BƯỚC THEO THẦN KHÍ

ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc

 

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy bước đi theo Thần Khí (Ga 5, 16-18) để được trở nên những người con tự do của Thiên Chúa. Sống đời kitô-hữu tốt đẹp là biết bước đi theo Thần Khí, để Thần Khí dẫn đưa. Thần Khí dẫn chúng ta đi đâu ?

 

I. THẦN KHÍ VÀ MẦU NHIỆM ĐỨC KITÔ.

 

Chúng ta học hỏi nhiều về Đức Kitô, nhưng có thể vẫn chưa biết Người, chưa yêu mến và gắn bó với Người. Lý do là vì chúng ta chưa bước đi theo Thần Khí của Người. Người là Sự Thật, nghĩa là Mạc Khải trọn vẹn Tình Thương của Thiên Chúa. Và không ai có khả năng đưa dẫn chúng ta vào tất cả Sự Thật, ngoại trừ Thần Khí (Ga 16, 13), như lời Đức Kitô đã hứa.

 

Thần Khí  có những đam mê của Thần Khí, mà những  đam mê  ấy chống  lại các đam mê của xác thịt (Gl 5, 17). Đôi đàng cự lại nhau, không đội trời chung. Do đó điều kiện đầu tiên để bước theo Thần Khí là không thoả mãn các đam mê của xác thịt (Gl 5, 16).

 

Đam mê xác thịt có nhiều loại (Gl 5, 20-21). Đối với chúng ta, tựu trung có thể quy về bốn loại :

 

+ Loại đam mê ô uế làm cho tâm hồn vẫn đục vì những tâm tình, tư tưởng, lời nói, cử chỉ không trong sạch. Tâm hồn không trong sạch là tâm hồn u tối, không thể nhìn thấy Thiên Chúa. Muốn bước theo Thần Khí Thánh Thiện đi vào mầu nhiệm Chúa Kitô, phải can đảm chống lại những đam mê loại này.

 

+ Loại đam mê ganh ghét xuất hiện dưới nhiều hình thức, đôi khi rất tinh vi và khéo trá hình. Những đam mê này là mầm mống bực tức và chia rẽ, khiến cá nhân và cộng đoàn không được bình an, và làm cho con người không hiểu được Tình Yêu của Thiên Chúa mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô. Muốn bước theo Thần Khí Tình Yêu và Hiệp Nhất, phải tiêu diệt mọi mầm mống chia rẽ trong tâm hồn và không ngừng xây dựng sự hiệp nhất.

 

+ Loại đam mê kiêu căng cũng thể hiện dưới nhiều hình thái : lòng tự ái, sự nhạy cảm quá mức ; sự lấn lướt, không bao giờ chịu thua người khác ; thái độ dễ bất bình ; thái độ tự phụ tự mãn ; thói quen chiều theo ý riêng mình.

 

+ Loại thích ươn lười dễ dãi, do sự nặng nề của xác thịt không muốn cố gắng, không phấn đấu. Loại này biểu hiện sức ỳ của xác thịt ngăn trở bước chân người kitô-hữu đi theo Thần Khí.

 

Muốn bước theo Thần Khí,  phải đóng  đinh xác  thịt vào  thập giá cùng với  các tình dục và  đam  mê (Gl 5, 24), để cho Thần Khí thúc giục, hướng dẫn và chiến đấu trong chính mình.

 

Thần Khí sẽ không ngừng thanh luyện tâm hồn chúng ta, để tâm hồn nhìn thấy Thiên Chúa mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô. Thần Khí thanh luyện cũng là Thần Khí Tình Yêu, sẽ làm cho chúng ta hiểu được Tình Yêu của Thiên Chúa biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô, tiếp nhận và gắn bó với Tình Yêu ấy.

 

Thần Khí cũng là Đấng uốn nắn tâm hồn, làm cho chúng ta trở nên những con người cởi mở, mềm dẻo, dễ dạy, khiêm nhu. Thần Khí làm cho chúng ta có khả năng lắng nghe Lời, đón nhận và thực thi Lời. Thần Khí khai mở tinh thần chúng ta cho sự hiện diện của Chân Lý.

 

Thần Khí là sức mạnh, là hiệu năng chiến thắng sự ươn lười, khuynh hướng dễ dãi buông trôi. Thần Khí lôi kéo chúng ta đi tới, trải qua các chặng đường của cuộc sống, bất chấp mọi chông gai hay chướng ngại, để chúng ta có thể vượt qua cùng với Đức Kitô hành trình hướng về Thiên Chúa.

 

II. BƯỚC THEO THẦN KHÍ TRÊN CON ĐƯỜNG VƯỢT QUA.

 

Con đường của Chúa Kitô là con đường vượt qua ; bước theo Chúa Kitô là bước đi trên con đường vượt qua của Chúa. Khó khăn chính của chúng ta là không vượt qua được với Chúa. Chúng ta không vượt qua được con người của mình để cùng với Chúa Kitô đến với Chúa Cha. Muốn đến với Chúa Cha, cần phải rời bỏ chính mình, rời bỏ thế giới riêng của mình : tình cảm, tiền bạc, ý riêng, sở thích, định kiến...

 

Kinh Thánh và ngay cả kinh nghiệm thực tế cho thấy từ bỏ là điều rất khó. Muốn thực hiện được, phải chiều theo sự thúc đẩy của Thần Khí. Mầu nhiệm Vượt Qua là mầu nhiệm Xuất Hành : phải ra đi, ra khỏi thế giới nô lệ. Con đường vượt qua là con đường giải phóng.

 

Thiên Chúa  là Đấng giải phóng, giải thoát chúng ta khỏi những đam mê xác thịt, giải phóng chúng ta khỏi con người của mình. Được giải thoát khỏi chính mình, chúng ta trở thành con cái tự do của Thiên Chúa. Thần Khí là Đấng mở đường xuất hành cho chúng ta. Trước hết Người khai mở tâm hồn của chúng ta cho sự hiện diện của Thiên Chúa.

 

Thần Khí nối kết, khai mở, giải phóng, tạo ra những quan hệ mới : hiệp thông, soi sáng, làm cho chúng ta trở nên nhạy cảm với những giá trị thiêng liêng. Thần Khí là Sức Mạnh, làm cho chúng ta vượt mọi trở ngại để có thể hiện diện với Thiên Chúa.

 

A. THẦN KHÍ LÀ ĐẤNG NỐI KẾT.

 

Trước hết, Thần Khí nối kết chúng ta với Chúa Kitô, và nhờ liên kết với Chúa Kitô, chúng ta mới có thể vượt qua với Người. Thần Khí nối kết tình cảm của chúng ta với Chúa Kitô, làm cho tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô trở thành một đam mê mãnh liệt. Chính đam mê này sẽ khiến chúng ta dễ dàng từ bỏ các loại quyến rũ khác, và sẵn sàng rời bỏ con người cũ của mình.

 

Thần Khí còn nối kết tư tưởng chúng ta với Chúa Kitô, giúp chúng ta luôn nghĩ tới Chúa. Nhờ có hình ảnh Chúa Kitô trong tâm trí, chúng ta ít bị chi phối bởi những tư tưởng đen tối hay bi quan, những ý nghĩ xấu xa về tha nhân, bởi những vấn đề thường quấy rầy chúng ta.

 

Thần Khí còn nối kết chúng ta với anh em, để đồng hành với anh em, biết nâng đỡ và đón nhận sự giúp đỡ của anh em. Thần Khí không để chúng ta cô đơn một mình trên con đường vượt qua. Thần Khí là Đấng tạo ra những quan hệ mới, ngay cả với những người mà chúng ta chung sống trong thời gian lâu dài. Sự nhàm chán trong đời sống thiêng liêng và đời sống chung thường phát xuất từ sự thiếu đổi mới nội tâm. Sự đổi mới này chỉ có thể thực hiện được trong Thần Khí.

 

B. THẦN KHÍ LÀ ĐẤNG GIẢI THOÁT VÀ LÀ SỨC MẠNH.

 

Thần Khí giải thoát chúng ta khỏi những dây mơ rễ má, ngăn cản chúng ta hành trình theo Chúa Kitô. Những dây ràng buộc vô hình, tuy rất nhỏ, nhưng rất nhiều. Chỉ có Thần Khí ban cho chúng ta ơn can đảm nhổ bật gốc tất cả những ràng buộc.

 

Thần Khí còn là sức mạnh thần thiêng làm cho chúng ta không bao giờ mệt mõi, mất sức trên con đường hành trình. Có Thần Khí, càng đi tới, chúng ta càng được tăng thêm sức lực, giống như Elia hành trình đi về núi Horeb.

 

C. THẦN KHÍ LÀ ĐẤNG SOI SÁNG VÀ KHAI MỞ.

 

Có những lúc đường đi của chúng ta như mờ tối, chúng ta cần sự soi sáng của Thần Khí, để đi cho đúng hướng, khỏi rơi vào những vực sâu, hoặc té ngã nặng nề khó chỗi dậy. Quan trọng hơn cả là sự soi sáng của Thần Khí làm cho chúng ta nhạy cảm với những giá trị thiêng liêng, mà bình thường chúng ta nhận thấy xa vời, không thực tế, không ăn nhập với đời sống của mình.

 

Thần Khí mở lòng mở trí cho chúng ta, để chúng ta nhận ra ý muốn của Thiên Chúa, giúp chúng ta giải quyết tốt đẹp các vướng mắc, dạy chúng ta cách cư xử cho phù hợp với ơn gọi kitô-hữu.

 

D. THẦN KHÍ LÀ ĐẤNG HIỆP THÔNG.

 

Thần Khí là Đấng Hiệp Thông. Phaolô gọi Người là Ơn Thông Hiệp. Người ban cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc những lúc tâm hồn chúng ta kết hiệp với Chúa Kitô, và nhờ Chúa Kitô, chúng ta được thấy Thiên Chúa. Sự hiệp thông giữa chúng ta với Chúa Kitô và Thiên Chúa có thể xảy ra thường xuyên, bất cư ùlúc nào Thiên Chúa muốn.

 

Thần Khí còn cho chúng ta thưởng nếm sự ngọt ngào của hiệp thông huynh đệ, cảm nghiệm niềm vui trong tình yêu dành cho anh em.

 

Thần Khí làm cho sự sống thần linh trong chúng ta triển nở và lớn lên, đạt tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô , vào ngày mà chúng ta cùng với Chúa Kitô đối diện với Chúa Cha cách trọn vẹn.

 

III. BƯỚC THEO THẦN KHÍ TRÊN CON ĐƯỜNG DẤN THÂN PHỤC VỤ.

 

A. CÔNG VIỆC PHỤC VỤ CỦA ĐỨC KITÔ.

 

Theo các Tin Mừng Nhất Lãm, mục tiêu của việc Đức Giêsu đến thế gian là “để phục vụ và hy sinh mạng sống làm giá cứu chuộc nhiều người” (Mt 20, 28). Trong tinh thần của Đức Giêsu, ơn cứu độ mà Người mang đến cũng được nhìn trong quan điểm phục vụ. Theo Tin Mừng Gioan, cử chỉ mạc khải sứ mạng phục vụ của Chúa rõ ràng và sâu xa hơn cả là việc “Người cúi mình rửa chân cho các môn đệ trước khi ra đi chịu chết” (Ga 13, 1-17). Niềm vui và lẽ sống của Đức Giêsu là phục vụ Thiên Chúa và nhân loại cách triệt để.

 

Các môn đệ và cả Hội Thánh đều được Đức Giêsu yêu cầu phục vụ chứ đừng thống trị (Mc 9, 35).

 

B. VIỆC PHỤC VỤ CỦA CHÚNG TA.

 

Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta sống phục vụ như một thái độ nền tảng, một lựa chọn căn bản.

 

1. Phục vụ phải là thái độ nền tảng.

 

Phục vụ phải là một thái độ nền tảng chi phối toàn bộ cuộc sống, từ lời nói, cử chỉ cho đến quyết định và hành động. Thái độ nền tảng của con người phục vụ là thái độ tự đặt mình ở dưới, chứ không ở trên ; là thái độ sống cho tha nhân và vì tha nhân, không sống cho mình và vì mình.

 

Khuynh hướng khép mình, phòng thủ và tự vệ rất mạnh nơi chúng ta. Nếu không có “sức mạnh lớn hơn” tác động, con người chúng ta sẽ không thoát khỏi sự ràng buộc của những khuynh hướng này. Đối với người kitô-hữu, sức mạnh ấy là Thần Lực của Đức Kitô Phục Sinh. Muốn có thái độ phục vụ đích thực, chúng ta phải là những con người đầy Thần Khí. Ngài là Đấng khai mở lòng trí, giúp chúng ta ra khỏi chính mình, đưa chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân.

 

2. Phục vụ là một lựa chọn.

 

Phục vụ là một lựa chọn, vì chúng ta có thể từ chối, không phục vụ, sống một cuộc đời ích kỷ, chỉ sống vì mình và cho mình. Lựa chọn này được gọi là cơ bản, vì nó đụng tới những gì vừa thâm sâu, vừa thực tế trong cuộc đời là những quyền lợi vật chất và tinh thần của con người. Sự lựa chọn cơ bản này đôi khi rất cam go. Nó như phải xé nát lớp màn bao bọc, để cho cái tôi được giải thoát. Sự xé rách này làm cho chúng ta rất đau đớn, đôi khi giống sự huỷ diệt, giống như cái chết. Kitô-hữu chúng ta phải rất can đảm, mới lựa chọn con đường phục vụ, sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Mọi người chúng ta đều cần ơn dũng cảm của Thần Khí để kiên trì bước đi trên con đường dấn thân phục vụ.

 

3. Phục vụ theo yêu cầu của những người chúng ta yêu mến.

 

Tinh thần phục vụ bao giờ cũng sáng suốt và nhạy bén, biết khám phá các nhu cầu của tha nhân. Nhu cầu của con người thì vô vàn, nên người kitô-hữu cần được Thần Khí soi sáng để nhận ra bậc thang giá trị và sự cấp thiết của chúng, đồng thời thấy được khả năng của mình. Tinh thần phục vụ có thể thực hiện theo hai hướng bổ túc cho nhau : hướng về sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội, và hướng ra bên ngoài Giáo Hội hữu hình.

 

C. NHỜ THÁNH THẦN, VỚI THÁNH THẦN VÀ TRONG THÁNH THẦN, XÂY DỰNG NHIỆM THỂ

    CHÚA KITÔ.

 

Ai phục vụ Chúa Kitô là sống cho Chúa và chết cho Chúa. Phục vụ Hội Thánh là phục vụ Chúa Kitô, vì Hội Thánh là Thân Thể Huyền Nhiệm của Chúa Kitô, là Hôn Thê yêu dấu của Người.

 

Người của Hội Thánh là người sống và chết cho Hội Thánh. Cuộc đời của những con người này không còn thuộc về họ nữa, nhưng thuộc về Hội Thánh và thuộc về Chúa Kitô.

 

Thái độ nền tảng của loại người này là không làm gì riêng cho mình, mà làm tất cả cho Hội Thánh. Trong thực tế, thái độ này rất hiếm, vì con người không ngừng bị cám dỗ qui về bản thân. Nhiều sinh hoạt trong Hội Thánh mang dáng vẻ phục vụ, thực ra còn chứa đựng nhiều ẩn ý phức tạp cần được thanh tẩy không ngừng. Kitô-hữu chỉ là người hoàn toàn phục vụ Hội Thánh, khi có Thần Khí mà Đức Kitô Phục Sinh ban cho để xây dựng Nhiệm Thể của Người.

 

1. Phục vụ trong tinh thần hiệp nhất.

 

Dù là những con người đầy giới hạn, chúng ta vẫn được Chúa Kitô dùng làm thợ vườn nho của Người, nếu chúng ta muốn, với điều kiện tất cả chúng ta đều lãnh nhận Thánh Thần và quy hướng về cùng một mục tiêu duy nhất là xây dựng Hội Thánh.

 

Chúng ta vừa phải xác tín, vừa ước ao mãnh liệt quy về cùng một mối, thì mới có thể phục vụ cách chân thực. Đầu mối sự Duy Nhất là Chúa Kitô, và đầu mối hữu hình là Đức Thánh Cha, là Giám mục Giáo phận.

 

Theo Phaolô, tất cả chúng ta, nhờ chịu thanh tẩy mà nhập vào Thân Mình Độc Nhất..., hết thảy chúng ta  được uống cùng Thần Khí độc nhất (1Cr 12, 13). Thần Khí thúc đẩy và ban ơn phục vụ là Thần Khí Độc Nhất (1Cr 12, 4), nên mọi ý tưởng và tâm tình chia rẽ trong những người phục vụ Hội Thánh, chắc chắn không do Thánh Thần, nhưng phát xuất từ con người cũ, hoặc do Satan xúi giục. Ai muốn phục vụ Hội Thánh đúng theo ý muốn của Đức Kitô và sự hướng dẫn của Thần Khí, phải cảnh giác tối đa trước những hành vi và lời nói của mình cũng như của tha nhân, có thể tạo ra sự phân rẽ hay phân hóa trong nội bộ Hội Thánh.

 

2. Dịch vụ đa diện.

 

Mục tiêu duy nhất của phục vụ là xây dựng một Thân Mình Độc Nhất. Mục tiêu đó quá lớn lao đối với chúng ta, là mục tiêu của Thần Khí và của mọi người kitô-hữu, nên công việc phục vụ mục tiêu ấy chỉ có thể thực hiện bằng những dịch vụ đa diện.

 

Dù không rời bỏ tinh thần hiệp nhất như là thái độ nền tảng, chúng ta bước sang cấp độ thứ hai là làm những gì để phục vụ , và làm như thế nào ? Đây là một câu hỏi rất thực tế, vì vừa đụng tới đối tượng phục vụ, vừa có tương quan với chủ thể phục vụ.

 

Trong cái nhìn đức tin, quan hệ đặc biệt giữa một công việc phục vụ với một chủ thể phục vụ được coi là một đặc sủng, một ơn đặc biệt của Thần Khí nhằm xây dựng Thân Mình Duy Nhất.

 

Người lãnh đạo khôn ngoan trong Hội Thánh không dập tắt ân sủng, trái lại còn nuôi dưỡng, phát huy và hướng dẫn các đặc sủng quy về một đầu mối duy nhất.

 

Chủ the åđặc sủng phải lợi dụng tối đa ơn riêng của mình, không để phô trương, hay làm điều gì cho bản thân, nhưng nhằm phục vụ lợi ích chung.

 

Chủ thể phục vụ phải dung hòa với đối tượng được phục vụ, vì vấn đề không chỉ là ai phục vụ, mà còn là phục vụ ai ? Đức ái mục vụ của con người dấn thân phục vụ sẽ làm công việc dung hòa này. Thần Khí có thể làm nảy sinh ân sủng cần thiết nơi chủ thể phục vụ để đáp ứng cho những đối tượng được phục vụ. Vả lại đây là lãnh vực mà ân sủng và tự do cộng tác với nhau cách mật thiết. Nhờ phục vụ cụ thể, người kitô-hữu có cơ hội phát triển khả năng của mình và khám phá những khả năng mới. Tất nhiên không nên quá đặt nặng điều này,kẻo làm hỏng tinh thần vô vị lợi của Tin Mừng.

 

D. PHỤC VỤ VÔ VỊ LỢI.

 

Để bước theo Thần Khí dấn thân phục vụ trong Hội Thánh, điều đầu tiên chúng ta cần xác tín và luôn luôn tâm niệm là đừng bao giờ nghĩ đến quyền lợi riêng của mình.

 

Quyền lợi riêng, dưới bất cứ hình thức nào, đều làm cho chúng ta trở nên những con người tính toán e dè, không dám liều mình vì Chúa Kitô và Hội Thánh. Có khiquyền lợi riêng còn đưa đến những lời nói, việc làm thiếu đức ái, nhằm giảm thiểu hay triệt hạ uy tín của người khác ; đưa đến sự chia rẽ trong nội bộ Giáo Hội, tạo ra những gương mù lớn trong giáo dân, và đôi khi cho cả lương dân.

 

Tinh thần vụ lợi hoàn toàn đi ngược với bản chất của việc phục vụ, làm cho việc phục vụ bị ung thối từ bên trong. Do đầu óc vụ lợi, bất cứ công việc phục vụ nào, ngay cả việc phục vụ Lời Chúa hay Bàn Thánh, đều trở nên một sự lạm dụng hay trục lợi đáng nguyền rủa. Tinh  thần vụ lợi là tinh thần thế gian, không ngừng cám dỗ và rình rập những con người phục vụ, nhất là trong những lúc mỏi mệt, buồn phiền. Cám dỗ hưởng thụ là một cám dỗ khó tránh, ngay cả đối với các mục tử trong Hội Thánh.

 

Muốn tránh khỏi tinh thần vụ lợi, chúng ta phải không ngừng chiều theo sự lôi cuốn của Thần Khí, hướng về Thiên Chúa và tha nhân ; không ngừng ra khỏi mình, rời bỏ mình, chấp nhận mất mát, thiệt thòi, không được gì cho riêng mình.

 

Con người phục vụ vô vị lợi là con người không đòi hỏi, không chờ đợi người khác đáp trả, do đó trở nên những con người tự do đích thực. Con người phục vụ vô vị lợi biết chia sẻ những gì mình có hay nhận được trong khi phục vụ. Lòng rộng rãi và tinh thần khó nghèo đi đôi với việc phục vụ vô vị lợi.

 

Người phục vụ vô vị lợi là con người bao dung, biết tôn trọng tự do của người khác, không áp đảo tha nhân cách độc đoán, bắt buộc họ phải nhận sự phục vụ của mình. Người vô vị lợi lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ, không ngại ngùng, không chần chờ vì sợ thiệt thòi. Người vô vị lợi biết vui khi yêu thương và vì yêu thương, tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong khi phục vụ.

 

E. PHỤC VỤ KHIÊM  TỐN VÀ ÂM  THẦM.

 

Thánh Thần là một vị Thiên Chúa khiêm tốn, không ngừng phục vụ Chúa Kitô, phục vụ Hội Thánh, phục vụ nhân loại một cách âm thầm.

 

Thánh Thần soi sáng tâm hồn kitô-hữu cách âm thầm, nhẹ nhàng thúc đẩy hay gợi ý, không bao giờ áp đặt. Thánh Thần là vị Thiên Chúa của chiều sâu, nên không chấp nhận phô trương bề mặt. Càng ngày Thánh Thần dường như càng ít thích những việc lạ lùng, vĩ đại, những việc làm kinh thiên động địa ; trái lại Ngài càng ẩn mặt đi mà vẫn hoạt động không ngừng.

 

Khiêm tốn là đặc tính cốt yếu của con người phục vụ. Người kiêu căng không thể phục vụ được, nhưng chỉ cai trị và áp đảo, vì phục vụ là đặt mình ở dưới người khác, mà người kiêu ngạo thì đặt mình lên trên. Khi phục vụ, người kiêu ngạo thường làm sỉ nhục, làm mất tự do của nhiều người, tạo ra bất bình nơi nhiều người khác nữa.

 

Cám dỗ háo danh cũng rình rập con người phục vụ. Khi phục vụ, nhiều người muốn cho thiên hạ biết mình phục vụ, công nhận sự hy sinh của mình, hoặc muốn được đề cao trong công việc mình phục vụ. Vì thiếu khiêm tốn, nhiều người thất vọng và u buồn, khi không được hoan nghênh, hay khi thất bại trong công việc. Vì thiếu kiên trì và khiêm tốn, nhiều người sờn lòng và nản chí, bỏ dở công việc phục vụ.

 

Để có thể chấp nhận sự âm thầm trọn vẹn trong khi phục vụ, người kitô-hữu phải có đời sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Họ chỉ cần Thiên Chúa nhìn thấy trong kín ẩn những việc họ làm và thưởng công cho họ cách âm thầm kín đáo. Chính vì thế, vai trò của Thần Khí càng quan trọng và cần thiết cho những dịch vụ âm thầm, hơn cả những việc làm lộ thiên hay mặt nổi.

 

F. BƯỚC THEO THẦN KHÍ HẾT MÌNH PHỤC VỤ.

 

Tinh thần phục vụ đích thực bao giờ cũng đưa tới hành động cụ thể, chứ không dừng lại lãnh vực suy tư hay ý muốn. Chính vì thế mà có vấn đề rất cụ thể đặt ra là phục vụ đến mức nào ?

 

Không thể nào không đặt ra vấn đề này, vì sức con người có hạn, hơn nữa còn có quy luật thời gian. Vả lại ích lợi của việc phục vụ tinh thần không thể đo lường được. Con người chỉ có thể đo lường sức mình bỏ ra để phục vụ. Ngoài ra sự hướng ngoại không ngừng của một con người phục vụ, đến một lúc nào đó, vừa trở nên nguy hại cho chủ thể phục vụ, vừa vô bổ cho đối tượng được phục vụ.

 

Có những nguyên tắc nào giúp sống cuộc đời phục vụ theo Thần Khí một cách hữu ích và quân bình ?

 

1. Phục vụ hết mình.

 

Người kitô-hữu bước theo Thần Khí lúc nào cũng phải sẵn sàng phục vụ và phục vụ hết mình. Dấn thân có nghĩa là đưa thân mình vào, đưa tình cảm và trí tuệ, đưa con người và cuộc đời vào công việc phục vụ. Lòng nhiệt thành đối với Nhà Chúa của người kitô-hữu phải mô phỏng lòng nhiệt thành của Đức Kitô đối với công việc của Thiên Chúa. Lòng mến đối với Thiên Chúa và tha nhân phải thúc bách người kitô-hữu dấn thân không tính toán.

 

Thái độ lười biếng và ù lì chắc chắn đi ngược với thái độ phục vụ nhiệt tình. Sự ngại ngùng và lười biếng có thể trá hình dưới nhiều bộ mặt : lý do sức khoẻ, mực thước, đức ái đối với bản thân. Ngoài ra còn có người, tự bản chất, uể oải và ươn lười. Người khác thì tính tình hay thay dổi và bỏ dở công việc. Cần phải khắc phục những nết xấu này, nếu muốn trở nên những con người phục vụ đích thực trong chân lý và đức ái.

 

2. Đòi hỏi phục vụ tùy theo cương vị.

 

Dĩ nhiên mọi người kitô-hữu đều được mời gọi phục vụ, nhưng cũng có những ơn gọi phục vụ đặc biệt hơn, đó là ơn gọi tận hiến cho Thiên Chúa và cho Hội Thánh. Ơn gọi này, trong thực tế và trong những môi trường đa dạng, còn phân ra nhiều loại : Phục vụ người bệnh, người nghèo, người tàn tật, phục vụ thanh thiếu niên, phục vụ nhi đồng... Nếu hoàn cảnh cho phép, mỗi người nên chuyên cần và hăng say trong lãnh vực của mình, không nên ôm đồm, vì ôm đồm sẽ làm thiệt hại sức khoẻ cách vô ích và làm giảm hiệu năng phục vụ.

 

Nhưng người có ơn gọi tận hiến phải luôn luôn phục vụ nhiều hơn người khác, phải đi trước, phải làm gương, phải lôi cuốn người khác phục vụ. Người tận hiến không được bằng lòng với cuộc sống của một người như mọi người.

 

3. Cân nhắc trong công việc phục vụ.

 

Dù phục vụ hết mình, người kitô-hữu cần phải cân nhắc trong công việc phục vụ. Cân nhắc không là một thái độ tính toán vụ lợi, nhưng là một thái độ sáng suốt, biết lượng sức mình, biết đánh giá môi trường và công việc. Sự cân nhắc còn phải tùy cương vị.

 

Sự cân nhắc quan trọng hơn cả, khi con người phải lựa chọn giữa cuộc đời tận hiến hay cuộc đời bình thường như những con người khác.

 

Ở một cấp độ khác, sự cân nhắc cần thiết cho sự lựa chọn công việc và môi trường phục vụ, trong trường hợp được tự do lựa chọn. Ở cấp độ khác nữa, còn có thể cân nhắc về thời gian, để giữ được sự quân bình giữa chủ thể phục vụ. Có những trường hợp cần phải giữ gìn mạng sống và sức khoẻ để phục vụ lâu dài. Dĩ  nhiên ở đây người kitô-hữu không thể tự lừa dối mình bằng thái độ hèn nhát và hưởng thụ. Để tránh sự tự lừa dối, kitô-hữu phải luôn luôn ghi nhớ mình không những làm việc cho Thiên Chúa và tha nhân, mà còn cùng làm việc với Thiên Chúa và tha nhân.

 

G. TỪ BỎ CHÍNH MÌNH ĐỂ PHỤC VỤ.

 

1. Từ bỏ ý riêng để phục vụ.

 

Phục vụ Hội Thánh trong Thần Khí là phục vụ theo ý của Hội Thánh, theo nhu cầu của Hội Thánh.

 

Chúng ta  không thể rao giảng Tin Mừng theo kiểu riêng, theo sở thích và bằng những phương tiện riêng, nhưng phải theo đường lối mục vụ của Hội Thánh toàn cầu và Hội Thánh địa phương.

 

Đường lối là hướng đi của Hội Thánh với những nét lớn cần thể hiện hay ứng dụng cho hoàn cảnh đặc thù.

 

Dung hòa đường lối và hoàn cảnh là một nghệ thuật cao vời. Thánh Grêgôriô Cả cho rằng Mục Vụ là “nghệ thuật trên hết các nghệ thuật”. Nghệ thuật này tiên vàn phát xuất từ lòng mến : yêu mến và tin tưởng Giáo Quyền, yêu mến hoàn cảnh và những đối tượng được phục vụ. Rất nhiều khi sự dung hòa phải là những vận dụng sáng tạo khá mạnh dạn, nhưng không thể là ý riêng thuần túy bất chấp giáo quyền.

 

Muốn tránh làm theo ý riêng, phải tập đối thoại với người trên, tập nhận định đúng về con người và hoàn cảnh, tập vượt qua thái độ chủ quan bằng sự phản tỉnh thường xuyên trong cuộc sống.

 

2. Từ bỏ tình cảm để phục vụ.

 

Chúng ta không thể làm công việc phục vụ trong Hội Thánh theo tình cảm cá nhân : chăm sóc tối đa những người mình thích, bỏ rơi những người mình không có cảm tình.

 

Dĩ nhiên trong nhiều trường hợp có thể lựa chọn đối tượng để phục vụ tùy theo từng giới phù hợp với khả năng và sở thích của chính mình. Nhưng điều này không có nghĩa là phục vụ theo tình cảm và tùy tiện.

 

Chúng ta còn phải từ bỏ tình cảm theo một nghĩa khác nữa là không để tình cảm riêng chi phối công việc phục vụ, không để phê phán và quyết định của chúng ta bị cảm tình hay ác cảm chi phối. Việc phục vụ của chúng ta cũng không nên bị chi phối bởi cảm tình tự nhiên đối với một số người trong Giáo Quyền. Chúng ta phải coi công việc phục vụ là bổn phận, là sứ mạng phải thi hành, dù người trên là người chúng ta không ưa thích.

 

3. Từ bỏ của cải để phục vụ.

 

Ai không từ bỏ của cải thì không thể phục vụ, vì không sớm thì muộn, người không từ bỏ của cải sẽ bỏ dở công việc phục vụ hay biến công việc phục vụ thành phương thế làm tiền. Nếu không từ bỏ của cải, chúng ta sẽ bỏ rơi những đối tượng nghèo khổ mà Thần Khí muốn chúng ta phục vụ tận tình hơn cả.

 

Của cải của người hiến thân phục vụ phải cùng với người ấy hướng về các đối tượng được phục vụ.

 

4. Từ bỏ sự sống để phục vụ.

 

Đức Giêsu đã thí mạng sống để phục vụ Thiên Chúa và nhân loại. Người mời gọi chúng ta từ bỏ sự sống của mình để bước theo Người, theo sự hướng dẫn của Thần Khí của Người trên con đường phục vụ.

 

Cấp bậc cao nhất của việc từ bỏ sự sống là sẵn sàng hy sinh mạng sống, khi việc phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân đòi hỏi. Nhưng còn những cấp bậc thấp hơn mà rất thường xuyên chúng ta không sẵn sàng hy sinh : đó là thời giờ, là sở thích, là sức khoẻ, là các quan hệ gia đình và xã hội. Nói chung, chúng ta phải hãm mình và hy sinh khi cần.

 

Từ bỏ sự sống mình theo như Đức Kitô đòi hỏi, biểu hiện trong thực tế bằng việc phấn đấu và nổ lực hằng ngày. Theo kiểu nói của Phaolô, chúng ta phải chết đi hằng ngày để cùng sống lại với Đức Kitô, và nhờ đó được vui tươi và hạnh phúc trong chính sự hy sinh phục vụ của mình. Niềm vui là hoa quả của Phục Vụ cũng là hoa quả của Thần Khí.

 


Trở về Mục Lục | Về Trang Nhà