Bài 3    

THẦN KHÍ NHƯ MỘT ÂN HUỆ

 

 

Có thể nhìn vấn đề dưới 2 góc độ:

  1. Thần Khí, như Ân huệ Chúa Cha và Chúa Con trao tặng cho nhau.

2.     Thần Khí, như Ân huệ Chúa Cha ban cho loài người qua Chúa Con.

I. THẦN KHÍ, NHƯ ÂN HUỆ CHÚA CHA VÀ CHÚA CON TRAO TẶNG CHO NHAU:

A.     Trong Mầu Nhiệm Tình Yêu vĩnh hằng: trong ngôn ngữ Kinh Thánh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, Thần Khí luôn được gọi là Đấng “được trao ban” hay “chưa được trao ban”, “được sai đi”, “được đổ tràn”, “được đón nhận” (Lc 11,13; Cv 2,4.17.18.38; 8,15.17.18.19; 10,45.47; 15,8; 19,2; Ga 7,39; 14,17.26; Kh 5,6; 1Ga 3,24; Rm 5,5; Gl 3,2.5.14; 1Tx 4,8; Tt 3,5; 1Pr 1,12; v.v...). Điều đó có nghĩa Thần Khí chính là Ân huệ (Donum,Don) là quà tặng Tình Yêu  của Thiên Chúa. Thế mà, nếu như “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8), và nếu như Chúa Cha là Đấng đã có thể nói với Con độc nhất của mình như: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17; 12,18; Is 42,1-4; v.v...), “Tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Lc 15,31; Ga 17,10)... thì “Quà tặng” đẹp lòng nhau nhất của các Ngài là gì nếu không phải là “tất cả những gì các Ngài (être) và (avoir)”? Thật vậy, có thể nói, trừ tư cách là Cha của Mình, Chúa Cha, đã hẳn trao ban cho Chúa Con tất cả những gì Chúa Cha (Thần tính, ngôi vị tính...), nghĩa là tất cả những gì là Mình của Cha. Và, như vậy, “Đấng được ban cho” (Donné) cũng như “ Đấng đón nhận ân huệ (Recevant) đều tất cả những gì Chúa Cha (thần tính, ngôi vị tính trừ tư cách là Cha). Và “Đấng được Cha ban cho Con” (Donné) đó, trong tư cách là “Đấng ra đi khỏi Cha” (Exitus de Soi-Même), được gọi là “Thần Khí Tình Yêu của Cha” (Mt 12,18; Cv 2,17; 1Cr 3,11.12.14.16; 6,11; 1Pr 4,14; 1Ga 4,2; Mt 3,16; 12,28; Rm 8,9.14; 1Cr 7,40; 12,3; Pl 3,3; v.v...). Đồng thời, đón nhận Ân huệ Thần Khí Cha ban cho, trong niềm tri ân và cảm tạ, Chúa Con “trao tặng lại” (Reditus:x. Ga 19,30) Cha “Ân Huệ được Cha ban tặng” và “đã được Con vui lòng đón nhận” như là “ Thần Khí của Con” (Cv 16,7; x. Mt 27,50; Mc 2,8; 8,12; Lc 23,46; Ga 11,33; 13,21; Pl 1,19; Rm 8,9; 1Pr 1,2; Gl 4,6; v.v...). Bởi vì, Con còn quà tặng nào đáng giá hơn là “Thần Khí Tình Yêu” của chính Mình hay là “chính Mình” (Ga 10,17-18)... Như vậy, như là “Ân huệ vĩnh hằng”, Thần Khí của Cha và của Con, Thần Khí Tình yêu là Đấng mãi mãi “sống kiếp lữ hành”, luôn luôn vận hành ở trong qui trình “ra đi - trở lại” để tình yêu của Ba ngôi luôn luôn sống động, trong Vĩnh hằng cũng như trong Lịch sử...

B.     Trong lịch sử: Trong biến cố Sáng Tạo - Nhập thể - Cứu độ, Chúa Cha đã sai Thần Khí của Ngài cùng với Con trong một Sứ vụ liên kết là Sáng tạo, Yêu thương và Cứu độ (Mt 12,18; x. Is 11,1-2; GLHTCG số 702)... Chính trong sứ vụ liên kết này mà quá trình “sở đắc Thần Khí của Cha” của nhân tính của Chúa Con - Nhập thể diễn ra trong lịch sử. Nói như thế là bởi vì trong tư cách là Thiên Chúa (thần tính), Chúa Con - Nhập thể, Chúa Cha và Thần Khí, dù trong Lịch sử, vẫn luôn hiện diện trong nhau và với nhau nên như Một (Ga 10,30; 17,21; x. 10,38; 14,11; 14,9b; x. 8,19; 12,45; Dt 1,3). Việc nhân tính của Đức Giêsu sở đắc Thần Khí của Cha được thực hiện qua những Hành động yêu thương của Ngài đối với Chúa Cha, Thần Khí và loài người, trong lịch sử, và chỉ được hoàn tất trọn vẹn trong hành động tận hiến tột đỉnh trong Tình Yêu  của Ngài trên Thập giá khi Ngài “giao nộp lại” Chúa Cha Thần Khí  (Ga 19,30), và, chính giây phút đó, cái, “nghịch lý của Tin Mừng” đã xảy ra, để “tưởng thưởng” cho tình yêu tuyệt đối của Con đối với Cha, Chúa Cha đã “tuôn tràn Thần Khí” xuống trên con người (nhân tính) của Chúa Con - nhập thể, và chính lúc đó quá trình sở đắc Thần Khí của Cha nơi nhân tính của Đức Giêsu hoàn tất: nhân tính của Đức Giêsu được thần linh hóa vì tràn ngập Thần Khí, và trở nên hoàn toàn hiệp nhất với thần tính của Ngài ( Mt 16,24-25; Mc 8,34-35; Lc 9,23-24; Ga 3,14-21; 8,27-29), và tất cả những ai thông hiệp với Ngài sẽ được thần linh hóa như Ngài: đó chính là “ Lời hứa” của Chúa Cha (Cv 1,4; Lc 24,49; Cv 2,17) và cũng là niềm Hy vọng của loài người...

 

II. THẦN KHÍ, NHƯ ÂN HUỆ CHÚA CHA BAN CHO LOÀI NGƯỜI QUA CHÚA CON

“Thiên Chúa phán: trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm...” (Cv 2,17; x. Ge 3,1-5).

“Khi Đấng Bảo trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí Sư thật phát xuất từ Chúa Cha...” (Ga 15,26).

A.     Cảm nghiệm của các Tông đồ: Sau ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ có cảm nhận như họ bị xâm chiếm bởi một “sức mạnh” vượt lên trên bản thân họ. Họ cảm thấy như thần trí của mình có một Thần Khí Khác xâm chiếm vượt lên trên, như có một Thần Khí Khác đã được sai đến, đã được ban cho, đã được tuôn tràn trong họ và họ đã được đón nhận (Lc 11,13; Cv 2,4; v.v..). Đồng thời, họ cũng cảm nhận rằng nỗ lực sáng kiến riêng tư của họ như được vượt quá, được nâng cao bởi Hành động của Đấng đang hiện diện bên trong họ, đang “giúp đỡ” họ, “hướng dẫn” họ, “lôi kéo” họ, “sai phái” họ, “thúc đẩy” họ, “ra lệnh” cho họ, “ngăn cấm” họ, v.v... (Cv 21,4; 13,4; 15,28; 16,6; 20,28; 8,39; Ga 16,13; Rm 8,14.26; Gl 5,16; 2Pr 1,21)...

B.     Như một Hiện Diện thuộc linh hết sức thân mật: các Tông đồ dù không bao giờ có cảm nhận là Thần Khí của họ trở thành Thần Khí đó: vẫn có một sự phân biệt giữa hai bên (Rm 8,16; Cv 15,28; x. Cv 5,3), nhưng mối quan hệ lại rất thân mật với lối nói luôn luôn trên môi miệng của họ: “trong Thần Khí”(Rm 8,9; Mt 3,11; Lc 3,16; Ga 1,33; Cv 1,5; v.v...). Một điều đặc biệt đó là hình như Thần Khí chỉ “linh hứng”, “báo trước”, “mặc khải”, “tiên báo”, “dạy dỗ”,v.v... trong và qua Giáo Hội mà thôi (Lc 12,12; Cv 6,10; 11,28; 20,23). Đàng khác, họ tự gọi mình là “các thánh”, có lẽ nhằm ám chỉ đặc tính họ được Thần Khí xâm chiếm và siêu vượt lên trên, bởi vì Cựu Ước vẫn gọi Thần Khí là Thánh Thần... Đó chính là những công việc mà Thần Khí của Đức Giêsu Kitô- Phục sinh đã, đang và vẫn tiếp tục tiến hành bên trong lịch sử, với mục đích thần linh hóa con người và vũ trụ hầu Thiên Chúa trở thành mọi sự cho mọi người. (1Cr 15,28)...

 

(Lưu ý: phần II được soạn theo tư tưởng của Lm. Paul Aubin, le Monothéisme chrétien, Ronéotypé, GHHV Pio X, Đà Lạt, tr. 35-36)

 

 


Trang Thần Học