THIÊN CHÚA BA NGÔI

Suy tư của Augustinô trong tác phẩm De Trinitate

Lm. Micae Trần Đình Quảng

 

Về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, Tây Phương đã đi trước Đông Phương trong nỗ lực hệ thống hóa. Khoảng giữa thế kỷ III, đã có tác phẩm Về Ba Ngôi của Novatianô. Tiếp theo là công trình của Hilariô, nhất là của Augustinô, với tác phẩm nổi tiếng "De Trinitate" được soạn thảo trong khoảng thời gian từ năm 400 đến năm 416. Thực ra, Augustinô suy nghĩ về Ba Ngôi không chỉ ở tác phẩm trên đây, mà còn rải rác trong các tác phẩm khác. Tuy nhiên, chính trong De Trinitate mà Giám mục Hippon diễn tả những suy nghĩ sâu sắc nhất của mình về mầu nhiệm nền tảng này. Chúng ta dựa vào tác phẩm trên đây để trình bày một số nét chủ yếu và độc đáo của tác giả.

I. KHỞI ĐIỂM VÀ HỆ QUẢ

Theo Mạc Khải cho biết, nơi Thiên Chúa có một nguyên lý hoạt động duy nhất (principium quo), nhưng lại có ba nguyên lý hay chủ thể hành động (principia quae), tách biệt nhau. Nói khác đi, có một bản tính và ba Ngôi Vị. Hai khía cạnh trên đây chỉ là một nơi Thiên Chúa, nhưng khi suy tư và trình bày, người ta có thể khởi đi hay nhấn mạnh khía cạnh này hoặc khía cạnh kia.

Tân Ước thường nói về Ba Ngôi tách biệt nhau hơn là nói về sự duy nhất của Thiên Chúa. Các Giáo Phụ Đông-phương cũng như các bản tuyên tín đầu tiên cũng theo khuynh hướng này. Ngược lại, các Giáo Phụ Tây-phương, trong đó có Augustinô, lại khởi đi từ sự duy nhất. Quan điểm này chi phối tất cả tác phẩm De Trinitate. Sự duy nhất của Thiên Chúa, hữu thể hay bản tính của Thiên Chúa luôn đi đầu và được nhấn mạnh. Chỉ có một Thiên Chúa, một bản tính duy nhất chung cho cả Ba Ngôi.

Từ đó, Ba Ngôi là một sự hằng hữu duy nhất, một quyền năng duy nhất. "Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần thuộc về một bản thể duy nhất và đồng nhất, là Thiên Chúa sáng tạo, là Ba Ngôi toàn năng" (De Trinitate, IV, xxi, 30). Do thuộc cùng một bản thể, Ba Ngôi ngang hàng với nhau đến nỗi "Chúa Cha không lớn hơn Chúa Con về thần tính, Chúa Cha và Chúa Con cùng với nhau cũng không lớn hơn Chúa Thánh Thần, từng Ngôi riêng biệt cũng không kém hơn chính Ba Ngôi" (De Trinitate, VIII, Proem.). Là ba, nhưng không phải là ba Thiên Chúa, mà chỉ là một Thiên Chúa.

Quan điểm của Augustinô chi phối ngay cả từ "Trinitas". Từ này, mà Augustinô quen dùng, trong đó Ba Ngôi không được trình bày tách biệt nhau, cũng được hiểu như một sự duy nhất. Thiên Chúa của Augustinô là một Thiên Chúa Ba Ngôi (Deus Trinitas, Deus Trinitatis) hoặc Sự Duy Nhất Ba Ngôi (Unitas Trinitas).

Hệ quả là những hoạt động hướng ngoại (ad extra) là hoạt động của cả Ba Ngôi. Khi chống lạc giáo Ariô, một số Giáo Phụ cho rằng khi một Ngôi hành động thì hai Ngôi kia cũng hành động. Augustinô lấy lại giáo lý này, trình bày có phương pháp và lôgíc hơn những người đi trước. Ba Ngôi chỉ có một ý muốn và một hành động. Là vì , không có sự khác biệt về bản tính thì cũng không thể có sự khác biệt về ý muốn và hành động. Augustinô đã dựa vào nhiều bản văn Kinh Thánh để chứng minh hành động chung này. Ngay cả trong việc Chúa Con nhập thể, một sự kết hợp cá nhân của Ngôi Lời với bản tính nhân loại, thì sự kết hợp này cũng là công trình chung của cả Ba Ngôi, vì một công trình hướng ngoại như vậy được thực hiện bởi Bản Tính Thiên Chúa.

Cách riêng đối với việc Thiên Chúa tỏ mình ra trong Kinh Thánh, nhất là trong Cựu Ước, các tác giả trước Augustinô thường cho đó là sự thần hiển của Chúa Con. Augustinô lại nghĩ khác. Ngài dùng Kinh Thánh để chứng minh rằng không được gán cho cùng một Ngôi nào tất cả những cuộc thần hiển ấy. Cái người ta thấy chỉ là cái hữu hình, thuộc thế giới thụ tạo. Còn bản tính Thiên Chúa thì vô hình, chung cho cả Ba Ngôi. Chính bản tính này hiện diện (tức cả Ba Ngôi hiện diện) dưới lớp vỏ một thụ tạo mà chúng ta coi là hình ảnh của Chúa Cha hoặc Chúa Con hay Chúa Thánh Thần. Ngài viết : "Ai đã đi dạo trong Vườn Địa Đàng. ? Phải chăng là Chúa Cha, Chúa Con hay Chúa Thánh Thần ? - Đúng hơn, không phải là Ba Ngôi thuần túy, Thiên Chúa Ba Ngôi, không phân biệt Ngôi Vị, đều nói dưới hình dạng con người hay sao ?" (De Trinitate, II, x, 17).

Hệ quả thứ hai là những gì có liên quan với bản tính nơi Thiên Chúa và diễn tả điều gì đó tuyệt đối, thì không dùng ở số nhiều, nhưng ở số ít. Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con là Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Cũng vậy, Chúa Cha tốt lành, Chúa Con tốt lành, Chúa Thánh Thần tốt lành. Hoặc : Chúa Cha toàn năng, Chúa Con toàn năng, Chúa Thánh Thần toàn năng. Tuy nhiên đó không phải là ba Thiên Chúa, ba Đấng tốt lành, ba Đấng toàn năng, nhưng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một Đấng tốt lành duy nhất, một Đấng toàn năng duy nhất, là chính Ba Ngôi (De Trinitate, VIII, Proem. ; V, viii, 9).

Hệ quả thứ ba là về tương quan giữa Ba Ngôi. Ba Ngôi phân biệt nhau, nhưng lại không phân chia sự duy nhất. Đó là do mối tương quan đối với nhau. Tương quan này không lẫn với bản thể. Bản thể thì tuyệt đối, được xét nơi chính nó. Còn tương quan lại được xét trong liên hệ với người khác. Cũng không thể coi những tương quan này là tùy thể. Tùy thể thì lệ thuộc thời gian và thay đổi, nhưng tương quan giữa Ba Ngôi không lệ thuộc thời gian, không thay đổi. Nó được coi là cốt yếu cho bản thể, vĩnh cửu và cần thiết như bản thể.

Augustinô đã giải thích tỉ mỉ điều này như sau : "Nơi Thiên Chúa, không có gì là tùy thể, vì nơi Người không có gì thay đổi. Tuy vậy, không phải bất cứ điều gì nói về Thiên Chúa cũng là nói theo bản thể. Quả thực, có những điều được nói trong tương quan với những Ngôi khác, chẳng hạn Chúa Cha trong tương quan với Chúa Con, Chúa Con trong tương quan với Chúa Cha ; mà nơi Thiên Chúa, điều này không phải là một tùy thể, vì một Ngôi luôn luôn là Cha và một Ngôi luôn luôn là Con . Nếu có lúc nào đó Chúa Con bắt đầu là Con và một ngày nào đó hết là Con, Chúa Con sẽ được gọi là Con theo tùy thể. Nếu Chúa Cha được gọi là Cha chỉ trong tương quan với mình, chứ không phải trong tương quan với Chúa Con, và cũng vậy, nếu Chúa Con được gọi là Con chỉ trong tương quan với mình, chứ không phải trong tương quan với Chúa Cha, thì Chúa Cha được gọi là Cha và Chúa Con được gọi là Con theo bản thể. Nhưng vì Chúa Cha chỉ được gọi là Cha do Ngài có một người Con, và Chúa Con chỉ được gọi là Con do Ngài có một người Cha, thì không phải theo bản thể mà các Ngài được gọi như thế, vì những danh xưng Cha và Con được gán cho các Ngài, không phải trong tương quan với mình, nhưng là trong tương quan với nhau ; cũng không phải theo tùy thể, vì nếu Chúa Cha được gọi là Cha và Chúa Con được gọi là Con, thì điều mà những danh xưng này chỉ thị, lại vĩnh cửu và bất biến. Vì vậy, cho dù có sự khác nhau giữa việc làm Cha và việc làm Con, bản thể lại không khác nhau, vì các Ngài không được gọi như thế xét về bản thể, nhưng là về tương quan và tương quan này không phải là một tùy thể vì nó không thay đổi" (De Trinitate, V, v, 6).

Trên đây là nói về tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con. Riêng về Chúa Thánh Thần, tính chất tương quan không rõ nét bằng, nhưng có thể thấy được trong cách Kinh Thánh gọi Ngài là Ân Huệ của Thiên Chúa (Cv 8,20). Ân Huệ luôn giả thiết có người ban. Vậy người ban và ơn ban có tương quan với nhau. Người ban ở đây là Chúa Cha và Chúa Con.

Học thuyết của Augustinô về tương quan giữa Ba Ngôi không phải hoàn toàn mới mẻ, vì đã có những tác giả đề cập. Nhưng Augustinô là người đầu tiên cho thấy giá triï nội tại của khái niệm này cũng như gán cho nó một địa vị trung tâm trong thần học Ba Ngôi. Học thuyết này sẽ được thần học kinh-viện lấy lại và diễn giải thêm. Tuy vậy, như chính Augustinô thú nhận, nó không đủ để soi sáng hết mầu nhiệm.

II. NHỮNG CÁCH LOẠI SUY

Đây là phần đóng góp quan trọng nhất và cũng độc đáo nhất của Augustinô vào thần học Ba Ngôi. Theo phương pháp loại suy, tác giả tìm tòi nơi tạo vật những gì có thể phản ánh mầu nhiệm Ba Ngôi, không nhằm chứng minh, nhưng giúp làm sáng tỏ để hiểu hơn mầu nhiệm này. Những hình ảnh khác nhau diễn tả Ba Ngôi cách nào đó được tác giả sử dụng để trình bày mầu nhiệm. Tuy nhiên, không một hình ảnh nào được khai triển chặt chẽ và có phương pháp như các nhà kinh viện thời Trung Cổ. "Dường như Augustinô không quan tâm làm thỏa mãn tâm trí bằng một sự chứng minh chặt chẽ - vả lại, ngài thừa nhận mình không làm nổi - cho bằng muốn đưa các tâm hồn hướng dần lên Thiên Chúa Ba Ngôi bằng cách trình bày hoạt động ad intra của Thiên Chúa qua một loạt các hình ảnh. Cũng như tác giả, từng bước một, đưa người ta tới chỗ hiểu biết thần tính, cũng vậy, từng bước một, ngài đưa họ tới chỗ chiêm niệm Ba Ngôi" (F. Cayré).

Thực ra, việc tìm kiếm hình ảnh Ba Ngôi nơi tạo vật không phải là điều mới. Từ lâu, nhiều tác giả đã làm như thế. Mặt trời hay ánh sáng chẳng hạn thường được dùng để so sánh với Ba Ngôi. Chúa Con bởi Chúa Cha như "ánh sáng bởi ánh sáng". So sánh này giúp ta hiểu nguồn gốc và sự đồng bản thể của Chúa Con. Nó đã được đưa vào Kinh Tin Kính Nicêa. Dầu sao, đó cũng chỉ là những so sánh thuần túy, vay mượn từ thế giới vật chất, nhằm giúp cho người ta nắm bắt một vài khía cạnh nào đó của mầu nhiệm.

Trường hợp của Augustinô thì khác. Trong bước đầu, ngài cũng khám phá dấu vết Ba Ngôi nơi tạo vật. Trong nhiều bản văn, Augustinô nêu bật ý nghĩa biểu trưng của số 3 hay bộ ba. Mỗi khi gặp lại chúng, ngài đều thấy đó là dấu chỉ Ba Ngôi. Tuy vậy, với một tâm hồn tôn giáo sâu sắc, Augustinô đi xa hơn, sử dụng những loại suy đích danh dựa vào Kinh Thánh, tìm kiếm Thiên Chúa nơi tạo thành là công trình của Thiên Chúa. Các tầng trời công bố vinh quang Thiên Chúa không chỉ thừa nhận Ngài là Đấng tác tạo nên chúng, mà còn mạc khải Ngài cho những ai mở lòng trí đón nhận.

Trong số các tạo vật thì con người là một tạo vật đặc biệt, được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống Ngài (St 1,26). Nơi con người, dấu vết hình ảnh của Thiên Chúa lộ ra một cách rõ rệt nhất. Nó không thể mất đi, nhưng tội lỗi đã làm cho nó biến dạng, nên phải dựa vào ơn Chúa để phục hồi nó. Dấu vết này được thấy nơi tất cả con người, nhưng cách riêng là nơi con người bên trong, nơi linh hồn, hoặc đúng hơn, nơi phần tinh túy nhất của linh hồn và giống nhất với Thiên Chúa, mà Augustinô gọi là "mens" (De Trinitate, XV, xxvii, 49).

Theo Augustinô, có tới ba hình ảnh về Ba Ngôi nơi mens của con người. Hình ảnh thứ nhất là tinh thần, nhận thức, tình yêu (mens, notitia, amor). Hình ảnh thứ hai là ý thức về mình, hiểu biết, ý muốn (memoria sui, intelligentia, voluntas ; memoria hiểu là ý thức trực giác, có trước ý thức phản tỉnh). Hình ảnh thứ ba là ý thức về Thiên Chúa, hiểu biết, tình yêu (memoria Dei, intelligentia, amor). Nói chung, dựa vào mối tương quan và sự đồng bản thể của các yếu tố trong mỗi hình ảnh, người ta có thể hiểu thêm phần nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong hình ảnh thứ nhất, Augustinô cho thấy cả ba yếu tố có tương quan chặt chẽ với nhau, nhưng chúng không phải là những tùy thể. Vì tương tại với nhau trong tinh thần, nên dù phân biệt nhau và là những thực tại riêng, cả ba đều thuộc về cùng một bản thể, làm nên một bản thể (De Trinitate, IX, v, 8). Ở đây, tinh thần biểu thị cho cả thần tính hơn là cho Chúa Cha.

Trong hình ảnh thứ hai, Augustinô cho thấy ba yếu tố thực sự phân biệt nhau, nhưng tạo nên một sự duy nhất do sự duy nhất của tinh thần. Chúng ngang bằng với nhau và có tương quan mật thiết với nhau. Ở đây, ý thức biểu thị Chúa Cha. Hiểu biếtý muốn phát xuất từ ý thức, biểu thị Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là hai Ngôi phát xuất từ Chúa Cha.

Hình ảnh thứ ba còn biểu thị hơn nữa đời sống của Ba Ngôi. Con người, khi ý thức về mình, hiểu biết và yêu mến mình, thì đã là hình ảnh của Thiên Chúa. Nó càng là hình ảnh của Thiên Chúa khi ý thức về Thiên Chúa, hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa, khi nó tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Khi ấy, ý thức về mình trở thành ý thức về Thiên Chúa, hiểu biết mình trở thành hiểu biết Thiên Chúa, yêu mến mình trở thành yêu mến Thiên Chúa.

Dù đưa ra những kiểu loại suy như trên, Augustinô cũng nhắc nhở : Đừng hiểu Chúa Cha như là ý thức của cả Ba Ngôi, Chúa Con như là sự hiểu biết của cả Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần như tình yêu của cả Ba Ngôi. Phải hiểu rằng cả Ba Ngôi cũng như từng Ngôi riêng biệt đều có ba yếu tố đó nơi bản tính của mình. Nơi Ba Ngôi, không có sự phân biệt thực sự giữa ba yếu tố ấy như nơi chúng ta (De Trinitate, XV, xvii, 28).

Như thế, mầu nhiệm trước sau vẫn là mầu nhiệm. Tuy vậy, những suy tư của Giám mục Hippon vẫn được coi là phong phú nhất. Trước ngài, chưa một ai đi sâu vào đời sống thâm sâu của Thiên Chúa. Ngay cả các Giáo Phụ vùng Cappađôcia cũng không thể so được với ngài. Công của Augustinô là đã tìm kiếm dấu vết của Ba Ngôi ngay nơi linh hồn của con người. Các Giáo Phụ trước đó cũng đã nói về con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng hầu như tất cả đều nghĩ rằng hình ảnh của Thiên Chúa là trí khôn và tội nguyên tổ làm cho con người không còn "giống" Thiên Chúa. Riêng Augustinô cho rằng vì Thiên Chúa là Ba Ngôi nên hình ảnh của Ngài cũng phải cho thấy điều gì đó của Ba Ngôi. Từ đó, suy tư của Augustinô vừa có tính cách của một nhà tâm-lý-học đào sâu ý thức, vừa có tính cách của một nhà thần-bí tìm cách khám phá mầu nhiệm.

Những kết luận rút ra từ những suy tư của ngài đã có ảnh hưởng lớn thời Trung Cổ. Không mấy nhà thần học không dựa vào ngài, không sử dụng những ý tưởng ngài đã đề ra. Có thể nói Augustinô chính là người đã vẽ nên những đường néùt lớn về thần học Ba Ngôi.

Cũng nên ghi nhận điều này : theo Augustinô, để mon men vào mầu nhiệm Thiên Chúa, cần phải có một tâm hồn đạo đức, trong sạch, đầy ơn Chúa. Chỉ có nó mới cho phép chúng ta đến gần Thiên Chúa. Có những điều kiện này rồi, chúng ta mới mở mắt nhìn xem những dấu vết của Ba Ngôi nơi tạo vật. Sai lầm của một Victorinô chẳng hạn là bàn về Ba Ngôi chỉ với tư cách một triết gia, sử dụng những phương pháp và chứng minh của triết học. Còn đối với Augustinô, suy luận chỉ là bước đầu để hướng tới chiêm niệm. Do đó, tác phẩm "De Trinitate" kết thúc bằng một lời cầu nguyện dài và đẹp, với câu kết là một lời xin dựa vào hình ảnh ngài đã vẽ phác : "Xin cho con nhớ đến Chúa, hiểu biết Chúa và yêu mến Chúa".


Trở về Mục Lục Thần Học
Trở Về Trang Nhà