VỀ VẺ ĐẸP

 

1. Eros và vẻ đẹp

Chúng ta không bàn về vẻ đẹp dưới khía cạnh yếu tính và siêu hình, như : Tự nó, đẹp là gì? Có liên hệ nào với sự thật và sự thiện? Không, không nói theo khía cạnh đó, nhưng theo khía cạnh hiện sinh. Nói khác đi, chúng ta suy nghĩ về kinh nghiệm mỗi người có về cái đẹp. Từ kinh nghiệm này, chúng ta đưa ra ánh sáng một khía cạnh xác định : không phải nét đẹp của biển cả, của lúc hoàng hôn, của các kính mầu, nhưng là nét đẹp của thân xác con người, nam cũng như nữ. Chính nét đẹp này làm phát sinh eros (tình dục), một trong những sức mạnh, nếu không muốn nói là mạnh nhất, làm rung chuyển thế giới. Vẻ đẹp của biển cả hay cảnh hoàng hôn không có mầu sắc tình dục, với tất cả những gì nó bao hàm.

Theo tâm trí, sở thích và chờ đợi của con người hôm nay, vẻ đẹp của thân thể, có y phục hay không, dường như là một giá trị được tìm kiếm nhiều nhất, là đối tượng được “tôn thờ” trong những xã hội giầu có, thịnh vượng. Chỉ cần nghĩ tới các buổi trình diễn thời trang, những cuốn lịch khỏa thân, vai trò của phụ nữ trong thế giới phim ảnh, ca nhạc kịch nghệ và quảng cáo, showbiz…là có thể nhận ra ngay điều đó. Con người hôm nay hoài nghi sự thật, chống lại sự thiện, nhưng say mê vẻ đẹp.

2. Sự hàm hồ của vẻ đẹp

Nhà văn Nga Dostoievski đặt trên môi miệng Thằng Ngốc (Gã Khờ), một nhân vật mà ông rất thích, lời nói sau đây: “Thế giới sẽ được vẻ đẹp cứu rỗi”. Nhưng vẻ đẹp nào sẽ cứu rỗi thế giới ? Rõ ràng đối với nhân vật này, đó là mọi vẻ đẹp. Nhưng chúng ta biết : có một vẻ đẹp có thể cứu rỗi thế giới, mà cũng có một vẻ đẹp có thể làm thế giới tiêu vong.

Nhà thần học Evdokimov viết: “Không chỉ mình Thiên Chúa mặc lấy vẻ đẹp, ác thần cũng bắt chước Ngài, làm cho vẻ đẹp trở thành hàm hồ”. Về điểm này, có sự tiến triển từ thời Trung cổ sang thời cận đại. Thời Trung cổ, người ta xác tín sự thiện thì đẹp, sự ác thì xấu. Trong nghệ thuật tạo hình hay thi phú, quỷ thần luôn có bộ mặt kinh khủng, quái dị. Về sau, đến một lúc nào đó, chúng lại được mô tả cách khác : đẹp đẽ hơn, hoặc ít nhất dễ coi hơn. Trong thi phú, kể từ thời thi sĩ người Anh Milton (“Thiên đường đã mất”), quỷ thần mang vẻ đẹp của kẻ bị đầy ải. Vẻ đẹp không còn là thuộc tính độc hữu của sự thiện nữa.

Một dấu chỉ cho thấy sự hàm hồ của vẻ đẹp, đó là : song song với việc tôn dương nó, văn hóa cận đại cũng minh nhiên khước từ nó. Có người nhục mạ vẻ đẹp, đến độ có thể nói vẻ đẹp đã chết, giống như nói Thiên Chúa đã chết. Do hầu như chỉ có đàn ông nói về vẻ đẹp, nên khinh chê vẻ đẹp trở thành miệt thị phụ nữ. Thi sĩ Pháp Rimbaud gọi phụ nữ là “một đống gan ruột !”.

Trong hội họa, họa sĩ vẽ những con chim kinh dị tìm tòi trên thân xác phụ nữ như trên một xác thối. Trong những bức tranh trừu tượng, có họa sĩ vẽ những phụ nữ nổi tiếng giống như những “thây ma của vẻ đẹp”.

Thực ra, không chỉ có vẻ đẹp phụ nữ, mà vẻ đẹp nói chung bị nhục mạ. Không thiếu những tác phẩm hội họa hay điêu khắc phản lại thẩm mỹ được sáng tạo, và còn được đưa vào viện bảo tàng nữa.

Đâu là lý do của sự hàm hồ này ? Người ta thường cho là do tội lỗi. Nhưng nếu đọc Kinh thánh, có thể thấy sự hàm hồ này không chỉ là hậu quả của tội, mà còn là lý do gây ra tội. Bà Evà bị vẻ đẹp của trái cấm cám dỗ, vì bà “thấy trái đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt” (St 3,6). Về phương diện thẩm mỹ thì trái đó đúng là đẹp. Con người không rời xa Thiên Chúa, nếu không bị thụ tạo lôi cuốn. Tội nào cũng gồm hai yếu tố : tách ra khỏi Thiên Chúa và dính bén với thụ tạo (aversio a Deo et conversio ad creaturas). Xét theo tâm lý học, yếu tố thứ hai đi trước yếu tố thứ nhất. Bởi vậy, tội lỗi có lý do đi trước nó.

Sự hàm hồ của vẻ đẹp có gốc rễ nơi bản tính của con người gồm hai yếu tố : chất thể và phi chất thể, thân xác và linh hốn. Hai yếu tố này giúp con người vừa hướng lên cao vừa hướng xuống thấp. Con người sử dụng tự do mà Thiên Chúa ban, để quyết định xem quay về hướng nào. Chính trong quyết định này mà người ta có thể thấy con người sử dụng tự do ra sao, và qua đó, phẩm giá con người được định đoạt.

Giữa xác thịt và thần trí có tranh chấp. Sự tranh chấp này là đặc tính của cuộc sống con người nơi trần thế, liên quan tới vẻ đẹp. Khi vẻ đẹp thụ tạo không giúp con người vươn lên Vẻ Đẹp bất thụ tạo, con người sẽ liều mình đắm chìm trong đó, biến vui thú tạm thời thành mục tiêu. Thánh Augustinô đã tự thú: “Một cách trái khoáy, con nhào tới những cái đẹp ở trần gian này…con bị đẩy xa Chúa bởi những gì mà, nếu không có Chúa, sẽ chỉ là hư vô” (Conf. X, 27).

Khi ấy vẻ đẹp thụ tạo, thay vì là nơi giúp con người thực tập tự do, lại đích thực là nhà mồ, vì nó làm cho họ trở thành nô lệ. Để hưởng thụ vẻ đẹp này, họ sẵn sàng làm những gì người nghiện ma túy, chẳng hạn, thường làm : trộm cắp, giết người.. Yêu thich vẻ đẹp, một khi thể hiện cách vô trật tự, sẽ khiến đầu óc ra u mê vì không làm chủ được tâm trí và ý chí của mình.

Văn chương cung cấp cho ta những biểu tượng về vẻ đẹp của phụ nữ : có vẻ đẹp cao quý giúp nâng tâm hồn lên ; có vẻ đẹp khêu gợi đưa tới sự hủy hoại. Có những khuôn mặt nổi tiếng hầu như ai nấy đề biết : Hêlêna, Juliet, Iseult.. Trong Kinh thánh cũng có những vẻ đẹp phụ nữ trở thành biểu tượng đối nghịch nhau : trong Diễm tình ca, vẻ đẹp của cô nàng làm thăng hoa tình yêu của hai người ; còn vẻ đẹp của BátSêva lại đưa Đavít đến chỗ ngoại tình và phạm tội ác (x. 2Sm 11,2). Chúng ta cũng không quên lời của Đaniel nói với một trong hai ông già kết án tử hình bà Susanna: “Sắc đẹp đã mê hoặc ông” (x. Đn 13,56).

Theo Kinh thánh, dừng lại ở thụ tạo là bản chất cốt yếu của việc thờ ngẫu tượng, vì đặt thụ tạo vào chỗ của Đấng Sáng Tạo. “Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu…Nếu chúng say mê những vẻ đẹp đó mà coi là thần minh, thì cũng phải biết rằng chúa tể của những vật đó còn đẹp hơn biết mấy, vì chính Đấng sáng tạo mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp” (Kn 13,13 ; x. Rm 1,20-23).

Sự hạ giá vẻ đẹp tinh thần so với vẻ đẹp thuần túy thân xác có những hậu quả đáng lưu ý, nhất là nơi phụ nữ. Vẻ đẹp không còn tập trung vào khuôn mặt nữa, nơi biểu lộ rõ hơn những gì bên trong như tình cảm, tư tưởng, tâm hồn. Giờ đây vẻ đẹp biểu lộ trên những phần khác của thân thể. Do đó ngày càng ít đi những nét đẹp như khuôn mặt của La Joconde (tranh của Leonardo da Vinci), và nếu cứ đà này, người ta sẽ không còn thấy những vẻ đẹp như thế nữa.

Vẻ đẹp của phụ nữ dần dần mang tính chất cám dỗ nhục dục (sex-appeal). Cùng với việc phẩm giá bị coi thường, phụ nữ, nhất là phụ nữ đẹp, trở thành đối tượng phục vụ cho đàn ông, như một đồ vật chứ không như một nhân vị. Trong một cuốn phim do Pháp sản xuất, người ta bắt gặp cảnh một phụ nữ, buồn vì bị người yêu phản bội, đã chua chát thốt lên: “Người phụ nữ có giá trị khi còn lôi cuốn được sự ham muốn của đàn ông”.

3. Đức Kitô đã cứu vẻ đẹp

Thánh Phaolô viết: “Muôn loài thụ tạo…lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy. Tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,19-21).

Nếu thay “muôn loài thụ tạo” bằng “vẻ đẹp”, thì điều này cũng không làm thay đổi ý nghĩa của lời Phaolô nói. “Vẻ đẹp lâm vào cảnh hư ảo…và trông cậy sẽ được giải thoát”. Để cứu thế giới, chính vẻ đẹp phải được cứu trước. Trên thực tế, vẻ đẹp đã được Đức Kitô cứu chuộc. Ta thử xem điếu ấy xẩy ra thế nào.

Liên hệ đến dáng vẻ của Đức Kitô, có hai quả quyết mâu thuẫn nhau. Một đàng, Ngài được gọi là “vô song tuyệt mỹ giữa thế nhân” (Tv 45/44, 3), là “phản ánh vẻ huy hoàng của Thiên Chúa” (Dt 1,3) ; đàng khác, người ta lại gán cho Ngài những lời nói về Người Tôi Trung: “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích…Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn” (Is 53,2-3).

Giải thích sự mâu thuẫn này cũng dễ thôi. Đức Kitô cứu vẻ đep bằng cách để người ta tước đi vẻ đẹp của mình, và Ngài làm thế là vì yêu. Thánh Augustinô viết: “Khi làm người, một cách nào đó Ngài mặc lấy sự dơ bẩn, nghĩa là mang lấy bản tính phải chết, để đứng vào hàng ngũ con người, trở nên giống con người, để giúp bạn yêu vẻ đẹp bên trong. Ngài không còn dáng vẻ oai phong, để ban cho chúng ta dáng vẻ oai phong”.

Muốn hiểu điều nghịch lý này, phải nại tới nguyên tắc Phaolô đã đưa ra ở đầu thư thứ nhất gửi tín hữu Corintô: “Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan cuả Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin” (1Cr 1,21).

Áp dụng cho vẻ đẹp, điều này có nghĩa là : vì do vẻ đẹp của thụ tạo, con người đã không có khả năng vươn lên tới vẻ đẹp của Đấng Tạo Hóa, nên có thể nói Thiên Chúa đã thay đổi phương pháp, và quyết định mạc khải vẻ đẹp của Ngài qua sự ô nhục và hình tượng xấu xa của đau khổ và thập giá. Từ đây, muốn đạt tới vẻ đẹp, phải đi qua mầu nhiệm vượt qua của sự chết và sự sống lại.

Kiểu mẫu và nguồn mạch của vẻ đẹp được cứu giờ đây là vẻ đẹp “trên khuôn mặt Đức Kitô” (2Cr 4,6). Vẻ đẹp không còn là cái gì trừu tượng (in abstracto theo định nghĩa của Platô), “vẻ huy hoàng của chân lý”, nhưng cụ thể là vẻ huy hoàng của Đức Kitô (dù hai chủ thể này trùng hợp nhau do Đức Kitô cũng là chân lý).

Người ta có thể tự hỏi : Có gì khác nhau giữa vẻ đẹp được cứu chuộc với những vẻ đẹp khác, trong khi đây cũng chỉ là vẻ đẹp thân xác ? Khác ở chỗ chính là vẻ đẹp bên trong, mà thân xác chỉ lả phương tiện diễn tả, chứ không phải là nguồn gốc của nó. Thân xác con người trở thành “bí tích” của vẻ đẹp, nghĩa là dấu chỉ bày tỏ vẻ đẹp. Đó không phải là tấm màn mờ đục, được ánh sáng chiếu vào, nhưng là tấm kính để ánh sáng xuyên qua. Gương mẫu tiêu biểu chính là Đức Kitô trong cuộc Biến hình.

Đôi khi người ta có thể thấy khuôn mặt của nhà chiêm niệm nhắc nhớ mầu nhiệm này. Đầu ông hơi cúi, mắt nhìn xuống đất. Ai bắt gặp lần đầu tiên cũng phải thán phục mà kêu lên : Ôi, cái nhìn, ánh sáng, vẻ đẹp tuyệt vời! Trong một tác phẩm của mình, Paul Claudel nói về một cô gái: “Mắt mọi người nhận được ánh sáng, còn cô ta thì cho”. Có thể áp dụng lời này cho nhà chiêm niệm ấy.

Người ta có thể thấy được vẻ đẹp này đặc biệt trên khuôn mặt trẻ em (ít ra ở những em sống trong một môi trường lành mạnh). Vẻ đẹp ấy toát ra từ một tâm hồn ngây thơ, trong trắng.

4. Làm thế nào dự phần vào vẻ đẹp được cứu

Như đã nói, Đức Kitô đã cứu vẻ đẹp bằng yếu tố ngược lại, tức là để cho người ta tước mất vẻ đẹp của mình. Ngài tuyên bố có một cái gì đó còn cao hơn tình yêu đối với vẻ đẹp, đó là vẻ đẹp của tình yêu.

Tất cả những điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta ? Có đúng là sống trong thế gian này, chúng ta không được tìm kiếm và hưởng thụ vẻ đẹp thụ tạo, mà trên hết là vẻ đẹp của thân xác con người, trong khi chờ đợi thân xác ta biến hình trong ngày sống lại ? Không phải vậy. Theo ý Thiên Chúa, vẻ đẹp thụ tạo là để làm đẹp cuộc đời này, chứ không phải đời sau, vì đời sau có vẻ đẹp riêng của nó.

Một bản văn của Công đồng Vatican II, khi nói rằng những hoạt động và giá trị của con người cần phải được Thập giá và sự Phục sinh của Đức Kitô thanh tẩy, đã kết luận như sau: “Vì đã được Đức Kitô cứu chuộc và được biến đổi thành thụ tạo mới trong Chúa Thánh Thần, nên con người có thể và phải yêu mến chính các thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên. Vì nhận được thụ tạo do Chúa ban, nên con người coi chúng như phát xuất từ tay Chúa và kính trọng chúng. Đang khi cảm tạ Thiên Chúa là Đấng Ban Ơn vì các thụ tạo ấy, cũng như đang khi sử dụng và thụ hưởng chúng trong tinh thần nghèo khó và tự do, con người thực sự thi hành quyền làm chủ thế giới, như một kẻ không có gì hết, nhưng lại sở hữu tất cả (2Cr 6,10)” (Hiến chế Mục vụ, số 37).

Thánh Phanxicô Assisi để lại cho chúng ta tấm gương vĩ đại về cách xử sự đối với tạo thành. Vị thánh nghèo khó là người ca ngợi nhiệt tình nhất vẻ đẹp của các thụ tạo. Những anh Mặt Trời, những chị Mặt Trăng và các vì sao…anh chị nào cũng đẹp đẽ, mỹ miều. Điều lạ lùng là khi ngài ca ngợi các thụ tạo tạo đó, lại là lúc ngài không còn trông thấy chúng nữa, vì mắt ngài hầu như đã bị mù, thậm chí ánh sáng mặt trời làm cho mắt ngài cảm thấy nhức nhối. Khi đã từ bỏ tất cả, ngài lại có khả năng hưởng thụ tất cả.

Như vậy, ta có thể thưởng thức vẻ đẹp thụ tạo, nếu chấp nhận thập giá đã cứu chuộc nó. Và thập giá của vẻ đẹp không phải là thứ đau khổ nào, mà chính tình yêu, một tình yêu đòi hỏi trung thành, tôn trọng người khác, vâng phục Thiên Chúa, tuân theo ý nghĩa của sự vật, tức đòi phải hy sinh, từ bỏ.

Triết gia Pascal nói rằng trên thế giới có ba cấp độ cao cả : cấp thứ nhất là cấp của thân xác, sức mạnh và những gì thuộc vật chất ; cấp thứa hai là cấp của trí khôn, thiên tài, khoa học và nghệ thuật ; cấp thứ ba là cấp của sự thánh thiện, nhân từ và ân sủng (Kierkegaard cũng có một cách phân chia tương tự theo ba cấp : cấp thẩm mỹ, cấp triết học và cấp tôn giáo).

Giữa cấp trước và cấp sau, có sự cách biệt gần như vô hạn về phẩm chất. Giầu hay nghèo, đẹp mã hay xấu dáng, không liên hệ gì đến thiên tài. Sự cao cả của thiên tài thuộc bình diện khác, vượt hẳn lên trên. Cũng vậy, mạnh hay yếu, thiên tài hay mù chữ, không liên hệ gì đến một vị thánh, vì sự cao cả của ngài thuộc bình diện khác, vượt xa đến mức vô biên.

Những gì Pascal bàn về sự cao cả nói chung, cũng nên được áp dụng cho vẻ đẹp. Có ba cấp vẻ đẹp : cấp của vẻ đẹp thể lý hay thân xác ; cấp của vẻ đẹp trí khôn và nghệ thuật ; cấp của vẻ đẹp thiêng liêng. Giữa cấp trước và cấp sau có một vực thẳm ngăn cách. Vẻ đẹp ở cấp thứ ba có một danh xưng mà chỉ mình nó nói lên tất cả. Danh xưng đó là ân sủng. Ân sủng đồng nghĩa với đẹp. Một tâm hồn đầy ân sủng là một tâm hồn đẹp.

Một thi sĩ đã viết: “Vẻ đẹp lớn nhất của Thiên Chúa là ân sủng”. Không gì trên thế giới – cho dù đó là một cảnh tượng thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật – có thể trực tiếp nói với chúng ta về vẻ đẹp của Thiên Chúa bằng ân sủng, vì ân sủng không chỉ phản chiếu, mà chính là “tham dự” vào vẻ đẹp này. Thánh Têrêxa Avila có lần được thấy sự huy hoàng của một linh hồn sống trong ân sủng, đã so sánh nó với viên kim cương phản chiếu ánh sáng nơi mọi góc cạnh. Còn thánh Catarina Sienna thì nói: “Trên thế gian này, không gì bằng vẻ đẹp của một linh hồn sống trong ân sủng”.

Vượt qua từ cấp vẻ đẹp này sang cấp vẻ đẹp cao hơn, đó không phải là chuyện dễ dàng. Nó đòi khổ chế, đặc biết khổ chế đôi mắt. Feuerbach cho rằng: “Con người là cái mà nó ăn”. Trong bối cảnh của văn hóa hiện nay, hoàn toàn bị hình ảnh thống trị, có lẽ phải nói: “Con người là cái mà nó nhìn”.

Thánh Augustinô không cảm thấy xấu hổ khi nói cho người khác biết cuộc chiến đấu của ngài trong vấn đề  này, không chỉ lúc còn là thanh niên, nhưng cả khi đã là Giám mục. Sau khi mô tả những gì con người làm ra (quần áo, vật dụng, tranh ảnh, điều khắc..) phỉnh phờ con mắt giác quan của ngài, ngài viết tiếp: “Cả con nữa, nói thì nói vậy dù biết rõ, những bước chân con vẫn còn vướng vào những sợi chỉ giăng mắc của những vẻ đẹp. Trong khi mà, một cách khốn nạn, con để mình bị đớp lấy, nhưng một cách nhân từ, Ngài rút con ra khỏi, khi thì con không hề ý thức vì chưa dấn sâu vào cạm bẫy, khi thì bằng cách làm con đau đớn vì con đã bám víu chặt vào đó” (Conf. X,34).

Không rõ liệu Augustinô sẽ nói thế nào, nếu như ngài sống vào thời đại hôm nay, sau những phát minh về điện ảnh, truyền hình, internet ! Đức Giêsu nói: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi ; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục” (Mt 5,29). Làm sao mắt lại có thể là cớ cho ta sa ngã, nếu không phải là cái mà ta nhìn ?

Tuy vậy, điều quan trọng là mở mắt trước vẻ đẹp chân thực, hơn là nhắm mắt trước vẻ đẹp giả dối : mở mắt chiêm quan Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại. Thánh Gioan Climacô cho biết: “Khiết tịnh là người xua đuổi eros bằng một Eros khác”, nghĩa là sự lôi cuốn tới thụ tạo bằng sự lôi cuốn tới Thiên Chúa.

Khi cảm thấy bị tổn thương vì những hình ảnh đẹp đẽ “xác thịt”, hãy làm như người Do thái trong sa mạc : bị rắn độc cắn, họ chạy đến nhìn con rắn đồng mà Môsê đã cho treo lên, nhờ đó mà được chữa khỏi. Chúng ta cũng vậy. Lúc ấy đừng mất thời giờ hỏi xem tại sao, thế nào (chần chừ chính là lúc nọc độc lan ra), nhưng hãy đến ngay với Thánh giá, lấy đức tin mà nhìn. Quyền năng của Đức Kitô sẽ cứu chữa ta.

Để tham dự vào mầu nhiệm cứu độ vẻ đẹp, có một cách khác cũng quan trọng không kém, đó là nhìn đến những người không có nét nào hấp dẫn chúng ta. Thực tế là những người nghèo khó, đau khổ, bị bỏ rơi, có thể thấy nhan nhản ngày hôm nay. Mẹ Têrêxa Calcutta, khi ẵm  một trẻ em đau nặng, hoặc khi đưa về nhà một người già sắp chết bị vất ra đường, với tất cả tấm lòng dịu hiền, là góp phần vào vẻ đẹp được cứu độ. Chúng ta lặp lại : Cứu thế giới không phải là tình yêu dành cho vẻ đẹp, nhưng là vẻ đẹp của tình yêu.

Thành phố ngày nay đầy những thẩm mỹ viện và những quảng cáo chăm sóc vẻ đẹp. Có lẽ không nên quên lời của thánh Augustinô: “Người ta trở nên đẹp khi yêu mến Thiên Chúa. Một người xấu dáng không trở nên đẹp mã nhờ yêu một phụ nữ đẹp. Nhưng điều không thể trong lãnh vực thể lý, trở thành có thể trong lãnh vực thiêng liêng”. Cũng thánh nhân còn viết: “Tội lỗi làm nhơ bẩn linh hồn, nhưng khi yêu mến Thiên Chúa, linh hồn tìm lại được vẻ đẹp đầu tiên…Tình yêu Thiên Chúa càng lớn lên trong bạn, vẻ đẹp càng tỏ hiện trong đó, là vì “bác ái là vẻ đẹp của linh hồn”. Con người là cái mà nó yêu.

5. Làm chứng cho vẻ đẹp

Như đã nói ở đầu bài, vẻ đẹp không chỉ quan trọng cho đời sống thiêng liêng của ta, mà còn liên hệ đến việc loan báo : có thể Phúc âm hóa bằng vẻ đẹp như thế nào ?

Về vấn đề này, ngay từ thời Phaolô đã có hai phương pháp đối nghịch nhau. Phương pháp thứ nhất liên hệ tới điều thánh Tông đồ nói về sự khôn ngoan, có thể phát biểu như sau: Trong khi người thời đại này tìm kiếm vẻ đẹp, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh, không đẹp đẽ mà cũng chẳng huy hoàng (x. 1Cr 1,22-23).

Phương pháp thứ hai, cũng dựa vào cách Thánh Tông đồ nói về sự khôn ngoan, có thể phát biểu như sau: Chúng tôi giảng về vẻ đẹp, nhưng không phải vẻ đẹp của thế gian, mà là vẻ đẹp nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển (x. 1Cr 2,6-7).

Trong lịch sử Giáo hội, người ta đã trung thành áp dụng phương pháp giáo huấn này (phương pháp sic et non), theo cách nại tời những giá trị của lẽ khôn ngoan và vẻ đẹp. Kể từ thời Tertullianô, một số người chọn cách làm chứng không dây dưa với vẻ đẹp thế gian, bị coi là hư hỏng vì tội lỗi, không lý gì đến ý thức thẩm mỹ, sống khổ hạnh, lột xác, phạt xác, phá hủy những dấu chỉ của vẻ đẹp bên ngoài nơi thân xác, để hướng tới vẻ đẹp bên trong. Có người sống như những “người điên của Đức Kitô”. Ngược lại, có những người khác chọn cách làm chứng bằng vẻ đẹp của Thiên Chúa phản ánh nơi thụ tạo. Do đó mà nở rộ nghệ thuật Kitô giáo, nét huy hoàng của phụng vụ, kiến trúc, âm nhạc…

Quan trọng là cả hai cách làm chứng đều được vun trồng và thực hành trong Giáo hội, cách này sửa chữa và bổ túc cho cách kia. Nhưng nếu phải ưu tiên chọn một trong hai, thì cũng như trong mọi lãnh vực khác, cần nhấn mạnh đến đối thoại hơn là đối đầu. Và cũng cần giới thiệu cho thế giới hình ảnh của vẻ đẹp đích thực, hơn là tố giác những vẻ đẹp giả dối.

Để làm chứng về vẻ đẹp đích thực, nên chăng dựa vào hình ảnh Ba Ngôi. Vẻ đẹp của Ba Ngôi là vẻ đẹp của các mối tương quan. Thế nên chúng ta phải ra công làm đẹp các mối tương quan của chúng ta, tương quan nam nữ (trong và ngoài hôn nhân), tương quan bạn bè, tương quan giữa linh mục và giáo dân trong Giáo hội, giữa các thành viên trong cộng đồng tu sĩ, giữa bề trên và các người thuộc quyền, giữa người già và người trẻ. Điều làm đẹp mối tương quan chính là tình yêu, chỉ duy nhất tình yêu mà thôi, như thấy trong kiểu mẫu Ba Ngôi.

Trong lãnh vực này, những người sống đời thánh hiến có vai trò đặc biệt. Trong thế giới hôm nay, họ phải làm chứng rằng đời sống tu trì, và đời sống thiêng liêng nói chung, tiên vàn không phải là từ bỏ, hoặc tệ hơn, khinh chê thế gian, nhưng là loan báo có tính chất tiên tri về trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị (2 Pr 3,13). Và cùng với công lý là vẻ đẹp.

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Nói chuyện với giới trẻ về Vẻ đẹp, tại Chartres, 7/12/2008)

Lm Micae Trần Đình Quảng

 

 

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều