Một Ít Nhận Xét Về Đường Lối Của Giáo Hội

Trong Vấn Đề Phiên Dịch Các Bản Văn Phụng Vụ


Nhóm Phiên Dịch
CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

60A Phạm Ngọc Thạch, P.6, Q.3
THÀNH PHỐ HỔ CHÍ MINH
Tel : (84.8) 8 203 514
Fax : (84.8) 8 205 541
E-mail : pascaltinh@hcm.vnn.vn


Vấn đề dịch các bản văn phụng vụ chỉ được đặt ra từ khi Hiến chế về phụng vụ của Công Đồng Va-ti-ca-nô II mở cửa cho việc dùng tiếng địa phương trong các nghi lễ có giáo dân tham dự. Nói đúng ra, trước đó, người ta đã dịch rồi, như trong các Sách Lễ song ngữ có bằng nhiều thứ tiếng. Nhưng các bản dịch đó chỉ có mục đích giúp các tín hữu không biết tiếng La-tinh hiểu phụng vụ cử hành bằng tiếng La-tinh, vì thế các bản dịch đó chỉ có tính cách tư. Ngày nay, trái lại, "các bản dịch là thành phần của chính các nghi thức, và đã trở nên tiếng nói của Giáo Hội" (Diễn văn của Đức Phao-lô VI nói với Hội nghị các dịch giả sách phụng vụ ngày 10/11/1965. DC số 1460, cột 2053). Từ nay các bản dịch không còn chỉ được xem bằng mắt, nhưng được đọc lớn tiếng ; không chỉ còn là một công trình tư nhân, nhưng là những bản văn chính thức của Giáo Hội.
Trước sự kiện quan trọng và mới mẻ đó, nhiều vấn đề được đặt ra, mà Giáo Hội tìm cách giải đáp qua một số văn kiện. Chúng ta sẽ lược qua Hiến chế Công Đồng về phụng vụ và một ít văn kiện khác tiếp sau để tìm hiểu đường lối của Giáo Hội về việc dịch các bản văn phụng vụ.
I. HIẾN CHẾ VỀ PHỤNG VỤ (1963)
Vấn đề dùng tiếng địa phương trong phụng vụ đã được giải quyết từ lâu trong các Giáo Hội Đông Phương và các Giáo Hội Tin Lành. Trái lại Giáo Hội La-tinh trước đây vẫn chỉ dùng tiếng La-tinh trong phụng vụ, để duy trì tính cách đồng nhất khắp nơi và phòng ngừa những lệch lạc có thể xảy ra nếu dùng tiếng địa phương. Khi Công Đồng Va-ti-ca-nô II đặt mục tiêu cho việc canh tân phụng vụ là sao cho toàn dân Chúa "tham dự đầy đủ, ý thức và linh hoạt" (PV, số 14), thì tất nhiên phải rút ra hệ luận là dùng tiếng địa phương. Tuy nhiên người ta có cảm tưởng là Công Đồng gần như miễn cưỡng mới chấp nhận nguyên tắc mới mẻ đó, cho nên rất dè dặt, chỉ nói đến việc dùng tiếng địa phương trong các bài đọc, các lời nhắn nhủ (monitiones) và trong một số lời nguyện và bài ca (PV, số 36). Dầu sao, một cánh cửa đã hé mở, và đó là điểm quan trọng.
II. HUẤN THỊ VỀ VIỆC PHIÊN DỊCH CÁC BẢN VĂN PHỤNG VỤ (1969)
Ngay sau khi Hiến chế được ban hành, khắp nơi người ta bắt đầu dịch phụng vụ. Đối với nhiều nước, đây là một công việc mới mẻ và người ta còn thiếu nhân sự cũng như kinh nghiệm. Vì thế vào tháng 11 năm 1965, Hội đồng thực thi Hiến chế Phụng vụ đã triệu tập tại Rô-ma một Hội nghị các dịch giả sách phụng vụ để trao đổi kinh nghiệm và bàn về các vấn đề liên hệ. Đức Phao-lô VI đã đọc một diễn văn trước những người tham dự Hội nghị (DC số 1460, cột 2051-2055). Trong bài này, ngài căn dặn : các bản văn Phụng vụ cần phải thích hợp cho sự hiểu biết của mọi người, kể cả trẻ em và những người ít học, nhưng một trật phải xứng đáng với những thực tại cao siêu, vì thế phải khác với ngôn ngữ thường dùng ngoài đường phố. Đó mới chỉ là một nguyên tắc chung mà Huấn thị về việc phiên dịch các bản văn phụng vụ (ban hành ngày 25/1/1969) sẽ quảng diễn thêm.
Trước khi đề cập tới Huấn thị này, tưởng cũng nên nhắc lại một biến chuyển quan trọng : ban đầu, theo ý Công Đồng, không phải mọi bản văn phụng vụ được dịch ra tiếng địa phương, vì thế trong Thánh Lễ, phần Lễ quy vẫn còn dùng tiếng La-tinh. Dần dần, chính Lễ quy cũng được dịch. Hơn nữa, người ta còn soạn ba Kinh nguyện Thánh Thể mới để dùng thêm vào với Lễ quy Rô-ma. Biến chuyển này cho thấy phụng vụ ngày càng đến gần với dân chúng hơn. Đó là điều phải có khi áp dụng nguyên tắc "tham dự đầy đủ và linh hoạt". Cánh cửa hé mở, nay đã mở toang.
Huấn thị ngày 25/1/1969 là một văn kiện căn bản (DC số 1538, tr. 367-371. La Maison-Dieu số 98, tr. 143-155. Báo Phụng vụ số 4, tr. 35-45). Ngoài một số vấn đề pháp lý (như thẩm quyền chuẩn y các bản dịch, vấn đề một bản dịch dùng cho nhiều nước, v.v...), Huấn thị có 3 phần chính :
Phần thứ nhất : Những nguyên tắc chung (số 5-29)
Khi phiên dịch phụng vụ, cần phải lưu ý đến :
1. Nội dung bản văn (số 8-13) : dựa vào ngữ học, lịch sử, văn hoá để tìm ra ý nghĩa đích thực của bản văn. Nên nhớ rằng đơn vị ý nghĩa không phải là mỗi từ ngữ, nhưng là cả mệnh đề ; vì thế, nếu dịch câu nệ từng chữ thì có thể làm lu mờ ý nghĩa đích thực, vì quá làm nổi bật một vài chữ mà quên ý nghĩa chung. Ví dụ, trong Lễ quy Rô-ma, 5 từ ngữ dồn dập benedictam, adscriptam, ratam, rationabilem, acceptabilem chỉ là một cách để nói lên ý khẩn thiết nài xin, chứ không hẳn phải dịch bằng 5 từ ngữ khác (số 12).
2. Người dùng bản văn (số 14-24) : liệu sao cho đa số người tham dự cộng đoàn phụng tự có thể hiểu được, tuy vẫn nên tránh ngôn ngữ quá tầm thường (số 15). Mặt khác, dịch "đúng từng chữ và theo nghĩa thể chất những bản văn đã chép trong một thời đại khác và một văn hoá khác thì thường không đủ. Cộng đoàn đang sum họp phải có thể dùng bản dịch làm bản kinh sống động và thiết thực của mình, đồng thời mỗi phần tử không cảm thấy lạc lõng, trái lại có thể diễn tả tâm tình của mình trong đó (doit pouvoir s'y retrouver et s'y exprimer)" (số 20). Hơn nữa, đôi khi những điều nói trong bản văn phản ánh những quan niệm mà tâm thức Ki-tô hữu ngày nay khó hiểu, khó chấp nhận (ví dụ : Xin Chúa hạ kẻ làm nghịch cùng Hội Thánh xuống), thì nên tìm cách thích nghi, nghĩa là "diễn tả bằng ngôn ngữ thời nay những thực tại tương đương theo tinh thần Tin Mừng" (số 24).
3. Hình thức diễn tả (số 25-29) : Mỗi bản văn phụng vụ có một công dụng : để tung hô, để suy niệm, để cầu xin, để công bố, để hát ... Vì thế cách diễn tả cũng phải thích hợp với công dụng của mỗi bản văn (số 26). Điều quan trọng khi dịch các bản văn La-tinh là phân biệt cái gì cốt yếu, cái gì phụ thuộc (ví dụ trong các lời tổng nguyện thì kết cấu là cốt yếu, hình thức văn chương là phụ thuộc). Cái cốt yếu thì cố gắng giữ y nguyên hoặc diễn tả tương đương, cái phụ thuộc thì có thể sáng tác tuỳ theo đặc tính của mỗi ngôn ngữ (số 28).
Phần thứ hai : Áp dụng nguyên tắc (số 30-37)
Trong phần này, Huấn thị áp dụng những nguyên tắc trên vào từng loại văn phụng vụ như : bài Kinh Thánh, các kinh nguyện, các lời tung hô, các bản văn để hát, v.v... Ở đây có vài điểm đáng lưu ý :
- các ngôn thức cầu nguyện và bí tích (formules euchologiques et sacramentelles), như các kinh hiển thánh, các kinh nguyện Thánh Thể (anaphores), tiền tụng, v.v... cần phải dịch integre et fideliter, không thay đổi thêm bớt. Nhưng liền sau đó, Huấn thị cũng nói thêm : trong những bản văn La-tinh cổ xưa, có những từ ngữ khó hiểu, khó dịch, vì thế, "khi dịch cần phải cắt nghĩa thêm và đôi khi tán rộng ra (la traduction demandera alors des éclaircissements, et parfois quelques paraphrases) để diễn tả đúng ý nghĩa nguyên thuỷ" (số 33).
- các lời nguyện trong Thánh Lễ (tổng nguyện, lời nguyện trên lễ vật, lời nguyện hiệp lễ), có thể dịch rộng hơn : giữ tư tưởng, nhưng quảng diễn ra, nếu cần, để nội dung có thể thích hợp hơn với những đòi hỏi của thời đại (số 34).
- các lời tung hô : không phải chỉ dịch các tư tưởng, nhưng phải mang một hình thức có âm thanh và tiết điệu thích hợp (số 35).
- các thánh thi (hymni) phải có một hình thức thi ca đích thực. Vì thế nhiều khi không thể dịch đúng nguyên văn được, nhưng phải soạn lại (nouvelle élaboration) theo đúng mẹo luật của thi ca bình dân trong mỗi ngôn ngữ (số 37). Tổng quy về Các Giờ Kinh Phụng Vụ (ban hành ngày 15/3/1971) còn đi xa hơn : Hội đồng Giám Mục có thể hoặc thích nghi các thánh thi La-tinh, cho hợp với đặc tính của từng ngôn ngữ, hoặc soạn những thánh thi mới Tổng quy về Các Giờ Kinh Phụng Vụ, số 178. Báo Phụng vụ số 4, tr. 18).
Phần thứ ba : Các Uỷ ban Phiên dịch (số 38-43)
Các Uỷ ban này sẽ gồm có những người thành thạo trong các môn liên hệ : Kinh Thánh, thần học, mục vụ, ngữ học, văn chương và âm nhạc (số 38).
Cuối cùng, thay lời kết, Huấn thị viết : "Để có một nền phụng vụ hoàn toàn đổi mới, người ta không thể thoả mãn khi có những bản văn dịch từ ngoại ngữ. Sẽ cần có những sáng tác mới" (số 43). Những sáng tác này, dĩ nhiên phải hiểu là được trực tiếp soạn trong mỗi ngôn ngữ. Như vậy, cũng như Hiến chế đã hé mở một cánh cửa khi chấp nhận cho dịch phụng vụ ra tiếng địa phương, thì Huấn thị lại đi xa hơn nữa, hé mở một cánh cửa khác, là cho rằng dịch cũng chưa đủ, mà còn phải sáng tạo nữa (dĩ nhiên là theo truyền thống và trong trật tự).
Nhìn chung, Huấn thị trên đây là một văn kiện rất cởi mở. Các nguyên tắc nêu ra đều dựa trên các quan niệm và phương pháp mới về phiên dịch hiện hành trong các lãnh vực "đời". Tiếc rằng trong thực tế, nhiều khi những nguyên tắc này đã không được biết đến hay ít ra không được áp dụng, vì người ta còn bám lấy một sự "trung thành với tiếng La-tinh", hiểu theo một nghĩa chật hẹp. Mặt khác, vì nhiều lý do (chẳng hạn, để cho công việc được mau lẹ hơn ...), các khả năng chuyên môn nhiều khi đã không được sử dụng đúng mức.
III. CÁC KINH NGUYỆN THÁNH THỂ CHO THÁNH LỄ TRẺ EM
VÀ CHO THÁNH LỄ HOÀ GIẢI (1974)

Đây là văn kiện sau cùng mà chúng ta được biết, trong đó có đề cập đến việc dịch phụng vụ. Các Kinh nguyện Thánh Thể này (3 KNTT cho lễ trẻ em, 2 KNTT cho lễ hoà giải) được ban hành theo lời yêu cầu của nhiều Hội đồng Giám Mục để thí nghiệm trong vòng 3 năm (cho đến hết năm 1977) do văn thư của Bộ Phượng Tự ngày 1/11/1974. Trong bài này chúng tôi dẫn theo bản tiếng Pháp ban hành ngày 6/12/1974 với nhan đề : "Prières eucharistiques pour la réconciliation et pour assemblées d'enfants" (có thể xem thêm "Eucharisties de tous les pays" có bản văn 14 Kinh nguyện Thánh Thể mới, được chấp thuận dùng hạn chế trong một số nước, do Ph. Béguerie và J. Evenou sưu tập và giới thiệu 1975).
Trong văn thư của Bộ Phượng Tự bản hành những KNTT này có viết : "Bản dịch có thể được khá tự do (une certaine liberté) để đáp ứng đầy đủ với những đòi hỏi và với cá tính của mỗi ngôn ngữ, và có thể phần nào khác bản văn La-tinh (différer quelque peu du texte latin), như nói trong phần dẫn nhập về Thánh lễ trẻ em, số 9 đến 11. Tuy nhiên phải bảo toàn kết cấu của KNTT và ý nghĩa của bản văn ; các công thức truyền phép phải dịch cách trung thành và sát chữ (fidèlement et littéralement)".
Đây là các số 9-11 của Phần dẫn nhập về Thánh lễ trẻ em :
Việc soạn thảo các KNTT này bằng các thứ tiếng
9. "Hội đồng Giám Mục có phận vụ chọn một trong các công thức đề nghị ở đây và cho soạn thảo một bản văn bằng tiếng địa phương đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi mục vụ, giáo dục và phụng vụ. Bản văn này chỉ được dùng sau khi được Toà Thánh chuẩn nhận.
10. "Chúng tôi ước mong rằng công việc soạn thảo này được giao cho một nhóm người cả nam lẫn nữ, có sở trường không những về phụng vụ, mà cả về sư phạm, huấn giáo, văn chương và ca nhạc.
11. "Nhóm này luôn phải nhớ rằng, trong trường hợp này, bản văn La-tinh không phải để dùng trong phụng vụ và vì thế, công việc của họ, không phải chỉ là thuần tuý phiên dịch (traduire purement et simplement).
"Đã hẳn bản văn La-tinh xác định mục tiêu, bản chất và hình thức chung của những KNTT này, là những yếu tố mà các bản dịch phải duy trì. Tiếng La-tinh có những đặc tính của nó như : thích kết cấu câu với những mệnh đề phụ, lối văn hoa mỹ và nhiều lời. Đó là những cái không nên dựa vào những bản văn bằng tiếng địa phương dùng trong phụng vụ. Những bản văn này phải phù hợp với cá tính của mỗi ngôn ngữ và với cách thế người ta quen dùng để nói với trẻ em về những vấn đề quan trọng. Những đòi hỏi đó lại càng đúng đối với những ngôn ngữ xa tiếng La-tinh, nhất là những ngôn ngữ không thuộc Tây phương. Để giúp các dịch giả, mỗi KNTT có một mẫu soạn thảo bằng một ngôn ngữ Tây phương".
So với Hiến chế về phụng vụ, và Huấn thị về việc phiên dịch, thì văn kiện trên đây có một số quan điểm mới mẻ về việc phiên dịch phụng vụ :
- Mục tiêu và đối tượng của bản dịch cũng quan trọng không kém nội dung. Nói cách khác, dịch không phải chỉ là chuyển ý nội dung bản văn, nhưng còn phải làm sao cho nội dung đó đạt được mục tiêu của nó cách đầy đủ nơi những cộng đoàn tham dự. Vì thế cần phải đặc biệt lưu ý đến cách thức diễn tả nội dung, nhất là đối với những ngôn ngữ xa với tiếng La-tinh.
- Người dịch không phải chỉ làm công việc thuần tuý phiên dịch, nhưng họ là những soạn giả thực sự : văn kiện còn dùng vài lần các từ ngữ traduction, traducteurs, nhưng hay dùng hơn các từ ngữ rédiger, la rédaction, les rédacteurs de la traduction, để nhấn mạnh rằng đây là một công việc đòi vận dụng óc sáng tạo thực sự nữa.
- Trong số những bản văn được phép dịch, Hiến chế Công Đồng không kể đến Kinh nguyện Thánh Thể. Huấn thị năm 1969 nói : các Kinh nguyện Thánh Thể (anaphores) cũng như các ngôn thức bí tích khác phải dịch đầy đủ và trung thành (integre et fideliter). Còn theo văn kiện năm 1974, thì trong Kinh nguyện Thánh Thể, chỉ có các lời truyền phép phải được dịch cách trung thành và sát chữ (fidèlement et littéralement), còn ngoài ra thì chỉ phải bảo tồn kết cấu và ý nghĩa của bản văn.
KẾT LUẬN
Sau khi đã lược qua một số văn kiện chính thức của Giáo Hội về vấn đề phiên dịch các bản văn phụng vụ, ta có thể nhận thấy một biến chuyển rõ rệt trong đường lối của Giáo Hội về phiên dịch, theo một chiều hướng thích nghi rộng rãi hơn, một trật vẫn cố gắng duy trì những bảo đảm cho khỏi sai trệch. Tuy nhiên, ta không nên dựa vào những điểm khác nhau giữa các văn kiện để nói rằng những văn kiện đó đối chọi nhau. Các văn kiện sau Công Đồng, tuy có khác, nhưng chỉ là một biến chuyển tất nhiên phải có khi áp dụng tinh thần và nguyên tắc căn bản về phụng vụ mà Công Đồng đã nhiều lần nêu ra là làm sao cho con người thời đại ta, trong mọi dân tộc, có thể tham dự phụng vụ cách ý thức và sống động (PV, số 11, 14, 21, 36, 37, 40).
Đó mới là điểm then chốt. Bao lâu ta chưa đi vào tinh thần căn bản đó mà còn mang một não trạng pháp lý, thì ta còn vấp phải những vấn đề như : hiệp nhất hay đồng nhất ? dịch sát ý hay dịch sát lời ? trung thành hay sáng tạo ? Trái lại, nếu ta cùng với Giáo Hội mang một niềm thao thức là làm sao bắc một nhịp cầu giữa những thực tại thiêng liêng và con người hôm nay, thì ta sẽ có thể cùng nhau tìm ra những cách thế thích hợp để chuyển dịch phụng vụ, trong sự trung thành với truyền thống ngàn năm của Giáo Hội và hiệp nhất với các vị có trách nhiệm trong Dân Thiên Chúa.
Tuy vậy, chuyển dịch mới chỉ là một giai đoạn, vì muốn canh tân phụng vụ đầy đủ, còn phải đi đến giai đoạn sáng tác nữa. Nhưng chính việc phiên dịch là một trường tập luyện tối hảo để sáng tác những bản văn mới (Huấn thị về việc phiên dịch, số 43), nếu ngay trong giai đoạn phiên dịch, chúng ta biết theo đường lối Giáo Hội đã vạch ra mà ứng dụng tinh thần sáng tạo.

Nhóm Phiên Dịch
CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

Trần Phúc Nhân


Trở về Trang Phụng Vụ
Trở Về Trang Nhà