SUY TƯ THẦN HỌC

VỀ MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI

ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc

 

I. Dẫn nhập

Các suy luận thần học về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi làm cho nhiều người kitô-hữu, kể cả tu sĩ và linh mục, đều cảm thấy khó nuốt, vì họ nhận thấy khúc mắc, trừu tượng, xa rời Tin Mừng của Đức Giêsu-Kitô. Lý do là vì thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi đã tách rời khỏi Kitô-học ; hay chính xác hơn, khi bàn về "Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể", thần học ít đếm xỉa đến con người Giêsu.

Thần học về mầu nhiệm Thiên Chúa đã muốn dung hòa bằng mọi giá hai con số 31 (một mà ba - ba mà một), và đã tìm mọi cách để giải thích tại sao. Kết quả của nỗ lực này không mấy khả quan và có tác dụng trái ngược. Người kitô-hữu vẫn làm dấu Thánh Giá hằng ngày : "Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Nhưng khi cần tìm hiểu điều mình làm, họ lại không thực hiện nổi. Thậm chí linh mục, khi cần giải thích cho giáo dân, cần giảng dạy về Thiên Chúa Ba Ngôi, đều cảm thấy phức tạp và nặng nề.

Phải chăng vì cách tìm hiểu và trình bày không đúng ?

Phải chăng vì mầu nhiệm quá thẳm sâu, trí tuệ con người làm sao vươn tới ?

Có lẽ vì cả hai lý do. Nhiệm vụ của nhà thần học hôm nay là tìm cách giải quyết lý do thứ nhất vì nó không chính đáng : điều đó không là chuyện dễ, vì thói quen suy nghĩ rập khuôn từ trước đến nay. Cách duy nhất là trở về nguồn Kinh Thánh, Giáo Phụ, nghiên cứu lịch sử tín điều.

Trước hết, chúng ta phải ý thức là không được tách rời mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi khỏi mầu nhiệm Chúa Kitô. Dĩ nhiên phần đông các nhà thần học đều biết như vậy. Nhưng trong thực tế, họ có trung thành với ý thức đó hay không ? Phần chúng ta, muốn cho suy tư thần học không xa rời đời sống đức tin, chúng ta phải trung thành với ý thức ấy đến cùng.

Thần học là suy tư có hệ thống về nội dung đức tin, cũng là nội dung Mặc Khải, nên khởi điểm và đích điểm của thần học là đức tin. Và đức tin của chúng ta là đức tin Kitô-giáo, vì đối tượng của đức tin là Mặc Khải của Đức Kitô. Mặc Khải hoàn tất nơi cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô. Vậy suy tư thần học của chúng ta phải bắt nguồn từ biến cố trọng tâm này. Muốn khám phá ra gương mặt đích thực của Thiên Chúa, chúng ta hãy tìm gương mặt ấy trong cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Lời Đức Giêsu nói với Philíp : "Ai thấy Ta là thấy Cha" (Ga 14,9) ứng dụng trọn vẹn hơn cả vào cái chết của Người trên thập giá (Ga 12,32).

II. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong tình yêu và sự chết của Đức Giêsu

Chỉ có một con đường để tìm hiểu Thiên Chúa, đó là con đường thập giá, là Đức Giêsu chịu tử hình : Ta là Đường (Ga 14,6). Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa Toàn Năng được biểu lộ bằng sự bất lực bên ngoài. Chỉ có một thứ logic làm cho chúng ta hiểu được điều nghịch thường này : Tình yêu tuyệt đối không bao giờ nỡ lòng hủy hoại những người mình yêu, dù họ có vô tình hay bất trung đi nữa. Tình yêu Tuyệt Đối không bao giờ sợ sỉ nhục.

Tình Yêu Tuyệt Đối là Tình Yêu Toàn Năng. Và Tình Yêu Toàn Năng là Tình Yêu phải chịu chết, là tình yêu cho đến cùng, là tình yêu thí mạng cho những kẻ mình yêu (Ga 15,13). Nhưng Tình Yêu Tuyệt Đối, vì là Toàn Năng, không chịu đầu hàng sự chết.

Sức mạnh của Tình Yêu làm cho Người Yêu phải chết, và rồi sức mạnh ấy làm cho Tình Yêu vượt qua cái chết, chiến thắng tội lỗi và sự chết. Tình Yêu là Sự Sống. Sức Mạnh Tình Yêu làm cho sống.

Thiên Chúa Cha là Tình Yêu (1 Ga 4,8). Mà Tình Yêu thì làm phát sinh tình yêu. Tình Yêu Tuyệt Đối sinh ra tình yêu tuyệt đối. Chúa Cha là Tình Yêu Khởi Nguồn (Amor Originans), là Lòng Mến phong nhiêu (Caritas fecunda), là "Tình Yêu sinh hạ" (Amor generans). Chúa Cha là Tình Yêu sinh ra Tình Yêu và tự biểu lộ trong Tình Yêu ấy. Chúa Cha không sinh ra chính mình, vì như vậy Người chỉ là một chàng Narcisse thứ hai ; nhưng Chúa Cha cũng không thể sinh ra một Đấng khác với mình. Chúa Cha sinh ra Chúa Con, Đồng Bản Thể với Người nhưng lại phân biệt với Người. Chúa Con là Tình Yêu được sinh ra (Amor generatus), Tình Yêu biểu lộ Tình Yêu (Amor revelans Amorem). Và không có sự biểu lộ nào trọn vẹn hơn cái chết vì kẻ mình yêu. Trên bình diện con người, và với tư cách là "người Con" (Filius incarnatus), Đức Kitô đã chết vì yêu Chúa Cha, biểu lộ đến cùng, một cách hữu hình và đích thực bằng thân xác chịu đóng đinh, Tình Yêu Chúa Cha dành cho nhân loại. Ngoài ra không còn cách nào khác để nhân loại thấy và tin như thánh Gioan khi ông chứng kiến một người lính cầm lưỡi đòng đâm cạnh sườn Đức Giêsu, và từ đó có nước và máu chảy ra (Ga 19,34). Gioan trông thấy và Gioan tin vào tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ nơi Đức Giêsu. Gioan làm chứng và chứng của Gioan là chứng xác thực, để mọi người nhờ Gioan mà tin (Ga 19,35).

Nơi thập giá, Đức Giêsu biểu lộ tình yêu của Chúa Cha, đồng thời Ngài cũng biểu lộ tình yêu của mình dành cho Chúa Cha. Ngài đã biểu lộ nhiều lần và nhiều cách trong cuộc sống tại thế, nhưng cao điểm tình yêu của Ngài là Giờ Vượt Qua thế gian về cùng Cha. Giờ đó là Giờ làm Con cách trọn vẹn. Mầu nhiệm làm Con Vĩnh Cửu (Fils Éternel) được mạc khải trong cái chết. Câu nói "Đã hoàn tất" (Consummatum est) chỉ có thể thốt ra vào lúc chết. Mặc Khải đã hoàn tất (Revelatio consummata est).

Nếu dừng lại mặt chữ các bài tường thuật Khổ Nạn, chúng ta có cảm tưởng Chúa Thánh Thần không can dự vào cái chết của Đức Giêsu. Ngài chỉ là Sức Mạnh Phục Sinh Đức Giêsu. Thực ra Chúa Thánh Thần cũng là Sức Mạnh làm cho Đức Giêsu can đảm chịu chết. Đức Giêsu là con người đầy Thánh Thần, được Thánh Thần đưa vào sa mạc để chịu cám dỗ, nhờ Thánh Thần mà làm các phép lạ và xua trừ ma quỷ, rao giảng Nước Trời dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần ; lẽ nào trong giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc đời, Người lại không có Thánh Thần ? Người là Chứng Nhân Trung Thành của Tình Yêu Chúa Cha. Thánh Thần cùng với Thập Giá Chúa Kitô làm chứng cho Tình Yêu của Thiên Chúa.

Thánh Thần là Sức Mạnh yêu thương của Chúa Cha đối với Đức Kitô và cũng là Sức Mạnh yêu thương của Đức Kitô đối với Chúa Cha. Sức Mạnh Tình Yêu phát xuất từ hai Vị, và nối kết hai Vị. Có thể nói rằng Sức Mạnh Tình Yêu ấy bởi Chúa Cha, qua Chúa Con, nếu chúng ta nhấn mạnh nhãn quan Lịch-sử cứu-độ. Chúa Cha là Tình Yêu ; Sức Mạnh Tình Yêu là Chúa Thánh Thần phát xuất từ Cha và được chuyển thông qua Đức Kitô là Con Yêu Dấu của Cha để đến với chúng ta.

III. Mầu nhiệm Thiên Chúa và sự phục sinh của Đức Kitô

Tin vào ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu là tin vào Sức Mạnh của Tình Yêu, tin vào Thánh Thần Phục Sinh, tin vào sức sống và khả năng phục sinh của Tình Yêu. Khả năng này đã được Chúa Cha bày tỏ khi cho Đức Giêsu sống lại (Cv 2,24 ; 4,10 ; 5,30 v.v.) từ cõi chết. Đó là nội dung tóm gọn của "Lời Rao Giảng Tông Truyền" (Kerygma). Dĩ nhiên trọng tâm của Lời Rao Giảng là Đức Giêsu-Kitô tử nạn và phục sinh, nhưng trong biến cố vĩ đại và huyền nhiệm này, chúng ta nhận thấy rõ ràng Chúa Cha là Tác Giả và Thánh Thần là Năng Lực Phục Sinh của Thiên Chúa Tình Yêu. Năng lực này đã phục sinh Đức Kitô như thế nào, thì ngày cánh chung cũng sẽ phục sinh chúng ta như thế (Rm 8, 11).

Thánh Thần hay Năng Lực Phục Sinh của Chúa Cha cũng là Năng Lực Phục Sinh của Đức Kitô, và vì đó mà sự chết vô phương cầm giữ Đức Kitô dưới quyền nó (Cv 2,24). Năng Lực ấy là do Chúa Cha ban cho Đức Kitô và sẽ ở mãi trong Đức Kitô, làm cho Đức Kitô quy hướng về Cha, trở về với Cha, kết hiệp với Cha, nên Một với Cha. Nhân tính của Đức Kitô được Thánh Thần Phục Sinh vinh hiển đưa vào lòng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thần-học-gia Romano Guardini đã sung sướng và kinh ngạc khi đề cập đến quan hệ giữa mầu nhiệm Vượt Qua và mầu nhiệm Ba Ngôi : Trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi có "một con người".

Đức Kitô Phục Sinh trở về cùng Chúa Cha vẫn là Người, và còn là Người hơn nữa. Ngài là Người Viên Mãn. Chân lý này là Tín-điều của Hội Thánh Công Giáo. Biến cố Vượt Qua làm nảy sinh sự kết hợp bất khả phân ly giữa Đất với Trời, giữa con người và Thiên Chúa, là điều khởi đầu với biến cố Nhập Thể. Phục Sinh hoàn tất Nhập Thể, vì Nhập Thể là một tiến trình chỉ hoàn tất trong cái chết, vừa nói lên thân phận làm người, vừa biểu lộ sự đảm nhận trọn vẹn thân phận ấy. Và sự đảm nhận trọn vẹn này của Con Thiên Chúa sẽ làm cho loài người cũng được phục sinh.

IV. CHÚA THÁNH THẦN VÀ GIÁO HỘI CÔNG BỐ MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

Đức Kitô Phục Sinh ban Năng Lực mà Người đã lãnh nhận từø nơi Thiên Chúa cho Hội Thánh (Ga 15,26 ; 20,22), để Hội Thánh quy tụ những anh em của Đức Kitô, làm cho họ trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, đồng thừa tự với Đức Kitô. Vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc sinh hạ Đức Giêsu và trong mầu nhiệm Tử Nạn - Phục Sinh là "biểu lộ tư cách làm Con Thiên Chúa" của Đức Giêsu. Đối với nhân loại và thế giới, Thánh Thần vẫn tiếp tục vai trò này cho đến tận cùng trái đất và cho đến ngày tận thế.

Thánh Thần làm chứng về Chúa Cha, giờ đây cũng làm chứng về Đức Giêsu (Ga 15,26). Thánh Thần mạc khải Đức Giêsu, như Đức Giêsu mạc khải Chúa Cha.

Giáo Hội cùng với Thánh Thần cử hành và công bố "Mầu Nhiệm Vượt Qua" của Đức Kitô. Khi công bố mầu nhiệm Vượt Qua, Giáo Hội tuyên xưng Đức Kitô là Chúa (Kurios) và là Thiên Chúa (Thêos), đồng thời cũng tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi trong lịch-sử cứu-độ. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Tình Yêu Cứu Độ, Giáo Hội được nâng lên để chiêm ngưỡng Thiên Chúa Ba Ngôi Hằng Hữu. Tin mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, Giáo Hội sẽ hiểu "Tình Yêu tự thân" (Amor substantialis) của Thiên Chúa phản ánh trong đó.

V. MẦU NHIỆM VƯỢT QUA PHẢN ÁNH MẦU NHIỆM BA NGÔI

Mầu nhiệm Vượt Qua cũng là mầu nhiệm Xuất Hành. So với biến cố vượt qua Biển Đỏ của dân Do-thái hướng về Hứa Địa, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu là một biến cố Xuất Hành Mới, Xuất Hành triệt để, rời bỏ triệt để, không phải chỉ là rời bỏ một mảnh đất để tiến về một mảnh đất khác, mà là rời bỏ triệt để chính mình, ra khỏi chính mình.

Tình Yêu Xuất Hành của Đức Kitô là bản chất của Người và phản ánh bản chất của Chúa Cha. Trạng thái tâm hồn của một người yêu thương cực độ là một trạng thái "ngây ngất" hay "xuất thần" (ektasis) : con người không còn thuộc về chính mình nữa. Bản chất động (nature dynamique) của Tình Yêu Cao Độ là Ra-khỏi và Hướng-về. Nếu chúng ta chấp nhận luận điểm của thánh Gioan : "Thiên Chúa là Tình Yêu", thì phải chấp nhận Thiên Chúa như một Đấng luôn luôn ra khỏi chính mình. Do đó chữ "Substantia" (Bản-thể) ứng dụng cho Thiên Chúa là một từ ngữ không mấy phù hợp, mặc dù cần thiết để tránh những sai lạc thuộc loại Hình-thái-thuyết hay Hạ-phục-thuyết (subor-dinatianisme) của Ariô.

Chúa Cha là Tình Yêu, nên sự hiện hữu của Người là "hiện-hữu hướng-về" (Esse ad), và nếu chúng ta tin lời Chúa Giêsu nói với Philíp : "Ai thấy Ta là thấy Cha", thì chân lý chúng ta vừa nêu ra càng chính xác. Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu cho thấy Người luôn luôn hướng về Cha. Tâm hồn của Người lúc nào cũng hướng về Cha. Người hướng về Cha ngay tưGa 1,1). Trái tim của Người trọn vẹn thuộc về Cha. Người hướng về Cha hoàn toàn hơn cả qua cái chết. Người đã liều mất sự sống mình vì Cha và vì chúng ta. Bản chất của Người là "bản chất sinh động" và sự sống của Người là sống-cho(proexistence), là hiện-hữu hướng-về (esse ad).

Hình ảnh Chúa Giêsu dùng để mô tả sinh hoạt và chân tính của Chúa Thánh Thần là "Gió" : Gió muốn thổi đâu thì thổi (Ga 3,8). Gió không thể là hình ảnh của một hiện sinh tự tại ; gió không bao giờ dừng lại ở chính mình nhưng gió luôn luôn thổi về phía khác với mình. Bản chất của gió là động và gió hiện-hữu hướng-về (esse ad). Chúa Thánh Thần là ngọn gió Tình Yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa thổi Tình Yêu Chúa Cha hướng tới Chúa Con và Tình Yêu Chúa Con quay về Chúa Cha.

VI. Suy tư dựa trên kinh nghiệm đức tin trong cử hành Phụng Vụ

Cử hành bí tích Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm mang đến cho những người kitô-hữu sự sống thần linh, sự sống Ba Ngôi : Thánh Thể là bí tích "thần-hóa" đời sống con người. Kitô-hữu được thần-hóa khi đi vào mầu nhiệm Vượt Qua mà họ cử hành trong thánh lễ. Cộng đồng Giáo Hội cử hành việc Đức Kitô đến trong mầu nhiệm Tử Nạn - Phục Sinh. Người đến và hiện diện giữa chúng ta. Nhưng đến đối với Người cũng là đi, Người đi về cùng Thiên Chúa. Khi chúng ta cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Người, chúng ta cùng đi với Người về cùng Cha. Người như Vị Anh Cả lôi kéo chúng ta về cùng Cha. Cùng đi với Người, bước theo Người, chúng ta cùng siết chặt tình huynh đệ với Người và càng xứng đáng gọi Thiên Chúa là Cha : Abba, lạy Cha ! Ra đi với Người là ra đi chịu chết, là hiến tế vì anh em, chết với Người để được sống lại với Người.

Về cùng Cha là kết hiệp với Cha, nên một với Cha ; vì thế, hiệp thông với Đức Kitô Tử Nạn - Phục Sinh trong bí tích Thánh Thể là hiệp thông với Cha, nên một với Cha. Cùng đi với Chúa là hướng về Cuộc Sống Cởi Mở trong Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng là đến với anh em cách trọn vẹn, là ra khỏi giới hạn cá nhân, là xuất hành vì tình yêu, như tình yêu đòi hỏi. Sức mạnh cần thiết cho cuộc hành trình này là Sức Mạnh Tình Yêu, là Thần Lực của Thiên Chúa và của Đức Kitô. Thánh Thần là Năng Lực Yêu Thương khiến Đức Kitô đến với chúng ta, và cũng là Năng Lực Tình Yêu làm cho chúng ta đi được với Chúa. Không có Thánh Thần, thì không có Đức Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể, không có Đức Kitô đến với chúng ta. Cử hành Thánh Lễ là cử hành việc Thánh Thần đưa Đức Kitô đến từ nơi Cha và đưa Đức Kitô đi về cùng Cha ; Thánh Thần tháp nhập chúng ta vào Đức Kitô, để chúng ta cùng đi với Vị Hướng Đạo thần-nhân (Conducteur humano-divin).

Từ nay, không phải chỉ một mình Đức Kitô đi vào lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, mà cả một đàn em đông đúc đi theo Người. Cử hành bí tích Thánh Thể là cử hành việc Chúa Cha đón chờ Đức Kitô, nhận Đức Kitô làm Con và nhận chúng ta làm "nghĩa tử". Cử hành Thánh Thể là cử hành việc Đức Kitô nên một với Chúa Cha nhờ Hy Tế Thập Giá ; cử hành Tình Yêu kết hiệp Cha và Con.

Có cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta mới cảm nghiệm mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm Thiên Chúa Cởi Mở. Thiên Chúa cởi mở với chúng ta trong Mặc Khải và Lịch-sử cứu-độ mà trọng tâm được cử hành trong Phụng Vụ. Điều đó chứng tỏ Mầu Nhiệm Ba Ngôi là một Mầu Nhiệm Cởi Mở (Mystère ouvert). Mầu nhiệm "giấu kín từ muôn thuở" theo kiểu nói của Phaolô, nhưng đã được mở ra. Người có quyền lực khai mở là Thánh Thần, Sức Mạnh của Tình Yêu. Có cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, chúng ta mới hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm sinh động. Thiên Chúa không là Đấng Bất Biến - Im Lìm, không là động cơ bất động, mà là một sự trao đổi kỳ diệu (périchorèse) giữa các Ngôi Vị. Khi chúng ta dùng chữ "tương tại" để nhấn mạnh sự Hiệp Thông Mật Thiết đến nỗi là Một theo như mạc khải trong Tin Mừng Gioan (17,21), chúng ta phải bổ sung những chữ "tương hướng" (hướng về nhau), "tương giao" (giao dịch, trao đổi với nhau), để làm nổi bật khía cạnh sinh động và cởi mở của Mầu Nhiệm Ba Ngôi. Từ sinh hoạt đối ngoại của Ba Ngôi (activitas ad extra) trong Lịch-sử cứu-độ, chúng ta được đưa vào sinh hoạt đối nội của Ba Ngôi (activitas ad intra). Bên trong có cởi mở mới có sự sống được trao ban ra bên ngoài. Hồng ân tuôn đổ cho chúng ta là do sự Sung Mãn Tràn Đầy của Tình Yêu trong Thiên Chúa và cũng là chính Thiên Chúa.

Cử hành bí tích Thánh Thể là cử hành việc Chúa Cha tuôn đổ Hồng Ân xuống cho chúng ta. Chúa Cha trao ban Chúa Kitô cho chúng ta. Mỗi lần cử hành là một lần đón nhận Quà Tặng lớn nhất của Chúa Cha, là Đức Kitô, Hình Ảnh của Cha, Bản Thể từ bản thể của Cha. Chúa Cha đã "phó nộp" Con của Người cho chúng ta, thì lẽ nào Người còn tiếc với chúng ta điều gì ? (Rm 8,32). Cử hành bí tích Thánh Thể là cử hành lòng thương bao la của Chúa Cha, nên về phía chúng ta, đó là cử hành nghi lễ Tạ Ơn Cha. Tạ Ơn Cha vì Đức Kitô và trong Đức Kitô. Thái độ tạ ơn chân thành nhất là kính cẩn đón nhận Hồng Ân. Đón nhận Hồng Ân là đón nhận Đấng Thi Ân : "Ai tiếp đón Ta là tiếp đón Đấng sai Ta" (Mt 10,40).

Mầu nhiệm của sự ban ơn (Mystère du don) đòi hỏi chúng ta quan niệm Thiên Chúa như một "thế giới mở", chứ không là một thực tại im lìm bất biến. Một lần nữa, nếu ở đây chúng ta muốn đề cập tới Duy-nhất-tính của Thiên Chúa, chúng ta phải vượt qua phạm trù số lượng, vì Đấng Duy Nhất là "Đấng Duy Nhất Cởi Mở" (lUn Ouvert), chứ không là duy nhất đóng kín, khai trừ, giống như sự duy nhất số lượng. Duy Nhất Cởi Mở là Duy Nhất Đích Thực, và có khả năng thâu kết vạn vật về cùng một mối (recapitulatio). Duy nhất số lượng không thâu kết, nhưng khai trừ (một là một, chứ không trở nên một). Thiên Chúa là Một, nhưng đang trở nên Một (Unum in esse et in fieri). Hiện hữu là biến chuyển (esse est fieri), chứ không im lìm, biến chuyển không theo nghĩa bất toàn của triết học Aristote (potentia fit actus). Biến chuyển nơi Thiên Chúa là Hành Động (Actus) và là Sự Sống (Vita). Chúng ta là những hữu thể có sinh hoạt vì được thông phần vào Sự Sống ấy. Sinh hoạt của chúng ta viên mãn khi chúng ta được thông phần trọn vẹn với Sự Sống của Thiên Chúa. Và đó là điều mà Thiên Chúa muốn. Đức Kitô được sai đến, để cho chúng ta được sống và sống viên mãn (Ga 10,10).

VII. Suy tư dựa trên khoa Thánh-Linh-học

Chúng ta còn có thể suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi dựa vào khoa "Thánh-Linh-học" là phần thần học "chậm phát triển" trong Giáo Hội La-tinh.

Bàn về nguồn gốc của Chúa Thánh Thần, thần học cổ điển dựa vào tín điều và khẳng định Chúa Thánh Thần nhiệm xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con (D. 150). Chúng ta không đi vào tranh luận nguồn gốc lịch sử của thành ngữ "Filioque", cũng không dừng lại việc chọn lập trường "Filioquisme" (như thần học Chính Thống trước đây thường gọi thần học Công Giáo La-tinh) hay lập trường "antifilioquisme" (như thần học La-tinh gọi thần học Chính Thống). Cả hai cách nói "bởi Con" (Filioque) hay "nhờ Con" (per Filium), tuy có sắc thái khác nhau vẫn biểu lộ "cơ cấu nhịp ba" (structure ternaire) của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nguồn gốc cũng như mọi sinh hoạt của Chúa Thánh Thần đều có Chúa Cha và Chúa Con thông dự. Sứ vụ của Chúa Thánh Thần có quan hệ tới cả Chúa Cha lẫn Chúa Con.

Cho tới nay, thần học về Chúa Thánh Linh trong Giáo Hội La-tinh nhấn mạnh chiều kích "quy Kitô" dựa vào một số câu trong Tin Mừng Gioan :

"Ngài sẽ dạy các ngươi mọi sự,

và sẽ nhắc cho các ngươi

nhớ lại mọi điều Ta đã nói với các ngươi" (14,26b)

"Ngài sẽ làm Ta được vinh hiển,

vì Ngài sẽ lấy của Ta mà thông báo cho các ngươi" (16,14)

Điều này rất đúng, vì chính Chúa Kitô đã tuyên bố : "Kinh Thánh làm chứng về Ta" (Ga 5,39). Cả sách Kinh Thánh đều do Chúa Thánh Thần linh hứng, và cả sách Kinh Thánh đều quy về Chúa Kitô. Như Chúa Kitô mặc khải Chúa Cha, Chúa Thánh Thần mặc khải Chúa Kitô. Không những thế, vai trò của Chúa Thánh Thần là Kitô-hóa Giáo Hội, Kitô-hóa người tín hữu, làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.

Nhưng không nên quá nhấn mạnh "chiều kích quy-Kitô" đến nỗi quên nhấn mạnh "chiều kích Ba Ngôi" của sứ vụ và nguồn gốc Chúa Thánh Thần. Chiều kích này cũng rất rõ, ngay trong Tin Mừng Gioan :

"Khi Đấng Bầu Chữa đến,

Đấng Ta sẽ gửi đến từ nơi Cha,

Thần Khí sự thật, từ Cha xuất ra,

Ngài sẽ làm chứng về Ta" (15,26)

"Nhưng Đấng Bầu Chữa,

Thánh Thần Cha sẽ sai đến nhân danh Ta" (14,26a)

Quan điểm của Phaolô, tuy nặng về sinh hoạt của Thánh Thần trong Giáo Hội, vẫn mang sắc thái Ba Ngôi :

"Nếu Thần Khí của Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cư ngụ trong anh em, thì Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tác sinh thân xác chết dở của anh em, nhờ bởi Thần Khí của Người cư ngụ trong anh em" (Rm 8,11)

"Chính Thần Khí chứng thực cho thần hồn ta rằng : ta là con cái Thiên Chúa, mà nếu là con, thì cũng là kẻ thừa tự, thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô." (Rm 8,16-17)

Các thư của Phaolô đầy những thành ngữ "Thánh Thần của Thiên Chúa", "Thánh Thần của Cha", "Thánh Thần của Đức Kitô". Các thành ngữ ấy đều đúng và được sử dụng bổ túc cho nhau, làm nổi bật cơ cấu Ba Ngôi của khoa Thánh-Linh-học.

Thánh-Linh-học nhắc nhở chúng ta nên tuân theo cũng một cơ cấu nhịp ba, khi tìm hiểu về Chúa Kitô. Kitô-học và ngay cả thần học về Chúa Ba Ngôi dễ rơi vào khuynh hướng tách rời các quan hệ Ba Ngôi thành hai cơ cấu nhịp hai (binaire) : Chúa Cha - Chúa Con (Đức Kitô) ; Chúa Con - Chúa Thánh Thần. Dĩ nhiên có lúc chúng ta phải làm như vậy, vì ngôn ngữ loài người bị giới hạn, và Kinh Thánh cũng đã làm như thế. Nhưng sau đó đừøng quên cơ cấu nhịp ba, vì nếu đánh mất cơ cấu này chúng ta sẽ đánh mất luôn mầu nhiệm Ba Ngôi, và sẽ làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô trở nên nghèo nàn. Chúng ta dường như chỉ còn "một nhịp ba" "hai nhịp hai" : "Chúa Cha sinh ra Chúa Con", "Chúa Con được Chúa Cha sinh ra" ; "Chúa Thánh Thần nhiệm xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con".

Vì những nhịp hai này mà chúng ta không kết hợp được Kitô-học với "thần học Chúa Ba Ngôi", để cho thần học Chúa Ba Ngôi tách rời gương mặt Đức Giêsu và đi vào lý luận khô khan trừu tượng về bản thể và yếu tính. Hai mầu nhiệm lớn nhất trong Kitô-giáo không còn ăn khớp với nhau, đẻ ra hậu quả thực tế trong đời sống tu đức cá nhân của người kitô-hữu bình dân. Đa số chỉ biết có Chúa Kitô. Một số nhỏ biết cầu nguyện với với Chúa Cha, và một số ít hơn biết Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần không những bị "quên lãng" trong thần học La-tinh, mà còn bị quên lãng ngay trong sinh hoạt đạo đức hằng ngày của người kitô-hữu.

Công Đồng Vaticanô II kêu gọi trở về với "niềm tin Ba Ngôi nguyên thủy". Nền tảng tín lý của mầu nhiệm Giáo Hội trong hiến chế Lunen Gentium là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi dưới nhãn quan Lịch-sử cứu-độ hay là Lịch-sử cứu-độ dưới "nhãn quan Ba Ngôi". Vì là một Công Đồng mục vụ, Vaticanô II chưa đẩy mạnh công tác đào sâu và khai triển mầu nhiệm Ba Ngôi mà giao công việc này lại cho các nhà thần học.

Chúng ta mạnh dạn lấy lại "cơ cấu Ba Ngôi" cho "mầu nhiệm Chúa Kitô" như thần học Hy-lạp đã làm trong khoa Thánh-Linh-học. Hy vọng nhờ đó, thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi trở nên sinh động và gần gũi. Công việc này có một căn bản Kinh Thánh rộng rãi và vững chắc.

Chúng ta hãy nêu ra vài ví dụ :

a/ "Mầu nhiệm Nhập Thể" của Đức Kitô. Vì vâng phục Chúa Cha, Đức Kitô đã đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha (Dt 5,9) ; và như được Thánh Thần đưa xuống thế gian : Đức Maria có thai Đức Giêsu do tự Thánh Thần (Mt 1,18 và 21). Hay nói theo kiểu của Luca, "Thánh Thần đến trên Đức Maria, Quyền Năng Đấng Tối Cao trên người rợp bóng" (Lc 1,35). Quyền Năng Đấng Tối Cao là Thánh Thần của Thiên Chúa, Sức Mạnh Tình Yêu của Thiên Chúa. Nếu từ đời đời Chúa Cha là Tình Yêu sinh ra, Chúa Con cũng là Tình Yêu được sinh ra trong Sức Mạnh Tình Yêu là Chúa Thánh Thần ; thì cũng Tình yêu của Chúa Cha khiến Chúa Con nhập thể làm người trong và nhờ Sức Mạnh Tình Yêu là Chúa Thánh Thần.

b/ Sứ vụ của Đức Giêsu-Kitô. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu không ngừng khẳng định Chúa Cha sai Người đến thế gian. Sứ vụ của Người là sứ vụ từ trên cao. Thậm chí Chúa Cha được đồng hóa với "Đấng Sai" và Đức Giêsu với "Đấng được-sai". Nhưng Tin Mừng Luca bổ sung Tin Mừng Gioan bằng Lời sách Isaia : "Thần Khí Chúa ở trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó" (Lc 4,18). Chính Tin Mừng Gioan cũng không bỏ qua biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, là biến cố có giá trị mặc khải sứ vụ của Đức Giêsu. Trong biến cố này, tiếng nói mặc khải là của Chúa Cha, nhưng có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần như chim bồ câu đáp xuống và lưu lại nơi Đức Giêsu (Ga 1,32-34).

Khi đã quen với "cơ cấu nhịp ba" trong cách tìm hiểu và trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nhìn vào bất cứ Ngôi Vị nào chúng ta sẽ thấy các Ngôi Vị kia. Chiêm ngắm Chúa Kitô, chúng ta sẽ thấy Chúa Cha (Ga 14,9) và được tiếp xúc với Chúa Thánh Thần. Hướng về Cha, chúng ta sẽ nhìn ra chân tính của Đức Kitô và đón nhận Chúa Thánh Thần. Lãnh nhận Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ thấy bừng sáng gương mặt của Đức Kitô và lòng thương xót của Chúa Cha. Từ ngữ "Bộ Ba" (Trinité) diễn tả được một phần sự khắng khít giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong Lịch-sử cứu-độ, đâu đâu cũng có sự hiện diện của Bộ Ba. Các nhà thần học đều nhận rằng "sinh hoạt đối ngoại" (operationes ad extra) như "tạo dựng" là sinh hoạt chung của "Bộ Ba", mặc dù, tùy thời đại khác nhau mà mỗi Ngôi Vị "xuất đầu lộ diện". Sáng kiến cứu độ là của Chúa Cha ; thực thi sáng kiến là do Chúa Con ; hoàn tất sáng kiến là việc Chúa Thánh Thần (Vaticanô II, GH các số 2, 3, 4).

VIII. TRỞ VỀ VỚI CUỘC SỐNG VÀ CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU

Muốn cho mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trở nên cụ thể, sinh động và hấp dẫn, hãy nhìn vào gương mặt "con người Đức Giêsu" ! Là con người, trước tiên chúng ta được mời gọi nhìn vào "người Con" mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, để từ đó chúng ta khám phá dần Gương Mặt đích thực của Ngài.

Công Đồng Nixê, dù sử dụng phạm trù hữu thể học để trình bày đức tin Công Giáo và gạt bỏ những sai lầm phát sinh từ bối cảnh văn hóa và triết học Hy-lạp, vẫn không rời bỏ Kinh Thánh, không tách rời mầu nhiệm Ba Ngôi khỏi mầu nhiệm Kitô. Tín điều Nixê vừa là tín điều Kitô, vừa là tín điều Ba Ngôi. Đức Tin Công Giáo đan kết chặt chẽ hai mầu nhiệm. Vì có tín điều Kitô, nên có tín điều Ba Ngôi ; và ngược lại, vì có tín điều Ba Ngôi, nên có tín điều Kitô. Nhưng như Ghislain Lafont nhận định, học thuyết Nixê là học thuyết Gioan "mất đi chiều kích lịch sử" (johannisme déhistoricisé). Thần học của Công Đồng Nixê nhấn mạnh phần "Ngôi Lời là Thiên Chúa" trong Tin Mừng Gioan. Bản tuyên tín Nixê khai triển thành nhiều khoản : - một Đức Giêsu-Kitô Con Thiên Chúa ; - Đấng duy nhất sinh bởi Chúa Cha, nghĩa là từ Bản Thể Chúa Cha ; - là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật ; - được sinh ra mà không phải tạo thành ; - nhờ Người mà muôn vật được tạo thành trên trời dưới đất. Phần "Lời đã trở thành xác phàm" ít được khai triển hơn.

Thần học Nicée được bổ túc bởi thần học Công Đồng Chalcédoine, nhấn mạnh nhiều hơn đến phần xác phàm, nhưng con người cụ thể của Đức Giêsu vẫn chưa nổi bật, nên mầu nhiệm Ba Ngôi vẫn chưa gần gũi và hấp dẫn.

Chúng ta không thể trách Công Đồng Nicée và Công Đồng Chalcédoine ; trái lại chúng ta phải biết ơn, vì hai Công Đồng này đã gìn giữ đức tin Công Giáo tinh tuyền, không bị những sai lầm lớn lao như lạc giáo Ariô và "Nhất-tính-thuyết" (Monophysisme) đục khoét. Nhưng chúng ta không nên dừng lại ở mặt chữ tín điều, mà phải nỗ lực tìm ra cách trình bày mới như lòng mong ước của Đức Gioan XXIII lúc khai mạc Công Đồng Vaticanô II. Làm cho con người hôm nay thấy các mầu nhiệm trọng tâm của Kitô-giáo có quan hệ đến mình, đến cuộc sống hằng ngày, đến những lo âu và bận tâm của nhân loại trong thế giới hôm nay. Hiến chế "Vui-mừng và Hy-vọng" đã nêu ra một số câu hỏi lớn của con người hôm nay : Con người là ai ? Đau khổ, sự dữ, sự chết có ý nghĩa gì ? Điều gì sẽ xảy ra sau cuộc sống đời này ? (Vaticanô II, MV 10).

Phải chăng đây là những điểm Công Đồng gợi ý cho chúng ta để từ đó chúng ta suy tư về các mầu nhiệm. Mầu nhiệm con người Giêsu xuất hiện như chìa khóa mở cửa cho huyền nhiệm con người và mầu nhiệm Thiên Chúa. Kitô-học là nơi gặp gỡ giữa thần học về con người và thần học về Thiên Chúa. Chúng ta sung sướng được làm con Thiên Chúa, cùng với Đức Giêsu-Kitô, người Anh Cả của chúng ta ; chúng ta vui mừng đón nhận Thánh Thần của Cha chúng ta và của Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta.

"Ai thấy Ta là thấy Cha" (Ga 14,9). Câu nói này của Đức Giêsu là chìa khóa quan trọng nhất để chúng ta tìm hiểu Thiên Chúa qua con người và cuộc đời của Ngài.

Đức Giêsu không trình bày một học thuyết hệ thống về Thiên Chúa. Ngài xuất hiện như một Ngôn Sứ, Đấng nói thay cho Thiên Chúa, nói lên ý muốn của Thiên Chúa.

Ngài va chạm với kẻ thù, không phải vì đã đưa ra một giáo lý mới về Thiên Chúa. Ngài nói Thiên Chúa là Đấng tốt lành, những người Do-thái cũng nghĩ như Ngài. Ngài tin chỉ có một Thiên Chúa Duy Nhất ; đó cũng là niềm tin độc thần của người Do-thái. Ngài tin Thiên Chúa đã phán với các tổ phụ, Thiên Chúa đã ra chỉ thị cho Môsê giải phóng dân tộc ; người Do-thái cũng tin như vậy. Ngài không bao giờ hoài nghi dân Do-thái là Dân Giao Ước. Ngài nhấn mạnh lòng thương xót của Thiên Chúa ; chắc chắn giới Biệt Phái và Sađđucêu đều đồng ý, vì Thiên Chúa được Mặc Khải trong Cựu Ước cũng là Thiên Chúa giầu lòng thương xót.

Mọi ưu phẩm mà Đức Giêsu nhìn thấy nơi Thiên Chúa, người Do-thái hoàn toàn chấp nhận. Vậy sự bất đồng phát xuất từ đâu ?

Có phải vì Đức Giêsu tự xưng là "Con Thiên Chúa" ? Tin Mừng Luca 22,70-71 làm cho chúng ta nghĩ như vậy : "Mọi người đều nói : Vậy ra ông là Con Thiên Chúa ! Ngài nói cùng họ : Các ông nói đó : Chính là tôi. Họ rằng : Nào ta còn cần gì đến việc làm chứng nữa ? Vì chính ta đã nghe tự miệng hắn rồi !".

Thực ra vấn đề không đơn giản như thế ! Tước hiệu "Con Thiên Chúa" thời Đức Giêsu không là một tước hiệu ám chỉ tính siêu việt hay đồng-bản-thể như chúng ta hiểu ngày nay. "Con Thiên Chúa" nói chung có nghĩa là người được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn. Nhiều nhà lãnh đạo quốc gia hay tôn giáo được gọi là Con Thiên Chúa. dân Israel cũng được gọi là Con Thiên Chúa. Vấn nạn mà ông thị trưởng thành phố Giêrusalem đặt ra cho hồng y Daniélou trong một cuộc trao đổi về vụ án Giêsu tại Rôma là : "Thời Đức Giêsu, có rất nhiều người Do-thái tự xưng là Con Thiên Chúa, sao họ không bị giết" ?

Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy nơi cách cư xử và hành động của Đức Giêsu. Trên lý thuyết, những người Do-thái cũng nghĩ về Thiên Chúa giống như Đức Giêsu ; nhưng trên thực tế có hoàn toàn như vâïy không ? Niềm tin vào Thiên Chúa đã ảnh hưởng như thế nào trên cuộc sống cá nhân và xã hội của họ ? Phân tích lãnh vực này, chúng ta thấy nổi bật lên sự khác biệt giữa Đức Giêsu và kẻ thù của Ngài.

Cách cư xử và hành động là hệ luận thực tế của niềm tin và nhiều khi biểu lộ nội dung của ý nghĩ. Một ví dụ rất quan trọng là thái độ của Đức Giêsu đối với ngày sabbat. Trên lý thuyết, người Do-thái cũng nghĩ như Đức Giêsu là phải làm vinh danh Thiên Chúa trong ngày sabbat. Trong thực tế, họ và Đức Giêsu có những lối cư xử hoàn toàn khác nhau. Đối với Đức Giêsu, làm vinh danh Thiên Chúa là yêu thương, cứu sống những người hoạn nạn và đau khổ. Đối với người Do-thái là phải tuân giữ tuyệt đối luật ngày sabbat. Lòng nhân từ của Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng là lòng nhân từ đích thực, vì Thiên Chúa không chú trọng tới việc giữ Lề Luật để tôn vinh Người, nhưng chú trọng nhiều hơn đến con người, đến những đau khổ của con người. Thiên Chúa muốn cho con người được hạnh phúc.

Vì sao cũng một chân lý lại đưa tới hai hệ luận hoàn toàn trái ngược : hệ luận trong cách xử thế của Đức Giêsu là "sabbat vì con người" ; hệ luận nơi cách hành động của biệt phái là "con người vì sabbat" ? Hai hệ luận khác nhau chắc hẳn phát xuất từ hai nội dung khác nhau ?! Do đó chúng ta có thể kết luận : Đức Giêsu không nói điều gì mới về Thiên Chúa, nhưng suy nghĩ khác với cách suy nghĩ của người Do-thái. Và chính cách suy nghĩ đưa tới hành động mới biểu lộ Gương Mặt Đích Thực của Thiên Chúa.

Ví dụ khác là câu nói của Đức Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi : "Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành" (Mt 5,48). Chắc chắn những kẻ thù của Đức Giêsu cũng đồng ý "Thiên Chúa là Đấng trọn lành". Nhưng họ không rút ra cùng những hệ luận với Đức Giêsu. Đối với họ, Thiên Chúa trọn lành có nghĩa là : Lề Luật mà Người ban qua Môsê là trọn hảo, phượng tự trong Đền Thờ là hoàn hảo, tổ chức xã hội theo sát mặt chữ Lề Luật là trọn hảo, khai trừ những người tội lỗi là đúng, lên án người phụ nữ ngoại tình là phải. Đức Giêsu thì suy nghĩ và cư xử khác : không kết án người phụ nữ ngoại tình, không khai trừ những người tội lỗi, mà còn tỏ lòng yêu thương đặc biệt đối với họ. Thiên Chúa hoàn hảo cho mặt trời mọc lên và cho mưa xuống trên cả người lành kẻ dữ (Mt 5,45). Một bên thì "hoàn hảo" đưa tới buộc tội, và bên kia thì "hoàn hảo" đưa tới tha thứ.

Sự xung đột và khác biệt càng nổi bật trong cách giải thích những hành vi cứu nhân độ thế của Đức Giêsu. Đức Giêsu xác tín những điều Ngài thực hiện, những phép lạ Ngài làm là nhân danh Thiên Chúa và trong sức mạnh của Thánh Thần. Thánh Thần thúc đẩy Ngài thi hành Ý Muốn của Thiên Chúa, chấp nhận đường lối khiêm nhường phục vụ thay vì đường lối thống trị bằng quyền lực. Thánh Thần giúp Ngài lướt thắng cám dỗ đi theo con đường của thế gian (Lc 4,1-13). Người Do-thái thì nhìn cách hành động cũng như những dấu lạ Ngài làm do sự xúi giục của Satan. Đối với Đức Giêsu, không có xúc phạm nào lớn hơn điều sỉ nhục này.

Sự xung đột nổi lên rõ ràng và bi thảm hơn cả trong vụ án và cái chết của Đức Giêsu. Người Do-thái cũng như Đức Giêsu đều nghĩ rằng cái chết của Ngài là điều Thiên Chúa muốn. Đối với người Do-thái, Thiên Chúa là Thiên Chúa của Lề Luật và trật tự. Thiên Chúa không chấp nhận xáo trộn trật tự đã có từ ngàn đời. Thiên Chúa không muốn đặt lại vấn đề về xã hội và con người, về tôn giáo và Lề Luật. Ai đặt lại vấn đề, ý Thiên Chúa muốn cho người ấy phải chết. Đức Giêsu cũng nghĩ rằng cái chết của Ngài nằm trong chương trình của Thiên Chúa, là thánh ý của Thiên Chúa. Nhưng Ngài hiểu khác : cái chết là cao điểm của Tình Yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Ngài làm chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu đến giây phút cuối cùng, đến "lằn ranh cuối cùng" là cái chết, Ngài làm chứng trong cái chết và bằng cái chết. Mạng sống là giá phải trả cho chứng từ tình yêu. Dĩ nhiên trên bình diện xác phàm yếu đuối, Đức Giêsu đã xin Thiên Chúa cất chén đắng (Mc 14,32-36 ; Mt 26,36-46 ; Lc 22,40-45), và có lúc cảm thấy cô đơn (Mc 15,34 ; Mt 27,46). Nhưng Ngài đã chiến thắng sự yếu đuối của xác phàm và hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa (Pl 2,8). Lúc lâm chung, Ngài đã hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa : "Lạy Cha, Con ký thác hồn Con trong tay Cha" (Lc 23,46).

Rõ ràng là cùng một Thiên Chúa, cùng một Thánh Ý, nhưng một bên là Thiên Chúa của người tử tội, bên kia là Thiên Chúa của đao phủ. Một bên là Thiên Chúa không muốn dùng Quyền Lực chống lại kẻ dữ ; bên kia là Thiên Chúa dùng Sức Mạnh để trừng phạt. Vậy ai là người có lý ? Ai hiểu đúng Thiên Chúa và Thiên Chúa là ai ? Trước cái chết bi thảm của Đức Giêsu. Những kẻ thù của Ngài như có lý. Sự nhạo báng mà người Do-thái dành cho Đức Giêsu biểu lộ tâm tưởng đắc thắng của họ (Mc 15,21-32 ; Mt 27,32-44) : Thiên Chúa về phe họ, không về phe Đức Giêsu, như ông này đã từng rêu rao !

Có hai cách hiểu và hai cách sống khác nhau "cùng một niềm tin lý thuyết". Từ đó, môn đệ được mời gọi lựa chọn một trong hai con đường ; con đường của Đức Giêsu, hay con đường của người Do-thái. Các môn đệ của Đức Giêsu không theo con đường của người Do-thái, vì niềm tin và tình yêu họ dành cho Ngài. Họ đau buồn vì cái chết của Chúa, nhưng sự đau buồn đó biểu lộ tình yêu. Còn kẻ thù của Chúa thì vui và niềm vui của họ phản ánh sự thù ghét : "Các ngươi sẽ khóc, sẽ than, còn thế gian sẽ mừng rỡ" (Ga 16,20a). Nhưng rồi các môn đệ lại được gặp Đức Giêsu Phục Sinh, và sự ưu phiền của họ trở thành niềm vui (Ga 16,20b). Đó mới là niềm vui đích thực và sâu xa, niềm vui của những người đã chịu thử thách giống như niềm vui của người phụ nữ sinh con (Ga 16,21-22).

Như vậy là cái chết của Đức Giêsu đặt lại vấn đề về Thiên Chúa tận gốc rễ, và cái chết, hay đúng hơn, thái độ của người chết (= Đức Giêsu) đã là một giải đáp, dù là giải đáp chưa được xác nhận. "Này là Người" ! "Này là Thiên Chúa" ! Người này là tử tội, nhưng không vì tội ác mà vì tình yêu : là một người thà chết hơn là đi theo con đường cũ của tôn giáo. Sức mạnh của tôn giáo thật là lớn : nó có sức "cầm tù" con người, hay nó có khả năng mở ra con đường mới. Đức Giêsu mở ra con đường mới bằng chính cái chết của mình. Con đường ấy được xác nhận bởi biến cố Phục Sinh. Con Đường ấy là "Đạo Kitô". Thời Giáo Hội sơ khai, các kitô-hữu vẫn gọi niềm tin tôn giáo của mình là "Đạo" (la voie, via). Con Đường ấy là Con Đường Tình Yêu, Con Đường biểu lộ Tình Yêu và đưa đến Tình Yêu, Con Đường Mặc Khải Thiên Chúa và dẫn đến Thiên Chúa.

Đức Giêsu mở đường bằng cái chết, nên con đường ấy là con đường thập giá. Những người rao giảng con đường ấy, rao giảng trước hết Đức Giêsu chịu đóng đinh (1 Cr 2,2). Đối với chúng ta, những người đang trên con đường cứu thoát, thì đó là Quyền Năng của Thiên Chúa. Quyền Năng biểu lộ bằng sự chết ; và chắc chắn đó không phải là cái chết trừng phạt. Đối với nhân loại tội lỗi, Quyền Năng của Thiên Chúa như phải lựa chọn một trong hai con đường : trừng phạt hay tha thứ. Thiên Chúa đã lựa chọn con đường tha thứ. Đức Giêsu, khi còn tại thế, cũng đã lựa chọn con đường tha thứ. Con đường đó cuối cùng phải trả giá bằng cái chết. Cái chết là bằng chứng Đức Giêsu đã đi cùng đường. Ngài đã yêu thương và tha thứ đến cùng : "Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm" (Lc 23,34a). Thái độ tha thứ của Đức Giêsu biểu lộ lòng nhân hậu của Chúa Cha. Cha của Đức Giêsu là Vị Thiên Chúa hay tha thứ . Đức Giêsu, Con của Cha cũng tha thứ như Cha.

Hiểu được cái chết của Đức Giêsu, các môn đệ mới hiểu tại sao khi còn sống, Đức Giêsu thường giao du với những người tội lỗi, và thỉnh thoảng lại khẳng định Ngài có quyền tha tội. Các môn đệ hiểu được cái chết của Ngài nhờ Thánh Thần như Nước Hằng Sống tuôn chảy từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giêsu (Ga 19,34). Chính vì lẽ đó chúng ta có thể kết luận : "cạnh sườn bị đâm thâu" của Đức Giêsu, "trái tim chảy máu" của Đức Giêsu là Mặc Khải cao nhất và trọn vẹn nhất Tình Yêu của Thiên Chúa.

Tình Yêu của Thiên Chúa, muốn được biểu lộ cho con người, phải được diễn tả bằng những "nét người". Nét nổi bật và xúc động nhất là "Trái Tim chảy máu". Trái Tim của Đức Giêsu là "Trái Tim của Chúa Cha" được "phô bày ra" cho nhân loại. Đó là Trái Tim hiền lành và dịu dàng từ khi bắt đầu đập cho đến lúc ngừng hẳn.

Nhịp đập của trái tim bằng thịt phải theo quy luật thời gian, nhưng Tình Yêu Vĩnh Cửu thì vượt thời gian. Vĩnh Cửu đã trở nên thời gian. Tình Yêu Vĩnh Cửu được biểu lộ bằng tình yêu trong thời gian, nhưng không bị trói buộc bởi thời gian : "Sự chết vô phương cầm hãm được Người" (Cv 2,34).

Nếu chúng ta chấp nhận Chúa Cha và Chúa Kitô là Một trong cái chết, thì chúng ta mới chọn lựa hình ảnh Thiên Chúa biểu lộ nơi con người và cuộc sống của Đức Giêsu. Đảo ngược lại, nếu chấp nhận hình ảnh Thiên Chúa biểu lộ nơi con người và cuộc sống Đức Giêsu, chúng ta mới hiểu được Chúa Cha và Chúa Kitô là Một. Chúa Kitô không dạy gì mới về Thiên Chúa so với giáo lý Cựu Ước. Nhưng tất cả đều mới vì có Chúa Kitô. Và đối với ai tin vào lời nói của Đức Giêsu : "Ai thấy Ta là thấy Cha" (Ga 14,9), thì mọi sự đều mới, vì trước khi Ngài đến thế gian, đâu có ai thấy Ngài. Trước đó, mọi sự đều có, nhưng mọi sự còn giấu ẩn. Nói cho đúng hơn, trước đó đã có Mặc Khải, nhưng con người chưa hiểu ; Dân Giao Ước cũ chưa hiểu, hoặc hiểu sai. Hiểu sai vì giới hạn của trí tuệ, hiểu sai vì lòng bất trung, hiểu sai vì chưa đến kỳ hạn, chưa đến thời. Nay đã đến thời, thời thiên sai cánh chung, thời Thiên Chúa đổ tràn Thần Khí trên mọi người (Cv 2,17-18).

Sự mới mẻ, không do mặt chữ, nhưng do cuộc sống, do cách cư xử và hành động của Đức Giêsu là sự mới mẻ đích thực, sự mới mẻ của Thần Khí Mới. Chúng ta chỉ có thể nhìn ra sự mới mẻ hoàn toàn nhờ Thần Khí Mới, Thánh Thần của Giao Ước Mới đã ký kết bằng Máu Con Thiên Chúa (hiểu theo nghĩa "trọn vẹn"). Như vậy Chúa Cha đã biểu lộ qua Chúa Giêsu, giờ đây Chúa Giêsu tự biểu lộ "như Đấng Mặc Khải Cha" nhờ Quyền Năng của Thánh Thần. Thánh Thần là Sức Mạnh Tình Yêu của Cha và Con, giờ đây "bung ra", không phải để áp đảo, mà để khai phóng : Đâu có Thánh Thần, đó có tự do. Sức Mạnh của Tình Yêu đi cùng một con đường với Tình Yêu. Đường đi của Chúa Thánh Thần là đường đi của Chúa Kitô, và đường đi của Chúa Kitô là đường đi của Thiên Chúa : đó là con đường cứu thế (oikonomia). Trên con đường này, chúng ta lãnh nhận Thánh Thần, chúng ta gặp gỡ Đức Kitô và chúng ta nhìn thấy Cha (theologia).

Nhờ Thánh Thần, chúng ta khám phá "yêu thương" "trao ban", "dâng hiến". Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,8b), Nguồn Suối mọi tình yêu ; Tình Yêu của Thiên Chúa Cha là Tình Yêu tự trao ban chính mình cho Chúa Con. Chúa Cha trao ban sự sống mình cho Chúa Con : Người sinh ra Chúa Con. Chúa Con không ngừng lãnh nhận Tình Yêu và Sự Sống từ Chúa Cha : Ngài được Chúa Cha sinh ra. Tình Yêu hay Sự Sống được trao ban bởi Chúa Cha, được đón nhận bởi Chúa Con và Chúa Thánh Thần : Chúa Thánh Thần là Tình Yêu và Sự Sống của Chúa Cha, vì Cha là Thiên Chúa Hằng Sống ; Chúa Thánh Thần là Tình Yêu phát xuất từ Chúa Cha. Tình Yêu và Sự Sống của Chúa Cha ban cho Chúa Con, cũng thuộc về Chúa Con, là "Sở Hữu" của Chúa Con, là Gia Nghiệp của Chúa Con ; Chúa Thánh Thần thuộc về Chúa Con, là Thánh Thần của Chúa Con. Chúa Con dâng hiến trở lại cho Chúa Con Tình Yêu và Sự Sống. Sự Dâng Hiến này biểu lộ trên bình diện nhân loại bằng cái chết Hy Tế của Đức Giêsu. Cái chết ấy "hoàn tất" sự Dâng Hiến của Ngài. Khi gục đầu tắt thở, Ngài đã phó dâng "Thần Khí" của Ngài cho Thiên Chúa.

Tình Yêu trao ban của Chúa Cha cũng được biểu lộ bằng cái chết của Đức Giêsu. Việc trao ban Sự Sống của Cha tỏ lộ qua việc Đức Giêsu trao ban sự sống mình cho nhân loại. Thánh Thần mà Cha ban cho Chúa Con, Chúa Con ban cho nhân loại để nhân loại cũng được sống. Phó dâng Sự Sống hay Thần Khí cho Chúa Cha đối với Đức Kitô cũng là trao ban Sự Sống hay Thần Khí cho nhân loại. "Chén Lương Thực Thần Linh" mà Rublev vẽ trong "bức Icône Ba Ngôi" vừa là Chén Hy Tế cứu độ, vừa là Chén Hiệp Thông Ba Ngôi. Ba Ngôi sống bằng cùng một lương thực thần linh, cùng một sự sống ; đó là Tình Yêu Thần Linh. Chén Lương Thực Thần Linh ấy, Ba Ngôi Thiên Chúa cũng muốn chia sẻ cho nhân loại. Trên bình diện nhân loại, Lương Thực Thần Linh ấy, Sự Sống ấy trở thành Sự Sống của Đức Kitô. Thịt Mình Đức Kitô ban phát cho loài người. Ai ăn Thịt và uống Máu Đức Kitô thì được sống đời đời (Ga 6,34), vì được thông phần Sự Sống Thần Linh, Sự Sống Ba Ngôi Thiên Chúa.

Chia sẻ Chén Hiệp Thông Ba Ngôi, con người được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên Một như Ba Ngôi là Một (Ga 17,21).

Dựa vào suy tư của con người, đồng thời vượt lên trên suy tư ấy, chúng ta có thể hiểu rằng : "hành vi trao ban", "hành vi dâng hiến" đòi phải có nhiều Ngôi Vị : Đấng trao ban, Người lãnh nhận ; Đấng dâng hiến, Người tiếp nhận. Nhưng trao ban trọn vẹn, đón nhận trọn vẹn, hiến mình trọn vẹn cho nhau, đưa tới kết quả sau cùng là "chỉ có Một". Vì ngôn ngữ của loài người là phạm trù có tính thời gian và không gian, nên chúng ta phải dùng những chữ "trước" và "sau". Nhưng rồi chúng ta vượt lên trên những phạm trù này để được đưa vào lòng Thiên Chúa Ba Ngôi Vĩnh Cửu.

Kết luận

Chúng ta đã nỗ lực tối đa để tìm hiểu và diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và Duy Nhất. Chúng ta sử dụng nhiều động từ như : "Yêu Thương", "Trao Ban", "Dâng Hiến", "Kết Hiệp"., và nhiều danh từ như : "Tình Yêu", "Sự Sống", như "Cha", "Con" "Thánh Thần". Những động từ và danh từ chúng ta dùng đều đã được dùng trong Kinh Thánh. Ngôn ngữ Kinh Thánh là ngôn ngữ nhân loại, nhưng đã được "chọn lựa" : các từ đã dùng được con người chọn lựa với ơn soi sáng linh hứng của Chúa Thánh Thần. Các từ ấy mang giới hạn của con người, nhưng vẫn "gần" với chân lý hơn cả. Chúng ta có quyền coi những từ ngữ ấy như "những mạch suối". Vậy chúng ta không nên rời bỏ mạch suối, để xây những "bể rò" không gìn giữ được Nước Hằng Sống.

Diễn tả mầu nhiệm bằng những động từ, chúng ta đã khám phá và giới thiệu một Thiên Chúa đang sống và hành động ; chúng ta nhận biết đức tin của chúng ta là một đức tin sống : Thiên Chúa yêu thương mời gọi chúng ta yêu thương, Thiên Chúa "trao ban" thúc đẩy chúng ta ban phát, Thiên Chúa "dâng hiến đòi chúng ta hy sinh .

Diễn tả bằng danh từ, chúng ta có khả năng "kêu cầu" Danh Thiên Chúa và nhờ đó được cứu độ. Chúng ta tìm hiểu Danh Thiên Chúa và mong muốn Danh Người được cả sáng. Nhưng Danh của Thiên Chúa chỉ được cả sáng bằng hành động. Nhờ kết hợp danh từ với động từ, chúng ta mới có thể bập bẹ : "Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Hằng Sống, chúng con tin Ngài, chúng con yêu Ngài và chúng con muốn sống theo thánh ý của Ngài ; xin Ngài đưa chúng con vào trong thẳm cung Tình Yêu của Ngài. Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen".


Trở về Mục Lục Thần Học
Trở Về Trang Nhà