Những Người Mô - hi - cân Với Chỏm Tóc Hồng Trong Nhà Thờ!

Truyền giáo cho hàng xóm của bạn thực sự có nghĩa là ôm lấy con chiên lạc

Tác giả: Robert Wiesner

Hình chụp Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành thánh lễ năm 1998 tại một khu vực nghèo khó ở thủ đô Buenos Aires, Argentina (ảnh CNS)

Một cuốn sách xuất hiện gần đây liên quan đến câu chuyện trở lại đạo của một, một gì nhỉ, à! của một giáo sư đại học chuyên ngành văn chương có “giới tính khác biệt”. Cuốn sách Những suy nghĩ thầm kín của một người có lẽ đã trở lại đạo của Rosaria Butterfield đã kể lại một cách chi tiết quá trình thú vị của cô, chuyển đổi từ chủ nghĩa thế tục điên dại sang niềm tin sôi sục. Mặc dù cô đã thực sự trở thành một thành viên của một cộng đoàn Can-vin bảo thủ, câu chuyện của cô vẫn gợi đến giáo huấn của Đức Thánh Cha hiện tại của chúng ta về việc truyền giáo trên đường phố!

Trong các khóa học của mình, Giáo sư Butterfield đã có dịp đọc Kinh thánh, nhưng chỉ như một tác phẩm văn học khác cần được phân tích và nghiên cứu một cách khách quan. Cô nhanh chóng thấy rằng cách tiếp cận như vậy đối với Kinh thánh đơn giản là không hiệu quả; cô không thể hiểu được những gì có vẻ như chỉ là một bộ sưu tập ngẫu nhiên các phong cách viết khác nhau và các thể loại văn học. Thông qua một loạt các “sự trùng hợp”, cô đã tiếp xúc với một vị mục sư của Giáo hội trưởng lão, ông đã đồng ý giúp hướng dẫn cô vượt qua những rắc rối của bản văn Kinh Thánh. Ông không lên án, ông không dụ theo đạo, ông không thuyết giáo cho cô: ông kết bạn với cô và hiểu rằng nhất định Lời Chúa sẽ làm điều cần thiết mà không cần có sự can thiệp của ông.

 

Giáo sư đại học chuyên ngành văn chương Rosaria Butterfield

Cuốn sách Những suy nghĩ thầm kín của một người có lẽ đã trở lại đạo của Rosaria Butterfield

Trong khoảng thời gian vài tháng, họ gặp nhau thường xuyên, thường là tại nhà của vị mục sư cùng với vợ ông, là người dọn ra những bữa ăn tuyệt vời cùng với khả năng thấu suốt nội tâm đặc biệt của riêng bà. Tất nhiên, đến một lúc nào đó, vị giáo sư gặp phải câu hỏi không thể tránh khỏi: Điều gì xẩy ra nếu đây là sự thật? Vì vậy, cô bắt đầu một quá trình lột xác hoàn toàn khỏi một cuộc sống đầy bối rối.

Khi điều đó xảy ra, cộng đoàn Trưởng lão của vị mục sư là một nhóm khá truyền thống. Có một số gia đình dành trọn vẹn thởi giờ cho việc dạy con học tại nhà; các bà mẹ không an tâm lắm về việc liên kết với “một người phụ nữ có một quá khứ”, nhưng Giáo sư Butterfield sẽ đối đầu với họ với câu nói “Chúa Giê-su đã tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình. CÁC ÔNG BÀ sẽ làm gì với TÔI?” Không cần phải nói, quá trình này là một quá trình lành mạnh cho tất cả những người liên quan. Vị giáo sư ấy đã trở thành một miếng ván trượt nước cho cuộc đấu tranh và tăng trưởng tâm linh; cô đã hỏi những câu hỏi mà tất cả các Kitô hữu phải hỏi (và trả lời!): “Tôi đã từ bỏ một người bạn gái để có mặt ở đây. Bạn đã từ bỏ điều gì?” Một giáo hội khá nghiêm túc hẳn thấy mình đang tích cực đối đầu với một thế giới mà họ có xu hướng phớt lờ, thậm chí là trốn tránh. Một năng lượng và mục đích mới gia tăng đều đặn trong cộng đoàn; họ bị buộc phải ra khỏi thái độ hẹp hòi và những định kiến ​​nhỏ nhen của mình để đối mặt với câu hỏi lớn, “Giảng đạo cho cả thế giới nghĩa là gì?”

Có một câu chuyện về Đức Giám mục Bergoglio thời xưa khi Ngài lần đầu tiên được phong chức tại BuenosAires. Mỗi ngày, các linh mục giáo xứ cùng với một số tín hữu đi phân phát lương thực ở những khu vực nghèo của thành phố. Giám mục Bergoglio đã chấp thuận cách làm đó, nhưng Ngài nhấn mạnh rằng trước khi thức ăn được đưa ra đường, mọi người liên quan phải dành một giờ để chầu Thánh Thể. Thực phẩm sau đó sẽ được phân phát, như thế người ta sẽ hiểu ra rằng có nhiều thứ liên quan hơn chứ không chỉ là hành động xã hội đơn thuần. Chầu Thánh Thể sẽ đảm bảo rằng Chúa Kitô đã được đưa đến với mọi người cùng với thức ăn. Nuôi dưỡng trở thành một thừa tác vụ trọn vẹn; trong khi chăm sóc các nhu cầu của cơ thể, chiều kích cực kỳ quan trọng của việc nuôi dưỡng linh hồn được thêm vào.

Làm môn đệ quả là gay go; cái giá phải trả thì vượt xa hơn việc chỉ đơn giản bỏ tiền vào giỏ quyên góp. Dấn thân cho những người cần đến Chúa Kitô nhiều nhất thì rất kiệt sức và thường làm khô cạn cảm xúc. Đừng mong một lời cảm ơn, và thường thì sự báo đáp có thể là một lời chừi thề. Hạt giống được gieo trồng trong linh hồn có thể không bén rễ trong nhiều năm, và do đó, một kết quả tay chạm được có thể không bao giờ có.

Cha Paul Quillet, SMA

Có một linh mục truyền giáo ở Châu Phi hoạt động liên quan đến một bộ lạc Hồi giáo bán du mục của những người chăn cừu ở rìa phía nam sa mạc Sahara. Cha Paul Quillet, SMA, đã có lần giảng một bài giảng ở quê nhà Pháp của ngài, bài giảng đụng đến chính ý nghĩa của việc làm môn đệ: mỗi buổi sáng, ngài chứng kiến ​​cảnh ông tù trưởng trỗi dậy và ngay lập tức đi đến bầy cừu. Ông gọi tên từng con cừu, chào chúng và vuốt ve từng con. Chỉ sau khi chăm sóc bầy cừu, ông tù trưởng mới chào đón gia đình và các thành viên khác trong bộ tộc và ăn sáng. Cha Paul đã nhìn thấy nơi vị thủ lĩnh Hồi giáo này điều Chúa Giêsu muốn nói khi Ngài yêu cầu những người tin theo Ngài phải rời bỏ gia đình và bạn bè để hướng đến công việc của Chúa.

Không mấy ngạc nhiên khi Cha Paul đã chọn dịch Thánh vịnh 23 làm bản dịch Kinh thánh đầu tiên của mình sang tiếng Fulani, ngôn ngữ địa phương: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì”; ngay lập tức người dân hiểu được hình ảnh của Thánh vịnh; họ nhìn thấy nguyên tắc đó trong hành động mỗi ngày. Cha Paul cũng hoàn toàn nắm bắt được ý nghĩa trong nhận xét của Đức Giáo hoàng Phanxicô: các mục tử “phải có mùi chiên!” Cha Paul vẫn chưa thấy ai trở lại đạo nơi những người Hồi giáo; bất kỳ ai trở lại đạo cũng liên quan đến toàn bộ một nhóm xã hội, toàn bộ bộ lạc. Ngài nhận ra rằng mình đã được Chúa ban cho một ơn gọi tu trì độc nhất là làm chứng cho Chúa Kitô trong một hoàn cảnh khó khăn và gieo hạt giống đức tin có thể không phát triển trong nhiều thế hệ nữa.

Một bài học mà Cha Paul học được từ bộ lạc Fulani là một nhiệm vụ quan trọng sống chết, đó là đưa bầy cừu ra khỏi khe núi; không có đồng cỏ thích hợp, cừu sẽ sớm ốm yếu và chết. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh quan điểm một giáo hội đóng kín ​​trong giáo xứ nhỏ bé của mình thì bầy cừu sẽ bị bệnh và chết. Một mục tử phải dẫn đàn chiên của mình ra khỏi khe núi và tìm sự nuôi dưỡng tinh thần trong các công việc tốt lành bên ngoài nhà thờ của giáo xứ và nhà ở của mình. Giáo hội mà Giáo sư Butterfield thường xuyên lui tới thấy mình được đổi mới và thêm sinh lực nhờ cách truyền máu mới lạ. Các giáo xứ Công giáo phải ghi nhớ bài học này trong lòng.

Các nhà truyền giáo ở nhiều nơi trên thế giới đã quen với việc nhìn thấy những cảnh tượng kỳ lạ trong nhà thờ của họ, có thể là một khúc xương xuyên qua mũi hoặc những vết sẹo ghê khiếp trên mặt. Giáo hội phát triển bằng cách sáp nhập người man di vào Thân thể mầu nhiệm của Chúa. Vâng, nước Mỹ đã trở thành lãnh địa man di. Nhưng những cảnh tượng đáng sợ của con người mà người ta nhìn thấy trên bất kỳ con đường nào của thành phố cũng nên được nhìn thấy trong các nhà thờ của chúng ta.

Mẹ Teresa

Công giáo đã được mô tả một cách thích đáng như một bệnh viện dành cho tội nhân. Có nhu cầu rất lớn về việc chữa lành trong nền văn hóa Hoa kỳ hiện đại đáng buồn của chúng ta; thật có lý khi Mẹ Tê-rê-sa mô tả chúng ta là những người nghèo khổ nhất trên trái đất. Để văn hóa lấy lại sức khỏe, cần khẩn cấp đưa càng nhiều tội nhân vào bệnh viện càng nhanh càng tốt. Các giáo xứ Công giáo có thể bắt đầu lấy lại sức khỏe và sức sống của mình khi bộ đồ trang nhã và mái tóc gọn gàng bắt đầu bị thêm bớt vào bằng những miếng da thuộc và chỏm tóc bộ lạc Mô-hi-cân màu hồng! Nhưng, sự trở lại đạo hiếm khi được thực hiện mà không có thời gian và đấu tranh. Thói quen xấu đôi khi phải mất cả đời để vượt qua, vì vậy sẽ không có gì ngạc nhiên nếu những kẻ man di đi vào bệnh viện của chúng ta không phải là những mẫu mực đức hạnh ngay lập tức. Hãy nhớ rằng Giáo hội của chúng ta không phải là một Giáo hội dành cho các vị thánh, nhưng rốt cuộc, Giáo hội lại là hy vọng tốt lành nhất cho những người tội lỗi. Người Công giáo phải chấp nhận “mùi chiên” trong giáo xứ. Thực ra, tất cả người Công giáo đều có một thứ mùi chiên; không người Công giáo nào có thể nói bằng lương tâm ngay chính rằng, “Tạ ơn Chúa con không giống như những người khác, ví dụ như người nghiện ma túy tội nghiệp ở đây”. Trong một số trường hợp, mỗi người chúng ta có thể là một người nghiện, một tên trộm hoặc một kẻ giết người. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, mỗi người trong chúng ta đều vô cùng đau khổ với niềm kiêu hãnh, với một tội lỗi chết người to lớn hơn bất kỳ cơn nghiện nào.

Mục tử tốt lành, bàn thờ baldacchino[1] tại Đền thờ Thánh Gioan La-tê-ran.

Một phản ứng tự nhiên của những người có đầu óc truyền thống khi đối mặt với điều bất thường là né tránh, cảm thấy một chút đe dọa. Sự xuất hiện của những người đi xe đạp có vẻ ngoài thô lỗ hoặc những người cục cằn đáng sợ trong Thánh Lễ có thể hơi đáng ngại, nhưng phản ứng thích hợp có lẽ là một cách tiếp cận với lời chào: “Rất tốt được gặp bạn ở đây.Chúng ta hãy uống cà phê và bạn có thể kể cho tôi nghe câu chuyện của bạn”. Mỗi vị thánh sốt mến đều tìm thấy sự tăng trưởng tâm linh to lớn bằng cách gặp gỡ những người tội lỗi đang nỗ lực nghiêm túc làm cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Rốt cuộc, một người tội lỗi ngập đầu biết ăn năn sẽ học được nhiều về sự khiêm hạ hơn những người có ít tội hơn một chút.

Tất nhiên một số tội lỗi và tình huống có thể đòi hỏi sự quan tâm vượt quá khả năng của một giáo dân trung bình. Chắc chắn đó là một tội nghiêm trọng lạ thường liên quan đến thẩm mỹ khi để chỏm tóc bộ lạc Mô-hi-cân màu hồng! Nhưng, chúng ta có thể yên tâm, lòng thương xót của Chúa thậm chí còn vượt xa tội ác ghê gớm này...

Phạm Văn Trung chuyển ngữ tiếng Việt.

https://insidethevatican.com

 



[1]ND: làm bằng vàng, gỗ và thép không rỉ.


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ