PHÚC THAY AI XÓT THƯƠNG NGƯỜI

 

1. Lòng thương xót của Chúa Giêsu

Trong bảng xếp hạng của thánh Matthêu về các mối phúc, thì đây là mối phúc thứ năm “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Theo các nhà chú giải, mỗi một mối phúc đều phác họa một nét trong chân dung của chính Chúa. Thế nên chúng ta sẽ tự hỏi ngay : Chúa đã xót thương người ta như thế nào? Cuộc đời của Ngài nói gì với ta về mối phúc này?

Theo Kinh Thánh, chữ ‘thương xót’ có hai nghĩa căn bản. Trước hết nó cho thấy rõ thái độ của người mạnh hơn (trong Giao ước thì người này là chính Thiên Chúa) đối với người yếu hơn; thái độ này thường được diễn tả bằng việc tha thứ các lầm lỗi và bất trung; có thể coi đây là sự thương xót trong tâm hồn. Nó cũng cho thấy rõ thái độ của người này đối với người khác, được diễn tả qua những việc từ thiện, cứu trợ (người ta thường bắt gặp nghĩa này trong sách Tobia); có thể coi đây là sự thương xót của bàn tay.

Cả hai hình thức thương xót trên đây đều nổi bật trong cuộc đời của Chúa. Ngài tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân, đối với những ai gặp đau khổ và khó khăn. Ngài ban lương thực cho dân chúng, chữa lành các bệnh nhân, giải phóng ngượi bị áp bức. Tác giả sách Thánh nói về Chúa như sau: “Ngài đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17).

Trong mối phúc đang bàn, chúng ta thấy nghĩa thứ nhất, tức tha thứ tội lỗi, có ưu thế hơn, khi nhìn đến phần thưởng dành cho mối phúc này, đó là được Thiên Chúa xót thương. Mà được Thiên Chúa xót thương hiểu ngầm là Ngài sẽ tha thứ các lầm lỗi của ta. Tác giả Luca cho thấy rõ hơn điều này khi ghi lại lời Chúa nói: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xet đoán… Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha..” (Lc 6,36 tt).

Đọc trong Phúc âm ta thấy Chúa đón nhận những người tội lỗi, và những kẻ thù chống đối việc làm này của Chúa như thế nào, khi họ cho Ngài là người mê ăn mê uống, làm bạn với quân thu thuế và phường tội lỗi (Lc 7,34). Chúng ta cũng biết một trong những câu nổi tiếng Chúa trả lời cho những người chống đối, là: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Những người tội lỗi thấy mình được Chúa đón nhận và không bị Ngài xét xử, đã hoan hỷ đến với Ngài và nghe Ngài giảng dạy.

Thế nhưng những người tội lỗi này là ai? Lời Chúa ám chỉ những người nào?

Có những người chịu ảnh hưởng của khuynh hướng muốn giải oan cho nhóm Biệt phái và Kinh sư thời Chúa Giêsu, có những phán đoán tiêu cực về những gì mà các tác giả Phúc âm thêm thắt sau này, nên cho rằng các tội nhân đó là những người cố tình phạm luật, không chịu hối cải. Nói khác đi, đó là những người sống ngoài vòng luật pháp.

Nếu quả như vậy thì các đối thủ của Chúa thực sự có lý do cảm thấy bị xúc phạm, có lý do coi Chúa như một người vô trách nhiệm, một thành phần nguy hiểm cho xã hội. Giống như ngày nay người ta đánh giá một linh mục đi lại với băng cướp, bọn vô lại, những kẻ phạm tội hình sự, lấy lẽ để nói về Thiên Chúa cho họ.

Thực ra, sự việc không phải vậy. Nhóm Biệt phái có một quan điểm riêng về lề luật, về những gì phù hợp hay không phù hợp với lề luật. Tất cả những gì không phù hợp đều bị họ bác bỏ. Đối với Chúa Giêsu, tội lỗi vẫn có đấy, tội nhân cũng đầy ra đấy, Ngài đâu có chối bỏ. Ngài không biện minh cho những hành vi lừa đảo, hà lạm của Dakêu (làm người thu thuế chắc là phải có thôi), cũng không biên minh cho tội ngoại tình của người phụ nữ.

Điều Chúa lên án là người ta muốn đặt ra một thứ công lý được coi là công lý thật, còn những loại công lý khác được coi là của phường trộm cướp, ngoại tình, bất công. Chúng ta thấy Luca dẫn nhập vào dụ ngôn người Biệt phái và người thu thuế bằng những lời rất có ý nghĩa. Tác giả viết thế này: “Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào mình là người công chính mà khinh chê những người khác” (Lc 18,9). Quả thực Chúa tỏ ra nghiêm khắc với những người khinh bỉ hoặc lên án tội nhân hơn là với chính tội nhân.

2. Một Thiên Chúa thích thể hiện lòng thương xót

Để biện minh cho cách xử sự của mình đối với người tội lỗi, Chúa nói rằng Cha Ngài cũng hành động như vậy. Ngài nhắc cho các kẻ thù lời của Thiên Chúa nói qua miệng các tiên tri: “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13). Lòng nhân đối với dân bất trung là một trong những nét nổi bật của Thiên Chúa Giao ước, được bày tỏ trong cả cuốn Kinh Thánh. Để giải thích những biến cố của lịch sử Israel và sự quan phòng của Thiên Chúa như thế nào, một Thánh vịnh đã lặp đi lặp lại câu diệp khúc “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

Ở đây, chúng ta thấy ‘thương xót’ như một khía cạnh chủ yếu làm nên tính cách của một con người được tạo dựng “theo hình ảnh và giống Thiên Chúa”: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Câu này là một cách giải thích cho một câu nổi tiếng trong sách Levi: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2).

Tuy vậy, điều làm ta ngạc nhiên nhất, liên hệ đến lòng thương xót của Thiên Chúa, chính là niềm vui của Ngài khi được bày tỏ nó. Kết thúc dụ ngôn con chiên lạc, Chúa nói: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7). Người đàn bà, khi tìm lại được đồng bạc đã bị đánh mất, đã nói với hàng xóm: “Xin chung vui với tôi” (Lc 15,9). Còn trong dụ ngôn người cha nhân hậu (hay đứa con phung phá), niềm vui bùng nổ biến thành lễ lạc, tiệc tùng.

Người ta có thể thắc mắc : làm sao chỉ có một con chiên duy nhất mà lại đáng giá hơn chín mươi chín con chiên còn lại, hơn nữa, đây lại là con chiên đi lạc, khiến người chăn phải lo lắng đi tìm? Thi sĩ người Pháp Charles Péguy đã đưa ra một cách giải thích đầy thuyết phục như sau : Con chiên này, cũng như người con út, khi đi lạc, đã làm cho trái tim Chúa phải thổn thức, run rẩy. Thiên Chúa sợ mất nó mãi mãi. Chính sự sợ hãi này đã làm phát sinh niềm hy vọng nơi Ngài. Và khi đang hy vọng tìm thấy mà thấy được cái mình tìm, thì niềm vui đến là cố nhiên. Hành vi sám hối nào của con người cũng làm cho niềm hy vọng của Thiên Chúa được kết thúc tốt đẹp. Thi sĩ của chúng ta diễn tả bằng ngôn ngữ hình tượng, nhưng đúng với sự thật.

Đối với con người chúng ta, điều kiện để hy vọng là do chúng ta không biết được tương lai, nên chỉ có thể hy vọng mà thôi. Còn đối với Thiên Chúa, Đấng biết trước tương lai, thì điều kiện là do Ngài không muốn – và một cách nào đó là không thể - thực hiện điều Ngài muốn trái ý chúng ta. Nhưng chính vì chúng ta có tự do mà Thiên Chúa còn hy vọng.

Vậy phải nói gì về chín mươi chín con chiên không đi lạc và về người con cả? Trên trời không vui mừng vì chúng và vì anh ta sao? Nếu vậy, sống tốt mà làm gì, đạo đức mà làm gì?

Hãy nhớ lại lời người cha nói với người con cả: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15,31). Sai lầm của người con cả là coi việc luôn ở nhà với cha, chia sẻ mọi sự với cha, không phải là một đặc ân lớn lao, mà là một thứ công trạng. Anh ta có thái độ của một người làm công hơn là của một người con. Đây có thể là một lời cảnh báo cho mọi người chúng ta, về cách chúng ta sống giống như người con cả.

Về điểm này, thực tế của lịch sử cứu độ lại tốt hơn dụ ngôn. Người con cả, tức là Con của Chúa Cha, Ngôi Lời của Cha, không ở lại nhà cha. Ngài đi đến ‘miền xa’ để tìm người con út, tức là đi tìm cả nhân loại sa ngã. Chính Ngài đưa nhân loại về nhà Cha, mặc bộ đồ mới cho nó, mở tiệc mừng nó (là tiệc Thánh Thể mỗi ngày)

Trong cuốn tiểu thuyết Gã khờ (Thằng ngốc), Dostoievski đã kể một câu chuyện bắt gặp trong đời thường : Một phụ nữ đang bế đứa con trai vài tuần tuổi của chị, thì lần đầu tiên, chị đột nhiên thấy đứa bé cười với mình. Quá xúc động và hân hoan, chị vội đưa tay làm dấu Thánh giá. Có người hỏi tại sao chị làm vậy thì chị trả lời : cũng như một người mẹ vui mừng trước nụ cười đầu tiên của con mình, Thiên Chúa cũng vui mừng khi một người tội lỗi quỳ xuống và dâng lên Ngài lời cầu nguyện tự đáy lòng.

3. Lòng thương xót của ta là lý do hay hiệu quả của lòng Chúa thương xót ?

Chúa Giêsu nói: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Trong Kinh Lạy Cha, Ngài dạy ta cầu nguyện như sau: “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Chỗ khác Ngài còn nói: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em” (Mt 6,15)

Qua những lời dạy trên của Chúa, người ta có thể nghĩ rằng lòng thương xót của Chúa đối với ta là hiệu quả của việc ta thương xót người khác, hơn nữa, ta thương xót người khác bằng nào thì Chúa cũng thương xót ta bằng ấy.

Tuy nhiên, nếu đúng là như vậy thì tương quan giữa ân sủng và việc lành hoàn toàn bị đảo ngược, và tính chất nhưng-không (gratuité) của lòng Chúa thương xót, mà chính Thiên Chúa đã long trọng công bố trước mặt Môsê, sẽ không còn ý nghĩa. Là vì Ngài đã nói rõ thế này: “Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót” (Xh 33,19). Thương hay xót người nào hoàn toàn do ý Chúa.

Dụ ngôn về tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót (Mt 18,23 tt) chính là chìa khóa giúp ta hiểu cho đúng tương quan này. Trong dụ ngôn, ta thấy chính ông chủ đi bước trước, tha vô điều kiện một món nợ rất lớn cho người đầy tớ (10.000 nén vàng : mỗi nén vàng thời xưa là 6.000 quan, tương đương với 6.000 ngày công. Bây giờ, cứ cho tiền công mỗi ngày bình quân là 100.000 VND thì món nợ sẽ là 6.000 x 100.000 x 10.000 = 6.000 tỉ ?). Chính sự quảng đại này của ông chủ lẽ ra phải thúc đẩy tên đầy tớ thương xót người bạn chỉ mắc nợ anh một số tiền nhỏ (100 x 100.000 = 10 triệu).

Bởi vậy, chúng ta phải tỏ lòng thương xót đã được Chúa thương xót, chứ không phải để được Chúa thương xót. Chúng ta phải có lòng thương xót vì, nếu không, lòng thương xót của Thiên Chúa không mang lại hiệu quả nào cho chúng ta. Chúa sẽ không thương xót ta nữa, như ông chủ trong dụ ngôn không còn thương xót tên đầy tớ nữa. Ân sủng bao giờ cũng đến trước. Chính nó tạo ra bổn phận. Thư Colossê cho thấy rõ ý tưởng trên đây: “Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13). Chúng ta phải tha thứ cho nhau, vì Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước. Về sự thương xót cũng vậy.

Nếu trong mối phúc đang bàn, lòng thương xót của Thiên Chúa đối với ta dường như là hiệu quả của việc ta thương xót người khác, chính là vì ở đây Chúa cho thấy viễn tượng về ngày chung thẩm (Họ sẽ được Thiên Chúa xót thương: động từ ở thì tương lai). Mà trong ngày đó thì thư Giacôbê đã nói: “Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót. Còn ai thương xót thì chẳng quan tâm đến việc xét xử” (Gc 2,13)

4. Kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa

Nếu lòng thương xót của Thiên Chúa là nguồn gốc mọi sự, và nếu nó giúp chúng ta có thể thương xót nhau, thì điều quan trọng nhất cho chùng ta là làm mới lại kinh nghiệm của ta về lòng thương xót ấy.

Kafka là một tác giả nổi tiếng thế giới, người Tiệp Khắc. Trong tiểu thuyết Vụ Tố tụng (Le Procès), cũng như trong tất cả các tiểu thuyết khác, ông kết thúc thế này : có một cái gì đó mà người ta thoáng thấy từ xa, và người ta nhọc mệt theo đuổi trong cơn ác mộng ban đêm, nhưng không bao giờ có thể nắm bắt được nó.

Vào ngày lễ Vượt qua, Phụng vụ Giáo hội chuyển đạt cho ta một tin vui quá sức tưởng tượng. Không giống như điều xẩy ra trong các tiểu thuyết của Kafka, tin vui này, chúng ta đã theo đuổi và cuối cùng nắm bắt được. Nó không phải là một sự việc tốt đẹp thì tốt đẹp, nhưng xa tầm với. Tin vui này là : Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Ngài đã “xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Ngài đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá” (Cl 2,14). Mọi sự xấu xa, Ngài đã phá hủy tất tần tật. Bởi vậy, thánh Phaolô đã mừng rỡ mà kêu lên: “Giờ đây, những ai ở trong Đức Kitô Giêsu thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8,1).

Ở Giêrusalem có một cái hồ nước lạ lùng. Người nào nhảy xuống đầu tiên khi nước động thì sẽ được khỏi bệnh (Ga 5,2 tt). Nhưng ngay cả ở đây, thực tại còn lớn hơn vô vàn so với biểu tượng. Từ thập giá của Chúa vọt ra một nguồn nước và máu, để mọi người, chứ không phải chỉ người đầu tiên, ngụp lặn trong đó đều được chữa lành.

Sau Phép Rửa thì hồ nước lạ lùng là bí tích Hòa giải. Trong Mùa Chay trước lễ Vượt qua, Giáo hội mời gọi người ta đến với bí tích này, để có tâm hồn trong sạch xứng đáng mừng đại lễ. Khi xét mình, chúng ta có thể dựa vào các mối phúc, trong đó có mối phúc về lòng thương xót, và nài xin Chúa nhân từ tha thứ những lỗi phạm.

Lạy Chúa, con biết tâm hồn con thiếu trong sạch và giả hình. Có thể con còn sống hai mặt, một trước Chúa và một trước người đời. Xin Chúa thương xót con (Kyrie eleison)

Lạy Chúa, xin tha cho những bất nhẫn và ý nghĩ lên án người khác đang chất chứa trong lòng con. Xin Chúa thương xót con.

Lạy Chúa, con thường tỏ ra hời hợt khi lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, không biết đúng cái giá phải trả cho sự tha thứ này. Con hay xử sự như người đầy tớ bất nhân, được chủ tha nợ mà không biết tha nợ cho bạn mình. Xin Chúa thương xót con…

Chúng ta được ban một ân sủng đặc biệt, khi không chỉ từng người nhưng là cả cộng đoàn đặt mình trước mặt Chúa với thái độ thống hối. Tâm hồn chúng ta sẽ được đổi mới, tràn đầy hy vọng, với một kinh nghiệm sâu sắc về lòng thương xót của Thiên Chúa, như điều Phaolô nói trong thư Ephêsô: “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (Ep 2,4-5).

6. “Hãy mặc lấy những tình cảm thương xót”

Điểm cuối cùng của bài suy niệm liên hệ đến những gì chúng ta phải làm để chứng tỏ lòng thương xót.

Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu Colossê bằng những lời phát xuất từ đáy lòng như sau: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13).

Augustinô nói: “Con người chúng ta là những bình sành làm cho nhau khó chịu” (Lutea vasa quae faciunt invicem angustas). Trong một gia đình hoặc một cộng đồng, chúng ta không thể sống hài hòa với nhau, nếu không biết tha thứ và thương xót nhau.

Chữ ‘thương xót’ do misereorcor hợp thành, có nghĩa là thương xót tận đáy lòng, cảm thương từ con tim, trước nỗi khổ và lầm lạc của anh em mình. Chính theo cách ấy mà Thiên Chúa đã thương xót dân riêng lầm đường lạc lối: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,8).

Cùng với thương xót là tha thứ. Tha thứ có ý nghĩa sâu sắc là cho cách hoàn hảo, vượt mức (per + donare). Trong đời sống chung, có lẽ đây là việc cần lưu ý và thực hiện nhất. Bá nhân bá tính, bản chất yếu đuối (‘bình sành’, như Augustinô nói), rồi sự chung đụng hằng ngày dễ đưa đến những va chạm… Cần phải bỏ qua để có thể sống với nhau.

Tha thứ trong cộng đồng giống như dầu mỡ cho máy móc. Như máy móc, cộng đồng có thể sinh hoạt trơn tru nhờ ‘dầu’ tha thứ.

Có một Thánh vịnh ca ngợi niềm vui được sống với nhau như anh em một nhà. Thánh vịnh ấy nói rằng chính là “thứ dầu quý đổ trên đầu, xuống râu xuống cổ áo chầu Aharon” (Tv 133,2). Aharon của chúng ta, Vị Thượng Tế của chúng ta, theo lời các Giáo phụ, chính là Đức Kitô. Lòng thương xót và tha thứ là dầu hảo hạng, chảy từ ‘đầu’ bị treo trên thập giá, lan xuống thân thể là Giáo hội, cho tới tận viền áo tua áo là những người sống bên lề Giáo hội. Nơi nào người ta thương xót và tha thứ cho nhau, nơi đó sẽ được Chúa chúc lành mãi mãi.

***

Để kết thúc, xin mượn lời một bài hát của các anh em Chính thống giáo luôn được ca lên trong ngày Phục sinh:

Đây là ngày Chúa đã sống lại

Chúng ta hãy vui mừng với ngày lễ

Tất cả chúng ta hãy ôm lấy nhau

Gọi là anh em ngay cả những người ghét chúng ta

Chúng ta hãy tha thứ vì yêu mến ngày Chúa sống lại

 

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ tư Mùa Chay năm 2007, ở Vatican)

Lm Micae Trần Đình Quảng

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều