Bài 9    

THẦN KHÍ MẠNH BẠO

 

Có 2 vấn đề được đặt ra:

1.     Hạn từ “ Mạnh bạo” trong ngôn ngữ Kinh Thánh

2.     Chúa Thánh Thần, Thần Khí Mạnh bạo

I. HẠN TỪ “MẠNH BẠO” TRONG NGÔN NGỮ KINH THÁNH:

Trong ngôn ngữ Hipri, những khái niệm: “sức mạnh” (force), “năng lực” (puissance), “quyền lực” (pouvoir) là những chuyển từ từ các từ gốc or, wn, ms, gbr, hzq, hyl, kh,s, và trong Hy ngữ bởi các hạn từ dunamis, exousia..., được dùng vừa để chỉ sức mạnh thể lý vừa chỉ sức mạnh tinh thần.

Ngôn ngữ Kinh Thánh thường xuyên nối kết hai hạn từ “Thần Khí Thiên Chúa” và “Quyền Năng Thiên Chúa”. Hai hạn từ Thần Khí và Sức mạnh thường đi đôi với nhau và hầu như đồng nghĩa với nhau (St 1,2; Is 32,25; 44,3tt; Tv 104,30; Tl 3,10; 6,43; 13,25; 11,19; 14,6.19; Lc 1,35-37; Cv 10,38; Lc 4,14.18; 11,20; Mt 12,28; Ep 1,18-20; Cl 2,9; Pl 2,9-11; Mt 28,18; Pl 3,10; 2Cr 13,4; Rm 8,11; v.v...). Ở đây, có thể nói rằng câu nói sau đây của Cyrille d’Alexandrie hầu như phản ánh được toàn bộ vấn đề: “Thánh Thần là Quyền Năng và Hoạt động của Bản thể Thần linh. Người làm nên tất cả mọi công trình của Thiên Chúa” (Cyrille d’Alexandrie, Thesaurus , p. 75,580.608)...

Đã hẳn, hạn từ’ “Mạnh bạo” trong ngôn ngữ Kinh Thánh vừa hàm ý “sức mạnh thể xác” (Gs 1,6; Is 35,3tt; Lc 16,16; v.v..), vừa hàm ý “sức mạnh nội tâm” (1Ga 2,14; 5,18; Ep 3,16; v.v...) nhằm giúp con người có đủ khả năng thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa diễn ra trong và qua Lịch Sử (Lc 12,47; Mt 7,21; 21,31; Dt 13,21). Tuy nhiên, một điều hết sức quan trọng cần lưu ý, sự Mạnh bạo đó con người có được hoàn toàn là do Thần Khí Quyền Năng của Thiên Chúa ban cho...

II. CHÚA THÁNH THẦN, THẦN KHÍ MẠNH BẠO:

Cách chung, có thể nói rằng tất cả mọi hành vi cứu độ đều là công trình của Quyền Năng Thiên Chúa (Dnl 3,24; Tv 20,7; 106,2; 105,2; Lc 1,35; 2Cr 13,4; Rm 1,20; 2Pr 1,3; 1Cr 6,14; Mt 11,20; Mc 6,5; Mt 7,22; Cv 8,13; 1Cr 12,10; Mk 3,8; Lc 24,49; Ga 3,3-7; 1,12; Kh 2,26tt; v.v...). Để con người thấu hiểu và cảm nghiệm được điều đó, ngôn ngữ Kinh Thánh cho rằng Thiên Chúa đã hành xử một cách có vẻ nghịch thường: những công trình phi thường, vĩ đại lại được thực hiện bởi những con người bình thường, bé nhỏ, đôi khi có vẻ yếu đuối..., và với những phương tiện đơn sơ, bé nhỏ khiến người ta phải sửng sờ (1Sm 16,7; 10,23; Tl 7,2; Is 30,15tt; 2Cr 12,9; Tv 107,40; Tv 113,7; 2Cr 4,7; v.v...). Tuy  nhiên, điều đó không đơn giản chỉ là vấn đề “phương pháp sư phạm” của Thiên Chúa mà thôi, mà còn là phản ánh một tình trạng thực tế của hiện hữu của con người, vốn là những thụ tạo hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa: cả cái nó và cả cái nó (être et avoir). Sự lệ thuộc nói ở đây không phải là mối tương quan chủ-tớ vốn luôn luôn có nguy cơ triệt tiêu cá vị và phẩm giá lẫn nhau, mà là mối quan hệ Cha- Con, mối quan hệ mà nếu được “sống” thực sự sẽ phong phú hóa lẫn nhau trong tình yêu (Mt 11,25tt; 6,4.6.18; 25,32; 21,31tt; 8,12; 23,9; 7,7-11; 6,25-34; 5,44tt; v.v...) Nếu như, nói theo ngôn ngữ của Paul Ternant (x. ĐNTHTK. từ Cha), “Thiên Chúa không bao giờ là Cha chúng ta bằng lúc Ngài tỏ lòng yêu thương và tha thứ, và chúng ta không bao giờ là con Ngài bằng lúc ta cũng hành động như vậy đối với mọi anh em chúng ta”, thì điều cần thiết nhất đối với con người không là gì khác hơn chính là Sức mạnh để có thể yêu thương và tha thứ... Và Sức mạnh này không hẳn là để con người có thể chiến thắng những kẻ thù bên trong và bên ngoài mà đúng hơn là mạnh bạo dám để cho Thiên Chúa hoàn toàn chiếm đoạt mình và chiến thắng mình, dám để cho Thiên Chúa định đoạt và sử dụng đời mình theo Thánh ý của Ngài (Pl 1,21; Gl 2,20; Rm 1,13; 6,10t; 2Cr 5,15; 1Cr 15,28; Ga 17,3; v.v...). Đó chính là Sức mạnh của niềm tin hoàn toàn và tuyệt đối vào Thiên Chúa (có khi còn được gọi là Đạo lương tri, lẽ phải, Chính nghĩa, Thiên mệnh, Ý trời; v.v...) dám đánh đổi cả vận mạng cuộc đời mình. Và nguồn gốc của sự Mạnh bạo đó không ai khác hơn là chính Thần khí Sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng hiện diện trong con người vừa như một Ngôi vị vừa như Ân huệ mà con người có thể sở đắc hay nói đúng hơn, như ân huệ trong đó con người được “thông hiệp” với Sức mạnh của Thiên Chúa, tức là Chúa Thánh Thần để sống sự sống của Thiên Chúa là yêu thương...

 


Trang Thần Học