Trong Phụng Vụ,

Có Nên Dùng Từ «Cha»

Để Gọi Linh Mục Chủ Tế Không?

Hiện nay, trong phụng vụ, Giáo Hội Việt Nam vẫn dùng từ «cha» để gọi linh mục (hay giám mục) chủ tế, chẳng hạn như trong câu đối đáp: «Chúa ở cùng anh chị em! - Và ở cùng cha!», hay trong câu «Xin Chúa nhận lễ vật bởi tay cha.», v.v. Chúng ta thử xét lại xem cách dùng từ như thế trong thánh lễ có chỉnh không? có phù hợp với tinh thần của giới răn thứ nhất, và với tinh thần của Kitô giáo không?

Trong sinh hoạt ngoài phụng vụ, chúng ta có thể dùng từ «cha» để gọi các linh mục, điều đó tuy có nhiều người cho là chưa chỉnh lắm, cần đặt lại vấn đề, nhưng xét cho cùng vẫn còn có thể chấp nhận được. Nhưng trong phụng vụ, hay cụ thể hơn, trong cùng một thánh lễ, từ «Cha» vừa để gọi Thiên Chúa Cha (đặc biệt trong phần phụng vụ Thánh Thể), vừa để gọi một tạo vật của Ngài như linh mục chủ tế, thì chẳng những không phù hợp, mà e rằng còn là một hành vi phạm thượng đối với Thiên Chúa Cha.

Vì thế, chúng ta cần nghiêm chỉnh xét lại vấn đề này. Đây chỉ là một nhận định của một giáo dân hiểu biết còn giới hạn, có thể giáo quyền khi sử dụng từ ngữ ấy trong phụng vụ đã có một chủ ý sâu xa hơn. Tuy nhiên, với tư cách một giáo dân, người viết bài này xin nêu lên ý kiến, cũng là thắc mắc, để được những bậc cao minh chỉ giáo.

Mọi người là anh chị em với nhau

Trong Tin Mừng, Đức Kitô có nói: «Anh em đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời» (Mt 23, 9). Trong cách xưng hô thường ngày, ngoài phụng vụ chính thức của Giáo Hội, việc gọi các linh mục là cha, với quan niệm rộng rãi, có thể chấp nhận được, vì linh mục là cha về mặt tâm linh (hiểu theo nghĩa rộng, còn theo nghĩa chính xác thì chỉ có Thiên Chúa mới là cha, hay người sinh ra ta về mặt tâm linh mà thôi).

Cũng tương tự như có thể gọi người sinh ra mình về mặt thể chất là «cha», mặc dù theo đức tin Kitô giáo, xét cho cùng, chỉ có Thiên Chúa mới là Cha đúng nghĩa nhất của chúng ta, cho dẫu về mặt thể chất. Cha mẹ ruột thịt là người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta, hơn là chính các ngài sinh thành và nuôi dưỡng. Theo tinh thần câu Thánh Kinh: «Apôlô là gì? Phaolô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên» (1 Cr 3, 5-6), thì trong việc sinh thành hay nuôi dưỡng, dù về thể chất hay tâm linh, chính Thiên Chúa mới là người đóng vai trò chủ chốt, chứ không phải cha mẹ hay linh mục.

Tuy nhiên, thật là quái dị, nếu có ai vì muốn áp dụng lời của Đức Kitô vừa nêu trên (Mt 23, 9) mà không chịu gọi người thân sinh ra mình là cha! Vì thế, không thể áp dụng lời Chúa hoàn toàn theo nghĩa đen như vậy! Vả lại, chắc chắn chính Đức Giêsu cũng phải gọi thánh Giuse bằng «cha» như mọi người vẫn gọi cha mình. Nếu không gọi như thế, thì Ngài gọi thánh Giuse bằng gì? Trong chiều hướng đó, giáo dân vẫn có lý do hợp lý để gọi linh mục bằng «cha» theo lòng tôn kính của mình.

Như vậy trong cách xưng hô của đời thường thì việc gọi linh mục bằng cha vẫn có thể chấp nhận được. Nhưng trong phụng vụ, trong cùng một bối cảnh cụ thể - là tất cả mọi người đều đứng trước mặt Thiên Chúa, đều cùng thờ phượng Thiên Chúa, và đều cùng gọi Thiên Chúa là Cha, đều tôn vinh Ngài là Thiên Chúa, là Cha chung duy nhất của vũ trụ, nên tất cả mọi người đều là anh em với nhau (xem Mt 23, 8b) - mà người này lại gọi người kia là cha, thì đâu có hợp lý! chẳng những không hợp lý mà còn phạm thượng nữa! Ngôn ngữ của phụng vụ là ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội để tôn vinh Thiên Chúa, không thể chấp nhận có một sự hàm hồ như thế được! Trong cùng một bối cảnh tương đối hạn hẹp của thánh lễ, một cách khách quan - chẳng hạn đối với những người không phải Kitô giáo tham dự thánh lễ - làm sao phân biệt được «cha» nào là Thiên Chúa, và «cha» nào là linh mục?

Sự tôn kính Thiên Chúa

đòi hỏi phải dè dặt trong việc dùng từ

Trong lịch sử Giáo Hội, ta thấy các vị lãnh đạo Giáo Hội đã không chấp nhận những trường hợp dùng cùng một nghi lễ cho cả Thiên Chúa lẫn một ai đó thuộc loài thụ tạo. Lòng tôn kính Thiên Chúa đòi hỏi phải có sự phân biệt rõ ràng. Chẳng hạn như trong việc thờ cúng tổ tiên trước đây tại Á Châu, Giáo Hội không chấp nhận cho người Đông phương dùng cùng một nghi thức thờ phượng hay tôn kính vừa cho Thiên Chúa lại vừa cho tổ tiên đã khuất bóng, vì như thế là một hình thức phạm thượng đối với Thiên Chúa. Chỉ cách đây mới 5, 6 chục năm trước, các vị lãnh đạo trong Giáo Hội đã có một lập trường rất cứng rắn không chấp nhận việc thờ cúng tổ tiên của người Á Đông, và đã bảo vệ lập trường này một cách hết sức quyết liệt!

Trước đây tại Việt Nam, và hiện nay vẫn còn ở Âu châu, nghi thức chào Chúa khi vào nhà thờ có Mình Thánh Chúa là bái gối (co chân trái và quì chân phải), và cách chào này chỉ dành cho Thiên Chúa để tỏ lòng thờ phượng. Ngày nay, để hội nhập văn hóa, Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã cho phép Kitô hữu Việt Nam chào Chúa theo kiểu Đông phương là cúi đầu. Nhưng thiết tưởng cúi đầu chào Chúa phải là cúi đầu thật sâu, có thể chấp tay lại khi chào, để tỏ sự cung kính hơn là khi cúi đầu chào một người bề trên vốn cũng là người. Có như thế mới đúng với tinh thần của giới răn thứ nhất. Chào Thiên Chúa và chào bề trên của mình giống y như nhau thì quả không hợp lý lắm, khi mà trong tâm thức mình không chấp nhận coi hai đối tượng ấy là ngang hàng với nhau. Theo tập tục của hầu hết các nước trên thế giới, nghi thức tiếp đón một vị quốc trưởng phải trang trọng và tôn kính hơn nghi thức tiếp đón thủ tướng hay một bộ trưởng, thậm chí thủ tướng cũng khác với bộ trưởng!

Trong lịch sử Kitô giáo tại Trung Hoa, để tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa, đã có thời Giáo Hội không chấp nhận cho người Kitô hữu Trung Hoa gọi Thiên Chúa là «Thiên», vì từ «Thiên» nghĩa rất hàm hồ, vừa có nghĩa siêu hình là nguyên lý tối thượng của vũ trụ vạn vật (như trong chữ Thiên lý, Thiên mệnh, Thiên tử), vừa có nghĩa vật chất, là bầu trời, khoảng không trung bao la. Vua Khang Hy cũng như các cha dòng Tên tại Trung Hoa thế kỷ 19 đã phải tranh đấu rất nhiều, thì Giáo Hội mới chấp nhận cho người Trung Hoa gọi Thiên Chúa bằng «Thiên» như hiện nay.

Để tôn kính Thiên Chúa ở ngôi vị tối thượng Giáo Hội đã dè dặt đến mức như thế, thế mà ngày nay, tại Việt Nam, chúng ta lại gọi Thiên Chúa và linh mục cùng bằng một từ «Cha» trong cùng một bối cảnh rất giới hạn của thánh lễ, thì quả là. có phần «vô phép»!

Ngày xưa, các vị vua nước ta còn đặt ra lệ «kî húy»: tên của vua, cho dù là tên gọi hay tên thụy, thì người dân không được phép trùng tên với vua, nếu ai lỡ trùng tên thì phải đổi tên hoặc gọi trại đi, như «Hoàng» thành «Huỳnh», «Nhậm» thành «Nhiệm» (), v.v., thậm chí các từ thường dùng cũng phải gọi trại đi như «lưu hoàng» thành «lưu huỳnh», «bổ nhậm» thành «bổ nhiệm». Thế mà ngày nay, trong ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội Việt Nam, Thiên Chúa và linh mục chủ tế dường như được coi ngang hàng với nhau, ít là theo ngôn ngữ!

Nên sửa lại thế nào?

Vì trước mặt Thiên Chúa, tất cả mọi người là anh em, cho dù có là giáo hoàng, giám mục, linh mục, hay có là tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, hay cho dẫu có là trẻ con, nô lệ, người vô danh tiểu tốt, hay là «dân ngu cu đen» đi chăng nữa! Đã là người thì tất cả đều là anh chị em với nhau trước mặt Thiên Chúa. Quan niệm đó nếu không thể - và có lẽ cũng không nên - biểu lộ hay thể hiện qua cách xưng hô ở ngoài xã hội, thì ít ra cũng cần phải được thể hiện ở trong nhà thờ, nhất là trong phụng vụ chính thức, là nơi và lúc mà tất cả mọi người cùng đến trước mặt Thiên Chúa để thờ phượng Ngài với tư cách bình đẳng với nhau.

Giáo huấn chính thức của Giáo Hội nhìn nhận rằng «Giáo hội là gia đình của Thiên Chúa», trong đó, Thiên Chúa là cha mẹ, mọi Kitô hữu đều là con cái Chúa, đều «được làm em Chúa Kitô» () làm «em của Con Đức Mẹ» (), nên cũng là anh chị em của nhau. Giáo Hội cũng đã từng dạy: «Trước mặt Thiên Chúa, tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau». Dạy thì như thế, nhưng trong thực tế, chính Giáo Hội đã thể hiện lời dạy đó trong những trường hợp nào? chẳng lẽ chỉ áp dụng điều đó trong tinh thần một cách thầm kín bên trong, hay một cách mặc nhiên (implicite), ngầm hiểu mà thôi sao? còn trong biểu hiện cụ thể, thực tế và minh nhiên thì tinh thần ấy không có chỗ đứng?

Nếu ngay trong phụng vụ chính thức mà còn phân biệt giai cấp, còn không có sự bình đẳng, thì còn nơi nào, lúc nào thích hợp hơn để thể hiện tinh thần bình đẳng đó nữa? Giáo Hội không thể để cho lời dạy của Chúa, và của chính mình thành trừu tượng quá, thành «dường như không thể thực hiện được»! Giáo Hội nên dành chỗ đứng cụ thể cho tinh thần ấy!

Vậy, trong phụng vụ, chúng ta nên dùng những từ nào để xưng hô với nhau cho phù hợp?

Xưng hô của linh mục chủ tế đối với giáo dân:

Nếu linh mục chủ tế gọi giáo dân là «anh chị em» thì rất xứng hợp, vì giáo dân là một tổng hợp gồm nhiều thành phần, trong đó:

- có thể có những người lớn tuổi hơn, hiểu biết hơn, đạo đức hơn mà xét theo bình diện nhân loại, xứng đáng là đàn anh của linh mục chủ tế, đáng cho linh mục gọi là «anh» hoặc «chị».

- có thể có những người nhỏ hơn, kém hơn linh mục chủ tế về nhiều phương diện, mà linh mục có thể gọi là «em» một cách rất phù hợp

- có thể có những người ngang tầm cỡ với linh mục chủ tế về nhiều phương diện, trường hợp này, linh mục có thể gọi họ là «anh em» hay «chị em» như trong thực tế linh mục vẫn thường gọi.

Và linh mục chủ tế có thể xưng mình là «tôi» một cách đơn giản và hợp lý như từ trước đến nay.

Xưng hô của giáo dân đối với linh mục chủ tế:

Còn giáo dân tham dự thánh lễ nên xưng hô với linh mục chủ tế thế nào?

1. Gọi bằng «anh»?

Ctrên lý thuyết mà nói, thì đúng nhất và hay nhất là giáo dân nên gọi chủ tế là «anh», vì trước mặt Thiên Chúa, tất cả mọi người là anh chị em với nhau, thì linh mục chỉ có thể là «anh», chứ không thể là «chị» hay là «em» được! Và nếu cứ theo lý, có lẽ khó có một từ nào khác thích hợp hơn. Vả lại, trong cộng đồng Dân Chúa, theo Công Đồng Vatican II: «Giáo dân được làm em Chúa Kitô (.). Cũng vậy, họ làm em những người đã lãnh nhận chức vụ thánh, những kẻ đang lấy quyền Đức Kitô mà giảng dạy.» (Hiến chế về Giáo Hội «Lumen Gentium», số 32d). Như vậy, Công Đồng Vatican II xác định linh mục là anh (chứ không phải là cha) của giáo dân, và giáo dân là em (chứ không phải là con) của các linh mục. Trong phụng vụ, giáo dân gọi linh mục chủ tế là «anh» theo tinh thần Công Đồng Vatican II quả là rất thích hợp.

Vì trong Giáo Hội, giáo dân là «em của những người đã lãnh nhận chức vụ thánh», nên đúng ra cứ theo phận làm em mà nói, thì phải xưng với linh mục chủ tế là «chúng em». Nhưng trên bình diện nhân loại, trong số giáo dân có nhiều người lớn tuổi hơn linh mục, nên tất cả đều xưng là «chúng em» thì không thích hợp lắm, nhất là khi có những người người ngoài Giáo Hội đến tham dự thánh lễ. Trong đời thường, khi còn nhỏ, anh chị em - dù ruột thịt hay bà con - thường xưng với nhau bằng anh, chị, hay em, nhưng khi đã trưởng thành, thì người ta không còn xưng như thế, mà xưng với nhau bằng «tôi» hay «chúng tôi», bất kể mình là anh, là chị, hay là em. Vì thế, trong phụng vụ, giáo dân có thể xưng với linh mục chủ tế là «chúng tôi» như từ trước đến nay.

Vấn đề là từ trước đến nay, trong thánh lễ cũng như trong đời thường, giáo dân đã quen gọi linh mục bằng «cha», bây giờ đổi lại là «anh», thì thấy nó kỳ cục làm sao, cho dù là chỉ trong thánh lễ! Nhưng việc cần thay đổi thì phải thay đổi. Chúng ta thử giả sử ngược lại, nếu giáo dân đã quen gọi linh mục bằng «anh», mà bây giờ phải đổi lại bằng «cha», thì chắc chắn cũng sẽ thấy rất kỳ cục, thậm chí kỳ cục hơn trường hợp hiện nay. Vấn đề là do thói quen mà thôi! Nhưng nếu cứ buộc phải thay đổi thì sẽ thay đổi được tất! Bằng chứng là khi một thầy đại chủng viện làm linh mục, những người thân quen đang gọi thầy là «thầy», là «anh», và tự xưng là «tôi», hay một từ nào khác, mà bây giờ tự nhiên phải đổi lại là «cha», thì những lần đầu gọi như thế quả thật rất ngượng nghịu, khó gọi. Nhưng vì thói quen, không gọi thế thì dường như không hợp lý, nên ráng thử gọi một vài lần là thấy quen, về sau chẳng có gì là ngượng nghịu cả.

Đặt vấn đề thì dễ, nhưng giải quyết vấn đề không phải là đơn giản, vì vấn đề này còn liên quan đến nhiều lãnh vực khác. Một trong những vấn đề khó khăn đối với những người có trách nhiệm về vấn đề đổi hay không đổi, và đổi thế nào, không phải là ở chỗ quen hay không quen, mà ở chỗ có thể gây nên một xúc phạm nào đó đối với các linh mục, vốn là những người đáng được kính trọng, nể vì. Điều này còn liên quan đến vấn đề là: liệu chính các linh mục có muốn hay có chấp nhận việc thay đổi cách xưng hô đó hay không?

2. Gọi bằng «thầy»?

Gọi linh mục chủ tế bằng «anh» tuy rất đúng về mặt lý thuyết, với tinh thần «Giáo Hội là Gia đình của Thiên Chúa», nhưng xem ra không thích hợp với tinh thần hết sức tôn trọng các linh mục của người giáo dân Việt Nam hiện nay. Sự tôn trọng này quả là một điều rất đáng mừng, nó nói lên tinh thần sùng đạo, hay «tôn sư trọng đạo» của người giáo dân. Đây là một điểm son của người giáo dân Việt Nam mà các linh mục nên coi như một hồng ân hơn là một bổn phận đương nhiên phải có của người giáo dân. Sự tôn trọng của các giáo dân phương Tây đối với các linh mục quả không được như vậy.

Vì thế, nếu không gọi linh mục bằng «cha» thì có thể gọi ngài bằng «thầy». Điều này tránh được sự trùng hợp với từ «Cha» được dùng để xưng hô với Thiên Chúa. Mà từ này cũng rất xứng hợp với tư cách và công việc của linh mục là giảng dạy. Ngày xưa, người ta gọi linh mục là «thầy cả» (thầy lớn, đứng đầu), gọi giám mục là «đức thầy», có lẽ để phân biệt với những vị thầy ở ngoài đời. Vả lại, trong các tôn giáo khác, người ta cũng gọi các tu sĩ là «thầy», là «» (như trong Đạo Phật, Tin Lành, v.v.). Trong thánh lễ, nếu gọi linh mục bằng «thầy», thì linh mục có thể gọi giáo dân là «anh chị em» như cũ, không cần phải thay đổi, còn giáo dân có thể xưng hô với linh mục bằng «chúng tôi» như cũ, không có gì là không hợp lý.

Kết luận

Phụng vụ, nhất là thánh lễ, là việc thờ phượng chính thức của Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa, và biểu trưng cho tinh thần Giáo Hội hơn bất cứ một hoạt động nào khác. Vì thế, ngôn ngữ được dùng trong phụng vụ từ xưa đến nay đã được Giáo Hội cân nhắc từng câu từng chữ. Do đó, cách dịch từ ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội toàn cầu sang ngôn ngữ của các Giáo Hội địa phương cũng cần được cân nhắc cẩn thận.

Trong các ngôn ngữ khác, việc xưng hô không có vấn đề, vì các đại từ chỉ ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai rất đơn giản, chẳng hạn như trong tiếng Anh, chỉ có «I» (hoặc «me») cho ngôi thứ nhất số ít, và «you» cho ngôi thứ hai. Nhưng trong tiếng Việt, việc xưng hô quả là phức tạp. Cần phải xưng hô làm sao cho phù hợp với tương quan giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Và sự phù hợp này lại được coi là rất quan trọng và đầy ý nghĩa.

Riêng tôi, người viết bài này, sau khi so sánh nhiều cách gọi khác nhau, tôi cho rằng trong thánh lễ giáo dân gọi linh mục chủ tế bằng «thầy» là thích hợp nhất, tuy không nói lên được tinh thần «Giáo Hội là Gia đình của Thiên Chúa» như khi gọi bằng «anh», nhưng nó phù hợp với tâm tình và sự kính trọng của người giáo dân đối với các linh mục. Gọi bằng «anh» xem ra có vẻ xách mé quá! Vậy, giữa từ «anh» và từ «thầy», từ nào cũng đều có cái hay và cái dở của của nó, mà chúng ta không thể chọn cả hai. Vì thế, phải chấp nhận qui luật này: được cái này thì phải mất cái kia, có những trường hợp không thể thực hiện sự vẹn toàn được. Tôi chọn từ «thầy» vì tôi đặt nặng tâm tình có thực của người giáo dân đối với các linh mục hơn là việc thể hiện chân lý mang tính thần học kia.

Rất mong vấn đề này được mọi thành phần trong Dân Chúa cùng suy nghĩ, góp ý, để đưa ra giải pháp tốt đẹp nhất.

NGUYỄN CHÍNH KẾT


Trở Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà