này không phải để thay đổi những luật lệ hiện hành về việc giữ hoặc rước Mình Thánh Chúa, nhưng để ta vui mừng vì thấy đức tin của Hội Thánh vẫn y nguyên. Chính từ đức tin này, có lễ Mình Thánh Chúa và nhiều việc đạo đức trong Hội Thánh để tôn kính, tạ ơn hoặc cầu xin Đức Kitô.

B. Bởi đó

1. Đức Giáo Hoàng xin các chủ chăn giữ gìn nơi giáo dân lòng tin nguyên tuyền, lòng tin trung thành với lời Đức Kitô và các Tông đồ, và khử trừ mọi ý kiến sai lạc, nguy hại, đồng thời xin cổ võ việc tôn sùng Thánh Thể, trung tâm mọi hình thức đạo đức khác.

2. Ngài xin các chủ chăn giúp tín hữu hiểu lời căn dặn của thánh Augustinô là để được có dồi dào sự sống, được trở nên một phần tử lành mạnh, hãy tin mến đến cùng Đức Giêsu Thánh Thể.

3. Ngài ao ước tín hữu dự lễ và rước lễ mỗi ngày, một cách đông đảo và tích cực, để có sức mạnh thắng lướt các đam mê xấu, thanh tẩy tội nhẹ và tránh được tội trọng. Đồng thời Ngài ao ước là trong ngày, họ lo viếng Thánh Thể trong các nhà thờ, để tỏ lòng biết ơn, yêu mến và tôn thờ đối với Chúa.

1* . Vì Đức Giêsu ngự trong Thánh Thể (trong lúc và ngoài lúc cử hành Thánh lễ) mang lại cho Dân Chúa một phẩm giá khôn sánh.

- Vì Ngài luôn là vị Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

- Vì Ngài có đó, khôi phục và dưỡng nuôi các nhân đức, an ủi kẻ sầu khổ, giúp tín hữu trở nên giống Ngài : hiền lành, khiêm nhường, kiếm tìm quyền lợi của Thiên Chúa.

- Ngài giúp những ai năng đến với Ngài hiểu giá trị của đời sống được giấu ẩn với Ngài trong Thiên Chúa, tiến triển trong con đường thánh thiện.

2* . Chúa Giêsu trong các nhà tạm còn là trung tâm thiêng liêng của cộng đoàn giáo xứ, của cả Hội Thánh và nhân loại, vì Ngài đang hiện diện với tư cách thủ lãnh vô hình của Hội Thánh, với tư cách Đấng cứu chuộc trần gian và Trung tâm của mọi cõi lòng.

3* . Do đó việc tôn sùng Thánh Thể giúp các tâm hồn có tình mến "xã hội", biết lo việc chung hơn lợi ích cá nhân, biết sống bác ái với mọi người.

4. Vì Thánh Thể là dấu chỉ và nguyên nhân sự hiệp nhất của Hội Thánh, các chủ chăn hãy thuyết phục giáo hữõu, cách riêng các tu sĩ nam nữ, coi chính nghĩa của Hội Thánh như chính nghĩa của mình, cùng cầu nguyện và dâng mình làm lễ tế để Hội Thánh được bình an và hiệp nhất. Có thế mọi con cái Chúa mới có cùng một tâm tư, không chia rẽ nhau, và để các anh em kitô hữu khác sớm hiệp nhất lại. Ước gì tất cả chúng ta, đồng một giọng và một đức tin, cùng cử hành mầu nhiệm Thánh Thể và làm thành một thân thể duy nhất, như Đức Kitô nguyện xin cùng Cha Ngài.

5. Ngỏ lời với các Giáo hội Đông phương, Đức Giáo hoàn diễn tả niềm vui của Ngài khi thấy các Giáo hội ấy có cùng một đức tin đối với Thánh Thể, khi thấy lòng tôn sùng Thánh Thể và khi đọc những tác phẩm của họ trình bày và bảo vệ bí tích Thánh Thể.

Kết thúc thông điệp, Đức Giáo Hoàng xin Đức Trinh Nữ Maria và các thánh cầu bầu cùng Thiên Chúa cho đức tin chung và lòng tôn sùng Thánh Thể nuôi dưỡng và tăng cường sự hiệp thông giữa các Kitô hữu.

Lm. Antôn Trần Thế Phiệt

 

 


Trở về Trang Phụng Vụ
Trở Về Trang Nhà