ĐỨC GH BÊNÊĐÍCTÔ XVI:

CON NGƯỜI VÀ CUỘC SỐNG.

CHƯƠNG TRÌNH  MỘT NGÀY LÀM VIỆC.

 

          

 

CON NGƯỜI và CUỘC SỐNG.

(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)

(Phỏng theo Marta Largo, “BENEDICT, AS SEEN UP CLOSE”  trong Zenith News Agency, ngày 23/5/2008).

 

Một lòng yêu mến Chúa

 

Theo Đức Hồng Y José Saraiva Martins, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, vị Hồng Y đã từng cộng tác rất gần gủi với Đức Bênêđíctô, thì nếu chúng ta  muốn hiểu được nhân vật “Joseph Ratzinger” như một người thường và như một vị Giáo Hoàng, thì “chúng ta phải để ý đến lòng yêu mến Chúa của Ngài”.

 

Hôm Thứ Ba ngày 20/5/2008, trong khi tham dự cuộc ra mắt cuốn sách “BENEDICTUS” do Giuseppe de Carli viết,  Đức Hồng Y Martins nói: Chìa khóa để hiểu được con người và sứ vụ của Đức Bênêđíctô XVI là chính Tình Yêu Chúa; điều đó dễ nhận thấy trong Tông Thư đầu tiên “Thiên Chúa là Tình Yêu” (Deus Caritas Est, God is Love) của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên Đức Hồng y Martins cũng nói rõ thêm là “Tình Yêu” không phải là một  “trạng thái tĩnh”, nhưng là một động lực, một sức mạnh triển nở không ngừng. Thật vậy, Tình Yêu luôn đem lại những nghị lực mới. Tình Yêu đặt ra những “Vấn đề” lớn, và từ đó nảy sinh ra Triết Học và Thần Học.

 

Vị Giáo Hoàng của quần chúng,

 

Cũng theo Đức Hồng y Martins: “cuốn ‘Benedictus’ đã thu thập được những tài liệu nói lên sự hiện diện đang triển nở của Đức Giáo Hoàng trên sân khấu quốc tế của Thiên Niên Kỷ III. Cuốn sách cũng cho thấy làm thế nào, từng bước một, Đức Giáo Hoàng, một cách thận trọng, đang đi sâu vào tâm hồn của quần chúng. Rồi Đức Hồng y Martins nói thêm: “ Ngoài trình độ trí thức sáng ngời của Ngài, Đức Thánh Cha đang trở nên Vị Giáo Hoàng của quần chúng. Quần chúng càng ngày càng nhận ra được những lời nhắn nhủ của Ngài, ngay cả khi những lời đó khó chấp nhận, vì đòi hỏi phải dấn thân”.

 

Vị Hồng Y nói tiếp: “Đức Giáo Hoàng luôn hành động như một người Cha, một người Cha quyết tâm không để cho con cái của mình chìm vào trạng thái tầm thường. Cũng chính tình yêu của một người Cha đã thúc đẩy Ngài chiến đấu không ngừng để chống lại sự thống trị của Lý Thuyết Tương Đối hiện đang lan tràn trong xã hội của chúng ta.”

 

Đức Hồng y Martins còn quả quyết: “Vai trò của Đức Giáo Hoàng trên trường quốc tế không phải chỉ là một sự ‘có mặt’ mà thôi, nhưng là một ‘thực tại’. Ngay cả trước khi Ngài ngỏ lời, sự xuất hiện của Ngài là một  sự ‘mời gọi’ mọi người  hãy biết sống yêu thương và tìm kiếm chân lý. Tuy nhiên, sự ‘hiện diện’ của Ngài trong Giáo hội và trên thế giới không bao giờ là một sự ‘lấn chiếm’. Giọng nói của Ngài không mang một chút gí là ‘kiêu hãnh’, nhưng Ngài vừa thận trọng vừa khiêm tốn, vừa thân tình. Đó là cách mở rộng tâm hồn nhiều người để họ dể dàng đón nhận những lời mời gọi của Ngài”.

 

Tôn trọng truyền thống.

 

Riêng Đức Hồng Y Andrea Condero Lanza di Montezemolo, Tổng Quản Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, thì nói : « Nhớ lại, khi mới được bầu chọn lên Ngôi Giáo Hoàng được hai ngày, chính Đức Giáo Hoàng đã gọi điện thoại bảo tôi giúp Ngài phác họa bộ phẩm phục Giáo Triều làm sao cho đúng mẫu mực truyền thống (Đức Hồng Y Lanza rất thành thạo về các kiểu phẩm phục của Giáo triều). Ngay khi đó tôi nhận ra rằng Đức Giáo Hoàng có đức tính truyền thống; một con người có tinh thần đơn sơ, nhân bản, thành thực, giàu cảm hứng, nhưng cũng rất thận trọng. Đó là do tính quả quyết và chín chắn trong suy tư của Ngài.”

 

Còn Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato, Thơ ký Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin, là một trong những người cộng tác thân cận nhất với Đức Giáo Hoàng khi Ngài còn là Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ này, đã phát biểu : « Đức Giáo Hoàng vẫn sống theo cung cách y như Ngài còn là Hồng Y. Điều mà quý vị thấy nơi Đức Giáo Hoàng bây giờ cũng y như quý vị thấy trước đây khi Ngài còn là Hồng Y Bộ Trưởng Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin: Cùng một con người trí thức, có đầu óc minh mẫn; cùng một tấm lòng nhiệt thành bảo vệ Tín Lý Đức Tin; cùng một con người đơn giản trong giao tiếp; và cũng vẫn là một con người thành thật và khiêm tốn.

 

Nụ cười truyền cảm.

 

Rồi Đức Tổng Giám Mục Amato vừa mở các trang sách của cuốn “Benedictus” vừa nói: “Người ta thấy nơi Đức Giáo Hoàng bốn đức tính trổi vượt: Tươi vui, nhanh trí, quảng tâm, và có nụ cười truyền cảm! Hơn nữa Ngài còn là con người thích đối thoại. Trí óc Ngài rất già dặn qua các năm tháng dài dạy tại các Đại Học, và cũng rất sắc bén qua nhiều cuộc tiếp xúc với các Đức Giám Mục khắp nơi trên thế giới về gặp gở Ngài ở Vatican khi Ngài còn là Bộ Trưởng Bộ Tín Lý. Đúng Ngài là một con người thích đối thoại với dáng vẻ không lạnh nhạt hay lơ là, nhưng luôn niềm nở, thân thiện. Ngài cũng là một nhà trí thức có tấm lòng.

 

Sức mạnh truyền đạt của Ngài xuất phát từ chỗ lới nói của Ngài luôn hợp tình, hợp lý; dù khi Ngài nói về Chúa Kitô, hay khi Ngài trình bày về các chân lý Đức Tin, cũng như khi Ngài phê phán những não trạng quá nệ cổ.

 

Vì Đức tin và Lý trí là đôi cánh đưa chúng ta bay tới Chân Lý, cho nên rõ ràng là Chân lý, Tình yêu Chân lý và sự đề cao Chân lý là những sợi chỉ đan kết đem lại một sự ‘liên tục’ nơi con người Ratzinger, trước đây là Bộ Trưởng Thánh Bộ Đức Tin và bây giờ là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô!”.

 

MỘT NGÀY  LÀM VIỆC

CỦA ĐỨC BÊNÊĐÍCTÔ XVI.

(Linh Mục Trần Đức Phương)

(Phỏng theo Isabelle de Gaulmyn, “A day in the life of the Pope” trong Catholic Digest April 2008).

 

5:30 sáng: Khi công trường Thánh Phêrô còn đang yên tĩnh trong bầu khí buổi sáng sớm của thành Rôma và chờ đợi những đoàn du khách sẽ lần lượt kéo đến, trên tầng thứ ba của tòa nhà nơi Đức Gáo Hoàng cư ngụ và làm việc, người ta thấy ánh sáng đèn bắt đầu chiếu lên; đó là lúc Đức Giáo Hoàng thức dậy và bắt đầu một ngày mới với những giờ phút cầu nguyện và tĩnh tâm sáng.

 

 

7:00 sáng: Đức Giáo Hoàng dâng Thánh Lễ tại nhà nguyện riêng cùng với sự hiện diện của hai Đức Ông Goerg Gaenswein và Alfred Zuereb (hai vị Thư Ký của Đức Giáo Hoàng) và bốn người giúp việc. Thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì thường có thêm một số khách được vào cùng dâng lễ.

 

8:30 sáng: Đức Giáo Hoàng làm việc tại Văn phòng riêng. Nếu trời tốt, cửa sổ nhìn ra công trường Thánh Phêrô sẽ mở (chính từ cửa sổ này, vào mỗi trưa Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng nguyện kinh Truyền Tin cùng với các khách hành hương tụ tập tại công trường Thánh Phêrô phía dưới). Một trong hai Đức Ông Thư ký sẽ đem đến cho Đức Giáo Hoàng tập các văn kiện, bản  tóm lược các tin tức quan trọng trên thế giới,  chương trình làm việc trong ngày, những người Ngài sẽ gặp và những đề tài chính sẽ đề cập đến.

 

11:00 Trưa : Đức Giáo Hoàng xuống phòng tiếp tân ở tầng hai để tiếp các vị thủ lãnh các quốc gia, các vị Giám Mục, các nhân vật quan trọng… đã được sắp xếp theo chương trình. Sau đó Ngài tiếp các khách đến viếng thăm tại thư viện riêng.

 

1:30 Trưa: Đức Giáo Hoàng dùng bửa trưa đơn giản tại phòng ăn ở tầng ba với các viên chức hoặc đôi khi có khách được mời. Sau đó Đức Giáo Hoàng thường chơi Piano, đặc biệt những bản của Mozart, rồi đi dạo một chút trước khi nghỉ trưa.

 

3:30 Chiều: Đức Giáo Hoàng lại làm việc tại văn phòng để duyệt lại các văn kiện và các bài diển văn.

 

Vào Mùa Đông từ 4 :00 dến 4 :45 chiều (vào mùa Hè từ 6 :45 đến 7:30) Ngài ra vườn để  đi dạo với hai vị thư ký.

 

6 :00 Chiều : Ngài gặp gở tại văn phòng riêng, các vị cố vấn thân cận, như các Đức Hồng Y, các Giám Mục Tổng Trưởng, Tổng Thư Ký các Bộ tại Tòa Thánh.

 

7 :30 Tối : Đức Giáo Hoàng ăn bữa tối, xem tin tức trên truyền hình. Sau đó Ngài vào Nhà Nguyện để cầu nguyện trong yên lặng ban đêm.

 

Khi chuông Đai Thánh Đường Thánh Phêrô điểm 11:00 giờ đêm, đèn phòng ngũ của Đức Giáo Hoàng tắt và Ngài bắt đầu nghỉ đêm.

 

 

 


Mục Lục Giáo Hội Hoàn Vũ