KHI THỜI GIAN TỚI HỒI VIÊN MÃN

 

1. Phaolô và tín điều nhập thể

“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề luật, để chuộc những ai sống dưới Lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : Abba, Cha ơi! Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl 4,4-7).

Chúng ta thường nghe đọc đoạn văn này trong Mùa Giáng sinh, bắt đầu từ Kinh Chiều I lễ trọng Giáng sinh. Trước hết, chúng ta sẽ nói về những ý tưởng thần học hàm chứa trong bản văn. Trong toàn bộ tác phẩm của Phaolô, bản văn này đề cập sự tiền hữu và nhập thể của Con Thiên Chúa. Việc “sai” tới (Thiên Chúa sai Con mình), đặt song song với việc sai Thần Khí, cho thấy sai là sai “từ trên trời”, không phải sai “từ dưới đất” như các tiên tri.

Ý tưởng về sự tiền hữu của Đức Kitô được mặc nhiên bày tỏ trong những bản văn thư Phaolô, là những bản văn nói về vai trò của Đức Kitô trong công cuộc tạo dựng trời đất (1Cr 8,6 ; Cl 1,15-16), và khi Phaolô nói rằng tảng đá đi theo dân Chúa trong sa mạc chính là Đức Kitô (1Cr 10,4). Còn ý tưởng về sự nhập thể được gợi ra trong bài thánh thi ca ngợi Đức Kitô trong Pl 2,6-7: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ”.

Cho dù có những đoạn này, người ta cũng phải nhận rằng, nơi Phaolô, chân lý về sự tiền hữu và nhập thể vẫn đang hình thành. Chúng chưa được công thức hóa đầy đủ.. Lý do là vì Phaolô đặc biệt quan tâm đến mầu nhiệm vượt qua, và trong mầu nhiệm này, Phaolô nhằm nói về công việc của Đấng Cứu Thế hơn là về con người của Ngài. Tác giả Gioan thì làm ngược lại. Theo Gioan, thời điểm và mấu chốt phải chú ý chính là sự tiền hữu và nhập thể của Chúa Con.

Ở đây, chúng ta có hai “con đường” khác nhau giúp chúng ta biết Đức Giêsu Kitô là ai. Con đường của Phaolô đi từ nhân tính đến thần tính, từ xác thịt đến thần khí, từ lịch sử Đức Kitô đến sự tiền hữu của Ngài. Còn con đường của Gioan theo chiều ngược lại, đi từ thần tính của Ngôi Lời đến chỗ quả quyết nhân tính của Ngài, từ sự hiện hữu tự đời đời xuống đến sự hiện hữu trong thời gian. Cách tiếp cận của Phaolô khiến cho sự phục sinh trở thành bản lề của hai giai đoạn, còn cách tiệp cận của Gioan nhìn sự vượt qua như tùy thuộc vào việc nhập thể.

Hai cách tiếp cận này được củng cố sau đó, tạo ra hai trường phái Kitô học : trường phái Antiôkia chịu ảnh hưởng của Phaolô, và trường phái Alexanđria chịu ảnh hưởng của Gioan. Hai trường phái có cách giải thích khác nhau, chẳng hạn về sự tự hủy (kenosis) của Đức Kitô trong thư Pl 2. Theo trường phái Alexanđria, chủ thể khởi đầu của thánh thi là Con Thiên Chúa, vốn dĩ là Thiên Chúa, tiền hữu. Trong trường hợp này, tự hủy là nhập thể, trở thành người phàm. Theo trường phái Antiokia, chủ thể duy nhất của thánh thi, từ đầu tới cuối, là Đức Kitô lịch sử, Đức Giêsu Nadarét. Trong trường hợp này, tự hủy là hạ mình, trở thành nô lệ, bằng lòng chịu khổ và chịu chết.

Hai trường phái khác nhau không ở chỗ một số theo Phaolô, một số theo Gioan, nhưng ở chỗ một số giải thích Gioan dựa vào Phaolô, và một số giải thích Phaolô dựa vào Gioan. Sự khác biệt là cái khung được chấp nhận để làm sáng tỏ mầu nhiệm Đức Kitô. Có thể nói những đường nét chính của tin điều và thần học đã hình thành nhờ sự va chạm của hai trường phái này.

2. “Sinh làm con một người đàn bà”

Việc Phaolô ít nói về nhập thể đưa đến chỗ ngài hầu như không nói gì về Đức Maria, Mẹ của Ngôi Lời Nhập thể. Câu xen “sinh làm con một người đàn bà” (factum sub muliere) trong bản văn là câu nhắc tới Đức Maria cách minh nhiên nhất, trong toàn bộ tác phẩm của Phaolô. Nó cũng giống như nói rằng: “Xét như một người phàm, Đức Kitô Giêsu xuất thân từ dòng dõi vua Đavít” (factum ex semine David secundum carnem) (Rm 1,3).

Dù chỉ vắn tắt, câu xen đó của Phaolô thật quan trọng. Nó là một trong những vấn đề chủ yếu trong cuộc tranh luận chống lại phái Ảo thân ngộ đạo từ thế kỷ II trở đi. Quả thực nó cho thấy Đức Giêsu không phải là người xuất hiện từ trời, vì Ngài sinh ra từ một người đàn bà. Ngài hoàn toàn gắn liền với lịch sử nhân loại, giống phàm nhân mọi đàng” (Pl 2,7). Tertullianô viết: “Tại sao chúng ta nói rắng Đức Kitô là một con người, nếu không phải vì Ngài sinh ra bởi Đức Maria là một con người?”. Đàng khác, “sinh bởi một người đàn bà” diễn tả nhân tính thật của Đức Kitô hơn là tước hiệu “con của người đàn ông”. Theo nghĩa văn tự, Đức Giêsu không phải “con của người đàn ông”, không có người đàn ông nào làm cha cả, nhưng Ngài thật sự là ‘con của người đàn bà”.

Bản văn Phaolô cũng đã là trọng tâm của cuộc tranh luận về tước hiệu Mẹ Thiên Chúa (theotokos), tiếp theo những tranh luận về Kitô học. Điều này giải thích vì sao bản văn thư Galat được dùng làm bài đọc II trong phụng vụ Lễ Trọng Kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Có một chi tiết cần ghi nhận. Nếu Phaolô nói “sinh bởi Đức Maria”, tức là ngài chỉ nêu lên một sự kiện thuộc tiểu sử. Nhưng khi ngài nói “sinh bởi một người đàn bà”, thì hàm ý thần học mang tính phổ quát và sâu xa hơn nhiều. Chính người đàn bà, và mọi đàn bà, được nâng lên một tầm cao mới trong Đức Maria. Ở đây, Đức Maria là một người đàn bà tuyệt hảo.

3. “Việc Đức Kitô sinh bởi Đức Maria có hệ gì đến tôi”

Sau khi chiêm niệm vắn tắt những chân lý thần học chứa đựng trong bản văn, chúng ta rút ra những chỉ dẫn cho đời sống thiêng liêng, làm nổi bật đặc tính của lời Chúa là lời “cho tôi”.

Origen viết: “Việc Đức Kitô sinh bởi Đức Maria có hệ gì đến tôi, nếu đức tin không được sinh ra trong tâm hồn tôi?” Ý tưởng này đã được thánh Augustinô, thánh Bênađô, Luthêrô và nhiều người khác lặp lại.

Đức Maria là Mẹ Đức Kitô, Mẹ Thiên Chúa, trên hai bình diện : bình diện thể lý và bình diện thiêng liêng. Mẹ không chỉ cưu mang Đức Kitô trong lòng dạ, mà còn là người đầu tiên cưu mang Ngài trong tâm hồn mình bằng đức tin. Dĩ nhiên, chúng ta không thể bắt chước Mẹ theo nghĩa thứ nhất, sinh Đức Kitô một lần nữa, nhưng có thể bắt chước Mẹ theo nghĩa thứ hai, cưu mang Đức Kitô trong tâm hồn bằng đức tin. Chính Đức Giêsu là người đầu tiên áp dụng tước hiệu “Mẹ Đức Kitô” cho Giáo hội, khi Ngài nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21 ; Mc 3,31tt ; Mt 12,49).

Theo truyền thống, chân lý này được áp dụng trong hai đường lối bổ túc cho nhau : đường lối mục vụ và đường lối tu đức. Trong mục vụ, mẫu tính ấy thể hiện nơi Giáo hội, với tư cách một toàn thể, vì Giáo hội là “Bí tích phổ quát của ơn cứu độ”. Trong tu đức, mẫu tính ấy thể hiện nơi mỗi người tin.

Chân phước Isaac Stella, nhà thần học thời Trung cổ, đã tổng hợp tất cả những yếu tố này. Trong một bài giảng nổi tiếng, ngài nói: “Đức Mẹ và Hội thánh là một người mẹ hay nhiều người mẹ, một trinh nữ hay nhiều trinh nữ…Vì vậy trong Đức Kitô được Thiên Chúa linh hứng, điều nói chung về Trinh Mẫu là Hội thánh cách phổ quát, thì cũng áp dụng riêng cho trinh nữ Maria ; điều nói riêng về Trinh Mẫu Maria, thì cũng hiểu chung về Trinh Mẫu là Hội thánh…Hơn nữa, mỗi tâm hồn tín hữu, tùy theo cách sống riêng của mình. mà được hiểu là bạn trăm năm của Ngôi Lời Thiên Chúa, là mẹ Đức Kitô, là con, là chị em, là trinh nữ và mẹ sinh con” (Kinh Sách, Thứ bẩy tuần II, mùa Vọng).

Công đồng Vatican II theo đường lối mục vụ khi nói: “Giáo hội cũng được làm mẹ…, nhờ việc rao giảng và ban phép Thánh tẩy, Giáo hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh ra do Thiên Chúa” (GH 64).

Ở đây, chúng ta muốn tập chú vào đường lới tu đức, áp dụng cho mỗi tâm hồn. Thánh Ambrosiô viết: “Mỗi tâm hồn tin thì thụ thai và sinh hạ Ngôi Lời Thiên Chúa... Nếu chỉ có một người là Mẹ Đức Kitô theo xác thịt, thì mọi linh hồn sinh hạ Đức Kitô theo đức tin, khi họ chấp nhận lời Thiên Chúa”. Ý tưởng trên đây được một Giáo phụ Đông phương, thánh Maximô Người Tuyên Tín, lặp lại: “Đức Kitô luôn được sinh ra cách nhiệm lạ nơi tâm hồn, mặc lấy xác phàm nơi những người được cứu độ”.

Một người trở thành mẹ Đức Giêsu như thế nào, thì chính Phúc âm cho thấy rõ : nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành. Để hiểu điều này, một lần nữa hãy nghĩ đến Đức Mẹ. Mẹ đã trở nên Mẹ Đức Giêsu khi mang thai và sinh ra Ngài. Kinh thánh từng nhấn mạnh hai hành vi trên đây. Isaia tiên báo: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ một con trai” (Is 7,14). Còn thiên thần thì nói với Đức Maria: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai” (Lc 1,31).

Có hai loại mẫu tính không đầy đủ, hoặc hai loại mẫu tính gián đoạn. Một loại gián đoạn có từ xưa và được biết đến nhiều, đó là khi sẩy thai hay phá thai. Trong cả hai trường hợp, sự sống được thành thai nhưng không được sinh ra. Khi ấy, thai nhi chết vì những lý do tự nhiên (trường hợp sẩy thai) hoặc vì tội của con người (trường hợp phá thai). Cho tới gần đây, đó là những trường hợp duy nhất của mẫu tính không đầy đủ.

Còn bây giờ, có thêm một loại mẫu tính không đầy đủ khác, khi người phụ nữ sinh con mà mình không thụ thai. Đó là khi thai nhi được thụ thai trong ống nghiệm, rồi được đưa vào dạ con người phụ nữ, và trong trường hợp mang thai hộ. Trong trường hợp này, đứa trẻ do người phụ nữ sinh ra không phải con chị ta, vì không tượng thai “nơi trái tim rồi nơi thân xác” của chị.

Bất hạnh thay, cả hai loại mẫu tính bất toàn đáng buồn này cũng tồn tại trong lãnh vực thiêng liêng. Những người nghe lời mà không đem ra thực hành, những người phá thai thiêng liêng hết lần này đến lần khác, khi đề ra chương trình hoán cải nhưng từ bỏ giữa đường. Những người như vậy là những người mang thai Đức Giêsu nhưng không bao giờ sinh hạ Ngài. Họ là những người nhìn mặt mình trong gương rồi quay đi mà không nhớ mặt mũi mình ra sao (x. Gc 1,23). Tóm lại, họ là những người có đức tin mà không có việc làm.

Ngược lại, cũng có những người sinh hạ Đức Kitô mà đã không mang thai Ngài. Họ làm nhiều việc, ngay cả việc lành, nhưng những việc này lại không phát xuất từ trái tim, từ tình yêu Thiên Chúa và ý ngay, nhưng đúng hơn, do thói quen, giả hình, tìm danh giá và lợi lộc cho mình, hoặc làm chỉ vì thích. Tóm lại, họ là những người có việc làm mà không có đức tin.

Thánh Phanxicô Assisi tóm tắt điều giúp chúng ta trở thành mẹ thật của Đức Kitô. Ngài nói: “Chúng ta là mẹ Đức Kitô khi mang Ngài nơi tâm hồn và thân xác ta bằng tình yêu Thiên Chúa, với một lương tâm chân thành và tinh tuyền. Chúng ta sinh hạ Chúa qua những công việc thánh thiện của ta, những công việc tỏa sáng như một mẫu gương cho người khác. Thánh thiện biết bao, khiêm nhường biết bao, đáng yêu biết bao…khi có một người anh chị em như thế và một người con như thế, tức là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Đấng Thánh đang nói cho ta rằng, ta thụ thai Đức Kitô khi ta yêu mến Ngài với một tâm hồn chân thành, một lương tâm ngay thẳng, và chúng ta sinh hạ Ngài khi chúng ta chu toàn những công việc thánh thiện bày tỏ Ngài cho thế gian.

4. Hai ngày lễ của Hài Nhi Giêsu

Thánh Bonaventura, đồ đệ và con thiêng liêng của thánh Phanxicô Assisi, đã lấy lại và quảng diễn tư tưởng trên đây trong một cuốn sách nhỏ có tựa đề “Năm Ngày Lễ của Hài Nhi Giêsu”. Trong phần nhập đề, ngài kể lại rằng một ngày kia, khi đang tĩnh tâm ở núi Verna, ngài chợt nhớ lại lời các thánh Giáo phụ cho biết : chính nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần và quyền năng Đấng Tối Cao mà một linh hồn hiến thân cho Chúa có thể mang thai Ngôi Lời Thiên Chúa, Con độc nhất của Chúa Cha, dĩ nhiên một cách thiêng liêng bằng lòng tin, rồi sinh hạ Chúa, đặt tên cho Chúa, cùng với các đạo sĩ thờ lạy Chúa, và dâng Chúa cho Chúa Cha trong Đên thờ.

Trong số năm lễ này, chúng ta chỉ chú ý hai lễ đầu tiên : thụ thai và sinh hạ. Theo thánh Bonaventura, một người mang thai Đức Giêsu khi mà, không hài lòng với đời sống hiện tại, được ơn linh hứng, và được những khát vọng thánh thiện thúc đẩy, người đó nhất quyết từ bỏ những thói hư tật xấu, những khuyết điểm lỗi lầm. Người đó như được ân sủng của Chúa Thánh Thần tác động, và thai nghén ý định sống một đời sống mới. Thế là Đức Kitô vào thai nơi người ấy.

Một khi vào thai, Con Thiên Chúa sẽ được sinh ra trong tâm hồn, bao lâu chúng ta thực hiện ý đinh của mình, chương trình của mình, bắt đầu từ những gì đã làm ít nhiều trước đó, nhưng cứ lần lữa hôm mai, vì sợ không kham nổi. Dĩ nhiên, khi thực hiện như vậy, chúng ta đã phân định, đã hỏi ý kiến, đã xin ơn Chúa giúp sức.

Nhưng phải nhấn mạnh một điều. Phải biến ngay dự định sống đời sống mới thành những hành động cụ thể, những thay đổi bên ngoài và thấy được càng tốt, những thay đổi trong đời sống ta và trong thói quen của ta. Nếu không biến ý định thành hành động cụ thể, thì tuy Đức Giêsu đã vào thai trong ta, nhưng Ngài không được sinh ra. Mà bào thai không chào đời thì sẽ có ngày phải phá. Đó là cách phá thai trong đời sống thiêng liêng. Như vậy, lễ thứ hai của Hài Nhi Giêsu không bao giờ được cử hành. Lối sống trên đây không phải là hiếm trong thế giới các tâm hồn hôm nay. Do đó mà ít có người trở thành thánh.

Nếu bạn quyết tâm thay đổi đời sống, hãy bắt chước Đức Maria, khiêm nhường, nghèo khó, chỉ tìm kiếm ý Chúa và ơn Chúa, không bận tâm làm hài lòng người khác. Khi ấy, như thánh Bonaventura nói, bạn phải tỏ ra can đảm, vì bạn sẽ cần đến nó. Bạn phải đối diện với hai loại cám dỗ. Trước hết, có những người “xác thịt” hơn trong số những người thân thiết với bạn, sẽ nói với bạn rằng : Điều bạn đang thực hiện quá khó ; bạn sẽ không bao giờ làm được đâu ; điều đó sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn ; những công việc như thế không phù hợp với địa vị của bạn trong xã hội…

Lại có những cám dỗ thuộc loại khác. Có những người được coi là đạo đức, nhưng không tin vào quyền năng của Thiên Chúa và của Thần Khí. Họ sẽ nói với bạn rằng nếu bạn bắt đầu thay đổi đời sống – dành nhiều thời giờ hơn để cầu nguyện, tránh chuyện ngồi lê đôi mách và những tán gẫu vô bổ, làm việc bác ái – thì chẳng bao lâu người ta sẽ nghĩ bạn là một thánh nhân, một người sùng đạo…và vì bạn biết rõ mình chưa phải là người như vậy, cuối cùng bạn sẽ phản bội họ, sống giả hình, bị Thiên Chúa khiển trách vì Người biết rõ lòng bạn.

Chúng ta hãy lấy lòng tin mà đáp lại mọi cám dỗ. “Bàn tay của Chúa không quá ngắn nên không cứu nổi bạn” (Is 59,1). Hãy mạnh dạn lặp lại lời của Augustinô trước khi hoán cải: “Si isti et istae, cur non ego” (Chuyện ông nọ bà kia làm được, sao tôi lại không?)

5. Đức Maria thưa lời Xin Vâng

Gương mẫu của Mẹ Thiên Chúa gợi ý cho chúng ta mau mắn đi vào đời sống mới, để thật sự mang thai và sinh hạ Đức Giêsu nơi ta. Đức Mẹ đã nói lời Xin Vâng, một lời có tính cách quyết định sống hoàn toàn cho Thiên Chúa.

Xin Vâng dịch từ chữ la tinh Fiat. Nhưng Đức Mẹ đã không nói tiếng la tinh, nên không nói fiat, cũng không nói tiếng Hy lạp, nên không nói genoito, là chữ chúng ta thấy trong bản văn Hy lạp của Luca. Muốn tìm chữ mà chính Đức Mẹ đã nói (ipsissima vox), chữ ấy hẳn là amen. Từ hipri amen có nghĩa là chắc chắn, thật như vậy, tin chắc được như vậy. Nó đã được dùng trong phụng vụ như lời của đức tin đáp lại lời Thiên Chúa. Amen thừa nhận rằng từ nói ra thì chắc chắn, vững bền, mạnh mẽ. Khi nó là một cách đáp lời Thiên Chúa, thì chính xác nó là: “Đây là cách mà nó là”, “Đây là cách mà nó sẽ là”. Nó nói lên lòng tin và vâng phục, thừa nhận rằng điều Thiên Chúa nói là thật và tùng phục lời ấy. Khi Đức Giêsu nói lời amen với Chúa Cha, thì nó được hiểu theo nghĩa ấy: “Vâng, amen, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,26). Quả thực, Đức Giêsu là Amen được nhân cách hóa. Ngài là Đấng Amen (Kh 3,14), và như thánh Phaolô nói thêm, qua Ngài mà mọi amen được hô lên để tôn vinh Thiên Chúa (x. 2Cr 1,20).

Trong hầu hết ngôn ngữ trên thế giới, từ diễn tả sự đồng ý thường chỉ có một vần (sì, ja, yes, oui, da..), một trong những chữ ngắn nhất, những với chữ đó, cả cô dâu lẫn chú rể, và những người tận hiến, quyết định cuộc đời của mình mãi mãi. Trong nghi thức khấn dòng và truyền chức linh mục, lời đó cũng được vang lên.

Có một sắc thái trong lời thưa amen của Mẹ cần ghi nhận. Trong ngôn ngữ Tây phương hiện đại, người ta dùng động từ ở trực thái cách để chỉ một sự gì đó đã, đang hoặc sẽ xẩy ra, và ở điều kiện cách để chỉ sự gì đó có thể xẩy ra với điều kiện. Tiếng Hy lạp có một cách đặc biệt gọi là cách mong muốn (optative mood). Cách này diễn tả một ước muốn hay tâm trạng bồn chồn nào đó đối với một sự việc đặc biệt sẽ xẩy ra. Từ genoito được Luca sử dụng là thuộc về cách này.

Phaolô nói rắng “Ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2Cr 9,7). Đức Mẹ đã vui vẻ thưa lời Xin Vâng với Thiên Chúa. Chúng ta hãy xin Mẹ giúp chúng ta cũng biết vui vẻ khi nói lời Xin Vâng với Thiên Chúa, để rồi sẽ sinh hạ Chúa.

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ ba Mùa Vọng 2008, tại Phủ Giáo hoàng)

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều