DỌN ĐƯỜNG CHO MẠC KHẢI TÂN ƯỚC

ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc

 

 

I.TƯƠNG QUAN GIỮA CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC

 

Độc thần giáo Kitô cũng là độc thần giáo Dothái, nhưng vượt trên độc thần giáo Dothái. Mạc khải Tân Ước không đi ngược Mạc khải Cựu Ước, nhưng hoàn tất Mạc khải Cựu Ước. Cựu Ước là Lời hứa, Tân Ước là chu toàn Lời hứa trong Đức Giêsu Kitô. Cựu Ước là chờ đợi, Tân Ước là thành tựu.

 

Xét dưới một khía cạnh khác, sứ điệp của Đức Giêsu cũng là Lời hứa, sự Phục sinh của Đức Kitô hứa hẹn sự phục sinh phổ quát cho toàn thể nhân loại, lịch sử và vũ trụ. Cuộc sống kitô-hữu vẫn là một cuộc sống lữ thứ, chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm, lúc Thiên Chúa trở nên tất cả trong mọi sự.

 

Tuy nhiên trên bình diện Mạc khải, kitô-hữu đã có đủ các dự kiện để nhận ra huyền nhiệm Thiên Chúa và toàn bộ chương trình cứu độ của Thiên Chúa, không cần phải chờ đợi một mạc khải nào khác, vì không có Đấng Cứu Thế nào khác ngoài Đức Kitô. Kitô-hữu cần ý thức rõ ràng về tính tuyệt đối của sứ điệp Kitô-giáo.

 

Điều đó không có nghĩa là niềm tin Kitô-giáo không còn tiến triển nữa. Dĩ nhiên chương trình cứùu độ đã hoàn tất (consummatum est), Mạc khải đã trọn vẹn ; nhưng sự đón nhận ơn cứu độ tùy thuộc ở con người, vì thế viêäc tìm hiểu Mạc khải cũng tùy thuộc ở con người. Dưới khía cạnh này, Lịch sử cứu độ vẫn còn đang tiếp diễn, Mạc khải vẫn còn mở rộng và là kho tàng bất tận, là đại dương mênh mông, là Nguồn Suối không cạn. Con người có thể tới kín múc với những phương tiện mỗi ngày một hoàn hảo hơn, mãi cho tới ngày Đức Kitô trở lại.

 

Thần học có thể biến chuyển và càng ngày càng trở nên phong phú hơn. Nhưng phải luôn luôn dựa trên “Quà Tặng” lớn lao của Thiên Chúa cho nhân loại là Kho Tàng Mạc khải xét toàn bộ, là chính Đức Giêsu Kitô và sứ điệp của Ngài. Cũng phải tựa trên Thân Thể Huyền Nhiệm của Đức Kitô là Giáo Hội, vì chỉ trong đó con người mới có thể bắt gặp Nguồn Suối đích thực, được thừa hưởng kho tàng đức tin nguyên vẹn (depositum fidei).

 

Khi truy tầm trong toàn bộ Kinh Thánh Mạc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, gương mặt đầu tiên mà chúng ta gặp là Đức Giêsu Kitô, vì Người là Đấng Mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm Thiên Chúa và là Hiện Thân của Thiên Chúa. Chính Người đưa dẫn chúng ta vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Người là Trọng tâm của Giao ước mới giữa chúng ta và Thiên Chúa. Người nói cho chúng ta biết Sự Thật về Thiên Chúa và về bản thân Người. Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là một với Thiên Chúa, đồng thời khác biệt với Thiên Chúa. Người còn nói đến Đấng Bầu Chữa khác mà Người sẽ sai đến từ Thiên Chúa để củng cố đức tin cho các môn đệ và dẫn đưa họ vào huyền nhiệm của bản thân Người.

 

Nhờ tin thần tính của Chúa Kitô, chúng ta khám phá có hai Ngôi Vị, Ngài và Thiên Chúa là Cha của Ngài, rồi đến Ngôi Vị thứ ba cũng là Thiên Chúa như Ngài, đồng thời khác biệt với Ngài.

 

Phần lớn giáo lý của Ngài không phải Mạc khải về đời sống Ba Ngôi Tự Tại (Trinité immanente), mà là sứ điệp về Nước Trời và chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

 

Nhưng trong sứ điệp của Ngài, chúng ta thấy được rõ nét gương mặt của Thiên Chúa Cha, tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa Cha với con người của Ngài, và tác động của Thánh Thần Thiên Chúa trên Ngài.

Với ánh sáng Chúa Kitô, khi nhìn lại Cựu Ước, chúng ta hiểu được con đường và hướng đi của Cựu Ước. Cựu Ước hướng tới Đức Kitô là Tâm điểm của Giao ước mới. Cựu Ước chờ sự hoàn tất viên mãn nơi Ngài, nhưng chưa nói rõ về Ngài. Vì Ngài chỉ xuất hiện vào thời sau hết, sau khi Thiên Chúa đã nói với nhân loại nhiều lần bằng nhiều cách qua các Tổ phụ và Tiên tri dọn đường cho Ngài.

 

Niềm tin trong Cựu Ước là một niềm tin độc thần tuyệt đối và đó là một hồng ân lớn lao Thiên Chúa ban cho Israel trong một giai đoạn lịch sử, nhưng Thiên Chúa chưa mở hết kho tàng cho họ thấy. Mầu nhiệm giấu ẩn trong kho tàng chỉ được vén mở nhờ Đức Giêsu Kitô vào những ngày sau cùng.

 

Do đó không nên tìm trong Cựu Ước những bản văn có thể chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa Ba Ngôi, dường như thể Thiên Chúa đã mở cửa Ngôi Đền Huyền Nhiệm từ thời Cựu Ước rồi.

 

Thiên Chúa cũng đã chuẩn bị cho sự khai mở trọn vẹn này. Và chỉ có thể hiểu được con đường chuẩn bị, khi sự thật trọn vẹn được biểu lộ trong Đức Giêsu Kitô. Ngược lại, chỉ có thể hiểu được sự khai mở, khi chúng ta theo con đường dẫn tới sự khai mở. Liên hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước là một liên hệ hỗ tương : Tân Ước chiếu giãi ánh sáng trên Cựu Ước, và nhờ ánh sáng này, Cựu Ước lại dẫn chúng ta tới Tân Ước.

 

Khi tìm hiểu Cựu Ước, chúng ta chỉ cần khám phá hướng đi hoặc những hình ảnh báo trước các thực tại sẽ được biểu lộ. Với ánh sáng chói lòa của Tân Ước, chúng ta sẽ tìm thấy những “ngón tay trỏ” hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trước đây, vì bận tâm minh chứng Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bằng Kinh Thánh, và vì thiếu kỹ thuật chú giải, một số giáo phụ hay áp dụng sai các bản văn Kinh Thánh Cựu Ước.

 

“Số nhiều” áp dụng cho Thiên Chúa trong sách Khởi nguyên (St 1,26 ; 3,22) được coi như là Mạc khải báo trước Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng thực ra, nó chỉ ngợi lên sự cao cả và sung mãn của Thiên Chúa : trong Người có tất cả thiên tính và quyền năng. Một số nhà chú giải hiện đại cho đó là số nhiều có “tính nghi lễ” (pluralis majestaticus).

 

Cũng có một số giáo phụ (Justin, Irênê) gán tất cả các cuộc thần hiển trong Cựu Ước cho Ngôi Lời hay Chúa Con, vì

 

Chúa Cha là Đấng Vô Hình và Khôn Tả. Các ông quan niệm “Thiên Thần Giavê” trong Cựu Ước là Đấng vừa gắn liền với Giavê, vừa khác biệt với Giavê và cho đó là Ngôi Lời, là Đức Kitô tiền hữu. Trong rất nhiều bản văn Cựu Ước (St 16,7 ; 21,17 ; 22,11 ; 31,11 ; Xh 3,2), Thiên Thần Giavê chính là Giavê đi vào lịch sử con người, để hành động, trợ giúp và cứu độ con người. Theo một số nhà chú giải, thánh ký dùng thành ngữ này, vì muốn tôn trọng tính siêu việt của Giavê.

 

Để cho chính xác và vững vàng hơn, chúng ta có thể đề cập tới những hình ảnh và chủ đề trong Cựu Ước mà Tân Ước sử dụng lại để trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa được Mạc khải trong Đức Giêsu Kitô : Thần Khí, Khôn Ngoan và Lời…

 

II. THẦN KHÍ

 

Chúng ta không thể tìm trong Cựu Ước Mạc khải trọn vẹn về Chúa Thánh Thần như trong Tân Ước, nhưng chúng ta có thể tìm thấy trong đó rất nhiều tư tưởng phong phú và nhiều màu sắc về thực tại được gọi là Thánh Thần Thiên Chúa.

 

Về phương diện từ ngữ, chữ “Ruah” đã trở nên một từ ngữ quen thuộc đối với các nhà Kinh Thánh và thần học.

 

Trong Cựu Ước, chữ “Ruah” có rất nhiều nghĩa khác nhau, ám chỉ nhiều thực tại khác nhau, nhưng có liên hệ với nhau cách này hay cách khác.

 

Trước tiên, Ruah là một thực tại vũ trụ (réalité cosmique). Khác với vũ trụ quan Hylạp, Ruah không phải là một trong các yếu tố tiên thường cấu tạo nên vũ trụ (nước, lửa, khí hay ngũ uẩn trong triết học Đông phương). Ruah thường có nghĩa là “gió” hoặc là những cơn gió thổi rất mạnh làm rung chuyển và sụp đổ cây cối, nhà cửa và thuyền bè, hoặc là những ngọn gió hiu hiu thổi, những ngọn gió vô hình có tác dụng kỳ diệu đối với sự sống của con người và vạn vật. Gió có thể đưa đến những cơn mưa rào làm cho đất đai trổ sinh hoa trái, nhưng cũng có thể tát cạn sông biển, làm cho mặt đất khô đi. Gió còn có thể đưa tới từng đàn cào cào châu chấu phá hoại mùa màng.

 

Ruah còn là một thực tại sinh lý (réalité physiologique). Ruah là sự sống, là hơi thở của loài người và súc vật. Ruah là sinh khí do Giavê Thiên Chúa ban cho và tùy thuộc vào Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa rút lại “hơi thở” con người và súc vật đều trở về hư không. Hơi thở là dấu hiệu của sức khỏe. Trong con người bệnh hoạn, hơi thở yếu ớt và có thể tắt lịm dần.

 

Sau cùng, Ruah ám chỉ một thực tại nhân văn (réalité humaine). Ruah là tinh thần, là yếu tố tinh túy nhất trong con người, là nguồn gốc tư tưởng và ý muốn, là ý thức trách nhiệm và đạo đức. Nhờ có “ruah” mà con người không còn thuần túy là xác thể (bâsar).

 

Ngoài ra, theo một số nhà chú giải Kinh Thánh, Ruah còn có nghĩa là “khoảng không gian cần cho sự sống” (espace vital). Có thể coi Ruah là môi sinh cho con người và cả vạn vật.

 

Xét dưới cả ba khía cạnh : vũ trụ, sinh lý, và nhân văn, Ruah đều có tương quan với Giavê Thiên Chúa. Ruah phát xuất từ Thiên Chúa, là dụng cụ hành động của Thiên Chúa, là hồng ân của Thiên Chúa, là dấu hiệu sự hiện diện của Thiên Chúa và là sứ giả của Thiên Chúa. Nhưng tương quan giữa Ruah với Thiên Chúa có nhiều cấp độ khác nhau tùy trường hợp, hoặc là áp dụng cho con người hay là áp dụng cho Thiên Chúa. Nói cách khác, có nhiều lúc Ruah ám chỉ thực tại thần linh, có lúc không. Ở đây chúng ta chỉ đặc biệt chú trọng tới “Ruah” như một thực tại thần linh được gọi là Thần Khí của Giavê Thiên Chúa.

 

Thần Khí Thiên Chúa là một sức mạnh thần linh tác động hữu hiệu :

 

A. TRONG CÔNG CUỘC TẠO DỰNG 

 

“Đất trời trống không mông quạnh, và tối tăm trên mặt uông mang,và khí thần là là trên mặt nước” (St 1,2).

 

Sự hiện diện của Thần khí Thiên Chúa bay là là trên mặt nước là một cách diễn tả quyền năng của Thiên Chúa hoạt động tích cực biến đổi hư vô, tối tăm và sự chết thành sự hữu, ánh sáng và sự sống. Với sự hiện diện của “khí thần bay lượn” và qua lời Thiên Chúa phán, mọi sự đều được tạo dựng : ánh sáng, trời đất, tinh tú, cây cỏ, súc vật…

 

Tv 104,29-30 và G 34,14t… tuy không đề cập trực tiếp, nhưng có nhấn mạnh sự tùy thuộc của vũ trụ vạn vật vào làn khí và hơi thở do Thiên Chúa ban.

 

B. TRONG CON NGƯỜI VÀ LỊCH SỬ

 

Thần Khí không những bao trùm vũ trụ và hiện diện tác động trong vũ trụ, nhưng còn hoạt động, thấm nhập vào bên trong con người, biến xác thể bùn đất thành thân thể sinh động. Ở đây hình ảnh của Thần Khí là “hơi thở” đến từ Thiên Chúa :“Giavê Thiên Chúa đã nắn hình người với bụi lấy từ đất đai và Người đã hà hơi sống vào mũi nó và người đã thành mạng sống” (St 2,7)

 

Hơi thở là một thực tại riêng tư nhất, gắn liền nhất đối với con người, nhưng cũng là một thực tại ít tùy thuộc ở con người. Hơi thở và mạng sống tùy thuộc vào Thiên Chúa, nếu Ngài lấy lại thì không mạng người nào có thể sinh tồn. Tự nó, hơi thở con người ngắn ngủi, mỏng dòn, dễ tiêu tan, có thể bị đe dọa bởi bất cứ một thực tại nào khác, dù rất nhỏ nhoi. Con người ý thức rõ rệt điều này, và vì thế thường hướng về Thánh Khí của Thiên Chúa là Nguồn Sự Sống bất tận, mạnh mẽ, không phai tàn. Sánh với Thiên Chúa, con người chỉ là bùn đất. Chỉ có Thiên Chúa là Thần Khí và là Sự Sống đích thực.

 

Thần Khí của Thiên Chúa không những thông ban sự sống nuôi nấng tạo vật. Thần Khí còn theo đuổi những công trình lớn lao nhằm thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thần Khí không tác động từ bên ngoài để tạo nên lịch sử. Lịch sử, dù là lịch sử thánh, vẫn là công trình của con người. Thần Khí thấm nhập vào bên trong con người, biến đổi con người, làm cho con người có khả năng thi hành những công việc kỳ diệu. Sách Thẩm phán là chứng từ rõ rệt nhất về tác động đặc biệt của Thần Khí, tạo nên những nhân vật phi thường, lãnh đạo và cứu vớt dân Israel khỏi những tai họa do kẻ thù.

 

Các vua cũng được xức dầu bằng Thần Khí, để có đủ sức mạnh và khôn ngoan để cai trị dân theo như Thánh Ý của Thiên Chúa. Saul cũng được ban Thần Khí và tuyên sấm. Khi được Samuel xức dầu, “Thần Khí Giavê đã đáp xuống Đavít từ ngày ấy về sau” (1 Sm 16,13). Trong trường hợp các vua được xức dầu, Thần Khí hoạt động bền bỉ, chứ không nhất thời và bất ngờ như trong trường hợp các Thẩm phán.

 

Trường hợp phải nói đến nhiều hơn hết là tương quan giữa Thần Khí Thiên Chúa và sinh hoạt của các ngôn sứ.

Điều đặc biệt cần lưu ý là các tiên tri trước lưu đày như Amos, Hôsê, Isaia, Giêrêmia... không nói đến Thần Khí khi thuật lại ơn gọi và sứ vụ tiên tri của họ. Đối với họ, Lời của Thiên Chúa đóng một vai trò quan trọng và quyết định. Chính Lời của Thiên Chúa kêu gọi họ và tác động trên họ. Họ không thể cưỡng lại Lời của Thiên Chúa :

 

“Sư tử gầm lên, ai lại không sợ ?

Đức Chúa Giavê phán, ai lại không nói tiên tri ?” (Am 3,8)

 

Nếu có nói đến “Ruah” các ngôn sứ này coi đó là tạo vật của Thiên Chúa. Thỉnh thoảng lại có chỗ mỉa mai người có Thần Khí :

 

“Tiên tri một kẻ điên tàng,

một đứa khùng, người của Thần Khí !” (Hs 9,7)

 

Tại sao có hiện tượng này ? Một số nhà chú giải cho rằng các vị ngôn sứ đích thực muốn tách rời và không bị đồng hóa với các tập thể tiên tri có những hành động kỳ dị làm chướng tai gai mắt nhiều người. Đó là chưa kể trường hợp các tiên tri giả mạo, lợi dụng những hiện tượng xuâát thần để phô trương và lừa dối. Một số nhà chú giải khác lại nghĩ rằng, sở dĩ các vị ngôn sứ trước lưu đày không nói đến Thần Khí, vì muốn nhấn mạnh vai trò của Lời Thiên Chúa. Tác động của Thiên Chúa không phải là những hành vi phô bày bên ngoài, nhưng là tác động của Lời hướng tới và đi vào bên trong con người.

 

Các ngôn sứ hậu lưu đày thì lại nói nhiều đến Thần Khí của Giavê Thiên Chúa. Bắt đầu với Êzêkiel, vai trò của Thần Khí trở nên nổi bật trong sứ vụ của tiên tri. Chính Thần Khí Thiên Chúa là nguồn gốc của sứ mạng tiên tri. Êzêkiel nói đến Thần Khí chín lần khi thuật lại ơn gọi của ông :“Thoạt Người vừa nói với tôi, thì Thần Khí nhập vào tôi và đặt tôi đứng dậy và tôi nghe Đấng nói với tôi” (Ed 2,2).

 

Khác với trườøng hợp các Thẩm phán, Thần Khí không đột nhập để ban cho một sức mạnh phi thường, nhưng để mạc khải một sứ điệp, để nói lên những Lời của Thiên Chúa mà ngôn sứ có nhiệm vụ phải truyền lại.

 

Isaia hậu lưu đày cũng nối kết chặt chẽ sứ vụ của ông với Thần Khí và sự xức dầu của Giavê Thiên Chúa :

 

“Thần Khí của Đức Giavê ở trên tôi ;

vì Giavê đã xức dầu cho tôi ;

Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó,

Để ràng rịt những người lòng tan vỡ,

Để tuyên bố lưu đồ được ân xá,

và mở tù cho kẻ bị cầm cố” (Is 61,1).

 

Zacarya lên án những người Israel cứng cỏi không muốn nghe Lời của Thiên Chúa do Thần Khí của Người phán qua miệng các ngôn sứ :

 

“Chúng để lòng chai đá như kim cương, không nghe thánh chỉ và lời lẽ Giavê các cơ binh đã sai đến nhờ Thần Khí của Người, nhờ trung gian các tiên tri thuở đầu. Nên thịnh nộ lớn đã từ Giavê các cơ binh xảy đến” (Dcr 7,12).

 

Cách nói của Zacarya rất gần với định thức đức tin trong Kinh Tin Kính : “Người đã dùng miệng các tiên tri mà phán dạy”.

 

Ngoài sự hiện diện tác động trong các kỳ công của Thiên Chúa và sự “linh khải cho ngôn sứ”, Thần Khí Thiên Chúa còn là nguyên lý thánh hóa và đổi mới. Ngài là nguồn gốc của Giao ước mới, một “dân mới trong một khung cảnh tạo dựng mới”.

 

Viễn tượng Giao ước mới và “tạo dựng mới” là viễn tượng thiên sai mà các ngôn sứ loan báo và dân chúng mong đợi. Thần Khí là dấu hiệu thời Thiên sai cánh chung, thời mà “số sót” còn lại trong Israel được thanh tẩy và thánh hóa :

 

“Sẽ xảy ra là ai còn sót lại ở Sion, kẻ được chừa lại ở Giêrusalem được ghi sổ sinh sống khi Đức Chúa đã rửa sạch phân nhơ hàng nữ tử Sion và gột khỏi giữa thành vạ máu Giêrusalem, nhờ Thần Khí công minh, nhờ Thần Khí thanh luyện…” (Is 4,3-4).

 

Isaia còn loan báo sự xuất hiện của một vua Thiên sai, là một vua lý tưởng sẽ thiết lập một vương quốc công chính và bình an. Vua Thiên sai sẽ là Đấng đầy Thần Khí, vàø thời đại Ngài đưa đến sẽ là một thời đại mới mẻ và vàng son, một thời đại hoàn toàn hạnh phúc được diễn tả bằng cảnh chung sống hoà bình giữa muông thú và con người :

 

“Một chồi sẽ xuất tự gốc Isai, và từ đó rễ nó, lộc sẽ mọc lên. Trên Ngài Thần Khí Giavê sẽ đậu xuống, Thần Khí khôn ngoan và trí tuệ, Thần Khí mưu lược và anh dũng, Thần Khí hiểu biết và kính sợ Giavê…” (Is 11,1-2t).

 

Sứ điệp của Êzêkiel là một sứ điệp hy vọng. Êzêkiel vẽ ra cho dân đang bị lưu đày khổ sở và tuyệt vọng một viễn tượng phục sinh và tái tạo. Thiên Chúa sẽ đổ xuống trên nhà Israel một Thần Khí mới để thi hành một Giao ước mới. Từ tình trạng khô chồi và chết dở, dân sẽ được phục hồi, sẽ nhận lãnh sự sống mới. Thị kiến của Êzêkiel (Ed 36,26-27) về cánh đồng xương khô là hình ảnh sống động nhất về một cuộc tạo dựng mới trong Thần Khí. Viễn tượng của Êzêkiel vừa là một viễn tượng lịch sử, vừa là một viễn tượng cánh chung : dân Israel sẽ được giải thoát và an cư, nhưng điều Thiên Chúa sẽ ban cho Israel và nhân loại còn lớn hơn biến cố hồi hương sau lưu đày :

 

“Người lại phán với tôi : “Hãy tuyên sấm cho Thần Khí ! Hãy tuyên sấm, hỡi con người, và nói với Thần Khí : Đứùc Chúa Giavê phán thế này : Từø bốn luồng gió, Thần Khí hỡi, hãy đến, hãy thổi vào các tử thi này, để chúng được sống. Tôi đã tuyên sấm như Người đã truyền cho tôi ; Và chúng đã đứng dậy trên chân của chúng. Một đạo binh lớn, rất lớn           (Ed 37,9-10).

 

Thần Khí có một tác động rất sâu xa là biến đổi trái tim và tinh thần của con người, thay đổi hẳn thực tại nội tâm của dân Israel, làm cho họ, từ một dân cứng cổ, tội lỗi và bất trung, trở thành một dân tộc thánh thiện nhận biết và yêu mến Giavê.

 

Giôen đặc biệt nhấn mạnh đến Thần Khí như một hồng ân phổ quát đổ xuống trên mọi xác phàm vào thời Thiên sai cánh chung. Kết quả của việc đổ tràn Thần Khí là những đặc sủng, nhưng quan trọng hơn là ơn cứu thoát cho những ai kêu cầu Danh Giavê :

 

“Sẽ xảy ra là sau đó Ta sẽ đổ Thần Khí của Ta trên mọi xác phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ tuyên sấm. Kẻ già nua sẽ chiêm điềm mộng. Trai tráng các ngươi sẽ thấy thị kiến. Và cả trên các tôi trai tớ gái, trong những ngày ấy, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí của Ta. Trên trời dưới đất, Ta sẽ tung ra những điềm lạ, máu, lửa, tán khói. Mặt trời biến thành tối tăm, và mặt trăng hóa ra máu, trước khi đến Ngày lớn lao và kinh hoàng của Giavê. Và sẽ xảy ra là mọi kẻ kêu Danh Giavê sẽ thoát nạn. Vì trên núi Sion và ở Giêrusalem, sẽ có cứu nguy giải thoát theo như Giavê đã phán. Và trong hàng những kẻ thoát nguy là những kẻ được Giavê kêu gọi” (Ge 3,1-5).

 

III. KHÔN NGOAN

 

Trong đời sống cụ thể hằng ngày, Israel tích lũy nhiều kinh nghiệm nhân sinh về cách hành động, cư xử và về nhân tình thế thái. Có thể coi đó là một loại khôn ngoan ở đời mà dân tộc nào cũng có và thường được diễn tả qua những câu ca dao và tục ngữ. Israel có nhiều câu châm ngôn để đời còn ghi lại trong Kinh Thánh, đặc biệt trong sách Cách ngôn. Nhưng với Israel, sự khôn ngoan ở đời không quan trọng bằng sự Khôn ngoan do Thiên Chúa ban cho và đưa dẫn con người đến gần Thiên Chúa.

 

Sau thời lưu đày, Israel có khuynh hướng “chủ vị hóa” sự khôn ngoan và coi như một thực tại thần linh.

 

Khôn ngoan là Lời Mời Gọi thần linh hướng tới con người, là Trung gian Mạc khải.

 

Khôn ngoan đóng vai trò giáo dục Israel và chư dân. Khôn ngoan là “Nguyên lý Thần Linh” được đặt trong vũ trụ từ lúc tạo dựng.

Israel phải tin vào Giavê, vì chỉ nơi Ngài mới có sự Khôn ngoan đích thực và trọn vẹn. Sự Khôn ngoan của Giavê là Hồng Ân lớn lao mà Ngài ban cho Giuse để giải thích các điềm thiêng, cho Giôsua để hướng dẫn Dân vào Đất Hứa, cho Salômon để cai trị Dân theo thánh ý của Ngài…

 

Hoa quả đầu tiên và quan trọng nhất của Khôn ngoan là lòng kính sợ và nhận biết Giavê :

 

“Nếu con tìm kiếm nó như kiếm tìm tiền bạc, và nếu con đào bới nó như một người tìm kho báu, khi ấy con sẽ hiểu được lòng kính sợ Giavê, con sẽ gặp được sự hiểu biết của Thiên Chúa. Bởi chính Giavê ban khôn ngoan hiểu biết và thông suốt xuất tự miệng Người” (Cn 2,3-6).

 

1. Trong rất nhiều đoạn sách Cách ngôn (1,20-33 ; 2,1-9 ; 3,22-36), Khôn ngoan được mô tả như một chủ vị hướng tới mọi người, kêu gọi mọi người với một uy quyền tuyệt đối. Trước lời mời gọi của Khôn ngoan, con người ở trong tư thế phải quyết định, đáp trả hay từ khước, đón nhận ơn cứùu độ mà chính Khôn ngoan cống hiến, hay từ chối và đi vào cõi tiêu diệt. Lời mời gọi của Khôn ngoan thúc bách và đòi hỏi như một tối hậu thư cần phúc đáp.

 

Khôn ngoan không hướng tới Israel như một tập thể, nhưng mời gọi mỗi một người trong Israel. Mỗi người đều có thể theo đuổi, tìm gặp Khôn ngoan, nhưng cũng có thể rờøi bỏ, xúc phạm đến Khôn ngoan. Khôn ngoan gìn giữ, hướng dẫn những ai tin tưởng và đưa tớùi cho họ các ân huệ của Giavê.

 

Vào khoảng thế kỷ III và II trước Công nguyên, Khôn ngoan thường được đồng hóa với Lề Luật (Torah) và được “chủ vị hóa”.

 

Khôn ngoan là cách thứùc, là hình thái, là con đường Giavê muốn để Mạc khải Tôn Ý và thực hiện các biến cố cứu độ.

Khôn ngoan không phải là một học thuyết hay giáo lý, nhưng là một “thực tại chủ vị”. Khôn ngoan là gương mặt mà Giavê Thiên Chúa muốn trình diện với con người và muốn cho con người tìm kiếm :

 

“Phúc thay kẻ nghe ta, ngày ngày canh thức nơi cửa nhà ta, và nắm giữ các trụ cửa của ta. Bởi kẻ tìm thấy ta đã tìm thấy sự sống, và lãnh nhận ân đức của Giavê…” (Cn 8,34-35).

 

2.  Khôn ngoan không phải là Giavê, mà khác biệt với Giavê. Có chỗ, Khôn ngoan được coi như tạo vật đầu tiên và quan trọng nhất của Giavê Thiên Chúa :

 

“Giavê đã dựng nên ta, tiên thường của công trình Người, trước mọi công trình cổ xưa của Người. Từ đời đời ta đã được tấn phong, ngay từ đầu, trước khi đất khai sinh, khi các hỗn mang chưa có, ta đã được sinh ra, khi chưa có các suối nước ứ tràn” (Cn 8,22-26).

 

3.  Lúc khác, Khôn ngoan lại được đồng hóa với Minh Trí của Thiên Chúa bảo tồn vạn vật :

 

“Giavê, bởi Khôn ngoan đã đặt móng đất, bởi trí tuệ Người đã dựng trời, bởi hiểu biết của Người, suối phát ra từø vực thẳm, và mây tiết ra sương móc” (Cn 3,19-20).

 

Con người không thể làm chủ được Khôn ngoan, vì Khôn ngoan là một thực tại huyền nhiệm. Chỉ một mình Khôn ngoan Thiên Chúa là Trưởng Tử giữa mọi loài thọ sinh đã chứng kiến công trình tạo dựng, là con trẻ yêu dấu của Thiên Chúa đã chơi đùa với các tạo vật và con người… Nơi khác, sự Khôn ngoan được coi như là phương thế Thiên Chúa dùng để tạo dựng vũ trụ. Nơi khác nữa, Khôn ngoan đồng hóa với vận hành huyền nhiệm của vũ trụ và ý muốn của Giavê bày tỏ qua các công trình tạo dựng.

 

4. Sách Khôn ngoan sử dụng rất nhiều hình ảnh mà Tân Ước sau này, đặc biệt là Phaolô và Gioan lấy lại để áp dụng cho Chúa Kitô :

 

“Quả thế, khôn ngoan là phản ánh của sự sáng hằng có, là gương không tỳ ố rọi lại hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa toàn thiện” (Kn 7,26).

 

Nói tóm lại, trong Cựu Ước, bản chất sự Khôn ngoan chưa được xác định dứt khóat : có một sự di chuyển qua lại giữa hai loại hình ảnh, hình ảnh của một chủ vị sống động và hình ảnh của một thực tại vô hình, một nguyên lý phổ quát tiềm ẩn trong con người và vũ trụ để hướng dẫn và điều hành vũ trụ vạn vật.

 

IV. LỜI

 

1.  Khi truy tầm ý nghĩa của chữ Lời (Dâbar) trong Cựu Ước, cần lưu ý là người Dothái không phân biệt rõ ràng lời nói với biến cố. Rất thường khi, họ dùng cũng chữ “dabar” để ám chỉ vừa lời nói, vừa biến cố hay sự việc xảy ra (St 22,1).

 

Chữ Lời bao hàm hai ý nghĩa cơ bản bổ túc nhau :

 

- Một ý nghĩa trên bình diện tri thức (lời diễn ý)

 

- Một ý nghĩa trên bình diện sinh hoạt (lời tác động)

 

Người Dothái cũng không tách biệt lời nói với người nói. Nói là một cách chiếm hữu. Sức mạnh của lời nói đồng hóa với sức mạnh của người nói. Lời của Thiên Chúa không tách biệt khỏi Thiên Chúa và có quyền năng vô hạn :

“Vì cũng như mưa tuyết từ trời sa xuống, tất không lùi lại về trời, nếu đã không thấm nhuần đất đai, nếu không làm cho đất sinh sản nảy chồi, và cho người gieo có giống, cùng bánh cho người ta ăn. Cũng vậy, lời của Ta, một khi đã xuất từ miệng Ta, sẽ không lùi lại với Ta hư luống, nếu không thực hiện điều Ta muốn, nếu không đạt được sự Ta sai làm” (Is 55,10-11).

 

Lời Chúa là chân lý và chắc chắn đạt tới cùng đích đã định. Không thể quan niệm được một lời nói nào của Thiên Chúa mà không trở thành thực tại (Đnl 18,18-22). Vì thế Lời của Thiên Chúa có sức tạo nên lịch sử.

 

Lời của Thiên Chúa là Ý Muốn của Thiên Chúa “nhập thể”. Ai tin ở Thiên Chúa sẽ sống bằng những lời từ miệng Thiên Chúa phán ra :

 

“Người đã hạ ngươi xuống, đã để ngươi phải chịu đói, rồi Người lại cho ăn manna, ngươi chưa từng biết và cha ông ngươi cũng không hề biết, để dạy cho ngươi biết là người ta không sống nhờ bánh mà thôi, nhưng người ta sống nhờ bằng mọi điều xuất ra từ miệng Giavê” (Đnl 8,3).

 

Thiên Chúa không ngừng đối thoại với con người, qua lời nói cũng là biến cố, và qua biến cố đồng hóa với lời nói.

 

2. Về phương diện nội dung, có thể phân biệt ba khía cạnh chính yếu của Lời Thiên Chúa trong Cựu Ước.

 

Tiên vàn, Lời, chính là Lề Luật, là Hiến chương của Giao ước Sinai :

 

“Thiên Chúa đã phán hết thảy các lời này : Ta là Giavê Thiên Chúa của ngươi, Đâáng đã đem ngươi ra khỏi đất Aicập…

Ngươi sẽ không có những thần khác trước nhan Ta, Ngươi sẽ không tạc tượng thần…” (Xh 20,1-17).

 

“Ông (Môsê) đã ở với Giavê bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, bánh ông không ăn, nước ông không uống, và Ngài đã viết trên phiến những lời giao ước, Mười lời” (Xh 34,28).

 

Lời ra lệnh, dạy dỗ, huấn luyện dân Israel. Vinh quang, uy quyền và ý muốn cứu độ của Giavê Thiên Chúa được mạc khải bằng Lời. Lời Chúa có giá trị vĩnh cửu, bất biến. Sứ mạng và vai trò của Môsê ăn rễ sâu vào Lời hay Huấn lệnh của Giavê.

 

Khía cạnh thứ hai là Lời Ngôn sứ. Lời Ngôn sứ cũng đến từ trời, phát xuất từ Thiên Chúa (Ed 10,5 ; Gr 1,11 ; Dcr 1,7). Lời Thiên Chúa xâm chiếm con người ngôn sứ và bó buộc các ông phải “nhập thể” Lời. Ngôn sứ bị Lời cưỡng ép phải tuyên sấm, và vì thế các ông trở thành “cửa miệng” của Giavê. Ngôn sứ không có quyền trên Lời, ngược lại chính Lời có quyền trên ngôn sứ :

 

“Tôi những tự nhủ : tôi sẽ không nghĩ đến nữa, tôi sẽ không nói nhân Danh Người nữa ! Nhưng nơi lòng tôi như lửa bừng bừng, bị dồn ép trong xương cốt tôi. Tôi hết sức nén lại, nhưng không tài nào nén được” (Gr 20,9).

Ở đâu có lời ngôn sứ đích thực, ở đó có Thiên Chúa hành động tuyên phán, cứu độ và xét xử :

 

“… này nơi miệng ngươi, Ta đặt các lời Ta làm lửa, dân ấy là củi và lửa sẽ thiêu chúng !” (Gr 5,14).

 

“Này Ta đặt lời lẽ Ta trong miệng ngươi. Coi, hôm nay, Ta cử ngươi cai các dân tộc và các nước, để nhổ và lật đổ, để hủy để phá, để xây và để cấy trồng” (Gr 1,9-10).

 

Lời Thiên Chúa là lời không sai lầm, không cưỡng lại được, dù có gặp sự chống đối.

 

Lời ngôn sứ cũng là lời hứa chuẩn bị hữu hiệu cho ơn cứu độ cánh chung (Is 30,8 ; Gr 36,1 ; Hs 2,16).

Khía cạnh thứ ba và sau cùng là “Lời tác tạo”. Lời của Thiên Chúa là nền tảng mọi thực tại, là lời bảo tồn vạn vật. Mọi vật hiện hữu và tồn tại nhờ Lời. Sự tạo dựng nhờ Lời được coi như hành vi đầu tiên và quan trọng của Thiên Chúa trong Lịch sử cứu độ :

 

“Và Thiên Chúa đã phán : Hãy có ánh sáng ! Và ánh sáng đã có… Và Thiên Chúa đã phán : Đất hãy sản xuất ra sinh vật… Và Thiên Chúa đã phán : Ta hãy làm ra con người…” (St 1,1-31).

 

Nói tóm lại, Lời của Thiên Chúa phát xuất từ Thiên Chúa và gắn liền với Thiên Chúa. Lời ấy cũng là quyền năng của Thiên Chúa. Lời dần dần mặc lấy sắc thái chủ vị giống như Khôn ngoan, mặc dù sự “nhân cách hóa” hay “chủ vị hóa” ở một mức độ thấp hơn.

 

V. GIAVÊ THIÊN CHÚA LÀ CHA

 

Thế giới Đông phương cổ thường quan niệm thần linh là cha đẻ của nhân loại. Các chi tộc, bộ lạc thường đi tìm nguồn gốc của họ nơi thần thánh. Trong đầu óc họ, có hai hình ảnh chính yếu về “vị cha thần linh” : hình ảnh quyền bính tuyệt đối và hình ảnh lòng thương xót.

 

Thiên Chúa trong Cựu Ước không có sắc thái huyền thoại như trong các tôn giáo khác ở vùng Trung Đông. Nhưng quan niệm Thiên Chúa là Cha có trong Cựu Ước và cũng hàm chứa nhiều nội dung khác nhau.

Điểm khác biệt cơ bản giữa Cựu Ước và các huyền thoại Đông phương là : không có một thành ngữ nào ám chỉ một vị cha thần linh đẻ ra thần thánh và con người.

 

1. Liên hệ “Cha – con” giữa Thiên Chúa và Israel là một tương quan tự do. Thiên Chúa đã chọn Israel làm trưởng tử bằng một hành vi lịch sử là biến cố Xuất Aicập. Cảm nghiệm tình cha con là một kinh nghiệm về hành động cứu độ của Thiên Chúa phát xuất từ tình thương yêu nhưng không của Người. Israel luôn luôn coi sự tuyển chọn là một đặc ân trọng đại nhất mà Thiên Chúa dành riêng cho họ.

 

Sách Thứ luật có chiều hướng mục vụ và giáo huấn, xem bốn mươi năm sa mạc như một thử thách thanh luyện mà người Cha dành để cho con cái mình :

 

“Ngươi tự biết nơi lòng ngươi là : như một người biết sửa dạy con, thì Giavê Thiên Chúa của ngươi đã sửa dạy ngươi, và ngươi sẽ giữ các lệnh truyền của Giavê Thiên Chúa ngươi mà đi theo đường lối của Người và kính sợ Người” (Đnl 8,5-6).

 

Các tiên tri cũng dùng hình ảnh “Israel thơ trẻ” được Thiên Chúa giáo huấn, nhưng thường để lên án hay trách móc dân vô ơn bạc phước :

 

“Thuở Israel còn là trẻ bé, Ta đã mến thương, và từ Aicập, Ta đã gọi con Ta. Người ta cũng đã gọi chúng, thế là chúng đã lìa Ta. Phần chúng, chúng đã tế cho các Baal, chúng đã huân yên kính ngẫu tượng” (Hs 11,1-2).

 

Giavê nói đến nỗi khổ của Thiên Chúa và sự bất trung của dân riêng của Ngài :

 

“Trời hãy nghe, đất hỡi hãy lắng tai, vì Giavê phán : Ta đã gầy cho đàn con lớn, cho chúng trưởng thành, và chúng đã ngỗ nghịch cùng Ta” (Is 1,2).

 

Sau thời lưu đày, việc gọi Giavê là Cha trở thành thông dụng hơn, nhất là trong đời sống phượng tự :

“Con kính cha, tôi sợ chủ. Nếu Ta là Cha, nào đâu sự kính trọng Ta ? Nếu ta là Chủ, nào đâu sự kính sợ Ta ?” (Ml 1,6).

 

Trong Isaia III, lần đầu tiên dân Israel gọi Giavê trực tiếp bằng tước hiệu “Cha”, nhưng để đối lập với liên hệ thể lý giữa họ và tổ tiên :

 

“Vì chính Người là Cha chúng tôi, Abraham đâu có biết chúng tôi, Israel đâu có nhận ra chúng tôi, chính Người là Cha chúng tôi, Đấng chuộc lấy chúng tôi từ ngàn xưa, đó là Danh Người… Song bây giờ, lạy Giavê, Người là Cha chúng tôi, chúng tôi là đất sét, Người là Đấng nắn ra chúng tôi, hết thảy chúng tôi là công trình Người đã làm ra” (Is 63,16 ; 64,7).

 

2. Trong khi các sách lịch sử và tiên tri nói đến tương quan “Cha – con” giữa Giavê Thiên Chúa và Dân của Ngài xét như một tập thể, thì các sách Khôn ngoan thường nói đến tương quan giữa Thiên Chúa và cá nhân mỗi một người :

 

“Hỡi con, đừng khinh thường sự sửa trị của Giavê, và đừng chán Lời Người quở mắng ; bởi Giavê mắng kẻ Người thương mến, như người cha quở mắng đứa con ông dấu yêu” (Cn 3,11-12).

 

Cố gắng thăng tiến và giáo huấn cá nhân cũng được mô tả sống động trong sách Huấn ca :

 

“Lạy Chúa là Cha và là Chủ mạng sống tôi, xin đừng bỏ tôi mặc ý chúng, xin đừng để tôi ngã gục dưới tay chúng… Lạy Chúa là Cha và là Chúa trên mạng sống tôi, xin chớ để tôi có con mắt ngạo nghễ, xin cất khỏi tôi lòng kiêu ngạo, đam mê xác thịt và dâm dật đừng chiếm lòng tôi, xin đừng phó tôi cho tình dục thao túng” (Hc 23,1-5).

 

Lời hứa “phụ-tử” trước kia ban cho toàn thể Dân Chúa, nay áp dụng cho từng trường hợp cá nhân :

 

“Với mồ côi, hãy ở như cha, với mẹ góa hãy ở như chồng, Thiên Chúa sẽ gọi con là con, Người sẽ xuống ơn, sẽ giữ con thoát họ” (Hc 4,10).

 

Nói tóm lại, trong các sách Cách ngôn và Huấn ca, tước hiệu Thiên Chúa là Cha không ám chỉ một tương quan tình cảm, nhưng nhấn mạnh quyền bính giáo dục của Thiên Chúa.

 

3. Sách Khôn ngoan khai triển tư tưởng Thiên Chúa là Cha những người công chính ; những kẻ vô đạo coi cái chết như kết thúc cuộc sống, còn người công chính lấy làm vinh dự có Thiên Chúa là Cha và hy vọng được cứu độ sau khi chết (Kn 2,18). Sự chết không có quyền lực gì trên những người công chính (Kn 3,1), vì họ được vào số những người con Thiên Chúa (Kn 5,5), chính Thiên Chúa Tối Cao sẽ chăm sóc họ. Có thể nói rằng, với sách Khôn ngoan, chúng ta bắt đầu có một “cánh chung học cá nhân”.

 

Trong sách Khôn ngoan, thành ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” tương đương với thành ngữ “có Thiên Chúa là Cha”. So với sách Khởi nguyên, tư tưởng trong sách Khôn ngoan đã có nhiều biến chuyển : con người giống Thiên Chúa, vì có “linh hồn bất tử”. Tương quan “Cha - con” chỉ được biểu lộ rõ rệt sau cái chết, trong đời sống vĩnh cửu.

Ngoài ra, ý tưởng Thiên Chúa là Cha còn gợi lên hình ảnh Thiên Chúa quan phòng :

 

“Và, lạy Cha, sự quan phòng của người lèo lái, vì ngay cả trong biên, Người đã mở đường, và trên làn sóng, có một lối đi chắc chắn, cho thấy là Người có thể cho thoát khỏi mọi sự, khiến kẻ không biết nghề cũng có thể lên thuyền !”  (Kn 13,3-4).

 

TÓM KẾT

 

Cựu Ước rất dè dặt trong việc dùng từ ngữ Giavê Thiên Chúa là Cha để tránh sự lầm lẫn theo kiểu dân ngoại. Nhưng trong Cựu Ước, còn rất nhiều hình ảnh khác diễn tả tương quan tình yêu Thiên Chúa đối với dân Israel như : “chồng”, “mục tử”, “Đấng cứu độ”

 

Lúc ban đầu, Thiên Chúa được coi như là Cha của toàn thể dân Israel. Dần dần Israel ý thức rằng chỉ có người công chính kính sợ Thiên Chúa mới xứng đáng gọi Ngài là Cha. Về sau, tương quan “phụ tử” của Giavê áp dụng nhiều hơn cho liên hệ giữa Ngài và dòng dõi Đavít. Giavê là Cha của Đấng Mêsia cánh chung. Vào thời Thiên sai cánh chung, nhiều người sẽ được công chính hóa và sẽ được gọi Thiên Chúa là Cha.

 

Tính Hiền Phụ của Thiên Chúa là một huyền nhiệm khôn dò thấu, chỉ được mạc khải trọn vẹn sau này trong Đức Giêsu Kitô. Nhưng trong Cựu Ước, đã có sự biến chuyển tuần tự hướng tới Mạc khải Tân Ước.