Tước Hiệu Đức Mẹ „Đồng Công Cứu Chuộc“ Làm Lu Mờ Ưu Việt Tính Của Chúa Ki-tô

Kinh Thánh, Truyền Thống và Quyền Giáo Huấn của Hội Thánh nói gì về tước hiệu „Đồng Công Cứu Chuộc“ của Đức Maria?

Trong Giáo hội có một số nhóm, đặc biệt là các phong trào cổ vũ lòng sùng kính Đức Mẹ, đang ra sức vận động Giáo hội, hay nói cụ thể hơn là vận động Đức Thánh Cha, hãy công bố một tín điều mới về Đức Maria với tước hiệu: Đức Mẹ „Đồng Công Cứu Chuộc“ (Coredemptrix – dịch chính xác là: Đồng Cứu Chuộc).

Một số người còn bổ sung thêm hai tước hiệu nữa, đó là tước hiệu „Đấng Bầu Cử“ và „Đấng Trung Gian“, vì những tước hiệu này được yêu cầu trong „những cuộc hiện ra của Đức Mẹ“ tại Amsterdam, dù những cuộc „hiện ra“ này vẫn còn đang trong vòng tranh cãi và chưa được Giáo hội xác nhận.

Trong những lời được gọi là „Sứ Điệp“ của Marpingen tại Saarland, Tín Điều „Đức Mẹ Đồng [Công] Cứu Chuộc“ cũng được mong muốn; bên cạnh đó là những „sứ điệp“ của người tự xưng là „Nữ Tiên Tri“ Anna ở Gütersloh: Theo những „sứ điệp“ của bà thì, trong một thị kiến, chính Chúa Giê-su đã đòi hỏi phải công bố tín điều này để ủng hộ Thân Mẫu của Ngài. Việc Giáo hội công bố tín điều „Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc“ cũng được đòi hỏi trong cả hai lần „Đức Mẹ hiện ra“ tại San Damiano. Nhưng cả ba cuộc mạc khải tư nêu trên đều không được thừa nhận bởi toàn Giáo hội.

Tuy nhiên, nổi tiếng nhất vẫn là niềm mong ước trong mối liên hệ đến những điều được gọi là „những Sứ Điệp“ xuất phát từ Amsterdam. Đây là một niềm ước mong mạnh mẽ, muốn Giáo hội công bố tín điều „Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc“.

Vào ngày 15 tháng 04 năm 1951, một „Trinh Nữ“ được cho là đã hiện ra tại Amsterdam với tư cách là „Người Nữ Của Tất Cả Mọi Dân Tộc“, người này tự đồng nhất mình với Đức Maria, và đã đặt mình trước Cây Thánh Giá cũng như đã nói với „Nữ Thị Nhân“ Ida Peerdemann những lời sau đây:

Chúa Con đã đến thế giới với tư cách là Đấng Cứu Độ con người. Công trình cứu độ chính là Thánh Giá. Ngài được Chúa Cha sai đến. Nhưng giờ đây Chúa Cha và Chúa Con muốn sai Đức Trinh Nữ đến với toàn thế giới. Đức Trinh Nữ vừa xuất hiện trước Chúa Con và cũng vừa xuất hiện sau Chúa Con. Vì thế, giờ đây Mẹ đứng trên thế giới, trên quả địa cầu. Thánh Giá đứng ở đó, được trồng xuống và được neo chặt ở đó. Giờ đây người Trinh Nữ đặt mình vào đàng trước cây thập Giá đó với tư cách là Mẹ của Chúa Con, Đấng đã cùng với Chúa Con hoàn thành công trình cứu chuộc. Hình ảnh này trình bày một ngôn ngữ rõ ràng, và giờ đây nên được mang vào thế giới, vì thế giới tái cần tới Thập Giá. Nhưng Đức Trinh Nữ đứng trước cây Thập Giá với tư cách là Đấng Đồng [Công] Cứu Chuộc và là Đấng nguyện giúp cầu thay.“

Ở đây chúng ta nên làm sáng tỏ hai điều:

1.Chúa Ki-tô hiện hữu trước: Với tư cách là Con Thiên Chúa, Chúa Ki-tô hiện hữu trước mọi thời đại (trước cả mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài): „Trước khi có Áp-ra-ham, thì tôi đã hiện hữu“ (Ga 8,58) – Chúa Giê-su đã nói về chính Ngài như thế. Ngài là Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, tuyệt đối không có chuyện một „Trinh Nữ“ nào đó, kể các Đức Maria, đã xuất hiện trước Ngài, vì Đức Maria cũng chỉ là một thụ tạo, xuất hiện trong thời gian; trái lại, Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa, được sinh ra bởi Thiên Chúa Cha trước mọi thời đại.

2.Hình ảnh về một Trinh Nữ tự đặt mình trước cây Thánh Giá, vì người Trinh Nữ ấy cho rằng mình „đã hoàn tất công trình cứu chuộc cùng với Chúa Con“, là điều vô cùng phi lý xét theo quan điểm Thần Học. Hình ảnh ấy mâu thuẫn với cả hình thức lẫn nội dung của Kinh Thánh, vì Kinh Thánh thuật lại rằng, Đức Maria đứng dưới chân Thập Giá, khi Người Con Thần Tính của Mẹ, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại, tự hiến bản thân mình để cứu độ thế giới.

Quan điểm về một „tình trạng đồng cứu độ“ cách trực tiếp và thực tế của Đức Trinh Nữ không thuộc về Thánh Mẫu Học có tính truyền thống của Giáo hội; mãi cho tới giữa thời Trung Cổ cũng chưa thấy ai nói đến khái niệm „Đồng Công Cứu Chuộc“. Khái niệm này mới chỉ xuất hiện cách mạnh mẽ kể từ khi bắt đầu thời hiện đại.

Vào giữa và cuối thời Trung Cổ, Thánh Mẫu Thiên Chúa được tôn kính cách đặc biệt với tư cách là Đầng cầu Thay Nguyện Giúp, Đấng Bầu Cử, và Đấng Phù Hộ các Tín Hữu. Ngoài ra, Mẹ còn được tôn kính như là Đức Mẹ Mang Áo Choàng Bảo Vệ, và thường là Người Đồng Khổ Đau, Người Mẹ Đau Khổ dưới chân Thập Giá hay trước huyệt mộ: Chúng ta hãy nghĩ tới vô vàn những bức tượng Pieta (Đức Mẹ Sầu Bi) trong các nhà thờ và các nhà nguyện, những bức tượng ấy mô tả Đức Maria đang ôm xác con mình trong lòng.

Một đại Thần Học Gia Dòng Phan-xi-cô, đó là Thánh Bô-na-ven-tu-ra Tiến Sĩ Hội Thánh, thường thích mô tả Mẹ Thiên Chúa như là Nữ Trạng Sư, tức là „Luật Sư, người biện hộ cho nhân loại.“

Trong truyền thống Giáo hội, nếu có thì cũng không mấy ai sử dụng tước hiệu „Đồng Công Cứu Chuộc“. Và chắc chắn, tước hiệu này không được sử dụng một cách liên tục và bền vững trong việc giảng dậy Giáo Lý, hoàn toàn không xuất hiện trong truyền thống các Tông Đồ, hay ít nhất là trong thời Giáo hội sơ khai, chẳng hạn như thời các Giáo phụ hay cuối thời cổ đại.

Nhưng để có thể tuyên bố thành tín điều, thì một sự gắn kết như thế, tức một sự liên tục và liền mạch từ thời các Tông Đồ, hoặc ít nhất là từ thời các Giáo Phụ cho tới tận ngày nay, không chỉ là điều đáng mong ước, mà còn là điều cần thiết và bắt buộc. Không có một truyền thống đáng tin cậy cho tới tận thời đầu của Giáo hội, thì sẽ không có cách nào có thể có được một tín điều.

Nguyên tắc rất nổi tiếng mà Thánh Vinh-sơn Lerin, Tiến Sĩ Hội Thánh đưa ra, vẫn còn có nguyên hiệu lực đối với toàn bộ Đức Tin Công Giáo. Thánh Nhân nói: „Công Giáo là điều mà nó được tin luôn luôn, được tin ở khắp mọi nơi, và được tin bởi tất cả.“ cụm từ „Công Giáo“, theo nghĩa đen, có nghĩa là „bao gồm tất cả“.

Khi chứng kiến „Kết Quả từ Truyền Thống“, thì một Tín Điều về „Đức Maria Đồng Công Cứu Chuộc“ xem ra không thể xảy ra.

Hồi giữa thế kỷ 18, Thánh Vụ (tiền thân của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày nay) còn dứt khoát cấm chỉ việc  sử dụng khái niệm „Đồng Công Cứu Chuộc Nhân Loại“ trong mục kiểm duyệt một tạp chí của Dòng Phan-xi-cô. Nhưng sau đó thì người ta lại được phép sử dụng tước hiệu này. Tuy nhiên, cho tới nay, tước hiệu này cũng vẫn chưa bao giờ được sử dụng trong các văn bản chính thức của huấn quyền Giáo hội.

Nhưng dù sao, qua việc tham dự vào với công trình cứu chuộc của Thiên Chúa, bắt đầu từ việc Mẹ cưu mang Con Thiên Chúa cách siêu nhiên, cho tới khi Mẹ trung thành đứng dưới chân Thập Giá, Đức Maria hoàn toàn có công trong công trình Cứu Chuộc; vì thế, Đức Maria cũng đồng thời là mẫu gương hoàn mỹ, cũng như là nguyên mẫu của Giáo hội – và là Mẹ thiêng liêng của các Ki-tô hữu.

Trong sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, số 967, có viết rằng, Đức Maria đã „hoàn toàn ưng thuận“ với công trình cứu chuộc của Con Mẹ; vì thế, Mẹ trở thành „mẫu gương của Đức Tin và Đức Ái“, và do đó, trở thành „nguyên mẫu của Giáo hội“.

Trong các trình bày của Giáo hội về Đức Maria, vấn đề đã được làm sáng tỏ rằng, trong mức độ của một thụ tạo, Đức Maria đã được phép tham dự vào với công trình cứu độ đời đời – tuy nhiên, trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa Ki-tô, và được tạo điều kiện nhờ vào ân sủng của chính Thiên Chúa; do đó, chẳng còn nghi ngờ gì nữa, Thánh Mẫu Thiên Chúa chính là „nữ trợ tá“ và là „cộng tác viên“ tuyệt vời nhất của Đấng Cứu Độ chúng ta.

Tuy nhiên, bản thân Đức Maria cũng là một người được cứu độ, nhưng Mẹ là người được cứu độ trước, là người được cứu độ đầu tiên và là người đã được cứu độ một cách hoàn toàn của Giao ước mới nhờ vào sự thụ thai vô tì vết của Mẹ trong một cách thế vô tiền khoáng hậu – và như thế, Mẹ có được địa vị cao nhất trong số tất cả những người được cứu độ, nhưng điều đó hoàn toàn không thay đổi chuyện Mẹ cũng thuộc về một nhân loại cần được cứu độ. Điều này đã trở nên rõ ràng một cách đặc biệt trong Tín Điều về sự thụ thai Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đây là nguyên văn của Tín Điều vừa nói:

Giáo Lý về việc Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria được ngăn ngừa khỏi mọi tì vết của tội Nguyên Tổ ngay từ khoảnh khắc đầu tiên Mẹ được thụ thai, nhờ vào một ân sủng đặc biệt, cũng như nhờ vào sự thưởng công của Thiên Chúa toàn năng vì công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ nhân loại, là Giáo Lý được mạc khải bởi Thiên Chúa, và vì thế phải được tin tưởng một cách chắc chắn và bất di bất dịch bởi tất cả mọi tín hữu“ (H.Dz 2803).

Với Tín Điều trên, Giáo hội đã làm sáng tỏ rằng, đặc ân được thụ thai Vô Nhiễm Nguyên Tội là một hành vi đặc biệt của ân sủng Thiên Chúa, mà hành động đó đã diễn ra nhờ vào „công nghiệp của Chúa Ki-tô“, Đấng Cứu Độ nhân loại – và đặc biệt là Đấng Cứu Độ của Đức Maria, Thân Mẫu của Ngài.

Đức Mẹ đã rất ý thức về hồng ân cao cả ấy như Kinh Thánh đã làm chứng, vì trong lời Kinh Ngợi Khen đầy lòng biết ơn của Mẹ, tức Kinh Magnificat, Mẹ đã reo mừng vì „Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi“ (xc. Lc 1,47).

Đấng Hằng Hữu cũng là Đấng Cứu Độ của Mẹ, trong khi Mẹ ý thức mình là „Nữ Tì hèn mọn của Chúa“ (Lc 1,48), và luôn luôn tham chiếu về Chúa Ki-tô, ngay cả trong tiệc cưới Cana, khi Chúa Giê-su thực hiện dấu lạ chính thức đầu tiên của Ngài, bằng cách là Ngài đã biến nước lã thành rượu nho (xc. Ga 2,1-12).

Trước đó Mẹ đã nói với những viên đầy tớ: „Người bảo sao, các anh cứ làm như vậy!“ (Ga 2,5). Căn bản mà nói, lời vừa rồi của Đức Maria chính là kim chỉ nam cho tất cả mọi hoạt động rao giảng Tin Mừng của Giáo hội: Chúa Ki-tô bảo sao, thì hãy làm như vậy!

Đối với Đức Mẹ, tước hiệu „Đồng Công Cứu Chuộc“ là điều quá đáng, rất dễ gây hiểu lầm và cần phải được dẫn giải một cách phức tạp – và nó có thể dễ dàng tạo ra sự lầm lạc, ấy là chưa nói đến chuyện, hành vi cứu độ duy nhất của Chúa Ki-tô, của Con Thiên Chúa, sẽ bị đặt thành vấn đề với tước hiệu này, ít nhất là ở mức độ gián tiếp, chẳng hạn như: nếu Đức Maria đồng công trong công trình cứu chuộc, thì Chúa Ki-tô chỉ được một nửa công trong công trình đó thôi sao? 

Dĩ nhiên, một số nhân vật cao cấp trong Giáo hội hay một số Thần Học Gia thì lại nhìn vấn đề này theo một hướng khác: có lẽ một số vì sự gắn bó với „các sứ điệp“ của Amsterdam, còn số khác thì dựa trên những suy từ Thần Học có tính suy đoán.

Một số người, chẳng hạn như Đức Cha Klaus Küng Giám Mục Giáo phận St. Pölten, đã ra sức bảo vệ cho tước hiệu „Đồng Công Cứu Chuộc“. Vào ngày 22 tháng 08 năm 2009, trong một bài giảng tại khu hành hương Đức Mẹ nổi tiếng Mariazell, Ngài đã giải thích rằng, Mẹ Thiên Chúa đáng được đón nhận tước hiệu „Đồng Công Cứu Chuộc“.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI thì lại đánh giá khác về tước hiệu trên. Thực ra, Ngài hoàn toàn coi trọng những nỗ lực đầy thiện chí cũng như chủ đích của những người cổ vũ cho tước hiệu „Đồng Công Cứu Chuộc“, tuy nhiên, mặc dù ý định rất tốt, nhưng cách thực hành thì không luôn luôn tốt.

Trong một cuốn sách được xuất bản vào năm 2000 với tựa đề là „Thiên Chúa và thế giới“, ở chương nói về „các tín điều“, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger hồi đó cũng đã bàn tới đề tài „Đức Mria là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc“ (Taschenbuch-Ausgabe: S. 329 f):

Câu trả lời của Thánh bộ Giáo Lý Đức Tin cho vấn đề đó là thế này, điều mà nó được nghĩ tới liên quan đến tước hiệu trên, đã được trình bày với một cách thức đặc biệt trong các tước hiệu khác của Đức Maria rồi, trong khi công thức „Đồng Công Cứu Chuộc“ lại quá xa vời với ngôn ngữ của Kinh Thánh và của các Giáo Phụ, và vì thế, sẽ gây ra những hiểu lầm.

Vậy chính xác là gì? Thưa, chính xác là Chúa Ki-tô không chỉ dừng lại bên ngoài chúng ta hay bên cạnh chúng ta, nhưng Ngài hình thành nên một sự hiệp thông mới và sâu xa với chúng ta. Tất cả những gì là của Ngài thì cũng sẽ là của chúng ta; và tất cả những gì là của chúng ta, thì Ngài cũng đều đã đón nhận hết, và như thế, cũng sẽ là của Ngài:

Sự trao đổi vĩ đại này chính là nội dung thực sự của ơn cứu độ, là sự giới hạn cái TÔI và là sự bước vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Vì Đức Maria chính là hình ảnh tiên trưng của Giáo hội, và có thể nói được rằng, Mẹ chính là hiện thân của Giáo hội, nên việc „Đồng“ này đã được hiện thực hóa trong Mẹ để làm mẫu.

Nhưng về sự „Đồng“ này, người ta không được phép quên đi tính cách „Trước Tiên“ của Chúa Ki-tô. Tất cả đều đến từ Ngài, giống như thư gửi tín hữu Ê-phê-sô và thư gửi tín hữu Cô-lô-sê đã nói cách đặc biệt về điều đó; Đức Maria cũng là tất cả những gì mà Mẹ là, nhờ vào Ngài.

Đối với những gì thuộc về Đức Tin, thì sự liên tục và liền mạch với ngôn ngữ của Thánh Kinh và của các Giáo Phụ chính là điều căn bản; ngôn ngữ không được phép tùy ý gây tác động.“

Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato, Tổng trưởng Thánh Bộ Phong Thánh của Giáo Triều Rô-ma, cũng có cái nhìn tương tự như cái gì của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Avvenire của Ý hồi tháng 07 năm 2008, Đức Hồng Y Amato (lúc đó vẫn còn là Tổng Giám mục) đã giải thích rằng, việc công bố tín điều Đức Maria là „Đấng Đồng Công Cứu Chuộc“, vừa không thích hợp với Kinh Thánh, lại cũng không thích hợp với truyền thống của các Giáo Phụ, và không thích hợp với quan điểm Thần Học nói chung.

Tại Công Đồng Vatican II, khoảng 500 Nghị Phụ đã ủng hộ việc trình bày Đức Maria như là „Mediatrix“ (Nữ Trung Gian), và có khoảng 50 Nghị Phụ lại muốn trình bày Đức Mẹ như là „Coredemptrix“ (Đấng Đồng [công] Cứu Chuộc). Rốt cục, trong Hiến Chế Lumen Gentium, Công Đồng Vatican đã sử dụng tới 60 lần tước hiệu „Mediatrix“ (Nữ Trung Gian) để nói về tư cách trung gian của Đức Maria. Trong Thông Điệp Redemptoris Mater, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã sử dụng thuật ngữ „Tư cách trung gian trong Chúa Ki-tô“ tới 38 lần. Tuy nhiên, cụm từ „Coredemptrix“ (Đấng Đồng [công] Cứu Chuộc) chưa một lần được sử dụng bởi Công Đồng Vatican II cũng như bởi Huấn Quyền của Giáo hội.

(Trình bày theo Felizitas Küble, Giám đốc diễn đàn Christoferus Münster)

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

 


simonhoadalat.com - Thánh Mẫu Học