TRUYỀN GIÁO & ĐỐI THOẠI

PHẢI HƯỚNG TỚI CHÂN LÝ

“Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm 2, 4)

 

      Trong bản góp ý cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã hai lần nhắc đến chuyện Đức Giêsu xin người thiếu phụ Samari cho mình nước uống trước khi nói với chị về Nước Hằng Sống. Bài Tin mừng (Ga 4,5-42) phác hoạ một cách linh hoạt và sâu sắc toàn cảnh việc thi hành sứ mạng của Đức Giêsu. Đây là cuộc đối thoại mẫu mực. Đức Giêsu giúp người thiếu phụ gặp gỡ Đấng Cứu Thế.

      Lúc đầu, thiếu phụ nhìn Đức Giêsu bằng ánh mắt nghi ngờ “Ông là người Do thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” Đức Giêsu hướng tầm nhìn thiếu phụ lên cao: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị Nước Hằng Sống”. Cái nhìn của thiếu phụ khép kín trong thế giới vật chất vây bọc cuộc sống: “Ngài không có gì để múc mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước?”. Từng bước trong đối thoại, Đức Giêsu đưa thiếu phụ đến nổi khát khao Nước Hằng Sống.

      Đức Giêsu thật tài tình khéo léo, đặt hết câu hỏi này đến tới thắc mắc khác, giúp thiếu phụ nhận biết Đấng đang nói với chị. Niềm tin và hạnh phúc trào dâng, chị quên cả múc nước, quên cả bình, chạy về làng báo tin vui. Chị đã trở thành chứng nhân loan báo Tin mừng cho dân làng và “dân Sammari đến gặp Người, họ xin Người ở lại với họ, và Người ở lại đó hai ngày. Số người tin vào lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa”.

      Đối với Đức Giêsu, sứ vụ cũng là thiết lập cuộc đối thoại cứu độ với mỗi con người, dù họ là ai. Giúp người khác tìm thấy chân lý, sống tin yêu và hạnh phúc, đó là sứ vụ của người môn đệ Đức Giêsu. Tuy nhiên, nhiều cuộc đối thoại đối với chúng ta không dễ dàng chút nào, nhất là đối thoại liên tôn.

Phải bảo vệ chân lý, hay phải bảo vệ tôn giáo của mình?

      Chúng ta phải bảo vệ chân lý về Thiên Chúa hay phải bảo vệ giáo lý với những giáo điều đã được qui ước phải tin trong tôn giáo của mình? Chân lý là phương tiện để đạt đến tôn giáo, hay tôn giáo là phương tiện để đạt đến chân lý? Hay chúng ta đã tiên thiên đồng hóa chân lý với giáo lý, giáo điều, với tôn giáo của mình rồi? Khi trả lời đúng đắn câu hỏi này thì người ta cũng đã tìm ra thái độ thích hợp cần phải có.

      Khi đối thoại chân tình, mọi thành viên đối thoại đều ngầm hiểu với nhau rằng ai cũng có thiện chí để đi tới chân lý, và khi đã nhận ra chân lý thì sẵn sàng từ bỏ những thành kiến cũ, không cố chấp vào những gì mình đã từng nghĩ theo nề nếp của tôn giáo mình.

      Cần phải nhận thức rõ ràng rằng tôn giáo là một phương tiện giúp người ta nhận ra chân lý, chứ tôn giáo không phải là chân lý. Nói cách khác, tôn giáo chỉ là phương tiện, còn chân lý mới là mục đích. Một mục đích có thể có nhiều phương tiện để đạt tới. Tuy nhiên, phương tiện nào cũng có thể là con dao hai lưỡi cả. Vì thế, nếu không khéo thì chính tôn giáo thay vì dẫn người ta tới chân lý lại làm người ta lạc đường. Ngay như Kinh Thánh, là phương tiện rất hữu hiệu mà Thiên Chúa dùng để mạc khải cho con người, nhưng khi nào con người coi bản văn Kinh Thánh quan trọng hơn chân lý, hay sử dụng Kinh Thánh không đúng với mục đích của nó, thì khi đó ta làm cho Kinh Thánh trở thành vật cản trở chân lý. Chính Kinh Thánh chứng tỏ điều đó.

          Thật vậy, một trong những mục đích chính của Kinh Thánh là làm chứng về Đấng Mêsia phải đến, chính Đức Kitô xác nhận điều đó: «Chính Kinh Thánh làm chứng về tôi» (Ga 5,39). Vì thế, Kinh Thánh là phương tiện, chính Đức Kitô hay chân lý mới là mục đích. Lời Chúa là chân lý, nhưng rất tiếc, người Do Thái thời đó đã không nhắm vào mục đích đó, họ không nhắm vào chân lý, không nhắm vào ý muốn của Thiên Chúa, không nhắm vào Đấng Mêsia, mà họ chỉ nhắm vào bản văn hay ngôn từ. Bởi vậy, họ bị lạc xa chân lý, chỉ còn lại một rừng rậm của những lời lẽ và lý lẽ.

      Chúng ta biết các Rabbi Do Thái nghiên cứu Kinh Thánh rất kỹ, có thể thuộc từng câu từng đoạn, biết xuất xứ của từng chữ từng câu. Cứ xét việc họ giữ luật lệ từng ly từng tí thì có thể biết họ thuộc Kinh Thánh theo kiểu nào. Nhưng tinh thần của họ là tinh thần lệ thuộc, lấy phương tiện làm mục đích. Luật lệ được lập nên vì con người, nhưng họ làm như con người được dựng nên là để giữ luật. Cũng vậy, chính Đức Kitô mới là người đem lại sự sống đời đời, chứ không phải bản văn hay chữ nghĩa trong Kinh Thánh. Vả lại, «ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, ai ghét mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sống» (Mt 16,25). Vì họ quá lệ thuộc vào bản văn, nên cuối cùng, những kiến thức về Kinh Thánh của họ có thể làm họ lạc đường: chẳng những họ không nhận ra Đấng Mêsia, mà còn sai lầm đến mức giết chết Ngài.

      Cũng vậy, giữa chân lý và tôn giáo luôn luôn có một khoảng cách rất xa. Nên điều quan trọng là phải phân biệt hai phạm trù đó, và trong khi đối thoại, chúng ta cần nhắm đến chân lý chứ không phải nhắm làm sao bảo vệ được tôn giáo của mình. Rất có thể khi ta nhắm bảo vệ tôn giáo mình, thì ta lại sẵn sàng chà đạp chân lý. Giữa hai phạm trù đó, ta phải coi trọng chân lý hơn tôn giáo, nên khi có sự mâu thuẫn, thì ta phải hy sinh tôn giáo cho chân lý, chứ không thể hy sinh ngược lại. Nếu coi tôn giáo trọng hơn chân lý, ta sẽ thành tựu được tôn giáo mà không đạt được chân lý, lúc đó, có tôn giáo mà không có chân lý thì tôn giáo còn ích lợi gì? Chỉ khi nào ta coi trọng chân lý hơn chính tôn giáo mình, lúc đó ta mới có khả năng thấy chân lý. Theo tinh thần câu: «Ai yêu mạng sống mình sẽ mất, ai ghét mạng sống mình vì Ta sẽ được sống» (Mt 16,25), thì ta càng cố gắng bảo vệ tôn giáo mình bất chấp chân lý, thì tôn giáo ta muốn bảo vệ càng có nguy cơ bị mất. Trái lại khi ta sẵn sàng hy sinh tôn giáo mình cho chân lý, thì chỉ lúc đó ta mới có thể có tôn giáo chân thực.

Chân lý đòi buộc ta phải sẵn sàng hy sinh tất cả

      Chân lý chỉ có thể tìm thấy khi người ta dám từ bỏ tất cả mọi sự, dám hy sinh tất cả vì chân lý. Tương tự như người buôn ngọc quí, «tìm được một viên ngọc quí, ông ra đi, bán hết tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấ (Mt 13,46). Nghĩa là phải có một tâm hồn hết sức trong sáng, khách quan, không bị tình cảm, dục vọng, thiên kiến làm lệch lạc. Nếu còn yêu bản thân mình hay yêu bất kỳ một đối tượng nào hơn chân lý, ta sẽ không còn đủ khách quan sáng suốt để nhận định được đâu là chân lý: «Ai coi cha mẹ, anh em ruột thịt hơn Ta, kẻ ấy không xứng đáng với Ta» (Mt 10,37). Yêu cha mẹ, anh em, yêu tôn giáo, yêu Giáo Hội, hay yêu giáo lý của tôn giáo mình là điều hết sức tốt đẹp và là bổn phận của mỗi người. Nhưng với những người muốn đi tìm chân lý thì phải đặt chân lý lên trên tất cả những đối tượng đáng yêu đáng quí và phải yêu phải quí ấy. Vì chân lý luôn luôn đòi hỏi sự khách quan sáng suốt, mà những tình cảm đó, cho dẫu thiêng liêng cao quí đến đâu, cũng có thể làm ta mất khách quan và sáng suốt.

Đừng đồng hóa chân lý với điều mình mong muốn

      Có những người không phân biệt giữa thực tạiđiều mình mong muốn, giữa thực tạiđiều mình tin tưởng, họ thường vô tình hay hữu ý đồng hóa, lẫn lộn giữa hai loại phạm trù đó với nhau. Họ giống như một người mẹ vì quá thương con, mong muốn con nên người, đồng thời đã cố gắng nỗ lực để giáo dục con, nên lúc nào cũng tin tưởng con mình rất tốt, bất chấp những những hành vi xấu của nó xẩy ra trước mắt bà, bất chấp những sự thật xấu xa của nó mà người ta nói cho bà biết. Tình yêu đã làm bà mù quáng. Chúng ta vẫn thấy có những bà mẹ như vậy.

      Cũng vậy, tôn giáo nào cũng có thể có những điểm chưa đúng hoặc chưa chính xác, (có thể do nội dung, hoặc do cách thức truyền đạt, hoặc do ngôn ngữ diễn tả) mà những người trong tôn giáo khác rất dễ nhận thấy - nhưng vì quá yêu tôn giáo của mình nên nhiều tín đồ không thể nào nhận ra, thậm chí còn cương quyết bảo vệ cái sai đó nữa. Trong mọi tôn giáo, vẫn luôn luôn có những người yêu tôn giáo của mình một cách mù quáng như thế, sẵn sàng bảo vệ tôn giáo của mình bất chấp lẽ phải, bất chấp chân lý và công lý. Họ sẵn sàng chà đạp các tôn giáo khác để tôn giáo của mình được nổi bật, được đề cao, được thắng thế. Vì nghĩ rằng tôn giáo của mình là chính đạo, họ sẵn sàng dùng bạo lực để ép buộc, cưỡng bức người khác phải theo tôn giáo của mình.

Đừng đồng hóa chân lý với những gì mình thấy hợp lý

      Cũng vậy, có những người không phân biệt được thực tế và những gì mình cảm thấy hết sức hợp lý. Họ cho rằng hễ điều gì hợp lý ắt là thực tế, điều gì phi lý ắt không thể là thực tế. Nhưng thực ra có phải như thế không? Kinh nghiệm buộc tôi phải chấp nhận rằng có những điều mình không thể hiểu nổi và cho là phi lý nhưng lại là sự thật, hay ngược lại, có những điều hết sức hợp lý thì lại không phải là thực tế. Rõ ràng không thể luôn luôn đồng hóa hợp lý và thực tế. Cũng vậy, không thể đồng hóa chân lý với những gì mình thấy hợp lý.

Đừng đồng hóa chân lý với những điều mình tin tưởng.

      Thái độ của một người sáng suốt là phải luôn luôn dựa vào thực tế, và dù có tin tưởng điều gì tới đâu, có cho điều gì là hợp lý tới đâu, cũng phải biết nghi ngờ một chút - một chút thôi - để có thể có đủ khách quan mà nhận ra đâu là chân lý khi có sự khác biệt giữa thực tế xảy ra và điều mình tin tưởng. Thực tế có thể đánh đổ tất cả mọi lý luận vững chắc nhất, mọi niềm tin tưởng sâu xa nhất. Lịch sử đã cho chúng ta những bài học đích đáng: chẳng hạn, trong Kitô giáo, các phán quan thời trung cổ đã dựa vào nghĩa đen của Kinh Thánh (x. Gs 10,1213) mà tin tưởng chắc chắn rằng mặt trời quay chung quanh trái đất. Họ đã lấy điều mình tin tưởng làm thực tế, không chút nghi ngờ nào cả, đến nỗi họ không thể nhận ra được sự thật mà Galilê và Brunô đưa ra, nên đã lên án họ. Nhiều tín hữu, thậm chí những người lãnh đạo tôn giáo, đã không hề rút ra được bài học nào từ sự kiện thực tế ấy, vẫn luôn luôn lấy điều mình tin tưởng làm thực tế hay chân lý, và đã gây nên những đáng tiếc tương tự.

Chân tính sâu xa nhất của mọi tôn giáo là chân lý

      Chân tính của một tôn giáo là gì? Chân tính của bất kỳ tôn giáo nào đúng lý ra phải là chân lý, chứ không phải là những hình thức đặc thù hay những chủ trương cá biệt của tôn giáo đó. Vì nếu có tôn giáo nào tách rời khỏi chân lý, thì tôn giáo đó không còn là một tôn giáo đúng nghĩa nữa, hay nói cách khác là «tà giáo». Tất cả những hình thức đặc thù hay những chủ trương cá biệt của từng tôn giáo mà chúng ta coi là những yếu tố cấu thành chân tính của tôn giáo ấy, thực ra không phải là chân tính đúng nghĩa của tôn giáo ấy. Nếu ta cố bảo vệ cái chân tính không đúng nghĩa ấy, thì vô tình ta lại làm hại đến cái chân tính đích thực sâu xa nhất của tôn giáo. Và trong mọi cuộc đối thoại, muốn đi đến kết quả tốt đẹp, tất cả mọi thành viên đối thoại nên coi việc làm cho chân lý được sáng tỏ là mục đích chính yếu, chứ không phải là nhắm sao cho tôn giáo của mình được đề cao, hoặc được mọi thành viên đối thoại nhìn nhận là chân lý.

      Nếu tôn giáo của ta luôn luôn cổ võ mọi cá nhân hãy hy sinh những quan niệm, quyền lợi riêng tư của mình cho quan niệm chung, hay quyền lợi chung của tập thể, thì trong những cuộc đối thoại tôn giáo, đến lượt các tôn giáo cũng phải hy sinh quan niệm riêng, quyền lợi riêng của mình cho quan niệm chung, quyền lợi chung của mọi tôn giáo, hay của toàn nhân loại. Đương nhiên quan niệm chung vẫn luôn luôn có uy tín hơn quan niệm riêng, quyền lợi chung thường chính đáng hơn quyền lợi riêng.

Khám phá chân lý

      Đối thoại là tiến trình đồng hành kiếm tìm chân lý, với hy vọng hiểu được đôi chút cuộc đối thoại nhiệm mầu yêu thương giữa Đấng Tối Cao với con người suốt dọc lịch sử nhân loại. Công đồng Vatican II khẳng định chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa[1] và mời gọi các tín hữu cố gắng khám phá “hạt giống Ngôi Lời” mà Thánh Linh không những đã “gieo vào tâm hồn con người” mà còn gieo nơi “lễ nghi và văn hóa của các dân tộc”[2].

      Theo Công Đồng, để cuộc đối thoại được hữu hiệu, cần can đảm nhìn nhận những điểm đồng quy và những điểm khác biệt. Tuyên ngôn Nostra Aetate về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, công nhận sự đóng góp của các tôn giáo trong nỗ lực trả lời cho nỗi khắc khoải của con người khi đối diện với những câu hỏi căn bản về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời; sự hiện diện của khổ đau, sinh, bệnh, lão, tử; vấn đề giải thoát và hạnh phúc đích thực.

      Công đồng “không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội nhận thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết (của các tôn giáo này), tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng đem lại ánh sáng Chân lý, Chân lý chiếu soi cho hết mọi người (...). Vì thế, Giáo hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ của các tôn giáo ấy, nhưng đồng thời vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo”[3].

      Chủ đích của đối thoại liên tôn là tiến đến một điểm đồng quy nào đó, vượt lên trên những khác biệt tất nhiên. Dù sao, người Kitô hữu cần ý thức rõ rệt và sáng suốt hơn về chân lý của đức tin. Đây không phải là một thứ chân lý thuộc loại siêu hình, mà là ân sủng Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Đức Kitô. Chính nhờ Đức Kitô mà chúng ta nhận thức được phẩm giá con người, cũng như biết nhận diện tác động của Thánh Linh nơi các tôn giáo khác nói riêng và trong lòng lịch sử nhân loại nói chung.

      Đặc biệt trong tuyên ngôn về Dignitatis Humanae, Công đồng đã can đảm làm một cuộc chuyển đổi não trạng: bước từ tình trạng chấp nhận, chịu đựng có tính cách tiêu cực (tolerantia religiosa) sang thái độ trân trọng và đề cao tự do tôn giáo (libertas religiosa). Theo Công đồng tự do tôn giáo là một quyền căn bản của con người, “không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, cho dù đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng”[4].

      Quyền tự do tôn giáo này không xây dựng trên nội dung của niềm tin tôn giáo, bởi vì trong các niềm tin tôn giáo có thể chứa đựng một số yếu tố tiêu cực và sai lầm. Trái lại, căn bản của quyền tự do tôn giáo “được xây dựng trên phẩm giá con người, đúng như Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết được”[5] và trên “phẩm giá của lương tâm”. Mặc dù lương tâm có thể sai lầm[6] và cũng chẳng hề có tự do lương tâm tuyệt đối, nhưng không ai bị cưỡng bách hành động trái với lương tâm hoặc bị ngăn cấm không được hành động theo lương tâm.       

      Tiếp nối và khai triển đường hướng của Vatican II, Đức Gioan Phaolô II đã đề cao hoạt động của Thánh linh nơi các tôn giáo. Chính Thánh linh thúc đẩy, thanh tẩy và cứu vớt không những từng cá nhân mà cả các nền văn hóa và các tôn giáo nữa: “Thánh linh trao ban cho mọi người, theo một cách thế mà chỉ duy Thiên Chúa biết được, khả năng được tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh (...). Sự hiện diện và tác động của Thánh linh không chỉ liên hệ đến mỗi cá nhân, mà còn liên hệ đến xã hội và lịch sử, các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo (...). Chính Thánh linh đã gieo “mầm Ngôi Lời”, tiềm ẩn nơi các lễ nghi và văn hóa, và làm cho chúng triển nở trong Đức Kitô”[7].

      Mục đích của đối thoại liên tôn là cùng nhau khám phá và làm triển nở những yếu tố “chân lý và ân sủng do sự hiện diện tiềm ẩn của Thiên Chúa” nơi mọi tôn giáo[8]. Tác nhân của cuộc đối thoại nhiêu khê này là chính Thần Khí của Thiên Chúa. Ngài hiện diện bên trong cũng như bên ngoài Kitô giáo và hướng dẫn mọi người trên hành trình truy tầm chân lý. Chính vì thế, đích điểm của cuộc đối thoại này không nằm ở chỗ “cải đạo” bên đối tác của mình, mà cùng nhau hoán cải sâu xa hơn với Thiên Chúa và “đồng hành tiến về sự thật”[9].

      Đức Gioan Phaolô II coi đây là một bước chuẩn bị để thực hiện chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, một cách thế “bước đi trong tình huynh đệ, qua đó chúng ta cùng dẫn dắt nhau tiến về một mục tiêu siêu việt mà Ngài chuẩn bị cho chúng ta”[10]. Chính từ viễn tượng cứu độ đó, ngài đã xác quyết với các thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn: “Việc đối thoại liên tôn, trên một mức độ sâu xa hơn, luôn luôn là cuộc đối thoại cứu độ, bởi vì chủ tâm của nó là khám phá, làm sáng tỏ và hiểu rõ hơn cuộc đối thoại vĩnh cửu mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện với nhân loại”[11].

      Trong Tông thư “Giáo hội tại Á châu”, giáo chủ Gioan Phaolô II tiếp nối suy tư của các Giám mục Á châu để đề cao vai trò của Thánh linh trong lịch sử cứu độ và trong lòng các tôn giáo Á châu: “Các Nghị phụ của Thượng Hội đồng đề cập đến hành động đa dạng và đổi thay của Thánh linh. Ngài liên tục gieo những mầm chân lý giữa các dân tộc, các tôn giáo, các văn hóa và triết học. Điều này có nghĩa là các tôn giáo, văn hóa và triết học nói trên có khả năng giúp dân chúng, cá nhân cũng như tập thể, tránh điều dữ và phục vụ sự sống, cũng như tất cả những gì là thiện hảo... Chính Thánh linh nâng đỡ dân chúng để họ tìm cách hiểu và chấp nhận nhau. Do đó Thượng Hội đồng có lý khi quan niệm Thần khí của Chúa như tác giả đầu tiên của cuộc đối thoại giữa Giáo hội với tất cả các dân tộc, các văn hóa và tôn giáo”[12].

 

ỨNG DỤNG LỜI CHÚA

1. Mt 28, 8-15: chứng nhân chân lý.

      Đoạn Tin Mừng này đề cập tới hai thái độ khác nhau trước biến cố Phục sinh: một của các phụ nữ, một của nhóm lính canh.

      Sau khi được thiên thần báo tin Chúa Giêsu đã sống lại, các phụ nữ tuy sợ nhưng hớn hở vui mừng chạy về báo tin cho các môn đệ Chúa. Nhưng vui mừng hơn nữa khi Chúa Giêsu đón gặp các bà. Họ tiến lại ôm chân Chúa, bái lạy Ngài. Bao nhiêu sầu thương, lo âu và thất vọng của các bà giờ đây biến thành niềm hân hoan và vui sướng không thể tả được. Sự thật là các bà không dám nghĩ tới việc Chúa sống lại, và cũng đã quên Lời Chúa đã báo trước đó, có nhớ chăng cũng chẳng dám tin là như thế. Nỗi bi thương và tình cảm bi lụy đã lấn át lý trí và cả lòng tin. Nhưng rồi tình yêu sâu thẳm của Chúa Giêsu một lần nữa vượt qua sự thường tình của con người để mở ra một chân trời tươi sáng cho những kẻ theo Ngài.

      Đó cũng là kinh nghiệm về lòng tin của chúng ta, khi gặp những thử thách gian nan trong đời. Có những lúc khiến chúng ta gần như tuyệt vọng, thấy rằng tin vào Chúa cũng chẳng tới đâu, đối thoại và hướng người khác tới chân lý cũng chẳng được gì. Nhưng rồi trước ngôi mộ buồn của bản thân mình, Chúa vẫn cho những dấu chỉ mà chúng ta không thấy, vẫn khơi lên niềm hy vọng mà chúng ta không hay, vẫn âm thầm đón đợi mà chúng ta không biết, vẫn nâng đỡ chúng ta bằng mọi cách mà chúng ta không nhận ra.

      Nhiều khi chúng ta chỉ lo quay quắt với những những nỗi chua cay và buồn phiền của bản thân mình, đòi hỏi người khác và sự việc phải diễn tiến theo ý mình, mà không biết rằng Chúa đang đem lại một sức sống mới cho ta, và qua ta cho những người chung quanh. Sức sống mới đó đòi ta phải gột rửa lòng mình, phải thanh tẩy trí não của mình qua những thử thách và đau thương. Đức tin và lòng yêu mến có thể lớn lên được không, ơn gọi Kitô hữu có thể vững vàng và phát triển được không nếu không qua những khó khăn và thử thách trong đời, kể cả những vấp ngã.

      Chính từ đó mà ta mới nói tới sứ mạng hay sứ vụ loan báo Tin Mừng của người môn đệ Chúa Kitô. Sứ vụ đó cũng chính là kết quả của một lòng tin bất diệt, của một lòng yêu mến phi thường. Cũng chính vì đó mà sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu hẹn gặp các môn đệ tại Galilê. Galilê là điểm hẹn cho một sứ vụ. Sứ vụ đó đem ánh sáng đến cho “dân đang ngồi trong cảnh tối tăm,” “trong vùng bóng tối sự chết” như lời ngôn sứ Isaia tiên báo. Sứ vụ của Chúa Giêsu phải được tiếp tục, nghĩa là Tin Mừng cứu độ phải được loan báo cho anh em lương dân. Chính tại Galilê, các môn đệ mới hiểu trọn vẹn ý nghĩa mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.”

      Đang khi đó thì hôm nay cũng như thời Chúa Giêsu, người ta luôn tìm cách trù dập chân lý, bưng bít chân lý, phủ nhận chân lý. Sự tráo trở và gian ác của giới cầm quyền Do Thái đã mưu mô giết Chúa Giêsu, một lần nữa họ lại dùng quyền hành và tiền bạc để chôn vùi chân lý. Ngày xưa thế nào thì ngày nay cũng vậy, những kẻ gian ác thì thời nào cũng thế. Nhưng đã là chân lý thì luôn cao vượt và trường tồn qua mọi thời gian và không gian. Lịch chứng mình rằng, không có âm mưu thâm độc nào của con người có thể bóp chết chân lý. Có thể có những giai đoạn mà chân lý bị che lấp, hoặc lẳng lặng như dòng nước lững lờ, nhưng rồi lại bùng lên như cơn nước lũ quét sạch mọi đê điều. Chân lý mà mà chúng ta muốn nói đây là chính Đức Kitô Phục Sinh.

      Chắc chắn người ta chẳng bao giờ dập tắt được chân lý, nhưng điều quan trọng là chúng ta có góp phần thể hiện và loan báo chân lý đó bằng đời sống mình hay không, cách riêng là qua việc gặp gỡ và đối thoại hằng ngày với mọi tầng lớp và tôn giáo. Đó cũng chính là sứ vụ của chúng ta mai ngày, nhưng nó phải được triển nở mạnh mẽ ngay từ hôm nay bằng một đức tin kiên cường và lòng mến phi thường trong mọi sinh hoạt.

      Tuy nhiên, chúng ta không thể hướng người khác tới chân lý là sự sống đích thực của Thiên Chúa nếu đã không gặp được Đức Kitô Phục Sinh từ chính tâm hồn mình, từ những biến cố đời thường, qua cả những đau thương. Từ ngữ mà Chúa Giêsu Phục Sinh dùng để chào các bà là Chairete, ngoài nghĩa chào hỏi thông thường, nó còn có nghĩa là “Hãy vui mừng lên”. Chỉ với kinh nghiệm gặp gỡ đó chúng ta mới vui mừng để sống cho mọi người và hướng mọi người đến chân lý là chính Đức Kitô Phục Sinh: nguồn sống an vui của mọi tâm hồn.

2. Ga 3, 1-8: tái sinh trong chân lý.

      Câu chuyện Tin Mừng này xoay quanh cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Nicôđêmô – người thuộc phái Pharisiêu. Mở đầu câu chuyện, thánh Gioan giới thiệu rất rõ thân thế và sự nghiệp của Nicôđêmô, một người có thế giá. Ông đến gặp Chúa Giêsu vào thời khắc lạ thường, nội dung đề cập cũng không chung nhịp với suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Do Thái thời đó. Ông ngưỡng mộ Chúa Giêsu, ông gọi Chúa Giêsu là Thầy, là vị tôn sư, là người của Thiên Chúa (x.Ga 3, 2). Ông là người thông thạo luật Môsê nhưng lại không hiểu được chân lý mà Chúa Giêsu mạc khải. Chân lý đó dựa trên nền tảng là Luật Mới – Luật Yêu Thương.

      Luật Cựu ước xưa nay vốn dựa trên luật nhân – quả : có công được thưởng, có tội bị phạt. Tất cả những điều khoản trong luật được liệt kê rất rõ ràng và hướng dẫn rất cặn kẽ. Nếu cứ chiếu theo luật đó, có lẽ người phụ nữ ngoại tình đã bị ném đá cho đến chết, Giakêu cũng chẳng có cơ hội làm lại cuộc đời và sẽ không có tông đồ Mathêu, tác giả sách Tin Mừng thứ nhất.

      Tin mừng không nói rõ sau lần gặp gỡ này ông Nicôđêmô có trở nên môn đệ Chúa Giêsu hay không, và nếu đọc tiếp những câu sau, chúng ta không nghe ông nói gì thêm nữa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ gặp lại ông trong biến cố liệm xác Chúa Giêsu (x. Ga 19, 39). Có thể ông chỉ âm thầm theo Chúa xa xa, vì trên ông là cả một cơ chế pháp lý và một truyền thống tôn giáo lâu đời. Ông không dám công khai rẽ sang một lối khác. Ông cần được “Ơn Trên” soi sáng, ông cần được thay tim, thay não. Ông cần được Thánh Thần làm mới lại tất cả nếu muốn tham dự vào bàn tiệc Nước Thiên Chúa.

      Đọc lại bài Tin Mừng này chắc hẳn Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh trong đời sống Kitô hữu của mình. Chúa Giêsu Phục Sinh đã thổi vào Giáo Hội một luồng sinh khí mới, một sức sống mới. Chính sự sống ấy đã nuôi dưỡng và làm phát triển Giáo Hội trong suốt hơn 2000 năm qua. Các môn đệ từ những con người nhát đảm, sợ sệt trở thành những chứng nhân can đảm và tuyệt đối trung thành với Thầy Chí thánh chính là nhờ được Thần Khí thanh luyện đó thôi. Hôm nay đến lượt tôi, Chúa cũng muốn biến đổi tôi trở nên khí cụ để xây dựng tình yêu thương và hiệp nhất trong Giáo Hội.

      Mẹ Têrêsa Calcutta trong kinh nghiệm sống với Chúa và phục vụ người nghèo đã chia sẻ rất thật về thân phận con người trước tình thương bao la của Chúa: “Chúa yêu thương tôi không phải vì tôi tốt lành nhưng tôi đã cố gắng trở nên tốt vì tôi tin rằng Chúa yêu tôi”. Khi con người cố gắng trở nên tốt đó là tín hiệu tốt để Thiên Chúa có thể thực hiện quyền năng của Ngài trên con người đó. Những cố gắng đó được thực hiện dựa trên lòng tin - sản phẩm của Thần Khí. Thiết nghĩ, Nicôđêmô đã đi được một nửa hành trình đức tin, nghĩa là cố gắng trở nên tốt, nhưng ông chưa buông lỏng cuộc đời ông trong lòng bàn tay Thiên Chúa nên ông vẫn còn khắc khoải đi tìm chân lý.

      Vẫn có biết bao con người đang khao khát và tìm kiếm chân lý như Nicôđêmô. Ta phải thấy được nỗi khao khát bên trong đó của bao người chung quanh ta, để hướng họ đến Thần Chân lý là nguồn sống mới của họ và cũng đang tàng ẩn trong tâm hồn họ. Tuy nhiên, đức tin không phải là kết quả của lý luận hoặc của một sự phấn khởi tạm thời, nhưng là cả một sự tìm kiếm, một cuộc đấu tranh trong thành khẩn của một người chấp nhận khởi sự lại tất cả. Các Phúc Âm Nhất Lãm đòi ta phải “trở nên trẻ thơ, bé nhỏ, nghèo khó”. Thánh Gioan nói về tái sinh nhờ quyền năng của Thánh Thần để trở nên điều mà Thánh Phaolô gọi là “một thọ tạo mới” (Gl 6, 15).

      Không có chân lý thì không thể hướng người khác tới chân lý. Chân lý đây chính là Thần Khí Đức Kitô Phục Sinh. Muốn có chân lý thì phải được tái sinh bởi Thần Khí. Đồng ý rằng ta đã tái sinh trong Phép Rửa do Thần Khí, nhưng rồi nhiều khi ta đã không sống theo Thần Khí, mà sống theo xác thịt; không sống theo ý muốn của Thiên Chúa mà thường sống theo ý mình. Đời sống phàm tục theo thời gian làm lớn lên “cái tôi” của mình, làm già nua lòng đạo đức và nhiệt tình, làm phai mờ sự trong sáng và chân thật của tâm hồn,v.v…Vì thế mỗi ngày ta phải được sinh lại trong ân sủng của Thánh Thần, phải trở nên trẻ thơ, bé nhỏ, nghèo khó... để đón nhận sự sống mới, để không ngừng trở nên một thọ tạo mới. Biết đón nhận và sống theo Thánh Thần, ta mới có thể chia sẻ sức sống của Thánh Thần cho anh em mình qua mọi mọi cuộc gặp gỡ và đối thoại hàng ngày.

3. Ga 6, 22-29: lương thực trường sinh

Bài Phúc Âm này Chúa cảnh giác dân chúng, là những người đi theo Chúa với một động cơ lệc lạc : "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. 27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận."  28 Họ liền hỏi Người : "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn ?" 29 Đức Giê-su trả lời : "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến."

      Lần giở lại những trang Tin mừng của các Thánh sử khác, chúng ta thấy có những chi tiết hơi khác một chút so với bản văn của Gioan. Chẳng hạn như Tin mừng theo Thánh Mathêu nói rõ : “Sau khi giải tán đám đông, Chúa Giêsu giục các môn đệ sang bờ bên kia…”(Mt 14, 22 ). Vì sau khi chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu đã làm, dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua (x.Ga 6,15).

Giáo huấn thứ nhất dành cho các môn đệ: Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ bài học của sự từ bỏ: từ bỏ lối sống an thân bởi vị thế của mình vừa mới tạo được trong lòng dân chúng; từ bỏ thói kiêu căng tự mãn vì những thành công mình vừa đạt được; từ bỏ danh lợi mình sẽ có được mà hoàn toàn không do uy tín của mình; từ bỏ cái tham vọng muốn đặt mình làm trung tâm. Chúa Giêsu đã nhiều lần cảnh giác các môn đệ trước những cám dỗ của tiền bạc, tình cảm, địa vị, tiếng tăm… khi được sai đi : “Đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (Lc 9,3). Trong khi thi hành sứ vụ, người tông đồ dễ nhầm lẫn giữa lợi ích cá nhân với sứ vụ chung của Giáo Hội, giữa uy tín của cộng đoàn so với uy tín của mình.

      Cũng như các môn đệ, tôi có thể tạo uy thế của mình qua công việc mà tôi đảm nhận nhân danh Giáo hội, tôi có thể được hưởng nhiều lợi lộc từ những thành quả tôi đạt được không do công sức của riêng tôi. Chỉ khi nào tôi đón nhận và thi hành lời mời gọi của Chúa Giêsu là sang bờ bên kia để đi đến miền đất mới, miền đất mà ở đó tôi trở nên một kẻ vô danh, một người xa lạ đối với những con người tôi được sai đến để phục vụ; ở đó tôi lớn lên không nhờ vào những giá trị tinh thần và vật chất mà người ta dâng tặng cho tôi nhưng được Chúa nuôi dưỡng bằng chính Lời và Mình Máu thánh Người; ở đó tôi không kết thân với những con người mà tôi có trách nhiệm coi sóc họ nhưng gắn bó với Đấng đã yêu thương chọn gọi và sai tôi đi.

      Vì thế, những thành công hay thất bại mà tôi gặp phải trên đường sứ vụ luôn mang chiều kích hướng thần, nghĩa là tất cả cho Chúa và vì Chúa. Đời sống của người tông đồ càng ngày càng phải tiêu hao đi để cho Chúa mỗi ngày được lớn lên trong tâm hồn nhân loại.

Giáo huấn thứ hai dành cho dân chúng: Chúa Giêsu lên tiếng cảnh tỉnh những người Do Thái cũng như mọi người hôm nay: đừng mải mê chạy theo những điều không đem lại hạnh phúc đích thực. Chúng ta đang dồn mọi nỗ lực theo hướng nào, nhắm vào Chúa hay còn đang loay hoay nhắm vào những hướng khác? Lo làm giàu cho bản thân hay lo làm triển nở đời sống tâm hồn? Lo vinh thân phì da hay lo làm vinh danh Chúa? Chrysostom nói rằng: “Loài người vốn bị đóng đinh vào những việc thuộc về đời sống”. Đó là những người chẳng bao giờ ngước cao hơn bức tường thành của thế gian, không biết phóng tầm mắt đến chân trời của cõi đời đời.

      Có câu chuyện như sau: trong một đêm khuya, Napoleon đang chuyện trò với một người bạn sơ quen, ông nhìn lên trời thấy có những ngôi sao thật xa nhấp nháy rất mờ nhạt. Mắt ông rất tinh, ông chỉ vào một ngôi sao nhỏ tí ti và hỏi người kia có nhìn thấy không? Mắt anh bạn kia đã mờ nên không nhìn thấy. Napoleon mới nói: “Đó là chỗ khác nhau giữa tôi và anh”. Có những người chỉ thấy những điều dưới đất, không hề thấy những điều trên trời; chỉ mơ ước những điều tầm thường, có khi rất thấp hèn, mà không hề biết mơ ước cao hơn. Vì thế phải có người nhắc nhở, gợi mở, giúp người khác tìm ra lẽ sống đích thực của đời mình. Người nào bị buộc chặc vào thế gian thì chỉ sống có phân nửa đời sống. Chỉ những ai có tầm mắt nhìn xa thấy rộng mới là người thật sự sống.

      Chúa Giêsu thấy quần chúng chỉ chú ý đến thỏa mãn thể xác, mà không quan tâm đến cái đói khát của tâm hồn. Đó là đói chân lý mà chỉ một mình Ngài mới làm cho họ no thỏa. Đó là cái đói tình yêu mà chỉ mình Ngài mới lấp đầy. Chúa Giêsu mời gọi con người phải vượt lên những cái tầm thường của cuộc sống. Ngoài lương thực hằng ngày, chúng ta còn cần lương thực thiêng liêng. Bánh hằng sống chính là Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể: bánh của trời và vĩnh cửu chứ không phải bánh của đất và hữu hạn.

      Mùa Phục Sinh, Giáo Hội mời gọi mọi Kitô hữu hãy ý thức về sức sống thần linh đang châu lưu trong tâm hồn mình. Mưu cầu cuộc sống tạm bợ nhưng luôn hướng về trời cao; bôn ba về của cải vật chất nhưng vẫn gắn bó với những giá trị Nước Trời như công lý, hòa bình, tình huynh đệ, lòng bác ái, hy sinh và xả thân phục vụ...  Trong mọi sự, phải lo tìm kiếm Chúa như gia nghiệp duy nhất của cuộc đời.

      Tiếp nối sứ mạng của CG, trong mọi cuộc gặp gỡ và đối thoại, chúng ta không dừng lại ở lý lẽ, ở giáo thuyết, ở những tương trợ đùm bọc giúp đỡ nhau, mà còn hướng nhau về một chân trời mới, nơi chân lý ngự trị, nơi là nguồn sống vĩnh cửu, là chính Thiên Chúa, Đấng đang hiến thân cho nhân loại nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần.

Lm. Thái Nguyên


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ



[1] Lumen Gentium, 2; Gaudium et Spes, 13; Ad Gentes, 3,11,15.

[2] Vatican II, Lumen Gentium, số 17.

[3] Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 2.

[4] Vatican II, Tuyên ngôn tự do tôn giáo, số 2.

[5] Ibid.

[6]Ibid: “Lương tâm có nhiều khi lầm lạc vì vô tri bất khả kháng, nhưng cũng không phải vì thế mà mất hết phẩm giá”.

[7] Redemptoris Missio, 28.

[8]Vatican II, Ad Gentes, 9.

[9] Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, số 3.

[10] Insegnamenti di Giovanni Paolo II, Vol.IX, 2 (1986), tr. 1262.

[11] Ibid, vol. XV, 2 (1992), tr. 551.

[12] Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia, số 15.