KHÁI QUÁT GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH
VỀ THIÊN CHÚA CHA

ÐGM Phaolô Bùi Văn Ðọc

I. THÁI ÐỘ CHÚNG TA ÐỐI VỚI HUẤN QUYỀN

Khi đề cập đến Huấn Quyền, một số người có thái độ tiêu cực tiên thiên, và vì không khảo sát đến nơi đến chốn giáo huấn của Hội Thánh, nên nhiều khi coi Huấn Quyền như lỗi thời, làm chậm bước tiến của thần học. Thái độ này rất đáng tiếc, nhất là trong lãnh vực thần học tín lý, vì có thể dẫn đưa con người xa rời đức tin tông truyền.

Một số khác thì ngược lại, bảo thủ hơn cả Huấn Quyền chỉ vì không ý thức "sử tính" của giáo huấn Hội Thánh và quên rằng Giáo Lý sống động của Hội Thánh không phải là chữ chết. Họ không dám suy nghĩ thêm để tìm ra hết các kích thước và sự phong phú của những chân lý được xác định trong Huấn Quyền. "Ý nghĩa sâu xa" (sens profound) của chân lý bị đồng hóa với "ý nghĩa mặt chữ" (sens littéral) của công thức.

Thái độ đúng đắn với Huấn Quyền là "vâng phục" và "biết ơn", là yêu mến, làm Huấn Quyền trở thành sinh động, dễ hiểu cho thời đại. Phải "mở cửa" Huấn Quyền cho Dân Chúa đi vào, chia sẻ "quy luật đức tin" duy nhất (regula fidei). Những cảm nghiệm và góc độ nhìn khác nhau, không thay đổi, nhưng phong phú hóa Huấn Quyền, để Huấn Quyền trở thành "quy luật sống" (regula vitae). Phải luôn nhớ rằng, đối với người Kitô-hữu, đức tin và sự sống là một.

Vì thế, chúng tôi dựa vào chính nguồn (bản văn Denzinger) để trình bày và đưa ra những suy nghĩ. Có tìm chân lý, quan trọng hơn cả là biết nội dung đích thực, để từ đó nhận định và suy tư thêm.

II. NỘI DUNG HUẤN QUYỀN

Sắp xếp lại tất cả giáo lý của Huấn Quyền về Ba Ngôi Thiên Chúa chúng ta sẽ có một thần học rất dồi dào phong phú, chứa đựng rất nhiều chất liệu về các khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm và toàn bộ mầu nhiệm. Sự sắp xếp chỉ có giá trị tương đối, nội dung giáo lý quan trọng hơn; nhưng cũng giúp chúng ta lãnh nhận nội dung giáo lý một cách đầy đủ và rõ ràng.

A. Ba Ngôi Thiên Chúa Nhờ Ðức Giêsu Kitô, chúng ta biết được chúng ta có một Thiên Chúa là Cha của Người và là Cha của chúng ta. Nhờ Mạc Khải, chúng ta nhận ra Chúa Cha đầy tình yêu thương đối với nhân loại, đã sai Con Một Ngài là Ðức Giêsu Kitô đến cứu chuộc nhân loại.

Chúa Cha là Ðấng Tạo Hóa, là Nguồn Gốc của mọi thực tại. Nhưng Chúa Con cũng là Tạo Hóa, thông dự vào việc tạo dựng của Chúa Cha. Chúa Con cũng là Nguồn Suối và là Cứu Cánh của mọi thực tại, là Alpha và là Omega. Như vậy phải chăng có hai Nguồn Gốc, hai nguyên lý?

Chỉ có một Nguồn Gốc là Chúa Cha, Con và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Duy Nhất. Mọi thực tại khác là tạo vật của Người.

B. Chúa Cha Dĩ nhiên đối với chúng ta, Chúa Cha là "Nguồn Suối" nhưng đối với chính Chúa Kitô, Ngài cũng là Nguồn Suối. Ngài là Ðấng dựng nên chúng ta, nhưng là Ðấng sinh ra Chúa Kitô, (principium generans). Ngài là Nguồn Gốc (origo), là Khởi Nguyên (principium), là Mạch Suối (fons) của tất cả bản tính Thiên Chúa trong Chúa Con và Chúa Thánh Thần (D 490, 3326).

Ngài là "Nguồn Sinh", nên không có ai sinh ra Ngài; vì thế Ngài là Khởi Nguyên không có khởi nguyên (Principium sine principio: D 1331). Tất cả những gì Ngài có, Ngài có bởi chính mình (non habet ab alio, sed ex se: D.1331). Do đó càng phải nói rằng không được làm ra, không được tạo thành (D 60, 525).

Ngài là "Nguồn Sinh", Ðấng sinh ra Chúa Con không do ý muốn (D 71,526). Huấn Quyền khẳng định là Chúa Cha sinh ra Chúa Con không do ý muốn, vì có người hiểu rằng "do ý muốn" có nghĩa là có thể sinh ra hay không sinh ra, muốn sinh ra thì sinh ra, không muốn thì thôi, và như thế Chúa Con chỉ là tạo vật bất tất như chúng ta, có thể hiện hữu hay không. Chúa Con có là do hành vi tạo dựng. Huấn Quyền khẳng định, từ đời đời không bao giờ có Cha mà không có Con, cũng không bao giờ có Con mà không có Cha (D526).

Chúa Cha sinh ra Chúa Con cũng không do tất yếu. Huấn Quyền khẳng định như vậy, vì có người hiểu rằng "tất yếu" có nghĩa là: Nơi Thiên Chúa không có tự do, không có tình yêu, tất cả đều là mù quáng và tất định. Cho rằng Chúa Cha tất yếu sinh ra Chúa Con thì rơi vào thuyết Phát Xuất (Émanatisme) chủ trương từ một Nguồn Gốc phát sinh ra các thực tại, từ thực tại cao quý nhất (gần Nguồn) tới thực tại thấp kém nhất (xa Nguồn).

Chúa Cha sinh ra Chúa Con từ bản thể chính mình (de sua substantia: D 526), gần giống như một người cha sinh ra một người con từ bản thể của mình, nhưng khác ở chỗ: kết quả vẫn là một bản thể chứ không có hai bản thể nơi Thiên Chúa (D 470, 485, 571, 1330).

Chúa Cha thông ban bản thể mình cho Chúa Con (Auto-donatio) mà không suy giảm. Ngài không mất gì khi sinh ra Chúa Con (D 805). Huấn Quyền khẳng định điều này để tránh quan niệm bất toàn và sai lạc coi Chúa Con là một phần bản thể Chúa Cha (Pater=tota substantia divina; filius=portio substantiae divinae). Chúa Cha không cho Chúa Con một phần bản thể của mình, và giữ lại một phần bản thể khác (D 805). Chúa Cha vẫn là Thiên Chúa nguyên vẹn khi sinh ra Chúa Con, và Thiên Chúa Con cũng là Thiên Chúa nguyên vẹn. Do đó Cha được gọi là Thiên Chúa, và Con cũng được gọi là Thiên Chúa (D 176, 1332).

Chúa Cha với Chúa Con là một, đồng bản thể (consubstantialis), nhưng khác nhau, là hai Ngôi Vị phân biệt. Trong suốt chương trình cứu độ đã được vạch ra, Chúa Con xuống thế làm người và chịu khổ nạn, chứ không phải Chúa Cha (D 248). Giáo lý này cho thấy không thể lẫn lộn Chúa Cha với Chúa Con, mặc dù Hai Vị là Một.

Trích Thông điệp Dives in misercordia (Thiên Chúa giàu lòng thương xót) "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (Ep 2, 4) là Ðấng mà Ðức Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta biết là Cha: Người là Con Thiên Chúa, đã tỏ cho biết Thiên Chúa nơi chính bản thân mình (Ga 1, 18; Dt 1, 1-2). Thật đáng nhớ, về phương diện này, là lúc Philip, một trong 12 Tông Ðồ, thưa với Ðức Kitô: " Thưa Ngài, xin tỏ cho chúng tôi thấy Cha và thế là đủ cho chúng tôi", và Ðức Giêsu đã trả lời ông" đã bao lâu rồi, Ta ở với các anh thế mà anh không biết Ta? Ai thấy Ta là đã thấy Cha" (Ga 14, 8-9). Những lời ấy đã được nói lên trong diễn từ cáo biệt, vào cuối bữa ăn lễ Vượt Qua, ngay trước các biến cố những ngày thánh là những biến cố sẽ xác nhận dứt khoát rằng "Thiên Chúa giàu lòng thương xót, bởi lòng yêu mến lớn lao Ngài đã yêu mến ta. Ngài đã cho ta, những kẻ đã chết bởi sa ngã phạm tội, được cùng hồi sinh với Ðức Kitô" (Ep 2, 4-5).

Thập giá được dựng trên núi Sọ là chỗ Ðức Kitô đối thoại lần chót với Ðức Chúa Cha, thập giá ấy xuất hiện từ chính giữa tình thương mà Thiên Chúa theo ý định đời đời đã dành cho con người được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Thiên Chúa nhờ Ðức Kitô đã mạc khải không phải chỉ có tương quan chặt chẽ với thế gian vì là Tạo Hóa và Nguồn Mạch của hầu hết hiện hữu. Ngài cũng là Cha: Ngài kết hợp với con người mà Ngài đã gọi vào hiện hữu trong vũ trụ hữu hình bằng một liên hệ còn sâu xa hơn liên hệ tạo thành. Chính tình thương không những tạo thành cái tốt mà còn cho tham dự vào cả sự sống của Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Thật vậy, kẻ đã yêu thương thì muốn tự hiến chính mình.

Mầu nhiệm Phục Sinh, chính là Ðức Kitô tuyệt đỉnh sự mạc khải về mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa. Ðó chính là lúc được thực hiện đầy đủ những lời Người đã nói tại nhà Tiệc Ly: "Ai Thấy Ta là đã thấy Cha" (Ga 14, 9). Quả thế, Ðức Kitô đã vì lợi ích nhân loại mà không được "Chúa Cha tha cho" (Rm 8, 32) và đã không được hưởng lòng thương xót của con người, thì trong việc sự sống lại đã mạc khải tình thương sung mãn Chúa Cha vẫn dành cho Người, và, thông qua Người, cho tất cả mọi người. "Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của người sống" (Mc 12, 27). Trong sự sống lại, Ðức Kitô đã mạc khải Thiên Chúa của tình thương xót vì chính Người đã chấp nhận thập giá làm đường đưa tới sự sống lại.

Trích Giáo Lý Chung Việc kêu cầu Thiên Chúa là "Cha" đã thấy có nơi nhiều tôn giáo. Thần linh thường được coi là "Cha của các vị thần và của con người". Trong dân Israel, Thiên Chúa được gọi là Cha vì Ngài đã lập Giao Ước và ban Lề Luật cho Israel, "con đầu lòng của Ngài" (Xh 4, 22). Ngài cũng được gọi là Cha của vua dân Israel. Một cách đặc biệt, Ngài là " Cha của những người nghèo", của mẹ góa con côi là những người được Ngài bảo vệ cách ưu ái (SGL 238).

Khi gọi Thiên Chúa là "Cha", ngôn ngữ đức tin đã chủ yếu nêu rõ hai phương diện: Ngài là nguồn gốc trên hết của vạn vật và có uy quyền siêu việt - đồng thời Ngài là Ðấng nhân hậu và thương yêu lo lắng cho tất cả các con của mình. Sự dịu hiền phụ mẫu của Thiên Chúa cũng có thể được biểu lộ bằng hình ảnh của người mẹ, và tình mẫu tử nói rõ hơn về tính nội tại của Thiên Chúa, về tình thân mật giữa Thiên Chúa và tạo vật của Ngài. Như vậy ngôn ngữ của đức tin đã múc lấy trong kinh nghiệm của con người về cha mẹ mình, vì một cách nào đó, cha mẹ là những vị đại diện đầu tiên của Thiên Chúa đối với con người. Nhưng kinh nghiệm cho thấy cha mẹ là những người có thể sai lầm và làm méo mó hình ảnh của tình phụ tử và tình mẫu tử. Bởi vậy nên nhắc lại rằng Thiên Chúa vượt trên sự phân biệt nam nữ của con người. Ngài không phải người nam cũng không phải người nữ, Ngài là Thiên Chúa. Ngài cũng siêu việt trên tình phụ tử và tình mẫu tử của con người, mặc dầu Ngài là nguồn gốc và là thước đo của hai tình đó: Không ai là cha như Thiên Chúa (SGL 239).

Chúa Giêsu đã mạc khải cho thấy Thiên Chúa là Cha theo một nghĩa chưa từng ai được nghe: Ngài không chỉ là Cha vì Ngài là Ðấng Tạo Thành vain vật, nhưng từ muôn thuở Ngài là Cha trong tương quan với Con độc nhất của Ngài, và Chúa Con chỉ là Con trong quan hệ với Chúa Cha: "Không ai biết Chúa Con ngoài Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha ngoài Chúa Con và những người được Chúa Con mạc khải cho" (Mt 11, 27) - (SGL 240).

Bởi vậy các Tông Ðồ tuyên xưng Chúa Giêsu là: "Ngôi Lời vẫn ở bên Thiên Chúa từ Khởi thủy, và là Thiên Chúa" (Ga 1, 1), "Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Cl 1, 15), và "là như ánh tỏa sáng của vinh quang Thiên Chúa và hình tượng của bản thể Ngài" (Dt 1, 3) - (SGL 241).

Sau các Tông Ðồ, và theo truyền thống tông đồ, Giáo Hội tuyên xưng năm 325 tại Công Ðồng chung thứ nhất ở Nixê rằng Chúa Con "đồng bản thể" với Chúa Cha, nghĩa là Ngài là Thiên Chúa duy nhất với Chúa Cha. Công Ðồng chung thứ hai họp tạo Constantinôpôli năm 381, đã giữ lại kiểu phát biểu này trong công thức Kinh Tin Kính của Nixê, và đã tuyên xưng rằng "Ngài là Con duy nhất của Thiên Chúa, được sinh ra bởi Chúa Cha từ trươc muôn đòi, là ánh sáng bởi ánh sáng, là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tthành, đồng bản thể với Chúa Cha" (SGL 242).


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà