MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ QUY CHẾ TỔNG QUÁT
SÁCH LỄ RÔMA 2000

Theo nghị quyết của Công Ðồng Vaticanô II. Sách lễ Rôma (SLR) đã được sửa đổi. Ấn bản mẫu thứ nhất đã được công bố năm 1970; ấn bản mẫu thứ hai năm 1975 (bản này được dịch ra tiếng Việt và ấn hành năm 1992). Ấn bản mẫu thứ ba sẽ được công bố vào mùa thu năm 2000 này. Trong khi chờ đợi, Quy Chế Tổng Quát (QCTQ, Institutio generalis) của ấn bản này đã được phát hành trước bằng tiếng Latinh.

Hội đồng Giám Mục (HÐGM) Hoa Kỳ đã công bố bản đồi chiếu giữa hai QCTQ 1975 và 2000. Chúng tôi dựa vào bản đối chiếu này, đồng thời cũng trực tiếp so sánh hai Quy Chế để nêu ra một số những khác biệt giữa hai bản. Vì chỉ có bản Latinh của QCTQ 2000, nên khi nào không rõ nghĩa, chúng tôi chua thêm nguyên văn trong ngoặc.

Nhìn chung, QCTQ 2000 trình bày chi tiết hơn QCTQ 1975: có 399 số thay vì 341 số. Ðặc biệt, ngoài 8 chương của QCTQ cũ, QCTQ mới có thêm chương 9 nói về: Các thích nghi thuộc thẩm quyền của các Giám Mục và HÐGM, cách riêng đưa ra một số nguyên tắc về hội nhập văn hóa trong phụng vụ.

Chúng ta sẽ gồm các nhận xét về QCTQ mới (các số trong ngoặc là số của bản này) theo năm mục sau đây:

I. Phận sự của giám mục, linh mục và phó tế.
II. Phận sự các thừa tác viên khác.
III. Các nghi thức phải giữ.
IV. Nhà thờ và các vật dụng phụng vụ.
V. Các thích nghi thuộc thẩm quyền của các Giám Mục và HÐGM.

I. PHẬN SỰ CỦA GIÁM MỤC, LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ.
1. Phận sự của giám mục
Giáo hội địa phương cử hành phụng vụ chung quanh giám mục của mình. Giám mục là người điều hành, phát huy và giữ gìn toàn thể sinh hoạt phụng vụ trong giáo phận. Thánh lễ do giám mục chủ tọa, với mọi thành phần dân Chúa tham dự (linh mục, phó tế, giáo dân), biểu lộ mầu nhiệm Giáo Hội và là mẫu mực của mọi cử hành Thánh Thể trong toàn giáo phận (22).

Trong các thay đổi về thánh lễ do giám mục cử hành, có thể nêu ra:

  • Trong các cử hành long trọng, sau khi Tin Mừng được công bố, giám mục có thể giơ cao sách Tin Mừng để ban phép lành cho dân chúng (171).
  • Khi cử hành thánh lễ ngoài giáo phận, giám mục sẽ đọc: Cùng với Ðức Thánh Cha ., với con là tôi tớ bất xứng của Cha và với người anh em con là Ðức Cha.. Giám mục giáo phận này (149).

    2. Phận sự của linh mục.
    Cử hành thánh lễ gắn liền với sứ vụ linh mục, vì thế mỗi linh mục nên cử hành thánh lễ hằng ngày (19), hoặc đồng tế với các linh mục khác (114). Linh mục được phép cử hành thánh lễ riêng (modo individuali), nhưng không được cử hành cùng giờ mà trong nhà thờ hoặc nhà nguyện có đồng tế, cũng không được cử hành riêng Thánh Lễ Tiệc Ly và Canh Thức Vượt Qua (192).

    Trong thánh lễ, linh mục chỉ được thích nghi những chỗ mà chữ đỏ dự trù; ngoài ra không được tự ý thêm, bớt hoặc thay đổi (24). Chẳng hạn, linh mục được phép nói đôi lời dẫn vào nghi thức như: trước nghi thức sám hối, trước các bài đọc, trước lời Tiền Tụng (nhưng không bao giờ được nói trong chính Kinh Tạ Ơn) và trước phép lành cuối lễ (31).

    Trong thánh lễ đồng tế có giám mục chủ tế, nếu linh mục đọc bài Tin Mừng, ngài phải xin và nhận phép lành của giám mục; nhưng ngài sẽ không xin phép lành nếu chủ tế là linh mục (212).

    Bài diễn giảng thường do chủ tế, hoặc do một linh mục đồng tế, hoặc đôi khi do thầy phó tế, nhưng không bao giờ do một giáo dân. Trong trường hợp đặc biệt, một giám mục hay linh mục không đồng tế cũng có thể giảng (66). Khi giảng, linh mục đứng tại ghế chủ tọa, hay tại giảng đài, hay tại một nơi nào khác thích hợp; sau đó có thể giữ thời gian thinh lặng (136).

    Một mình linh mục đọc Kinh Tạ Ơn. Giáo dân hiệp ý trong thinh lặng, hoặc thưa các câu đối đáp đã được dự trù, như: Trước lời Tiền Tụng, Kinh Thánh Thánh Thánh, tung hô sau truyền phép và Amen sau vinh tụng ca kết thúc. HÐGM cũng có thể quy định các câu tung hô khác, với sự phê chuẩn của Tòa Thánh (147).

    Linh mục có thể trao bình an cho các thừa tác viên, và cho một số tín hữu nếu có lý do chính đáng, nhưng chỉ ở trong cung thánh. Giáo dân cũng trao bình an nhưng chỉ cho những người đứng gần. Cách thức trao bình an do HÐGM quy định. Khi trao, có thể nói: "Bình an của Chúa ở cùng ông/bà/anh/chị. Người kia thưa: Amen (82,154).

    Nghi thức bẻ bánh chỉ dùng cho linh mục và phó tế (83), vì thế thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh không được làm.

    3. Phận sự phó tế
    Tiếp theo QCTQ 1975, TCTQ mới nói về phó tế ở nhiều chỗ, nhất là ở số 171-186, nhưng chúng tôi tạm bỏ qua.

    II. PHẬN SỰ CỦA CÁC THỪA TÁC VIÊN KHÁC

    Các người phục vụ bàn thờ có thể mặc áo dài trắng (alba) hay y phục khác do HÐGM quy định. Trọng số các người này, QCTQ (187-198) đặc biệt nói đến thầy giúp lễ và thầy đọc sách đã nhận tác vụ (acolythus [rite] institutus, lector [rite] institutus).

    Khi số người rước lễ đông mà không có đủ linh mục và phó tế, chủ tế có thể dùng các thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa, tức là thầy giúp lễ đã nhận tác vụ và những tín hữu đã được ủy nhiệm theo nghi thức (qui rite deputati sunt). Khi cần thiết, chủ tế có thể ủy nhiệm từng lần cho những tín hữu có khả năng.

    Những thừa tác viên này chỉ tiến tới bàn thờ sau khi linh mục đã rước lễ, và luôn luôn phải nhận bình đựng Mình Thánh từ tay chủ tế (162). QCTQ cũ(238) cũng như mới (279) nói việc tráng chén là do chủ tế, phó tế hay thầy giúp lễ; không thấy nói các thừa tác viên ngoại lệ tráng chén.

    Những phận sự không phải là riêng của linh mục hoặc phó tế, có thể được cha xứ hoặc cha quản nhiệm nhà thờ giao cho những giáo dân có khả năng và tư cách, qua một nghi thức chúc lành hoặc ủy nhiệm tạm thời. Về phận sự phục vụ bàn thờ, phải theo các qui định của giám mục giáo phận (100.107).

    III. CÁC NGHI THỨC PHẢI GIỮ.

    1. Phụng vụ Lời Chúa
    Không được thay Kinh Vinh Danh bằng bài hát nào khác (53). Sau lời nguyện nhập lễ, linh mục có thể nói rất vắn tắt (bresissimis verbis) để dẫn vào Phụng Vụ Lời Chúa (128). Không bao giờ được thay các bài đọc và thánh vịnh đáp ca, là Lời Chúa, bằng những bản văn ngoài Kinh Thánh (57). Thánh vịnh đáp ca thường lấy ở Sách Bài Ðọc và nên hát, ít là câu đáp của giáo dân (61). Không được phân chia các vai để đọc bài Kinh Thánh, trừ bài Thương Khó Tuần Thánh (109).

    Trong các Thánh Lễ có giáo dân tham dự, khi đọc Kinh Thánh, luôn phải đứng ở giảng đài (58). Khi linh mục đọc bài Tin Mừng, mọi người quay về phía giảng đài để tỏ lòng đặc biệt tôn kính Tin Mừng Chúa Kitô (133).

    Lời nguyện tín hữu: Linh mục đứng ở ghế chủ tọa, chắp tay đọc lời mở đầu. Phó tế, thầy đọc sách hay một người khác đứng ở giảng đài hoặc một chỗ khác thuận tiện, quay về phía giáo dân, xướng các ý nguyện; giáo dân đáp. Sau cùng linh mục dang tay đọc lời nguyện kết (138).

    Phụng vụ Lời Chúa phải được cử hành thế nào để giúp suy niệm; vì thế cần tránh sự vội vàng hấp tấp gây cản trở cho sự hồi tâm. Quy chế mới cũng nhắc lại và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thinh lặng trong cử hành phụng vụ. Sự thinh lặng là thành phần của cử hành, chứ không phải là một gợi ý nên hay không nên giữ. Những lúc thinh lặng là: Trong nghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện; sau bài đọc 1 và bài đọc 2 (có thể), sau bài diễn giảng; sau khi hiệp lễ. Hơn nữa, ngay từ trước khi cử hành thánh lễ, còn nên giữ thinh lặng trong nhà thờ, trong phòng thánh và ở những nơi gần đó (45,56).

    Âm nhạc cũng góp phần quan trọng trong cử hành phụng vụ. Linh mục, các thừa tác viên và dân chúng nhất thiết phải hát vào các Chúa nhật và lễ buộc (40). Ca Grêgôriô vẫn giữ vị trí ưu tiên trong phụng vụ Rôma; tuy nhiên không loại trừ các loại âm nhạc khác, nhất là nhạc đa âm (polyphonia), miễn là phù hợp với tinh thần phụng vụ và giúp mọi tín hữu tham dự tích cực (41).

    Mùa Vọng được phép sử dụng nhạc cụ cách vừa phải (moderatione). Còn Mùa Chay chỉ được dùng để đệm tiếng hát; nhưng được phép sử dụng vào chúa nhật IV, các lễ trong và lễ Kính (313).

    2. Phụng vụ Thánh Thể
    Việc rước lễ dưới hai hình ngoài những trường hợp dự trù trong các sách nghi thức (như ghi trong QCTQ 1975, số 242, khoản 1 đến 6), nay thêm những trường hợp sau:

    a) Các linh mục không thể cử hành thánh lễ đồng tế;
    b) Phó tế và các người phục vụ trong thánh lễ;
    c) Thành viên các cộng đoàn, trong thánh lễ cộng đoàn (missa conventualis);
    d) Trong thánh lễ cộng đồng (missa communitatis): các chủng sinh, các người tham dự tĩnh tâm hoặc tham dự hội thảo về tu đức hay mục vụ.

    Giám mục có thể ra những qui định trong giáo phận về việc rước lễ dưới hai hình. Giám mục cũng được quyền cho phép rước lễ dưới hai hình, mỗi khi linh mục chủ tế xét là nên (opportunum), với điều kiện: giáo dân được giáo huấn, không có nguy hiểm phạm thánh, nghi thức không trở nên phức tạp vì quá đông người hay vì lý do nào khác (283).

    IV. NHÀ THỜ VÀ CÁC VẬT DỤNG PHỤNG VỤ

    1. Bàn thờ
    Trong mỗi nhà thờ phải (expedit) có một bàn thờ cố định (298); bàn thờ này cần được cung hiến (dedicetur, 300). Trong các nhà thờ mới xây, chỉ nên có một bàn thờ, để nói lên rằng chỉ có một Ðức Kitô và một phép Thánh Thể. Trong các nhà thờ cũ, nếu bàn thờ cũ có giá trị nghệ thuật mà không di chuyển được thì có thể giữ lại, nhưng không trang trí gì đặc biệt, rồi xây một bàn thờ khác, cung hiến, và chỉ cử hành thánh lễ trên bàn thờ mới này thôi (303).

    Trên bàn thờ chỉ có thể đặt những gì cần để cử hành thánh lễ; chén lễ, bình thánh, khăn thánh và sách lễ được đặt từ lúc dâng lễ vật (306).

    Việc chưng bông cần có chừng mực. Các bình bông nên đặt chung quanh bàn thờ hơn là trên bàn thờ. Mùa vọng có thể chưng bông trên bàn thờ vừa phải, nhưng đừng đi trước niềm vui lễ Giáng Sinh. Mùa Chay không được chưng bông, trừ Chúa nhật IV, các lễ trọng và lễ kính (305)

    Quy chế mới nhắc lại: Trên hoặc chung quanh bàn thờ phải có ít là hai chân nến, hoặc bốn, hoặc sáu, nhất là các Chúa Nhật và lễ buộc; khi giám mục giáo phận cử hành thánh lễ, phải có bảy chân nến (117, 307).

    2. Thánh Giá
    Trên hoặc gần bàn thờ, kể cả ngoài thánh lễ, thường xuyên phải có một thánh giá, mà cộng đoàn có thể nhìn thấy rõ ràng. QCTQ cũ chỉ nói trống là thánh giá (crux), Quy chế mới nhấn mạnh ba lần: Thánh giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh, để nhắc tín hữu cuộc thương khó cứu độ của Chúa. Trong đoàn rước đầu lễ có mang thánh giá; thánh giá này có thể đem đặt gần bàn thờ, nếu không có thánh giá nào khác (117, 120, 122, 308).

    3. Giảng đài
    Quy chế mới nhắc lại: nơi công bố Lời Chúa phải là một giảng đài cố định, chứ không phải là một giá sách đơn giản, di chuyển được. Cách đặc biệt, từ giảng đài sẽ đọc các bài đọc, thánh vịnh đáp ca và bài công bố Tin Mừng Phục Sinh; từ đó cũng có thể diễn giảng và xướng các ý nguyện tín hữu. Chỉ có thừa tác viện Lời Chúa mới được lên giảng đài, còn những người khác, như ca trưởng, người dẫn lễ. thì không (309,105b).

    4. Nhà tạm
    Quy chế mới xác định thêm về nơi giữ Mình Thánh Chúa. Không nên đặt nhà tạm trên bàn thờ dùng để cử hành thánh lễ. Theo quyết định của giám mục giáo phận, có thể đặt nhà tạm:
    a) hoặc trong cung thánh, ngoài bàn thờ dâng lễ, nơi thuận tiện hơn, chẳng hạn bàn thờ cũ không dùng để dâng lễ nữa;
    b) hoặc trong một gian ngánh (sacellum) thích hợp cho việc cầu nguyện riêng, gắn liền với nhà thờ và giáo dân dễ thấy (315)
    Theo truyền thống, cạnh nhà tạm ngày đêm có đèn chầu, đốt bằng dầu hoặc sáp, để chỉ cho biết và tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô (316).

    5. Ghế của chủ tế
    Chỗ thích hợp nhất là phía đầu cung thánh, nhìn xuống giáo dân, trừ khi kiến trúc thánh đường hoặc hoàn cảnh khác không cho phép, ví dụ: quá xa cộng đoàn, hoặc nhà tạm ở chính giữa, phía sau bàn thờ (310).

    6. Các bình thánh
    Các bình thánh phải được phân biệt rõ ràng với chén đĩa dùng thường ngày (332). Chén lễ nên có khăn phủ (laudabiliter cooperiatur velo), màu theo ngày hoặc màu trắng (80).

    Trong phòng thánh, phải giữ thói quen có giếng thánh (sacrarium) để đổ nước rửa các bình thánh và nước giặt khăn (334, 280).

    7. Bánh lễ
    Quy chế mới nhắc lại quy chế cũ: phải làm bánh lễ thế nào, để trong thánh lễ, linh mục có thể bẻ ra nhiều phần và phân phát cho ít là một số tín hữu. Tuy nhiên không loại trừ những bánh lễ nhỏ, khi lý do mục vụ đòi hỏi. Cử chỉ bẻ bánh biểu lộ rõ hơn ý nghĩa hiệp nhất: mọi người cùng ăn một bánh, và ý nghĩa bác ái: một bánh được chia cho nhiều người (321). Có lẽ chúng ta nên nghiên cứu làm loại bánh lễ to (ít là cho chủ tế), có khía sẵn để có thể dễ dàng bẻ ra làm nhiều phần.

    8. Làm phép các vật dụng phụng vụ
    Ngoài việc làm phép các bình thánh (333), Quy chế mới còn nói đến việc làm phép phẩm phục linh mục, phó tế và các thừa tác viên giáo dân (335). Nên làm phép trước khi dùng: giảng đài (309), ghế chủ tế (310), phong cầm (organum, 313), nhà tạm (314), theo nghi thức trong Sách Các Phép.

    V. CÁC THÍCH NGHI THUỘC THẨM QUYỀN CỦA CÁC GIÁM MỤC VÀ HÐGM

    Các thích nghi này được nói đến trong chương 9, một chương hoàn toàn mới của QCTQ 2000.

    1. Thẩm quyền của giám mục giáo phận
    Giám mục có nhiệm vụ nuôi dưỡng tinh thần phụng vụ nơi linh mục và giáo dân, điều hành sinh hoạt phụng vụ trong giáo phận (387). Cách riêng, giám mục điều hành kỷ luật đồng tế (202), quy định về phận sự giúp linh mục tại bàn thờ (107), về việc cho rước lễ dưới hai hình (283), về việc xây cất bố trí các bàn thờ (291).

    2. Thẩm quyền của HÐGM
    Quy chế mới trình bày khá dài (388-399) về vai trò của HÐGM trong lãnh vực phụng vụ, nhất là trong việc thích nghi. HÐGM có những nhiệm vụ sau:

    a) Xác định những thích nghi dự trù trong SLR với sự chuẩn y của Tòa Thánh, đó là:
    1. cử chỉ và tư thế của giáo dân (24,43)
    2. cử chỉ tôn kính bàn thờ và Sách Tin Mừng (273);
    3. bản văn của các bài ca lúc nhập lễ, chuẩn bị lễ vật và rước lễ (48,74,87);
    4. các bài đọc Kinh Thánh dùng trong các dịp đặc biệt (362);
    5. hình thức trao bình an (82);
    6. cách thức rước lễ (160-161, 284);
    7. chất liệu bàn thờ và các vật dụng phụng vụ, nhất là các bình thánh (301,329,332);
    8. chất liệu, hình thức và màu sắc các phẩm phục phụng vụ (342-343). Những Chỉ dẫn mục vụ mà HÐGM xét là hữu ích, có thể được đưa vào SLR, sau khi được Tòa Thánh chấp thuận (390).

    b) Cho phiên dịch SLR và các bản văn Kinh Thánh dùng trong phụng vụ. Khi dịch, cần lưu ý đến các loại văn khác nhau trong phụng vụ và Kinh Thánh, đồng thời dùng ngôn ngữ trang trọng nhưng vừa tầm giáo dân hiểu được và thích hợp cho việc công bố (publica proclamatio) (389,391-192).
    c) Chấp thuận các điệu nhạc dùng trong Nghi thức Thánh Lễ, trong các lời đáp và tung hô của giáo dân, và trong các nghi thức đặc biệt trong năm phụng vụ. HÐGM cũng xét những hình thái âm nhạc và những nhạc cụ có thể được dùng trong phụng vụ (393).
    d) Soạn lịch riêng cho mỗi quốc gia; mỗi giáo phận cũng phải có lịch riêng và bản văn các thánh lễ riêng (394).
    e) Ðề nghị với Tòa Thánh những thích nghi sâu hơn, để phụng vụ đáp ứng đặc tính và truyền thống của các dân tộc khác nhau, nhất là những dân tộc mới được nghe loan báo Tin Mừng. Việc hội nhập văn hóa này cần phải được nghiên cứu cẩn thận và được thử nghiệm trước. Vấn đề quan trọng là làm sao duy trì đức tin toàn vẹn và không làm mất tính duy nhất của nghi lễ Roma (395-199).

    Vì thời giờ eo hẹp và vì thiếu tài liệu tham khảo, chúng tôi chưa có thể đi sâu lắm trong công việc đối chiếu. Tuy nhiên phần nào chúng ta đã có thể thấy một số những thay đổi về nghi thức.

    Nhưng chúng ta đừng nên quên rằng: Phụng vụ không phải chỉ có nghi thức, mà còn có ý nghĩa sâu xa, là lý do của những nghi thức. QCTQ 1975 đã nhiều lần nói đến ý nghĩa này, QCTQ 2000 lại còn nói nhiều hơn nữa.

    Chúng ta cần học hỏi kỹ QCTQ của SLR để thấy rằng trong đó có nhiều cái hay mà mình vẫn chưa áp dụng. Có vậy chúng ta mới có thể cử hành thánh lễ cách ý thức, linh hoạt hơn và do đó đem lại lợi ích thiêng liêng cho chính mình cũng như cho cộng đoàn tín hữu


    Trở về Trang Phụng Vụ
    Trở Về Trang Nhà