TRUYỀN GIÁO BẰNG CON TIM BIẾT YÊU THƯƠNG

 

 

Trong chuyến du khảo theo chân các nhà truyền giáo năm xưa tại các giáo phận Ban Mê Thuột, Kon Tum và Nha Trang, có nhiều điều khiến tôi phải suy nghĩ, phải trăn trở cho công cuộc truyền giáo của giáo hội, nhất là cho giáo phận Đà Lạt. Và một trong những trăn trở đó chính là vấn đề: nhà truyền giáo cần phải có một trái tim biết yêu thương, tôn trọng đối với những người mà mình muốn đem lời Chúa đến với họ. Ý tưởng này cũng nằm trong nội dung bài chia sẻ của Đức Cha, cha Tổng Đại Diện giáo phận Kontum với các linh mục trẻ giáo phận Đà Lạt.

 

Theo Đức Cha và Cha Tổng, muốn truyền giáo cho anh chị em lương dân, cụ thể là các anh chị em dân tộc thiểu số thì điều quan trọng là vấn đề hội nhập văn hóa Kitô giáo vào văn hóa dân tộc bản địa. Tuy nhiên, hội nhập không chỉ là bắt chước các hình thức bên ngoài như cách ăn uống, cách mặc, đi lại … của anh em dân tộc mà còn là tình yêu phát xuất từ tâm hồn bên trong theo kiểu: lòng đầy thì miệng mới nói ra. Đức Cha và Cha Tổng đưa ra dẫn chứng: có nhiều linh mục, tu sĩ khi đi truyền giáo cho người dân tộc đã bắt chước cách ăn, cách mặc của anh em dân tộc như: cũng mặc áo thổ cẩm rực rỡ, cũng đeo vòng, cũng uống rượu cần, song kết quả của công cuộc truyền giáo vẫn không khả quan. Đi tìm nguyên nhân sâu xa, thì vấn đề cốt yếu nằm ở chỗ: các nhà truyền giáo cần phải có một con tim yêu thương và tôn trọng đối với những người mà mình muốn mang Tin mừng đến, chứ không phải chỉ là những hình thức bề ngoài làm ra vẻ giống anh chị em dân tộc.

 

Những chia sẻ trên của Đức Cha và Cha Tổng Đại diện giáo phận Kontum hẳn cũng chính là bài học kinh nghiệm cho vùng đất truyền giáo của giáo phận Đà Lạt. Có nhiều người nhiệt thành muốn nói về Chúa cho anh chị em dân tộc nên đã cố gắng tìm hiểu và học hỏi văn hóa của họ. Tuy nhiên, văn hóa ấy nhiều khi chỉ là một mớ kiến thức lý thuyết, và nếu có thực hành thì cũng chỉ là ít lần khoác trên mình chiếc áo thổ cẩm, đeo vòng, uống rượu cần… Để đem tin mừng cho anh chị em dân tộc, điều thiết yếu là chấp nhận, và có thể nói ngậm đắng nuốt cay (cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen) những tập tục mà mình không hề thích thú.

 

Thật vậy, một khi biết tiếp nhận văn hóa của anh chị em dân tộc, nghĩa là phần nào hiểu được tâm tính của anh chị em dân tộc thì lúc ấy những ai muốn gieo lời Chúa vào tâm hồn họ sẽ có cơ hội nảy mầm và sinh trưởng tốt. Chớ chi kinh nghiệm chia sẻ truyền giáo bằng con tim và lòng tôn trọng xuất phát tự bên trong tâm hồn của các đấng bậc giáo phận Kontum sẽ là bài học bổ ích cho tôi cũng như cho các linh mục trẻ Đà Lạt trong công cuộc truyền giáo đối với anh chị em dân tộc giáo phận Đà Lạt nhà thân thương.

 

Lm. JB. Trần Đức Long

 


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ