NIỀM VUI CỦA PHÚC ÂM

TRÀN NGẬP TÂM HỒN VÀ ĐỜI SỐNG

Suy tư về Tông huấn Niềm vui của Phúc âm

của ĐGH Phanxicô

 

Đây không phải là bài chú giải có hệ thống về Tông huấn, nhưng là những suy nghĩ toàn bộ, nhấn mạnh một số yếu tố quan trọng liên hệ đến đời sống chúng ta.

1. Cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Nadarét

Tông huấn được viết sau THĐ/GM về việc Phúc âm hóa, trình bày ba khía cạnh có liên hệ với nhau : chủ đề, đối tượng và phương pháp Phúc âm hóa, tức là : ai phải rao giảng Phúc âm, phải rao giảng gì và rao giảng thế nào.

Về người rao giảng, ĐGH xác định đây là bổn phận của mọi người đã được rửa tội: “Do phép Rửa tội, mọi thành viên của Dân Chúa phải trở nên những môn đệ truyền giáo (x.Mt 28,19). Tất cả những ai đã được rửa tội, dù ở vị trí nào trong Giáo hội hay ở mức độ đào luyện nào về đức tin, cũng đều là những nhà truyền giáo, và sẽ là bất cập nếu chỉ nghĩ đến một kế hoạch truyền giáo được thực hiện bởi những nhà truyền giáo chuyên nghiệp, trong khi số các tín hữu khác chỉ là những người thụ hưởng thụ động. Tân Phúc âm hóa đòi hỏi sự dấn thân thực sự của từng cá nhân tín hữu” (số 120).

Lời quả quyết trên đây không mới. Đức Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đã nói đến trong Tông huấn Loan báo Tin mừng (Evangelii nuntiandi), Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles laici), còn Đức Bênêđitô thì nhấn mạnh vai trò đặc biệt của gia đình trong vấn đề này. Nhưng trên hết, đã có lời mời gọi mọi người rao giảng Phúc âm, được công bố trong sắc lệnh về Tông đồ giáo dân (Apostolicam Actuositatem) của Công đồng Vatican II.

Một giáo dân người Mỹ có lần đã bắt đầu lớp giáo lý của mình bằng câu: “Hai ngàn năm trăm Giám mục họp tại Vatican đã viết thư mời tôi đến loan báo Phúc âm cho các ngài”. Ai nghe câu ấy thảy đều ngạc nhiên muốn biết người này là ai. Người giáo dân này vốn là người thích đùa, nói rằng: “Hai ngàn năm trăm Giám mục đang quy tụ ở Vatican để họp Công đồng đã viết văn kiện về việc tông đồ của giáo dân”. Giáo lý viên này hoàn toàn có lý: Văn kiện nói với mọi tín hữu, và ông ta coi văn kiện ấy là đang nói với cá nhân mình.

Dầu vậy, chúng ta không tìm kiếm sự mới mẻ của Tông huấn Niềm vui của Phúc âm ở điểm này. Đức Phanxicô chỉ tái khẳng định điều mà các vị tiền nhiệm đã nhiều lần nói lên. Phải tìm sự mới mẻ ở chỗ khác, trong lời kêu gọi gửi tới các độc giả ở đầu Tông huấn, được coi là trọng tâm của văn kiện:

“Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình. Tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình” (số 3).

Nói khác đi, mục tiêu cuối cùng của Phúc âm hóa không phải là truyền đạt một giáo lý, nhưng là gặp gỡ Đức Giêsu Kitô. Người ta có thể gặp gỡ như vậy, diện đối diện, dựa trên sự kiện này : Đức Giêsu đã sống lại và đang sống. Ngài muốn đồng hành với mọi tín hữu, như đã đồng hành với hai môn đệ Emmau, hơn thế nữa, như Ngài đã ở trong tâm hồn họ, lúc họ trở lại Giêrusalem sau khi đã đồng bàn với Ngài.

Trong ngôn ngữ công giáo, khái niệm “gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu” không được quen thuộc lắm. Thay vì nói gặp gỡ cá nhân, người ta thích nói gặp gỡ trong Giáo hội, tức là gặp gỡ Chúa qua các bí tích của Giáo hội. Đối với người công giáo, kiểu nói “gặp gỡ cá nhân” có hơi hướng thệ phản. Hiển nhiên Đức Phanxicô không nghĩ đến một cuộc gặp gỡ cá nhân thay thế cho cuộc gặp gỡ trong Giáo hội. Ngài chỉ muốn nói rằng cuộc gặp gỡ trong Giáo hội cũng phải là một cuộc gặp gỡ tự do, tự ý, bộc phát, chứ không chỉ trên danh nghĩa, có tính pháp lý hay do thói quen.

Muốn hiểu gặp gỡ Đức Giêsu có ý nghĩa gì, hãy nhìn lại lịch sử Giáo hội, dù chỉ là lướt qua. Trong ba thế kỷ đầu của Giáo hội, người ta trở thành Kitô hữu như thế nào? Những khác biệt về văn hóa, về con người, về hoàn cảnh…khiến cho người ta phải trải qua một thời gian dự tòng kéo dài. Điều này giúp ích nhiều cho quyết định cá nhân, nhưng có nguy hiểm vì Giáo hội đang trong thời kỳ bách hại đạo.

Sự việc thay đổi khi Kitô giáo được khoan dung, với sắc chỉ tha đạo của Hoàng đế Constantinô năm 313, rồi mau chóng trở thành tôn giáo được ưa chuộng, nếu không muốn nói là được áp đặt trên toàn đế quốc. Đầu thế kỷ V, hoàng đế Thêođosiô ban hành một luật, theo đó chỉ những người được rửa tội mới có thế đảm nhận các chức vụ công quyền.

Tiếp đến là việc dân man di thay đổi mau chóng và hoàn tất trật tự chính trị và tôn giáo của châu Âu. Tây Âu trở thành một khối các vương quốc man di với dân cư phần đông còn ngoại giáo, trừ một số theo lạc giáo Ariô.

Trong những miền thuộc đế quốc cũ (nhất là phương Đông và vùng trung nam Ý), quyết định trở thành Kitô hữu không còn phát xuất từ cá nhân, nhưng từ xã hội, nhất là từ lúc này, người ta bắt đầu rửa tội cho trẻ em. Còn trong các vương quốc man di, theo tập quán, dân chúng luôn theo quyết định của người đứng đầu. Vì vậy, khi vua nước Pháp Clovis được thánh Giám mục Rémy rửa tội đêm Giáng sinh năm 498 (hoặc 499), toàn dân bắt đầu chịu phép rửa tội như ông (do đó mà nước Pháp được gọi là “trưởng nữ của Giáo hội”). Người ta chứng kiến hiện tượng rửa tội ồ ạt trong dân. Ngay cả trước cuộc Cải cách của Thệ phản, quy tắc sau đây đã có hiệu lực: “Miền nào đạo nấy” (Cuius regio, eius religio). Tôn giáo của nhà vua cũng là tôn giáo của vương quốc.

Trong tình hình như vậy, việc trở thành một Kitô hữu không còn phải là một quyết định cá nhân, nhưng dựa trên những đòi hỏi luân lý của đức tin, dựa trên sự thay đổi của tập quán, nói chung là dựa trên luân lý. Trong  Kitô giới (chrétienté), gia đình, học đường, văn hóa, rồi dần dần cả xã hội giúp vào việc đào tạo đức tin.

Nhưng rồi Kitô giới đã thay đổi tận căn. Đây không phải là lúc dừng lại để tìm hiểu sự thay đổi này. Chỉ biết rằng tình hình mới không còn giống với những thế kỷ trước, thời kỳ mà truyền thống và cách sống đạo được hình thành. Thời cận đại và hiện đại, khởi đầu với thuyết nhân bản, rồi Cách mạng Pháp, Nhà Nước được giải phóng khỏi Giáo hội, tôn dương tự do cá nhân và tự quyết định, cuối cùng là tục hóa triệt để phát xuất từ đó, đã làm thay đổi sâu xa cách biểu lộ đức tin trong xã hội.

Do đó mới có chuyện Tân Phúc âm hóa, tức là Phúc âm hóa dựa vào những nền tảng truyền thống, có để ý đến tình hình mới. Cụ thể là tạo ra cho con người ngày hôm nay những cơ hội cho phép họ, trong bối cảnh mới này, có được một quyết định cá nhân tự do và trưởng thành, mà các Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai đã có khi chịu phép Rửa tội, làm cho họ trở thành những Kitô hữu đích thực, chứ không phải những Kitô hữu hữu danh vô thực.

2. Đáp ứng những đòi hỏi mới như thế nào?

Dĩ nhiên chúng ta không phải là những người đầu tiên đặt vấn đề. Nghi thức Gia nhập Kitô giáo của người lớn năm 1972 đề nghị một chế độ dự tòng cho việc rửa tội người lớn. Trong một số nước có nhiều tôn giáo pha trộn, nơi mà nhiều người xin rửa tội khi đã lớn, chế độ dự tòng khá hữu ích.

Nhưng phải làm gì với phần đông các Kitô hữu đã được rửa tội nhưng chỉ là Kitô hữu trên danh nghĩa, không ở vào trường hợp trên, hoàn toàn xa lạ với Giáo hội và các bí tích? Lời giải đáp cho vấn đề đến từ Thiên Chúa hơn là từ sáng kiến của con người.. Chúng ta thấy có các phong trào trong Giáo hội, các hội đoàn giáo dân, các cộng đồng giáo xứ canh tân, xuất hiện sau Công đồng. Mặc dù khác nhau trong một số khía cạnh, các phong trào và hội đoàn trên đây làm nên một khung cảnh sống, một phương thế giúp cho bao nhiêu người lớn có thể có được một sự lựa chọn tự do sống cho Đức Kitô, đánh giá nghiêm túc phép Rửa tội, trở thành những phần tử năng động trong Giáo hội.

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhìn ra “những dấu chỉ của một mùa xuân mới trong Giáo hội” qua những phong trào và cộng đồng này. Ngài đã nói ra điều ấy trong Tông thư “Ngàn năm mới đang đến” (Novo millennio ieunte): “Cũng theo những đường hướng này, một khía cạnh quan trọng khác của sự hiệp thông là cổ võ những hiệp hội hoặc thuộc loại có truyền thống lâu đời, hoặc thuộc những phong trào Giáo hội mới mẻ hơn, đang tiếp tục trao ban cho Giáo hội một sức sống, đó là quà tặng của Thiên Chúa và đích thực là “mùa xuân của Thần Khí” (số 46).

Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI cũng đi theo cùng một chiều hướng ấy. Trong bài giảng lễ Dầu Thứ Năm Tuần thánh năm 2012, ngài nói: “Ai nhìn lại lịch sử thời kỳ sau Công đồng, đều có thể nhận ra sức năng động của một sự canh tân đích thực, thường có những hình thức bất ngờ trong các phong trào đầy sức sống. Sự canh tân này cũng làm cho người ta như sờ được sự sống động vô tận của Giáo hội, sự hiện diện và hoạt động hữu hiệu của Chúa Thánh Thần”.

3.  Tại sao Phúc âm làm cho tâm hồn và đời sống của người tín hữu được tràn đầy niềm vui?

Trở lại với Tông huấn Niềm vui của Phúc âm. Tông huân khởi đầu bằng câu: “Niềm vui của Phúc âm đã đổ đầy âm hồn và đời sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Có một mối liên hệ giữa việc gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu và kinh nghiệm về niềm vui của Phúc âm. Người ta chỉ có thể nghiệm thấy niềm vui của Phúc âm nếu có tương giao thâm sâu với Đức Giêsu Nadarét.

Nhưng tại sao Phúc âm lại là nguồn mạch của niềm vui? Tại sao Phúc âm lại được gọi như thế? Euangelion có nghĩa là tin mới mẻ đem lại hạnh phúc chăng? Để khám phá ý nghĩa của chữ này, tốt nhất là khởi đi từ lúc chữ này xuất hiện lần đầu tiên trong Tân ước, và là chữ do chính Đức Giêsu nói ra,

Khởi đầu Phúc âm của mình, Thánh Maccô tóm tắt trong mấy hàng sứ điệp căn bản mà Đức Giêsu rao giảng trong các làng mạc và thành phố, sau khi đã chịu lễ rửa ở sông Giođan: “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời giờ đã mãn và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,14-15).

Thoạt nghe, hẳn người ta sẽ bảo đây là một tin hoàn toàn tốt đẹp và vui mừng. Đúng là có điều tốt và vui (Nước Thiên Chúa đã đến), nhưng đúng hơn, đây là một lời kêu gọi mạnh mẽ đòi thay đổi. Vì vậy Phụng vụ đã nhắc đến nó ngay đầu Mùa Chay, trong bài Phúc âm Chúa nhật thứ nhất (năm B), cũng như dùng nó làm lời đọc đi kèm với nghi thức xức tro. Do đó phải hiểu cho đúng ý nghĩa của câu khởi đầu Phúc âm này.

Ý nghĩa đích thực của sứ điệp mờ nhạt đi do cách dịch không đúng chữ Hy lạp metanoeite. Bản Phổ thông la tinh dịch là paenitemini (Mc 1,15) hoặc paenitentiam agite (Cv 2,38), có nghĩa là “Anh em hãy sám hối”. Với ý nghĩa khổ chế như vậy, chữ này đã đi vào trong ngữ vựng và giảng thuyết của Giáo hội. Trong khi đó, nghĩa thực sự của nó là một sự thay đổi hoàn toàn trong tư tưởng, ý thức về một tình hình mới mẻ hoàn toàn.

Trước Đức Giêsu, hoán cải luôn có nghĩa là trở lại phía sau, tức là trở lại với giao ước mà mình đã lỗi phạm, và trở lại với việc giữ luật. Lời Chúa qua miệng tiên tri Dacaria: “Hãy trở lại với ta…Hãy từ bỏ lối sống xấu xa và những hành vi gian ác của các ngươi mà trở lại” (Dcr 1,3-4;  x.Gr 8,4-5). Do đó, hoán cải có ý nghĩa chủ yếu là khổ hạnh, luân lý và sám hối, hàm chứa một sự thay đổi trong cách sống. Hoán cải được coi như một điều kiện để được ơn cứu độ. Nghĩa của nó là : hãy hoán cải và các ngươi sẽ được cứu ; hãy hoán cải và ơn cứu độ sẽ đến với các ngươi.

Ý nghĩa này của hoán cải vẫn còn nổi bật qua lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả (x.Lc 3,4-6). Nhưng qua lời rao giảng của Đức Giêsu, ý nghĩa đó thay đổi. Không phải vì Đức Giêsu thích thay đổi, nhưng vì thực tại đã thay đổi do sự xuất hiện của Ngài. Ý nghĩa luân lý giờ đây chỉ là thứ yếu (ít nhất vào lúc đầu Chúa rao giảng), so với ý nghĩa mới cho tới lúc đó chưa được biết đến. Hoán cải không có nghĩa là trở lại phía sau nữa, nhưng đúng hơn, là một bước nhảy về phía trước, lấy đức tin đi vào Nước Thiên Chúa đã đến giữa mọi người.

“Hãy hoán cải và tin” không chỉ hai hành động khác nhau và kế tiếp nhau, nhưng chỉ là một hành động : Hãy hoán cải cũng chính là hãy tin, Hãy hoán cải bằng cách tin. Thánh Tôma Aquinô đã nói đến điều này: “Prima conversio fit per fidem” (sự hoán cải đầu tiên được thực hiện bằng cách tin). Hoán cải và ơn cứu độ hoán đổi vị trí. Không phải “Hãy hoán cải và các ngươi sẽ được cứu”, “Hãy hoán cải và ơn cứu độ sẽ đến với các ngươi”, nhưng đúng hơn: “Hãy hoán cải vì các ngươi đã được cứu” hoặc “vì ơn cứu độ đã đến với các ngươi”. Con người không thay đổi. Họ không tốt hơn hay xấu hơn trước. Chính Thiên Chúa đã thay đổi. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Người đã sai Con mình đến để chúng ta được nhận làm nghĩa tử (x.Gl 4,4-5).

Nhiều dụ ngôn trong Phúc âm chỉ là tái xác nhận lời loan báo khởi đầu này. Một trong số đó là dụ ngôn tiệc cưới. Một ông vua mở tiệc cưới cho hoàng tử. Đến giờ, ông sai gia nhân đi thỉnh những kẻ đã được mời (x.Mt 22,1 tt). Những người này không phải góp tiền trước, như người ta thường làm ở các tiệc cưới trong xã hội. Đây là tiệc cưới miễn “tư thư” (miễn phí). Chỉ có việc duy nhất là nhận hay từ chối lời mời.

Một dụ ngôn khác là dụ ngôn con chiên lạc. Chúa kết thúc bằng lời: “Cũng thế, tôi nói cho các ông hay : giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10). Nhưng con chiên có hoán cải không? Có phải nó tự mò về đàn chiên chăng? Đâu có! Chính là người chăn chiên đã đi tìm và vác trên vai đưa nó về đàn. Phần con chiên, chỉ cần nó để yên cho người ta vác về thôi.

Trong thư Rôma (3,21 tt), ta thấy Phaolô là người loan báo không mỏi mệt sự mới mẻ theo tinh thần Phúc âm này, sau khi ngài đã cảm nghiêm về nó trong cuộc đời mình. Ngài mô tả sự kiện đã làm thay đổi đời mình như sau: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi [được cắt bì, là người Do thái, giữ luật nghiêm nhặt..], thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mosê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3,7-9).

Đó là lý do vì sao Phúc âm được gọi là Tin mừng, và vì sao là nguồn vui. Phúc âm nói cho ta về một Thiên Chúa đã đến gặp gỡ ta, nơi Con của Người là Đức Giêsu, và Người làm thế chỉ là muốn làm ơn làm phúc. Phúc âm cũng nói cho ta về một Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Nhiều người không quên lời Chúa nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 10,24), và họ xác tín rằng Phúc âm đồng nghĩa với đau khổ và từ bỏ mình, nên chẳng có gì vui mừng hết. Nhưng hãy đi cho đến cuối đường. Có phải theo Chúa là theo tới đồi Calvê để chịu chết, và chết rồi là hết chăng? Không đâu. Đồi Calvê chỉ là lúc áp chót, không phải là lúc chót. Bởi vì qua thập giá, qua Calvê thì đến Phục sinh, đến sự sống, đến niềm vui bất tận.

4.  Đức tin, việc làm, và Chúa Thánh Thần

Nói như trên, phải chăng chúng ta giản lược Phúc âm vào một chiều kích duy nhất là đức tin, mà bỏ qua việc làm? Làm sao hòa giải những gì chúng ta vừa bàn với những đoạn khác trong Tân ước đòi người đã tin phải hoán cải? Có một hôm, Chúa nói với các Tông đồ là những kẻ đã theo Ngài từ lâu: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Trở nên như trẻ nhỏ tức cũng là hoán cải.

Trong sách Khải huyền, Tông đồ Gioan viết cho bẩy giáo đoàn và khuyên họ: “Hãy hoán cải”. Ý nghĩa của hoán cải mà Gioan nói đây, không có gì hàm hồ cả, tức là: phải trở lại với sự nhiệt thành thuở ban đầu, tỉnh thức, chu toàn các việc làm, không ảo tưởng mình đang sống đẹp lòng Chúa, ra khỏi tình trạng hâm hâm dở dở (Kh 2-3).

Điều có vẻ mâu thuẫn giữa đức tin và việc làm, chúng ta giải thích bằng một loại suy đơn giản, đối chiếu với điều xẩy ra trong đời sống thể lý. Đứa trẻ không thể làm gì để được tượng thai trong lòng mẹ. Nó chỉ là kết quả của tình yêu giữa cha và mẹ nó, để được làm người và được sống. Nhưng một khi chào đời, nó phải thở, phải bú, nếu không sẽ chết. Chính trong ý nghĩa này mà ta phải hiểu câu nói của thánh Giacôbê: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26). Không có việc làm thì đức tin sẽ chết.

Tông huấn của Đức Phanxicô phản ánh tổng hợp giữa đức tin và việc làm. Sau khi nói về niềm vui của Phúc âm tràn ngập tâm hồn, trong phần thân của Tông huấn, Đức Thánh cha nhắc nhở phải biết “nói không” với sự ích kỷ, bất công, tôn thờ ngẫu tượng mới là tiền bạc…đồng thời cũng phải biết “nói có” với sự phục vụ người khác, dấn thân vào xã hội, hướng tới nghười nghèo…Việc gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô, như nói ở đầu Tông huấn, không phải là một kinh nghiệm riêng tư, nhưng phải trở thành một sinh lực chính cho việc Phúc âm hóa và thánh hóa bản thân.

Thế nhưng, sự dấn thân mà Phúc âm đòi hỏi không làm suy yếu lời hứa mang lại niềm vui, qua đó Đức Giêsu khởi sự thừa tác vụ của Ngài, và qua đó Đức Phanxicô bắt đầu Tông huấn của ngài, trái lại, nó còn củng cố cho lời hứa đó. Ân sủng mà Thiên Chúa ban cho con người khi sai Con mình đến cứu chuộc thế gian và qua việc Chúa Thánh Thần hiện xuống, không để cho người tín hữu phải đơn độc trước những đòi hỏi của lề luật và bổn phận. Ân sủng của Chúa hằng “theo người đó suốt cuộc đời” để giúp đỡ, làm cho người đó “tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2 Cr 7,4).

Trong niềm tin tưởng chắc chắn ấy, Đức Thánh Cha kết thúc Tông huấn, nhắc lại rằng Chúa Thánh Thần “giúp ta là những kẻ yếu hèn” (Rm 8,26). Ngài là nguồn lực lớn của ta. Niềm vui mà Phúc âm hứa ban chính là hoa quả của Thần Khí. Hoa quả này tăng trưởng nhờ luôn tiếp xúc với Thần Khí.

Trong cuộc gặp gỡ những nhà lãnh đạo các Huynh đoàn đặc sủng, Đức Phanxicô đã đưa ra ví dụ về việc hít thở của con người. Hít thở gồm hai thì : hít vào là để đưa không khí vào phổi, và thở ra để tống xuất nó ra. Trong bộ máy thiêng liêng cũng xẩy ra điều tương tự. Chúng ta hít ốcxy là Chúa Thánh Thần bằng lời cầu nguyện, suy niệm lời Chúa, các bí tích, sự hãm mình, thinh lặng, sau đó là thở ra, tức làm lan tỏa Thánh Thần, khi ta đến với người khác, loan báo đức tin và làm việc bác ái.

Chúng ta hãy ý thức làm công việc hít thở này : hít Thánh Thần vào cho đầy hai lá phổi, để rồi khi thở ra thì hơi thở của ta, dù ta không để ý, sẽ đầy tràn hương thơm của Đức Kitô.

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ nhất Mùa Chay năm 2015 tại Phủ Giáo hoàng)

 

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều