MẦU NHIỆM BA NGÔI VÀ GIÁO HỘI
Dưới ánh sáng của Vaticanô II
Và trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo *

Ðức Gioan-Phaolô II đã công bố sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trong Tông hiến Kho tàng đức tin ban hành ngày 11-10-1992. Ngày này là dịp kỷ niệm 30 năm ngày khai mạc Công đồng Vaticanô II. Việc công bố vào ngày này mang một ý nghĩa rõ rệt : sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo kế tục đường hướng của Vaticanô II hay nói khác đi Vaticanô II là nguồn mạch, di sản quý báu và là điểm quy chiếu cho Sách Giáo Lý mới này.

Chúng ta sẽ suy nghĩ về mối tương quan giữa Mầu nhiệm Ba Ngôi và Giáo Hội dưới ánh sáng của Vaticanô II và được tiếp nối trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.

Giáo Hội là một mầu nhiệm. Ðó là tựa đề chương thứ nhất của Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium. Tựa đề này là một lời tuyên xưng. Lời tuyên xưng này là nét mới mẻ của một suy tư sâu xa về mầu nhiệm Giáo hội. Lời tuyên xưng này bắt nguồn từ cái nhìn chiêm ngắm ý định của Thiên Chúa liên quan đến nhân loại. Giáo Hội được Chúa Cha tập họp chung quanh Ðức Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là Dân tộc lữ hành, phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Ðức Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo Hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo Hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Ðền thờ Chúa Thánh Thần.

Việc chiêm ngắm mầu nhiệm thẳm sâu, khôn dò, khôn tả của Ba Ngôi sẽ đưa ta đến suy tư về Giáo Hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo Hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (GH 1 ; GL số 772). Chúng ta có thể nói rằng Giáo Hội học căn bản của Vaticanô II là Giáo Hội học hiệp thông được xây dựng trên mầu nhiệm vô cùng thâm sâu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trong phần trình bày về Giáo Hội (Mục 9), gồm 6 tiết (GL tr. 291-370) đã thể hiện và tiếp nối Giáo Hội Học của Vaticanô II một cách rõ rệt.

Chúng ta sẽ suy tư về mối liên hệ thâm sâu giữa Mầu nhiệm Ba Ngôi và mầu nhiệm Giáo Hội chung quanh ba câu hỏi chính sau đây :

- Giáo Hội phát xuất từ đâu ?
- Ðâu là bản chất của Giáo Hội ?
- Giáo Hội đi về đâu ?

I. Ba Ngôi Là Cội Nguồn Của Giáo Hội

Cái nhìn chiêm ngắm mầu nhiệm Ba Ngôi đã mở đầu và kết thúc hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium.(Hiến chế Giáo Hội, s. 1-4 và 69). Với cái nhìn chiêm ngắm này, Công đồng đã tìm lại được truyền thống vừa xa xưa vừa rất sâu xa trong hành trình lịch sử tư tưởng thần học của Giáo Hội khi trích dẫn lời thánh Cy-pri-a-nô : "Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (GH 4 ; T. Cy-pri-a-nô, De Orat. Dom. 23 : PL 4, 553).

Vaticanô II khi trở về với các chứng từ của Kinh Thánh và của các giáo phụ đã thay thế cái nhìn về Giáo Hội : từ cái nhìn về một Giáo Hội mang tính xã hội với cấu trúc kim tự tháp sang một Giáo Hội hiệp thông mang chiều kích Ba Ngôi.

Với cái nhìn "từ trên", chúng ta sẽ thấy rằng Giáo Hội không phải là hoa trái của "xác thịt và máu huyết" (Ga 1,13), không phải là một bông hoa phát xuất từ đất, nhưng là một hồng ân "từ trên", một hoa trái khai sinh từ sáng kiến của Thiên Chúa. Thiên Chúa đi bước trước trong sáng kiến này. Trong ý định cứu rỗi đầy yêu thương từ đời đời của Chúa Cha, Giáo Hội đã được Thiên Chúa chuẩn bị trong lịch sử Giao ước với dân Israel, để khi đến thời gian viên mãn, Giáo Hội được thiết lập trong sứ mạng của Chúa Con mà cao điểm là mầu nhiệm Vượt Qua và được hoàn tất trong ngày lễ Ngũ Tuần, ngày mà Giáo Hội nhận được đầy tràn Chúa Thánh Thần (GL x. nguồn gốc nền tảng và sứ mạng của Hội Thánh, số 758-769).

Từ cội nguồn Ba Ngôi, chúng ta có thể rút ra ba hệ luận thần học sau đây khi suy tư về Giáo Hội :

Thứ nhất, Giáo Hội khi tự giới thiệu mình như một mầu nhiệm thì trước hết là công trình của Thiên Chúa chứ không phải là công trình của loài người, do đó, tự bản chất sâu thẳm nhất, Giáo Hội không thể nhìn thấu với cái nhìn hoàn toàn nhân loại.

Thứ hai, khi nói đến cội nguồn Ba Ngôi của Giáo Hội, chúng ta hiểu rằng Giáo Hội là một hồng ân của Thiên Chúa, Giáo Hội không tự chế tạo ra mình, con người không tạo ra Giáo Hội nhưng là nhận lãnh từ Thiên Chúa. Giáo Hội không phải là hoa quả của sự vất vả miệt mài của con người nhưng là ơn nhưng-không của Thiên Chúa. Giáo Hội sinh ra từ việc đón nhận ơn mạc khải nhưng-không của Thiên Chúa Cha và tạ ơn Người nhờ Ðức Giêsu trong Chúa Thánh Thần : "Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn" (Mt 11,25).

Thứ ba, việc nhắc tới cội nguồn Ba Ngôi của Giáo Hội sẽ dẫn chúng ta đến việc nhìn lại Giáo Hội trong lịch sử. Như Lời đã trở thành xác phàm (Ga 1,14) và đã đi đến tận cùng nghịch lý của đời người cho tới cái chết, cũng vậy, Giáo Hội của Thánh Thần Ðức Kitô phải hiện diện trong mọi nẻo đường của thế giới con người, để làm cho sức mạnh và bình an của Ðức Kitô hiện diện. Bản chất chiêm niệm của Giáo Hội không thể bao gồm một sự lẩn trốn thế giới hay một nỗi sợ hãi dấn thân. Nếu Thiên Chúa của Giáo Hội đã hoàn toàn đi vào trong lịch sử con người (Ga 1,14) thì Giáo Hội của Thiên Chúa không thể nào trở nên khán giả của lịch sử con người. Chúng ta sẽ hát mừng vinh quang Thiên Chúa nơi nào mà sự sống con người được nâng cao : "Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống và sự sống của con người là chiêm ngưỡng Thiên Chúa" (I-rê-nê-ô). Như thế, Giáo Hội trong lịch sử sẽ nhất thiết là một Giáo Hội dấn thân, không phải theo nghĩa của thuyết đứng về phía những lợi ích con người quyền thế và sức mạnh, nhưng ngược lại Giáo Hội sẽ ở về phía những người nghèo và bé mọn.

Nguồn gốc Ba Ngôi của Giáo Hội là nền tảng cho sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Giáo Hội khai sinh từ Ba Ngôi (Ecclesia de Trinitate) là một Giáo Hội đang trong tư thế truyền giáo và luôn phải lên đường. Giáo Hội là nơi mà trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô hiện diện để hoàn tất sứ mạng cứu thế của Người. Giáo Hội không ngừng nhận lãnh Chúa Thánh Thần để định hướng lịch sử đi về Vinh quang của Thiên Chúa khi mà Thiên Chúa sẽ là Tất Cả trong tất cả. Ân huệ của sáng kiến Ba Ngôi thiết lập Giáo Hội và đưa Giáo Hội vào trong mối hiệp thông của Ba Ngôi, không phải là một đặc ân, nhưng là mục đích, không phải là một chiếm hữu nhưng là một sứ mạng. Vì vậy sự hiệp thông Giáo Hội gắn chặt với sự ra đi truyền giáo của Giáo Hội.

Ba Ngôi là cội nguồn, và cùng đích của Giáo Hội, và Giáo Hội là công trình của Ba Ngôi. Chiều kích Ba Ngôi của Giáo Hội được suy tư trong cái nhìn của lịch sử cứu độ :

- Cội nguồn : Giáo Hội là sự tập họp (GL số 751 ; Ekklèsia của Hylạp ). Sự tập họp này phát xuất từ ý định nhiệm mầu và yêu thương của Chúa Cha khi Người muốn cứu nhân loại : "Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ, Người đã quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh" (GH 2; GL số 759).
- Công trình : Chúa Con thực hiện ý định của Chúa Cha, ý định hiệp nhất và yêu thương. Ðó là sứ mạng của Chúa Con. Chúa Con "đã cư ngụ giữa chúng ta" để hành vi vâng phục cho đến chết của Người hòa giải chúng ta với Cha của Người trong mầu nhiệm Vượt Qua. Giáo Hội được sinh ra từ cạnh sườn khai mở của Chúa Kitô (x. Ga 19,34 ; GH 3 ; GL số 766).
- Cùng đích : Sứ mạng của Chúa Con được hoàn tất trong việc Chúa Thánh Thần được sai đến với Giáo Hội (GH 4 ; GL số 757-768).

Ðược khai sinh từ ý định của Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần, sự hiệp thông Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần, nhờ Chúa Giêsu Kitô phải trở về với Chúa Cha để cho Thiên Chúa là tất cả trong tất cả (x. 1 Cr 15,28). Vì thế, Ba Ngôi không chỉ là cội nguồn của Giáo Hội mà còn là "Quê hương" của Giáo Hội như là một dân lữ hành .

Giáo Hội là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự hiệp thông Giáo Hội bắt nguồn từ mối hiệp thông Ba Ngôi.

II. Bản chất của Giáo Hội : Mầu nhiệm Ba Ngôi là khuôn mẫu cho Giáo Hội hiệp thông.

Hiến chế tín lý về Giáo Hội đã gợi ra những hình ảnh Thánh Kinh để diễn tả Giáo Hội (GH 6) và sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã nhắc lại (GL số 753). Những hình ảnh này xoay quanh bốn chủ đề được rút ra từ :

- Ðời sống du mục : Giáo Hội là chuồng chiên, đàn chiên và Chúa Kitô là Cửa chuồng chiên, Mục tử.
- Ðời sống canh nông : Giáo Hội là cánh đồng của Thiên Chúa, trong cánh đồng ấy, mọc lên cây ô-liu cổ thụ mà các Tổ phụ là gốc rễ thánh. Giáo Hội như cây nho được tuyển chọn. Chúa Kitô là cây nho đích thực ban sức sống cho các ngành là các kitô hữu.
- Kiến trúc và đời sống xã hội : Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Giao ước, Nhà của Thiên Chúa, Thân Thể của Chúa Kitô, Thành đô.
- Ðời sống gia đình và hôn nhân : Giáo Hội là người mẹ, người vợ, là gia đình của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, từ bức họa phong phú và nhiều mầu sắc này, ta thấy ba hình ảnh được sử dụng nhiều lần trong các văn kiện của Công đồng Vaticanô II và bắt nguồn từ trong chính mầu nhiệm Ba Ngôi đó là Dân Thiên Chúa, Thân Thể Chúa Kitô và Ðền thờ Chúa Thánh Thần (x. GH 17, LM 1, TG 7 ; GL số 781-801).

Nếu ba hình ảnh này được lựa chọn cách ưu tiên thì bởi vì chúng diễn tả mầu nhiệm sâu xa nhất và là sự sống nhất của Giáo Hội, một Giáo Hội không ngừng được khai sinh từ ý định yêu thương của Thiên Chúa Cha, từ ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô và từ những kỳ công của Chúa Thánh Thần thực hiện trong dòng lịch sử .

Giáo Hội thuở ban đầu luôn tuyên xưng đức tin vào Ba Ngôi và chúng ta sẽ không hiểu được vị trí độc nhất của Ðức Giêsu nếu không nhìn trong chiều kích của mầu nhiệm hiệp thông Ba Ngôi. Trong Chúa Kitô, Chúa Cha ban cho Giáo Hội và cho mỗi người tín hữu sự sống của Người trong Thánh Thần. Trong Thánh Thần, nhờ Chúa Kitô, Giáo Hội và mỗi người tín hữu đi tới Chúa Cha. Ðức Kitô là Con Một, Người được Cha yêu thương bởi vì Người là Ðấng đầy Thánh Thần và ban Thánh Thần cho Giáo Hội .

Giáo Hội ngày nay cũng sống trong niềm tin rằng nhờ Phép Rửa, người tín hữu đi vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi. Khi cử hành Thánh Thể, Giáo Hội sống ngụp lặn trong Tình yêu Ba Ngôi, cử hành cuộc tưởng niệm và hiện tại hóa mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Kitô. Qua kinh nguyện, thời gian hiện tại trở thành thời gian của ân sủng, giờ của ơn cứu độ.

A. Giáo Hội là Dân Thiên Chúa

Công đồng Vaticanô II đã khẳng định rằng Giao ước mới do Chúa Kitô thiết lập là "Dân mới của Thiên Chúa" (GH 9). Chúng ta có thể tìm thấy ba yếu tố căn bản và liên kết chặt chẽ với nhau trong khẳng định này :

- Sự bén rễ của Giáo Hội trong dân Israel.

- Tính chất mới mẻ hoàn toàn của Giáo Hội trong Chúa Kitô.

- Sự khai mở của Giáo Hội cho tất cả mọi người : Dothái và dân ngoại.

Dân mới của Thiên Chúa bén rễ trong giao ước cũ. Thiên Chúa đã muốn quy tụ một dân để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện (GH 9 ; GL số 781). Ngài đã chọn dân Israel là dân Ngài, đã thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần bằng cách tỏ chính mình và ý định mình qua lịch sử dân ấy, và Ngài đã thánh hóa họ để dành riêng cho Ngài.

Nhưng Dân mới lại có một sự đứt quãng với dân Israel. Dân mới này như một cuộc tạo dựng mới do hành động cứu chuộc của Chúa Kitô (x. Cv 20,28). Trong thư gửi giáo đoàn Philadelphia, thánh Ignatiô thành Antiokia đã nói đến sự mới mẻ do Chúa Kitô mang đến :

"Tôi khuyên anh chị em hãy làm theo giáo huấn của Ðức Kitô chứ đừng làm bất cứ điều gì theo óc tranh giành cãi cọ. Tôi đã nghe có những người nói : nếu tôi không tìm thấy điều đó trong Sách (Cựu Ước) thì tôi cũng chẳng tin điều đó trong Phúc âm. Và khi tôi nói với họ : điều đó đã được viết thì họ đáp : đấy mới là vấn nạn. Ðối với tôi, Sách của tôi chính là Ðức Giêsu Kitô. Sách của tôi là bất khả xâm phạm, đó là thập giá của Ngài, cái chết và sự phục sinh của Ngài, là đức tin đến từ Ngài ; chính trong điều đó mà tôi khao khát được công chính hóa, nhờ lời cầu nguyện của anh chị em" (Ignace d'Antioche, Sources chrétiennes, t. 10 bis, tr. 127-129).

Qua việc đón nhận dân ngoại, cộng đoàn kitô-hữu có kinh nghiệm và xác tín rằng Dân mới của Thiên Chúa mở rộng cho toàn thể nhân loại (x. Cv 15,14). Tất cả mọi người thuộc gia đình nhân loại đều được kêu gọi để làm nên một dân thánh duy nhất trong Chúa.

Vậy đâu là những đặc điểm của Dân Thiên Chúa ?

Trước hết, Dân Thiên Chúa là dân được kêu gọi. Sự tuyển chọn và tính nhưng-không là hai nét chính yếu. Chính Thiên Chúa là Ðấng khởi xướng trong việc tuyển chọn này :

"Ðức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Ðức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaon vua Ai Cập" (Ðnl 7,7-8).

Sáng kiến của Thiên Chúa cũng tạo nên nét độc đáo của Dân mới như lời của Phêrô : "Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa để loan truyền những kỳ công của Người, Ðấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền" (1 Pr 2, 9 ; GL số 783-786).

Thứ đến, Dân Thiên Chúa là dân được cứu độ. Ơn cứu độ không được ban cho từng cá nhân riêng lẻ mà là cho cả một dân. Chiều kích cộng đoàn của ơn cứu độ được Vaticanô II nhấn mạnh đặc biệt (x. GH 2 và 9 ; MV 32). Chúa Cha đã dành lại cho Ngài Dân mới này nhờ Máu Con của Người : "Vì chúng ta, Người đã tự hiến cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính và để thanh luyện chúng ta khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện" (Tt 2,14).

Sau cùng, trong Dân Thiên Chúa, chúng ta gặp thấy sự bình đẳng căn bản của mọi người đã được rửa tội (GH 32). Tất cả đều có cùng một phẩm giá, phẩm giá làm con Thiên Chúa, có cùng một sự tự do do Chúa Thánh Thần ban, có cùng một lề luật, luật yêu thương, cùng một ơn gọi là đáp trả lại lời mời gọi nên thánh, cùng một hướng đi về Nước Trời (GL số 872). Sự bình đẳng căn bản này dựa trên phép Rửa. Tính đồng trách nhiệm của các phần tử thuộc Giáo Hội bén rễ trong sự tập họp và trong sứ mạng của Dân Thiên Chúa (x. 1 Pr 2,9). Tất cả mọi tín hữu đều tham dự vào chức tư tế, vương giả và tiên tri của Chúa Kitô (x. GH 10, 11, 12 ; GL số 783-786).

Chương hai về Dân Thiên Chúa trong hiến chế về Giáo Hội không chỉ quan trọng do nội dung nhưng còn do chính vị trí của nó trong Hiến chế. Chương này được đặt ngay sau chương về mầu nhiệm Giáo Hội. Nó mang một ý nghĩa thật sâu xa là Dân Thiên Chúa không được khai sinh do sáng kiến của con người nhưng do ý định của Chúa Cha. Thực tại đầu tiên của Dân Thiên Chúa không hệ tại trong những khác biệt về chức vụ nhưng trong chính cái "chúng tôi-Giáo Hội" (le nous ecclésial) được tạo thành bởi tất cả mọi tín hữu và tất cả mọi chức vụ đều nhằm xây dựng thân thể Giáo Hội.

B. Giáo Hội là Thân thể Chúa Kitô

Cách nói "Thân thể Chúa Kitô" là cách nói đăc trưng của Phaolô. Với cách nói này, Phaolô muốn nhấn mạnh đến tương quan giữa Chúa Kitô và các Kitô-hữu, thân thể của Người, một tương quan sâu xa thuộc bình diện hữu thể học, "nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần Thân Thể của Ðức Kitô sao ?" (1 Cr 6,15).

Phao-lô còn đề cập đến tương quan giữa thân-thể giáo-hội và thân-thể thánh-thể. Nhờ phép Rửa "tất cả chúng ta đều đã chịu phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một Thân thể" (1 Cr 12,13) và sự tháp nhập này được hoàn tất trong thân-thể thánh-thể "khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Ðức Kitô ư ? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân thể Người sao ? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta cùng chia sẻ một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể" (1 Cr 10,16-17). Sự duy nhất của Chúa Kitô là nguyên lý hiệp nhất của các kitô hữu.

Sự kết hiệp đời sống các kitô hữu trong Chúa Kitô được xây dựng trên tính đa dạng của các chi thể, chứ không phải trên sự phân chia của chúng (1 Cr 12,12). Tính đa dạng của các chi thể và sự duy nhất của thân thể đã trở nên đề tài suy tư cho Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô :

- Nét đa dạng trong sự duy nhất (1 Cr 12,12-20).

- Sự tùy thuộc hỗ tương giữa các chi thể (c. 21).

- Sự bổ túc cho nhau (c. 21).

- Vinh dự của những chi thể xem ra kém cỏi tầm thường (c. 22-24).

- Sự liên đới giữa các chi thể (c. 25-26).

Nhưng suy tư của Phaolô về tương quan giữa Chúa Kitô và thân-thể Giáo-Hội của Người chỉ được khai triển đầy đủ với thư Côlôxê và Êphêsô. Chúa Kitô là Ðầu của Giáo Hội và Giáo Hội là Thân thể của Người (x. Cl 1,18 ; Ep 1,22 ; 4,15 ; 5,23). Ðầu làm cho Thân thể sống và thân thể thì tùy thuộc Ðầu (Ep 5,24).

Chúng ta gặp lại tư tưởng của Phaolô trong Hiến chế Giáo Hội (GH 7) và trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GL số 790-795). Từ những dữ kiện Kinh Thánh, Hiến chế tín lý về Giáo Hội (s. 7) và tiếp theo là Sách Giáo lý (GL số 791) đã rút ra nguyên lý là trong Thân Thể Chúa Kitô, tất cả vừa khác biệt vừa bổ túc cho nhau "Vậy anh em, anh em là Thân Thể Ðức Kitô, và mỗi người là một bộ phận" (1 Cr 12,27).

C. Giáo Hội là Ðền thờ Chúa Thánh Thần

Dân Thiên Chúa chỉ được xây dựng như Thân Thể Chúa Kitô nhờ vào tác động của Chúa Thánh Thần, "chỉ có một Thân Thể, một Thần Khí" (Ep 4,4).

Khi cộng đoàn Côrintô đối diện với những mâu thuẫn và chia rẽ, Phaolô đã nặng lời đối với cộng đoàn này : "Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Ðền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ? Vậy ai phá hủy Ðền thờ Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Ðền thờ Thiên Chúa là nơi thánh và Ðền thờ ấy chính là anh em" (1 Cr 3,16-17).

Hình ảnh Ðền thờ ở đây được hiểu theo nghĩa tập thể. Trong tư tưởng của Phaolô, tất cả mọi cộng đoàn tín hữu đều trở thành Ðền thờ đích thực của Giao ườc mới (x. 1 Cr 6,19 ; 2 Cr 6,16). Bên trong Giáo Hội Côrintô, một Giáo Hội bị đe dọa bởi mâu thuẫn và chia rẽ thì chỉ Thánh Thần mới là nguồn mạch hiệp nhất và hiệp thông.

Trong thư thứ nhất của Phêrô, các kitô hữu được giới thiệu như một "tòa nhà thiêng liêng" được xây dựng trong và nhờ Chúa Thánh Thần : "Anh em hãy tiến lại gần Ðức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Ðền thờ thiêng liêng và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người nhờ Ðức Giêsu Kitô" (1 Pr 2,4-5).

Ngôi nhà được nói là "thiêng liêng" ở đây được hiểu theo nghĩa mạnh của từ ngữ như một tòa nhà "cụ thể" được chính Thánh Thần dựng lên. Việc xây dựng này bao gồm những thành viên làm thành "hàng tư tế thánh". Như vậy, Chúa Thánh Thần là nguồn mạch của chiều kích tư tế của Dân Thiên Chúa "Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải" (Rm 8,26 ; GL số 798).

Vaticanô II đã lấy lại cách nói của thánh Augustinô để trình bày vai trò của Chúa Thánh Thần như "linh hồn của Giáo Hội" (Thánh Augustinô bài giảng 267, 4). "Ðể chúng ta không ngừng canh tân trong Người (Ðức Kitô), Người đã cho thông dự vào Thánh Thần Người, chính Ðấng duy nhất hiện hữu nơi Ðầu cũng như nơi các chi thể, làm sống động, liên kết và thúc giục toàn thân khiến các thánh giáo phụ đã ví tác động của Chúa Thánh Thần với công việc của linh hồn, nguyên lý sự sống, hoàn thành nơi thân xác con người" (GH 7 ; GL số 797).

Hiến chế Lumen gentium đã đưa Giáo Hội vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi : "Khi công trình Chúa Cha trao cho Chúa Con hoàn tất (x. Ga 17,4), Chúa Thánh Thần được sai đến trong ngày lễ Ngũ Tuần để thánh hóa Giáo Hội mãi mãi và như thế những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô" (GH 4)

Chiều kích thánh linh của Giáo Hội do Vaticanô khai triển được làm nổi bật lên nhờ vào ý tưởng hiệp thông Giáo Hội : sự duy nhất làm cho Giáo Hội thành mầu nhiệm mà kiểu mẫu và nguyên lý là Ba Ngôi : sự duy nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần hoàn tất công trình của Chúa Kitô trong việc xây dựng thân thể Người : "Thực vậy, Người tạo lập cách mầu nhiệm các em Người, tụ họp từ muôn nước thành thân thể Người, bằng cách thông truyền Thánh Thần cho họ" (GH 7).

Trong thực tại năng động mang chiều kích Ba Ngôi của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần là nguồn cội vừa của các cộng đoàn tín hữu vừa của các chức vụ, và giữ cho tất cả liên hệ với nhau. Hồng Ân Thánh Thần cho mỗi thành phần trong Dân Thiên Chúa tạo nên nền tảng cho trách nhiệm chung của mọi tín hữu vì "chính Thần Khí duy nhất làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người" (1 Cr 12,11) và Người "ban những ân sủng khác nhau để làm ích cho Giáo Hội theo sự sung mãn của Ngài và tùy nhu cầu của công việc" ( GH 7 ; GL số 799-801).

Tính đa dạng của ân sủng Thánh Thần kêu mời một sự liên đới trách nhiệm trong Giáo Hội. Không ai chiếm hữu độc quyền Thánh Thần và mỗi người có thể nhận được một cái gì đó từ người khác. Không có sức mạnh nhân loại nào có thể trói buộc tự do của Thánh Thần hoạt động trong lịch sử và trong lòng con người. Nói như vậy không có nghĩa là người tín hữu dửng dưng trước sứ mạng loan báo Tin Mừng. Chính sự khẩn thiết của tình thương thúc bách người tín hữu loan báo Tin Mừng "khi thuận tiện cũng như lúc nghịch cảnh" (2 Tm 4,2). Giáo Hội trước hết là sự hiệp thông (Koinonia).

III. Ba Ngôi : Quê hương của Giáo hội

Giáo Hội là một dân lữ hành, có cội nguồn từ trên, từ Chúa Cha, nhờ Ðức Kitô và trong Chúa Thánh Thần sẽ quay về với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần nhờ Ðức Kitô. Viễn tượng cánh chung thấm nhuần và gợi hứng cho giáo-hội-học-ba-ngôi của Vaticanô II. Dân lữ hành (Ecclesia viatorum) hướng về vinh quang Giêrusalem trên trời và Ðức Maria là hình ảnh và dấu chỉ hy vọng cho Dân lữ hành (GH VII và VIII).

Bản chất cánh chung của Giáo Hội cho thấy Giáo Hội không đồng hóa với Nước Trời, nhưng chỉ là hình thái nguyên thủy. Giáo Hội luôn hướng về tương lai của Lời Hứa.

Ba Ngôi là Quê hương của Giáo Hội có nghĩa là bao lâu còn trên đường lữ thứ, Giáo Hội còn cảm thấy mình đang hành trình, luôn "phải canh tân và thanh tẩy". Giáo Hội không xem mình như tuyệt đối nhưng như một phương thế, không phải là cứu cánh nhưng là người tôi tớ phục vụ của Thiên Chúa. Giáo Hội trần thế chỉ kết thúc trong vinh quang trên trời, khi thời cải tạo mọi sự đến và khi toàn thể vũ trụ cùng với loài người được thiết lập toàn vẹn trong Chúa Kitô, vì vũ trụ liên kết mật thiết với con người và nhờ con người đạt tới cùng đích của mình (x. Ep 1,10 ; Cl 1,20 ; 2 Pr 3,10-13 ; GH 48).

Giáo Hội trần thế không đồng hóa với Nước Trời vì Giáo Hội luôn trên đường và chưa tới quê hương (in via et non in patria). Giáo Hội biết rằng mình không nắm giữ chân lý về Thiên Chúa của mình nhưng được chân lý này chiếm hữu và trong muôn ngàn lời ca tụng, trong suy tư, trong lời loan báo Tin Mừng, Giáo Hội ý thức rằng mình luôn phải hướng về vị Hôn Phu của mình là Ðức Kitô. Do đó, không có gì xa lạ với bản chất cánh chung của Giáo Hội cho bằng sự hiếu thắng, say mê quyền lực trần thế và những chiếm hữu trong thế giới này.

Giáo Hội luôn hướng về tương lai của Thiên Chúa, hướng về tương lai của lời hứa của Thiên Chúa. Giáo Hội bước theo Chúa Kitô là Ðường dẫn tới Chúa Cha.

Giáo Hội sống niềm hy vọng mang chiều kích Ba Ngôi : tương lai của lịch sử sẽ là ngày Ðại lễ của Thiên Chúa, khi Thiên Chúa sẽ là tất cả trong tất cả, khi chính Ba Ngôi trở thành Quê hương cho Giáo Hội, đích điểm của lịch sử và Sự sống sung mãn cho nhân loại (x. 1 Cr 15,28). Như thế, Ba Ngôi là khởi điểm, là trung tâm và là sự hoàn tất của Giáo Hội và của lịch sử.

Giáo Hội là Dân Thiên Chúa "đang khi còn lữ hành trên mặt đất, bước theo vết chân Người trong đau thương và bách hại, chúng ta cùng thông hiệp với những đau khổ của Người như thân thể kết hiệp với đầu, hiệp với sự thương khó của Người để được cùng vinh hiển với Người" (x. Rm 8,17) (GH 7). Do đó, không có gì xa lạ hơn hình ảnh của người môn đệ của Ðấng chịu đóng đinh cho bằng một Giáo Hội thản nhiên và được bảo đảm bởi những phương thế và quyền lực của mình. Giáo Hội dưới chân thập giá là Dân của những ai, cũng như Ðức Kitô, cố gắng ra khỏi mình để đi vào trong con đường đau khổ của tình yêu, trở thành cộng đoàn những người nghèo phục vụ người nghèo và sống cho người nghèo.

Ba Ngôi là Cội nguồn và là Quê hương, là đầu và là cuối. Chính vì thế mà Kitô giáo, ngay trong chứng từ của thuở ban đầu, đã nhìn thời gian cuối cùng trong mầu nhiệm Ba Ngôi :

"Ðức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Ðức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình, mở đường là Ðức Kitô, rồi khi Ðức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha {.}. Lúc muôn loài đã quy phục Ðức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Ðấng bắt muôn loài phải quy phục mình, và như vậy Thiên Chúa sẽ toàn quyền trên muôn loài" (1 Cr 15,21-24.28).

Trong sự viên mãn của thời gian và của ơn cứu độ cánh chung, Chúa Thánh Thần cũng sẽ có mặt cùng với Chúa Cha và Chúa Con :

"Thiên Chúa phán : trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm ." (Cv 2,17 ; x. Ge 3,1)

Kết luận

Giáo Hội học của Vaticanô II là Giáo Hội học hiệp thông. Giáo Hội học này là nguồn mạch canh tân cho Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Hiệp thông dựa trên Ba Ngôi. Giáo Hội xuất hiện như là "một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Cyprianô, De Orat. Dom, 23 : PL 4, 553 ; Augustinô, Sermon 71, 20 33 ; PL 38, 463). Sự hiệp thông giữa các thành phần và các Giáo Hội địa phương có nguồn gốc trong sự hiệp thông của Ba Ngôi.

Vaticanô II và tiếp theo là Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, đã mở ra, đào sâu và mong ước đưa vào đời sống Giáo Hội tính năng động và mối hiệp thông gắn liền với mầu nhiệm Ba Ngôi. Cội nguồn Ba Ngôi của Giáo Hội không cho phép Giáo Hội co rút vào chính mình nhưng ngược lại là khởi điểm cho sứ mạng truyền giáo và loan báo Tin Mừng, cho những công việc làm chứng cho tình liên đới và chia sẻ, cho hiệp thông và bình an theo cách thế của Ba Ngôi.

(*) Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Tp. Hồ Chí Minh 1997.


Trở về Mục Lục Thần Học
Trở Về Trang Nhà