GỢI Ý SUY NIỆM PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Mỗi khi đọc xong hay nghe xong một bài Phúc Âm Chúa Nhật hay ngày trong tuần, chúng ta bao giờ cũng hoặc thường hay đặt vấn đề:

· Bài Phúc Âm này có ý nói gì?

· Chúa muốn dạy chúng ta những gì qua bài Phúc Âm này?

Thế rồi chúng ta bắt đầu suy niệm... hay chia sẻ...

Theo kinh nghiệm cho thấy, chúng ta có khuynh hướng suy niệm (một mình) hay chia sẻ (chung) một bài Phúc Âm, bằng cách: thấy câu Phúc Âm nào dễ thì cắt nghĩa theo trình độ hiểu biết của mình, hoặc cảm thấy câu Phúc Âm nào đánh động mình nhất thì diễn tả câu Phúc Âm đó ra theo cảm nghiệm riêng của mình...

Nếu cứ theo đường lối này, kinh nghiệm cũng cho thấy, gặp những bài Phúc Âm khó hiểu và khô khan, như Phúc Âm theo Thánh Ký Gioan, có những lúc chúng ta đã và sẽ bị tắc nghẽn, quay ra nhìn nhau..., chờ xem ai có cao kiến hay được ơn linh ứng cấp thời nào chăng!

Mấu Chốt Suy Niệm Phụng Vụ Lời Chúa

Vấn đề suy niệm và chia sẻ Lời Chúa qua các bài đọc của Lễ Chúa Nhật hay ngày trong tuần, nhất là bài Phúc Âm, bao giờ cũng là bài đọc chính, bài đọc nói lên ý nghĩa chính của ngày lễ hôm đó, một ý nghĩa chi phối các bài đọc khác, kể cả bài đáp ca.

Bởi thế, nếu không có giờ hay không cần phải dọn bài giảng như các vị linh mục, thì chỉ cần suy niệm nguyên một bài Phúc Âm thôi cũng tạm đủ rồi. Vì, một khi hiểu kỹ lưỡng và chính xác ý nghĩa bài Phúc Âm, cũng có thể sẽ hiểu luôn được các bài đọc phụ khác trong phần Phụng Vụ Lời Chúa của Thánh Lễ hôm đó.

Tuy nhiên, làm thế nào để "hiểu kỹ lưỡng và chính xác ý nghĩa của bài Phúc Âm" mới là vấn đề cần phải tìm hiểu và giải quyết ở đây, trước khi chúng ta thực sự áp dụng vào việc chia sẻ Lời Chúa với nhau cho có nhiều kết qủa và đầy hứng thú.

Mấu chốt để có thể "hiểu kỹ lưỡng và chính xác ý nghĩa của bài Phúc Âm" là ở những điểm trọng yếu của vấn đề suy niệm Phụng Vụ Lời Chúa cần phải được phân biệt và làm sáng tỏ sau đây:

· Thứ nhất, nên nhớ rằng, chúng ta đang suy niệm hay chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa, chứ không phải đang đọc Thánh Kinh. Tức là chúng ta đang tìm hiểu ý nghĩa Lời Chúa được áp dụng cho riêng ngày lễ hôm đó, chứ không phải ý nghĩa Lời Chúa theo khung cảnh lịch sử và bố cục Thánh Kinh vậy thôi.

· Thứ hai, nếu chúng ta đang suy niệm hay chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa chứ không phải đọc Thánh Kinh, thì Giáo Hội là thẩm quyền có ý chọn các bài Lời Chúa cho riêng ngày lễ hôm đó (mà không chọn cho ngày lễ hôm khác), và chỉ có ý chọn bài này (mà không chọn bài kia trong cả cuốn Thánh Kinh), muốn nói với chúng ta những gì qua các bài đọc ấy?

· Thứ ba, nếu các bài đọc Phụng Vụ Lời Chúa được Giáo Hội có ý chọn lựa và ấn định riêng cho mỗi ngày lễ thì ý nghĩa của các bài đọc Phụng Vụ Lời Chúa cho ngày lễ và ý nghĩa của chính ngày lễ phải hòa hợp với nhau. Vậy muốn hiểu được ý nghĩa Phụng Vụ Cử Hành (tức Phụng Vụ Ngày Lễ) thì phải hiểu được ý nghĩa của Phụng Vụ Lời Chúa.

· Thứ bốn, nếu ý nghĩa của Phụng Vụ Cử Hành hay Phụng Vụ Ngày Lễ và Phụng Vụ Lời Chúa là một, thì bất cứ khi nào chúng ta khó hiểu Phụng Vụ Lời Chúa thì thử quay sang tìm hiểu Phụng Vụ Ngày Lễ xem sao, rồi nhờ hiểu được ý nghĩa Phụng Vụ Ngày Lễ, chúng ta có thể tìm ra manh mối để mở được kho tàng ý nghĩa Phụng Vụ Lời Chúa.

Phương pháp ngược chiều này được gọi là phương pháp qui nạp (inductive method), phương pháp suy ra, nghĩa là phương pháp đi từ ngoài vào trong, từ thực tế đến nguyên tắc, từ chi tiết đến tổng quát, ngược lại với phương pháp diễn dịch (deductive method) là phương pháp trình bày, tức là phương pháp đi từ tổng quát đến chi tiết, từ nguyên tắc đến thực hành, từ nội dung đến hình thức v.v.

Thế nhưng, phương pháp qui nạp ngược chiều này, tuy hấp dẫn và dễ đi theo khuynh hướng tự nhiên, song cũng chính vì thế lại hay bị lầm lạc theo óc chủ quan trong việc suy luận và tổng quát hóa, nếu chúng ta không bám chắc lấy các nguyên tắc chỉ đạo chủ yếu trong lãnh vực lý luận. Nói dễ hiểu hơn, để giải được một bài toán cần phải sử dụng đến chính các định luật toán học thế nào, thì để hiểu được Phụng Vụ Ngày Lễ cũng phải biết những mấu chốt của chính Phụng Vụ Ngày Lễ như vậy.

Vậy làm sao để có thể nắm được cái mấu chốt chủ yếu (hint/key) về ý nghĩa của Phụng Vụ Ngày Lễ?

Kết Cấu Ý Nghĩa Phụng Vụ Lời Chúa

Ðến đây, tôi xin chia sẻ cùng qúi bạn kinh nghiệm riêng của tôi, một kinh nghiệm đã được tôi trình bày trong hai cuốn: "Thần Linh và Sự Sống" (suy niệm Phụng Vụ Lời Chúa theo Các Chúa Nhật) và "Lương Thực Hằng Ngày" (suy niệm Phụng Vụ Lời Chúa theo ngày lễ trong tuần), một kinh nghiệm tôi xin lập lại và tóm gọn như sau.

Phụng Vụ được Giáo Hội chia ra làm 5 mùa và 8 thời đoạn như sau:

· Thời đoạn 1 và 2: Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh;
· Thời đoạn 3: Mùa Thường Niên sau Mùa Giáng Sinh;
· Thời đoạn 4-6: Mùa Chay, Tuần Thánh và Mùa Phục Sinh;
· Thời đoạn 7: Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh;
· Thời đoạn 8: Mùa Thường Niên Quanh Năm.

1. Mùa Vọng: Một thời đoạn gồm có 4 tuần lễ, từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng (thường vào cuối tháng 11 trong năm) tới hết Tuần Thứ Bốn Mùa Vọng, một thời đoạn tượng trưng cho 4000 năm chung loài người và riêng dân Do Thái trông đợi Ðấng Cứu Thế.

2. Mùa Giáng Sinh: Một thời đoạn từ Ðại Lễ Giáng Sinh 25-12 tới hết tuần Lễ Hiển Linh là Lễ Hài Nhi Giêsu, Lời Nhập Thể, Tỏ Mình Ra Cho Dân Ngoại được hiện thân nơi ba nhà chiêm tinh đạo sĩ từ phương đông tới triều bái Người.

3. Mùa Thường Niên sau Mùa Giáng Sinh: Một thời đoạn từ Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa đến hết ngày Thứ Ba (được Tây Phương gọi là Ngày Thứ Ba Béo) ngay trước khi Kitô hữu bước vào mùa ăn chay hãm mình đền tội.

4. Mùa Chay: Một thời đoạn gồm đúng 40 ngày, từ Thứ Tư Lễ Tro tới hết tuần lễ Thứ Năm Mùa Chay, một thời đoạn để tưởng nhớ đến 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay và chịu cám dỗ trong hoang địa, cũng để tượng trưng cho 40 năm dân Do Thái xuất hành từ Ai Cập tiến về Ðất Hứa.

5. Tuần Thánh: Một thời đoạn 7 ngày từ Chúa Nhật Lễ Lá để tưởng niệm việc Chúa Kitô khải hoàn vào Thành Giêrusalem tới hết Thứ Bảy Tuần Thánh.

6. Mùa Phục Sinh: Một thời đoạn gồm 50 ngày, từ Ðại Lễ Phục Sinh tới hết Tuần Lễ Thứ Bảy của Mùa Phục Sinh, trong thời đoạn này có Lễ Chúa Kitô Thăng Thiên vào ngày Thứ Năm trong Tuần Lễ Thứ Sáu của Mùa Phục Sinh.

7. Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh: gồm có lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Thiên Chúa Ba Ngôi và Mình Máu Thánh Chúa Kitô, (thường xẩy ra trong thời đoạn từ tuần lễ Thường Niên thứ 6 tới hết thứ 9).

8. Mùa Thường Niên Quanh Năm: từ sau lễ Thánh Tâm Chúa và Khiết Tâm Mẹ Maria trong tuần lễ Mình Máu Thánh Chúa, (thường được bắt đầu từ Chúa Nhật thứ 10 Thường Niên), tới hết Tuần Lễ 34 Mùa Thường Niên là tuần lễ cuối cùng của toàn Phụng Niên với Lễ Chúa Kitô Vua kính vào Chúa Nhật.

Việc Giáo Hội sắp xếp và phân chia toàn Năm Phụng Vụ của mình như thế là để giải bầy và cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Ðấng được hứa ban cho nhân loại ngay từ ban đầu và qua giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái (Mùa Vọng), cho tới khi tất cả mọi sự qui phục Người trong ngày chung thẩm (Lễ Chúa Kitô Vua) để "Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự" (1Cor.15:28).

Nếu trọng tâm (core/center) của Năm Phụng Vụ là Mầu Nhiệm Chúa Kitô thì chủ đề hay ý nghĩa của mỗi Mùa Phụng Vụ hay mỗi thời đoạn Phụng Vụ có thể được phân chia một cách chặt chẽ với nhau như sau:

· "Lời đã hóa thành nhục thể (Mùa Vọng) và ở giữa chúng ta (Ðại Lễ Giáng Sinh), và chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha (Mùa Giáng Sinh), đầy ân sủng và chân lý (Mùa Thường Niên sau Mùa Giáng Sinh)" (Jn.1:14);

· "Con Người đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ (Mùa Chay), để hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người (Tuần Thánh)" (Mt.20:24);

· "Thầy là sự sống lại (Ðại Lễ Phục Sinh) và là sự sống (Mùa Phục Sinh). Ai tin Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống lại (Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh)" (Jn.11:25);

· "Thời gian đã viên trọn. Nước Thiên Chúa đã đến. Hãy ăn năn hối cải và tin vào Phúc Âm (Mùa Thường Niên Quanh Năm)" (Mc.16:15).

Căn cứ vào các mấu chốt chủ yếu trên đây, trực tiếp diễn tả Mầu Nhiệm Chúa Kitô theo Năm Phụng Vụ của Giáo Hội, chúng ta mới có thể dễ dàng suy niệm và chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa, đúng như ý định của Giáo Hội muốn chọn lựa và sắp xếp các bài đọc Thánh Kinh cho từng Mùa Phụng Vụ cũng như cho cả Năm Phụng Vụ, để giãi bầy và cử hành trọn vẹn Mầu Nhiệm Chúa Kitô.

Trường Hợp Chia Sẻ Lời Chúa Ðiển Hình

Tối thứ bảy tuần thứ hai trong tháng Hoa, 8/5/1999, theo lịch trình đi đến các đoàn, tôi đã tới với Ðoàn Thiếu Nhi Fatima Ðức Mẹ Thăm Viếng El Monte. Theo chương trình sinh hoạt thiêng liêng như các đoàn khác, sau phần lần hạt 50 Kinh Mân Côi kính Mẹ Maria là phần chia sẻ Lời Chúa. Nghe xong bài Phúc Âm theo Thánh Mathêu, mở đầu bằng câu "các con đừng tưởng Thầy đến để hủy bỏ lề luậït và lời các tiên tri...", tôi hỏi người vừa công bố Lời Chúa:

- Có phải bài Phúc Âm cho Chúa Nhật này không vậy?

- Vâng.

Biết chắc là không phải, song tôi cũng cứ bắt đầu phần chia sẻ theo bài Phúc Âm vừa đọc. Ðược một chút thì:

- Bài Phúc Âm vừa rồi sai, không phải...

Sau khi mọi người nghe đọc bài Phúc Âm theo Thánh Gioan xong, tôi liền lợi dụng đặt vấn đề:

- Các em có biết tại sao dù chưa đọc trước bài Phúc Âm này song tôi cũng biết bài Phúc Âm thứ nhất không phải là bài Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này không?

Trước vẻ bỡ ngỡ và thắc mắc của mọi người, tôi bắt đầu phần chia sẻ bài Phúc Âm theo Thánh Gioan bằng việc chỉ cách suy niệm Phụng Vụ Lời Chúa cho khoảng 20 người hiện diện bấy giờ, căn cứ vào chủ đề của mỗi Mùa Phụng Vụ.

Sau khi tiết lộ cho mọi người biết chủ đề của Ðại Lễ Phục Sinh là "sự sống lại" và chủ đề của Mùa Phục Sinh là "sự sống", theo lời Chúa Kitô tuyên bố với Matta trước khi làm cho Lazarô sống lại: "Thầy là sự sống lại và là sự sống" (Jn.11:25), tôi xin mọi người hãy nghe lại bài Phúc Âm một lần nữa và để ý đến chủ đề "sự sống". Kết qủa cho thấy rõ: lần thứ nhất, sau khi nghe xong bài Phúc Âm theo Thánh Gioan đoạn 14, từ câu 15 đến hết câu 21, mọi người không ai trả lời được vấn đề tôi đặt ra về ý nghĩa của bài Phúc Âm năm A cho Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Phục Sinh; thế nhưng, sau khi nghe lại lần thứ hai, với sự gợi ý về chủ đề "sự sống", mọi người đã thấy bài Phúc Âm sáng tỏ hơn, và đã cùng nhau đi sâu vào bài Phúc Âm theo những câu gợi ý của tôi như sau:

- Có phải bài Phúc Âm này đã nói đến "sự sống" ở chỗ đề cập đến Chúa Ba Ngôi phải không?

- Thưa phải.

- Ðúng thế, "sự sống" đây là "sự sống trường sinh", "sự sống thần linh", "sự sống Chúa Ba Ngôi", do đó, ngay câu mở đầu, như chúng ta vừa nghe đọc, bài Phúc Âm đã nói đến Chúa Ba Ngôi: "Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác...". "Sự sống Chúa Ba Ngôi" nơi Kitô hữu, theo bài Phúc Âm, trước hết là bởi Chúa Thánh Thần: "Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con", Ðấng làm cho Chúa Kitô phục sinh sống động trong người Kitô hữu: "Thầy sống các con cũng sẽ sống", và nhờ sống trong Chúa Kitô như thế, người Kitô hữu chắc chắn sẽ sống đẹp lòng Chúa Cha: "Ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yếu mến"...

Ðó là ý nghĩa của bài Phúc Âm cho Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Phục Sinh năm A, (tôi tiếp tục chia sẻ từ phần Phụng Vụ Lời Chúa sang phần Tu Ðức Sống Ðạo). Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ tìm hiểu ý nghĩa của bài Phúc Âm không mà thôi thì chưa đủ, chẳng khác gì chúng ta đi học môn Thánh Kinh vậy thôi. Chúng ta còn phải áp dụng ý nghĩa Lời Chúa của bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Phục Sinh năm A tuần này vào đời sống đạo của mình nữa, thì Lời Chúa là lời ban sự sống mới sinh hoa trái nơi chúng ta, và Mùa Phục Sinh mới có ý nghĩa xác thực đối với chúng ta.

Vậy mỗi người chúng ta, theo ý nghĩa của bài Phúc Âm vừa nghe đọc và tìm hiểu, hãy tự kiểm điểm xem mình có theo Chúa Thánh Thần trong việc sống giống như Chúa Kitô để trở thành một người "con yêu dấu đẹp lòng Cha mọi đàng" chưa?

(Bài Suy Niệm Gợi Ý)

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Cả 3 Năm A-B-C

Hôm nay, Giáo Hội cử hành Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, một lễ, theo chu kỳ Phụng Niên, mở màn cho một mùa phụng vụ mới, tức Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh (trước Mùa Thường Niên Quanh Năm), một thời đoạn hướng về chủ đề: "Ai tin Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống lại" (Jn. 11:26).

SUY NIỆM LỜI CHÚA
(Act 2, 1-11; 1Cor 12, 3b-7, 12-13; Joan 20, 19-23)

Bài Phúc Âm của Thánh Lễ (chính ngày, vì có các bài đọc cho Lễ Vọng riêng) kính Chúa Thánh Thần Hiện xuống hôm nay hướng đến chủ đề của Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh là ban sự sống cho ai tin tưởng, qua lời Chúa Giêsu phán với các thánh tông đồ: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

Thật vậy, Mùa Thường Niên này không phải là Mùa Thường Niên sau Mùa Giáng Sinh, tức là mùa có dính dáng đến ý nghĩa với Mùa Giáng Sinh, mà là Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh, do đó, ý nghĩa của Mùa Thường Niên (tiếp theo phần bị gián đoạn trước đây) vẫn còn gắn liền với chủ đề "sự sống" của Mùa Phục Sinh. Bởi thế chúng ta mới thấy mở màn cho Mùa Thường Niên thứ hai này là việc hiện xuống của "Ðấng ban sự sống"ø.

Nếu vì tội lỗi con người đã phải chết thế nào, thì một khi được tha tội con người cũng được sống lại như vậy. Mà thẩm quyền tha tội cho con người để họ được hồi sinh đây Chúa Kitô Phục Sinh đã trao ban cho Giáo Hội của Người (như Người minh định trong bài Phúc Âm): "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

Thế nhưng, Giáo Hội nhận được quyền cải tử hoàn sinh các linh hồn này từ Chúa Kitô Phục Sinh, khi Người (như bài Phúc Âm diễn tả): "thổi hơi và phán bảo các ông: 'Các con hãy nhận lấy Thánh Thần'". Tức Giáo Hội chỉ là thừa tác viên của "Ðấng ban sự sống", một "sự sống" được ban cho những ai tin tưởng, được thể hiện qua việc họ biết nhận ra "những dấu chỉ thời đại" (Mt.16:3), (như thành phần được bài đọc 1 thuật lại): "Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng, 'Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư. tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!".

Nếu cũng vì tội lỗi con người đã sống trong sự chết, trong tình trạng nội tâm tự phân rẽ với mình và bề ngoài chia rẽ với nhau, như hiện tượng tháp Babel thế nào (xem bài 1 trong 4 bài đọc Cựu Ước cho Lễ Vọng Hiện Xuống), thì một khi "Ðấng ban sự sống" tới, Ngài sẽ tái hiệp tất cả, (như bài đọc 2 tuyên nhận): "Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể". Bởi vậy, chúng ta hãy thiết tha khẩn nguyện: "Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến và xin canh tân bộ mặt trái đất" (đáp ca).

XÁC TÍN LỜI CHÚA

Phần suy niệm Phụng Vụ Lời Chúa của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay mang lại cho chúng ta những điểm giáo lý cần phải được xác tín như sau:

1. Con người đã chết đi theo nguyên tội và sống trong sự chết cho tới khi Chúa Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.

2. Chúa Kitô đã thông ban Sự Sống Thần Linh trước hết cho Giáo Hội Nhiệm Thể của Người, bằng việc ban Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội.

3. Nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội trở thành Thừa Tác Viên ban Sự Sống Thần Linh cho con người, đặc biệt qua việc Giáo Hội ban hai Bí Tích của kẻ chết là Bí Tích Rửa Tội và Giải Tội.

4. Chúa Thánh Thần còn là chính Tác Nhân "canh tân bộ mặt trái đất", nhờ hoạt động Truyền Bá Phúc Âm của Giáo Hội Chúa Kitô.

5. Phúc Âm của Chúa Kitô, như lịch sử thế giới chứng thực, từ khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, đã thấp nhập dần dần vào văn hóa con người, làm cho con người sống "văn minh yêu thương" (Ðức Phaolô VI) hơn.

6. Chúa Thánh Thần sẽ tiếp tục "canh tân bộ mặt trái đất" cho tới khi con người hoàn toàn hiệp nhất nên một trong Chúa Giêsu Kitô.

CẢM NGHIỆM LỜI CHÚA

Lời Chúa "là thần linh và là sự sống" (Jn.6:63), và Phụng Vụ của Giáo Hội là việc cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô chứ không phải là việc tưởng niệm suông một biến cố lịch sử hoàn toàn đã qua đi trong qúa khứ. Bởi thế, để "đạt đến tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô là đầu" (Eph.4:15), Kitô hữu chúng ta cần phải Sống Mầu Nhiệm Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ở chỗ:

1. Chúng ta phải luôn ý thức rằng Kitô hữu chúng ta đã được nhận lãnh Chúa Thánh Thần qua Bí Tích Rửa Tội, nhờ đó, con người của chúng ta nói chung và thân xác của chúng ta nói riêng đã thực sự trở nên Ðền Thờ của Chúa Thánh Thần (xem 1Cor.6:19).

2. Chúng ta còn phải làm sao cảm nghiệm được mầu nhiệm hay thực tại Chúa Thánh Thần là Vị Thiên Chúa trực tiếp "ở với và ở trong" (Jn. 14:17; xem 1Cor.6:19) mỗi người chúng ta, nhờ đó, chúng ta mới có thể dễ dàng đáp ứng tác động "như gió muốn thổi đâu thì thổi" (Jn. 3:8) vô cùng huyền diệu của Ngài.

3. Chúng ta cần phải có một tâm hồn cởi mở bằng tinh thần đơn sơ và dễ dậy "như trẻ nhỏ" (Mt.18:3) như Mẹ Maria đối với mọi tác động thần linh của Chúa Thánh Thần, nhờ đó, Chúa Thánh Thần mới hoàn toàn tự do và chủ động "như mạch nước vọt lên sự sống đời đời" (Jn.4:14) trong chúng ta, để rồi, từ chúng ta, sự sống tràn lan "tới tận cùng trái đất" (Acts 1:8).

Khởi viết tại Tổng Giáo Phận Los Angeles
Áp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 23-5-1999
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Trở về Trang Phụng Vụ
Trở Về Trang Nhà