ĐỀ TÀI 2 LOAN BÁO TIN MỪNG CÁCH MỚI MẺ (Tân Phúc Âm hóa) DƯỚI CHIỀU KÍCH: GIÁO HỘI NHƯ LÀ DÂN THIÊN CHÚA

Loan báo Tin Mừng: một nhu cầu cấp bách của Giáo Hội trong thời đại hôm nay

Ước muốn sửa chữa lại tính cách phiếm diện của hình ảnh Giáo Hội trong suốt 400 năm qua, Công đồng Vatican II đã trình bày một Giáo Hội tồn tại trong hai khía cạnh, một đàng Công đồng tiếp tục củng cố qui hướng Giáo Hội về nguồn gốc Thánh Kinh và Tông truyền của mình và đàng khác Công đồng không quên nhấn mạnh đến tính chất hiện thực của Giáo Hội trong một thế giới trần thế. Công đồng đã cố gắng làm sáng tỏ căn tính của Giáo Hội như là “Dân Chúa” lữ hành. Trên con đường lữ hành này, Giáo Hội phải nỗ lực chu tất sứ vụ của mình như là “bí tích cứu độ phổ quát” (LG 9), có nghĩa là Giáo Hội phải làm thế nào để qui tụ mọi người vào trong Vương quốc của Thiên Chúa Cha. Chỉ khi nào Giáo Hội đồng nhất với toàn thể nhân loại đã được hòa giải, Giáo Hội mới thực sự tìm thấy căn tính trọn hảo của mình, tức Giáo Hội phổ quát” (ecclesia universalis).

Vì vậy, Công đồng đã nhấn mạnh đến bổn phận của Gáo Hội là phảiqui tụ vào chính mình “tất cả những ai trọn niềm tin kính tìm đến Đức Kitô là tác giả của ơn cứu rỗi và là nguồn mạch sự hợp nhất và bình an” (LG 9), để nhờ đó họ được dự phần sự sống trong Vương quốc của Thiên Chúa. Bổn phận này bắt nguồn từ sứ vụ mà Chúa Kitô trao cho Giáo Hội. Thật vậy, Chúa đã sai Giáo Hội đi vào thế giới như ánh sáng cho trần gian và như muối cho đời (x. Mt 5,13-16), để qua Giáo Hội Chúa cứu chuộc nhân loại, làm cho họ trở thành con Thiên Chúa, thành công dân Nước Trời. Vì thế, Giáo Hội ở trong Đức Kitô như là bí tích, có nghĩa là dấu chỉ và khí cụ cho sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa cũng như cho sự hợp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1; x. LG 9).

Công đồng Vatican II đã minh định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là người được sai đi” (AG2). Vâng, Giáo Hội được sai đi để mang ơn cứu độ đến cho hết mọi dân tộc, để tất cả mọi người được nên một với nhau trong “Vương quốc Thiên Chúa”. Sứ vụ đó không gì khác chính là loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Suốt chiều dài lịch sử của mình, Giáo Hội luôn ý thức về nhiệm vụ này và đã không ngơi nghỉ cất bước trên mọi nẻo đường, vượt nhiều gian khổ, tìm nhiều cách thế, để Tin Mừng được loan báo đến khắp mọi nơi trên thế giới. Sự kiện Công đồng Vatican II được khai mở là bằng chứng hùng hồn nói lên thao thức của Giáo Hội về nhiệm vụ loan báo này. Công đồng đã chỉ ra con đường mang Tin Mừng đến cho nhân loại với nhiều chỉ dẫn mới mẻ mang tính thời sự qua các Hiến chế và Sắc lệnh. Công đồng kết thúc trong niềm hân hoan với hy vọng lớn lao: Giáo Hội sẽ không còn được nhìn tới như thành lũy kiên cố lạc lõng giữa thế gian, nhưng sẽ là con đường “hiệp thông của niềm hy vọng”, con đường nàynằm ngay trong đại gia đình nhân loại. Chính trong con đường này các Kitô hữu làm cho nhân loại tìm thấy niềm vui nơi Giáo Hội mãnh liệt hơn cái đau khổ họ đang chịu.[1]

Thế nhưng, 50 năm trôi qua, kể từ ngày Công đồng Vatican II được khai mạc cho đến nay, xem ra con đường hy vọng này như đang gặp vấn đề nan giải, được gọi là khủng hoảng đức tin, trước tiên Giáo Hội đang đối diện với khủng hoảng của một cuộc đào thoát khỏi đức tin công giáo, đặc biệt nơi các Giáo Hội Châu Âu và Mỹ Châu La Tinh, kế đến con số những người chưa biết Chúa Kitô vẫn cao ngất ngưỡng? Có thể nói trên 80% nhân loại không phải là Kitô hữu. Đâu là nguyên nhân của vấn đề? Con người ngày nay đang đối diện với cám dỗ gạt bỏ Thiên Chúa rất mạnh. Với sự phát minh khoa học, kỹ thuật và mức sống trở nên sung túc làm cho người ta xác tín rằng họ có thể tự tay làm được mọi chuyện mà không cần đến Thiên Chúa, điều đó được coi như lý do khách quan của vấn nạn khủng hoảng đức tin. Tuy nhiên, lý do chủ quan bắt nguồn từ chính trong lòng Giáo Hội được coi như nguyên nhân chính của cuộc khủng hoàng này: trong Giáo Hội người ta chỉ lo tìm cớ xào xáo nhau vì những chuyện riêng tư thuộc đời sống Giáo Hội, không chú tâm đến chuyện làm thế nào để diễn tả niềm tin của mình cho thế giới sao cho phù hợp với não trạng thời đại hôm nay, và có thể nói gì với họ để họ có thể lắng nghe và dễ dàng đón nhận. Vì thế, các cuộc tranh luận trong Giáo Hội hôm nay người ta càng ngày càng ít đề cập đến nội dung đức tin, đến những đòi hỏi của đời sống đức tin,[2]để rồi từ đó đưa tới hệ luận: người rao giảng thiếu tin tưởng vào sức mạnh của Tin Mừng, và người nghe thiếu tin tưởng vào những người rao giảng Tin Mừng[3].

Đứng trước thách đố này, Đại hội thường kỳ lần thứ XIII Thượng Hội đồng Giám mục - sẽ được tổ chức tại Vatican từ ngày 7 đến 28 tháng 10 năm 2012, đã lấy chủ đề “Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ để truyền bá đức tin Kitô”. Qua bản Lineamenta, chúng ta đọc được mục đích của Thượng Hội Đồng là nỗ lực thực hiện việc canh tân Giáo Hội “để đáp ứng những thách thức mà xã hội và các nền văn hoá hôm nay, qua các thay đổi quan trọng của chúng, đang đặt ra cho đức tin Kitô giáo, cho việc loan báo và làm chứng đức tin ấy. Đối diện với những thách thức này, Hội Thánh không đầu hàng hay thu mình; ngược lại, Hội Thánh thực hiện một kế hoạch tái tạo sinh lực cho mình. Hội Thánh đặt Con Người Chúa Giêsu Kitô và sự gặp gỡ với Người vào tâm điểm suy tư của mình, vì biết rằng Người sẽ ban Thánh Thần của Người và cống hiến sức mạnh để loan báo và rao giảng Tin Mừng bằng những cách mới mẻ để có thể nói với các nền văn hoá hôm nay”[4], và nhắc nhớ cho mọi Kitô hữu “không bao giờ được từ bỏ sự bạo dạn trong việc loan báo Tin Mừng và tìm kiếm mọi phương thức tích cực để mở ra những con đường đối thoại, ở đó chúng ta có thể thảo luận về những mong đợi thâm sâu nhất của con người và lòng khát khao Thiên Chúa của họ. Sự bạo dạn này cho phép chúng ta đặt đúng bối cảnh vấn đề về Thiên Chúa qua việc chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân của mỗi người trong việc tìm kiếm Thiên Chúa và kể lại ân huệ được ban nhưng không trong cuộc gặp gỡ cá nhân với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”[5].

LOAN BÁO TIN MỪNG CÁCH MỚI MẺ KHỞI SỰ TỪ KHÁI NIỆM GIÁO HỘI NHƯ LÀ DÂN THIÊN CHÚA

Nói đến loan báo Tin Mừng cách mới mẻ, thì cũng được hiểu Giáo Hội là cộng đoàn được Tn Mừng hóa. Thật vậy, việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu được tiếp tục bởi một cộng đoàn bao gồm những con người hoán cải do Tin Mừng. Cộng đoàn này đã lắng nghe Tin Mừng từ lời loan báo của các Tông đồ, đã để Lời Chúa biến đổi trở thành những con người mới. Nhũng con người trong cộng đoàn này liên kết với nhau bằng mối dây đức tin và đức ái. Họ hiệp thông với nhau qua việc cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe lời giảng dạy của các Tông đồ, cùng nhau cử hành nghi lễ bẻ bánh, thi hành việc bác ái (Tđcv 2,42-46). Tuy nhiên cộng đoàn hoán cải bởi Tin Mừng này “chỉ thực sự mang trọn ý nghĩa khi cộng đoàn trở thành chứng tá, khơi dậy lòng thán phục và sự trở lại thành lời loan báo Tin Mừng”[6]. Từ việc được Tin Mừng hóa, Giáo Hội tiếp tục thực thi điều đã làm nên chính mình, tức là loan báo Tin Mừng cho những con người đang sống ngoài Giáo Hội. Vì vậy, đối với Giáo Hội, Tin Mừng hóa là đem Tin Mừng vào trong mọi cảnh vực nhân loại và nhờ sự tiếp xúc này làm thay đổi tự bên trong, đổi mới chính nhân loại : ‘Này đây Ta tạo dựng một vũ trụ mới, (Kh 21,5). Nhưng không có nhân loại mới, nếu trước tiên không có con người mới, không có sự sống mới nhờ phép Rửa tội (Rm 6,4) và do đời sống theo Tin Mừng (Ep 4,23-24). Vậy mục đích của việc Tin Mừng hóa chính là sự thay đổi nội tâm đó, và nếu phải diễn tả một cách vắn tắt, thì ta có thể nói một cách đúng đắn rằng Giáo Hội Tin Mừng hóa, chỉ khi nhờ sức mạnh thần linh của sứ điệp mà Giáo Hội công bố (Rm 1,16), Giáo Hội tìm cách hoán cải cùng lúc lương tâm cá nhân và tập thể của con người, hoán cải sinh hoạt mà con người đang dấn thân, hoán cải đời sống và hoàn cảnh cụ thể của họ”[7].

Như vậy, việc loan báo Tin Mừngcách mới mẻ, không là nhằm thay đổi căn tính của Giáo Hội, nhưng là làm sống dậy tính năng động nơi Giáo Hội, một cộng đoàn được Tin Mừng biến đổi để trở thành men, thành muối cho đời. Vì là men, là muối, Giáo Hội luôn mang trong mình một nội lực nhận lãnh từ Thánh Thần để tiếp tục biến đổi sao cho phù hợp với sự phát triển không ngừng của thế giới về mọi lãnh vực khoa học kỹ thuật cũng như xã hội nhân văn. Là men cho đời Giáo Hội luôn làm cho khối bột trần thế ở bất cứ thời đại nào, đều có thể được dậy men Tin Mừng. Qua việc dậy men, con người được biến đổi và được tháp nhập vào cộng đoàn cứu độ được gọi là Dân Thiên Chúa. Ý thức về sứ vụ của mình, Giáo Hội tại Việt Nam cũng đã minh định qua thư chung của Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010: “thay vì coi truyền giáo chỉ như một trong những hoạt động của Giáo Hội, thì nay cần nhìn sứ mệnh truyền giáo như nắm men thấm nhập, khơi dậy và chi phối mọi khía cạnh đời sống Giáo Hội. Do đó, cần dành mọi nỗ lực và hoạt động, từ vật chất đến thiêng liêng và mục vụ, cho mục tiêu này”[8].

1- Như là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội là một cộng đoàn đức tin và đức mến

a- Giáo Hội – Cộng đoàn đức tin: Giáo Hội là một cộng đoàn được Thiên Chúa qui tụ bao gồm những người tin vào Chúa Kitô cũng có nghĩa là tin vào kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa. Và được coi như là thừa kế của cuộc tụ họp Dân Chúa trong Cựu Ước[9]. Quả thật, Giáo Hội xuất hiện và tồn tại như một cộng đoàn tương quan với nhau qua cùng một đức tin vào Thiên Chúa, là những người được chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy, hướng dẫn để có thể nhận biết Thiên Chúa. Chỉ trong Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu Kitô được mặc khải cho biết Người chính là Con Thiên Chúa, được Thiên Chúa Cha gởi đến trần gian, Người đã hiến dâng mạng sống của mình, đã sống lại và được đưa lên cao để mang lại sự sống cho nhân loại, đó là khởi điểm của đức tin kiến tạo nên nguồn gốc của Giáo Hội.

Vì là do Thiên Chúa qui tụ, cộng đoàn đức tin này vượt lên trên mọi tổ chức chính trị, không bị lệ thuộc vào bất cứ một chi phối nào của bất cứ tổ chức trần thế nào. Giáo Hội được thừa kế sự tự do của “người con” nơi Đức Kitô, vì vậy Giáo Hội “không bao giờ xuất hiện như một phụ nữ nô lệ, sinh con ra để làm nô lệ. Giáo Hội là một phụ nữ tự do, là Hiền thê của Đức Kitô, Đấng là vị Cứu tinh, là sự tự do nhập thể…. Giáo Hội bao giờ cũng phải là một cộng đoàn của những người được giải thoát đang dấn thân giải thoát mọi người, nhằm đáp lại ước mong của toàn tạo thành, mong được tham dự vào sự tự do của con cái Thiên Chúa”[10].

Vì được dự phần vào sự tự do của chức phận làm con, mọi Kitô hữu có sự bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô, Công đồng Vatican II đã minh định: “chỉ có một đoàn dân ưu tuyển của Thiên Chúa: ‘Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa’ (Ep 4,5); cùng chung một phẩm giá giữa các chi thể do được tái sinh trong Đức Kitô, cùng chung một ơn là con cái Thiên Chúa và cùng chung một ơn gọi hướng tới sự hoàn thiện; chỉ có một ơn cứu độ, một niềm hy vọng và một đức ái không phân chia. Như thế, trong Đức Kitô và trong Giáo Hội, không có sự bất bình đẳng do chủng tộc hay quốc gia, do địa vị xã hội hoặc phái tính, bởi lẽ ‘không còn phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô’. (Gl 3,28: bản Hy Lạp; x. Cl 3,11)” (LG, 32). Vì vậy,“Người tín hữu không chỉ có đặc sủng vâng lời, nhưng còn có các đặc sủng của hồng ân Thánh Thần làm cho họ có khả năng đóng một vai trò tích cực vừa là chứng nhân trong thế giới, vừa thể hiện vai trò đó trong chính cộng đoàn, mà nếu không có sự đóng góp của người tín hữu thì các chủ chăn không thể thi hành phận vụ mình cách thích đáng được”[11]. Ngoài ra Công đồng cũng đã nhấn mạnh đến đặc sủng không sai lầm: “Toàn thể tín hữu được Chúa Thánh thần xức dầu (x. 1 Ga 2,20 và 27) không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nghiệm về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi ‘từ các Giám mục cho đến người giáo dân rốt hết’[12] đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa” (LG 12).

Tuy nhiên, trong sự bình đẳng đó, Chúa Thánh Thần cũng mang lại những đoàn sủng khác nhauvà đa dạng trong Giáo Hội. Chúa Thánh Thần phân phát các ân sủng đặc biệt của Người cho mọi cấp bậc các tín hữu qua những cách thế khác nhau tùy theo ý của Người, “khiến người nhận lãnh các đặc sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau nhằm mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội” (LG 12). Trong khuôn khổ khác nhau của đoàn sủng, Công đồng đã nhấn mạnh đến sự phân biệt về “Ân huệ khác nhau theo đoàn sủng và phẩm trật” (LG 4).Trước tiên đoàn sủng đó được ám chỉ tới “nhiệm vụ” hay “chức vụ” (ministeria) được trao ban qua Bí tích truyền chức thánh nhằm phục vụ cho sự hợp nhất Dân Chúa trong phương thế đặc biệt qua việc “giảng dạy, thánh hoá và cai quản” (LG 32; x. LG 4, 7, 12, 18, 20, v.v….) đó chính là nhiệm vụ của giám mục, linh mục và thầy phó tế. Qua các ngài, Chúa Kitô thể hiện quyền bính của Người như là Đầu của thân thể hữu hình (LG 7, 10, 32; PO 2, 6). Nhiệm vụ nhân lãnh từ Bí tích Truyền chức không chỉ là đoàn sủng như bao đoàn sủng khác, nhưng nó còn là đoàn sủng riêng biệt đứng đối diện với cộng đoàn nhằm phục vụ cho sự hiệp nhất của cộng đoàn. Hành động của nhiệm vụ Thánh chức được thực thi “in persona Christi capitis”, thay mặt Chúa Kitô là đầu (PO 2; LG 10), tức là qua các cách thế dấu chỉ bí tích trình bày hoạt động của Đầu, Đức Giêsu Kitô, trong Giáo Hội và cho Giáo Hội.

Như vậy, cộng đoàn đức tin hình thành hai mối tương giao: tương giao bình đẳng giữa các Kitô hữu qua bí tích Rửa tội, tương giao hiệp thông phẩm trật qua bí tích Truyền chức thánh. Hai mối tương giao này kiến tạo nên cấu trúc bí tích nơi Giáo Hội. Đây cũng là vấn đề mà Giáo Hội luôn đối diện, vì ngay chính trong nội bộ Giáo Hội đã thường xuất hiện những cơn sóng tạo ra sự căng thẳng trong mối tương quan giữa giáo sĩ với nhau và với giáo dân phát xuất từ cấu trúc này, làm cản trở cho việc loan báo Tin Mừng. Có khi người ta quá thiên về khái niệm giáo sĩ như một alter Christus, nhấn mạnh đến quyền bính tạo ra mối tương quan tiêu cực giữa giáo sĩ và giáo dân. Ngược lại, có nhiều người nại đến sự bình đẳng trong Giáo Hội làm dậy lên trào lưu chống đối giáo sĩ, hoặc giáo sĩ hóa hàng ngũ giáo dân. Sự căng thẳng này đã làm cho cộng đoàn đức tin đánh mất đi tính năng động trong việc tìm kiếm cách thế tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin đã lãnh nhận, cho dầu vẫn luôn xác tín: tất cả mọi Kitô hữu có bổn phận phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm như những chứng nhân đích thực (LG 11).

Vì vậy, loan báo Tin Mừng cách mới mẻ chính là canh tân và củng cố mối tương giao này, nhất là Giáo Hội địa phương cần phải nỗ lực làm cho mối tương giao giữa chức “linh mục thừa tác” và chức “linh mục cộng đồng của các tín hữu” thực sự trở thành mối tương giao qua lại cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng[13]. Việc canh tân này thiết nghĩ phải được khởi sự từ hàng giáo sĩ, vì nếu quả thực Chúa Giêsu được trình bày như là đầu của Giáo Hội cấu trúc bí tích, thì việc trình bày này chính là nhằm hiện tại hóa sự phục vụ và trao hiến của Chúa Giêsu cho Giáo Hội. Khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Người, Người tỏ ra như “Chúa và Thầy” của các ông (Ga 13,13 – 15). Người cấm các môn đệ không được bắt chước thái độ của vua chúa trần gian khi thi hành nhiệm vụ (Mc 10,41 – 45), Người muốn Giáo Hội của Người và những người lãnh nhận nhiệm vụ của Giáo Hội phân định rõ ràng về quyền bính của trần thế, và quyền bính của người môn đệ Chúa. Quyền bính của thế trần không đồng hành với quyền bính của Chúa Giêsu, một quyền bính được biểu thị bằng dấu chỉ của tình bằng hữu: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,13tt)[14]. Thánh Augustinô đã trình bày mối tương giao giữa chức thánh và người Kitô hữu, để nói lên cấu trúc Bí tích trong Giáo Hội luôn là lời mời gọi dấn thân phục vụ theo tinh thần của Chúa Giêsu: “Điều tôi lo sợ, chính là tôi sống cho anh em, nhưng điều tôi được an ủi, chính là tôi sống với anh em. Cho anh em tôi là Giám mục, với anh em tôi là Kitô hữu. Giám mục là tên chức vụ, Kitô hữu là ân huệ. Giám mục là danh hiệu nguy hiểm, Kitô hữu là danh hiệu có ơn cứu độ”[15].

Kết thúc Đại Hội Dân Chúa 2010, Hội Đồng Giám Mục Viêt Nam cũng đã đưa ra đường hướng hành động để canh tân mối tương giao giữa các thành phần trong Giáo hội như là công việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ của Giáo Hội tại Việt Nam: “Đại Hội Dân Chúa mong muốn Giáo Hội tại Việt Nam củng cố sự hiệp thông và tham gia trong đời sống Giáo Hội ở mọi cấp bậc, tạo điều kiện để mọi thành phần Dân Chúa tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội”,[16]và đề nghị “các giám mục nên quan tâm đồng hành, lắng nghe và nâng đỡ các linh mục. Cũng trong tinh thần này, cần khích lệ và cổ võ sự liên đới tương trợ giữa các giáo phận về nhân lực cũng như tài lực”[17]. Cộng đồng Dân Chúa hân hoan về đề nghị của Hội Đồng Giám Mục, bởi giáo dân Việt Nam hằng thao thức về đời sống đức tin của mình, bằng chứng là tại các buổi cử hành Phụng vụ, nhất là Thánh Lễ ngày Chúa nhật, các tín hữu luôn tham dự cách đông đảo và nhiệt tình. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một cái gì đó để biến sự nhiệt tình này thành những lời loan báo Tin Mừng sống động và hữu hiệu. Cái thiếu đó có thể là sự khích lệ, sự cảm thông, sự quan tâm và lắng nghe phát xuất từ đức ái đích thực của người mục tử?

b- Giáo Hội – một cộng đoàn đức mến: Thánh Giacôbê đã nói: đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Việc làm của đức tin được thánh Giacôbê xác định là hành vi bác ái yêu thương, vì vậy, Giáo Hội: cộng đoàn đức tin cũng là cộng đoàn đức ái. Thật vậy, Thiên Chúa đã qui tụ Dân Người, để Dân này loan báo kỳ công của Chúa. Kỳ công đó không gì hơn chính là tình yêu thương khôn dò của Người. Việc loan báo này một phần do chính Chúa Kitô ủy thác, một phần do bởi nguyên nhân hiện hữu của mình, thánh Cyprianô đã trình bày Giáo Hội phát xuất từ sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con cùng với Chúa Thánh Thần[18], hay như sắc lệnh về Hiệp nhất Unitatis Redintegratio trình bày: “Mẫu mực và nguyên mẫu tối cao của mầu nhiệm này (sự hiệp nhất Giáo Hội) chính là sự hiệp nhất của một Thiên Chúa duy nhất trong Ba ngôi vị là Chúa Cha, Chúa Con trong Chúa Thánh Thần” (UR 2). Theo đó, Giáo Hội bắt nguồn từ sự hiệp thông Thiên Chúa, sự hiệp thông của một cấu trúc liên hệ đến tình yêu giữa ba ngôi vị riêng biệt. Khi nói đến Mầu nhiệm Giáo Hội là nói đến việc Giáo Hội tham dự vào đời sống của Tình yêu Thiên Chúa Ba ngôi trong Đức Kitô, Đấng sáng lập Giáo Hội và trong Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng và hướng dẫn mọi người, Giáo Hội được mời gọi và được tạo điều kiện trở thành hình ảnh và dấu chỉ, trở thành bí tích của sự hiệp thông Thiên Chúa và sự hiệp thông nhân loại, không những trong hình thức được hình thành bởi xã hội riêng biệt mà còn cả trong việc phục vụ cho công cuộc hoà giải nhân loại và toàn thể tạo vật với Thiên Chúa (LG 1).

Quả thật, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần Giáo Hội trở thành một cộng đoàn đức ái, chứng nhân cho tình yêu của Chúa Cha, Đấng muốn làm cho nhân loại trở thành một gia đình duy nhất trong Con của Người. “Mọi hoạt động của Hội Thánh đều là sự biểu lộ một tình yêu muốn tìm sự thiện toàn vẹn cho con người: Hội Thánh nỗ lực Phúc Âm hoá con người qua lời và các bí tích - một công việc thường rất anh hùng khi thực hiện trong lịch sử - và tìm cách phát triển con người trong những lĩnh vực khác nhau của cuộc sống và sinh hoạt nhân văn. Như thế tình yêu trở thành việc phục vụ mà Hội Thánh thực hiện để luôn đáp ứng với những đau khổ và nhu cầu kể cả những nhu cầu vật chất của con người”[19].

Do đó, việc phục vụ bác ái (diakonia) thuộc về bản chất của Giáo Hội, không thể giao phó cho một ai khác[20]. Việc phục vụ này trước tiên hướng đến người nghèo, bởi họ là đối tượng hàng đầu trong việc phục vụ đức ái của Giáo Hội. Đây không là hành vi phát xuất từ lòng thương xót do bởi cảm tính con người, nhưng nó thuộc về căn tính của Giáo Hội được gọi là Giáo Hội của người nghèo. Gọi như thế không phải là cường điệu hay mị dân, nhưng nó nằm trong chiều kích thần học khi minh định rằng, qua bí tích Rửa tội, tất cả những người tin được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, và vì vậy, Giáo Hội mang lấy tính xã hội và lịch sử của “người con”, luôn lắng nghe và vâng phục Cha trong mọi sự. Có thể nói, Giáo Hội đã mang lấy dáng vẻ của “người con” vì vâng phục bắt nguồn từ tình yêu dành cho Cha, đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,7-8) để tỏ bày tình yêu của Cha cho mọi người. Vâng, Đức Kitô đã mạc khải tình yêu của Thiên Chúa qua sự nghèo khó trong tinh thần lẫn vật chất được biểu lộ trong đời sống và cái chết của Người trên Thập Giá. Do đó, Giáo Hội chỉ có thể bày tỏ hình dáng đích thật của Đức Kitô nơi chính mình, khi Giáo Hội thực sự trở thành “đồng dáng vẻ” với những người mà Chúa Giêsu gọi là “những anh chị em nhỏ nhất” của Người (Mt 25,40), và khi Giáo Hội thực sự là họa ảnh cách cụ thể của Đức Kitô trong “dáng vẻ” nghèo khó, một dáng vẻ mà qua đó, Thiên Chúa đã thổ lộ tình yêu siêu nghiệm của Ngài cho nhân loại.

Quả thật, tội đã phá hủy sự giàu sang mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người qua công trình tạo dựng. Tội đã làm cho con người nhận ra sự tràn truồng của mình (St 3,11), con người chẳng còn gì, chỉ còn là một kiếp người mỏng dòn với thân phận bụi tro và phải chết. Với một tình yêu khôn tả, Thiên Chúa đã “quay lại chống đối chính mình”[21]để giang rộng đôi tay ôm lấy con người với một thân phận “trần truồng” nghèo khó chẳng còn gì. Được nên giống như Chúa Kitô, Giáo Hội cũng ôm lấy nhân loại nghèo khó này như gia nghiệp của mình, ôm lấy để hiến thân phục vụ hầu phục hồi “sự giàu có” cho họ.

Trong một thế giới phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật, điều kiện sống của con người xem ra được nâng cao xứng hợp với phẩm giá, thế nhưng trong thực tế số người nghèo ngày một gia tăng, và hố ngăn cách giữa giàu và nghèo ngày càng mở rộng. Vẫn còn đó những nguyên nhân gây ra sự nghèo khó trong xã hội: - về khía cạnh vật chất: cuộc sống dưới mức tối thiểu để có thể được gọi là đủ sống; - khía cạnh xã hội: kỳ thị, cô độc v.v...; - khía cạnh thể chất và tâm lý: bệnh tật và tàn tật; - khía cạnh chính trị: ức hiếp, bóc lột, cưỡng bức; - khiá cạnh đạo đức: bị ngăn cản không được dự phần vào các sinh hoạt đời sống chung trong xã hội một cách thích hợp (tội phạm, mại dâm, ma túy). Tất cả đều bắt nguồn từ một cuộc sống tham lam, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa bởi một lương tâm vô cảm, chai lì không còn quan tâm đến tha nhân như người anh em của mình nữa

Đối diện với thực trạng này, Giáo Hội phải nỗ lực phục vụ để xóa bỏ hố sâu ngăn cách phù hợp với căn tính cộng đoàn đức ái của mình. Giáo Hội không phải là một tổ chức chính trị, vì vậy việc phục vụ của Giáo Hội không tạo nên sự căng thẳng của một cuộc đấu tranh chống giai cấp, nhưng là kiến tạo một không gian sống đượm tình bác ái trong sự công bằng, bởi bác ái sẽ không thể hiện hữu nếu không có công lý[22]. Nhưng kiến tạo sự công bằng đó như thế nào? Đức Bênêđictô XVI đã đưa ra chỉ dẫn: “Hội Thánh không thể và cũng không được phép tham gia vào cuộc tranh chấp chính trị để thực hiện một xã hội công bằng nhất. Mặc dù Hội Thánh không thể và không được phép thay thế vị trí của Nhà nước, nhưng cũng không thể và không được phép đứng bên ngoài cuộc đấu tranh cho công bằng. Hội Thánh phải dấn thân vào cuộc đấu tranh này bằng con đường lý luận dựa theo lý trí và phải thức tỉnh những sức mạnh tinh thần, vì nếu không có những sức mạnh này thì sự công bằng, vốn luôn đòi hỏi sự hy sinh, không thể được thực thi và phát triển. Xã hội công bằng không thể là công trình của Hội Thánh, nhưng phải được chính trị thực hiện. Dù vậy, cố gắng để có được sự công bằng nhờ việc soi sáng nhận thức và ý chí cho những đòi buộc của các điều thiện hảo là điều Hội Thánh rất tha thiết”.[23]

Như vậy, cuộc đấu tranh cho công bằng của Giáo Hội chính là nỗ lực tìm mọi cách thế để giáo dục lương tri cho con người. Công cuộc giáo dục này cần phải được các Giáo Hội địa phương tích cực hành động bằng những chương trình cụ thể, các Giáo huấn xã hội của Giáo Hội cần được khai triển và học tập trong các cộng đoàn Giáo xứ. Chương trình dạy giáo lý không thể bỏ qua việc giáo dục lương tâm, ý thức về sự công bằng, và học hỏi về các Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, bởi giáo dục lương tâm ngay thẳng luôn gắn chặt với việc giáo dục đức tin Kitô giáo. Đức tin chỉ có thể sống và lớn lên trong một tâm hồn ngay chính, yêu sự thật và ghét bỏ gian tà. Có thể nó được rằng, việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ coi những lãnh vực giáo dục này là những “Sân của Dân Ngoại”: “giúp con người sống đầy đủ mục đích cơ bản hay ‘ơn gọi’ của họ giữa những đổi thay mà họ đang trải nghiệm, đó là đưa vấn đề Thiên Chúa và đức tin Kitô giáo lên diễn đàn của con người thời nay, và coi những lãnh vực này là quĩ đạo ở đó những con người được đào luyện để trở nên tự do và trưởng thành, và đến lượt họ, họ có thể đưa vấn đề Thiên Chúa vào đời sống, gia đình và nơi làm việc của chính họ”.[24]Đây cũng là một trong những cách thế để nhân loại nhận ra Tin Mừng tình yêu. Trước cảnh nghèo khó của bao người, chúng ta thử tìm câu trả lời cho vấn nạn sau: “Giáo Hội, nàng có muốn là ‘Dân được chúc phúc’, không có một bảo đảm nào cho nàng ngoài Đức Kitô: Một dân nghèo hèn, Dân sống chiêm niệm và kiến tạo hòa bình, là người mang lại niềm vui và mở lễ hội trong niềm hân hoan giải phóng đối với nhân loại, nhưng cũng có mối hiểm nguy đính kèm: bị bắt bớ vì sự công chính không?”[25].

Như là Hiền Thê trung tín của Đức Kitô, Giáo Hội tại Việt Nam luôn nhận ra được những hình thức mới của sự nghèo khổ, bén nhạy trước những đổi thay của xã hội, và để kịp thời đáp ứng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mong muốn các tín hữu của mình hăng say dấn thân phục vụ cho công bằng xã hội, hầu giúp cho “những anh chị em còn phải chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế, xã hội cũng như văn hóa”[26] nhận được sự quan tâm đặc biệt của Giáo Hội. “Các bệnh nhân, những người tàn tật, già yếu, neo đơn, mồ côi, những thiếu nữ lầm lỡ, các tù nhân… cũng là những thành phần cần được chăm sóc nhiều hơn trong các hoạt động mục vụ. Các cộng đoàn Kitô hữu cần tìm cách thể hiện tình yêu thương phục vụ họ cách cụ thể, đồng hành với họ trong những khó khăn của đời sống, giúp họ nhận ra được niềm vui của đức tin khi được nên giống Đấng chịu đóng đinh và hoàn tất những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Người vì Hội Thánh (x. Cl 1, 24)”[27].

Một trong những dấn thân phục vụ để giảm bớt những khổ đau do sự túng thiếu nghèo khó mang lại, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề nghị: các cộng đoàn Kitô hữu, gia đình cũng như các đoàn thể, giáo xứ cũng như các dòng tu, hãy hết sức quan tâm đến giáo dục, hỗ trợ những học sinh nghèo, nâng cao trình độ học vấn của giới trẻ, dạy nghề cho giới trẻ miền quê, đồng hành với giới giáo chức Công Giáo[28]. Nhất là “các giáo xứ cần quan tâm đến nền giáo dục đại chúng về lương tâm, những giá trị nhân bản và văn hóa đối thoại, dưới ánh sáng Lời Chúa”[29]. Đây là hướng đi đúng đắn của Giáo hội Việt Nam, tuy nhiên đâu là những chỉ dẫn để cho những đề nghị này thực sự trở thành phương châm hành động thiết thực trong các chương trình sinh hoạt mục vụ của các Giáo phận, Giáo xứ?

2- Như là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội là một cộng đoàn mang tính tương quan

Trọng tâm chính của nhiệm vụ Giáo Hội là mang ơn cứu độ được Chúa Cha trao ban qua Đức Giêsu Kitô đến cho hết mọi dân tộc để tất cả mọi người được nên một với nhau trong một đoàn dân duy nhất, được gọi là Dân Thiên Chúa. Gọi như thế, nhằm nói lên mối tương quan giữa Giáo Hội và Cha của Đức Giêsu Kitô, Đấng là nguyên khởi và hoàn tất công trình tạo dựng. Là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội luôn hướng tới phạm trù phổ quát của ơn cứu độ, Giáo Hội ra sức mời gọi mọi người trên thế giới dự phần vào ơn cứu độ. Công đồng Vatican II đã nỗ lực vượt qua mọi rào cản để tìm ra căn tính đích thật của Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa. Căn tính đó không còn được định nghĩa từ chỗ phân biệt bởi sự khác nhau về các cách thế biểu lộ đức tin và từ yêu cầu về tính cách độc tôn (exclusive) của Giáo Hội trong các trình bày thần học. Giáo Hội đã bắt đầu đổi mới cái nhìn chính mình khi định nghĩa về mình qua mối tương quan và qua sự phân định ranh giới giữa Giáo Hội Công giáo và các Giáo Hội khác (LG 13 – 16).

Từ khái niệm Giáo Hội ưu việt độc tôn (exclusive) của thời sau Công đồng Tridentinô, Công đồng Vatican II đã đưa ra một suy tư mới về Giáo Hội: “Giáo Hội tương quan”. Giáo Hội như là “Dân Thiên Chúa” trong chiều kích của mối tương quan khác nhau khởi đầu từ “trong” rối đến “ngoài”, qua mối tương quan này Giáo Hội được cấu thành như một chủ thể mang xã hội tính của đức tin (x. LG 8).

Nền tảng cho quan niệm mở rộng của Giáo Hội Công giáo đối với các Giáo Hội khác nằm ở mối tương quan cánh chung: Thật vậy, nếu Giáo Hội được nhìn một cách cụ thể trong chiều kích tương quan tới Vương quốc Thiên Chúa trọn hảo, và nhờ đó Giáo Hội tìm thấy căn tính của mình như là “Giáo Hội phổ quát” (x. LG 2), thì đồng thời cũng đòi hỏi Giáo Hội phải tự vượt qua hình thức thuộc định chế mang tính riêng biệt, để đặt mối tương quan với các hình thức khác, mà tâm điểm lịch sử của chúng có tiềm ẩn mối tương quan với Giáo Hội Công giáo, từ đó khám phá rằng, ở nơi mỗi con đường, các tín đồ cũng đang nỗ lực tìm kiếm chân lý bằng những cảm nghiệm khác nhau, họ có cùng mục đích với Giáo Hội (Thí dụ: trong các Giáo Hội Kitô khác, trong các tôn giáo và tín ngưỡng khác, ngay cả trong những người được gọi là vô thần đang tìm kiếm ơn cứu độ một cách thầm kín)[30]. Bước đi này nhằm khẳng định đến căn tính của Giáo Hội không còn co cụm trong cấu trúc phẩm trật, nhưng Giáo Hội mở rộng mối tương quan đến chiều kích toàn cầu, nhằm biến đổi thế giới và đưa thế giới đạt tới tình yêu giải phóng và cứu chuộc của Thiên Chúa. Nhờ đó mà căn tính của Giáo Hội được tỏ hiện một cách rõ ràng. Thế nhưng, nếu Giáo Hội tìm thấy ý nghĩa đích thực về chính mình trong chiều kích tương quan phổ quát, thì phải hiểu thế nào về khái niệm Giáo Hội “công giáo”? Trước tiên phải hiểu cụm từ “công giáo” được công đồng Tridentinô xử dụng nhằm phân biệt Giáo Hội Công giáo với các Giáo Hội Cải cách (Tin lành), và với những người không công giáo, vô tín ngưỡng, ngoại đạo, tà giáo, ly giáo. Công đồng Vatican II đã cố gắng điều chỉnh lại khái niệm hẹp hòi này và đã trả lại ý nghĩa nguyên thủy của từ ngữ “công giáo” thời các Giáo phụ.

Chính từ quan niệm này của Công đồng đã vẽ ra một con đường loan báo Tin Mừng cách mới mẻ trong mối tương quan với nhân loại qua đối thoại để cùng với họ, Giáo Hội thực thi ý muốn của Thiên Chúa về việc kiến tạo hòa bình, xây dựng công lý, bảo vệ và tôn trọng sự sống. Giáo Hội đích thật là Giáo Hội vừa con người, vừa Kitô, Đấng đã phục vụ cho hết mọi người để mong sao mọi người trở thành công dân của Vương quốc Thiên Chúa. Công đồng đã vạch ra con đường đối thoại không nhằm chiêu nạp tín đồ, để thuyết phục, nhưng nói như Đức Bênêđictô XVI, đối thoại là “mở ra một thứ ‘Sân của Dân Ngoại’ để người ta có thể một cách nào đó chạm tới Thiên Chúa đang khi còn chưa biết Người và chưa đi vào được mầu nhiệm của Người, là mầu nhiệm được cử hành bởi đời sống bên trong của Hội Thánh. Ngày nay, ngoài việc đối thoại liên tôn, cần phải có một cuộc đối thoại với những người mà tôn giáo đối với họ là một cái gì xa lạ, những người không biết Thiên Chúa nhưng không muốn sống là người vô thần, trái lại muốn được lôi kéo đến gần Người, mặc dù họ không biết Người”[31].

Nhiều người công giáo, kể cả một số nhà thần học hiểu lầm: khi trình bày Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa – một cộng đoàn mang tính tương quan, Giáo Hội cổ vũ cho việc đối thoại liên tôn như một công nhận “Đạo nào cũng tốt”, hoặc đồng ý rằng người ta có thể thuộc về nhiều tôn giáo khác nhau cùng một lúc (Multiple religious belonging), và coi các nhà sáng lập các tôn giáo khác ngang hàng với Đức Kitô, hoặc là nghiêng theo chủ nghĩa chiết trung (electicisme).Giáo Hội không bao giờ ủng hộ cho trào lưu tương đối hóa tôn giáo, một trào lưu được mục sư Presbyterian Hoa Kỳ John Hick ra sức cổ vũ qua đường lối đối thoại tôn giáo. Theo ông, “đối thoại phải là một sự trao đổi giữa những lập trường ngang hàng với nhau, và như thế chúng sẽ có liên hệ hỗ tương với nhau. Chỉ bằng cách này mới đạt được sự hợp tác và hợp nhất tối đa giữa các tôn giáo khác nhau”[32]. Giáo Hội kiên quyết loại trừ tư duy này. Bởi theo Giáo huấn của Giáo Hội, đối thoại tôn giáo không là thỏa hiệp hay cào bằng chân lý. Chủ trương đối thoại tôn giáo, Giáo Hội công nhận sự bình đẳng như là cách thế để tiến hành đối thoại, “chứ không phải về nội dung giáo lý, càng không phải về địa vị của Chúa Giêsu Kitô - Ngài là chính Thiên Chúa đã làm người - trong tương quan với các sáng lập viên các tôn giáo khác. Thật vậy, Giáo Hội, được hướng dẫn bởi đức ái và lòng tôn trọng tự do, trước hết phải dấn thân rao giảng cho các dân tộc chân lý do Chúa đã dứt khoát mạc khải, và loan truyền sự cần thiết kết hợp với Giáo Hội qua bí tích Rửa tội và các bí tích khác, ngõ hầu tham gia đầy đủ trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[33]. Giáo Hội luôn kiên định về đức tin của mình, theo đó, “mạc khải về mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa đã được ban cho cách đầy đủ và trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô”[34]. Người là trung gian cứu độ duy nhất. Chính Người thiết lập Giáo Hội như một mầu nhiệm cứu độ: Người ở trong Giáo Hội và Giáo Hội ở trong Người. Và vì vậy, chỉ có một Giáo Hội duy nhất do chính Chúa Kitô thiết lập, Giáo Hội này được cấu tạo và tổ chức như một xã hội trong thế giới ngày nay, tồn tại trong (subsistit in) Giáo Hội Công Giáo, được quản trị bởi Thánh Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với người[35].

Cổ vũ cho việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ trong suy tư Giáo Hội – một cộng đoàn mang tính tương quan là mời gọi mọi thành phần Dân Chúa dũng cảm nói về Thiên Chúa trong một xã hội đa tôn giáo nhưng lại khước từ sự hiện hữu của Thiên Chúa Mạc khải. Chấp nhận đối chất chứ không né tránh hay loại trừ ngay cả với những hình thức mới của chủ nghĩa vô thần hay chủ nghĩa cực đoan muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống[36]. Để có được dũng cảm đó, trước tiên mọi thành phần Dân Chúa phải thể hiện được sự đồng tâm nhất trí với nhau trong mối tương quan anh em cùng một Cha trên Trời, loại những lo toan không sinh hiệu qủa ở những vấn đề loanh quanh trong nội bộ Giáo Hội. Các Kitô hữu chúng ta phải thể hiện sự hiệp nhất với nhau, để qua đó chúng ta dẫn Giáo Hội vào trong vùng trời rộng lớn có nhiều năng lực, giúp người ta nhận ra dấu chỉ Nước Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta, và biến Giáo Hội trở thành dấu chỉ đó. Hãy để từ trong Giáo Hội trổ sinh một niềm hy vọng mới. Chính bởi việc hiệp nhất, loại bỏ mọi bất đồng để hòa giải với nhau mà các Kitô hữu cống hiến cho thế giới một đời sống công lý, hoà bình, cuộc sống chung giữa các dân tộc và sự bảo vệ môi trường “như là những nơi để chúng ta làm rõ vấn đề về Thiên Chúa trong đời sống con người. Thật vậy, những điều này chỉ có được ý nghĩa đích thực nhất của chúng dựa trên cơ sở của lời tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Con của Người là Đức Giêsu Kitô”[37].

Có thể dùng những lời sau đây của thầy Roger Schutz, người sáng lập cộng đoàn Taizé để thực hiện một cuộc hoà giải trong Giáo Hội:

“Các bạn trẻ của tôi ở trong thời đại có nhiều xâu xé và tranh chấp giữa con người xuyên qua cả Âu lục. Do đó tôi tự hỏi: Tại sao có những cuộc tranh chấp giữa con người với nhau, ngay cả giữa những Kitô hữu? Tại sao có những kết án mà không có sự cảm thông? Và tôi cũng tự hỏi: Có chăng ở trên trái đất này một con đường dẫn đến việc hiểu biết lẫn nhau? Tôi tự nhủ: con đường này có được khởi sự từ nơi chính anh, và chính anh tự dấn thân để xây dựng con đường đó. Chính anh sẽ là nhịp cầu để tất cả mọi người hiểu biết lẫn nhau”[38].

Giáo Hội tại Việt Nam cũng mong muốn canh tân chính mình, để mình thực sự là không gian gặp gỡ Đức Kitô của mọi người, một không gian được lan tỏa đức ái của Tin Mừng, đức ái biểu tỏ sự tôn trọng, lắng nghe…. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khẳng định: “Trong bối cảnh của xã hội Việt Nam, khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Giáo Hội cần đối thoại với các tôn giáo, … và với những anh chị em không tôn giáo. Đây là cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh phúc đích thực của con người. Đó cũng là cuộc đối thoại phục vụ ơn cứu độ”.[39]

Kết : Như là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng

Đứng trước thực trạng hữu hạn của mình đặc biệt là cái chết, để rồi nhìn về phía trước là một tương lai bất định, âu lo và sợ hãi luôn khuấy động cuộc sống. Tương lai của tôi là gì và đâu là niềm hy vọng của cuộc sống? Giáo Hội được Chúa thiết lập để trả lời cho những vấn nạn này.

Thật vậy, sự sợ hãi và nỗi âu lo là do bởi con người bước đi trong bóng đêm của tội, bởi tội làm cho con người trở nên mù tối không còn nhận biết Thiên Chúa là nguồn mạch hạnh phúc. Đức Kitô xuất hiện như Ánh sáng dẫn đưa con người ra khỏi bóng đêm của sự sợ hãi này. Người trở nên niềm hy vọng cho chúng ta, ngoài Chúa Kitô không ai có thể mang lại niềm hy vọng lớn lao cho nhân loại, vì niềm hy vọng đó là niềm hy vọng cứu độ. Niềm hy vọng đó được tiếp tục chiếu sáng trong nhân loại qua việc Chúa thiết lập Giáo Hội. Vâng, Giáo Hội là cộng đoàn phản chiếu ánh sáng của niềm hy vọng này, trở thành biến cố của việc hiện tại hóa Chúa Giêsu Kitô và của ơn cứu độ Người đối với nhân loại. Bởi đó, Giáo Hội trình bày niềm hy vọng cứu độ qua việc loan báo cũng như qua các hoạt động của mình không đơn giản như là người chỉ đường, nhưng như chính là con đường.

Vì thế, trong việc nỗ lực trình bày cho con người về niềm hy vọng cứu độ, thì ngay chính Giáo Hội cũng đã là một cộng đoàn cánh chung, một cộng đoàn đang chờ đợi sự trở lại của Đức Kitô cách vinh quang trong tương lai, Cộng đoàn chờ đợi đó cũng đang chứa đựng nơi chính mình sự trở lại của Đức Kitô trong hiện tại hôm nay. Hai nhãn quan “tương lai” và “hiện tại” đó nói lên đặc tính Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa: Dân của niềm hy vọng.

Vì thế, Giáo Hội chỉ có thể tìm đúng ý nghĩa thần học của mình khi kiến tạo mối tương quan giữa Vương quốc Thiên Chúa đã hứa và đã đến trong Đức Giêsu Kitô với mọi người. Mối tương quan đó được đâm chồi nẩy lộc nơi chính Đức Giêsu Kitô, vì chính Người mới là nguồn hy vọng cho con người. Giáo Hội là không gian của cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và những con người đang khao khát nguồn ơn cứu độ, họ là những người như Maria, Matta, họ có thể là Nicôđêmô đến gặp Chúa ban đêm, hoặc như là một phụ nữ Samaria…Tất cả mọi người được kêu gọi đến với Chúa Giêsu qua những hình thức khác nhau đều có thể đạt tới niềm hy vọng của Dân Thiên Chúa, bởi “Ai bị rung động bởi tình yêu sẽ bắt đầu cảm nhận được “sự sống” thực sự là gì. Người ấy bắt đầu cảm nhận ý nghĩa của lời hy vọng mà chúng ta đã gặp trong Nghi Thức Rửa Tội: ở nơi đức tin tôi trông đợi “sự sống đời đời” – sự sống thật trong đó, toàn thể và chắc chắn, trong trạng thái viên mãn nhất, thuần tuý là sự sống. Chúa Giêsu, Đấng loan báo rằng Ngài đã đến để chúng ta được sống và sống trong viên mãn, sống dồi dào (x. Ga 10,10), cũng đã giải thích với chúng ta ý nghĩa của “sự sống”: “sự sống đời đời là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Sự sống trong ý nghĩa đích thực của nó không phải là một điều gì chúng ta sở hữu độc quyền hay đến từ chính chúng ta: đó là một tương quan. Và sự sống toàn diện là tương quan với Đấng là nguồn mạch của sự sống. Nếu chúng ta sống trong mối tương quan với Ngài, Đấng không chết, Đấng chính là Sự Sống và Tình Yêu, thì chúng ta ở trong sự sống. Khi đó chúng ta ‘sống’”[40].

Có thể nói cuộc gặp gỡ với Đức Kitô giữa những người Công giáo và những người tin vào Chúa Kitô là hiện thân cho định chế của Dân Thiên Chúa, một Dân bao gồm mối tương quan “thuộc về”(pertineri) và “hướng về” (ordinari) của những tín hữu. Điều đó khẳng định: cả hai chiều kích hình dáng “phổ quát” và “định chế” của Giáo Hội qui chiếu về nhau, tạo nên “Bí tích cứu độ phổ quát”; cả hai giới thiệu cho nhau và cho chính mình sự hiệp thông cứu độ của Vương quốc Thiên Chúa nơi con người. Đó chính là dấu chỉ hy vọng của Vương quốc Thiên Chúa nơi trần gian này.

Để có trở thành dấu chỉ của Vương quốc, Giáo Hội phải gieo hy vọng vào thế giới, đó chính là thực hiện việc loan báo Tin Mừng cho nhân loại, bởi nhân loại cần có hy vọng để sống. Nội dung của niềm hy vọng nàylà “Thiên Chúa, Đấng có bộ mặt con người và ‘đã yêu thương chúng ta đến cùng’”[41]. Thế nhưng, công việc gieo vãi như đang bị khủng hoảng do những nghi kỵ của người thời đại. “Đây là lý do khiến chúng ta phải lặp lại lời kêu gọi thực hiện một cuộc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ, không chỉ như là một nhiệm vụ được thêm vào, nhưng là một cách để phục hồi niềm vui và sự sống cho những hoàn cảnh bị tù túng trong sợ hãi.Vì vậy chúng ta tiến bước vào cuộc loan báo Tin Mừng với tinh thần phấn khởi. Chúng ta sẽ học được niềm vui dịu ngọt và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng, cả khi việc rao giảng xem ra giống như một hạt giống gieo trong nước mắt (x. Tv 126,6). “Chớ gì đối với chúng ta niềm vui này là một sự phấn khởi mà không một ai hay một điều gì có thể dập tắt nổi. Chớ gì nó là niềm vui to lớn cho đời sống tận hiến của chúng ta. Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang đi tìm, đôi khi trong lo âu, đôi khi trong hi vọng, có thể nhận lãnh Tin Mừng không phải bởi những người rao giảng chán nản, thất vọng, thiếu kiên nhẫn hay lo âu, nhưng bởi những thừa tác viên Tin Mừng có đời sống cháy bừng lửa nhiệt tình, những người đã nhận được niềm vui từ Đức Kitô trước, và sẵn sàng hi sinh mạng sống để Nước Thiên Chúa được rao giảng và Hội Thánh được thiết lập giữa thế giới.”[42]

Lm Antôn Hà Văn Minh


[1]X. Giám mục W. Kempf, Fuer euch und fuer alle, Fastenhirtenbrief 1981, Limburg 1981; Giám mục K. Lehman, „Geistes-Gegenwart und Weggemeinschaft“, Gepraech in: HK 43 (1989), 67 – 74; Giám mục J. Homeyer, „Es bedarf einer zweiten Bekehrung“, Gepraech in: HK 44 (1990), 417 – 423.

[2]X. J. Ratzinger, Salz der Erde, NXB Anstalt GmbH, Stuttgart 1996, tr. 171.

[3]X.Đức Hồng Y Godfried Daneels, Trả lời phỏng vấn về vấn đề sống đạo tại Bỉ, tạp chí Trenta Giorni,10.11. 2009, trang 25-31.

[4]Lineamenta,Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường niên lần thứ XIII, 5.

[5]Nt.

[6]Đức Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, 8.12.1975, 15.

[7]Nt, 18.

[8]Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, 31

[9]X. Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, số 751.

[10]Bernard Haering CSsR, Free and Faithful in Christ, Bản Việt Ngữ: Tự Do & Trung Thành trong Đức Kitô, do Lm Dom. Nguyễn Đức Thông CSsR chuyển ngữ, NXB Tôn Giáo 2012, Cuốn I, tr. 169, 170.

[11]H. J. Pottmeyer, Der eine Geist als Prinzip der Einheit der Kirche in Vielfalt. Auswege aus einer christomonistischen Ekklesiologie, trong: Pastoraltheologische Informationen 5 (1985) Heft, tr. 278.

[12]Augustinô, De Praed Sanct 14, 27: PL 44, 980.

[13]Giáo sư Thần học về Giáo Hội học Medard Kehl nhận định: Công đồng Vatican II đã nỗ lực làm sáng tỏ mối tương quan giữa chức “linh mục thừa tác” và chức “linh mục cộng đồng của các tín hữu” trong LG 10 với cách trình bày rất dễ hiểu lầm: cả hai phân biệt “chính yếu tínhvà không chỉ làcấp bậc”. Điều đó có nghĩa là gì? Qua từ ngữ “không chỉ” cách nói này trước tiên đã nói đến một sự cách biệt về cấp bậc trong việc tham dự chức linh mục của Chúa Giêsu, và như thế dẫn đến một sự cách biệt trong chính bản chất Kitô hữu; hình như thánh chức linh mục dự phần vào ân sủng của Chức linh mục Chúa Kitô nhiều hơn chức linh mục cộng đồng của những người chịu Phép Rửa và chịu Phép Thêm sức và như thế chức linh mục thừa tác đứng cao hơn chức linh mục cộng đồng trong trật tự cứu chuộc. Ngày nay hầu hết các nhà thần học từ chối điều này, vì sự cách biệt về việc tham dự vào ân sủng và ơn cứu độ không nằm trong ý nghĩa của Bí tích này. Theo cách khách quan Bí tích Truyền chức thánh không ban cho người nhận lãnh một sự thánh thiện cao hơn. Điều này rõ ràng ngược với tinh thần LG 32 về “một sự bình đẳng đích thật giữa tất cả mọi người, một sự bình đẳng về phẩm giá”. X. M. Kehl, Die Kirche?, Eine kathologische Ekklesiologie, NXB Echter, Wuerburg 1994, tr.113-114.

[14]X. H. Legrand, Die Gestalt der Kirche, trong: P. Eicher (xuất bản), Neue Summe Theologie 3: Der Dienst der Gemeinde, Freiburg 1989, 87 – 181.

[15] Augustinô, Sermo 340, 1 (= PL 38, 1483). Trích trong Lumen Gentium, 32.

[16]Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, 23

[17]Nt, 25.

[18]X. Cyprianô, De Orat. Dom. 23. PL 4, 553.

[19]Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus caritas est, 25.12.2005, 19.

[20]X. Nt, 25.

[21]Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus caritas est, 12.

[22]Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in veritate, 29.06.2009, 6.

[23]Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus caritas est, 28.

[24]Lineamenta, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XIII, 21.

[25]Roger Schutz,Taiz und das Konzil der Jugend, Freiburg 1979, 78.

[26]Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, 41.

[27]Nt.

[28]Nt, 37.

[29]Nt, 38.

[30]X. M. Kehl, Die Kirche, Eine katholíche Ekklesiologie, NXB Echter, Wuerzburg 1994, tr. 94.

[31]Đức Bênêđictô XVI, Diễn văn Mùa Giáng Sinh cho Giáo triều Roma và các Đại diện Giáo Hoàng 21.12.2009.

[32]Trích trong bài thuyết trình của ĐHY Giuse Ratzinger (tức là Đức Đương Kim Giáo Hoàng Bênêđictô) trong buổi họp các chủ tịch các Ủy Ban Tín Lý của các Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh tại Guadalajara, Mễ Tây Cơ, tháng 5, năm 1996, do Phạm văn Khôi chuyển sang Việt ngữ,

nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/55802.htm.

[33]Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn Dominus Jeus, 6.8.2000, 22.

[34]Nt,6.

[35]Nt,16; Lumen Gentium, 8.

[36]Lineamenta, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường niên lần thứ XIII, 7.

[37]Lineamenta, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường niên lần thứ XIII, 7.

[38]Trích theo W. Schaeffer, Erneuerter Glaube – Verwirkliches Menschsen, Zuerich 1983, 255.

[39]Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, 39.

[40]Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, 31.11.2007, số 27.

[41]Nt, 31.

[42]Đức Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii nuntiandi , 8.12.1975, 80.