Suy niệm Tuần Thánh 2010

 

 

THẬP GIÁ VÀ PHỤC SINH

 

 

Nơi Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, Thập Giá và Phục Sinh là hai mặt của chỉ một Thực tại duy nhất là Tình Yêu của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ hiểu được điều đó khi hiểu được “những nghịch lý” trong Tình Yêu và trong Tin Mừng của Đức Giêsu-Kitô : chết đi-sống lại, mất-còn, mất-tìm lại được, cho đi-nhận lại, tự hủy-tồn tại, đau khổ-hạnh phúc, ra đi-trở về, v.v… (Mc 8, 35; Mt 10, 39; Lc 17, 33; Ga 12, 24-25; Lc 15, 24.32); hay nói theo ngôn ngữ Đông phương : Âm và Dương luôn gắn bó mật thiết với nhau và chuyển hóa cho nhau : âm cực sinh dương, dương cực sinh âm… [1]

 

I-                  Ở NƠI MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA-BA NGÔI

 

Có thể nói rằng những “đối nghịch” (oppositions) trong tương quan giữa Ba Ngôi Vị (Cha-Con-Thánh Thần) là hình ảnh phản ảnh chính xác nhất của Tình Yêu và những nghịch lý của Tin Mừng : sự đối nghịch vừa mang tính chất “tình yêu và đau khổ”. Thật vậy, khi Thiên Chúa yêu đến cùng cực đó chính là lúc Thiên Chúa “ra khỏi chính mình” : đây là nguồn gốc của hành vi nhiệm sinh Con, hoàn toàn như Cha, chỉ trừ cương vị là Cha; và khi Con yêu Cha đến cùng cực là Con hiệp nhất cùng cực với Cha. Và khi Cha và Con yêu nhau đến cùng cực là lúc Hai Đấng “cùng đi ra khỏi chính mình” : đây là nguồn gốc của hành vi nhiệm xuất ra Thần Khí…Đó chính là điều mà các sách Tin Mừng gọi là những nghịch lý  “đánh mất mình để là mình” (Lc 15, 24.32; Mc 8, 35 và song song); hay nói theo ngôn ngữ Đông phương : âm cực sinh dương, dương cực sinh âm…

 

II-               Ở NƠI MẦU NHIỆM SÁNG TẠO

 

Và, khi Ba Ngôi Thiên Chúa yêu nhau đến cùng cực, thì “trong Con-Ngôi Lời”, Hình Ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình (Cl 1, 15; 1 Cr 11, 7; 2 Cr 4, 4), tức là “trong Thiên Chúa”, vì Tình Yêu, công trình Sáng tạo diễn ra…(xem Hiến chế tín lý MK, số 2)… Có vẻ như qui trình “nghịch lý Tin Mừng” vẫn là một, dù đó là nơi Kết đồ tế thế diễn ra trong lịch sử (Economie) hay bên trong Thực tại nội thân của Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi : ban cho-đón nhận, ra đi-trở về, hiện hữu cho (pro-existence)-hiện hữu (existence), đánh mất-tìm lại được, chết-sống, v.v…

 

III-            Ở NƠI MẦU NHIỆM NHẬP THỂ CỦA NGÔI LỜI

 

Những nghịch lý của Tin Mừng sẽ được bày tỏ cách rõ ràng nơi Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, cách đặc biệt qua ngôn ngữ của Thánh Phaolô :

 

“Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa.

Song Ngài đã hủy mình ra không, là lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta; đem thân đội lố người phàm,

Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá !

Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài !

Và ban cho Ngài Danh hiệu, vuợt quá mọi danh hiệu, …” (Pl 2, 6-9).

 

Người ta gọi đó là mầu nhiệm “tự hủy” (kénose) : mất đi để mà được lại, chết đi để mà được sống, âm cực thì sinh dương… (xem Ga 10, 17-18; Rm 5, 8; 8, 32; 1 Ga 3, 1; Gl 4, 4-7).

 

IV-             THẬP GIÁ VÀ PHỤC SINH

 

Như trong bài viết “Nguyên nhân và những Hiệu quả của Ơn Cứu độ”, chúng tôi đã có lưu ý, Thập giá, tự nó, không phải là mục đích hay cứu cánh, mà chỉ là phương tiện, công cụ để bày tỏ Tình Yêu, bởi vì chỉ có Tình Yêu dâng hiến và vị tha mới có khả năng làm thay đổi, canh tân thế giới và “cứu độ” con người; và, chúng tôi cũng đã có lưu ý rằng Tình Yêu, Tự do, Thập giá (đau khổ, chết chóc, sự dữ…) là ba khái niệm-chìa khóa để có thể hiểu được cách đúng đáng mầu nhiệm Ơn cứu độ trong Đức Giêsu-Kitô…

 

Trước tiên, bởi vì một Tình Yêu đích thực bao giờ cũng mang tính vị tha, dâng hiến, cho đi (xem Ga 15, 13). Và, ở nơi Thiên Chúa, Tình Yêu đó luôn luôn là tuyệt đối tự do, nhưng không (Rm 5, 6 tt; Tt 3, 5; 1 Ga 4, 10-19). Vì thế, hiện sinh của Đức Giêsu-Kitô được định nghĩa như là một “hiện sinh-cho…” (une pro-existence); hay nói theo ngôn ngữ của nhà Phật là “vô ngã” (hiểu theo nghĩa tích cực) và theo ngôn ngữ của Kim Dung là “thân vô kỷ”…

 

Thứ đến, Thánh Kinh cũng chứng thực cho chúng ta biết công trình cứu độ là sáng kiến tự do và là công trình tự nguyện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa, là công trình của Tình Yêu… (Ga 3, 16; Rm 8, 32; 1 Ga 4, 10; 1 Ga 4, 8.16; v.v…).

 

Một cái nhìn lướt nhanh và tóm lược về ý nghĩa của Cái chết của Đức Giêsu-Kitô sẽ giúp chúng hiểu được những nội hàm cứu độ nầy.

 

1-    Cái chết trong Thiên Chúa :

 

Trước khi là cái chết “của” Thiên Chúa, cái chết của Đức Giêsu-Kitô là cái chết “trong” Thiên Chúa. Tại sao vậy ? Lý do là bởi vì trong tư cách vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật, Đức Giêsu-Kitô vừa không phải chết vừa phải chết. Trong ngôn ngữ “ngôi hiệp” (union hypostatique) qua đó thần tính và nhân tính của Đức Kitô hiệp nhất với nhau trên cơ sở cùng chung bản vị hay ngôi vị, và tuy hiệp nhất nên một, nhưng thần tính vẫn giữ nguyên là mình (đặc biệt đặc tính bất hoại và không thể nào chết) và nhân tính vẫn là nhân tính với những yếu tố đặc thù của mình (như có thể bị hủy hoại và phải chết), một vấn đề sẽ phải được đặt ra : trên Thập giá, “Ai” chết ? Trong tư cách là Thiên Chúa thật, Đức Giêsu-Kitô không thể nào chết được. Còn, nếu trong tư cách là con người thật, Đức Giêsu hẳn phải chết như bất cứ ai trong chúng ta. Làm sao dung hòa được hai yếu tố hoàn toàn mâu thuẩn nầy ? Một số nhà thần học, dựa trên những khái niệm “nhận là của mình” (appropriations) và “thông ban cho” (communications), giải thích rằng bởi vì thần tính của Đức Giêsu-Kitô đã hiệp nhất nên một với nhân tính của Ngài và đã nhận nhân tính đó là của mình nên thần tính đó cũng nhận cái chết của nhân tính như là của mình. Nhưng, giữa việc nhận cái chết đó là của mình với việc chết thực sự là hai việc có thể không hoàn toàn đồng nghĩa với nhau. Vì thế, có lẽ nên hiểu cái chết của Đức Giêsu-Kitô, bởi vì là cái chết “trong” Thiên Chúa, chính là cái chết của Sự Chết, tức là chết để mà sống…Và chỉ trong chân trời đó, người ta mới có thể nói được về cái chết “của” Thiên Chúa nơi Đức Giêsu-Kitô : Thiên Chúa chết để con người được sống với Ngài…Tức là Thiên Chúa “chết” để được phục sinh và để con người cũng được phục sinh và sống sự sống tình yêu vĩnh hằng trong Ngài và như Ngài…

 

2-    Cái chết của Sự Chết :

 

Như đã có lưu ý trong bài “Nguyên nhân và những hiệu quả của Ơn cứu độ”, ở trên Thập giá, hành vi cứu độ - hay nói đúng hơn là hành vi khiến cho nhân tính của Đức Giêsu-Kitô (vốn là hiện thân của toàn thể nhân loại) được thần linh hoá, được tham dự vào sự sống tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa, được phục hồi lại như là “hình ảnh của Thiên Chúa” (hay nói cách khác giống như Đức Kitô), được giao hoà lại với Thiên Chúa, với anh em mình, với chính bản thân mình và với thiên nhiên vũ trụ (Thiên-Địa-Nhân hoà) - được diễn ra khi nhân tính của Đức Giêsu-Kitô sống cách trọn vẹn Tình Yêu dâng hiến của mình trong tương quan với Cha, với Thánh Thần và với thụ tạo : chính ở nơi hành vi dâng hiến tất cả nầy (Ga 19, 30; 15, 13) mà Cha đã trao ban lại cho Con tất cả, và trong Con và qua Con, con người được trở thành đích thật là con của Thiên Chúa, là anh chị em với nhau, là mình (căn tính của mỗi người được thực hiện), tức là “được siêu độ” (Ga 17, 10; Lc 15, 31). Chính trên cơ sở nhân tính của Đức Giêsu-Kitô là hiện thân của toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời nầy, - và khi nhân tính nầy được thánh hóa, được tôn vinh, được hiệp nhất trọn vẹn với thần tính, với Thiên Chúa và qua đó với tất cả thụ tạo, thì toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời đều được hưởng những ân phúc đó trong Đức Giêsu-Kitô – mà Giáo Hội trước sau như một vẫn luôn khẳng định rằng Đức Giêsu-Kitô là Đấng Siêu độ duy nhấtphổ quát

 

Cái chết vì tình yêu của nhân tính cũng có nghĩa là cái chết của Sự Chết (tức là Tội lỗi : kiêu căng, thù hận, ghét ghen, ích kỷ, v.v…) nơi nhân tính, và điều đó có nghĩa là “sinh thì” (thời gian của sự sống), là sự phục sinh, sự tái sinh, sự được thần linh hoá, được trở nên con Thiên Chúa “trong” Đức Giêsu-Kitô, Con Thiên Chúa…

 

3-    Cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu-Kitô :

 

Khoảnh khắc diễn ra cái chết trên Thập giá, cách lạ lùng, được ngôn ngữ nhà đạo cổ điển Việt Nam gọi là “lúc sinh thì” của Đức Giêsu. Điều đó chứng tỏ rằng đã từ rất lâu, người công giáo Việt Nam đã hiểu được cái chết của Đức Giêsu không có nghĩa là chấm hết, là bị hủy diệt, mà là “bắt đầu thời gian sống” (sinh thì) của Ngài. Trong cái chết đã bao hàm sự phục sinh, hay đúng hơn, tiếp nối hành vi tự hủy hoàn toàn chính bản thân mình là hành vi sở đắc hoàn toàn bản thân mình (âm cực sinh dương). Phục sinh là sự tiếp nối cái chết trong Thiên Chúa và vì Thiên Chúa.

 

Vì thế, không được coi sự Phục sinh đơn giản như chỉ là sự sống lại của con người chỉ về mặt thể lý (như trường hợp của Lazarô, của người con trai của bà goá thành Naim, v.v…). Sự Phục sinh trọn vẹn bao hàm không chỉ sự phục sinh về mặt thể lý, mà trước hết và trên hết là sự phục sinh thuộc linh. Có những trường hợp, về mặt thể lý, người ta vẫn “sống”  nhưng vẫn được coi như “đã chết” (xem Lc 15, 24.32). Có những trường hợp người đã chết vẫn được coi như đang sống (xem Mc 12, 26-27 và ss). Thật vậy, con người chỉ có thể được coi như là “sống” khi “ở trong” Đức Giêsu-Kitô,  hay khi “ở trong Tình Yêu”, “ở trong Thiên Chúa”…

 

Chính vì ở nơi Đức Giêsu-Kitô, trên Thập giá, đó là cái chết của Sự Chết (đã đành cùng với những đặc tính đau thương, khổ nhục như của bất cứ cái chết nào của con cái loài người), được thực hiện bởi Thần Khí sự sống (1 Pr 3, 18) và Cha Ngài, nên, “nhân cơ hội” (1 Pr 3, 19) Ngài đã có thể “đi vào ngục tổ tông” và “loan báo Tin Mừng cho cả kẻ chết” (1 Pr 4, 6). Ở đây, phải chăng người ta có thể nói rằng về mặt thuộc linh (vì Ngài không bao giờ phạm tội), Đức Giêsu-Kitô không bao giờ chết, nhưng Ngài chết về mặt thể lý như chúng ta ? Nếu như thế, thì về mặt thể lý, Đức Giêsu-Kitô đã chết thật, và chính Cha Ngài và Thần Khí Sự Sống của Cha Ngài và cả của Ngài đã phục sinh Ngài từ giữa các kẻ chết (Ga 2, 19 tt; Mc 8, 31; 9, 31; 10, 34; Cv 26, 23; Cl 1, 18; Kh 1, 5; 1 Cr 15, 20).

 

Tóm lại, sự Phục Sinh Đức Giêsu-Kitô là một sự Phục Sinh trọn vẹn, bao hàm cả khía cạnh thể lý cả khía cạnh thuộc linh : toàn thể nhân loại kể từ đó trong nhân tính đã được thánh hoá và thần linh hoá của Ngài được thần linh hoá, được thánh hoá, được “cứu độ”, v.v… “Ơn cứu độ” đã hiện hữu ở đấy, “ở nơi” và “cho” con người của tất cả mọi thời và mọi nơi. Vấn đề là con người có mở lòng mình ra để đón nhận “ơn cứu độ” đó hay không, con người có để cho Thiên Chúa cứu độ mình hay không, con người có cảm nhận mình cần được cứu độ hay không, con người có nhận ra mình đang bệnh hoạn hay không, con người có biết mình đang chết về mặt thuộc linh hay không…? Không ai có thể trả lời những câu hỏi đó thay cho mình cả. Mỗi người phải có câu trả lời của riêng mình, vì con người vốn tự do… Đã đành, ở một góc độ nào đó, vốn yếu đuối, mỏng dòn, con người vẫn luôn cần sự giúp đỡ của Giáo hội, của các cộng đoàn và của tha nhân…

 

 

Linh mục Phêrô NGUYỄN THIÊN CUNG.



[1] Xem Trần Ngọc Thêm, Cơ sở Văn hóa Việt Nam, nxb, Giáo Dục, 1999, trg. 54-55.


Trang Thần Học