LỊCH SỬ TÍN ĐIỀU BA NGÔI

ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc

I. BA NGÔI THIÊN CHÚA TRONG PHỤNG VỤ NHỮNG THẾ KỶ ĐẦU

Niềm tin của Dân Thiên Chúa khai sinh trong môi trường phụng vụ. Vậy muốn biết rõ nội dung của niềm tin, cần phải trở về với phụng vụ của Giáo Hội trong những thế kỷ đầu :

  1. ĐỨC TIN PHÉP RỬA
    1. Phụng vụ phép Rửa

Theo đa số các nhà chú giải Kinh Thánh hiện đại, mệnh lệnh truyền giáo phổ quát của Đức Kitô phục sinh trong Phúc âm Mt 28,19-20 là một công thức rửa tội phát xuất từ môi trường phụng vụ : "Các ngươi hãy đi thâu nạp môn đệ khắp muôn dân, thanh tẩy chúng nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần".

Quả thực, công thức này có ở trong những bản văn phụng vụ rất cựu trào :

"Sau khi dạy dỗ tất cả những điều cần thiết, hãy rửa tội trong dòng nước chảy, nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nếu không có dòng nước chảy, hãy làm phép rửa trong thứ nước khác. Nếu không thể rửa trong nước lạnh, hãy dùng nước nóng. Nếu không có dòng nước hãy dội nước trên đầu ba lần nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (R4. Didachè c.7)

40 năm sau, bản văn của thánh Justinô mô tả phép Rửa tội tỉ mỉ hơn, nhưng vẫn có cùng một cấu trúc nòng cốt :

"Ai được chịu phép Rửa tội, được dẫn đến nơi có nước, và ở đó họ được tái sinh cũng như chúng ta đã được tái sinh. Họ được rửa trong nước nhân Danh Thiên Chúa và là Chúa mọi loài, nhân Danh Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ chúng ta, và nhân Danh Chúa Thánh Thần" (I Apologia 61,3 ; R 126).

30 năm sau Justinô, giáo phụ Irênê trình bày và giải thích nghi thức Rửa tội, cũng theo cùng một cơ cấu, mặc dù có kèm thêm những lời diễn giảng đầy đủ và phong phú hơn :

"Đây là điều mà đức tin khẳng định, như các trưởng lão, môn đệ của các Tông đồ, đã truyền lại cho chúng ta : trước tiên niềm tin ấy bắt chúng ta phải nhớ là chúng ta đã chịu phép Rửa để được tha tội, nhân Danh Thiên Chúa Cha, nhân Danh Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã nhập thể, đã chết và đã phục sinh, và trong Thánh Thần Thiên Chúa.

Khi chúng ta đã được tái sinh bởi phép Rửa nhân Danh Ba Ngôi Vị ấy, chúng ta nhận được trong lúc tái sinh, những kho tàng có nơi Thiên Chúa, nhờ Chúa Con với Chúa Thánh Thần. Những ai chịu phép Rửa nhận lãnh Thánh Thần Thiên Chúa ; Thánh Thần dâng hiến họ cho Ngôi Lời hay Chúa Con và Chúa Con dâng họ cho Chúa Cha để Chúa Cha ban cho họ Ơn hằng sống. Nếu không có Thánh Thần, không thể nhìn thấy Ngôi Lời Thiên Chúa ; không có Chúa Con, không thể đến cùng Chúa Cha. Tri thức Cha, chính là Con và chỉ biết được Con nhờ Thánh Thần, tùy như sở thích tốt lành của Chúa Cha cho những ai Chúa Cha muốn và theo thể thức Chúa Cha muốn" (Démonstration de la prédication apostolique c.3)

Trong giai đoạn tranh luận gắt gao về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, công thức và nghi lễ Rửa tội trở thành lý lẽ vững chắc chống lại các bè rối :

"Nếu những người theo Ariô có lý, nếu Con và Thánh Thần chỉ là tạo vật, chúng ta đã được thánh hiến trong phép Rửa tội cho một Đấng Tạo hóa và hai tạo vật, chúng ta dấn thân đức tin của chúng ta, dâng lời cầu nguyện của chúng ta cho Thiên Chúa và hai tạo vật" (Athanasiô, Orat. Cont. ar, II, 41 ; Grêgôriô Nazian or. 37,18 ; Grêgôriô Nysse, Orat. Catech. 39).

Lý lẽ này vững chắc nhất, vì công thức và nghi lễ Rửa tội không phát sinh từ một tranh luận nào, nhưng có trước mọi tranh luận ; và ngay cả các bè rối cũng dùng. Những người theo lạc thuyết của Marcion thường rửa tội với công thức sau đây mà thánh Irênê đã ghi lại :

"Họ rửa tội, nhân Danh Vị Cha Vô Hình của vũ trụ, nhân Danh Công Lý, Mẹ của các hữu thể, và nhân Danh Đấng đã ngự xuống trên Đức Giêsu" (Adversus Haereses 1,21)

1. Tuyên tín trong phép Rửa

Trong bí tích thanh tẩy, có một yếu tố rất quan trọng về phương diện đức tin, đó là lời tuyên tín.

Ở đây, xin ghi lại một vài đoạn tuyên tín phép Rửa trích từ các tác phẩm có giá trị truyền thống và lịch sử trong Giáo Hội :

"Khi được hỏi : ngươi có tin Thiên Chúa là Cha Toàn Năng không ? ngươi trả lời : tôi tin, và ngươi được nhận xuống, nghĩa là được mai táng. Rồi ngươi lại được hỏi : ngươi có tin Đức Giêsu Kitô và Thập Giá của Người không ? ngươi trả lời : tôi tin, ngươi lại được nhận xuống lần nữa, và ngươi được cùng mai táng với Chúa Kitô, và ai chết với Chúa Kitô, sẽ được sống lại với Người. Được hỏi lần thứ ba : ngươi có tin Chúa Thánh Thần không ? ngươi đáp : có, và ngươi được nhận xuống lần thứ ba ; như thế mọi tội lỗi ngươi đã phạm đều được tha vì ba lần tuyên xưng này" (De Sacramentis II,7 ; Pl, XVI, 429).

"Anh có tin hết lòng Thiên Chúa là Cha Toàn Năng và là Đấng tạo dựng muôn vật hữu hình và vô hình không ? Palmatius trả lời : tôi tin - Anh có tin Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa không ? Palmatius đáp : tôi tin - Anh có tin Người là Đấng được sinh ra bởi quyền năng Thánh Thần và trong lòng Đức Trinh Nữ không ? Thưa có - Anh có tin Chúa Thánh Thần, Hội Thánh công giáo, phép tha tội và sự sống lại không ? Palmatius òa lên khóc và nói : thưa ngài, tôi tin" (Martyrium sancti Callixti papae et sociorum ejus, cité par Hahn, Bibliotek der Symbole, p. 34, n. 30).

Nghi thức Rửa tội và việc tuyên xưng đức tin là hai yếu tố không thể tách rời trong phép Rửa ; cả hai phần đều nói lên niềm tin chắc chắn nhất của Giáo Hội những thế kỷ đầu vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

2. Biến chuyển của lời tuyên tín phép Rửa

Ngay từ thuở ban đầu, Giáo Hội đòi hỏi những ai sắp chịu phép Rửa tội phải tuyên xưng đức tin :

"Philip nói : Nếu Ngài tin hết lòng, thì được phép. Ông ấy đáp : Tôi tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa. Rồi ông ra lệnh cho xe dừng lại, và cả hai cùng xuống nước, Philip và viên hoạn quan. Và Philip đã ban phép thanh tẩy cho ông" (Cv 8,37-38).

"Nếu ngươi tuyên xưng nơi miệng ngươi : Giêsu là Chúa ! Và nếu ngươi tin trong lòng ngươi : Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết ! ngươi sẽ được cứu" (Rm 10,8).

Trong một số các lời tuyên tín mà Tân Ước trích dẫn, cấu trúc "Ba Ngôi" chưa rõ nét. Chỉ bắt đầu với Clêmentê thành Rôma, cấu trúc này mới được rõ ràng :

"Chúc tụng Thiên Chúa, Chúc tụng Chúa Giêsu Kitô và Thánh Linh, đối tượng đức tin và niềm hy vọng của những người được tuyển chọn" (1 Cr 58,2).

Một số nhà chuyên môn về lịch sử tín điều cho rằng "công thức Kitô" (formule christologique) có trước "công thức Ba Ngôi" (formule trinitaire). Nhưng cũng có người chủ trương rằng : ngay từ đầu, đã có hai loại công thức tuyên tín : một đàng tuyên xưng Thiên Chúa là Cha toàn năng, Con Duy Nhất của Ngài, và Thánh Thần Thiên Chúa ; đàng kia tuyên xưng các mầu nhiệm Kitô như "nhập thể, tử nạn, phục sinh.", dần dần hai cách tuyên xưng ấy dung hòa với nhau và Ki-tô-học được lồng trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Với thánh Justinô, hai loại công thức này mới gặp gỡ nhau, chưa dung hợp hoàn toàn. Trong các công thức Ba Ngôi, điều khoản thứ hai được nối dài hơn, và nhờ đó, đã có một Ki-tô-học tiềm tàng : ". nhân Danh Đức Giêsu Kitô, đã chịu đóng đinh dưới thời Pontiô Pilatô." (1 Apol. 61). Ngược lại, các công thức Kitô cũng bắt đầu mang sắc thái Ba Ngôi : ". chúng ta nói rằng Ngôi Lời, Trưởng Tử của Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Vị Thầy của chúng ta, đã được sinh ra mà không cần hành vi nhục thể, đã chịu đóng đinh, đã chịu chết." (1 Apol. 21).

        Với thánh Irênê, sự dung hợp hoàn hảo và tự nhiên hơn :

        " Người ta cầu khản Danh Thiên Chúa Cha trtên những ai muốn được tái sinh. và Danh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh dưới thời Pontiô Philatô. và Danh Chúa Thánh Thần , đấng đã tiên báo, nhờ các ngôn sứ, cuộc đời của Đức Giêsu Kitô ." ( Adv. Haereses I, 10,1 )

        Trong cuộc chiến của Irênê chống lại các lạc thuyết, lời tuyên tín Phép Rửa được coi như " quy luật đức tin không thay đổi " :

        " đây là giáo huấn đức tin, nền tảng của tòa nha và căn bản của ơn cứu độ chúng ta :

- Điều thứ nhất : Thiên Chúa là Cha, không được tạo thành, không được sinh ra, là Đấng Vô Hình, là Thiên Chúa Duy Nhất.

- Điều thứ hai : Ngôi Lời Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, đã hiện ra với các ngôn sứ dưới nhiều hình dạng được các sấm ngôn mô tả. Ngài đã làm người, sinh bởi con người, đã trở thành hữu hình và sờ mó được. để phá tan sự chết và tỏ bày sự sống lại. ; để đưa tới sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và loài người.

- Điều thứ ba : Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng đã phán qua các ngôn sứ, đã dạy dỗ cha ông chúng ta những mầu nhiệm thần thiêng, và đã dẫn đưa những người công chính đi trên con đường ngay thẳng. ; Ngài được đổ xuống trên nhân loại, khi thời sung mãn đến, lúc Thiên Chúa đổi mới con người trên khắp mặt đất" (Démonstration, c. 6).

Bản văn trên của Irênê không ghi lại từng chữ Tuyên tín phép Rửa, nhưng chú giải vắn tắt và gồm ba phần rõ rệt :

- Phần thứ I về Chúa Cha,

- Phần thứ II về Chúa Con,

- Phần thứ III về Chúa Thánh Thần.

Do đó có thể dễ dàng nhận ra cơ cấu của "Lời Tuyên tín phép Rửa". Lời tuyên tín này khai triển công thức rửa tội mà Giáo Hội vẫn dùng cho đến ngày hôm nay ; quả thực đó là quy luật đức tin :

"Hỡi bạn, đó là lời rao giảng chân lý và là quy luật cứu độ, đó là con đường dẫn tới sự sống mà các ngôn sứ đã loan báo, Đức Kitô đã thiết lập, các Tông đồ đã truyền lại, và Giáo Hội cống hiến cho con cái mình khắp nơi" (Démonstration, c. 98).

Các lạc thuyết thường đi ngược lại một trong ba điều khoản đó của đức tin :

"Lạc giáo đã xa lìa chân lý trong ba điều khoản chính yếu của phép Rửa tội. Hoặc họ coi thường Chúa Cha, hoặc họ không chấp nhận Chúa Con khi chống lại nhiệm cục nhập thể và cứu độ, hoặc họ không nhận có Thánh Thần, nghĩa là coi thường lời ngôn sứ" (Démonstration, c. 100).

Giáo huấn của Irênê không phải là những lý luận thần học của riêng ông, nhưng là giáo lý tông truyền, là tín điều vững chắc chống lại các bè rối :

"Giáo Hội, dù rải rác khắp nơi trên thế giới đến tận cùng trái đất, đã nhận lãnh từ các Tông đồ niềm tin vào một Thiên Chúa Duy Nhất, Đấng tạo thành trời đất, biển khơi và mọi tạo vật : một Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, đã nhập thể để cứu độ chúng ta ; một Thánh Thần đã loan báo, nhờ các ngôn sứ, chương trình cứu độ và các biến cố Giáng Sinh, Khổ Nạn, Phục Sinh, Lên Trời và Quang Lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Từ trời, Đức Kitô sẽ xuất hiện bên hữu Chúa Cha, để tái tạo mọi sự và làm cho xác thể loài người sống lại, để mọi đầu gối phải bái quỳ, trên trời, dưới đất và trong hỏa ngục.

Đó là giáo lý mà Giáo Hội đã lãnh nhận, đó là đức tin phổ quát ; và dù Giáo Hội rải rác khắp năm châu, Giáo Hội vẫn cố gắng gìn giữ kỹ lưỡng như ở trong cùng một nhà ; Giáo Hội nhất trí tin như vậy, ví dường như có cùng một linh hồn, một con tim. Đồng một lòng Giáo Hội rao giảng, dạy dỗ và lưu truyền đức tin đó, như một miệng lưỡi duy nhất. Dĩ nhiên các ngôn sứ trên thế giới có khác nhau, nhưng sức mạnh và truyền thống là một và đồng nhất.

Giống như mặt trời, khắp nơi cũng là một, sự rao giảng chân lý chói sáng mọi nơi và soi sáng mọi người muốn nhận biết chân lý" (Adversus Haereses I, 10,2).

Đối diện với lạc giáo chia rẽ thành năm bè bảy mối, Giáo Hội chỉ cần nhắc lại một quy luật duy nhất. Đó là quy luật chân lý nhận lãnh trong phép Rửa.

Người bảo đảm cho quy luật ấy, chính là Con Thiên Chúa, Nguồn gốc của mọi truyền thống ; là các Tông đồ và các giám mục liên tiếp kế vị các ngài.

Chứng từ của Hyppolite trong tác phẩm "TRUYỀN THỐNG TÔNG ĐỔ" (Traditio Apostolica) cũng quan trọng không kém chứng từ của Irênê và cần ghi lại để làm nổi bật niềm tin của Giáo Hội trong những thế kỷ đầu :

". Chủ sự đặt tay trên đầu thụ nhân và làm phép Rửa lần thứ nhất. Sau đó người nói : ngươi có tin Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, sinh bởi Thánh Thần và Trinh Nữ Maria, chịu đóng đinh thời Pontio Pilatô, chịu chết và chịu táng xác, ngày thứ ba sống lại từ cõi chết, lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha, sẽ trở lại phán xét kẻ sống và người chết không ? Thụ nhân trả lời : tôi tin ; và lại được rửa lần thứ hai. Chủ sự hỏi lần nữa : ngươi có tin Thánh Thần, Giáo Hội và xác thể ngày sau sống lại không ? Thụ nhân đáp : tôi tin ; và như thế lại được rửa lần thứ ba" (Le symbole romain au IIè siècle. Revue bénédictime, 1927).

Đoạn trích dẫn chứng từ của Hyppolite thiếu mất phần đầu, nhưng cũng có thể sắp đặt lại, và nhờ đó, chúng ta có được cấu trúc chính yếu của "Kinh Tuyên tín Tông đồ" (Symbole des apôtres) :

"Ngươi có tin Thiên Chúa là Cha Toàn năng không ?

Ngươi có tin Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa,

sinh bởi Thánh Thần và từ cung lòng Trinh Nữ Maria,

chịu đóng đinh thời Pontiô Pilatô, chịu chết và chịu táng xác,

ngày thứ ba sống lại từ trong kẻ chết,

lên trời ngự bên hữu Chúa Cha

và sẽ trở lại phán xét kẻ sống và kẻ chết ?

Ngươi có tin Chúa Thánh Thần,

Giáo Hội thánh thiện và sự phục sinh thân xác không ?"

Tertullien coi lời tuyên tín phép Rửa và nghi thức Rửa tội như hai yếu tố gắn liền nhau, tạo thành một toàn bộ mà ông gọi là "Bí tích Đức Tin" (Sacramentum fidei). Lời tuyên tín đôi khi cũng được gọi là "Bí Tích" (sacramentum), hoặc để nhắc lại liên hệ với phép Rửa, hoặc để tuyên thệ giống như lời thề thánh hiến người ki-tô-hữu gia nhập vào đạo binh của Chúa Kitô.

Tertullien dùng ngôn từ rất mạnh mẽ để làm nổi bật tầm quan trọng của "quy luật đức tin" : "Adversus regulam nihil scire omnia scire est" (không biết điều gì ngược lại quy luật đức tin là biết tất cả - De praescr. 14).

Tóm lại, so với vai trò của Kinh Tin Kính Nicée-Contanstinople trong thời gian tranh luận vào thế kỷ IV, chỗ đứng của lời Tuyên tín phép Rửa trong Giáo Hội sơ khai còn quan trọng hơn. Không những đối với từng ki-tô-hữu, mà còn đối với toàn thể Giáo Hội, lời Tuyên tín phép Rửa là kho tàng quý giá nhất, là diễn từ chính xác nhất về mầu nhiệm đức tin, và do đó đã trở thành quy luật, tiêu chuẩn để phê phán cá nhân ki-tô-hữu hay các cộng đoàn địa phương : ai không ở trong quy luật ấy, thì không còn ở trong đức tin của Giáo Hội Chúa Kitô.

Nhiều giáo phụ đã làm chứng về sự hiện hữu của lời Tuyên tín phép Rửa vào những thế kỷ đầu của Giáo Hội, nhưng không ai ghi chép trọn vẹn. Mãi đến thế kỷ IV mới được chép lại nguyên văn bởi "Rufin thành Aquila", bằng tiếng Latinh, và "Marcel dAncyre" bằng tiếng Hylạp.

  1. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

Ngay từ thuở ban đầu, Giáo Hội luôn luôn nối kết "Thánh Thể" với "phép Rửa". Phaolô, trong thư I gửi giáo đoàn Côrintô, đã làm việc này một cách rất tự nhiên và sâu sắc. Biến cố Xuất hành và đời sống của Dân Chúa trong sa mạc là khởi điểm cho những suy tư của ông :

"Và tôi không muốn để anh em không hay không biết sự này, hỡi anh em : là cha ông chúng ta, hết thảy đã ở dưới áng mây, hết thảy đã ngang qua Biển, hết thảy đã thanh tẩy mình trong Môsê, dưới áng mây, trong lòng biển ; hết thảy đã được ăn cùng một lương thực thần thiêng ; hết thảy đã được uống cùng một của uống thần thiêng, quả họ đã uống từ Tảng đá thần thiêng đi theo họ, - Tảng đá ấy là Đức Kitô - song nơi phần đông trong họ, Thiên Chúa đã chẳng được hài lòng. Vì họ đã bị phơi thây trong sa mạc". (1 Cr 10,1-5)

Bí tích Thánh Thể là Trung tâm điểm của đời sống phượng tự Kitô-giáo. Nhờ việc cử hành Thánh Thể, người tín hữu được nối kết chặt chẽ với Chúa Kitô, là Thầy, là Chúa và là Đấng Cứu độ, được chia phần sự sống với Người.

Nếu châm ngôn "lex orandi, lex credendi" (quy tắc cầu nguyện cũng là quy tắc đức tin) áp dụng chính xác cho phép Rửa tội, thì trong Phụng vụ Thánh Thể, giá trị của châm ngôn này càng rõ ràng và nổi bật hơn. Phụng vụ Thánh Thể biểu lộ niềm tin của người ki-tô-hữu ở mức độ cao nhất và đầy đủ nhất.

Những người cử hành phụng vụ Thánh Thể là những người đã chịu phép Rửa ; điều họ cử hành cũng lặp lại niềm Tin phép Rửa. Nhưng họ được đưa dẫn sâu xa hơn vào điều họ đã tin, được tham dự trọn vẹn hơn vào các mầu nhiệm của đời sống đức tin ki-tô-giáo.

Đức tin tuyên xưng trong phụng vụ Thánh Thể khai triển và phát huy niềm tin đã nhận lãnh trong bí tích Rửa tội. Nếu các công thức tuyên tín trong phép Rửa tội bày tỏ Niềm tin chắc chắc và phổ quát của Giáo Hội, thì các công thức trong phụng vụ Thánh Thể càng biểu lộ rõ ràng và đầy đủ hơn nội dung đức tin ki-tô-giáo.

Nếu đã nhấn mạnh khía cạnh " Tông truyền" của đức tin trong phép Rửa tội, thì càng phải nhấn mạnh đặc tính này của phụng vụ Thánh Thể. Đoạn tường thuật việc thành lập phép Thánh Thể trong thư I gửi tín hữu Côrintô đã được Phaolô nhấn mạnh là phát xuất từ Truyền thống mà chính ông đã nhận lãnh :

"Vì chưng, chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa điều tôi truyền lại cho anh em, là : Chúa Giêsu trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã cầm lấy Bánh, và tạ ơn xong, Ngài đã bẻ ra và nói : Này là Mình Ta, vì các ngươi, hãy làm sự này mà nhớ đến Ta. Cũng vậy, về Chén, sau khi đã dùng bữa tối xong, Ngài nói : Chén này là Giao ước mới trong Máu Ta, các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống, mà nhớ đến Ta. Vì mỗi lần anh em ăn bánh ấy và uống chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa, cho tới lúc Ngài đến. Cho nên kẻ ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, tất sẽ mắc tội đối với Mình và Máu Chúa". (1 Cr 11,23-27)

Nếu phân tích lịch sử của Lời tuyên tín phép Rửa dẫn đưa chúng ta tới "Kinh Tin Kính Tông đồ", thì tìm hiểu phụng vụ Thánh Thể cũng giúp ích rất nhiều để tìm lại Niềm Tin của Giáo Hội trong những thế kỷ đầu.

  1. Chứng từ của sách Didachè

Cũng như trong phần phụng vụ phép Rửa, chứng từ của sách Didachè về phụng vụ Thánh Thể là một chứng từ quý giá vì rất cổ xưa.

Chương IX và X là những chương phong phú nhất. Vì giá trị của chúng, chúng tôi xin trích dẫn cả hai chương :

"Khi cử hành lễ Tạ ơn (Eucharistie), hãy cảm tạ thế này :

Trước hết, hãy dâng lời cảm tạ trên chén :

Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha,

vì Vườn Nho Thánh thiện của Đavít, tôi tớ Cha

mà Cha đã cho chúng con biết nhờ Đức Giêsu Tôi tớ Cha.

Chúc tụng Cha đến muôn đời.

Sau đó, hãy dâng lời cảm tạ trên bánh đã bẻ ra :

Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha,

vì sự Sống và Tri thức

mà Cha đã cho chúng con nhờ Đức Giêsu Tôi tớ Cha.

Chúc tụng Cha đến muôn đời.

Như chiếc bánh đã bẻ ra, được làm bằng những hạt lúa miến từ các núi đồi, và được kết hợp lại để trở thành một. Cũng thế, xin Cha hãy quy tụ Giáo Hội từ các miền xa xăm trên địa cầu, vào trong Vương quốc của Cha.

Vinh hiển và uy quyền thuộc về Cha mãi mãi đến muôn đời, nhờ Đức Giêsu Kitô.

Chỉ có những người đã chịu phép Rửa nhân Danh Chúa Kitô mới được ăn bánh và uống chén, bởi vì chính Chúa đã căn dặn : đừng vất những của thánh cho chó" (Didachè IX, 1-5)

"Khi đã dùng xong, hãy tạ ơn như sau :

Lạy Cha chí thánh, chúng con cảm tạ Cha

vì Danh chí thánh của Cha

mà Cha đặt để trong tâm hồn chúng con

và vì sự hiểu biết, đức tin và sự bất tử

mà Cha đã ban cho chúng con nhờ Đức Giêsu Tôi tớ của Cha.

Chúc tụng Cha đến muôn đời.

Chính Cha là Đấng Toàn Năng

đã tạo dựng vũ trụ

vì Vinh quang của Danh Cha.

Cha đã cho loài người hưởng dùng của ăn và thức uống để họ cảm tạ Cha.

Đối với chúng con, Cha đã thương ban của ăn thức uống thiêng liêng và sự sống đời đời, nhờ Đức Giêsu Tôi tớ của Cha.

Chúng con cảm tạ Cha trên hết mọi sự, vì Cha là Đấng Quyền năng.

Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến Giáo Hội Chúa, hãy giải thoát Giáo Hội khỏi mọi sự dữ và hãy kiện toàn Giáo Hội trong đức ái, xin hãy qui tụ Giáo Hội từ bốn phương vào Vương quốc Ngài đã dọn saün, vì Quyền Năng và Vinh Quang thuộc về Chúa muôn đời.

Xin Hồng ân Người hãy đến và thế gian này hãy qua đi.

Hoan hô Thiên Chúa của Đavít.

Ai đã trong sạch thì hãy đến

Ai chưa sạch hãy ăn năn đền tội.

Lạy Chúa, xin hãy đến. Amen" (Didachè X, 1-6)

Có nhiều ý kiến khác nhau về ý nghĩa của Lời Tạ Ơn (Eucharistia) được ghi lại trong các đoạn trích dẫn ở trên. Có người cho rằng đó chính là phụng vụ Thánh Thể, vì có nhắc tới bánh và rượïu, đến phép Rửa là điều kiện cần thiết để tham gia bàn Tiệc Thánh Thể. Hơn nữa cung điệu của Lời Kinh gần giống như Kinh Tiền tụng, và Lời Kinh còn kết thúc bằng viễn tượng cánh chung.

Nhưng cũng có người nghĩ là không phải. Trong thế giới Do-thái thời Chúa Kitô, cũng có những bữa ăn thánh thiện, trong đó người ta cảm tạ Thiên Chúa và đọc lời chúc tụng trên bánh và rượu. Các bữa ăn đó vẫn tồn tại trong thời gian đầu của Giáo Hội. Hơn thế nữa, sách Didachè sẽ nói tới phụng vụ Thánh Thể trong chương XIV.

Vì hai lý do này không vững chắc đủ, đa số các nhà chuyên môn theo ý kiến đầu. Nhưng cũng không ai dám xác định đó là một Kinh nguyện Thánh Thể như sẽ có sau này vào thế kỷ III.

Điều quan trọng cần lưu ý là chỗ đứng nổi bật của Chúa Cha trong Lời Kinh cảm tạ.

Lời nguyện luôn luôn hướng về Chúa Cha, vì mọi sự đều là Hồng ân của Chúa Cha. Cha là Thiên Chúa, là Đấng Tạo dựng vũ trụ. Người ban cho chúng ta sự Sống, Tri thức ; Người cho chúng ta thuộc về Giáo Hội.

Vai trò Trung Gian của Đức Giêsu, Tôi tớ của Chúa Cha cũng được lặp lại nhiều lần. Tước hiệu này là một trong những tước hiệu Giáo Hội sơ khai rất ưa thích.

Chương XIV sách Didachè đề cập trực tiếp đến phụng vụ Thánh Thể ngày Chúa Nhật, nhưng vắn tắt hơn và không khai triển các ý tưởng nòng cốt về mầu nhiệm Thiên Chúa :

"Anh chị em hãy tụ họp lại vào ngày của Chúa, hãy bẻ bánh và tạ ơn, sau khi thú nhận tội lỗi, để lễ tế của các ngươi được tinh tuyền. Ai trong anh chị em còn bất bình với một người bạn, không nên tham gia với anh chị em cho tới khi cả hai được giải hòa, để khỏi làm ô uế lễ tế của anh chị em.

Chính Lời của Chúa đã căn dặn : mọi thời và mọi nơi ai ai cũng phải dâng cho Ta một lễ tế tinh tuyền, vì Ta là Vua vĩ đại, và Danh Ta thật đáng kính sợ giữa chư dân" (Didachè, XIV, 1-3).

  1. Chứng từ của Justinô

Xét dưới khía cạnh mô tả hay tường thuật, chứng từ của Justinô quan trọng hơn sách Didachè.

Chúng ta có thể thấy cơ cấu chính yếu của phụng vụ Thánh Thể trong những thế kỷ đầu nhờ bài tường thuật khá tỉ mỉ và khách quan của Justinô. Trong tác phẩm "Hộ Giáo" I, Justinô cố gắng trình bày và giải thích cho người ngoại đạo nghi thức phượng tự quan trong nhất của Kitô-giáo :

"Ngày mà người ta gọi là ngày của mặt trời, mọi người ở thành thị và thôn quê, tụ họp nhau lại trong cùng một nơi. Người ta đọc lại ký sự của các Tông đồ và tác phẩm của các Ngôn sứ, bao lâu thời giờ cho phép. Sau khi đọc xong, vị chủ tế lên tiếng dặn dò và khuyến khích người nghe thực hành những giáo huấn tốt đẹp ấy. Sau đó, chúng tôi đứng dậy và cùng cầu nguyện lớn tiếng. Và khi cầu nguyện xong, người ta đưa bánh, rượu và nước tới. Chủ sự ngước mắt lên trời, dâng những lời cầu nguyện và cảm tạ, theo như sức lực của người cho phép, và toàn dân đáp lại bằng tiếng tung hô : Amen ! Sau đó, người ta phân phát của ăn đã được hiến thánh cho mọi người, và nhờ các phó tế đưa tới cho những người vắng mặt" (Apologia I, c. 67).

Bài tường thuật của Justinô ghi lại những nét chính yếu của phụng vụ Thánh lễ lúc ban đầu : phụng vụ Lời Chúa, Bải giảng, Lời nguyện giáo dân, phần dâng lễ, Kinh "Cảm tạ" (Eucharistia), phần rước lễ.

Justinô nối kết chặt chẽ Lễ Tạ ơn với đức tin phép Rửa :

"Chúng tôi gọi thức ăn ấy là "Của lễ Tạ ơn", và không ai có quyền tham gia ngoài những kẻ tin vào Sự Thật của giáo thuyết chúng tôi, những kẻ đã chịu phép Rửa tha tội và tái sinh, và sống theo giới răn Chúa Kitô" (Apologia I, c. 65)

Những lời Kinh không được Justinô ghi lại đầy đủ như trong sách Didachè. Nhưng qua các phần mô tả của Justinô, chúng ta có thể nhận ra nội dung của lời Kinh, và niềm tin mà lời Kinh ấy diễn tả :

"Mỗi khi dâng lễ, chúng tôi chúc tụng Đấng Tạo dựng vũ trụ nhờ Con của Người là Đức Giêsu Kitô và nhờ Thánh Thần" (Apologia I, c.67)

Justinô còn giải thích ý nghĩa của ngày Chúa Nhật :

"Chúng tôi họp nhau lại vào ngày mặt trời, bởi vì đó là ngày thứ nhất, ngày mà Thiên Chúa lôi kéo vật chất ra khỏi bóng tối, tạo dựng nên vũ trụ. Và đó cũng là ngày mà Đấng Cứu độ chúng ta sống lại từ cõi chết. Hôm trước ngày Thổ tinh, Người đã chịu đóng đinh, nhưng hôm sau ngày ấy nghĩa là ngày mặt trời, Người đã hiện ra với các Tông đồ và môn đệ." (Apologia I, c. 67).

Trong lời giải thích, Justinô nối kết một cách khéo léo Tạo dựng và Cứu độ, công trình của Chúa Cha và Chúa Con. Vì Cha của vũ trụ, cũng là Cha của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể.

Mầu nhiệm Phục sinh được cử hành trong phụng vụ Thánh lễ ngày Chúa Nhật được coi như Đích điểm và Hoàn tất công trình Tạo dựng.

Nói tóm lại, trong lời tường thuật của thánh Justinô về phụng vụ Thánh lễ, chúng ta thấy được cả cộng đồng Dân Chúa hướng về Chúa Cha để dâng lời cảm tạ, vì Chúa Cha đã tạo dựng con người, ban cho Hồng Ân tinh thần và vật chất. Trong khi cử hành Thánh lễ Tạ ơn, Cộng đồng Dân Chúa tưởng niệm cuộc Tử Nạn - Phục Sinh của Chúa Kitô.

Vai trò Trung gian của Đức Kitô cũng được đề cập đến nhưng chưa rõ ràng. Chỗ đứng của Chúa Thánh Thần còn rất khiêm tốn.

  1. Chứng từ của Hyppolite

Chứng từ của sách Didachè và của thánh Justinô không được đầy đủ, nếu xét riêng rẽ. Nếu nhập chung lại, hai chứng từ bổ sung cho nhau. Một đàng gợi lên những âm vang của các lời nguyện khi cử hành lễ Tạ ơn, đàng kia tường thuật cách sắp xếp và tổ chức lễ Tạ Ơn. Nhưng chưa có chứng từ nào ghi lại trọn vẹn cơ cấu và nội dung của phần quan trọng và trung tâm nhất trong lễ Tạ Ơn, mà hôm nay chúng ta gọi là KINH NGUYỆN THÁNH THỂ.

Trong những thế kỷ đầu, chủ tế thường "cầu nguyện tự phát" khi cử hành Thánh lễ, do đó khó có bản văn phụng vụ nào được ghi nhớ và gìn giữ trọn vẹn.

Phải đợi đến thế kỷ III, chúng ta mới có bằng chứng đầy đủ, đó là Kinh nguyện Thánh Thể trong "TRUYỀN THỐNG TÔNG ĐỔ" của Hyppolite.

Kinh nguyện Thánh Thể của Hyppolite tuy vắn gọn, nhưng đã có một cơ cấu khá rõ rệt về hình thức cũng như nội dung.

Về phương diện nội dung, cơ cấu Kitô - Ba Ngôi nổi bật. Kinh nguyện gán cho Chúa Cha việc sai phái Chúa Con, công cuộc cứu thế cho Chúa Con, sự thánh hóa và hiệp nhất Giáo Hội cho Chúa Thánh Thần.

Giống như phượng tự của người Do-thái, phụng vụ Thánh Thể luôn luôn mang chiều kích cứu độ. Nhưng điểm khác biệt là Phụng vụ Ki-tô-giáo quy chiếu về Chúa Kitô là Trung tâm điểm của lịch sử cứu độ. Chính vì thế mà Kinh nguyện Thánh Thể thường xuyên nhắc đến các mầu nhiệm và biến cố liên hệ tới Đức Giêsu Kitô như bữa Tiệc Ly, cuộc Khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài :

"Lạy Thiên Chúa, chúng con cảm tạ Cha, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Cha, mà trong những ngày sau cùng, Cha đã sai đến làm Đấng Cứu độ chúng con, và làm sứ thần thực hiện thánh ý của Cha. Người là Ngôi Lời không tách biệt khỏi Cha, và nhờ Người mà Cha làm nên mọi sự. Người là Đấng làm đẹp lòng Cha mọi đàng. Từ trời, Cha đã sai Người xuống trong lòng Trinh Nữ. Người đã nhập thể, sinh bởi Thánh Thần và bởi Trinh Nữ.

Để chu toàn Thánh ý Cha và để gây dựng cho Cha một dân tộc thánh thiện, Người đã giang tay chịu khổ hình, hầu giải thoát mọi khổ nạn những kẻ tin vào Người. Người đã tự nguyện chịu đau khổ, hầu phá hủy sự chết, đập tan xiềng xích địa ngục, chiếu sáng cho những người công chính và tỏ bày sự sống lại.

Người cầm lấy bánh, tạ ơn và phán : "Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con". Cùng một thể thức ấy, Người cầm lấy chén và phán : "Này là Máu Ta, sẽ đổ ra cho các con, hãy làm việc này mà nhớ đến Ta".

Khi kính nhớ Con Chúa chịu chết và sống lại, chúng con dâng lên Cha bánh và chén này để tạ ơn Cha, vì Cha đã thương cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước Nhan Cha và phụng sự Cha. Chúng con nài xin Cha sai Thánh Thần xuống trên lễ vật của Hội Thánh. Xin Cha hợp nhất tất cả những người đang thông công, xin ban cho họ tràn đầy Thánh Thần để củng cố niềm tin của họ trong chân lý. Chúng con muốn chúc tụng và ngợi khen Cha, nhờ Con yêu dấu của Cha là Đức Giêsu Kitô. Nhờ Người, chúc tụng và vinh quang đều dâng về Thiên Chúa : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh của Ngài, bây giờ và mãi mãi thiên thu vạn đại. Amen". (Traditio Apostolica)

  1. Phụng vụ của Giáo Hội Đông Phương

Trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, ngoài Giáo đô Rôma, Giáo Hội Đông phương có nhiều thủ phủ quan trọng khác có ảnh hưởng rất lớn trong sinh hoạt của Giáo Hội : Constantinople là thủ phủ vùng Tiểu Á, Antiôkia là thủ phủ vùng Syria và Mêsôpôtamia, Alexandria là thủ phủ vùng Ai-Cập, Giêrusalem là thủ phủ vùng Palestina.

Từ các thủ phủ này, xuất hiện các thứ phụng vụ khác nhau về sau được sắp xếp làm hai loại chính : mẫu Syrien và mẫu Alexandrien.

Chúng ta không thể trích dẫn ra ở đây tất cả các Kinh nguyện Thánh Thể Đông phương thuộc các thế kỷ IV và V, nhưng sẽ lần lượt phân tích một vài đoạn của các Kinh nguyện Thánh Thể quan trọng để hiểu rõ hơn sinh hoạt phụng vụ của Giáo Hội trong giai đoạn lịch sử này. Điều quan trọng đối với chúng ta là tìm hiểu niềm tin của Dân Chúa vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được biểu lộ trong sinh hoạt phụng vụ.

Kinh nguyện Thánh Thể của Giám mục Sérapion, là một trong những kinh nguyện Tạ ơn đẹp nhất của phụng vụ thế kỷ IV.

Toàn bộ Kinh nguyện hướng về Thiên Chúa Cha như mọi Kinh nguyện Thánh Thể khác, nhưng có phần dành riêng để ca ngợi, chúc tụng Thiên Chúa Cha (phần ấy, hôm nay chúng ta gọi là Kinh Tiền Tụng) :

"Lạy Cha, ca ngợi, chúc tụng Cha, thật là xứng đáng và cần thiết, Cha là Đấng không được tạo thành, là Cha của Chúa Con Duy nhất, Đức Giêsu Kitô.

Cha là Nguồn Sống, là Ánh Sáng, là Khởi Nguyên của mọi Hồng Ân và Chân Lý. Cha là bạn của nhân loại. Bạn của người nghèo. Cha thương xót mọi người và lôi cuốn mọi người về cùng Cha.

Cha vượt trên mọi Quyền năng, Sức mạnh, Danh hiệu. đời này và đời sau."

Kinh nguyện có sắc thái Ba Ngôi nhiều hơn là Kitô. Phần dành cho Đức Kitô là lịch sử cứu độ tương đối vắn tắt. Phần "Tưởng niệm" (Anamnèse) chỉ nhắc thoáng qua cái chết của Đức Giêsu :

"Vì thế, lạy Cha, trong khi tưởng niệm cái chết của Người, chúng con dâng lên Cha bánh này và cầu xin : nhờ Hy tế này, lạy Thiên Chúa Chân lý, xin hãy đoái nhìn đến chúng con".

Cơ cấu Ba Ngôi rõ ràng ngay cả trên bình diện từ ngữ : "Lạy Thiên Chúa là Đấng không được tạo thành, chúng con đã kêu cầu Thiên Chúa, nhờ Chúa Con Duy nhất, trong Chúa Thánh Thần".

Khi khảo sát Kinh Nguyện Thánh Thể trong "HIẾN CHẾ TÔNG TRUYỀN" (Constitutions Apostoliques) thuộc thế kỷ IV, chúng ta nhận ra cơ cấu "Ba Ngôi" không những nổi bật trong ngôn từ sử dụng, mà còn rõ ràng trong cách sắp xếp phân đoạn : Tạo Dựng và Cứu Độ liên hệ mật thiết. Tạo dựng hướng tới Cứu độ, và cả hai đều được nhắc nhở đầy đủ. Công trình tạo dựng được tường thuật tỉ mỉ để gợi lên tâm tình ngưỡng mộ, cảm tạ và biết ơn đối với Thiên Chúa. Các yếu tố thiên nhiên như đại dương và sông ngòi, tinh tú trên trời, lửa và nước, ánh sáng và bóng tối đều biểu lộ tình thương bao la của Thiên Chúa.

Lịch sử cứu độ cũng được ghi lại đầy đủ, từ biến cố Ađam phạm tội đến cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Đức Kitô.

Qua đoạn tường thuật về lịch sử cứu độ của Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta thấy rõ sự gần gũi giữa phụng vụ và Kinh Thánh, vì mục tiêu là hiện tại hóa Lịch sử cứu độ, đưa con người đi vào dòng lịch sử thánh, để con người được tham gia sự sống của Thiên Chúa và làm vinh quang cho Thiên Chúa.

Vai trò trung gian của Đức Giêsu Kitô được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cùng một đoạn, bằng cùng một từ ngữ (per), sau này sẽ trở thành một từ ngữ cốt yếu (mot-clé) và không thay đổi, dùng trong các Kinh nguyện Thánh Thể và trong câu kết của các lời nguyện (đặc thái của Kinh nguyện Kitô-giáo, phân biệt với Kinh nguyện Do-thái-giáo và các tôn giáo). Nhờ từ ngữ vắn gọn này, mà người ki-tô-hữu luôn luôn nhớ rằng họ chỉ có một Đấng trung gian cứu độ duy nhất là Đức Kitô :

"Lạy Cha là Thiên Chúa vĩnh cửu, Ngài đã tạo dựng mọi sự nhờ Đức Kitô, nhờ Người, Cha săn sóc mọi loài với sự quan phòng âu yếm. Nhờ Người, Cha đã ban ơn hiện hữu. Nhờ Người, Cha ban cho hạnh phúc. Cha là Thiên Chúa và là Cha của Chúa Con Duy Nhất. Nhờ Người, trước hết Cha đã dựng nên các thiên thần Kêrubim và Sêraphim, các đạo binh Thiên quốc, các Quyền thần và Quản thần, các thần thánh và ngai tòa, các Tổng lãnh và thiên thần. Sau đó, nhờ Người, Cha đã dựng nên thế giới hữu hình và những gì chứa đựng trong đó".

Cũng có một phần đặc biệt dành riêng cho Chúa Thánh Thần, mà sau này phụng vụ gọi là Epiclèse. Ngay cả trong phần này, lời nguyện không hướng về Chúa Thánh Thần, mà vẫn hướng về Chúa Cha, để xin Cha ban "Thánh Thần". Chúa Cha vẫn là Khởi Nguyên và là Nguồn Suối, mặc dù Chúa Thánh Thần là tác giả hiển thánh bánh và rượu, là Đấng thanh tẩy là hiệp nhất Giáo Hội :

"Xin Cha hãy sai Thánh Thần là Đấng làm chứng cho những đau khổ của Chúa Giêsu xuống trên Hy lễ này, để Người hiển thánh bánh này trở thành Thân Thể Đức Kitô, và chén này trở nên Máu Đức Kitô.

Xin cho tất cả những người đang thông công được củng cố lòng đạo đức, được tha thứ tội lỗi, được giải thoát khỏi quỷ dữ, được tràn đầy Chúa Thánh Thần và trở nên xứng đáng với Đức Kitô, được sự sống vĩnh cửu và hòa giải với Cha, là Chúa Toàn Năng".

 

  1. BA NGÔI THIÊN CHÚA TRONG KINH NGUYỆN NHỮNG THẾ KỶ ĐẦU
    1. Dẫn nhập

Kinh nguyện Kitô-giáo "thoát thai" từ trong lòng dân tộc Israel. Dân Thiên Chúa trong Cựu Ước là một dân tư tế, một dân tộc biết cầu nguyện. Kỳ diệu thay những lời kinh đầy ứ tâm tình tôn giáo, trải dài hàng bao nhiêu thế kỷ ! Quả thực, Dân Thiên Chúa luôn luôn tìm cơ hội để ca ngợi, cảm tạ và xin ơn Người.

Trong Kinh Thánh Cựu Ước, chỗ đứng của kinh nguyện rất đặc biệt. Đó là một kho tàng thiêng liêng vô cùng phong phú và sinh động. Những gì sâu thẳm nhất trong tâm hồn các tổ phụ, các ngôn sứ và toàn thể dân tộc đều bộc lộ qua kinh nguyện.

Trong những thế kỷ đầu, Giáo Hội Kitô-giáo dùng ngôn từ Kinh Thánh để cầu nguyện. Là dân Israel-mới, Giáo Hội đã học hỏi và hát những bài Thánh Vịnh.

Các kinh nguyện cổ xưa nhất của Giáo Hội ghi lại trong Tân Ước như kinh Magnificat, Benedictus, và ngay cả kinh Lạy Cha., đầy dẫy những hoài niệm Cựu Ước.

Không những chỉ có Kinh Thánh, mà ngay cả những công thức phụng vụ Do-thái cũng ảnh hưởng tới những bài ca và lời nguyện của Giáo Hội.

Kinh nguyện vĩ đại của thánh Clêmentê thành Rôma nhắc lại nhiều nét của 18 lời chúc tụng Do-thái :

"Chúa triệt hạ lòng kiêu căng hỗn xược,

Chúa phá vỡ mưu đồ của chư dân,

Chúa nâng cao người phận nhỏ,

Chúa lật đổ kẻ uy quyền,

Chúa làm giầu ai nghèo khó,

Chúa cất đi và ban sự sống,

Chúa thấu suốt tâm hồn nhân loại,

Chúa canh giữ hành động con người,

Chúa trợ giúp cơn nguy khốn,

Chúa cứu độ người thất vọng,

Chúa dựng và gìn giữ mọi thiên thần,

Chúa cho dân cư địa cầu được đông số.

Giữa chư nước, Chúa lựa chọn những ai kính mến Ngài,

nhờ Đức Giêsu-Kitô, Con Yêu Dấu của Ngài.

Nhờ Người, Chúa đã dạy dỗ, thánh hóa và cho họ được rạng rỡ.

Lạy Thiên Chúa Toàn Năng, chúng con cầu xin Chúa :

xin hãy đến trợ giúp và bênh vực chúng con,

xin cứu thoát người bị áp bức,

xót thương kẻ bé mọn,

nâng dậy người sa ngã.

Xin tỏ hiện cho người thiếu thốn,

chữa lành kẻ yếu đau,

đưa người lầm lạc trong Dân Chúa trở về.

Xin ban thức ăn cho người đói khát,

ban tự do cho kẻ tù đày,

củng cố những con người yếu đuối,

ủy lạo con người non dạ.

Xin cho mọi dân tộc đều nhận biết :

chỉ có một mình Ngài là Thiên Chúa ;

nhận biết Đức Giêsu-Kitô là Con của Ngài,

nhận ra chúng con là Dân của Ngài,

là thành phần thuộc chuồng chiên của Ngài." (Ad Corinthios ch. 59.62)

Tuy nhiên, Kinh Nguyện Kitô-giáo không phải là kinh nguyện Do-thái, vì có một điểm khác biệt cơ bản : kinh nguyện hướng về Thiên Chúa nhờ sự bầu cử của Chúa Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô là Trung Gian : nhờ Người, chúng ta được cứu độ. Đức Giêsu là Thượng Tế : nhờ Người, lời cầu nguyện của chúng ta được dâng lên Thiên Chúa.

Để có thể hướng lên cùng Thiên Chúa, người kitô-hữu luôn luôn đến cùng Chúa Giêsu. Lời Kinh vẫn là lời kinh của người Do-thái, nhưng niềm tin hoàn toàn mới mẻ.

Xét về phương diện chất liệu, Kinh Nguyện Kitô-giáo những thế kỷ đầu thường được cấu tạo bằng nhiều yếu tố : trước hết là một nền tảng rút từ Cựu Ước và các truyền thống Do-thái ; sau đó là một số yếu tố mới lấy từ Tân Ước, nhưng đặc biệt hơn cả là một ý hướng mới mẻ. Kitô-hữu còn sử dụng và biến đổi những lời chúc tụng dùng cho các vua chúa hay thần minh :

"Caesar, in te salus, in te vita ; in te omnia, per te omnia !" (Lạy Ngài César, hạnh phúc ở nơi Ngài, sự sống ở nơi Ngài ; mọi sự trong Ngài và mọi sự nhờ Ngài !)

"Jupiter, optime, tibi gratias !

Apollo venerabilis, tibi gratias !

Maxime Auguste, tibi gratias !"

(lạy Ngài Jupiter, rất tốt lành, tạ ơn Ngài !

lạy Ngài Apollô đáng kính, tạ ơn Ngài !

lạy Ngài Augustô vĩ đại, tạ ơn Ngài !)

"Quod imperium suscepisti, gratias agimus !" (chúng tôi cảm tạ Ngài, vì Ngài đã nhận lãnh quyền cao)

Cảm hứng tự phát của cá nhân cũng đóng một vai trò quan trọng.

Đức tin nồng cháy bừng lên từ tâm hồn các kitô-hữu và phát ra từ môi miệng trở thành những lời kinh mới mẻ.

Trong trường hợp các Tử Đạo, đức tin thúc đẩy họ đương đầu với quan án và lý hình. Đức tin bộc lộ thành lời cầu nguyện sốt sắng và đầy ứ tâm tình :

"Lạy Thiên Chúa, xin cảm tạ Ngài ! Con nay 56 tuổi đời. Con đã gìn giữ tâm hồn trinh trắng, con đã tin theo Phúc Âm, con đã rao giảng đức tin và chân lý.

Lạy Thiên Chúa là Chúa cả trời đất,

lạy Đức Giêsu-Kitô, con xin dâng cho Chúa đầu con làm lễ tế.

Chúa là Đấng Hằng Sống muôn đời" (Félix de Thibinca).

Đức tin nồng nàn nhưng sáng suốt của Giáo Hội những thế kỷ đầu phải thường xuyên chống chọi với các lạc giáo có tác dụng hủy hoại từ bên trong. Lời kinh của các giáo phụ đầy chất thần học, nhưng không kém phần sốt sắng. Sự cầu nguyện giúp các giáo phụ thấu hiểu những điều mà suy luận không giúp ích gì :

"Tình yêu tiến tới và bước vào nơi mà khoa học không làm gì được" (Guillaume de St. Thierry).

"Lạy Thiên Chúa vượt trên hết mọi loài,

Làm sao gọi Ngài bằng một Danh Xưng khác ?

Bài ca nào có thể chúc tụng Chúa ?

Không lời nào mô tả được Ngài !

Tinh thần nào thấu hiểu được Ngài ?

Không trí tuệ nào quan niệm được Ngài.

Chỉ một mình Ngài là khôn tả,

Mọi điều nói ra phát xuất từ Ngài.

Chỉ một mình là khôn dò thấu,

Mọi điều suy nghĩ bắt nguồn nơi Ngài.

Muôn vật đều chúc tụng Chúa,

Thọ tạo biết nói và loài không biết nói,

mọi hữu thể ngợi khen Ngài,

hữu thể tư duy và không có tư duy." (Grêgôriô thành Nazian)

Nhịp điệu thông thường của đời sống hằng ngày cũng là cơ hội để người kitô-hữu dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện chân thành :

"Satan, hãy xéo đi, hãy rời khỏi nhà này ; ở đây không có chỗ và có phần cho mi ; ở đây có Phêrô, ở đây có Phaolô, ở đây có Tin Mừng ; ở đây ta muốn, sau khi làm việc thờ phượng, được ngủ nghỉ bình an, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần ."

"Nhân Danh Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng con, xin hãy sai Thánh Thần Chúa đến trong con, xin đặt để trong con sự khôn ngoan của Thần Linh Chúa, xin gìn giữ linh hồn và thân xác con, mọi chi thể và sự sống của thân xác, khỏi mọi sự dữ, khỏi cạm bẫy của ma quỷ và mọi cám dỗ của tội lỗi ; xin dạy con biết tạ ơn Chúa, lạy Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần"

Những dịp đặc biệt như mùa gặt, hoặc lúc lên đường đi xa, người kitô-hữu cùng cầu nguyện sốt sắng :

"Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Đấng yêu thương loài người, xin hãy chúc lành cho hoa màu ruộng đất mà Chúa đã ban cho chúng con, xin chúc lành cho các tôi tớ Chúa tụ họp vì vụ mùa này ; xin ban ơn cứu độ cho những ai có hoa màu, để họ thực hành bác ái đối với người nghèo, khi họ đã được Chúa ban cho sung túc ; xin hãy đón nhận lòng tôn sùng của tất cả chúng con, vì mọi vinh quang đều thuộc về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần . "

    1. THIÊN CHÚA CHA TRONG KINH NGUYỆN KITÔ-GIÁO

Kinh Nguyện Kitô-giáo những thế kỷ đầu thường hướng về Thiên Chúa Cha, nhờ sự cầu bầu của Đức Giêsu-Kitô, Con Thiên Chúa.

Cộng đồng Giáo Hội dùng rất nhiều tên đặt cho Chúa Cha : Chúa, Chủ, Tạo Hóa, Đấng Toàn năng. Những từ ngữ này chứng tỏ tâm tình "tôn thờ", vẫn đậm nét trong đời sống của Giáo Hội. Nhưng khi dùng những Danh xưng trên áp dụng cho Chúa Cha, ki-tô-hữu không quên mình là con. Họ luôn nương tựa vào sự cầu bầu của Chúa Kitô. Gắn bó với Chúa Kitô nhắc cho họ những tương quan mới mẻ, đầy ân tình với Cha trên trời. Trong các kinh nguyện ngoài phụng vụ, tâm tình phụ tử bộc lộ rất tự nhiên và đậm đà.

Kinh nguyện phổ quát lồng trong thư của Clément thành Rôma gởi tín hữu Corintô là chứng từ rất quý báu về ngôn ngữ và cung điệu của các lời nguyện trong những thế kỷ đầu. Những từ ngữ mà Kinh nguyện này dùng chứng tỏ có một thần học phôi thai về Thiên Chúa bắt đầu hình thành : Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, là Thiên Chúa Thánh Thiện, là Đấng Tạo Hóa, là Chúa Tể, là Thiên Chúa của mọi xác phàm. Những ai quen thuộc với Cựu Ước có thể thấy rằng hầu hết các thánh thi trong Cựu Ước đều có âm vang trong Kinh nguyện này. Dù vậy, Kinh nguyện vẫn là một "bài ca mới mẻ", vì "Con Thiên Chúa", Đức Giêsu Kitô, "Đấng Thượng tế vĩ đại" thường xuyên được nhắc tới và luôn luôn gắn liền với Thiên Chúa Cha.

Ở đây chúng ta trích dẫn một đoạn làm tiêu biểu :

"Lạy Thiên Chúa, chính Ngài đã tạo dựng nên trái đất ; Ngài là Đấng trung thành từ đời nọ sang đời kia. Ngài là Đấng Công Thẳng trong phán quyết. Kỳ diệu thay sức mạnh và sự uy nghi của Ngài ! Ngài là Đấng Tạo Hóa rất khôn ngoan. Ngài khôn khéo củng cố những điều Ngài tạo dựng.

Thiên Chúa là Đấng Nhân từ và Chạnh thương : xin Chúa hãy tha thứ các lỗi lầm và bất công của chúng con. Xin hãy tha thứ những sa ngã và lầm lạc của chúng con. Xin chớ chấp tội những tôi tớ nam nữ của Chúa. Nhưng xin thanh tẩy chúng con nhờ chân lý của Ngài và hướng dẫn bước đường chúng con đi. Xin cho chúng con có tâm hồn thánh thiện và làm những điều tốt lành và đẹp lòng Chúa.

Lạy Chúa Tể càn khôn, xin chiếu sáng trên chúng con Dung Nhan của Chúa, xin cho chúng con được hưởng nhờ những hồng ân của Chúa. Xin che chở chúng con với cánh tay uy hùng của Chúa. Xin giải thoát chúng con khỏi mọi tội lỗi, cứu chúng con khỏi những người thù ghét chúng con một cách bất công. Xin ban sự hòa thuận và bình an cho chúng con và mọi người trên trái đất như Ngài đã ban cho cha ông chúng con, khi họ cầu xin Ngài một cách thánh thiện trong đức tin và chân lý" (Ad Corinthios, c, 60).

Nếu đặt lời kinh này của thánh Clément trong bối cảnh lịch sử, chúng ta càng cảm động hơn, khi nhận ra tâm tình khiêm tốn, tin tưởng và bình an của Giáo chủ thành Rôma và của cả Giáo Hội, trong một thời kỳ đen tối và gay cấn. Kinh nguyện phản ánh sự vươn lên của tâm hồn ki-tô-hữu, bất chấp sự đau khổ trần gian. Họ hướng lên Vị Thiên Chúa cao cả và chí thánh, Nguồi Suối của mọi thực tại. Họ tôn thờ và chiêm ngưỡng sự vĩ đại cao cả của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và cai trị thế giới. Họ nhớ tới lòng nhân từ chăm sóc của Thiên Chúa đối với cha ông, và nhất là tiếng gọi hướng đến những người được tuyển chọn để dẫn đưa từ bóng tối đến ánh sáng, từ vô tri đến nhận biết Danh Ngài, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Ngài.

Trong các thư của thánh Ignatiô thành Antiôkia, không có công thức cầu nguyện nào, nhưng đầy dẫy những ước vọng thánh thiện của một tâm hồn luôn hướng về Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu Kitô :

"Anh em ngợi khen Đức Giêsu Kitô nhờ sự hòa thuận và duy nhất trong đức ái. Ước gì mọi người trong anh em đều bước vào ca đoàn này. Với một giọng hát duy nhất, anh em sẽ ca tụng Thiên Chúa Cha, nhờ Đức Giêsu Kitô, và Người sẽ nhậm lời anh em" (Ad Ephesios 4,1-2).

"Nhờ đức ái, hãy tụ họp tất cả thành một ca đoàn, và hãy dâng lên Thiên Chúa Cha một bài ca thánh, trong Đức Giêsu Kitô" (Ad Romanos 2,2).

Ngôn từ của Ignatiô khác với ngôn từ của Clément thành Rôma. Ignatiô ít gọi Thiên Chúa Cha là Chủ Tể, là Tạo Hóa, hay Đấng Toàn Năng, nhưng thích gọi Người bằng Danh xưng là Cha, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con của Người. Tư tưởng và ngôn từ của Ignatiô ít chịu ảnh hưởng của môi trường Dothái-giáo đương thời.

Thần học của thánh Pôlycarpô tử đạo rất gần với thần học của Ignatiô. Nhưng đặc biệt, Kinh nguyện vĩ đại và nổi tiếng mà ông để lại cho Giáo Hội đầy dẫy hoài niệm và âm vang của những lời kinh phụng vụ :

"Lạy Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng, là Cha của Đức Giêsu Kitô, Con Yêu Dấu và đáng chúc tụng. Chính Đức Giêsu Kitô đã dạy chúng con nhận biết Cha, là Thiên Chúa các đạo binh thiên thần, các quyền năng, tất cả các tạo vật và tất cả giống nòi những người công chính luôn sống trước nhan Cha.

Con xin chúc tụng Cha, vì Cha đã xét thấy con xứng đáng với ngày này và giờ này, xứng đáng thông phần, cùng với các tử đạo, chén đắng của Đức Kitô, để được phục sinh hồn và xác trong sự sống bất hoại của Chúa Thánh Thần.

Ước gì, cùng với họ, con được Cha thương nhận làm của lễ quý giá và đẹp lòng Cha. Phần số mà Cha chuẩn bị và cho con thấy trước, hôm nay Cha thực hiện, vì Cha là Thiên Chúa chân thật không nói dối bao giờ !

Vì hồng ân này và vì mọi thứ khác, con ngợi khen Cha, con chúc tụng Cha, nhờ Đấng Thượng tế vĩnh cửu trên trời, là Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Cha. Chính nhờ Người mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Cha, cùng với Người và Chúa Thánh Thần muôn đời. Amen" (Le Martyre de Polycarpe. XIV, 1).

Đây là một chứng từ quý báu nhất, vì nhiều lý do : là môn đệ của thánh Gioan Tông Đồ, Pôlycarpô truyền lại cho chúng ta truyền thống các Tông đồ ; là Giám mục, ông dạy chúng ta giáo huấn của Hội Thánh ; là Tử đạo, ông tuyên xưng một niềm tin sâu xa và cảm động. Đức tin mà chúng ta gặp thấy trong lời nguyện vắn tắt nhưng trang trọng này là đức tin công giáo, là đức tin của những người dạy đạo, và là đức tin của các tân tòng tuyên xưng khi chịu phép Rửa. Nhưng đây không phải là một công thức vô hồn cần học thuộc lòng một cách máy móc, mà là những lời lẽ sống động nhất của một tâm hồn tin tưởng và tự hiến mình vì tình yêu.

Pôlycarpô tôn thờ Chúa Cha như Đấng Tạo Hóa Toàn Năng của thế giới, và là Thiên Chúa của những người được tuyển chọn, mà sự quan phòng rất cụ thể và cảm nghiệm được. Đức Giêsu Kitô không tách rời khỏi Chúa Cha, là Con yêu dấu và đáng chúc tụng của Chúa Cha, là Đấng Mạc khải Chúa Cha, là Thượng tế vĩnh cửu trên trời. Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự sống vĩnh cửu của tâm hồn và thể xác, Người là Thánh Thần ban sự sống như về sau Giáo Hội vẫn tuyên xưng.

    1. ĐỨC KITÔ TRONG KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO

Lời cầu của Dân Chúa thường hướng lên Thiên Chúa Cha, Nguồi Suối mọi ân sủng. Giáo Hội tôn thờ Chúa Cha, cảm tạ và xin ơn Người, nhờ Đức Giêsu Kitô là Con yêu dấu của Người.

Đức Kitô thường xuất hiện với vai trò Trung Gian, nhưng có khi được gọi là Đấng Cứu độ, là Thầy và là Chúa.

  1. Việc tôn thờ Đức Kitô

Việc tôn thờ Đức Kitô như Thiên Chúa là một đặc điểm cốt yếu phân biệt Kitô-giáo với Dothái-giáo và các tôn giáo khác. Sự kiện này cũng được các người ngoài Kitô-giáo nhắc tới.

Trong bản báo cáo cho hoàng đế Trajan, Pline le Jeune tóm lược bản điều tra của ông về phượng tự Kitô-giáo như sau :

"Những người Kitô-giáo có thói quen tụ họp nhau lại vào ngày cố định, trước khi mặt trời mọc. Họ hát ca đối đáp để tôn vinh Đấng Kitô giống như Thiên Chúa".

Chứng từ của Celse là một chứng từ gián tiếp, vì mục tiêu của ông là chỉ trích Kitô-giáo. Nhưng chính vì sự ác cảm và gay gắt của ông, đồng thời với sự sắc bén về phương diện tri thức, mà chứng từ của ông càng quan trọng hơn. Ông muốn đánh vào điểm trọng tâm nhất của Kitô-giáo :

"Nếu họ chỉ tôn thờ Thiên Chúa Duy Nhất, thì họ sẽ có những lý chứng chắc chắn chống lại địch thù của họ ; nhưng họ tôn thờ quá đáng một con người đã sống trong thời gian mới đây, dù vậy, họ vẫn không nghĩ rằng làm như thế là xúc phạm đến Thiên Chúa, vì là tôn thờ một trong các tôi tớ của Người.

Nếu ai muốn cho họ hiểu rằng con người đó không phải là Con Thiên Chúa, và chỉ nên tôn thờ Vị Cha duy nhất của nhân loại, họ sẽ không đồng ý, trừ phi là phải tôn thờ con người ấy nữa, con người mà họ coi là Đấng Khởi Xướng cho sự phản kháng của họ. Và họ đã gọi ông là Con Thiên Chúa, không phải vì họ muốn tôn thờ Thiên Chúa cho xứng đáng, nhưng vì họ muốn đề cao con người ấy".

Origène trả lời vấn nạn bằng cách trích dẫn câu Phúc âm của Gioan : "Ta và Cha là một". Ông lý luận rằng việc tôn thờ Đức Giêsu Kitô, đối với Giáo Hội, không chia cắt sự tôn thờ Thiên Chúa ra làm hai, nhưng chỉ là một phượng tự duy nhất : tôn thờ Thiên Chúa Duy Nhất, là Cha, Con và Thánh Thần.

Ngoài sự phi bác của những người trí thức trong xã hội thời bấy giờ, dân chúng cũng chế diễu người theo đạo Kitô bằng những lời lẽ bình dân và thô tục. Thế kỷ III của Công nguyên để lại một di tích lịch sử giúp chúng ta biết được não trạng của dân ngoại thời bấy giờ đối với Kitô-giáo : một ảnh vẽ trên tường hình dung một nhân vật mình người đầu lừa bị treo trên thập giá, gần đó có vẽ thêm một người đang phủ phục và có ghi chú : "Alexamenos tôn thờ Thiên Chúa của hắn".

Tóm lại, dư luận của người ngoại đạo đối với Kitô-giáo trong những thế kỷ đầu làm nổi bật những điều cốt yếu của Kitô-giáo nhìn từ bên trong lẫn bên ngoài :

Trước hết, người Kitô-hữu khẳng định tôn giáo của họ là độc thần chống lại các tôn giáo đa thần. Và đây cũng là điều khoản đầu tiên mà các giáo phụ hộ giáo cố gắng minh chứng.

Nhưng việc tôn thờ Đấng Kitô cũng là yếu tố nòng cốt của tôn giáo mới này. Bất chấp những lời phi bác và sỉ nhục của kẻ thù, không người ki-tô-hữu nào chối bỏ điều đó. Ngoài Đức Kitô, không một con người nào khác được tôn thờ như Ngài.

  1. Các thánh thi kính Chúa Kitô

Quả thực, ngay từ những thế kỷ đầu tiên, Giáo Hội tôn thờ Đức Kitô, ngợi khen, tung hô và cầu nguyện với Ngài.

Những chứng từ cổ xưa nhất thường là những công thức rất ngắn ngủi còn ghi lại trên các di tích lịch sử :

"Bình an của Chúa Kitô ở cùng anh em"

"Trong bình an của Chúa Kitô"

"Lạy Đức Kitô, xin hãy cứu giúp"

"Ước gì anh em được sống trong Chúa Kitô"

"Chúa Kitô hiển thắng"

Ngoài những công thức ngắn ngủi trên, Cộng đồng Dân Chúa còn đặt ra những thánh thi có nguồn gốc rất lâu đời. Ngay trong Tân Ước, đã có sự hiện diện của các thánh thi Kitô, đặc biệt là trong các thư Phaolô và trong sách Khải huyền (Kh 1,5-6 ; 4,11 ; 15,3-4 ; 19,1-7).

Thói quen dùng thánh vịnh làm lời ca để chúc tụng Chúa Kitô đã có ngay từ thế kỷ đầu trong Giáo Hội. Thánh Ignatiô thành Antiôkia làm chứng về điều này trong các thư của ông, và Pline le Jeune cũng có nói đến.

Khởi đầu là việc sử dụng các thánh vịnh theo chiều hướng Kitô. Chứng từ của Justinô trong tác phẩm "Đối thoại với Tryphon" thật là quý báu. Lối giải thích và sử dụng thánh vịnh của Justinô không phải là của riêng ông, mà là của cả Giáo Hội :

"Hãy cho tôi trích dẫn cả thánh vịnh 22 để cho ông hiểu được lòng đạo đức của Đức Giêsu đối với Cha của Ngài. Ngài quy mọi sự về Chúa Cha, xin Chúa Cha cho thoát khỏi cái chết. Ngài cũng nói đến những kẻ âm mưu chống lại Ngài, và chứng minh rằng Ngài đã làm người thực, cảm nghiệm được sự đau đớn" (Dialogue avec Tryphon, 98).

Thánh vịnh 99 ca ngợi Giavê Thiên Chúa là Vua công chính và thánh thiện được đem áp dụng cho Chúa Kitô tiền hữu (Dialogue avec Tryphon, 64).

Thánh vịnh 45 cũng được dùng để ca ngợi vẻ đẹp và uy quyền của Đức Kitô (Dialogue avec Tryphon, 38).

Thánh vịnh 24 (đề cập đến việc đưa lều chứng vào trong Đền thờ) được áp dụng để ca tụng Đức Kitô vinh hiển (Dialogue avec Tryphon, 36).

Ngoài việc sử dụng gia tài Cựu Ước để lại, khả năng sáng tạo của Cộng đồng Dân Chúa đặc biệt hướng về Chúa Kitô, vì niềm tin sâu xa và tình yêu nồng thắm dành cho Ngài. Các thánh thi thường được hình thành trong các buổi "Agapê" lúc mà hứng thơ của các ki-tô-hữu dào dạt.

Một số thánh thi mai một và không có âm hưởng lâu dài, nhưng chắc chắn có những bài thánh thi khác có giá trị rất cao, mà cũng thất lạc. Di sản để lại rất ít, vừa đủ để làm chứng cho niềm tin của Giáo Hội những thế kỷ đầu.

Trước hết, Giáo Hội Đông phương có bài thánh thi "ÁNH SÁNG VUI MỪNG" (Fôs ilaron) rất nổi tiếng, cả về nội dung lẫn hình thức :

"Hỡi Đức Giêsu Kitô thánh thiện và đáng chúc phúc,

Ánh sáng vui mừng do vinh quang chí thánh của Thiên Chúa là Cha bất tử.

Khi chiều xuống và sao hôm xuất hiện,

Chúng con ca ngợi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Lạy Con Thiên Chúa là Đấng ban sự sống,

Ngài xứng đáng được chúc phúc mọi lúc bằng giọng ca đạo đức.

Chính vì đó mà thế giới tôn vinh Ngài" (S. Basile, De Spiritu Sancto, 29,33)

"Thánh thi buổi sáng" được phổ biến trong cả Giáo Hội Latinh lẫn Giáo Hội Hylạp, được đưa vào phần đầu của phụng vụ Thánh lễ và sửa chữa nhiều lần để cuối cùng mặc lấy hình thức trọn hảo và uy nghi của bản KINH VINH DANH hiện thời.

Thánh Clément thành Alexandria có ghi lại một bài thánh thi rất đẹp trong tác phẩm "PROTREPTIQUE" :

"Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ca hát

và hãy nói cho tôi về Thiên Chúa là Cha của Ngài,

lời nói của Ngài sẽ cứu độ tôi,

bài ca của Ngài sẽ giáo dục tôi,

cho tới hôm nay, tôi lang thang mò mẫm đi tìm Thiên Chúa.

Nhưng nhờ Ngài dẫn dắt, lạy Chúa,

nhờ Ngài, tôi tìm thấy Thiên Chúa.

Từ Ngài, tôi đã đón nhận Chúa Cha, và trở thành đồng thừa tự,

bởi Ngài đã không tỏ ra xấu hổ vì đứa em của Ngài" (Propreptique II, 113,4-5).

Những bài thánh ca được để lại dưới nhan đề là "ODES DE SALOMON" (những đoản ca của Salômon) khám phá vào đầu thế kỷ XX và được các nhà chuyên môn định vị vào thời gian đầu thế kỷ II của Công nguyên là những bài ca tuyệt diệu, đầy sức sống thiêng liêng và thần bí, với những tâm tình đạo đứùc nồng cháy và thanh thoát :

"Ngài yêu tôi,

và tôi đã không thể yêu Ngài,

nếu Ngài đã không yêu tôi trước.

Ai có thể hiểu được tình yêu, nếu không phải là kẻ đang yêu ?

Tôi đã yêu Ngài, và hồn tôi mến Ngài.

Nơi Ngài ngự, đó có tôi, tôi không là người lạ mặt,

không có hận thù bên Chúa Tối Cao và NhânTừ,

Tôi hòa lẫn với Ngài, như người yêu gặp được kẻ mình yêu.

Vì yêu Ngài là Con, tôi sẽ trở thành con.

Ai ở gần Đấng không chết, sẽ trở thành bất tử.

Và ai thích sự sống sẽ trở nên hằng sống" (III, 2-12).

Lời lẽ trong các bài ca của Salômon rất thay đổi, trình diễn nhiều điệu hát khác nhau : lúc thì điệu hát của tâm hồn ki-tô-hữu, lúc là bài ca của Toàn Thể Giáo Hội, lúc khác là tiếng nói của Ngôi Lời Thiên Chúa :

"Ta đã gieo vãi hoa trái của Ta trong các tâm hồn

và Ta đã biến chúng thành của Ta

chúng nhận lãnh phép lành của Ta và được sống.

Chúng tề tựu quanh Ta và được cứu độ,

Vì chúng là chi thể của Ta và Ta là Đầu của chúng.

Vinh Danh Ngài, lạy Chúa Giêsu, là Đầu của chúng tôi.

Ngôi Lời Thiên Chúa ở với chúng ta để chỉ đường cho chúng ta.

Đấng Cứu độ giải thoát linh hồn chúng ta

Ngài đã hạ mình và đã được vinh thăng.

Con Thiên Chúa Tối Cao đã xuất hiện trong vinh quang của Chúa Cha"

  1. Đức Kitô và các Tử đạo

Cả Giáo Hội đều yêu mến Chúa Kitô và tôn vinh Chúa Kitô, nhưng đặc biệt hơn cả là các thánh tử đạo đã lấy máu đào làm chứng cho tình yêu đối với Chúa Kitô. Các lời nguyện họ dâng lên Chúa Kitô đã được viết bằng máu. Qua các lời nguyện, đôi khi rất đơn sơ và vắn tắt, chúng ta có cảm tưởng những giọt máu của các tử đạo hòa tan với dòng máu của Chúa Kitô và tưới gội trên tâm hồn các tín hữu, trên "Thửa vườn của Thiên Chúa". Lời kinh của họ chứa chan sự sống, đầy tràn Thánh Thần có sức tái tạo không ngừng đối với Giáo Hội và nhân loại.

Giữa vị tử đạo và Chúa Kitô, có một liên hệ đặc biệt và mật thiết, vì Đức Kitô là Đấng Tử đạo đầu tiên, là chứng nhân đầu tiên và đích thực nhất cho Thiên Chúa. Khi một ki-tô-hữu phải chết vì Thiên Chúa và vì Chúa Kitô, họ cảm nghiệm sự gần gũi thân mật và mới mẻ giữa họ với Chúa Kitô.

Trong kinh nguyện của các Tử đạo, chúng ta gặp rất nhiều tâm tình khác nhau, tâm tình của những con người như chúng ta trước vấn đề tình yêu và sự chết. Các tâm tình ấy được biểu lộ một cách thấm thía, nhưng bao giờ cũng chan hòa sự an bình và tin tưởng.

Chứng từ của thánh Ignatiô thành Antiôkia, tuy không phải là một lời nguyện, nhưng là một chứng từ cảm động và quý giá hơn hết mà Giáo Hội cần phải nhắc đi nhắc lại, mỗi lần nghĩ tới các vị Tử đạo hay nghĩ đến tình yêu phải có của người ki-tô-hữu đối với Chúa Kitô :

"Đừng tạo vật nào, dù hữu hình hay vô hình, tìm cách ngăn cản, không cho tôi chiếm hữu Đức Giêsu Kitô ! Lửa thiêu, thập tự, thú dữ, xé thịt, phanh thây, đập xương, nghiền tán thân thể, tất cả các hình khổ do ma quỷ dữ tợn bày ra, tôi xin chịu, miễn là tôi có được Đức Giêsu Kitô ! . Tôi tìm kiếm Ngài, là Đấng đã chịu chết vì chúng tôi. Tôi mơ ước Ngài, là Đấng đã sống lại vì chúng tôi ! Tôi bắt đầu cảm nghiệm những đau đớn của thời thai nghén ; Hãy buông tha cho tôi, hỡi anh em, đừng ngăn cản tôi sống, đừng muốn cho tôi chết. Đừng nộp cho thế gian và sự quyến rũ của vật chất kẻ muốn thuộc về Thiên Chúa. Hãy để cho tôi thấy ánh sáng tinh tuyền, vì nơi đó, tôi sẽ là người đích thực. Hãy để cho tôi bắt chước cuộc khổ nạn của Chúa tôi. Nếu ai có trong mình cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô, người ấy sẽ hiểu những ước muốn của tôi, người ấy sẽ thông cảm với sự khắc khoải đang thúc bách tôi" (Ad Romanos, 5-6).

Tâm tình của Ignatiô phản ảnh tâm tình của hầu hết các Tử đạo ước ao được bắt chước Chúa Kitô, được chiếm hữu Chúa, chấp nhận chịu mọi khổ hình vì tình yêu đối với Ngài.

Đức Kitô chịu khổ nạn không chỉ là gương mẫu xa vời, mà các Tử đạo cố gắng họa lại, nhưng là nguyên lý sự sống bên trong có sức lôi cuốn tới vinh quang Thiên Chúa, vượt qua khổ hình sự chết.

Một phần lớn kinh nguyện của các Tử đạo hướng về Chúa Kitô, vì Chúa Kitô là Vị Thiên Chúa gần gũi nhất, và là con người cùng dòng máu với con người. Chúa Kitô chia sẻ sự đau khổ của họ, yêu thương và dẫn đưa họ về cùng Thiên Chúa.

Ngoài chứng từ của Ignatiô, còn rất nhiều chứng từ khác được ghi trong hạnh các thánh Tử đạo. Sau đây là lời nguyện rất cảm động của vị chân phước Donatien cầu xin cho bạn mình là chân phước Rogatien :

"Lạy Chúa Giêsu Kitô, Ngài lắng nghe tất cả những ước muốn tốt lành. Chúng con chỉ cần ước muốn là đủ, vì thực hiện không tùy thuộc chúng con. Chúa đã cho phép chúng con lựa chọn, nhưng dành riêng cho Chúa việc thi hành. Đối với Rogatien, ước gì đức tin tinh tuyền thay thế phép Rửa bằng nước. Nếu ngày mai đây, theo lệnh quan, chúng con phải chết, xin cho máu đổ ra trở nên Bí tích và biến thành Dầu xức cho bạn con".

Cũng có những lời nguyện cảm tạ Đức Giêsu Kitô đã đoái thương cho được biết Ngài và được tham gia cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Ngài ; hoặc là những lời van xin khẩn thiết sự phù giúp của Ngài :

"Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con cảm tạ Ngài không bao giờ đủ, vì Ngài đã lôi kéo chúng con, những kẻ tội lỗi và bất xứng, ra khỏi sự lầm lạc của ngoại giáo, đã dẫn đưa chúng con, vì Danh Ngài, đến cuộc Khổ nạn vĩ đại và cao vời này, và cho chúng con tham gia vinh quang của các thánh. Chúc tụng và ngợi khen Ngài. Trong tay Ngài, chúng con phó thác linh hồn chúng con" (Lucien et Marcien, 205).

"Lạy Đức Kitô, con cảm tạ Ngài : xin hãy gìn giữ con, con chịu khổ vì Ngài. Con thờ lạy Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Con thờ lạy Ba Ngôi cực thánh. Ngoài Ba Ngôi, không có Thiên Chúa nào khác. Lạy Đức Kitô, con cảm tạ Ngài, xin đến cứu giúp con, lạy Chúa Kitô ! Con chịu khổ vì Ngài, lạy Đức Kitô !" (Euplus, 304).

Sự gắn bó với Chúa Kitô không tách rời tâm hồn các Tử đạo ra khỏi tương quan với Thiên Chúa như một số người nghĩ. Ai có Chúa Kitô trong mình, thì sẽ nghe tiếng nói của Thánh Thần thúc giục mau đến cùng Chúa Cha. Và ai chịu đau khổ vì Chúa Kitô, sẽ được tham gia hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa Hằng Sống. Đó là niềm tin của các thánh Tử đạo và là niềm tin của cả Giáo Hội. Niềm tin vào sự duy nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trước khi trở thành công thức tín điều, đã tiềm tàng, nhưng không kém rõ ràng và chắc chắn trong tâm hồn các tín hữu, mà tử đạo là một dịp tuyên xưng.

Có những chứng từ rất chắc chắn do lịch sử để lại, như trường hợp lời thẩm vấn thánh Pionius và các bạn tử đạo :

"Polémon hỏi Pionius : Anh tôn thờ Thiên Chúa nào ?

Pionius trả lời : Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng tạo dựng trời đất và tất cả chúng ta, Đấng ban cho chúng ta mọi sự sung túc, Đấng mà chúng tôi biết được nhờ Ngôi Lời của Ngài là Đức Kitô.

Polémon nói : Hãy tế lễ tôn thờ cả hoàng đế nữa !

Pionius trả lời : Tôi không tế lễ tôn thờ một con người, vì tôi là ki-tô-hữu.

Polémon hỏi Sabine : Nàng tôn thờ ai ?

Sabine trả lời : Thiên Chúa Toàn Năng.

Polémon hỏi Asclépiade : Anh thờ ai ?

Asclépiade trả lời : Đức Giêsu Kitô.

Polémon nói : Ông ấy là một Thiên Chúa khác à ?

Asclépiade đáp : Không ! Ngài là một với Đấng mà những người này đã tuyên xưng" (Actes de Pionius, 8-9 ; 250).

Trong Giáo Hội những thế kỷ đầu, các thánh Tử đạo không chỉ là những giới ưu tú, nhưng thuộc mọi thành phần, và ở khắp mọi nơi trong đế quốc Lamã, vì thế chứng từ của họ vô cùng quý báu. Chứng từ ấy không chỉ là niềm tin được ghi thành chữ viết, nhưng là niềm tin sống động của cả Cộng đồng Dân Chúa. Sự bắt bớ không phải chỉ đe dọa ở một nơi, đối với một giới cố định, nhưng đe dọa toàn thể Giáo Hội và sự sống thường nhật của mọi người ki-tô-hữu. Theo Origène mô tả, đời sống của Giáo Hội lúc ban đầu đầy những nét hào hùng, hăng say và tin tưởng trong một bầu không khí duy nhất bao trùm tất cả các sinh hoạt, dù là sinh hoạt phụng vụ, sinh hoạt huấn giáo, hay các sinh hoạt tương trợ :

"Lúc bấy giờ, ki-tô-hữu quả thực là tín đồ, vì vừa sinh ra trong Giáo Hội, họ đã bắt đầu tuẫn giáo. Khi đưa xác các tử đạo từ nghĩa địa trở về, chúng tôi gia nhập các cộng đồng tế lễ, và toàn thể Giáo Hội đứng đó, thực là kiên vững. Các dự tòng được dạy dỗ trong lúc tử đạo, lúc các ki-tô-hữu chịu chết để tuyên xưng chân lý đến giọt máu cuối cùng. Họ vững vàng lướt thắng các thử thách, gắn bó với Thiên Chúa và không sợ hãi. Chính lúc bấy giờ, chúng tôi ý thức rằng mình đang chứng kiến những điềm thiêng dấu lạ. Chính lúc bấy giờ, các tín hữu, dù là thiểu số vẫn trung thành tiến tới, theo con đường hẹp, và gai góc đưa đến sự sống" (PG. XIII, 288-289).

 

    1. CHÚA THÁNH THẦN TRONG KINH NGUYỆN KITÔ-GIÁO

Thánh Thần là Hồng ân của Thiên Chúa. Đời sống kinh nguyện phản ánh khía cạnh này nhiều hơn hết. Trong những thế kỷ đầu, chỉ có một số lời nguyện rất ít, trong đó Chúa Thánh Thần được kêu cầu như Chúa Con và Chúa Cha :

"Chúng ta phải cầu nguyện với Chúa chúng ta, là Chúa Thánh Thần, xin Ngài đoái thương cất đi mọi áng mây và bóng tối che khuất cái nhìn của con tim chúng ta và các vết nhơ tội lỗi, để chúng ta có thể thấu hiểu lề luật của Ngài bằng trí tuệ thiêng liêng và kỳ diệu" (In Lev. Hom. 1,1 ; 12,406).

Nhưng thường xuyên hơn, người ki-tô-hữu cầu xin Chúa Cha ban cho họ Ơn Thánh Thần. Origène mô tả đời sống ki-tô-hữu như một lễ Hiện xuống liên tục. Vào thế kỷ II, lời cầu xin ơn Thánh Thần được đưa vào kinh Lạy Cha. Thay vì câu "Nước Cha trị đến", một số nơi trong Giáo Hội thế vào bằng câu "Xin cho Thánh Thần của Ngài đến trong chúng con và thanh tẩy chúng con".

Thánh Thần xuất hiện nhiều hơn trong các lời kinh phụng vụ, và đặc biệt là trong các Kinh nguyện Thánh Thể. Sự cầu nguyện hướng tới Chúa Thánh Thần chỉ trở thành thông dụng sau này, khi có những người chối bỏ thiên tính của Người.

Mãi tới thời Trung cổ mới có những bài ca kính Chúa Thánh Thần.

  1. CÁC LÝ THUYẾT NGỘ ĐẠO VÀ THẦN HỌC CỦA IRÊNÊ
    1. Dẫn nhập

Tất cả các chân lý thuộc mầu nhiệm Chúa Kitô và mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đều đã được mạc khải trong Kinh Thánh Tân Ước. Nhưng Tân Ước không phải là một hệ thống các tín điều, mà chỉ là "Nguồn đầu tiên và quan trọng nhất" của Đức tin Công giáo.

Trên bình diện lịch sử tư tưởng, thời gian hình thành Tân Ước chưa phải là thời gian va chạm mạnh. Sự xung đột dần dần xuất hiện, khi Kitô-giáo bắt đầu lan rộng và Nhập Thể vào nền văn hóa La - Hy.

Nhờ các va chạm, Giáo Hội bắt đầu minh định rõ ràng hơn nội dung đức tin : không thêm gì vào nguồn mạc khải, nhưng giải thích đúng đắn nguồn mạc khải. Trong việc minh định này, Giáo Hội dựa trên Thánh Truyền sống động, luôn là một, nhưng luôn mới mẻ.

Là một, vì những điều chính yếu đã có từ lúc ban đầu, vẫn được trung thành lưu truyền từ đời nọ sang đời kia với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.

Luôn mới mẻ, vì Giáo Hội chạm trán không ngừng với các lý thuyết khác nhau, đòi hỏi phải làm nổi bật và đào sâu hơn các khía cạnh của nội dung đức tin.

Các lạc giáo xuất hiện trong bối cảnh một nền văn hóa hỗn tạp, pha trộn nhiều lý thuyết khác nhau về vũ trụ và nhân sinh, gồm nhiều tập tục tôn giáo phát xuất từ nhiều nơi khác nhau. Lối sống thực tế cũng không đơn giản và an bình như thường nghĩ, nhưng còn nhiều mặt hỗn độn, nhiều vấn đề sôi động hoặc âm ỉ trên bình diện xã hội và chính trị.

Khi nói tới Đế quốc Lamã trong những thế kỷ đầu, có người nghĩ ngay đến một cách đánh giá cổ điển và nổi danh : "Lamã chiến thắng về quân sự, Hylạp chiến thắng về văn hóa". Nhận định này có phần đúng, vì các tư tưởng chủ yếu trong nền văn hóa La - Hy thời bấy giờ hầu hết phát xuất từ môi trường Hylạp. Dù vậy, không thể bỏ quên sự góp mặt của Dothái-giáo và các tôn giáo huyền bí Đông phương. Ngoài ra còn có một kho tàng kinh nghiệm của dân Rôma về quân sự và luật pháp, về tổ chức và hành chính.

Việc hiểu biết thế giới La - Hy và thế giới Đông phương cổ càng ngày càng rộng rãi và đích xác hơn. Và nhờ biết rõ môi trường, người ta hiểu đúng đắn hơn lịch sử tư tưởng Kitô-giáo.

Năm thế kỷ đầu của Công nguyên là thời kỳ rất quan trọng của Giáo Hội về mặt tổ chức cũng như tư tưởng. Trong thời gian này, Giáo Hội trải qua những tranh luận lớn nhất, nhờ đó đã lần lượt xác định nội dung đức tin và đưa ra những định thức tín điều cơ bản của giáo lý Công giáo.

Đây cũng là thời gian Giáo Hội có nhiều Giáo phụ nổi danh và vĩ đại, và là thời kỳ các Đại công đồng quan trọng hơn hết trong lịch sử đức tin Công giáo.

Chúng ta chỉ đề cập đến các lạc thuyết và tranh luận liên hệ tới mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Các vấn đề tranh luận và các cố gắng giải quyết sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của các chân lý đức tin.

    1. NGỘ ĐẠO THUYẾT (Gnosticisme)

Trên bình diện lịch sử tư tưởng thần học, Ngộ đạo thuyết là lạc thuyết đầu tiên và quan trọng nhất mà Giáo Hội phải đương đầu ngay từ thời các Tông đồ, đặc biệt là trong thời kỳ kế tiếp, vào khoảng thế kỷ II ; đặc điểm của lạc thuyết này là "pha trộn" Kitô-giáo với một số ý tưởng ngoại lai phát xuất từ thế giới Hylạp và Đông phương. Ngộ đạo thuyết không phải là một lý thuyết duy nhất, rõ ràng, có thể tìm hiểu và trình bày dễ dàng, nhưng là một phong trào mạo nhận có sứ mạng truyền lại "bí mật cứu rỗi" do chính Chúa Giêsu và các Tông đồ "mạc khải".

Tuy bề ngoài có nhiều điểm Kitô-giáo, rút ra từ Kitô-giáo, các lý thuyết Ngộ đạo có bản chất rất khác biệt, cả trên bình diện hình thức lẫn nội dung.

Các phái Ngộ đạo chủ trương rằng đức tin của các tín hữu tầm thường chưa phải là điều kiện đủ để được cứu độ. Phải bổ túc bằng một loại tri thức làm cho người có đạo trở thành "giác ngộ", "thiêng liêng" hay "thần linh".

Trên bình diện nội dung giáo lý, Ngộ đạo thuyết chạm vào cốt tủy của Kitô-giáo, vấn đề tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và thế giới. Kitô-giáo bị đả thương ở một điểm tế nhị và khúc mắc nhất, cũng là vấn đề muôn thuở của con người : quyền lực sự dữ thống trị muôn loài. "Đức Giêsu có chiến thắng sự dữ không ? Có thể tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đồng thời chấp nhận thực tại sự dữ ở bên trong và bên ngoài chúng ta không ?"

Với những khám phá mới mẻ của các khoa khảo cổ và sử học, Ngộ đạo thuyết không còn được coi như một học thuyết kỳ quái đầy những tư tưởng phi lý. Các nhà phân tâm học, khoa học huyền bí, hiện tượng luận, các tiểu thuyết gia hiện sinh, các nhà văn siêu thực. muốn đưa con người ngày nay trở lại với tiềm thức, khám phá lại những hình ảnh hoặc biểu tượng thường xuất hiện trong đời sống tiềm thức.

Với đà tiến của khoa lịch sử tôn giáo, lãnh vực của Ngộ đạo thuyết càng ngày càng rộng rãi hơn : các học giả ngày nay đều coi "Ngộ đạo" như một hiện tượng phổ quát mà các tôn giáo lớn đều có, trải qua các thời đại.

Các nhà chú giải, sử gia và triết gia, mỗi ngày thêm quan tâm đến các lý thuyết Ngộ đạo vì nhận thấy có "quan hệ bà con" giữa các chủ đề tư tưởng Ngộ đạo và các chủ đề tư tưởng hiện đại.

Quả thực, nếu đi sâu vào tâm thức của con người hiện đại, sẽ thấy rằng vấn đề gay cấn nhất hiện nay vẫn là vấn đề sự dữ. Thái độ hữu thần hoặc vô thần không đương nhiên giải quyết hay xóa bỏ vấn đề sự dữ.

Con người nghĩ không thể xóa bỏ, nhưng chỉ có thể lướt thắng sự dữ. Và kinh nghiệm cho thấy "chiến thắng sự dữ" không phải là một chuyện đơn giản. Người vô thần có những khó khăn của họ trước vấn đề sự dữ, nhưng người hữu thần cũng có những khó khăn riêng.

Đối với người hữu thần, vấn đề là làm thế nào dung hòa Thiên Chúa Tình yêu với các điều dữ xảy ra đè nặng trên con người ? Sự dữ bởi đâu ? Do ai ? Để bảo vệ niềm tin vào Thiên Chúa Tình yêu, phải chăng nên gạt bỏ mọi trách nhiệm của Người ? Thiên Chúa ở "bên kia" sự dữ, muốn tin Thiên Chúa, không nên để Người dây mình vào thế giới sự dữ.

Có thể lý luận cách khác : dù toàn năng và tốt lành, Thiên Chúa vẫn không thể ngăn cản sự dữ xảy ra. Con người phải chấp nhận có một yếu tố tất định ngoài tầm tay của Thiên Chúa ; sự toàn năng của Thiên Chúa có giới hạn.

Lập luận trên sẽ đưa tới hậu quả là chấp nhận có hai nguyên lý hữu thể : nguyên lý sự thiện và nguyên lý sự dữ. Thiên Chúa tốt lành là Nguồn Suối Sự Thiện. Nhưng ngoài Người ra, còn có nguyên lý sự dữ. Vì sự dữ thống trị trong thế giới tạo vật, phải kết luận rằng thế giới này không do Thiên Chúa tốt lành, nhưng do một Đấng Tạo hóa khác với Người.

Đứng trước mâu thuẫn hiển nhiên là có hai nguyên lý tuyệt đối, có người muốn giảm bớt cường độ mâu thuẫn và đặt nguyên nhân sự dữ bên dưới nguyên lý sự thiện : sự dữ do một vị thần sa đọa từ thiên giới.

Nói một cách thông thái và hợp lý hơn, sự dữ gắn liền với tiến trình tạo dựng. Nó là một thực tại tất yếu đi đôi với tạo dựng, là hậu quả gián tiếp, không thể tránh được của hành vi tạo dựng. Với giả thuyết này, sự dữ không còn là cớ vấp phạm : Thiên Chúa và con người đều không phải là nguyên nhân.

Nguồn gốc đầu tiên của con người là Thiên Chúa tốt lành, sự dữ không thuộc về con người và bản chất con người là trong trắng. Quãng cách giữa con người và Thiên Chúa không phải là tội lỗi, nhưng là các tạo vật hữu hình. Để được kết hợp với Thiên Chúa, con người chỉ cần nhớ lại đời sống vĩnh cửu của mình. Ơn cứu độ không ở ngoài con người hoặc do ai khác đưa tới, nhưng ở bên trong. Không cần hy vọng và tin tưởng, mà chỉ cần hiểu biết và giác ngộ.

Như đã phân tích, các lý thuyết Ngộ đạo không hoàn toàn phi lý. Chấp nhận tính tất yếu của sự dữ là một cách giải thoát không đòi hỏi phấn đấu. Ý thức giác ngộ đưa con người xa rời thế giới sự dữ và trở về hạnh phúc nguyên thủy trong "cõi viên mãn thần linh".

"Ngộ đạo" không phải là lý thuyết nhất thời chóng qua, nhưng là một não trạng, một cách thức suy nghĩ xuất hiện nhiều lần trong lịch sử tư tưởng, dưới nhiều hình thái khác nhau, từ sắc thái kỳ bí trong những thế kỷ đầu của Công nguyên, đến hình thức suy lý chặt chẽ như các hệ thống triết học của Spinoza và Hégel, và sau cùng là các thứ triết học hiện sinh.

Vì Thiên Chúa siêu việt ở xa, con người không ngạc nhiên khi nhìn thấy sự dữ thi nhau xuất hiện, đau khổ và tranh chấp tiếp tục lan tràn.

Nếu không là vô thần, cũng không phải là hữu thần theo nghĩa Kitô-giáo (chấp nhận rằng Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra vì tự do của con người), thì không còn thái độ nào hợp lý và hấp dẫn đối với trí tuệ hơn là chủ trương "Ngộ đạo".

Khi công nhận có một số chủ đề tư tưởng hiện đại rất gần với các lý thuyết Ngộ đạo, chúng ta sẽ hiểu Ngộ đạo thuyết không phải là một sai lạc tầm thường, mà là một thái độ cơ bản của tinh thần con người trước vấn đề ý nghĩa cuộc sống, là một lập trường cạnh tranh và đương đầu với Kitô-giáo. Jean Guitton gọi thái độ hay lập trường này là "Khuynh hướng phân ly" : tinh thần con người không chấp nhận được sự pha trộn giữa cỏ lùng và lúa miến, nhưng khao khát chiếm hữu "thực tại tinh tuyền", vội vã đi tìm và muốn có ngay.

Nếu đưa vào Kitô-giáo, não trạng này có khuynh hướng chối bỏ yếu tố lịch sử và thời gian, tách rời Đức Kitô vĩnh cửu và hằng sống ra khỏi con người Giêsu thành Nazarét, và vì thế hủy hoại tận gốc rễ mầu nhiệm Nhập Thể.

    1. GIÁO PHỤ IRÊNÊ, ANH HÙNG CHỐNG THUYẾT NGỘ ĐẠO

1-Dẫn nhập

Một trong các Giáo phụ được công đồng Vatican II trích dẫn nhiều nhất là Irênê thành Lyon. Lý do quan trọng hơn cả là tính cách vừa hiện đại, vừa chính thống của tư tưởng thần học của ông.

Ai hiểu biết chút ít về Irênê, đều nhận rằng những điều ông nói, nhiều người đã nói trước ông, như Justinô tử đạo, Thêôphilô thành Antiôkia v.v... Ông chưa xây dựng được một hệ thống thần học chặt chẽ như các Giáo phụ Đông phương và Tây phương sau này. Nhưng tư tưởng thần học của ông đã có một tầm quan trọng rất lớn, có ảnh hưởng và sức hấp dẫn phi thường.

Trường hợp của ông là một trường hợp đặc biệt làm cho các nhà thần học hiện đại suy nghĩ : tư tưởng mới mẻ nhất sinh ra từ lập trường chính thống nhất. Nhìn vào con người của Irênê và thần học của ông, ai cũng thấy được tầm quan trọng của "Đức tin chân truyền" : nếu có đức tin chân truyền sẽ có Thánh Thần luôn đổi mới mọi sự.

Trường hợp của Irênê còn gián tiếp làm nổi bật tầm quan trọng của các lạc giáo : đối diện và đương đầu với với những sai lầm lớn, chân lý dần dần được sáng tỏ. Gặp kỳ phùng địch thủ, Dân Chúa có dịp triển khai các ngón võ. Càng đối phó với các lạc giáo nguy hiểm, Giáo Hội càng biểu lộ sức sống kỳ diệu và phong phú.

Cũng có người nghĩ ngược lại : càng sử dụng bút chiến, Giáo Hội càng làm mất đi những yếu tố chân lý. Nhưng không thể áp dụng lập luận này cho Irênê, vì ông đã không bỏ mất một yếu tố chân lý nào ông gặp được. Ông vừa là hiệp sĩ đức tin, vừa là sứ giả hòa bình. Sử gia Eusebius, trong tác phẩm "LỊCH SỬ GIÁO HỘI", đã gọi ông là "con người thiết lập hòa bình" đúng với cái tên của ông.

Hai tác phẩm chính của ông là "Adversus Haereses" phi bác các lý thuyết ngộ đạo, và "Demonstratio Praedicationis Apostolicae" trình bày và minh chứng vắn tắt nội dung đức tin Công giáo.

Irênê là thần học gia đầu tiên nêu gương về hướng đi phải có của thần học : không lý luận dài dòng, không tưởng tượng viễn vông, nhưng dựa trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa. Chỉ có Lời Kinh Thánh là mạc khải chân thật và chắc chắn (sola illa vera et firma). Dựa trên mạc khải chân chính sẽ có đức tin chân chính và vững chắc. Nhờ đức tin chân chính, sẽ có tri thức đúng đắn và đích thực về Thiên Chúa (firma et vera de Deo scientia).

Ông không chấp nhận một lý thuyết nào khác về Thiên Chúa ngoài nội dung của Mạc khải lịch sử : chỉ có thể đến với Thiên Chúa trên con đường Người đã đến với chúng ta. Không có gì làm sỉ nhục Thiên Chúa bằng khinh dể Mạc khải của Người, để đi tìm một Thiên Chúa "ẩn giấu" theo ý riêng. Người đã tự biểu lộ cho chúng ta thế nào, phải tin tưởng tôn thờ Người như vậy.

Nhờ tựa trên Mạc khải và Lịch sử Cứu độ, thần học của Irênê rất sinh động và mới mẻ ; ông nhìn ngắm Thiên Chúa qua các hành vi của Người : tạo dựng, Mạc khải và cứu độ. Tìm hiểu thần học của ông theo con đường này là cách thức nghiên cứu đúng đắn nhất.

Theo sát Lịch sử Cứu độ là tôn trọng diễn tiến Mạc khải từ Tạo dựng đến Cứu độ. Phải tin rằng chỉ có một Thiên Chúa Duy Nhất được mạc khải trong Cựu Ước cũng như Tân Ướùc (khác với chủ trương của Marcion), là Đấng Tạo hóa và là Đấng Cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.

  1. HOẠT ĐỘNG CỦA BA NGÔI THIÊN CHÚA
    1. Ba Ngôi Thiên Chúa Tạo Dựng

Chỉ có thể hiểu thần học về mầu nhiệm Thiên Chúa của Irênê, nếu đặt nó trong bối cảnh tranh luận với các lý thuyết ngộ đạo. Những ý tưởng ông đưa ra, vừa có mục tiêu bài bác lý thuyết, vừa có mục đích giới thiệu mầu nhiệm. Hay nói cho đúng hơn, ông giới thiệu nội dung đức tin chân truyền để chống lại lạc giáo.

Khởi sự từ công trình Tạo dựng của Thiên Chúa, lập trường của ông hoàn toàn chống lại lập trường của các lý thuyết ngộ đạo. Ông không chấp nhận chủ trương nhị nguyên, và cố gắng minh chứng chỉ có một Thiên Chúa Duy Nhất tạo thành mọi sự nhờ Ngôi Lời :

"Chúng tôi nắm giữ quy luật chân lý : chỉ có một Thiên Chúa Toàn Năng, đã dựng nên mọi sự từ hư vô nhờ Ngôi Lời của Người. Chúa Cha đã làm ra tất cả mọi sự nhờ Ngài, chứ không phải nhờ các thiên thần hay các quyền năng. Thiên Chúa của vũ trụ không cần gì hết nhưng đã tạo dựng tất cả, cai quản mọi loài và làm cho muôn vật hiện hữu, nhờ Ngôi Lời và Thánh Thần của Người" (Adversus Haereses I, 22,1).

Irênê loại bỏ các trung gian giữa Thiên Chúa và loài người để chống lại những kẻ chủ trương có một thế giới thần linh gồm nhiều cấp bậc thần thánh. Theo ông, họ làm như vậy, dường như để giảm bớt quãng cách giữa Thiên Chúa và loài người, tưởng rằng có thể tôn trọng sự siêu việt của Thiên Chúa, đồng thời cho thấy nguồn gốc cao cả, siêu việt của con người :

"Không phải các thiên thần đã dựng nên loài người, vì thiên thần không thể tạo nên hình ảnh Thiên Chúa. Không ai làm được điều đó, ngoại trừ Ngôi Lời Thiên Chúa ; Ngài không là một quyền năng tách rời khỏi Thiên Chúa là Cha của vũ trụ. Thiên Chúa không cần các thiên thần để thi hành điều Người đã quyết định, như thể Ngài không có tay. Ngài luôn có bên mình Ngôi Lời và Minh Trí, Chúa Con và Thánh Thần, nhờ đó Ngài đã tự ý dựng nên mọi sự. Ngài đã phán với các vị : Chúng Ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh và giống với Chúng Ta" (Adversus Haereses IV, 20,1)

Để nhấn mạnh tính duy nhất của Thiên Chúa Tạo Dựng, Irênê gọi Ngôi Lời và Thánh Thần là "Bàn tay của Thiên Chúa". Cách nói này nhắc lại hình ảnh của Kinh Thánh Cựu Ước : "Tay Người đã nặn và tạo nên tôi" (Yb 10,8 ; Tv 119,73). Irênê rất thích thành ngữ này, vì nó diễn tả liên hệ mật thiết giữa Thiên Chúa với Ngôi Lời và Minh Trí của Người. Nhưng thành ngữ có màu sắc vô chủ vị, vì thế ông thường trích thêm câu Kinh Thánh thuộc chương đầu Sáng thế sử : "Chúng Ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh và giống với Chúng Ta", được giải thích theo chiều hướng "Ba Ngôi Vị".

Thiên Chúa Tạo Dựng là Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi, sáng kiến là của Thiên Chúa Cha, Nguồn Suối của mọi hữu thể, Chúa Con thi hành sáng kiến ấy và Chúa Thánh Thần hoàn tất.

Để tránh sự hiểu lầm Chúa Con và Thánh Thần là những "thừa tác viên phụ thuộc", Irênê khẳng định : Chúa Cha dựng nên mọi sự nhờ chính mình Người, nghĩa là nhờ Lời và Minh Trí. Thiên Chúa không cần thừa tác viên, vì người có trong mình "tác vụ phong phú và khôn tả" (copiosum et innerrabile ministerium).

Cơ cấu Ba Ngôi không những được biểu lộ trong hành vi tạo dựng, mà cả trong mọi công trình khác của Thiên Chúa :

"Thiên Chúa Cha luôn luôn là Đấng sáng kiến và ra lệnh, Chúa Con thi hành và Thánh Thần hoàn tất, nhờ đó con người được sinh ra, lớn lên, và dần dần trở nên hoàn hảo". (Adversus Haereses IV, 38,3)

    1. Chúa Con mạc khải Chúa Cha

Vai trò mạc khải của Ngôi Lời Thiên Chúa là một trong những nét nổi bật trong thần học của Irênê : Đức Kitô là vinh quang của Thiên Chúa Cha, là hình ảnh, là dấu in bản thể Thiên Chúa. Ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha :

"Không ai có thể biết Chúa Cha, nếu Ngôi Lời, nghĩa là Chúa Con, không mạc khải cho. Và không ai biết Chúa Con nếu Chúa Cha không muốn cho biết. Và ý muốn ấy của Chúa Cha, Chúa Con thi hành. Chúa Cha sai đi, Chúa Con được sai và đến thế gian. Chúa Cha vô hình và khôn dò, nhưng Ngôi Lời biết Ngài. Chúa Cha khôn tả, nhưng Lời Ngài thuật lại cho chúng ta. Đàng khác, chỉ có Chúa Cha biết Ngôi Lời của Ngài . Ấy vậy Chúa Con mạc khải Chúa Cha bằng cách mạc khải chính mình. Và Chúa Cha đã mạc khải Chúa Con, để nhờ Chúa Con mà Ngài được biểu lộ. Thiên Chúa Cha đã tự mạc khải cho mọi người, vì Ngài đã làm cho Ngôi Lời trở nên hữu hình đối với mọi người. Nhờ tỏ hiện với mọi người, Ngôi Lời chỉ cho mọi người Chúa Cha và Chúa Con. Thiên Chúa phán xét mọi người, vì mọi người đều thấy, nhưng không phải mọi người đều tin" (Adversus Haereses IV, 6,3-5).

Biến cố Nhập Thể là mạc khải trọn vẹn, nhưng không là mạc khải duy nhất : từ nguyên thủy, Chúa Con đã mạc khải Chúa Cha trong công trình tạo dựng ; Chúa Con còn mạc khải Chúa Cha qua lề luật và tiên tri ; sau cùng và đặc biệt hơn hết bằng chính bản thân mình.

Trong việc mạc khải, có thể phân biệt các vai trò khác nhau của Chúa Cha và Chúa Con : Chúa Cha mạc khải Chúa Con bằng chính ý muốn của mình, nghĩa là bằng cách sai Chúa Con, làm cho Chúa Con trở thành hữu hình và sờ mó được. Còn Chúa Con mạc khải Chúa Cha, bằng cách tự biểu lộ chính mình và trở nên thầy dạy chúng ta. Chúa Con là chứng nhân trung thành nói cho chúng ta điều Ngài biết, là Vị Thầy Duy nhất dạy dỗ chúng ta (Adversus Haereses IV, 6).

Không những lập luận xuôi chiều, thánh Irênê còn đi ngược chiều để đột nhập vào cõi đời đời :

"Không những trước Ađam, mà ngay cả trước mọi công trình tạo dựng, Ngôi Lời vẫn làm vinh danh Chúa Cha, Người ở trong Chúa Cha và được Chúa Cha tôn vinh.

Ngôi Lời đồng hiện hữu với Chúa Cha từ muôn thuở và mãi mãi. Từ nguyên thủy, Ngài đã mạc khải Chúa Cha cho các tổng lãnh thiên thần, các quyền thần và quản thần, và cho tất cả những ai Chúa Cha muốn" (Adversus Haereses IV, 6).

Nhưng đặc biệt hơn cả là mạc khải Chúa Cha cho loài người :

"Ngài chỉ Thiên Chúa cho loài người, và giới thiệu con người với Thiên Chúa ; Ngài bảo toàn sự vô hình của Chúa Cha, để con người khỏi coi thường Thiên Chúa và luôn luôn cố gắng đến gần Thiên Chúa. Nhưng đàng khác, Ngài làm cho loài người nhìn thấy Thiên Chúa bằng nhiều cách, để con người khỏi xa rời Thiên Chúa và đánh mất sự sống. Vì chưng, vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động ; và sự sống của con người là nhìn thấy Thiên Chúa" (Adversus Haereses IV, 20,7).

Để chống lại Marcion và bênh vực sự liên tục giữa Cựu và Tân Ước, Irênê giải thích tất cả các cuộc "thần hiển trong Cựu Ước" theo chiều hướng Ngôi Lời mạc khải : từ ban đầu, Ngôi Lời đã đến cứu chữa nhân loại. Mọi cuộc thần hiển đều chuẩn bị và hướng tới "Nhập Thể".

Cũng như một số Giáo phụ khác, các lời giải thích của Irênê có khi rất đơn sơ và gượng ép. Nhưng hướng suy tư thần học của ông rất đúng : Mạc khải hướng tới Nhập Thể, Thiên Chúa đến gần con người để cuối cùng ở với con người (Emmanuel). Nhập Thể là chóp đỉnh của Mạc khải : Cựu Ước chỉ là hình bóng, Tân Ước mới là thực tại ; Cựu Ước là lời hứa, Tân Ước là hoàn tất. Mầu nhiệm Chúa Kitô là trọng tâm của lịch sử cứu độ.

Nhưng so với sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành để cho nhân loại, biến cố Nhập Thể chỉ đóng vai trò chuẩn bị : tập cho con người đón nhận Thiên Chúa, để Thiên Chúa cư ngụ trong con người.

Đối với nhân loại, sự hiện diện hữu hình của Ngôi Lời giống như việc nuôi dưỡng con trẻ bằng sữa, chuẩn bị cho chúng dùng thức ăn đặc của người trưởng thành.

    1. Thánh Thần mạc khải Chúa Con và thánh hóa nhân loại

Thánh Thần cũng đóng vai trò mạc khải, Ngài mạc khải Chúa Con, như Chúa Con mạc khải Chúa Cha. Toàn bộ Kinh Thánh đều nói về Ngôi Lời Thiên Chúa, vì thế Đấng Linh Hứng để Kinh Thánh được viết ra, là Đấng mạc khải Ngôi Lời. Đối tượng chính yếu của các lời Ngôn sứ là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Vậy đối tượng chủ yếu của mạc khải do Chúa Thánh Thần là Chúa Kitô :

"Thánh Thần bày tỏ Ngôi Lời ; chính vì thế, các Ngôn sứ báo trước Con Thiên Chúa ; Đấng giải thích lời Ngôn sứ, chính là Thánh Thần ; Ngài dẫn dắt và nâng con người lên cùng Thiên Chúa" (Demonstratio. 5).

"Không có Thánh Thần, không ai có thể nhìn thấy Ngôi Lời Thiên Chúa ; và không có Chúa Con, không ai đến được với Chúa Cha. Tri thức Cha, chính là Con, và chúng ta hiểu biết được Chúa Con nhờ Thánh Thần" (Demonstratio. 7).

Vì đã phạm tội, Ađam đã ra khỏi bàn tay của Thiên Chúa. Nhưng bàn tay ấy tìm lại con người, tạo nên Ađam thứ hai, là con người sống động, hoàn hảo và thiêng liêng. Thiên Chúa xây dựng lại đền thờ mà tội lỗi đã phá đổ, và trang hoàng đền thờ đẹp hơn trước. Nhờ tác động của Thánh Thần, nhân loại từ từ tiến tới và đi lên cùng Thiên Chúa.

Đặc điểm của nhân loại đã được cứu chuộc là "giống Thiên Chúa". Ađam thứ nhất đã làm mất đặc tính này vì tội lỗi ; khi Nhập Thể làm người, Con Thiên Chúa đã ban lại, Ngài bày tỏ cho chúng ta hình ảnh trọn vẹn của Thiên Chúa, và in vào chúng ta "sự giống Chúa". Ấn tích sâu sắc và bền bỉ này Ngài đặt vào tâm hồn khi ban Thánh Thần cho chúng ta :

"Con người xuất hiện đầu tiên không phải là hữu thể thiêng liêng, nhưng là con người sinh vật, sau đó mới đến con người thần thiêng. Con người phải có thân xác trước đã, rồi tới linh hồn, và sau cùng mới có sự sống thần thiêng. Ađam thứ nhất được Chúa dựng nên chỉ là hồn sống ; Ađam thứ hai mới là thần thiêng. Kẻ được làm thành sinh hồn, đã đánh mất sự sống, vì tội lỗi và sự dữ. Nhưng khi trở về đàng lành, sẽ nhận lãnh Thánh Thần ban sự sống" (Adversus Haereses V, 12,1).

Thánh Thần là Hồng ân Chúa Cha ban cho Chúa Con làm người, và Chúa Con đổ tràn trên nhân loại ; nhờ Thánh Thần, tâm hồn chúng ta trở nên phong phú và duy nhất như bánh miến và Thân Thể Chúa Kitô.

Biến đổi thân xác nên thần thiêng, là mục tiêu Thiên Chúa đã có từ lúc tạo dựng con người : Ngài đã muốn dựng nên con người theo hình ảnh và giống như Ngài. Con người hoàn hảo là con người thần thiêng, mang trong mình Thánh Thần, và nhờ Thánh Thần, trở nên giống Thiên Chúa :

"Nếu Thánh Thần không kết hợp với linh hồn, thì con người vẫn còn bất toàn, vẫn là sinh vật và xác thịt, mặc dù có hình ảnh Thiên Chúa, nhưng chưa giống Thiên Chúa" (Adversus Haereses V, 6,1).

Thánh Thần cũng được biểu lộ qua các đặc sủng. Trong Giáo Hội, nhiều người được ơn tiên tri, và nhờ quyền năng của Thánh Thần, họ nói nhiều thứ tiếng, khi cần thiết và ích lợi, họ bày tỏ các bí mật về con người và các huyền nhiệm về Thiên Chúa.

Đặc sủng như những giọt mưa từ trời đổ xuống biến các hạt lúa miến thành một khối duy nhất, một tấm bánh duy nhất, một thân thể duy nhất :

"Chính trong Giáo Hội, Thiên Chúa đã thiết lập các Tông đồ, ngôn sứ, tiến sĩ và mọi sinh hoạt của Thánh Thần. Ai không đến với Giáo Hội, sẽ không được tham gia. Đâu có Giáo Hội, đó có Thánh Thần ; đâu có Thánh Thần, đó có Giáo Hội và ân sủng ; và Thánh Thần là chân lý" (Adversus Haereses III, 24,1).

Ân sủng và sự sống trong Giáo Hội chưa phải là công trình đã hoàn tất của Thiên Chúa, vì hiện nay, chúng ta chỉ được tham gia một phần Thánh Thần Thiên Chúa, để chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu. Điều mà Phaolô gọi là "bảo chứng" chỉ là một phần vinh quang mà Thiên Chúa hứa ban cho chúng ta. Thánh Thần ở trong chúng ta khiến chúng ta rên rỉ và kêu lên cùng Thiên Chúa : Abba, lạy Cha !

Không phải chỉ linh hồn được biến đổi, nhưng toàn diện con người. Thân xác, được phục sinh bởi sức mạnh Thánh Thần, sẽ được vào Vương quốc của Thiên Chúa. Bây giờ mới đích thực là sự sống đã chiến thắng sự chết. Sự sống toàn diện và vĩnh cửu, biến đổi con người toàn diện, làm cho con người trở nên bất diệt và giống Thiên Chúa. Đó là bài ca chiến thắng tôn vinh Thiên Chúa.

 TƯƠNG QUAN GIỮA CHÚA CHA, CHÚA CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN

  1. Chúa Con và Chúa Cha

Irênê khẳng định Chúa Con "nhiệm sinh" bởi Chúa Cha, nhưng không muốn lý luận hoặc diễn tả mầu nhiệm cực trọng này. Ông chống lại các lý luận tưởng tượng của bè "Ngộ đạo" :

"Chúng bảo rằng Lời và Sự Sống phát xuất từ "Tuệ Trí". Chúng quan niệm Nguồn gốc của Ngôi Lời như nguồn gốc của lời lẽ con người, chúng áp dụng cho Thiên Chúa những gán ghép táo bạo và nghĩ rằng đã khám phá một điều vĩ đại. Thực ra, ai cũng biết nguồn gốc của lời nói con người. Nhưng, không thể suy tưởng như thế đối với Thiên Chúa Tối Cao, Người vừa là Tuệ Trí, vừa là Lời, nơi Người, không gì có trước, và cũng chẳng có gì sau, không có gì đến từ bên ngoài, tất cả đều ngang bằng, giống nhau và duy nhất. Lời của Thiên Chúa là chính Thiên Chúa. Nếu Ngôi Lời sinh ra theo kiểu loài người, thì có khác gì lời lẽ con người ?" (Adversus Haereses II, 13,8).

Irênê kịch liệt đả phá việc áp dụng sinh hoạt tâm lý của con người cho Thiên Chúa. Ông trực tiếp công kích những lý thuyết ngộ đạo, và gián tiếp chỉ trích chủ trương của một số Giáo phụ phân biệt "Lời nội tại" và "Lời phán ra". Ông nhấn mạnh sự đơn nhất siêu việt của Thiên Chúa :

"Khi quan niệm, Thiên Chúa thực hiện điều Ngài muốn ; nơi Ngài, quan niệm là muốn ; Ngài trọn vẹn là tư tưởng, là ý muốn, là tuệ trí, trọn vẹn là ánh sáng, Ngài nhìn thấy tất cả, nghe biết tất cả, Ngài trọn vẹn là nguồn suối mọi sự lành" (Adversus Haereses I, 12,2).

"Thiên Chúa là Tuệ Trí, là Lời ; điều Ngài suy tưởng, Ngài phán ra ; và điều Ngài nói ra, Ngài quan niệm. Tư tưởng của Ngài là Lời của Ngài, và Lời của Ngài là Tuệ Trí của Ngài, và chính Thiên Chúa Cha là Trí Tuệ bao hàm tất cả. Ai nói đến trí tuệ của Thiên Chúa mà gán cho trí tuệ đó một sự hiện hữu riêng biệt, thì bảo rằng Thiên Chúa không đơn thuần, vì đường Thiên Chúa là một thực tại và Trí Tuệ Tối cao là một thực tại khác" (Adversus Haereses II, 28,5).

Irênê lý luận chống những kẻ "lý luận", nhưng điều quan trọng hơn cả, là tựa vào Kinh Thánh, tin tưởng ở Kinh Thánh và không muốn suy nghĩ viễn vông ra ngoài Kinh Thánh :

"Nếu ai hỏi : trước khi tạo dựng thế giới, Thiên Chúa làm gì ? - Chúng tôi trả lời : giải đáp thuộc về Thiên Chúa. Kinh Thánh dạy rằng thế giới là một công trình hoàn hảo của Thiên Chúa, và đã khởi sự hiện hữu trong thời gian ; không có đoạn Kinh Thánh nào nói đến điều Thiên Chúa làm trước khi có thời gian. Vậy thì giải đáp thuộc về Thiên Chúa, và không được phép tưởng tượng ra những "hình thái phát xuất táo bạo", điên rồ và phạm thượng, với sự tự hào là đã khám phá ra nguồn gốc của vật chất, và lên án Thiên Chúa, Tác giả của vũ trụ" (Adversus haereses II, 28,3).

"Ngôi Lời là Con Thiên Chúa, là Con Duy Nhất của Thiên Chúa, và điều này không khởi sự từ việc Nhập Thể trong lòng Trinh Nữ : tư cách làm con thuộc về Ngôi Lời tiền hữu, và vĩnh cửu như Ngôi Lời. Tư cách này không tách Chúa Con ra khỏi Chúa Cha ; Chúa Con sinh ra từ Chúa Cha và nội tại trong Chúa Cha, cũng như Chúa Cha ở trong Ngài". (Adversus Haereses III, 6,2).

Kết quả của sự tương tại là tương tri trọn vẹn : Chúa Con biết Chúa Cha như biết chính mình :

"Chúa Cha vô hạn được đo lường bởi Chúa Con ; Chúa Con là kích thước của Chúa Cha, vì Chúa Con thấu triệt Chúa Cha" (Adversus haereses IV, 4,2).

Sự tương tri hoàn hảo là nền tảng cho mạc khải. Chúa Con là Đấng duy nhất có thể mạc khải Chúa Cha, vì Ngài biết Chúa Cha trọn vẹn và là hình ảnh sống động của Chúa Cha. Ngài là chứng nhân trung thành và trọn hảo. Vì Ngài biết tất cả những gì thuộc về Cha, chỉ một mình Ngài có thể cho chúng ta biết.

Chúa Con, tự bản chất cũng vô hình như Chúa Cha, đã trở thành hữu hình trong biến cố Nhập Thể.

Chúa Con thấu hiểu được sự vô hạn của Chúa Cha, và cũng vô hạn như Chúa Cha. Chỉ có một thần tính duy nhất trong Chúa Cha và Chúa Con, được giấu kín nơi Chúa Cha và bày tỏ trong Chúa Con.

  1. Thánh Thần

Đối với Irênê, cũng giống như đối với các Giáo phụ trước ông và đương thời ông, thần học về Chúa Thánh Thần chưa được đầy đủ như thần học về Chúa Kitô. Lý do là những tranh luận vào thế kỷ II xoay quanh các vấn đề "duy nhất tính" của Thiên Chúa, vấn đề Đức Kitô tiền hữu và thần tính của Đức Kitô. Ngôi vị Chúa Thánh Thần ít được đề cập tới. Nỗ lực của Irênê là chống lại các lý thuyết Ngộ đạo, chứng minh Tạo Hóa là Thiên Chúa Tối Cao.

Lý do thứ hai là Mạc khải ít có nét rõ ràng về Ngôi vị tính và Thần tính của Thánh Linh. Thánh Thần chỉ được biểu lộ qua các hành vi của Người hoặc khi Đức Kitô đề cập đến. Trong Gioan và Phaolô, thần học về Chúa Kitô đầy đủ và phong phú hơn thần học về Chúa Thánh Thần.

So với toàn bộ thần học của Irênê, Thánh Linh học chiếm một chỗ không đáng kể, nhưng so với các Giáo phụ trước ông và đương thời ông, đã có một bước tiến.

Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha như Chúa Con bởi Chúa Cha, nhưng Thánh Thần không được sinh ra như Chúa Con.

Thánh Thần tùy thuộc Chúa Con, là Hồng ân của Chúa Con đổ tràn trên các tín hữu. Đến từ Chúa Cha và Chúa Con, Người như "con dấu thần linh" in vào tâm hồn các tín hữu hình ảnh của Chúa Cha và Chúa Con. Người là Dầu mà Chúa Cha đã dùng để xức cho Chúa Con. Người cũng là tác động Xức dầu của Chúa Cha (Adversus haereses III, 18,3).

Các Danh Xưng gán cho Thánh Thần, thường diễn tả tác động của Người nhiều hơn là bản tính ; Người là Đấng Bảo Trợ, là Nước Hằng Sống, là Sương Trời, là Bảo Chứng phần rỗi, là Thang bắc lên tới Chúa, là Bàn tay và là Ngón tay của Thiên Chúa (Adversus haereses III, 17,3 ; 24,1, .).

Khác với các Giáo phụ và Truyền thống sau này của Giáo Hội, Irênê đồng hóa Chúa Thánh Thần với "Khôn Ngoan" của Thiên Chúa. Ông muốn cho thần học về Thánh Linh dựa trên một nền tảng Kinh Thánh rộng rãi.

Vai trò Thánh Thần trong biến cố Nhập Thể của Đức Kitô, cũng không rõ ràng và chắc chắn. Giống như một số lớn Giáo phụ đương thời, ông chú giải câu Phúc âm Luca 1,35 nhiều cách : khi thì đồng hóa "Quyền Năng Đấng Tối Cao" với Ngôi Lời, lúc khác lại đồng hóa với Chúa Thánh Thần. Biến cố Nhập Thể có khi được quan niệm là do tác động của Thánh Thần và Ngôi Lời, có khi được khẳng định suông là do tác động của Chúa Thánh Thần.

Trong tác phẩm "CHỐNG LẠC GIÁO", có lúc Irênê so sánh biến cố Nhập Thể với việc tạo dựng con người đầu tiên : trong cả hai biến cố, Thiên Chúa đã dùng hai bàn tay của Người là Ngôi Lời và Thánh Thần. (Adversus haereses V, 1,3).

Tính Ngôi vị của Thánh Thần sáng tỏ hơn trong một vài cách nói như "Thánh Thần tiên báo", "Thánh Thần dạy dỗ", "Thánh Thần hướng dẫn", "Thánh Thần làm vinh danh" Thiên Chúa Cha.

Nói tóm lại, Thánh Thần, lúc thì được coi như là Hồng ân của Thiên Chúa, lúc khác lại được coi như một Ngôi vị Thiên Chúa. Đặc tính hàm hồ của các hình ảnh về Chúa Thánh Thần vẫn tồn tại lâu dài về sau.

  1. NHẬN ĐỊNH VỀ THẦN HỌC CỦA IRÊNÊ

Trong lãnh vực mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng ta không thể khai triển hết các khía cạnh và đề cập đến tất cả các đặc tính, ưu điểm và khuyết điểm, nhưng chỉ có thể đưa ra một số nét chính yếu.

Đặc điểm đầu tiên và quan trọng hơn hết của con người và tư tưởng của Irênê là "nối kết". Ông nối kết thực tế với lý tưởng, tự nhiên với ân sủng, Cựu Ước với Tân Ước, Ađam với Chúa Kitô, thế gian với Giáo Hội. Tất cả đều xây dựng trên sự Duy Nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Đặc điểm này làm cho tư tưởng của ông đượm vẻ thanh bình và ấm áp. Dù phát sinh trong một bối cảnh tranh luận, tư tưởng của ông vẫn trong sáng, nhẹ nhàng. Ông chiến đấu hết mình cho đức tin chân chính, nhưng vẫn thanh thoát nhàn hạ, nhờ tin tưởng vào sức mạnh của chân lý, giá trị của Mạc khải và tác động của Thánh Thần trong Giáo Hội.

Ông chưa có những công thức rõ ràng, vắn gọn như Công đồng Nixê sau này, nhưng lời văn rất cô đọng và đầy sức sống. Các ý niệm và hình ảnh ông dùng phần nhiều rút ra từ Kinh Thánh, do đó chứa đựng sức sống mãnh liệt và nhiệt độ nóng bỏng của Lời Kinh Thánh.

Đặc điểm thứ hai là "quy tâm", nghĩa là xoay quanh một số tư tưởng lớn. Đó là thế mạnh của ông, trong khi tư tưởng của địch thù tản mác và thiếu thống nhất.

Ba ý tưởng "chủ lực" trong thần học của ông là : Duy Nhất, Nhiệm Cục và Thâu Kết.

Cả trên bình diện hình thức lẫn nội dung, có thể coi ý tưởng "Duy Nhất" như "xương sống" của toàn bộ cấu trúc thần học của Irênê. Ông lặp đi lặp lại thường xuyên các từ ngữ : Duy Nhất, Đồng Nhất, là một, cùng một, chỉ có một.

Tính Duy Nhất tiên vàn áp dụng cho Thiên Chúa : chỉ có một Thiên Chúa (Unus Deus), sau đó áp dụng cho Chúa Kitô (Unus Christus), rồi lan sang các đối tượng khác : chỉ có một đức tin, một ơn cứu độ, một truyền thống, một lời rao giảng, một Tin Mừng, một nhân loại, một Thân Thể Đức Kitô.

Thực ra, không phải một mình Irênê có ý tưởng này : sách Kinh Thánh, Truyền thống Dothái và Kitô-giáo đã có trước ông. Nhưng ông đã dùng nó như một cột trụ trong Tòa Nhà thần học của ông.

Sự Duy Nhất của Chúa Kitô được đề cập không phải là sự Duy Nhất Ba Ngôi (Chúa Cha - Chúa Con - Chúa Thánh Thần), nhưng là một sự duy nhất cụ thể của một Đức Giêsu Kitô cụ thể : chỉ có một Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Nhập Thể. Không ai được phân chia mầu nhiệm Giêsu Kitô làm nhiều. Không ai được nhân đôi hay nhân ba một con người cụ thể, là Giêsu thành Nazarét, cũng là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Tư tưởng này đã được nhắc tới nhiều lần trước Irênê (Gioan, Phaolô, Ignatiô thành Antiôkia), nhưng chưa được khai triển. Vì thế, có thể coi Irênê như Ngài khởi xướng.

"Chỉ có một Giáo Hội" cũng là một chủ đề lớn trong thần học của Irênê. Có người cho rằng ông là thần học gia "đại kết" đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Chỉ có một Giáo Hội duy nhất, vì chỉ có một đức tin duy nhất, sống động bắt nguồn từ Truyền thống các Tông đồ. Và đức tin chân truyền duy nhất là : chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đức Kitô.

Ý tưởng duy nhất cũng nổi bật trong Cứu-chuộc-học của Irênê : Đức Kitô đến để tái lập sự duy nhất và hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa. (Adversus haereses IV, 43,1).

Ý niệm chủ yếu thứ hai nối dài ý tưởng "Duy Nhất" ý niệm "Nhiệm cục" hay "kế hoạch phổ quát" của Thiên Chúa. Kế hoạch của Thiên Chúa bao trùm tất cả tạo vật, thế giới và nhân loại ; phổ quát trong không gian và thời gian, nối liền tạo dựng với cứu độ, Cựu Ước với Tân Ước. Thiên Chúa chỉ có một chương trình duy nhất được thực hiện từ đầu đến cuối lịch sử.

Nhờ ý niệm "Nhiệm cục phổ quát", Irênê có một cái nhìn tổng hợp về thế giới và lịch sử ; ông là thần học gia đầu tiên về lịch sử.

Nhiệm cục phổ quát chia làm nhiều giai đoạn, mà điểm then chốt là biến cố Nhập Thể. Mọi giai đoạn đều bắt nguồn và hướng tới Nhiệm cục phổ quát (Adversus haereses III,12,3). Thiên Chúa Duy Nhất thực hiện bởi Con Duy Nhất Nhiệm cục cứu độ duy nhất và phổ quát (Ep 1,10 ; 3,9).

Irênê phân tích Nhiệm cục cứu độ phổ quát dưới nhiều khía cạnh : phần nói về Ngôn sứ bàn đến nhiệm cục trong Cựu Ước (Adversus haereses IV, 20,8-12 ; 21 ; 25 ; 33,10-15) ; phần thuyết "thâu kết" đề cập đến tương quan giữa nhiệm cục Nhập Thể và nhiệm cục Tạo dựng ; phần về tự do nhắm tới "nhiệm cục hiện tại của con người" và ơn cứu độ (Adversus haereses IV, 37-39) ; phần về phản Kitô nói đến "nhiệm cục cánh chung".

Ý niệm "thâu kết" gắn liền với ý tưởng "nhiệm cục phổ quát" : Nơi nhiệm cục phổ quát, chỉ có một Đức Giêsu Kitô Duy Nhất là Chúa chúng ta ; Ngài đến và thâu hồi tất cả trong chính mình (Adversus haereses III, 16,6). Nói cách khác, Thiên Chúa hoàn tất nhiệm cục cứu độ phổ quát, khi Người thâu hồi mọi sự dưới một Đầu Mối Duy Nhất là Đức Giêsu Kitô.

Ngoài ba ý tưởng chủ lực trên, còn có ý niệm "tiến bộ".

Có người cho đó cũng là một ý tưởng cốt yếu của thần học Irênê. Vì nhấn mạnh tính duy nhất giữa tạo dựng và cứu độ, ông vạch một con đường thẳng đi từ Ađam thứ nhất đến Ađam mới, và coi Ngôi Lời Nhập Thể, ở chặng cuối con đường, như chóp đỉnh và cùng đích của nhân loại.

Con người không trở thành Thiên Chúa ngay từ lúc ban đầu nhưng chỉ có thể đến gần Thiên Chúa sau một quá trình dài hạn.

Sử dụng đúng đắn tự do của mình, con người sẽ đi trên con đường dẫn tới Thiên Chúa, bước từ tiến bộ này sang tiến bộ khác. Nhiệm cục cứu độ phổ quát, không nhằm trở lại tình trạng ban đầu, nhưng hướng tới kết thúc mới mẻ, vượt xa điểm khởi hành. Đức Kitô hoàn tất chương trình cứu độ khi ban Thánh Thần, nhờ đó con người được nâng lên cấp bậc cao hơn.

Ý niệm "tiến bộ" theo đường thẳng chừa rất ít chỗ cho ý niệm tội, và không ăn khớp với một số ý niệm cơ bản khác. Vì thế, có người cho rằng nó là một ý niệm vay mượn, không hòa hợp với toàn bộ tư tưởng của Irênê. Thực ra, rất khó khẳng định dứt khoát, vì Irênê lặp lại tư tưởng này nhiều lần ở nhiều chỗ ; vả lại ý niệm "tiến bộ" đi đôi với ý niệm "giáo dục tiệm tiến", và Mạc khải quả là một công trình giáo dục kỳ diệu của Thiên Chúa.

  1. KHUYNH HƯỚNG LẠC GIÁO TRONG THẾ KỶ III - IV VÀ ĐỨC TIN CÔNG-ĐỔNG NICÊ
    1. PHONG TRÀO NHẤT CHỦ

Chống lại khuynh hướng chia cắt của lý thuyết Ngộ đạo không phải là chuyện đơn giản.

Những người như giáo phụ Irênê, tựa trên truyền thống rất vững chắc, đồng thời có tinh thần cởi mở và là người đạo đức thánh thiện mới có thể đương đầu hữu hiệu, mà vẫn bảo toàn mặc khải Kitô giáo về Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ngoài lập trường của giáo phụ Irênê, có những lý luận cực đoan, những chủ trương bảo vệ độc thần giáo bằng mọi giá.

Các chủ trương này không rườm rà, phức tạp như Ngộ-đạo-thuyết, nhưng rất bình dân và giản dị.

Khác với các lạc giáo tự cho mình là mới mẻ, phong trào Nhất chủ lấy chiêu bài bảo thủ, bênh vực truyền thống và đức tin chống lại những người chủ trương "nhiệm cục Ba Ngôi".

Nhiều tài liệu lịch sử nói đến phong trào này như tác phẩm vô danh "Adversus Omnes Haereses", tác phẩm "Contra Haeresim Noeti" của Hyppolyte, đặc biệt hơn cả là "Adversus Praxean" của Tertullien.

1-Nội dung các lý thuyết Nhất chủ

Nhân vật đầu tiên thuộc phái Nhất chủ mà chúng ta biết được qua tài liệu của các Giáo phụ là Noetus hoạt động ở Smyrne từ năm 180 đến 200. Chúng ta biết ông và giáo thuyết của ông qua tác phẩm "Contra Hearesim Noeti" của Hyppolyte.

Noetus chủ trương chỉ nhận biết có một Thiên Chúa là Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã sinh ra, chịu khổ hình và chịu chết. Vậy nếu Đức Kitô là Thiên Chúa, Ngài cũng là Chúa Cha ; nếu không, Ngài không phải là Thiên Chúa. Đức Kitô đau khổ, chính là Thiên Chúa đau khổ, bởi vì Ngài và Thiên Chúa là một. Noetus tố cáo những ai phân biệt Chúa Cha và Chúa Con là chủ trương có hai Thiên Chúa.

Mặc dù tự nhận mình bảo vệ truyền thống, thực ra Noetus đã đi ngược lại truyền thống khi ông đồng hóa hoàn toàn Chúa Cha với Chúa Con. Vì thế các "trưởng lão trong Giáo Hội" đã chống lại ông :

"Chúng tôi cũng tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, nhưng chúng tôi biết cách tôn thờ Ngài đúng đắn. Chúng tôi tin một Đức Kitô, chúng tôi nhận biết chỉ có một Đức Kitô Con Thiên Chúa, đã chịu khổ hình, đã chết và phục sinh, đã lên trời và ngự bên hữõu Đức Chúa Cha, sẽ trở lại phán xét kẻ sống và kẻ chết. Chúng tôi học biết những điều này từ Kinh Thánh" (Epiphane, Haereses, 57,1).

Ở Rôma có một nhân vật khác tên là Praxea mà Tertullien đã đề cập trong tác phẩm thời danh "Adversus Praxean". Praxea hoạt động dưới thời Giáo hoàng Victor. Theo Tertullien, ông có ảnh hưởng trên cả Đức Thánh Cha, ít nữa là trong lập trường chống lại phái Montan. Không thể nói rằng Đức-Giáo-Hoàng đã theo các ý kiến thần học của Praxea về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, vì ngay cả Tertullien cũng không nhắc tới điểm này. Điều chắc chắn là Praxea có ảnh hưởng rất lớn trên quần chúng. Cứ theo lời Tertullien, đám đông không ngừng lập lại câu Slogan : "Chúng tôi bênh vực Nhất chủ ". Nhưng khi lập đi lập lại lời này, họ hiểu rất sai và diễn tả cũng sai. (Adversus Praxean, 3).

Điều lôi cuốn giáo dân trong "Nhất chủ thuyết" là đặc tính đơn sơ. "CHÆ CÓ MỘT THIÊN CHÚA", chỉ có một Đấng làm chủ. Người tín hữu bình dân không muốn phức tạp. Theo Tertullien, họ rất sợ danh từ "nhiệm cục". Khẳng định duy nhất tính của Thiên Chúa và thần tính của Chúa Kitô đã là đủ đối với đám đông quần chúng, họ không muốn nghe thêm.

Những điểm chính yếu trong giáo thuyết của Praxea là :

- Chúa Cha và Chúa Con chỉ là một thực tại (Adversus Praxean, 5) ;

- Ngôi Lời không có hiện hữu riêng biệt ; chỉ là một Danh xưng khác gán cho Chúa Cha (Adversus Praxean, 7) ;

- Chính Chúa Cha đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, đã sinh ra, và khi sinh ra, trở thành Con (Adversus Praxean, 10) ;

- Chúa Cha đã chịu khổ, đã chịu chết (Adversus Praxean, 1-2) ;

- Chúa Cha đã phục sinh. Ngài có những ưu phẩm khác nhau và đôi khi ngược nhau, tùy lúc và tùy trạng thái xuất hiện : hữu hình và vô hình, khả tri và bất khả tri, phải chết và bất tử, được sinh ra và không được sinh ra (Adversus Praxean, 14-15 ).

Các điểm cốt yếu của giáo thuyết Praxea rất xa với giáo lý truyền thống. Vì thế dần dà ông sửa đổi cho nhẹ bớt những khác biệt, nhất là khi phải trình bày Đức Giêsu Kitô là ai. Nơi Đức Giêsu Kitô , ông phân biệt hai yếu tố : con người Giêsu là Con, Đức Kitô (yếu tố thần linh) là Cha ; do đó Con chịu khổ hình, và Cha cũng chịu khổ. (Adversus Praxean, 29).

Lý thuyết của Praxea và các đồ đệ của ông còn được gọi là "Khôå-phụ-thuyết" (Patripassianisme).

Các lý thuyết "Nhất chủ" thường ít khi được trình bày rõ ràng và tỉ mỉ, vì thế lúc ban đầu giáo quyền chưa nhận ra sự sai lạc, nhưng khi đưa tới hệ luận là Khổ-phụ-thuyết, sự sai lạc trở nên rõ ràng, và ít người chấp nhận.

    1. Hình thái thuyết (Modalisme)

Các hình thái cổ sơ của phong trào Nhất chủ mất ảnh hưởng và tàn lụi khi Sabellius bị Giáo hoàng Callixtô lên án.

Nhưng có lý thuyết khác tinh vi hơn thế vào chỗ lý thuyết Nhất chủ. Lịch sử thần học đã lấy tên của Sabellius đặt cho thuyết này, hoặc gọi bằng một tên khác là Hình-thái-thuyết (Modalisme).

Hình-thái-thuyết là một biến thiên tinh vi của Nhất chủ thuyết. Origène đã đề cập tới những người chủ trương Hình-thái-thuyết, tuy không nói rõ ai : "Có những người không phân biệt Chúa Cha và Chúa Con, nhưng coi đó là một thực tại có nhiều diện khác nhau". Chống lại hạng người này, Origène khẳng định Chúa Con khác Chúa Cha.

Các tài liệu lịch sử không để lại tên tuổi những người chủ trương Hình-thái-thuyết. Họ chỉ xưng mình thuộc phái Sabelliô.

Thực ra họ sửa đổi và bổ xung tư tưởng của Sabelliô rất nhiều. Họ khẳng định rằng Chúa Con, chứ không phải Chúa Cha đã chịu khổ hình. Họ còn cho Thánh Thần một chỗ đứng để tín điều Ba Ngôi được đầy đủ.

Thiên Chúa là "Nhất thể" đơn thuần và không phân chia, là một chủ vị duy nhất, có tên là Uiopatôr (Con + Cha). Khi tạo dựng vũ trụ, Người mệnh danh là Lời... Đối với thế giới tạo vật, Nhất thể tự biểu lộ, trong Cựu Ước như Đấng làm Chủ Lề luật và đó là Chúa Cha ; trong Tân Ước như Đấng Cứu Thế nhờ hành vi nhập thể, đó là Chúa Con ; như Đấng thánh hoá, đó là Thánh Thần. Cha, Con và Thánh Thần không phải là Ba Ngôi Vị phân biệt, nhưng chỉ là ba trạng thái kế tiếp nhau, ba khía cạnh, ba hình thái, ba Danh xưng của cùng một hữu thể. Hình thái này qua đi nhường chỗ cho hình thái khác. Chúa Cha hết là Cha, khi Chúa Con xuất hiện ; Chúa Con chấm dứt khi Thánh Thần hiện xuống. Trong "Thiên Chúa là Nhất thể thần linh" có một vận hành biện chứng (xuất phát - thu hồi). Chúa Cha không còn chỗ đứng đặc biệt so với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

    1. KHUYNH HƯỚNG HẠ-PHỤC-THUYẾT TIỀM TÀNG TRONG THẦN HỌC TIỀN NICÊ

Vấn đề của các Giáo phụ tiền Nicê là chống lại lý thuyết Nhất chủ mà vẫn bảo toàn độc thần giáo. Nhiều trưởng lão chống phong trào Nhất Chủ, nổi danh hơn cả là Hippolyte và Tertullien.

      1. Tertullien

Viết tác phẩm "ADVERSUS PRAXEAN" khoảng năm 213, vào cuối thời của ông, lúc ông đã theo phái Montano (Thiên-niên). Ông chỉ trích rất gay gắt lý thuyết Nhất chủ :

"Ma quỷ làm sai lạc chân lý bằng nhiều cách. Đôi khi nó giả vờ bênh vực để phá chân lý. Nó chủ trương chỉ có một THIÊN CHÚA DUY NHẤT là Đấng Tạo Hóa Quyền Năng, và đưa tới lạc giáo từ chữ DUY NHẤT. Nó bảo rằng Chúa Cha đầu thai trong lòng Trinh nữ, sinh ra từ Trinh nữ và chịu khổ hình : Chúa Cha là Đức Giêsu Kitô" (Adversus Praxean I, 227,3).

"Praxea đến Rôma để thực hiện hai mục tiêu của ma quỷ : xóa bỏ lời tiên tri để thay vào đó lạc giáo ; xua đuổi Thánh Thần và đóng đinh Chúa Cha" (Adversus Praxean I,227,3).

Để chống lạc giáo, Tertullien nỗ lực hình thành một thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ông đưa từ ngữ Ngôi Vị (persona) vào thần học : "Trong Thiên Chúa có Ba Ngôi Vị, Ngôi I là chính Thiên Chúa, Ngôi II là Lời của Người, Ngôi III là Thánh Thần trong Lời" (Adversus Praxean XII).

Chúa Cha là nguồn gốc của hai Ngôi Vị kia, do đó Chúa Cha cao cả hơn : "Chúa Cha là toàn diện bản thể, Chúa Con do Chúa Cha và là một phần của Chúa Cha"(Adversus Praxean XXVI).

Từ nguyên thủy, có một mình Thiên Chúa, nhưng Người không tuyệt đối đơn độc, người có Trí Tuệ trong mình, được gọi là Logos hay Sermo. Trí tuệ là nền tảng và là bản chất của Lời ; Lời là Trí Tuệ hoạt động.

Thiên Chúa có trong chính mình Lời Nội Tại. Người chưa phán ra Lời ấy khi chưa tạo dựng trời đất.

Lời Phán Ra tiếp nối Lời Nội Tại, và là dụng cụ Thiên Chúa dùng trong việc tạo dựng.

Trước khi được phán ra, Lời "ẩn giấu" trong lòng Chúa Cha, hình thành trong lòng Chúa Cha. Khi Thiên Chúa phán, Lời sinh ra trọn vẹn và xuất hiện như là Con. Do đó, trước tạo dựng, Ngôi Lời chưa là con.

Chúa Con là Ngôi Vị khác Chúa Cha, vì được sinh ra. Người hiện hữu thực sự, là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng. Người vĩnh cửu, vì hiện hữu từ đời đời trong Chúa Cha như Trí Tuệ nội tại, mặc dù Người trở thành Con qua biến cố tạo dựng. Thiên Chúa là Thiên Chúa từ đời đời, nhưng không là Cha từ đời đời.

Tertullien khẳng định Thánh Thần là Thiên Chúa (Adversus Praxean XIII ; XX), bởi bản thể Chúa Cha (III ; IV), là một Thiên Chúa cùng với Chúa Cha và Chúa Con (III). Người bởi Chúa Cha qua Chúa Con mà ra (IV). Do đó Người là Ngôi Ba.

Tư tưởng của Tertullien không luôn luôn rõ ràng ; có khi ông không phân biệt Thánh Thần và Chúa Con : Ngôi Ba là Thánh Thần trong Lời (Adversus Praxean XII) ; Thánh Thần Thiên Chúa chính là Lời (Adversus Praxean XXVI). Có chỗ ông nghĩ rằng Thánh Thần nhập thể (Adversus Praxean XXVII).

Tertullien nhấn mạnh tới sự duy nhất của Thiên Chúa, nhưng điều này không ngăn trở "Nhiệm Cục", là sự sắp đặt thông ban "duy nhất tính" và làm phát sinh Ba Ngôi. Nhiệm cục không phân chia sự duy nhất, nhưng sắp đặt thành Ba Ngôi Vị khác nhau (Adversus Praxean XIII). Cả Ba Ngôi Vị đều là Thiên Chúa. Ba Ngôi không phải là Một Vị (unus), nhưng là Một (unum) : Duy nhất về bản thể chứ không duy nhất về số lượng (Adversus Praxean XXV).

Tuy còn thiếu sót, thần học của Tertullien đã có nhiều tiến bộ. Ông đề ra công thức "Una substantia, tres personae" trở thành cơ bản cho Giáo Hội Latinh. Thần học của ông đã có ảnh hưởng nhiều trên các Giáo phụ Latinh và Hylạp.

      1. Hippolyte

Để chống lại lý thuyết Nhất Chủ (Contra Haeresim Noeti) Hippolyte hình thành một thần học phôi thai về tương quan giữa Ngôi Lời và Thiên Chúa.

Ông phân biệt sự hiện hữu của Ngôi Lời làm ba giai đoạn :

- Giai đoạn một là từ đời đời, Ngôi Lời hiện hữu trong Thiên Chúa, là tư tưởng của Thiên Chúa, không phân biệt với Thiên Chúa.

- Giai đoạn hai là lúc tạo dựng, Thiên Chúa phán ra Lời, và Lời bắt đầu có một sự hiện hữu riêng biệt. Lời là thực tại duy nhất mà Thiên Chúa không làm ra từ hư vô, nhưng sinh ra từ chính hữu thể của Ngài. (Philosophoumena X, 33)

Khi sinh ra, Ngôi Lời tạo dựng trời đất theo ý muốn của Chúa Cha và theo kiểu mẫu của chính mình. Thế giới được dựng nên từ hư vô không phải là Thiên Chúa. Nhưng Ngôi Lời phát xuất từ Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa.

Ngôi Lời sinh ra do ý muốn của Thiên Chúa. Thiên Chúa phán ra Lời khi Ngài muốn và như Ngài muốn.

- Giai đoạn ba là biến cố nhập thể, nhờ đó Ngôi Lời mang tước hiệu làm Con một cách đặc biệt hơn.

Học thuyết ba giai đoạn này là kết quả của một nền thần học còn thô sơ của một số Giáo phụ hộ giáo (Yustinô, Tatien, Anathegoras, Theophile). Nó không chứng minh được sự ngang bằng giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa. Ngược lại còn tiềm tàng chứa đựng Hạ-phục-thuyết sẽ xuất hiện sau này.

      1. Origène

Origène, tuy không rõ ràng chống lại học thuyết của một nhân vật nào như trường hợp của Tertullien và Hippolyte, nhưng cũng có biết các lý thuyết Nhất-chủ và Hình-Thái-thuyết. Thần học của ông, tuy rất phong phú, vẫn còn phản ánh những khó khăn của thời đại tiền - Nicê.

Ông đề cao tính siêu việt của Thiên Chúa : Người là Chân Lý vượt trên mọi chân lý ; Khôn Ngoan vượt trên mọi khôn ngoan ; Ánh Sáng vượt trên mọi ánh sáng. Người là Đấng Hằng Sống vượt trên mọi sự sống ; là Trí Tuệ vượt trên mọi trí tuệ ; là Bản Thể vượt trên mọi bản thể.

Không ai biết được Người, ngoài Ngôi Lời cũng là Chúa Con và những kẻ Chúa Con mạc khải cho.

Người là Đấng Duy Nhất Đơn Thuần. Nhưng Người cũng là ba Ngôi Vị phân biệt.

Ngôi Lời, phân biệt với Chúa Cha, không được tạo thành, nhưng được sinh ra từ đời đời. Dưới mắt người đời, Ngôi Lời đã làm người. Nhưng trước mắt Thiên Chúa, Ngôi Lời không trở thành. Người luôn luôn ở với Chúa Cha. Người hiện hữu trong Cội Nguồn là Chúa Cha, và không bao giờ tách biệt khỏi Chúa Cha.

Thiên Chúa không khởi sự làm Cha, nhưng từ đời đời Người là Cha của Chúa Con. Từ muôn thuở, Người sinh hạ Chúa Con. Chúa Con không là một phần của Chúa Cha, tách rời khỏi Chúa Cha. Người là Hình Ảnh phản chiếu ánh sáng của Chúa Cha. Cũng như Ánh sáng luôn chói rạng, Chúa Cha không ngừng sinh ra Chúa Con.

Chúa Con không tách rời khỏi Chúa Cha, mặc dù phân biệt với Chúa Cha. Không vì ân sủng, nhưng vì được tham gia vào yếu tính, mà Ngôi Lời là Con.

Ngôi Ba là Thánh Thần. Niềm tin vào Thánh Thần là đặc thái của Kitô-giáo. Thánh Thần cũng vĩnh cửu. Trong lề luật Cựu Ước và trong Tin Mừng đã có Người. Người đã có, hiện có và sẽ có cùng Chúa Cha và Chúa Con. Người có từ đời đời, nhưng Người đổi mới mọi sự.

Thánh Thần của Chúa Cha và Thánh Thần của Chúa Con là một.

Giữa Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần không có khác biệt về bản tính.

Có đôi lúc Origène nghĩ rằng Thánh Thần được hình thành do Chúa Cha và Chúa Con. Dường như ông bị lúng túng khi muốn định vị Thánh thần.

Chúa Con có mọi ưu phẩm : sự sống, sự thật, khôn ngoan. Nhưng Chúa Cha có ưu phẩm vượt trên Chúa Con : "Đức Kitô là sự sống" nhưng Đấng lớn hơn Đức Kitô vượt trên sự sống.

"Là Cha của Chân lý, Thiên Chúa vĩ đại và cao vời hơn Chân Lý ; là Cha của Khôn Ngoan, Người vượt trên Khôn ngoan" (In Yn II, 23, 151...).

Đức Kitô là "sự thật" đối với chúng ta, nhưng đối với Chúa Cha là Chân Lý Tự Tại, Ngài không phải là Chân lý theo nghĩa tuyệt đối.

"So với Chúa Cha, Người chỉ là hình ảnh của Lòng Nhân Từ, nhưng so với tạo vật, Người là Kiểu Mẫu".

"Người vượt trên mọi tạo vật, nhưng Người không thể sánh với Chúa Cha" (De Princ. I, II, 12).

"Chúa Cha biết chính mình đầy đủ, rõ ràng và hoàn hảo hơn Chúa Con biết Chúa Cha" (De Princ. IV, IV, 8).

Nói tóm lại, tư tưởng của Origène về Thiên Chúa Ba Ngôi, tuy phong phú, nhưng chưa được rõ ràng và đồng nhất. Có người cho rằng một phần tác phẩm của ông đã bị người sao chép và dịch thuật sửa lại (Rufino). Điều này có thể xảy ra, và việc khẳng định tùy thuộc vào khoa phê bình văn bản.

Điều chắc chắn là các Giáo phụ Epiphane và Jêrôme đã lên án ông chủ trương Hạ-phục-thuyết.

Nhưng có điều chắc chắn thứ hai là Origène không bao giờ xa rời đức tin của Giáo Hội. Bằng chứng là trong tác phẩm P e r i a r c v n , ông đã liệt kê những chân lý đức tin, đồng thời cũng viết ra những điều có thể bàn cãi. Không thể trách ông là không có đức tin chính thống, vì lúc ấy chưa có Đại Công Đồng xác định giáo lý đức tin. Vả lại, phải chấp nhận tư tưởng Giáo phụ có giai đoạn chưa rõ ràng chắc chắên.

Khó khăn của Origène là khó khăn của mọi Giáo phụ, nhưng đặc biệt là các Giáo phụ thời ông : làm thế nào để niềm tin vừa là Ba Ngôi vừa là độc thần ?

Trong trường hợp của ông, dường như có một sự xung khắc giữa "đức tin đơn sơ" và "thần học thông thái". Trong các bài giảng, niềm tin của ông vào Chúa Kitô thật là sâu sắc và tinh tuyền. Nhưng khi phải sử dụng triết học để giải thích nội dung đức tin, ông rơi vào khuynh hướng Hạ-phục-thuyết. Chính việc dùng các đoạn Kinh Thánh để xây dựng thần học cũng có thể đưa tới khuynh hướng này.

Đó cũng là trường hợp của Tertullien và Hyppolyte, nhưng ở một cường độ thấp hơn.

Niềm tin chân thành và lòng khiêm tốn khiến các Giáo phụ không đi quá đà và tự hào nắm được chân lý. Trái lại, não trạng duy lý và tính kiêu ngạo đã đưa nhiều người tới lạc giáo gây chia rẽ và xáo trộn trong Giáo Hội.

Hệ luận cuối cùng của Hạ-phục-thuyết là lạc thuyết Ariô. Nhưng cũng có một chút khác biệt : các khuynh hướng Hạ-phục-thuyết trực tiếp liên hệ tới Mầu nhiệm Ba Ngôi, và gián tiếp đụng vào mầu nhiệm Chúa Kitô ; lạc thuyết Ariô trực tiếp liên hệ đến mầu nhiệm Chúa Kitô, và gián tiếp đụng đến mầu nhiệm Ba Ngôi.

    1. LẠC GIÁO ARIÔ

1. Tính hiện đại của lạc thuyết Ariô

Ngày nay người ta nói nhiều đến sự "thức dậy của bè Ariô". Quả thực, vấn đề của Ariô được đặt lại dưới nhiều hình thái khác nhau.

Có người cho rằng Thiên Chúa, xét là Đấng Tuyệt Đối đã chết trong ngôn ngữ loài người, nhưng con người và sứ điệp của Đức Giêsu vẫn sống mãi trong tâm thức của nhân loại. Ngài vẫn ảnh hưởng trên lịch sử và không ngừng mời gọi con người sống giới răn yêu thương.

Người khác coi Đức Giêsu như "Thần Tượng", Siêu Nhân, Lý Tưởng phải đạt tới, như Mẫu Mực phải tuân theo.

Người khác nữa coi Đức Giêsu là chóp đỉnh của lịch sử, bông hoa của vũ trụ, triều thiên của nhân loại.

Con người hôm nay, với não trạng "trần tục", khó tin ở một "NGƯỜI - CHÚA", nửa giống con người, nửa giống Thiên Chúa ; là con người và là Thiên Chúa. Nhiều người khó chấp nhận thực tại bên ngoài hay bên trên con người. Họ có thể yêu Đức Giêsu, nếu Ngài không ở bên trên hoặc ở bên ngoài, nhưng ở bên trong, ở giữa...

Trong lịch sử tư tưởng hiện đại, một số khuynh hướng triết học và thần học nỗ lực định vị Đức Giêsu trong thế giới con người. Ngài là người giữa loài người.

Thế giới hôm nay cũng chứng kiến những khát vọng vươn lên tuyệt đỉnh, vượt qua không ngừng. Các nỗ lực và ước vọng của nhân loại thường được tô màu thiêng thánh : Tổ quốc thiêng liêng, Cách mạng thần thánh, Khoa học siêu phàm, Tình yêu tuyệt đối... Do đó có người coi Đức Giêsu như "Biểu Tượng" của những gì đẹp nhất trong con người. Ngài kết tụ nơi mình những giá trị thiêng liêng, thần thánh. Ngài là Đấng đáng yêu nhất. Thế giới và lịch sử không có lối thoát nào khác ngoài Người. Đức Giêsu trở thành một "Huyền thoại", một nguyên mẫu cần thiết cho nhân loại.

Trong các chiều hướng tư tưởng mới mẻ, có nhiều yếu tố chân lý phải lưu tâm. Không thể đơn thuần và tiên thiên gạt bỏ. Những ai có biết chút ít lịch sử thần học, không khỏi liên tưởng đến những vấn đề do Ariô đã đặt ra cách đây hơn 16 thế kỷ : Đức Giêsu có phải là Thiên Chúa đích thực không ? Thiên Chúa là Đấng không có khởi nguyên và không được sinh ra cơ mà ? Nếu là Thiên Chúa vô hình và vĩnh cửu, làm sao Đức Giêsu gần gũi với con người ?

Dĩ nhiên các phạm trù tư tưởng ngày nay khác với hôm qua. Cách đặt vấn đề cũng khác. Nhưng có lẽ vấn đề chỉ là một.

Người thời nay không thích các phạm trù hữu thể học, nên có cảm tưởng vấn đề của họ hoàn toàn mới mẻ so với vấn đề của Ariô đã quá cổ xưa. Thực ra, chỉ là một vấn đề : Người ta bảo Con Người là ai ?

Vấn đề của Ariô cũng là vấn đề được đặt ra trong Kinh Thánh, vấn đề của người Dothái, vấn đề của các Tông đồ : Nếu tin chỉ có một Thiên Chúa Giavê, làm sao chấp nhận ông Giêsu là Thiên Chúa ? Có thể đồng ý Người là Ngôn sứ của Thiên Chúa, Tôi tớ của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa theo nghĩa "Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn" ; nhưng tôn sùng Người là Thiên Chúa đi ngược niềm tin độc thần tuyệt đối.

Người hôm nay đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài và tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu, nên có cảm tưởng mình thực tế hơn, còn các tranh luận của Ariô quá xa vời, không ăn nhập gì với đời sống hiện tại. Thực ra cơ bản vẫn là một : Đức Giêsu thuộc thế giới thần linh, Ngài có liên hệ gì tới thế giới con người ?

Ngài là ai ? Câu hỏi vắn tắt này vẫn là câu hỏi nhân loại hôm nay và của mỗi một người chúng ta. Nhiều người thích trả lời một cách cụ thể, sống động, hiện sinh : "Đối với tôi, Ngài là..."

Nhưng không thể dừng lại ở bình diện tâm tình, hiện sinh mà phải vượt qua và đi đến bình diện hữu thể, cho dù không thích phạm trù hữu thể : Ngài là ai ? Đó là một câu hỏi đi tìm chân tính. Không thể lấy cớ dừng lại ở những lời Kinh Thánh để từ khước trả lời.

Câu hỏi và những cố gắng giải đáp đã có trước Ariô. Nhưng chưa bao giờ đặt ra một cách gay gắt trên bình diện hữu thể.

Trước ông, bình diện hiện sinh quan trọng hơn. Và phải công nhận rằng Kinh Thánh chú ý nhiều hơn tới bình diện này. Nhưng với thời gian, không thể tránh được sự thay đổi bình diện. Và một khi câu hỏi đã đặt ra trên bình diện hữu thể không thể quay ngược lại nữa. Nếu có trở lại để cho hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa sống động hơn, hiện sinh hơn, vẫn phải hiểu ngầm bình diện hữu thể.

  1. Niềm tin độc thần của Ariô

Câu hỏi của Ariô được đặt ra trong bối cảnh tư tưởng độc thần. Chỉ có Một Thiên Chúa Duy Nhất là Cha, Đấng không được sinh ra và không được tạo thành, vậy thì Đức Kitô là ai ?

Nếu Đức Kitô là Thiên Chúa như Thiên Chúa Cha, không còn niềm tin độc thần nữa, mà điều khoản quan trọng nhất của đức tin Công giáo là : Chỉ có Một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng không được sinh ra, chỉ có một Đấng vĩnh cửu, chỉ có một Đấng không có khởi đầu, chỉ có một Thiên Chúa đích thực, chỉ có một Đấng bất tử... (Athanase ; De synodis, 16 ).

Điều khoản này tựa trên lời Kinh Thánh và biểu lộ đức tin của toàn thể Dân Chúa : "Israel, hãy nghe đây, Giavê Chúa các ngươi là Thiên Chúa Duy Nhất". (Đnl 6,4)

Có thể trình bày điều khoản này dưới hình thái phủ định : " Không có ai bằng Thiên Chúa, không có ai giống Thiên Chúa, không có ai vinh quang như Thiên Chúa".

Vậy Đức Kitô là ai ?

Câu trả lời độc thần phải là : "Thiên Chúa là Đấng không được sinh ra, đối chiếu với kẻ tự bản chất đã được sinh ra ; Thiên Chúa là Đấng không có Nguồn gốc, so với kẻ có một nguồn gốc ; Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu, so với kẻ sinh ra trong thời gian".

Giải đáp của Ariô muốn bảo toàn nguyên vẹn đức tin độc thần.

Ariô không chấp nhận ý tưởng "Nhiệm sinh vĩnh cửu". Ông nêu ra ba lý do :

- Nếu từ đời đời, Thiên Chúa sinh ra Chúa Con, thì sự sinh ra này chia cắt và biến đổi bản thể thần linh ; mà Thiên Chúa là Đấng bất biến, đơn thuần, vô hình và bất khả phân chia...

- Đàng khác, nếu Chúa Con đồng hiện hữu với Chúa Cha, sẽ có hai "Nguyên Lý Tuyệt Đối" ; và Chúa Con là Đấng vừa không được sinh ra vừa luôn được sinh ra.

- Cuối cùng, nếu Chúa Con phát sinh từ Chúa Cha, Ngài sẽ là một thần linh theo kiểu các lý thuyết ngộ đạo chủ trương.

Nói tóm lại, theo Ariô, sự nhiệm sinh trong Thiên Chúa sẽ hủy hoại chính Thiên Chúa.

  1. Những sai lạc chủ yếu trong thần học của Ariô

a-Chúa Con không vĩnh cửu

Hai công thức khởi đầu của lạc thuyết Ariô đã trở thành rất quen thuộc đối với Giáo Hội : "Đã có lúc Ngôi Lời không hiện hữu" ; "Trước khi được sinh ra, Chúa Con chưa hiện hữu".

Thiên Chúa khác với con người. Các ưu phẩm của Ngài là những ưu phẩm phủ định : Đấng Bất Biến, Bất Tử, phi thời gian hay Vĩnh Cửu. Phải tách rời Thiên Chúa ra khỏi thế giới chóng qua, hay thay đổi của loài người.

Khẳng định rằng Đức Kitô không vĩnh cửu có nghĩa là xếp loại Ngài vào thế giới tạo vật. Ý tưởng này biểu lộ rõ ràng trong một vài đoạn của một tác phẩm có tên là "THALIA".

"Thiên Chúa không phải là Cha từ đời đời, có một lúc Thiên Chúa chỉ ở một mình và chưa phải là Cha. Sau đó Người mới trở thành Cha. Chúa Con không hiện hữu từ đời đời. Đã có lúc Ngài không hiện hữu. Ngài không hiện hữu trước khi sinh ra, nhưng Ngài có khởi đầu, nghĩa là được tạo dựng". (Oratio contra Arianos 5)

Vì gặp nhiều khó khăn khi công bố lý thuyết của mình, có lúc Ariô thay đổi hoặc thêm vào một số từ ngữ để được chấp nhận là chính thống :

"Vì là nguyên nhân của mọi loài, Thiên Chúa không có Khởi Nguyên và tuyệt đối một mình. Chúa Con, được sinh ra bởi Chúa Cha ngoài thời gian. Ngài đã được tạo dựng và hình thành trước các thế kỷ. Ngài không hiện hữu trước khi được sinh ra, nhưng được sinh ra ở ngoài thời gian, trước mọi sự, Ngài đã bắt đầu hiện hữu nhờ Chúa Cha. Ngài không vĩnh cửu, không đồng vĩnh cửu, không đồng bất sinh với Chúa Cha. Ngài không hiện hữu đồng thời với Thiên Chúa, khác với một số người chủ trương rằng Ngài và Chúa Cha là những hữu thể tương quan như hai nguyên lý cội nguồn. Vì là Khởi Nguyên độc nhất của mọi loài, Thiên Chúa có trước mọi sự. Do đó Người có trước Chúa Con". (Athanase, De synodis 16 )

b-Thiên Chúa dựng nên Chúa Con từ hư vô và do ý muốn của chính mình

Ý tưởng này biểu lộ trong lá thư tâm sự của Ariô gửi cho Eusêbiô, giám mục thành Nicômêđia :

"Chúng tôi bị bắt bớ vì đã nói rằng Ngôi Lời được rút ra từ hư vô. Chúng tôi đã nói như vậy về Chúa Con, vì Ngài không phải là một thành phần của Thiên Chúa và Ngài không phát sinh từ một thực tại đã có". (S. Epiphane, Panarion Haer LXIX, 6)

"Vì Thánh Ý của Chúa Cha, mà Chúa Con đã được tạo dựng trước thời gian và các niên kỷ, đã lãnh nhận từ Chúa Cha sự sống và vinh quang". (S. Athanase Synodis 16 )

Thiên Chúa đã dựng nên Ngôi Lời, hay là Minh Trí hoặc Chúa Con, và nhờ Chúa Con, Người tạo dựng vũ trụ và tất cả chúng ta.

Theo Athanasiô, Ariô chủ trương có hai Minh Trí :

- Thứ nhất là Minh Trí của Thiên Chúa đồng hiện hữu với Thiên Chúa.

- Thứ hai là Chúa Con được dựng nên trong Minh Trí, và được gọi là Minh Trí hay là Lời, vì được tham gia vào Minh Trí. Ngài là khôn ngoan đã hiện hữu vì sự Khôn ngoan, nghĩa là do Thánh Ý của Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan.

    1. Chúa Con không phải là Thiên Chúa đích thực, ngang bằng và đồng bản tính với Chúa Cha

Trong tác phẩm THALIA, Ariô nói rõ : Ngôi Lời không phải là Thiên Chúa đích thực, mặc dù được gọi là Thiên Chúa". Ngài là Chúa nhờ ân sủng của Thiên Chúa.

Tất cả những gì không phải là Thiên Chúa đều có bản tính khác Thiên Chúa ; Ngôi Lời không phải là Thiên Chúa, nên hoàn toàn khác biệt với Chúa Cha về bản tính và ưu phẩm. Ngài thuộc về thế giới tạo vật.

Đấng Nguyên Thủy Vô Nguyên đã làm cho Ngôi Lời nên Nguyên Nhân các tạo vật ; sau khi đã dựng nên Ngài, Thiên Chúa đã tuyển chọn Ngài làm Con. Do đó Chúa Con không có gì là thiên tính trong bản thể của chính mình. Xét về bản tính, Chúa Cha xa lạ với Chúa Con, vì Người là Đấng không có Khởi Nguyên.

    1. Ngôi Lời bất toàn và thay đổi

Bản tính của Ngôi Lời giống như chúng ta là "đổi thay". Người tốt lành bao lâu Người muốn qua các hành vi tự do. Như chúng ta, Người có thể thay đổi khi Người muốn ; bởi vì bản chất của Người là "đổi thay". Thiên Chúa tiên liệu là Người sẽ tốt lành, nên đã ban cho Người vinh quang, trước khi Người xứng đáng lãnh nhận qua các hành vi nhân đức trong kiếp sống nhân loại.

Khác với Chúa Cha, Chúa Con là Đấng bất toàn. Ngài không thấy và không biết trọn vẹn Chúa Cha. Ngài chỉ thấy và biết Chúa Cha theo mức độ của mình. Đối với Ngài, Chúa Cha vẫn là Đấng Khôn Tả.

Ngoài bốn ý tưởng sai lạc chủ yếu, Ariô còn chủ trương rằng Đức Giêsu Kitô không có linh hồn nhân loại, và chính Ngôi Lời, khi nhập thể, đóng vai trò này. Tư tưởng này báo trước lạc thuyết Appollinaire chủ trương Ngôi Lời là phần Tuệ Trí của Đức Giêsu Kitô.

Một sai lầm nữa của Ariô là chối thiên tính của Thánh Thần. Cha, Con và Thánh Thần hoàn toàn khác biệt nhau, xét về bản tính, quyền năng và vinh quang. Thánh Thần còn thấp kém hơn Chúa Con và tùy thuộc vào Chúa Con.

    1. ĐỨC TIN CỦA CÔNG-ĐỔNG NICÊ

Công đồng Nicê họp năm 325, do hoàng đế Constantinô triệu tập, là Đại Công Đồng đầu tiên và rất quan trọng trong lịch sử Giáo Hội.

Việc chuẩn bị Công đồng, tranh luận trong Công đồng và thời gian hậu Công đồng là một vấn đề phức tạp không thể trình bày tỉ mỉ. Chúng ta chỉ có thể nói tới đức tin của Công Đồng Nicê, một mặt chống lại lạc giáo Ariô, mặt khác xác định rõ hơn nội dung tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Tín điều Nicê là một tín điều Kitô và cũng là một tín điều Ba Ngôi (là tín điều Ba Ngôi vì là tín điều Kitô). Đó là một trường hợp tiêu biểu cho thấy hai mầu nhiệm Kitô và Ba Ngôi liên hệ mật thiết không thể tách rời.

Lúc đầu các nghị phụ muốn dùng từ ngữ Kinh Thánh để tuyên xưng đức tin của Giáo Hội : Lời Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, là Hình ảnh của Thiên Chúa Cha...

Eusêbiô thành Kaisaria đề nghị lời tuyên tín phép Rửa được dùng trong Giáo Hội của ông, các nghị phụ chấp nhận, nhưng sửa đổi rất nhiều, đặc biệt là những điều khoản liên hệ đến Chúa Con, Công đồng tuyên xưng một cách minh nhiên rõ ràng : Đức Kitô là Con Thiên Chúa, sinh bởi Thiên Chúa Cha, nghĩa là sinh từ bản thể Chúa Cha, là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha.

Từ ngữ gây tranh luận nhiều và sôi nổi là chữ "O m o o u d i o s", vì chữ này đã có lần bị một công đồng địa phương lên án lạc đạo (Antiokia 268), vì không công nhận tính thực hữu của Ngôi Con. Nhưng từ này được Giáo Hội Latinh ủng hộ đặc biệt vì nó giúp chống lại chủ trương đa thần (ba Chúa). Hoàng đế Constantinô cũng đồng ý sử dụng. Sau khi đã thống nhất về chữ "Đồng Bản Thể", Công đồng hoàn thành Bản Tuyên Tín và lên án các sai lầm của lạc thuyết Ariô :

"Ai nói rằng đã có lúc Ngôi Lời không hiện hữu, trước khi sinh ra, Người không hiện hữu, và Người đã được tạo thành từ hư vô hoặc từ một bản thể khác, phải vạ tuyệt thông".

"Ai nói rằng Con Thiên Chúa được dựng nên làø hữu thể bất toàn, biến dịch, cũng phải vạ tuyệt thông của Giáo Hội Công giáo".

Trừ hai vị, tất cả các nghị phụ có mặt tại Công đồng đều ký vào bản Tuyên tín. Tuy không chấm dứt được mọi tranh luận và xâu xé trong nội bộ Giáo Hội thời bấy giờ, Công Đồng Nicê đã đánh dấu một bước tiến quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực tín lý. Nội dung Đức tin được xác định rõ ràng dứt khoát, và từ đó không ai có thể tự xưng mình là Kitô-hữu, nếu tự ý ra ngoài các điều đã xác định.

Với Công đồng Nicê, Giáo Hội đã vượt trên lập trường bảo thủ từ khước những chữ không có trong Kinh Thánh, đồng thời quyết liệt chống lại lập trường Duy lý của Ariô giải thích mầu nhiệm bằng những biện chứng của lý trí, và giản lược Thiên Chúa vào khuôn khổ đầu óc con người.

Từ ngữ "Đồng Bản Thể" giúp Công đồng tránh được hai thái độ cực đoan. Nó trình bày chân lý trong Kinh Thánh dưới dạng "tín lý". Dạng này cần thiết vì những sai lầm xuất hiện khiến Giáo Hội phải khẳng định niềm tin của mình. Chân lý mạc khải vẫn là một, nhưng được hiểu rõ ràng và chính xác hơn trên một bình diện khác nối dài bình diện hiện sinh.

Ngày nay, vì con người không mấy thích bình diện hữu thể, từ ngữ "đồng bản thể" ít được dùng. Nhưng không ai được ra ngoài nội dung của từ ngữ. "Đồng Bản Thể" trở thành từ ngữ giới hạn : chúng ta có quyền trình bày cách khác, nhưng không được hiểu khác. Đức tin Công giáo không chấp nhận tình trạng mơ hồ, nhưng tuyên xưng thẳng thắn rằng Đức Kitô là Thiên Chúa. Không phải vì thế mà có ba Chúa. Vẫn chỉ có Một Thiên Chúa Duy Nhất và Đức Kitô là một với Người.

Từ ngữ "Đồng Bản Thể" còn là giới hạn theo một nghĩa thứ hai là đặt con người trước một huyền nhiệm khôn dò thấu : Đức Kitô là một với Thiên Chúa Cha, nhưng không là Thiên Chúa Cha. Chúng ta tin chỉ có Một Thiên Chúa, nhưng đồng thời Đức Kitô cũng là Thiên Chúa.

Bản Tuyên tín của Công đồng rất dứt khoát và rõ ràng, dù vậy cũng còn nhiều thiếu sót : Công đồng không nói tới việc Chúa Cha sinh ra Chúa Con từ đời đời, cũng không nói tương quan giữa tính duy nhất và Ba Ngôi Vị trong Thiên Chúa.

Ở đây chúng tôi ghi lại cả hai bản tuyên tín của Giám mục Eusêbiô thành Kaisaria và của Công đồng Nicê để độc giả đối chiếu :

Tuyên Tín của Giám Mục Eusêbiô

* "Chúng tôi tin một Thiên Chúa duy nhất là Cha toàn năng, Đấng tạo thành mọi sự hữu hình và vô hình.

** Một Đức Giêsu Kitô Ngôi Lời của Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, sự sống từ sự sống, là Con duy nhất, trưởng tử giữa các loài tạo vật, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời. Nhờ Người muôn vật được tạo thành. Để cứu rỗi chúng tôi Người đã trở nên xác phàm và ở giữa chúng tôi, Người đã chịu khổ hình và sống lại ngày thứ ba. Người lên trời và

Tuyên tín của Công đồng Nicê

* Chúng tôi tin một Thiên Chúa là Cha Toàn năng tạo dựng muôn vật hữu hình và vô hình.

** Một Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, Đấng duy nhất sinh bởi Chúa Cha, nghĩa là từ bản thể Chúa Cha, là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Người được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha. Nhờ Người muôn vật được tạo thành

sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

*** Chúng tôi tin một Thánh thần. Chúng tôi tin mỗi vị đều hiện hữu thực sự. Cha đích thực là Cha. Con đích thực là Con. Thánh Thần đích thực là Thánh Thần. Như chính Chúa đã nói khi sai các Tông đồ rao giảng : " Hãy đi và giảng dạy chư dân..."

trên trời dưới đất. Vì chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế, đã nhập thể làm người, đã chịu khổ hình, đã sống lại ngày thứ ba, đã lên trời và trở lại phán xét kẻ sống và kẻ chết.

*** Chúng tôi tin Thánh Thần".

 

Nếu so sánh hai Bản Tuyên Tín, phải công nhận bản của giám mục Eusêbiô thành Kaisaria gần với từ ngữ Kinh Thánh hơn.

Nhưng nếu xét về nội dung, thì không đầy đủ và rõ ràng như Bản Tuyên Tín của Công đồng Nicê. Công đồng đã phải thêm vào một số từ ngữ để xác định lập trường chống lạc giáo Ariô. Công đồng :

- Thay chữ "Lời Thiên Chúa" bằng chữ "Con Thiên Chúa"

- Thêm vào sau chữ "sinh ra từ Chúa Cha" chữ "từ bản thể Chúa Cha, là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa"

- Giải thích từ ngữ "sinh ra" bằng từ ngữ "không được tạo thành"

- Đưa vào chữ "đồng bản thể với Đức Chúa Cha".

    1. CHÚA THÁNH THẦN VÀ CÔNG ĐỔNG CONSTANTINOPLE I (Năm 381)

Đối với các kitô-hữu trong 3 thế kỷ đầu công nguyên, Thánh Thần là Thần Linh, là Quyền Năng sáng tạo và cứu độ, là Ánh Sáng mạc khải, hướng dẫn cộng đoàn, và cũng là Hồng Ân thời Messia được đổ tràn vào tâm hồn các tín hữu.

Thánh Thần là Thần Khí Chúa Kitô, vì Đức Kitô là Đấng được xức dầu Thần Khí, đầy tràn Thần Khí, và là Đấng Trung Gian ban phát Thần Khí của Chúa Cha cho tất cả những ai tin vào Ngài.

Theo nhiều học giả, trong giai đoạn này, chưa có ý thức minh nhiên về Ngôi Vị Thánh Thần giống như Ngôi Vị Chúa Cha và Ngôi Vị Chúa Con. Ngài là Hồng Ân của Thiên Chúa và là Quyền Năng cứu độ của Thiên Chúa, có quan hệ mật thiết với nhũng gì xảy ra cho Đức Giêsu Con Thiên Chúa.

Dựa trên ngôn ngữ của Kinh Thánh, Thánh Atanasio và Hilario không bao giờ gọi Thánh Thần là Thiên Chúa (Theos). Chính trong khi bàn luận về Thần Tính của Chúa Thánh Thần, ý thức và sự minh nhiên hóa càng ngày càng rõ ràng hơn nội dung đức tin Chúa Thánh Thần đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, chống lại lạc giáo Macédoniens chối thần tính của Chúa Thánh Thần. Nội dung đức tin này được xác quyết và định tín tại Công Đồng Constantinople I năm 381.

Các thư của Atanasio gởi Sérapion và tác phẩm De Spiritu Sancto (về Chúa Thánh Thần) của Basilio giúp chúng ta hiểu một cách đại cương các vấn nạn mà nhóm Macédoniens đặt ra. Nhóm này tin sự duy nhất và đồng bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con, nhưng chối thần tính của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần là một trong những thần linh phục vụ, chỉ khác biệt với các thiên thần về cấp bậc. Như vậy Ba Ngôi không thực sự là Ba Ngôi ngang bằng nhau. Thánh Atanasio coi quan niệm này là lạc giáo, và khẳng định Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng hoạt động tạo dựng cũng như cứu độ, vì có cùng một bản thể thần linh.

Chúa Thánh Thần thánh hóa, làm cho chúng ta thông phần thần tính của Thiên Chúa (thần hóa). Sự hiện diện của Ngài làm cho thân thể người kitô-hữu trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa (1 Cr 3,16-17). Đối với Atanasio, chính nguyên lý cứu chuộc học giúp nhận ra đức tin chính thống. Công việc thần hóa của Chúa Thánh Thần là bằng chứng chắc chắn về thần tính của Ngài.

Qui luật cầu nguyện là qui luật đức tin. Chính vì thế những kẻ rối đạo không tôn thờ Chúa Thánh Thần cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Còn đối với thánh Basilio thì không còn nghi ngờ gì nữa về cả 3 Danh Xưng trong công thức rửa tội (Mt 28,19) chỉ Ba Đấng ngang hàng. Công thức rửa tội diễn tả chính xác niềm tin của Giáo Hội Công Giáo. Để làm nổi bật sự đồng bản thể của Chúa Thánh Thần với Chúa Cha và Chúa Con, vì Chúa Thánh Thần là đối tượng cùng được tôn thờ với Chúa Cha và Chúa Con, Basilio thay vào câu chúc tụng Vinh Danh Chúa Cha nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, câu chúc tụng mới là Vinh Danh Chúa Cha cùng với Chúa Con và cùng với Chúa Thánh Thần.

Đó là con đường dẫn tới Công Đồng Constantinople I khẳng định Chúa Thánh Thần chia sẻ cùng bản tính thần linh với Chúa Cha và Chúa Con. Công đồng không dùng ngôn ngữ Công Đồng Nixê để diễn tả Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha. Công đồng chọn cách diễn tả sống động hơn và có đặc tính phụng vụ nhiều hơn. Công đồng tránh dùng chữ homoousios, và không nhấn mạnh chút nào việc Chúa Thánh Thần phát xuất từ bản thể Chúa Cha.

Công đồng khẳng định cách tích cực Thánh Thần là Chúa (Kurios) và là Đấng Ban Sự Sống. Được gọi là Chúa, Ngài thuộc về thế giới thần linh, không là tạo vật ; Ngài hoàn toàn siêu việt đối với vũ trụ. Là Đấng ban sự sống, Ngài có vai trò tạo dựng, Ngài có sự sống từ đời đời ; Ngài không chỉ là Hồng Ân sự sống, mà còn là Đấng ban sự sống cho loài người. Để nói lên nguồn gốc của Ngài bởi Chúa Cha và phân biệt Ngài với Chúa Con, Công Đồng dùng chữ phát xuất (ekporèse), vì Chúa Thánh Thần không được sinh ra như Chúa Con được Chúa Cha sinh ra. Vì có tương quan nguồn gốc đặc biệt với Chúa Cha và Chúa Con, Ngài xứng đáng cùng được phụng thờ với Chúa Cha và Chúa Con.

Để chống lại khuynh hướng ngộ đạo thuyết, Công Đồng nhấn mạnh tác động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử, hoạt động của Ngài trong các biến cố lịch sử của Dân Israel. Để nối kết Cựu Ước với Tân Ướùc, Công Đồng dùng thành ngữ Ngài đã phán dạy qua các tiên tri.

 

 

 

 


Trở Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà