Còn chăng một tương lai cho THẦN HỌC GIẢI PHÓNG?

Lm. Giuse Hoàng Sỹ Quý, S.J.

Cách đây nửa thế kỷ, Thần học giải phóng ra đời trong khí thế đằng đằng của trào lưu tả khuynh đang chiếm lĩnh thế giới. Nay thì phong trào này đã êm lại sau khi hoàn thành sứ mạng của nó, là làm cho tư bản chủ nghĩa yếu đi trước sự lớn mạnh của các công đoàn. Do đó, lắm người đã nói đến sự cáo chung của Thần học giải phóng, nhất là vì không mấy ai nhắc đến nó nữa.

Để coi THGP còn chỗ đứng hay không, phải xem xã hội đã thay đổi ra sao, có còn ai cần được giải phóng? Nhất là xem hệ phương pháp trước đây của THGP còn thích hợp hay chăng trước những hoàn cảnh đã thay đổi?

Bắt đầu, chúng ta hãy ngoái đầu nhìn lại, xem Thần học giải phóng là gì, xem hoàn cảnh lịch sử-xã hội của địa phương khai sinh cho nó, xem phạm trù nào nó đã sử dụng để triển khai.

THGP : nguồn gốc và lịch sử phát triển

Kytô-giáo sinh Trung đông, nhưng trưởng ở Phương tây. Bắt đầu, nó xuất hiện như một con đường phản biện (contestataire), chống lại trật tự của thế giới cũ. Vì thế mà đi tới đâu, nó cũng bị giới cầm quyền xua đuổi, ít là trong giai đoạn đầu tiên.

Dân Israen sống lệ thuộc, từ lâu đã mơ vọng trở thành một đại cường quốc (Is.2.2-3), nên khi thấy bằng năm cái bánh, Đức Giêsu nuôi ăn cả vạn người[1], thì đã rắp tâm tôn Chúa lên làm vua. Thế nhưng Chúa lại bỏ đi (Gio.6.15), vì “vương quốc Ta không thuộc thế gian này” (Gio.18.36). Cuối cùng, chính Chúa bị dân Ngài đóng đinh, còn đạo Ngài lập thì bị truy sát đến tận Damas (Tđcv.9.2).

Cả đế quốc La mã cũng làm theo như thế. Vì Kytô-giáo chống các thần của họ, lại còn công bố một triều đại trong đó không còn phân chia giai cấp và kỳ thị nam nữ, nên các hoàng đế bảo vệ trật tự cũ và được bảo vệ bởi trật tự ấy cũng ra tay bách hại “Kytô-phái”[2] luôn.

Thế nhưng rồi Hòa bình Constantin đã đến, và thế là sau 300 năm bách hại, KTG được bình an để phát triển, để rồi dần dà trở thành quốc giáo của đế quốc, của các chính phủ kế tiếp đế quốc bên Châu Âu. Có điều, đây cũng là lúc quyền đạo quyền đời lẫn lộn, khiến cho đạo dù bành trướng rộng khắp, mà vẫn suy yếu đi một phần ở chiều sâu.

Vào thời Trung cổ, đời muốn tách ra khỏi sự lấn sân của đạo. Khởi đầu là khoa học (như với vụ án Galilê), rồi đến các luồng tư tưởng tự do gộp chung trong tiếng Tân đại chủ nghĩa, và sau cùng là các chính quyền. Với thức giả KTG, thì đây là điều may : “của Xeda trả về cho Xêda”, để Hội thánh thoát khỏi sự can thiệp của quyền đời, khi mà thế giới, trưởng thành rồi, đã có thể tự lo lấy vận mệnh của nó. Có điều giáo quyền thời ấy chưa hiểu được như thế, nên khi bị đời tấn công, đã co mình lại trong thái độ tự vệ, khép kín.

*

Phải chờ đến Vatican II để Hội thánh mở cửa quay về với thế giới, trở về không ở thế đồng nhất (với thế giới) nữa, nhưng ở thế đối thoại. Và đây là thời điểm thuận lợi cho những luồng thần học vào đời nổi lên : thần học Hi vọng, thần học Phát triển, rồi thần học Giải phóng. Thần học hi vọng và phát triển khai sinh bên Châu Âu, còn thần học giải phóng ra đời bên Châu Mỹ la tinh.

Tại sao lại bên Châu Mỹ la tinh?

Vì tại Châu Mỹ la tinh đang âm ỷ những bất mãn sâu xa trong một xã hội quá ư phân hóa : không chỉ có chia rẽ giữa giàu sang với nghèo hèn, mà còn chia rẽ giữa đô thị kỹ nghệ hóa với thôn quê bị bỏ rơi, chia rẽ giữa nhà cầm quyền độc tài liên minh với tài phiệt và các nhóm phiến quân khuynh tả, chia rẽ giữa kẻ xâm lăng và thổ dân mà đất đai sinh sống bị đám da trắng ngốn tỉa dần dần.

Châu Mỹ la tinh gần Bắc Mỹ văn minh, nên nhờ Bằc Mỹ mà kinh tế phát triển, nhưng cũng do đó lệ thuộc Bắc Mỹ trong chính sự phát triển ấy, sự phát triển nó càng đào sâu thêm cái hố giàu nghèo phân cách. Nhờ ánh sáng văn minh đến từ Bắc Mỹ, nhất là nhờ những luồng tư tưởng tự do mà thanh niên Nam Mỹ du học nhập về từ Tây Âu, mà giới trí thức này nhìn ra sự bất công nó đang ngự trị trên xứ sở.

Cùng vào giai đoạn ấy, từ nước Nga đã trở thành Liên bang xô viết, làn gió Mác xít đưa ngọn lửa cách mạng đến khắp nơi, nhất là từ sau thế chiến II. Luồng tư tưởng đỏ này gặp ở Nam Mỹ mảnh đất phù hợp nhất cho sự sinh sôi, lớn mạnh của nó. Và nhiều thần học gia Kytô-giáo đã chộp lấy cơ hội để dùng Duy vật biện chứng mác xít mà phân tích thực trạng xã hội Châu Mỹ la tinh, đồng thời triển khai một loại tư tưởng nó sẽ phát triển thành cái gọi là Thần học giải phóng.

*

Vâng, cái tên Thần học giải phóng chưa có ngay đâu, nhưng những nền móng của nó thì đã được xây nên dần dần từ một số năm trước.

Tại cuộc họp các thần học gia Mỹ la tinh năm 1964, Gustavo Gutierrez nghĩ rằng, đã làm thần học thì phải suy tư có phê phán từ Praxis, tiếng vay mượn từ học thuyết Mác xít. Kế đó, tại PeruMontreal năm 1967, ông đề cập tới “một chiến lược mục vụ của giải phóng”. Để rồi trong cuộc hội thảo thần học ở Thụy sỹ năm 1969, từ ngữ “Thần học giải phóng” chính thức chào đời. Thế là những cuộc hội thảo Thần học giải phóng đầu tiên được tổ chức : về phía Công giáo ở Bogota năm 1970 và 1971, về phía Tin lành ở Buenos Aires cũng vào thời điểm ấy. Tháng hai năm 1971, cuốn sách Teologia de la Liberación của Gutierrez ra đời.

THGP không dừng ở lý thuyết mà phải đi vào Praxis, thực hành. Ngày càng có nhiều thần học gia làm mục tử hay hoạt động trong các phong trào như Thanh lao công. Họ cố gây ý thức về quyền con người, họ bảo vệ những ai bị bóc lột, họ bênh vực những phụ nữ bị ngược đãi. Và người ta đặt kế hoạch cho một cuộc tranh đấu dài lâu bằng cách huấn luyện những mục tử và chiến sỹ tương lai. Để được như thế, hằng trăm thần học gia Công giáo, với sự góp sức của thần học gia Tin lành, bèn soạn và cho in 55 tập sách về Thần học giải phóng, sáng tác bằng cả tiếng Tây ban nha lẫn Bồ đào nha (với dự tính dịch sang nhiều ngôn ngữ khác) đề làm cơ sớ cho việc đào tạo cả về thần học lẫn mục vụ. Cùng lúc, người ta xây dựng nhiều trung tâm thần học và mục vụ, xuất bản nhiều tạp chí để phổ biến cả lý thuyết lẫn đường lối áp dụng thực hành.

*

May thay, đứng về phía người nghèo cũng là chọn lựa chung của Giáo hội Mỹ la tinh : nhiều giám mục và linh mục kêu gọi canh tân, nhiều tín hữu dần thân phục vụ kẻ khốn cùng, nhiều phong trào ra đời với mục đích đấu tranh để nâng cao điều kiện sống của dân đen : phong trào thanh lao công, phong trào thanh nông dân, phong trào sinh viên trẻ,v.v. Các giáo lý viên tình nguyện cũng tự họp thành những cộng đồng cơ sở để phục vụ các thôn xóm hẻo lánh.

Riêng THGP thì được một số giám mục ủng hộ, trong khi đa số giám mục, linh mục khác, tuy vẫn nhất trí với THGP về việc bảo vệ người nghèo, nhưng vẫn e ngại khi thấy đức tin bị chính trị hóa quá đáng, cũng như vì hệ phương pháp Mác xít mà THGP vận dụng “một cách thiếu cân nhắc”.

Còn huấn quyền chính thức ?

Các giám mục địa phương tỏ ra đi cùng chiều cách nào đó với THGP. Hội nghị khoáng đại (các giám mục toàn Châu Mỹ la tinh) lần II ở Colombia năm 1968 quả quyết Giáo hội “lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và nói ra nỗi âu lo của họ”. Còn Hội nghị khoáng đại lần thứ III (Mêhicô, 1979) thì nêu đích danh từ ngữ GIẢI PHÓNG, coi việc giải phóng là “cần thiết” và “căn yếu” cho sứ mệnh Giáo hội.

Thế còn huấn quyền trung ương ở Rôma?

Thánh bộ Giáo lý đức tin chính thức công nhận từ ngữ Thần học giải phóng, nhưng lưu y về vấn đề chấp nhận không phê phán (uncritically) học thuyết Mác xít, coi nó như nguyên tắc chủ yếu của dấn thân thần học.[3]

Nền tảng và hệ phương pháp của THGP

Về phương pháp, THGP gần như vay mượn tất cả từ học thuyết Mác xít, vừa để phân tích cơ cấu kinh tế-xã hội, vừa để đấu tranh chính trị thay đổi cơ cấu ấy.

Nếu như chủ nghĩa duy tâm lấy quy luật của tư tưởng mang áp dụng nguyên si cho thực tại, thì trái lại, Feuerbach trả về cho thực tại những quy luật ấy. Quy luật trước tiên là biện chứng pháp Hegel : đề-phản đề-(rồi) tổng đề sinh ra từ hai cái trước tiêu diệt lẫn nhau.

Theo ông, đúng là thực tại vật chất luôn có hai yếu tố đối nghịch nhau : đối nghịch âm và dương (trong điện), đối nghịch hút và đẩy, liên tục và bất liên tục. Chính do sự mâu thuần giữa các lực và các hạt cơ bản mà có biến chuyển, tiến hóa. Và khi sự biến đổi đạt tới trần của nó về lượng (quantity), thì sẽ có bước nhảy vọt thành thay đổi về chất (quality, loại).

Quy luật của vật chất ấy, Marx mang áp dụng cho lịch sử loài người. Sự phát triển ở con người, cá nhân và xã hội, tùy thuộc vào những điều kiện vật chất và kinh tế. Nói cho đúng ra, tùy thuộc vào “cách thức sản xuất” của đời sống vật chất. Theo Marx, chính cách thức sản xuất này điều kiện hóa tiến trình đời sống xã hội, chính trị và trí thức nói chung. Và đây là Duy vật biện chứng, cũng gọi Biện chứng lịch sử.

Cho nên, để thay đổi xã hội thì phải thay đổi cách thức sản xuất.

Dưới chế độ tư bản, con người lao động bị tha hóa. Cái do hắn làm ra, sáng tạo ra, lại bị ông chủ biến thành của mình. Ông chỉ trả cho công nhân tí chút tiền công, đủ để họ sống và tiếp tục cống hiến sức lao động. Đúng là ông ta đã bỏ vốn, nhưng cái vốn (tư bản) này do bóc lột công nhân mà có.

Để đấu tranh thay đổi cơ cấu kinh tế-xã hội, phải kết hợp cả tư tưởng lẫn hành động, cái hành động nó thành Praxis trong học thuyết Mác xít.

Praxis không chỉ là thực hành cái đã thấy trong óc, khi mà chính lý thuyết cũng do dấn thân hành động mà hình thành. Vâng, nếu đối với Duy tâm, lý thuyết (thượng tầng) là nền tảng, thì với Feuerbach, nền tảng này lại là kinh nghiệm trong dấn thân hành động. Hồi đầu, Marx cũng cùng chủ trương như thế với Feuerbach, nhung khi già dặn rồi, ông lại cho rằng Praxis hay Nghiệm tác kết hợp cả hành động và lý thuyết, hai yếu tố cần cho nhau và tác động vào nhau. Đây là thứ hành động biến đổi thiên nhiên và hành động chính trị nó thay đổi lịch sử loài người. Không phải hành động riêng rẽ của cá nhân, mà hành động chung của tập thể.

*

Đi theo hướng Mác xít, THGP chủ trương không suy tư bên lề của thực tại xã hội. Không chỉ hướng về người nghèo, thần học gia phải hội nhập vào cuộc sống của người nghèo. Không phải hội nhập để có kinh nghiệm trước khi suy tư, nhưng hội nhập để cùng ý thức với đồng bào bị áp bức, cùng tranh đấu với họ, cùng suy tư với họ. Một praxis như thế sẽ thành ý thức về cái chân lý thần học phát sinh từ một hoàn cảnh lịch sử nhất định, phát sinh trong chính hành động đấu tranh xã hội của chúng ta. Vâng, chân lý sinh ra từ praxis, theo hoàn cảnh và praxis mà đổi mới luôn luôn. Việc của thần học gia chỉ là diễn ý thức ấy ra thành lời, thế thôi.

Chân lý nói trên không chỉ là chân lý về con người trong lịch sử, mà còn là chân lý về Thiên Chúa được phát hiện trong tiến trình lịch sử loài người. Vâng, Thiên Chúa không ở bên lề lịch sử chúng ta. Và lịch sử loài người cũng là lịch sử cứu độ nó mở về tương lai, một tương lai cánh chung, eskhaton. Eskhaton không chỉ xuất hiện ở cuối đường, mà đã có mặt để cuốn hút hiện tại về phía cái đích phải tới. Cho nên, mỗi thực hành giải phóng bây giờ đều đóng góp cho sự hoàn thành Nước Chúa. Nước Chúa nằm ở cuộc cách mạng nó lật đổ những thể chế cũ để xây dựng một thế giới khác : ánh sáng cho kẻ mù lòa, tự do cho người tù tội, giải phóng cho những ai bị áp bức,v.v. (Is.58.6-7). Cái thế giới tự do, công bằng và hạnh phúc ấy, theo Chúa (trong Mat.11.3-5; Lc.4.18-19) là dấu hiệu Nước Chúa đến, là nơi chốn cho Thiên Chúa khải mạc vinh quang của Ngài. Và như thế lịch sử cứu độ kéo theo sự cứu độ của lịch sử loài người chúng ta.

Vận hội mới cho THGP

Sự bùng phát của phong trào Mác xít giữa thế kỷ XX gặp đúng sự phân hóa xã hội ở Châu Mỹ la tinh kytô-giáo, nhờ đó khai sinh cho một THGP rực đỏ. Với hoàn cảnh đã đổi khác hôm nay, liệu THGP có còn tìm được chỗ đứng của nó hay không?

Hoàn cảnh hôm nay ư? Những chính phủ cực hữu như Sandinista ở Nicaragua đã sụp đổ, những đội dân quân giải phóng ở GuatemalaEl Salvador đã bỏ súng để tham chính qua bầu cử tự do…

Thế nhưng mặt khác, người da đỏ Nam Mỹ vẫn còn bị bỏ quên trong nghèo túng. Còn tại nhiều vùng trên thế giới, vẫn tiếp tục có áp bức, bóc lột. Và người phụ nữ vẫn bị kỳ thị, coi khinh, bị đánh đòn công khai dù chỉ uống bia... Riêng tại Ấn Độ, chế độ tập cấp[4] chưa bị đánh đổ, với dân Dalit (bị gạt ra ngoài tập cấp) bị cô lập hoàn toàn. Do đó, khá nhiều nhóm dân còn cần đến giải phóng.

Nhất là ngày nay, sự toàn cầu hóa cũng sản sinh một tân tự do chủ nghĩa (neo-liberalist) toàn cầu nó bóp nghẹt kinh tế các nước yếu không đủ sức cạnh tranh, do đó mang nợ quá lớn, khiến làm vất vả đến đâu cũng không đủ trả tiền lời từ nợ, nói chi đến trả chính món nợ. Những hiệp ước thương mại tự do như NAFTA của Bắc Mỹ càng đẩy hằng triệu người vào cảnh thất nghiệp, càng khơi rộng hố sâu phân cách giữa một nhúm triệu, tỷ phú với số đông những kẻ nghèo túng. Rất đông những triệu, tỷ phú này không làm giàu bằng góp sức cho sản xuất, mà chỉ bằng đầu cơ trục lợi, hay đánh bạc gặp may trên thị trường ảo của các cổ phiếu chứng khoán thôi.

Như thế, chính hệ thống kinh tế-xã hội tân tự do hôm nay cần phải đổi. Và thức giả Kytô-giáo cần tiếp tục dấn thân và suy tư giải phóng. Và đó là làm Thần học giải phóng vậy.

Vần đề chỉ còn là suy tư thế nào, có cần điều chỉnh các nguyên tắc dựa vào để suy tư hay không?

Nguyên tắc và quy tắc cho một suy tư THGP hôm nay

Theo chân Marx, THGP đi hẳn vào Praxis, không lý luận trên mây trên gió. Nhưng cũng không vì thế mà THGP có thể phủ nhận thần học truyền thống, vì thần học truyền thống luôn dựa vào Tin mừng mà suy tư, chi sử dụng các phạm trù của Platon và Aristote như công cụ để suy tư thôi. Nhất là ngày nay, sau khi hiện sinh thuyết ra đời, một số thần học gia như Karl Rahner còn suy tư từ chính thực tại cuộc sống cụ thể của con người, khiến về mặt đó, thần học đã trở thành một chú giải hiện tượng luận.

Cả biện chứng pháp Hegel cũng cần được chỉnh sửa nữa. Những quốc gia xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc và Việt Nam đã sớm biết chấp nhận một phần thị trường tự do, nhờ đó dễ phát triển kinh tế. Là người Á Đông, họ không có gốc duy lý duy tâm ở Platon và Descartes, nên họ thực tế hơn Tây phương nhiều. Vâng, ý tưởng (idea, từ đó có tiếng idealism, duy tâm) thì luôn đối lập dứt khoát từng đôi một, như nóng với lạnh, sáng với tối, sướng với khổ. Chứ ở thực tại, thì nếu ngoài hè so sánh với trong nhà là sáng, thì so sánh với giữa sân lại là tối, nên sáng tối thật ra rất tương đối. Riêng ờ sự sống, còn có mâu thuẫn bù trừ nữa: bù trừ giữa đực với cái, giữa nữ với nam. Biện chứng pháp âm dương của Việt Nam và Trung Quốc[5], dvandva (nhị lập) của Ấn Độ, nghiêng hẳn về mâu thuẫn bù trừ này. Nói cho đúng ra, biện chứng pháp âm dương nó chi phối suy tư của người Á Đông và Ấn Độ, biện chứng pháp ấy bao hàm cả mâu thuẫn bù trừ, đối kháng, lại thêm thứ mâu thuẫn nửa vời khiến hai bên có thể dung hòa với nhau, với ít nhiều chỉnh sửa của mỗi bên.

Vậy, chúng ta cứ chống đối tư bản chủ nghĩa và chủ nghĩa tân tự do, nhưng cứ lấy cái gì tốt của họ mà bù đắp cho những gì yếu của chúng ta. Nhất là cải tạo những nhà giàu, tư bản, biến họ thành những Bill Gates, Warren Buffett, Muhammad Yunus… biết bỏ phần lớn tài sản kiếm được để lập các quỹ từ thiện, vừa giúp người nghèo thoát khỏi cảnh túng khổ, vừa đầu tư nghiên cứu cách điều trị những căn bệnh thế kỷ như AIDS.

Làm thế nào để cải tạo các tư bản KTG?

Hãy lấy ánh sáng Tin mừng mà tấn công vào chính máu tham đang ngự trị trong lòng chúng ta, giàu nghèo không phân biệt. Nguyên tắc của cộng sản chủ nghĩa :”làm việc theo khả năng, hưởng thụ theo nhu cầu”, nguyên tắc ấy nhắc cho chúng ta nhớ lại những gì sẵn có trong truyền thống KTG. Theo thánh Tôma, Chúa dạy ta cho người nghèo, không phải một phần mười tài sản, mà hết thảy những gì là của dư của mình. Vì theo thánh Giêrônimô hay Chrysostôm, những gì ta có trên mức ta cần, thảy đều là tài sản người nghèo mà ta giữ giúp. Và thánh Augustinô, Grêgôriô cũng nghĩ y như thế.[6]

Đồng thời quy chế chủ-thợ có từ nhiều thiên niên cũng nên chuyển phần lớn sang quy chế chủ-chủ. Bằng cách nào? Bằng cách chuyển phần quan trọng các cổ phần công ty sang cho các giám đốc, chuyên gia, thợ thuyền, hầu họ có thể tham gia vào quá trình hình thành các quyết định của xí nghiệp.


[1] Riêng số đàn ông đã là năm ngàn, thế mà trong các cuộc hội tôn giáo, phụ nữ thường đông gấp mấy đàn ông. Ấy là chưa kể trẻ con.

[2] Người ngoại gọi nhóm theo Đức Kytô là Kytô-phái. Có lẽ do đó mà phát sinh trong Hội thánh tiếng Kytô-hữu để chỉ môn đồ (Tđcv.6.1), tín đồ (2.44), anh (chị) em (1.15).

[3] Người ta chỉ nghi ngại về hướng đi quá đỏ của Leonardo Boff, nhất là vì những chỉ trích đối với thể chế Giáo hội. Boff bị cấm giàng và xuất bản một thời gian, nhưng sau cấm chế ấy được tháo bỏ.

[4] Tập cấp (castes) là giai cấp cha truyền con nối. Tập cấp khác nhau không thể lấy nhau, đôi khi không thể tiếp xúc dễ dàng với nhau.

[5] Theo chuyên gia nghiên cứu văn minh Đông Nam Á, bà Eveline Porée Maspero, triết lý âm dương của Trung Quốc bắt nguồn từ cảm nhận nhị lập của người Đông Dương (xx. tạp chí Anthropos, số 59, 1964).

[6] Xx. James Brodrick s.j., Robert Bellarmin…, DDB 1963, tr.321-322.

(dongten.net Sunday, 13 February 2011 01:18)