TRUYỀN GIÁO & ĐỐI THOẠI

ƯU TIÊN CHO NGƯỜI NGHÈO

“Để họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10)

 

      Năm 1998, trong gần suốt một tháng (từ 19/4 đến 14/5), các giám mục Á Châu lần đầu tiên qui tụ với nhau tại Rôma để họp Thượng Hội Đồng đặc biệt của lục địa này. Cuộc hội nghị lịch sử ấy đã diễn ra xoay quanh chủ đề: Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ và Sứ Mạng Yêu Thương Và Phục Vụ Của Người Tại Á Châu: “Để Họ Được Sống Và Sống Dồi Dào” (Ga 10,10). Chủ đề này thật có ý nghĩa, vì Á Châu là một đại dương nghèo đói. Việc lấy sống và sống dồi dào làm định hướng mục vụ và linh đạo cũng nói lên rằng các vị mục tử Giáo Hội Á Châu muốn trở về với cốt tủy của sứ mạng Đức Giêsu trong Tin Mừng, và dứt khoát vượt qua một truyền thống linh đạo lệch tâm nào đó vốn quá nhấn mạnh tính cam chịu và thậm chí mang màu sắc thống khoái nghiêng về ‘chết’ hơn là ‘sống’.

      Ý thức mạnh mẽ rằng Tin Mừng Đức Giêsu là Tin Mừng sự sống, không phải chỉ sự sống linh hồn hay đời sau mà là sự sống của con người toàn diện ngay từ đời này, cũng không phải chỉ là sống nửa vời, lây lất mà là sống sung mãn, tận lực, hết mình. Thánh Irênê quả quyết: “Vinh quang Thiên Chúa là sự sống của con người”. Nhưng lạ lùng thay, Thiên Chúa làm người đã sinh ra trong cảnh nghèo, sống và và chết như một người nghèo.

Nghèo với người nghèo

      Thánh Phaolô viết về Đức Giêsu: «Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có» (2Cr 8,9). Thật vậy, muốn tha nhân hạnh phúc mà mình lại không muốn hy sinh, không chấp nhận ít nhiều đau khổ vì họ, thì đó là một ước muốn không tưởng! Muốn nâng người khác lên mà lại cứ muốn đứng trên họ là một ước muốn phi lý! Người thật sự theo Chúa không thể hành động ngược lại với phương cách mà Ngài đã dùng. Nếu không theo cách của Chúa, ta cũng chỉ là một kẻ lạc loài ở ngàoi đường nẻo Ngài.

Ưu tiên cho người nghèo

      Tại sao tin mừng về việc Đức Giêsu sinh ra lại được loan báo trước tiên cho các mục đồng chứ không phải là các thượng tế, giới chức sắc và kinh sư trong tôn giáo? Đúng ra giới lãnh đạo Do Thái giáo phải được loan báo tin này trước nhất mới phải chứ? Thiên Chúa không hành động như thế. Các mục đồng tượng trưng cho giai cấp thấp hèn nhất, bị bỏ rơi nhất trong xã hội và tôn giáo. Điều này cho thấy trước rằng sứ mạng của Đức Giêsu là ưu tiên cho những người nghèo khổ, bị áp bức, những kẻ thấp cổ bé miệng nhất trong xã hội…

      Tin mừng Ngài đem đến là thứ tin mừng giải phóng, chỉ những ai đang bị áp bức, bị giam hãm trong đau khổ, tội lỗi, mới cần được giải phóng. Vì thế, nó phải được loan báo đặc biệt ưu tiên và trước tiên cho những hạng người này. Cũng như Đức Giêsu, các ngôn sứ đích thực đều ưu tiên phục vụ, tranh đấu, lên tiếng bênh vực những người nghèo hèn, bé mọn hoặc tội lỗi. Hành động như thế thường gây bất lợi cho giới cầm quyền trong xã hội cũng như tôn giáo, vì thế các ngôn sứ thường bị họ căm ghét, mạ lị và bách hại (x. Lc 6,23).

      Chỉ có các ngôn sứ giả mới ưu tiên phục vụ những kẻ giàu sang, quyền thế, nhờ vậy mà họ được giới này ca tụng và ưu đãi (x. Lc 6,26). Họ chỉ muốn phục vụ cho cơ cấu hay tập thể đang đem lại địa vị, sự ưu đãi và quyền lợi cho họ. Phục vụ Thiên Chúa hay phục vụ tha nhân nhiều khi chỉ là chiêu bài họ dùng để được quần chúng ủng hộ mà thôi. Họ chỉ quan tâm phục vụ và củng cố những cơ cấu đem lại lợi ích trần tục cho họ, chứ không thật sự quan tâm phục vụ Thiên Chúa hay những người cùng khổ.

      Ngôn sứ thật và ngôn sứ giả khác nhau ở điểm này, mặc dù bên ngoài họ không mấy khác nhau. Để phân biệt ngôn sứ thật và ngôn sứ giả, chỉ cần nhìn vào việc làm hay cách hành xử của họ là nhận ra ngay. Đức Giêsu nói: «Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt» (Mt 7,17-18). Những ai chỉ ưu đãi hoặc coi trọng những người giàu sang quyền thế, đồng thời coi thường hay bạc đãi những người nghèo hèn khốn khổ, chắc chắn không thể là một ngôn sứ đích thực.

      Ngôn sứ đích thực thì hành động như Đức Giêsu: luôn luôn dành thì giờ và năng lực của mình ưu tiên cho những người bé mọn, hèn kém, đau khổ. Tâm tư Ngài lúc nào cũng hướng đến hạng người này, luôn tìm cách nâng đỡ, bênh vực họ. Dấu hiệu để nhận ra Ngài có phải là Đấng Cứu Thế hay không, được chính Ngài xác nhận: «Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng» (Mt 11,5-6).

- Ngài thường tự đồng hóa mình với người nghèo hèn đau khổ, đến nỗi ai làm gì cho những người này là làm cho chính Ngài (x. Mt 25,40.45).

- Ngài đòi hỏi những ai muốn theo Ngài phải yêu thương người nghèo như một điều kiện tiên quyết phải có: «Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mt 19,16.21; x. Mc 10,17.21).

      Các ngôn sứ đích thực xưa nay đều có tinh thần ấy. Trong thời đại chúng ta, vẫn luôn có những con người như Martin Luther King (Mỹ da đen), ĐGM Oscar Romero (Salvador), LM Jer zy Popieluszko (Ba Lan)… Các vị này đã coi việc bênh vực người nghèo, người bị áp bức quan trọng hơn cả sự an toàn bản thân, thậm chí hơn cả mạng sống mình. Họ chính là gương mẫu của những người theo Chúa đích thực.

Đường hướng của Giáo Hội theo gương Chúa Giêsu

      Thư chung của HĐGMVN 2001 đã đánh giá cao những đóng góp của anh em linh mục và các tu sĩ nam nữ, đã có nhiều sáng kiến mục vụ, đồng thời dấn thân phục vụ trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội… đặc biệt đối với người nghèo khổ và bệnh tật. HĐGM khuyến khích chúng ta phát huy sáng kiến đóng góp cho xã hội trong những gì phú hợp với ơn gọi và khả năng của mình và không quên trau dồi đời sống tu đức, vì “trong thinh lặng, nêu gương nghèo khó và từ bỏ, thanh khiết và chân thành, quên mình trong vâng phục, tất cả những điều ấy mới trở nên chứng tá hùng hồn” (Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, số 44).  

      Trong thế giới hôm nay và trong Giáo Hội toàn cầu, “đối thoại là tên gọi mới của niềm hy vọng” (Thượng hội đồng tháng 10-2001, Tài liệu làm việc, số 30) bởi vì nó mở cửa cho tương lai. Kỳ thực, đối thoại là một phần thiết yếu trong sứ mạng của Hội Thánh, “Vì nó xuất phát từ chính sự đối thoại yêu thương ban ơn cứu độ của Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Con và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, số 29). Theo khuôn mẫu ấy, cuộc đối thoại phải khởi đi từ trong lòng Hội Thánh, giữa các thành phần Dân Chúa, bằng khiêm tốn lắng nghe, bằng trao đổi yêu thương để trở thành một tiếng nói hy vọng khơi nguồn cho cuộc đối thoại với mọi anh chị em ở những môi trường khác biệt. HĐGM đã lên tiếng như sau:

- “Trước hết phải đối thoại với người nghèo, không chỉ là nghèo về của cải vật chất mà còn nghèo về phẩm giá, về kiến thức, về niềm hy vọng... Không nên coi người nghèo như đối tượng của “việc từ thiện” nhưng như những con người đáng được tôn trọng và cần được lắng nghe.

- Trong tinh thần này, nên chú ý đến cách cư xử đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Tránh lợi dụng sự đơn sơ thật thà của họ  để chiếm đoạt tiền bạc và sản phẩm, nhưng cần đối thoại để hiểu biết, yêu mến, tôn trọng và liên đới, nhằm bảo vệ phẩm giá, quyền lợi của họ.

- Một lớp người mới đang cần được lắng nghe và đối thoại, đó là những người di dân đang gia tăng rất nhanh theo nhịp phát triển kinh tế. Họ như đoàn chiên không người chăn dắt. Họ dễ dàng bị bóc lột sức lao động, bị xô đẩy vào những con đường tội ác hoặc những tệ nạn xã hội. Những người có trách nhiệm trong Hội Thánh cũng như các cộng đồng tín hữu ở mỗi địa phương cần quan tâm phát hiện, tìm hiểu, lắng nghe và nâng đỡ họ. Anh chị em tín hữu di dân cần được đón tiếp vào cộng đồng địa phương và cần được nâng đỡ trong cảnh bơ vơ khốn cùng”.

      Một lần nữa trong Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 mang tựa đề “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, các Đức Giám mục đã nêu ra những định hướng cho việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng tại Việt Nam. Một cách cụ thể, các vị chủ chăn đề nghị Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam thực hiện “cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim” với các tôn giáo, với người nghèo, và với những anh chị em không tôn giáo.

      Việc đối thoại với người nghèo giúp cho Giáo Hội học được cách nhìn của Đức Kitô, khám phá nơi con người nhu cầu cần được yêu thương và tôn trọng chứ không chỉ là được ban phát của cải vật chất. Đồng thời, Giáo Hội cũng nhận ra được những hình thức mới của sự nghèo khổ, bén nhạy trước những đổi thay của xã hội để kịp thời đáp ứng dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. 

      Theo gương Chúa Giêsu, Giáo Hội tại Việt Nam cần quan tâm đặc biệt đến những dân tộc ít người là những anh chị em còn phải chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế, xã hội cũng như văn hóa. Các bệnh nhân, những người tàn tật, già yếu, neo đơn, mồ côi, những thiếu nữ lầm lỡ, các tù nhân… cũng là những thành phần cần được chăm sóc nhiều hơn trong các hoạt động mục vụ. Các cộng đoàn Kitô hữu cần tìm cách thể hiện tình yêu thương phục vụ họ cách cụ thể, đồng hành với họ trong những khó khăn của đời sống, giúp họ nhận ra được niềm vui của đức tin khi được nên giống Đấng chịu đóng đinh và hoàn tất những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Người vì Hội Thánh (x. Cl 1, 24).

ỨNG DỤNG LỜI CHÚA

1. Mt 20, 1-10: Tin Mừng cho người nghèo

Đây là dụ ngôn về người chủ mướn thợ vào làm vườn nho cho mình từ tảng sáng với thỏa thuận mỗi ngày một quan tiền. Sau đó lại có người đến vào giờ thứ ba, thứ sáu, rồi thứ chín. Thế nhưng cuối ngày khi trả lương, ông chủ trả cho người cuối cũng như người đầu.

      Những người thợ làm vào những giờ cuối phải chăng là những người yếu đuối, nghèo hèn thiếu thốn, đã được Chúa đoái thương cách đặc biệt. Bài Phúc Âm này quả thật là bài ca ngợi tình thương của Chúa đối với những con người nhỏ bé, nghèo hèn, không làm được bao nhiêu, nhưng Chúa không đếm tính công việc của họ, Ngài chỉ nhìn vào thiện chí để mà ân thưởng. Vì thế ta có thể gọi bài Phúc âm này là bài Tin Mừng cho người nghèo khó.

      Lần giở Phúc âm, chúng ta thấy thật rõ nét trong cuộc sống Chúa Giêsu, Ngài luôn gần kề bên những con người hèn mọn, khốn khó. Đó là những bệnh nhân, người tội lỗi, người thu thuế, người bị quỷ ám, kẻ phong cùi, các trẻ thơ, người tàn tật... Những con người thấp hèn và nhiều khi bị bỏ quên trong đời sống xã hội. Ngài đến tỏ lòng yêu thương, an ủi họ, trả lại phẩm giá cho họ. Ngài chữa lành bệnh tật cho họ không chỉ với quyền năng mà còn với những cử chỉ bên ngoài ân cần trìu mến, những lời nói cảm thông đối với cả những ai bị xã hội phê phán.

          Thiên Chúa yêu thương những con người thấp hèn, nghèo khó trên phương diện nào. Trên con đường thiêng liêng, con đường nên thánh, có biết bao những tâm hồn rất hèn mọn, rất nghèo khó: nghèo tài năng, nghèo trí tuệ, nghèo phương tiện, nghèo tư tưởng, nghèo khả năng suy tư để có thể hiểu và thực hành nhân đức một cách sâu sắc, nghèo thời giờ yên tĩnh. Lại có những tâm hồn tàn tật do những dấu ấn của tội lỗi quá khứ... Chúng ta thấy mình thật  hèn mọn, thật nhỏ nhoi. Nhỏ nhoi không những trước mặt Chúa mà cũng thật nhỏ nhoi bên cạnh những người anh em được Chúa ban cho một lòng đạo đức sâu xa từ một trí suy tư sắc sảo, có những hoàn cảnh và phương tiện thuận lợi để dễ dàng tiến đức. Nhưng rồi Thiên Chúa là Cha lại rất ưu ái đối với những người hèn mọn.

      Điều quan trọng đối với Thiên Chúa là con người phải yêu mến và làm việc bằng tất cả khả năng, sức lực và trí tuệ có thể của mình. Tất nhiên sự hiểu biết của một tâm hồn nghèo trí tuệ, hay không có nhiều điều kiện để học hỏi thường không thể sâu xa bằng một tâm hồn có trí óc cao minh. Do đó trong cách thực hành nhân đức cũng thiếu những nét tinh tế, thâm sâu, trái lại còn mang những vụng về, khiếm khuyết. Theo cách nhận định của chúng ta có thể cho rằng tâm hồn sâu sắc này đã thánh thiện hơn tâm hồn thường tình kia. Nhưng dưới đôi mắt của Thiên Chúa, thì mọi việc được nhìn theo một cách thế khác. 

      Có một khoảng cách trong sự suy nghĩ và thực hành giữa một tâm hồn có trí suy tư sắc sảo và một tâm hồn bé nhỏ vụng dại, nhưng đối với Chúa, cả hai tâm hồn đều làm đẹp lòng Ngài như nhau. Việc làm của họ có một giá trị thánh thiện như nhau vì cả hai đều đã đến với Chúa, đã yêu mến Chúa với tất cả tấm lòng, trí hiểu và sức lực của mình. Thiên Chúa đã không chú trọng đến phẩm và lượng, Ngài chỉ nhìn vào thiện chí của tâm hồn đó. Cách nhìn này của Thiên Chúa đã làm đảo lộn các giá trị khác.

      Ở trong Phúc âm, chúng ta thấy bà góa nghèo chỉ bỏ vào hòm tiền một phần tư xu, một số tiền quá ít ỏi, nhưng Chúa Giêsu đã nhìn vào tấm lòng của bà để tuyên bố một lời rất khác thường: “Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết” (Mc 12,43). Cũng như người thợ làm vườn nho vào giờ cuối cùng, chẳng làm được bao nhiêu, nhưng chắc chắn đã làm với tất cả thiện chí và cố gắng, nên người chủ vườn động lòng thương xót, lấy lòng nhân lành mà trả công cho ngang hàng với những người thợ đã làm từ tảng sáng. Vì thế coi thường kẻ yếu kém mọn hèn là coi khinh tính cách hành xử của Chúa, đó là thái độ bất bình của những kẻ làm vào những giờ đầu trong Bài Phúc Âm.

      Điều quan trọng của bài Phúc Âm trên là lòng thương xót Chúa chứ không phải công cán của con người. Nếu Chúa không kêu gọi họ vào làm vườn thì họ có thể ngang nhiên lên mặt với những kẻ làm vào giờ cuối không? Cũng vậy, thường thì những tu sĩ, linh mục hay đặt mình trên những người khác, hoặc những Kitô hữu đạo gốc hay coi thường những người đạo mới, nhưng cái nhìn của Chúa hoàn toàn khác. Chính vì vậy mà cuối bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đã kết luận: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.

      Là môn đệ của CG, ta cũng phải có tâm tình và cung cách hành xử của Thầy mình, nghĩa là quan tâm ưu ái đặc biệt đến những người nghèo hèn, yếu kém, khổ đau...

2. Mc 6, 34-44: Hãy cho họ ăn đi

Đây là trình thuật về việc Chúa Giêsu hóa bánh cho năm ngàn người ăn.

      Có lần báo chí đang tin em Trần Thị Hoa, 15 tuổi, học sinh lớp 10 ở Nam Quảng Trạch (Quảng Bình) tự treo cổ, kết liễu cuộc đời. Nguyên nhân do nhà nghèo, không đủ đóng tiền học phí (3 triệu mỗi năm), em chọn cái chết dù biết rằng “chết là ô nhục lắm, nhưng đó là biện pháp tốt nhất.” Quanh ta vẫn có những cái chết oan uổng như vậy. Có những người không dám chết như vậy, nhưng rồi sống trong nhục nhằn nước mắt giữa cảnh nghèo khổ trơ trọi. Và còn bao người anh em chị em khác đang sống trong những hoàn cảnh thiếu các điều kiện cơ bản nhất của một con người. Phải dám ra khỏi bản thân mình, ra khỏi môi trường êm ả của mình, và nhiều khi phải vượt lên bổn phận cố định của mình để còn thấy bao nhiêu người quanh ta đang lần bước trong cảnh đời đen tối.

      Chúa sinh ra trong cảnh cơ hàn cũng là cách mời gọi chúng ta hãy có trách nhiệm với những ai đang sống trong lầm than thiếu thốn. Nhưng rồi cũng như các tông đồ ngày xưa, người môn đệ Đức Kitô ngày hôm nay cũng muốn phủi tay trước nhu cầu của người lân cận, cảm thấy vô can hoặc bất lực trước cái “đói” của khối người nghèo chung quanh, coi đó là trách nhiệm của của các tổ chức xã hội. Ai cũng dễ rơi vào thái độ thủ thân, hoặc chỉ lo cho thân nhân của mình, hoặc chỉ lo phát triển sung túc cho cơ sở địa hạt của mình, còn chuyện người nghèo khổ thì coi như chuyện trà dư tửu hậu. Thế nhưng, cũng như ngày xưa, Đức Giêsu sẽ truyền lệnh: “Anh em hãy cho họ ăn đi. Câu này quả thực có một ý nghĩa sâu rộng trên nhiều phương diện. Họ không chỉ đói ăn, nhưng còn đói tình thương, khát nhân nghĩa, thèm muốn sự công bằng, mong mỏi được học hành, ao ước được triển nở, được vươn lên.

      “Anh em hãy cho họ ăn đi”. Chúa muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm và khả năng cụ thể của mỗi người môn đệ. Bánh và cá mà các tông đồ dâng cho Chúa thuộc loại dở nhất và rẻ tiền nhất. Thế nhưng, đó là những gì quý giá nhất trong tay các ông. Từ tay các ông chuyển sang tay Chúa, mọi sự sẽ đổi khác: ít hoá ra nhiều, thiếu thốn hóa ra dư dật, khả năng và nguồn lực nhỏ bé trở nên lớn lao. Từ đó chúng ta hiểu được quyền năng Chúa trong đời sống của mình, khi ta tích cực góp phần làm nên những gì tốt đẹp hơn cho anh em mình. Nếu chúng ta dám trao cho Chúa những gì chúng ta có, dù chỉ là nhỏ nhoi; nếu chúng ta chịu cho Ngài bẻ ra, và làm vỡ tan mọi toan tính ích kỷ, thì lúc đó Ngài mới làm cho cuộc sống chúng ta trở nên dồi dào. Chúa đến để cho mọi người được sống và sống dồi dào.

      Thật ra, có những lúc đứng trước tình hình và sự việc quá khó khăn ngoài khả năng của mình, làm cho chúng ta cảm thấy bất lực. Nhưng rồi người ta chỉ bất lực khi có tư tưởng bất lực, khi chỉ cậy dựa vào sức lực và khả năng của riêng mình. Hãy xác tín như thánh Phaolô rằng, với Chúa và trong Chúa thì mọi sự đều có thể. Đó cũng là điều mà Chúa Giêsu từng tuyên bố. Trong sự góp phần của chúng ta có những kết quả cụ thể bên ngoài chúng ta đo lường được, nhưng có những kết quả siêu nhiên sâu rộng trong đời sống tinh thần chỉ có Chúa mới biết được, dù xem ra công việc chỉ bé nhỏ và âm thầm. Phần việc của chúng ta là hãy cho họ ăn đi.

      Có điều cần lưu ý là để cho họ ăn đi, thì các tông đồ cũng phải cần đến sự góp phần của những người khác. Chúa kêu gọi các tông đồ cho cái mà các ông không có hoặc có ít quá, và các ông chỉ có và có nhiều khi đến với những người khác, khi các ông biết cần đến họ, biết trân trọng và khiêm tốn kêu gọi sự cộng tác của họ. Để phát triển đời sống xã hội, càng ngày người ta càng tiến đến quan hệ hợp tác giữa mọi thành phần. Một con én không làm nên mùa xuân, cũng như một cây làm chẳng nên non. Nhờ sự hợp tác với người khác mà ta làm phong phú hóa đời sống của chính mình, đạt tới kết quả mà Chúa mong muốn.

      Chúng ta có thể coi phép lạ hóa bánh ra nhiều này là một việc có thực, nhưng vẫn có một lối giải thích khác rằng, trong đám đông có nhiều người mang theo bánh nhưng vì muốn giữ riêng cho mình, nên chẳng ai muốn đưa ra. Đến khi thấy Chúa Giêsu đưa ra số bánh của Ngài và các môn đệ, với tâm tình tạ ơn Chúa, rồi phân phát, nhưng chẳng thấm vào đâu, lúc đó đám đông mới cảm động và ai nấy đều bỏ ra số bánh của mình. Cuối cùng thì mọi người được ăn no nê và còn dư thừa nữa.

      Ý nghĩa sâu xa của phép lạ ở chỗ là chính sự hiện diện của Chúa Giêsu đã biến đám đông ích kỷ thành một tập thể những người biết chia sẻ cho nhau, một phép lạ làm thay đổi lòng người. Cuộc sống có nhiều thứ đói khát và thiếu thốn không phải vì bản chất của nó là thiếu hụt mà là vì thiếu sự chia sẻ, thiếu sự mở lòng để cho đi những gì mình có. Xin cho chúng ta biết khơi rộng lòng mình để có thể khơi động tâm hồn anh chị em mình.

3. Lc 4, 16-22: sứ mạng giải phóng cho người nghèo

 “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”.

      Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai với Thần Khí của Chúa Cha, Thần Khí tràn ngầp tâm hồn Đức Giêsu và đưa dẫn Chúa Giêsu thi hành sứ vụ đặc biệt của Chúa Cha. Thần Khí của Chúa Cha không phải là tinh thần, thái độ so sánh hàng ngang, người này với người kia, nhóm này với nhóm nọ; nhưng là sự bao bọc quảng đại từ trên cao nhìn xuống, giống như tấm lòng của cha mẹ ôm trọn tất cả mọi đứa con và đặc biệt lo lắng cho những đứa con khó khăn, yếu đau nhất.

      Lãnh nhận Thần Khí của Chúa Cha, Đức Giêsu không tìm cho mình những người ưu tú, không vun đắp cho nhóm của mình để hơn những nhóm khác, không lấy sự phân biệt tội lỗi và công chính như tiêu chuẩn để lọc lựa và loại trừ. Trái lại, Đức Giêsu thể hiện tấm lòng của Chúa Cha, Ngài yêu thương tất cả mọi người và đặc biệt chăm sóc những đứa con kém may mắn nhất hoặc tội lỗi lạc xa đàn chiên nhiều nhất: “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Lc 9,13)

      Đức Giêsu động lòng trắc ẩn trước những hoàn cảnh éo le, Đức Giêsu cảm thông với những người đói khổ, Đức Giêsu hớn hở vui mừng vì nhận ra thánh ý yêu thương lạ lùng của Chúa Cha đang được thể hiện : “Ngay bấy giờ, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “ Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, những lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10, 21)

      Khi trả lời cho thắc mắc của Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu khẳng định lại sứ vụ của Đấng Mêsia: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe : người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng ...” (Lc 7, 22-23)

          Do đó, tấm lòng đối với những người nghèo khổ tội lỗi không phải chỉ là một tình cảm của con tim đức Giêsu, nhưng chính là nguồn cội sâu xa trong lựa chọn của Đức Giêsu, biểu hiện nơi thái độ của của Đức Giêsu trong mọi hoàn cảnh và hơn nữa, đó chính là nét căn bản giải thích diễn tiến của lịch sử ơn cứu độ. Ơn cứu độ của Thiên Chúa không phải là một bài toán thách đố con người để chỉ lọc lựa những người tốt; nhưng ơn cứu độ ấy bộc lộ tấm lòng yêu thương quảng đại của Thiên Chúa; ơn cứu độ của Thiên Chúa tràn xuống tận đáy xã hội, có khả năng nâng dậy những người hèn kém và tầm thường nhất, những người tội lỗi và bất chính nhất, miễn lã con người dám để cho Thiên Chúa đón nhận và yêu thương mình.

      Những yếu tố ấy lại chính là đường nét của thời đại Cánh Chung, thời đại Thiên Chúa hoàn tất chương trình sáng tạo và cứu độ con người. Điều đó có nghĩa là thời của Đấng Mêsia, thời gian của Giáo Hội, thời gian Cánh Chung cũng mang tính chất đặc biệt của Tin Mừng giải phóng, và Giáo Hội của Chúa cũng không thể là điều gì khác hơn một sự thể hiện lòng nhân lành quảng đại của Chúa đối với những người nghèo khổ.

      Đức Giêsu là người đầy tràn Thánh Thần. Thánh Thần chi phối toàn bộ lời nói, việc làm của Ngài. Ngài được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo: nghèo tiền bạc, nghèo sức khỏe, nghèo tiếng nói, nghèo mơ ước, nghèo tình cảm...

      Ngài được sai đến với những kẻ bị giam cầm bởi nỗi lo sợ, bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam.

      Ngài cho người mù được sáng mắt và thấy trong niềm tin.

      Ngài trả lại tự do cho cả người bị áp bức lẫn người gây áp bức bóc lột. Ngài mời gọi cả hai sống thanh thoát như Ngài, sống như con của Cha và anh em của nhau.

      Ngài khai mạc một Năm Thánh, Năm Hồng Ân cứu độ. "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."

      Ta cũng phải tuyên bố một câu tương tự như Đức Giêsu, vì ta được kêu gọi tiếp nối sứ mạng của Ngài. Có nhiều đoạn Lời Chúa chẳng được ứng nghiệm bao giờ vì thiếu sự cộng tác của bản thân ta. Thậm chí có khi ta lại là kẻ áp bức anh em, kẻ bịt mắt, ngăn chặng, và giam hãm tha nhân trong tối tăm, vì nhiều ác cảm và thành kiến.

      Sứ mạng của ta không gì khác hơn là mang Tin Mừng và ơn cứu độ cho mọi người. Nếu có ưu tiên cho ai, thì đó là những kẻ nghèo khổ chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, chứ không phải là những người bà con, bạn bè thân thuộc, hay bất cứ thành phần nào khác.

 

Lm. Thái Nguyên


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ