Bài 4    

THẦN KHÍ SỰ SỐNG

 

Có 2 vấn đề cần được được ra:

1.     Khái niệm “sự sống” trong ngôn ngữ Kinh Thánh.

2.     Chúa Thánh Thần, Thần Khí sự sống vĩnh hằng và lịch sử.

I. KHÁI NIỆM “SỰ SỐNG” TRONG NGÔN NGỮ KINH THÁNH

A.      Trong Mầu Nhiệm Ba Ngôi, bởi vì là “Thiên Chúa hằng sống, hằng hữu, và tự hữu” (Xh 3,14; Is 42,8; Ga 8,24.57; Gs 3,10; Tv 42,3; Dnl 6,21; 1V 18,10; v.v...), nên Sống có nghĩa là các Ngài “biết nhau”, “yêu thương nhau”, “hướng về nhau”, “ hiện diện trong nhau, vì nhau và với nhau”, “có tương quan mật thiết với nhau”, v.v... (Gr 2,13; Tv 36,10; 63,4; 84,11; Am 5,4tt; Hs 6,1tt; Ga 1,1-2.4; 14,6; 11,12...). Đó là điều mà ngôn ngữ Tân Ước gọi là “sự sống đời đời” (Mt 19,16tt. 29tt; 7,14; 18,8tt; Ga 4,14; 6,27-58; 11,25tt; 3,36; 12,47-50...).

B.      Đối với các thụ tạo (trừ các thiên thần?) mà hiện hữu vốn là hiện hữu được ban cho và được đón nhận trong thời gian và không gian, nghĩa là đã có lúc không hiện hữu và sẽ có lúc không còn tồn tại, thì Sống, ngoài ý nghĩa “sự Sống đời đời” (đây là ý nghĩa chính thức và quan trọng), còn có nghĩa:

1.     “Bắt đầu hiện hữu”:

-          Nghĩa đen: “bắt đầu hiện hữu” và “bắt đầu sống” đồng nghĩa với nhau (đời sống khoáng vật, thực vật, sinh vật).

-          Nghĩa bóng: “bắt đầu hiện hữu” không nhất thiết có nghĩa là “bắt đầu sống” (đời sống luân lý: thí dụ: những kẻ vô đạo “vừa mới sinh ra đã thôi hiện hữu” Kn 5,13)...

2.     “Sống lại”:

-          Nghĩa đen: chết, rồi sống lại nhưng chưa  phải là sự sống đời đời (như trường hợp con gái ông Giairô, con trai góa phụ thành Naim, Lazarô.../ Mc 5,21-42tt; Lc 7,11-17; Ga 11/)...

-          Nghĩa bóng: lập lại mối tương quan thân tình với Cha và anh, chị em; lại được Cha tìm thấy (Lc 15,21.32). Như vậy đồng nghĩa với “được sinh lại bởi ơn trên” (Ga 3,5.7), “được Thiên Chúa sinh ra” (1Ga 4,7b)...

-          Nghĩa thực thụ: chết, rồi sống lại và được hoặc không được tham dự vào Sự sống Ba Ngôi (trong Lịch sử: sự sống lại hay Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô; “ giờ” phán xét cánh chung/ Kh 14,12-13; Lc 20,34-38; Mt 25,31-46/).

II. CHÚA THÁNH THẦN, THẦN KHÍ SỰ SỐNG VĨNH HẰNG VÀ LỊCH SỬ

A.    Sự sống Ba Ngôi trong Mầu nhiệm Thiên Chúa:

Nếu, nói theo ngôn ngữ của Gioan, “sự Sống đời đời là nhận bết Cha, Thiên Chúa duy nhất và Chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3), thì, đã hẳn, ngoài Chúa Cha và Chúa Con ra chẳng ai “có” được sự Sống đời đời cách như Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Thần Khí Thiên Chúa không những “biết” (có tương quan mật thiết với) Chúa Cha và Chúa Con, mà chính Ngài là Đấng thực hiện Hành động “biết” đó để Ba Ngôi Cha - Con - Thần Khí” biết nhau”; và các Ngài không chỉ “biết nhau” mà còn “là nhau”; (hay “là Một”) nữa... Có thể nói rằng, trong Thực tại sự sống Ba Ngôi vĩnh hằng, nếu không có Thần Khí Tình Yêu là Chúa Thánh Thần, Chúa Cha chẳng thể nào “sinh ra” Con và “biết” được Con, và Chúa Con cũng chẳng thể nào “đón nhận” được sự “ sinh ra” của Cha như Ân huệ Tình yêu và “biết” được Cha và “Ân huệ Tình yêu” (Donum) nầy. Như vậy, có thể nói rằng không có Thần Khí tình yêu là Chúa Thánh Thần thì không có sự sống Ba Ngôi vĩnh hằng, hay nói cách khác, Chúa Thánh Thần chính là Đấng tác thành sự sống Thần linh vĩnh hằng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Và, nếu Thiên Chúa là “Thiên Chúa Hằng sống”, thì Hành động tác thành sự Sống vĩnh hằng đó cũng  phải là Hành động vĩnh hằng, và, trong Lịch sử, Hành động tác thành sự sống đó luôn luôn là “cái Hôm nay” (l’Aujourd’hui) và “cái Bây giờ” (le Maintenant) đối với Ba Ngôi và đối với tất cả những ai được Thần Khí Tình Yêu hướng dẫn hoặc để cho Ngài hướng dẫn. Bởi thế, đối với các Sứ ngôn, sự sống chính là “tìm kiếm Giavê” (Am 5,4tt; Hs 6,1tt): “sống, đó là tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng, sống cách dồi dào, đó là gặp gỡ được Ngài” (Bruno Forte, la Trinité comme Histoiré, Nouvelle Cité, Paris 1989, p.178).

B.     Sự sống của các thụ tạo (trừ các thiên thần?!):

1.     Sự sống như là “được hiện hữu” (“con cám ơn Đức Chúa Trời... chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con...”): đối với với các Thụ tạo mà sự hiện hữu là được ban cho hay được đón nhận từ Thiên Chúa thì “ không có bột không thể gột nên hồ” được (ex nihilo nihil fit), nhưng đối với Thiên Chúa vừa hằng sống, tự hữu, hằng hữu và toàn năng thì không như thế. Nói theo ngôn ngữ của Karl Barth, quyền Chúa Tể (la seigneurie) của Thiên Chúa hệ tại ở chỗ Ngài là Chúa tể cả “cái có” và “cái không”, cả “cái hiện hữu” và “cái không hiện hữu”, cả sự sống và sự chết - nếu không thế Ngài chẳng thể là Đấng Toàn Năng- nghĩa là Ngài có thể làm cho hiện hữu cái không hay chưa hiện hữu, làm cho sống cái đã chết và làm cho chết cái  đang sống, v.v..., nếu Ngài muốn. (x. Karl Barth, Dogmatique, I,I,2, p.88). Hay nói cách khác, đối với Thiên Chúa Tự hữu, Hằng hữu, Hăng sống, chẳng có gì là  không tuyệt đối” cả, mà chỉ là “chưa hiện hữu” hoặc “không còn hiện hữu”... Vì thế, ngôn ngữ thần học và phụng vụ nói “công trình Sáng tạo được thực hiện do Chúa Cha, bởi Chúa Con, nhờ Thần Khí (của Cha và của Con), hay nói cách khác, nhờ Sức mạnh Toàn năng của Lời của Chúa Cha“(St1,1-2, 4a; Tv 33,6; 104,30; 2Mcb 7,28; 2Cr 4,6; Rm 4,17; Cv 17,28; 1Tm 6,13; Kh 10,6; Ga 1,1-10; v.v...).

2.     Sự Sống do “được tái sinh” hay “được cứu độ”: đối ứng với việc sinh ra tự nhiên của con người, ngôn ngữ Kinh Thánh, đặc biệt Tân Ước còn nói tới sự sinh ra siêu nhiên mà nguyên lý là “do Chúa Cha, bởi Lời của Chúa Cha tức là Chúa Con, nhờ Thần Khí của Chúa Cha đã được Đức Giêsu Kitô Phục sinh sở đắc cách trọn vẹn và tròn đầy (và vẫn được gọi là Thần Khí của Đức Kitô Phục sinh)” hay nói cách khác, “nhờ Tin-Cậy-Mến và Phép rửa “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần-trong tư cách là Thần Khí của Đức Kitô- Phục sinh”: đó chính là Sự Sống đời đời mà con người có thể “nếm trải” ngay khi còn tại thế (Ga 3,14-21; 8,27-29; 6,35-40; 10,17; 14,15-20.23-26; 16,7-15; 15,26; Tt 3,5; Rm 8,15tt; Gl 4,6; 1Pr 2,1; Gc 1,21; 1Pr 1,14.22tt; 1Ga 3,9tt; Rm 6,5; Ga 17,3; v.v..).

3.     Sự Sống bên kia sự Chết và tiêu hủy hoàn toàn sự Chết: Ngôn ngữ Cựu Ước có đề cập đến sự Sống lại sau khi chết nhưng chỉ mới cách chung chung: “Thiên Chúa sẽ trả lại tinh thần và sự sống cho họ... Họ uống nguồn sống không hề cạn khô” (2Mcb 7,23.36; Ed 33,11; 37,11-14; Is 53,10). Ngôn ngữ Tân Ước, có vẻ rõ ràng hơn, khẳng định sự sống lại sau khi chết đáng mơ ước đó là được “ở với Đức Kitô” (Lc 23,43; Pl 1,23; x. 2Cr 5,8; 1Tx 5,10), hay nói cách khác, được “ở trong Thần Khí của Đức Kitô Phục sinh”, “được Thần Khí của Đức Kitô - Phục sinh hóa hoàn toàn”... và niềm hy vọng cánh chung đó là lúc Thần Khí của Đức Kitô Phục sinh Kitô-hóa mọi sự và mọi người, và Đức Kitô, lúc đó, sẽ là Chúa tể mọi loài, mọi vật. Và lại một lần nữa, Đức Giêsu Kitô lại thực hiện một cử chỉ Tận hiến tột cùng trong tình yêu đó là “giao nộp lại” cho Cha Thần Khí của chính Mình Ân huệ của Cha, dung mạo cánh chung của Thiên Chúa và của con người (x. Ga 19,30; 1Cr 15,24. 28), và lúc đó, con người trở nên giống như Thiên Chúa và thấy được Ngài đúng như Ngài là, mặt đối mặt (1Ga 3,2): đó là bản chất của đời sống vình cửu (Ga 17,3)... và, lúc đó, Thiên Chúa trở thành mọi sự trong mọi người (1Cr 15,28)...

 


Trang Thần Học