CẦU NGUYỆN

THEO LỜI CHÚA DẠY

 

 

XI. CẦU NGUYỆN THEO LỜI CHÚA DẠY

 

Về việc cầu nguyện, những lời dạy của Ðức Giêsu cũng như của các Tông Ðồ thì rất nhiều, rải rác trong cả Tân ước.

 

Trong bài trước, chúng ta đã dựa vào lời Chúa để suy niệm về một hình thức cầu nguyện là cầu nguyện xin ơn, với đặc tính là cầu nguyện nhân danh Ðức Kitô. Trong bài này, chúng ta muốn nêu ra một vài đặc tính quan trọng khác, liên hệ nhiều hơn với con người cầu nguyện. Ðó là phải có sự kiên trì, liên lỉ, và đôi khi có tính cách chiến đấu.

 

1. Cầu nguyện kiên trì

 

* Kiên trì (chuyên cần, bền bỉ, bền đỗ, tuỳ các bản dịch khác nhau) là một đặc tính quan trọng của việc cầu nguyện. Nó là một từ được Tân ước thường xuyên lặp đi lặp lại khi nói về cầu nguyện (x.Cv 1,14; 2,42; Rm 12,12; Cl 4,2 .).

 

Nền tảng của giáo huấn này bắt nguồn từ chính Ðức Giêsu. Chúa đã đưa ra dụ ngôn bà goá quấy rầy quan toà, để minh giải cho lời dạy là "phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18,1).

 

Nhưng minh hoạ rõ nhất cho lời dạy này chính là một câu truyện xẩy ra trong cuộc đời truyền đạo của Chúa: câu truyện người phụ nữ Canaan xin Chúa chữa bệnh cho con gái của bà (Mt 15,21-28). Bà đã khẩn khoản nài xin, không chút nản lòng. Chính vì sự khẩn khoản này mà cuối cùng bà được toại nguyện.

 

Nói "cuối cùng" là vì đầu tiên, sự việc đã diễn ra không suôn sẻ chút nào. Bà đã xin Chúa dủ lòng thương. Biết mình thuộc dân ngoại, bà còn nại đến cả cách người Do Thái gọi Chúa ("Con vua Ðavít") mà kêu xin, mong được Chúa thi ân, như Ngài đã làm cho nhiều người Do Thái. Nhưng đáp lại lời xin này là cả một sự im lặng về phía Chúa. Ngài không nói một lời. Có thể vì sứ vụ của Chúa không phải là dành cho dân ngoại, như lời Ngài nói với các môn đệ sau đó. Có thể đây là một cách Chúa thử lòng tin của bà.

 

Mặc kệ, bà cứ nài nỉ, cứ kêu mãi, còn sụp lạy dưới chân Chúa nữa. Chúa không đáp lại bà đã là gay, bây giờ còn "bồi" thêm một câu thật khó nghe: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con". Khiếp! Thứ ngôn từ phũ phàng làm sao! Tuy người Do Thái gọi dân ngoại là chó, nhưng khi đối mặt, hẳn cũng phải kiêng dè kiểu nói miệt thị này chứ. Thế mà ở đây, không có tránh né nào hết, tuy có giảm đi một chút cứng cỏi (gọi là chó con, thay vì chó). Phải người khác, dám sừng sộ lắm, cho dù đang cần sự giúp đỡ. Nhưng người phụ nữ này thì không. Bà vẫn bình tĩnh thưa lại: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống". Câu đáp thật hay, vừa hợp lý, vừa khiêm tốn, vừa vững lòng tin, vừa đầy hy vọng. Do đó mà bà được như ý. Chính nhờ lòng tin khiêm tốn, thể hiện qua sự van nài bền bỉ, mà bà đã được Chúa nhận lời.

 

Kiên trì kêu xin như thế chẳng những làm cho mình không ở yên, mà khiến cho cả Chúa cũng không thể ở yên. Giống như quan toà, dù bất chính, cũng không thể không hành động trước lời xin lải nhải của bà goá (Lc 18,2tt). Giống như người chủ nhà, mãi rồi cũng phải mò dậy lấy bánh cho người bạn đến xin giữa đêm hôm khuya khoắt (Lc 11,5-8). Cho nên, Isaia ngày xưa đã khuyến cáo dân Chúa: "Các ngươi đừng để Ðức Chúa nghỉ ngơi, bao lâu Người chưa tái lập, chưa đặt Giêrusalem làm lời khen ngợi trên khắp địa cầu" (Is 62,7).

 

* Tại sao phải kiên trì cầu nguyện? Nhưng trước hết, Thiên Chúa có nghe ta không đã? Có chứ. Ðôi khi chúng ta hát Thánh Vịnh: "Ôi lạy Chúa, xin hãy nghe . Hãy lắng tai nghe con van nài .", và có cảm tưởng dường như Thiên Chúa không bao giờ nghe ta. Thực sự Ngài đang nghe. Nếu chúng ta còn tiếp tục cầu nguyện, chính là vì biết Thiên Chúa vẫn nghe. Nếu không, hơi đâu mà cầu mãi.

 

Nhưng giá Thiên Chúa nhận ngay lời ta kêu xin, có phải khoẻ hơn không, cho cả Ngài lẫn chúng ta. Ngài thì khỏi phải nghe nhức óc (x.Lc 18,5). Ta thì khỏi phải nói mỏi mồm (nếu là khẩu nguyện). Hơn nữa, trong sách Isaia, chính Thiên Chúa cũng đã hứa: "Trước khi chúng kêu Ta, chính Ta đã đáp lời, chúng còn đang nói, thì Ta đã nghe rồi" (Is 65,24). Thiên Chúa nhận lời cả lúc ta chưa xin xong. Còn trong dụ ngôn quan toà bất chính, Ðức Giêsu quả quyết: "Thày nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ" (Lc 18,7).

 

Thiên Chúa là Ðấng trung tín, đã hứa nhận lời thì chắc chắn nhận lời. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt. Nhận lời hoặc nhận lời ngay hay không, còn tuỳ. Tuỳ vào lời người ta kêu xin hoặc tuỳ vào nhu cầu đích thực của họ (tức ơn cứu độ). Nếu là về ơn cứu độ của người xin, và ơn cứu độ này phải là ước muốn sâu xa của người xin, Thiên Chúa luôn luôn nhận lời. Chẳng hạn khi ta xin Ngài ban Thánh Thần (Lc 11,13) [Theo J.Jeremias, sự lành mà Thiên Chúa ban cho những ai xin, như nói trong Mt 7,11, cũng chính là Thánh Thần nói trong câu trên của Luca, x.Les paraboles de Jésus, Mappus 1962, p.148]. Còn nếu là về ước muốn nhất thời, và ước muốn này có thể không tốt cho ta, thì Thiên Chúa không luôn nhận lời.

 

[Cầu xin theo kiểu một bài hát của Phạm Duy: "Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu" (hoặc: "Amen, con lạy Chúa Trời, Xin cho bên đạo bên đời lấy nhau"), thì chắc gì Chúa cho. Yêu mà người kia không yêu thì cho lấy nhau sao được?].

 

Khổ nỗi, mỗi khi xin điều gì, ta đều cho điều đó là tốt, là cần. Nhưng đó là suy nghĩ của con người, chứ không phải của Thiên Chúa (x.Is 55,8).

 

Chúng ta phải xác tín rằng Thiên Chúa luôn ban sự lành cho những ai xin (Mt 7,11), và Ngài thực hiện tất cả những gì chúng ta xin "theo ý Ngài" (1Ga 5,14). Ngài không ban cho ta điều không theo ý Ngài. Ngài cũng không ban điều không phải là sự lành cho ta.

 

Thế nhưng, ngay cả trong việc ban điều lành, Thiên Chúa cũng có thể trì hoãn. Ở đây, chúng ta không chỉ biết mở miệng xin, mà còn phải biết mở mắt nhìn. Chúa không giúp đỡ ngay, chính là một cách giúp đỡ ta. Trì hoãn là một sự giúp đỡ đấy! Chúa muốn làm cho đức tin của ta mạnh lên. Ngài đưa ta tới chỗ biết cầu xin những gì tốt hơn. Trong thực tế, khi bắt đầu cầu nguyện, ta thường xin những điều nhỏ nhặt liên hệ đến cuộc sống hiện tại, của riêng ta hay của một/vài người nào đó. Ta không biết hay không nghĩ đến những điều thực sự quan trọng. Sự trì hoãn của Chúa giúp ta dần dần nhận ra những nhu cầu đích thực, nhu cầu về Thiên Chúa, về Giáo Hội, về đức tin, đức mến, đức khiêm nhường. hơn là những giá trị vật chất. Như thế là Ngài làm cho tâm hồn ta được rộng mở, để Ngài có thể ban ơn theo mức độ xứng với nó.

 

Hãy nhớ lại mẫu gương của người phụ nữ Canaan. Nếu Ðức Giêsu nhận lời ngay từ lần xin đầu tiên của bà, thì cũng được thôi. Con bà được khỏi bệnh. Nhưng mọi sự rồi lại tiếp tục như trước, như bao người khác, đâu hoàn đấy. Ngược lai, khi không nhận lời ngay, lại còn đưa ra những thử thách, Chúa làm cho lòng tin khiêm hạ của bà lớn thêm, cho đến lúc Ngài phải vui mừng thốt lên: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật". Kết quả là khi trở về nhà, bà không chỉ thấy con mình khỏi bệnh, mà còn thấy bản thân mình biến đổi: bà đã tin và trở thành một trong những tín hữu đầu tiên thuộc dân ngoại. Ở một mức độ nào đó, có thể áp dụng cho người phụ nữ này lời Chúa nói về người phụ nữ xức dầu cho Ngài tại nhà ông Simon Cùi ở Bêtania: "Thầy bảo thật anh em, khắp thế gian, Tin Mừng này được loan báo tới đâu, người ta cũng kể lại việc bà vừa làm mà nhớ tới bà" (Mt 26,13).

 

Một giá trị như thế sẽ mãi mãi tồn tại. Phần ta, khi không được nhận lời ngay, cứ kiên trì cầu xin, ta cũng sẽ được như vậy.

 

2. Cầu nguyện liên lỉ

 

* Liên lỉ cũng là một đặc tính đáng lưu ý của việc cầu nguyện. "Phải cầu nguyện luôn", như lời nhắc nhở khởi đầu dụ ngôn đã nói trên (Lc 18,1). Phaolô đã lặp lại ý này khi khuyên các tín hữu Thessalonica: "Hãy cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh" (1Tx 5,17-18)

 

Giáo huấn trên đây giúp chúng ta vượt qua một quan niệm vụ nghi thức hay vụ luật nào đó về cầu nguyện, tức là chỉ cầu nguyện vào những lúc ấn định rõ, ở những nơi xác định rõ. Cầu nguyện liên lỉ là một hành vi căn bản, một định hướng thường hằng, một sinh hoạt bộc phát. Hô hấp cần thiết tuyệt đối cho đời sống con người là điều ai nấy đều biết. Ngưng thở một lúc là chết. Từa tựa như vậy là cầu nguyện đối với đời sống thiêng liêng.

 

Có lần Phêrô hỏi Chúa xem phải tha thứ cho anh em bao nhiêu lần. Chúa trả lời cho ông: Phải tha thứ luôn (x.Mt 18,22). Tha không giới hạn, tha không điều kiện. Bởi lý do để tha thứ không ở nơi người có lỗi, cũng không ở nơi người bị xúc phạm, nhưng ở nơi tình thương của Thiên Chúa. Mà Thiên Chúa thì vẫn hằng tha thứ. Nếu chúng ta có hỏi Chúa xem phải cầu nguyện bao nhiêu lần, Ngài cũng sẽ trả lời: Phải cầu nguyện luôn. Hỏi xem cầu nguyện với Chúa bao nhiêu lần một ngày không khác gì hỏi xem yêu mến Ngài bao nhiêu lần một ngày. Chết! Tình yêu đâu có chấp nhận tính toán kiểu đó. Người ta có thể yêu nhiều hay ít, với ý thức sâu sắc nhiều hay ít về tình yêu của mình, chứ không thể lúc yêu lúc không, theo những khoảng thời gian ít nhiều đều đặn : giờ này thì yêu, giờ sau nghỉ cho khoẻ, giờ kế tiếp lại yêu. Yêu chi lạ vậy? Về việc cầu nguyện cũng thế thôi.

 

* Ðể thực hành việc cầu nguyện liên lỉ, các kitô hữu Ðông phương sử dụng lời kinh Ðức Giêsu, tức lời kêu cầu danh Ðức Giêsu ("Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con"), theo cách van xin của người mù Bartimê (Mc 10,47-48) đã nói trong bài trước. Họ thường xuyên đọc lời này với cả trí lòng, tin chắc Chúa sẽ hiện diện mọi nơi, mọi lúc, thậm chí cả trong giấc ngủ. Người nào quen đọc lời kêu xin này sẽ cảm thấy được an ủi lớn lao, do đó sẽ thường xuyên sử dụng nó. Sau một thời gian, người ấy có cảm giác không thể sống mà không có nó.

 

Ở mức độ cao nhất, hình thức cầu nguyện này làm cho người ta dần dần dẹp bỏ mọi suy tưởng, để chỉ còn có một hoạt động duy nhất trong tâm trí là cầu nguyện. Phương thế của nó là tỉnh thức và tránh xa những gì không dẫn tới Chúa. Hoa quả của nó là tấm lòng trong sạch. Lời kinh này đã giúp cho rất nhiều tâm hồn, nhất là các đan sĩ, kết hợp với Chúa ngay từ đời này.

 

Bên Tây phương, thánh Augustinô đã đưa ra một nguyên tắc về việc cầu nguyện liên lỉ, mềm dẻo hơn, nên vừa tầm với mọi người hơn. Theo ngài, bản chất của cầu nguyện là khao khát. Có khao khát liên lỉ mới cầu nguyện liên lỉ. Không khao khát liên lỉ, thì dù có đọc kinh liên hồi, ta vẫn là người "câm lặng" trước mặt Chúa. Sự khao khát này bao gồm ký ức, hoài niệm, hướng vọng về Thiên Chúa, về Nước Chúa. Nó vẫn có thể nồng cháy ngay cả khi ta buộc phải chuyên chú vào những công việc khác.

 

* Việc cầu nguyện liên lỉ giúp ta thường xuyên hướng lòng trí lên tới Chúa. Chủ yếu là cầu nguyện trong lòng, nhưng môi miệng cũng có thể tuỳ nghi tham dự vào đó, bằng cách lặp đi lặp lại một lời, chẳng hạn một lời kêu cầu vắn tắt nào đó. Thiếu gì những lời như vậy trong Phúc Âm: "Lạy Thày, xin cứu con" (Mt 14,30), "Lạy Ngài, xin cho mắt chúng tôi được mở ra" (Mt 20,33), "Thưa Thày, xin thêm lòng tin cho chúng con" (Lc 17,5).

 

Học về địa lý hình thể, ta biết có những dòng sông, khúc này lộ thiên, khúc khác chảy ngầm. Gặp lớp đất cứng, chúng chảy trên mặt. Gặp lớp đất mềm, nước thấm xuống sâu, chảy ngầm ở dưới, cho đến khi lộ ra ngoài. Việc cầu nguyện liên lỉ ở đây cũng như thế. Có những lúc không vướng mắc việc gì, ta được thảnh thơi, thì nó lộ ra ngoài thành việc cầu nguyện làm với tất cả ý thức. Còn khi ta bận bịu với công việc, với trách nhiệm, nó lại chìm sâu trong lòng, âm thầm chảy trong đó, như một trương lực vô hình của tình yêu hướng về Chúa, và sẵn sàng lộ ra khi có dịp. Do đó thật không ngoa khi cho rằng việc cầu nguyện vẫn có thể tiếp tục ngay cả trong giấc ngủ, như lời của cô nàng trong sách Diễm ca: "Tôi ngủ nhưng lòng vẫn thức" (Dc 5,2). Mắt nhắm nhưng lòng vẫn luôn mở cho người tình, vì yêu.

 

Nhưng cũng cần lưu ý điều này : Cho dù có tình trạng cầu nguyện liên lỉ, vẫn phải ấn định thời giờ dành riêng cho việc cầu nguyện minh nhiên. Phải có điểm hẹn đặc biệt cho Chúa.

 

Cứ xem gương của Ðức Giêsu. Ngài hằng hướng về Chúa Cha, kết hợp mật thiết với Chúa Cha, tức là có một đời sống cầu nguyện liên lỉ. Lại có những lần Ngài trải qua suốt đêm để cầu nguyện, chẳng hạn trước khi tuyển chọn 12 Tông Ðồ (Lc 6,12). Vậy mà Ngài vẫn vào hội đường hay Ðền thờ để cầu nguyện cùng với những người khác. Cũng như mọi người Do thái đạo đức, mỗi ngày Ngài đều đọc kinh nguyện vào lúc mặt trời mọc, sau trưa vào giờ hiến lễ chiều, và khi mặt trời lặn.

 

Truyền thống kinh nguyện kitô giáo đã rập theo khuôn mẫu đó. Giáo Hội hiện nay vẫn rập theo khuôn mẫu đó, với các Giờ Kinh Phụng Vụ chia đều trong ngày, chưa kể những việc đạo đức khác được ấn định, đặc biệt trong các cộng đồng tu sĩ.

 

Về điều này, thánh Augustinô đã viết như sau: "Chính trong lòng tin cậy mến, bằng ước muốn liên lỉ, mà chúng ta cầu nguyện luôn, nhưng chúng ta cũng dùng lời nói mà dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin vào những khoảng thời gian và hoàn cảnh ấn định. Ðiều này nhằm làm cho chúng ta, qua những dấu hiệu cụ thể, biết được, hiểu được mình đã tiến tới thế nào trong niềm khao khát Thiên Chúa, và để khích lệ chúng ta làm cho ước muốn đó tăng triển hơn nữa".

 

3. Cầu nguyện chiến đấu

 

Biết những lời dạy về cầu nguyện là một chuyện, trung thành thực hiện và làm tốt nó lại là chuyện khác.

 

Cầu nguyện cũng như cuộc đời con người, lúc thăng, lúc trầm, lên voi mà cũng có thể xuống chó. Hay như bốn mùa của thời tiết: xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn. Nếu sớm muộn gì thiên nhiên cũng sẽ đi vào mùa đông, thì một lúc nào đó, việc cầu nguyện cũng có thể đi đến chỗ tàn tạ. Lúc ấy, cầu nguyện thật nặng nề, chán nản. Nó trở thành một cuộc chiến đấu gian khổ, nhọc nhằn. Nó không còn là một dòng sông khoáng đạt, nhưng là một thứ nước trong giếng sâu, phải dùng xô mà kín múc từ đáy, bằng sức mạnh của đôi tay, mà một phần lại rơi rớt trên đường. Têrêxa Giêsu đã so sánh như vậy.

 

Một Viện phụ ngày xưa, khi được các tu sĩ hỏi: "Thưa cha, trong cuộc đời, nhân đức nào đòi hỏi nhiều cố gắng nhất?", thì đã trả lời: "Tin cha đi, không có gì đòi hỏi nhiều cố gắng bằng cầu nguyện. Vì mỗi lần người ta muốn cầu nguyện là các kẻ thù đều tìm cách xoay họ sang chuyện khác. Quả thực, kẻ thù biết rằng người ta chỉ có thể chống lại nó nếu người ta cầu nguyện với Thiên Chúa. Cho nên nó phải cám dỗ ta đừng cầu nguyện. Do đó, việc cầu nguyện đòi hỏi ta chiến đấu chống lại nó đến hơi thở cuối cùng" (Apophtegmes des Pères).

 

* Có nhiều hình thức chiến đấu khác nhau trong cầu nguyện. Hình thức đầu tiên là chống lại sự chia trí. Loại đạo đức "thường thường bậc trung" như ta, thường xuyên chia trí không nói làm gì. Chính các thánh, các nhà thần bí cũng đã từng có kinh nghiệm về nó. Têrêxa Giêsu thừa nhận: "Có những lúc tôi không có lấy một ý tưởng chính xác hay hợp lý nào về Thiên Chúa hoặc về bất cứ sự lành nào. Tôi không thể cầu nguyện dù đang ở nơi cô tịch . Trí khôn thì lang thang đến nỗi giống như một người điên nổi khùng không ai kìm giữ được. Vì vậy, tôi bất lực, không thể cầm trí ngay cả trong khoảng thời gian đọc kinh Tin Kính". Thì ra, trong vấn đề này, xác đất vật hèn đều ít nhiều như nhau cả.

 

Cầu nguyện mà chống lại chia trí cũng giống như người đi biển trên một chiếc thuyền thủng lỗ. Suốt cuộc hành trình, người ấy chỉ lo mỗi một chuyện là tát nước. Bởi ngừng tay thì đến một lúc nào đó, nước vào nhiều, thuyền chìm nghỉm là cái chắc. Thành ra, chẳng còn giờ ngắm cảnh trời nước bao la, chẳng còn lúc thư thả câu lấy một con cá!

 

Chúng ta cầu nguyện là để hưởng nếm Chúa, chiêm ngắm những kỳ công tuyệt diệu của Ngài, lắng nghe lời Ngài, khám phá những điều mới lạ nơi Ngài và nơi ta. Nhưng không được nữa rồi. Bao nhiêu chuyện vớ vẩn xâm nhập tâm trí, lôi kéo ta chú ý đến chúng. Làm công việc liên tục "tát" chúng ra ngoài vừa mệt nhọc, vừa không đạt được mục tiêu của việc cầu nguyện.

 

Ðể chống lại chia trí, cần tỏ ra kiên nhẫn, can đảm. Cũng đừng vì chia trí mà cho rằng tiếp tục cầu nguyện là vô ích. Hãy tìm cách khiêm tốn sửa trị.

 

Có người đọc một lời kinh ngắn, một lời nguyện tắt (oraison jaculatoire : jaculatoire do tiếng la tinh là jaculum, cái lao). Ðó là những lời kinh giống như ngọn lao có thể phóng thẳng tới Thiên Chúa.

 

Có người đọc một lời kinh quen thuộc, vốn được ưa thích. Têrêxa Hài Ðồng Giêsu viết: "Ðôi lúc, khi tâm trí tôi rơi vào tình trạng khô khan, đến nỗi không thể nào rút ra được một ý tưởng giúp kết hợp với Chúa, thì tôi đọc thật chậm kinh Lạy Cha, sau đó là kinh Truyền Tin. Khi ấy, những kinh đó làm tôi vui say, nuôi dưỡng tâm hồn tôi hơn là nếu tôi đọc những kinh đó hàng trăm lần cách vội vàng".

 

Có người thay đổi dáng điệu cử chỉ của thân xác (ngồi, đúng, quỳ, phủ phục, khoanh tay, chắp tay, giang tay, cúi đầu, ngước mắt .). Không nên coi thường cách cầu nguyện bằng thân xác, vì hành vi gợi lên tình cảm. Hơn nữa, ý muốn truyền cho tâm trí thì tâm trí khó tuân phục, nhưng truyền cho thân xác thì thân xác dễ tuân phục. Vậy ý muốn phải sử dụng thân xác để lôi kéo tâm trí trở lại.

 

Mỗi người có một phương thế. Có phương thế chống chia trí khi cầu nguyện riêng. Có phương thế chống chia trí khi cầu nguyện chung. Nhưng không một phương thế nào hoàn hảo, và có thể chiến thắng chia trí trong mọi trường hợp. Và khi phải chiến đấu mà lắm lúc thất bại, ta sẽ nhận ra rằng, nếu có những lúc cầu nguyện sốt sắng, thì đó hoàn toàn là do ơn Chúa.

 

Cho dù cầu nguyện trong tình trạng ấy không thu được lợi ích bao lăm, điều quan trọng là không được nhận mình thất bại. Không từ bỏ việc cầu nguyện để lao vào những công việc khác. Cám dỗ này không hiếm đâu nha! Nếu muốn là những người cầu nguyện chuyên cần và liên lỉ, cứ lưu lại ở nơi cầu nguyện, lưu lại trong cầu nguyện. Ðây không phải là chuyện giả hình. Chúa biết ta có thể đi làm những việc khác ích lợi hơn, hoặc ta thích hơn. Nhưng dù cầu nguyện lúc này cơ hồ vô tích sự, ta cứ ở lại cho hết thời gian đã ấn định hoặc do ta tự ý dành cho Ngài. Chỉ nguyên hành vi này đã là một sự hy sinh dâng cho Chúa.

 

Ðể trả lời cho một môn sinh than phiền là hay lo ra, chia trí khi cầu nguyện, một tu sĩ ngày xưa đã nói: "Tư tưởng của con rong chơi chỗ nào mặc nó, nhưng thân xác con thì đừng ra khỏi phòng". Lời khuyên này không có giá trị đối với ta hay sao, khi ta ở trong tình trạng chia trí liên miên, ngoài tầm kiểm soát của mình ? Tư tưởng của ta bay nhảy đi đâu mặc nó, thân xác ta cứ lưu lại trong cầu nguyện.

Bù cho những lần cầu nguyện mà chia trí lâu, đôi khi ngừng công việc đang làm, dành giây lát nghĩ tới Chúa, cầu nguyện tắt với Chúa. Ðây là cách mà thánh Antôn sa mạc đã thực hiện. Chính thần sứ Thiên Chúa, hiện thân thành một ẩn sĩ, đã chỉ vẽ cho thánh nhân làm như thế.

 

* Chúng ta còn có thể gặp một hình thức cầu nguyện chiến đấu khác, tế nhị và khó khăn hơn nhiều: chiến đấu chống Thiên Chúa. Khi nào? Khi Thiên Chúa đòi hỏi ta một điều gì mà bản tính tự nhiên của ta không sẵn sàng đáp ứng, hoặc khi hành động của Thiên Chúa làm ta không hiểu nổi và cảm thấy ngỡ ngàng.

 

Trường hợp ông Gióp là một ví dụ. Ông phải cầu nguyện với hết lòng tin tưởng và kiên vững, khi mà mọi sự ông có trên đời đã bị Chúa để cho mất hết. Nhưng điển hình nhất là Ðức Giêsu. Ngài đã trải qua cuộc chiến đấu ấy trong Vườn Cây Dầu. Ngài cầu nguyện mà như lâm chiến (Lc 22,44 : bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn). Dầu vậy, Ngài vẫn không ngừng cầu nguyện và càng cầu nguyện khẩn thiết hơn. Nhưng vì sao Ðức Giêsu lại lâm chiến? Ngài chiến đấu không phải để bắt Chúa Cha thuận theo ý Ngài, nhưng để cho ý muốn nhân loại của Ngài vâng phục ý Chúa Cha. Ðây là bài học lớn cho ta.

 

Trong đời sống thực tế, thiếu gì những lúc ta không muốn thuận theo ý Chúa, trong những việc Ngài muốn ta làm hay đừng làm. Cám dỗ đó! Ðừng chỉ hiểu cám dỗ là một sự thúc đẩy đưa ta đến chỗ làm điều xấu mà thôi. Nó có những hình thức tế vi hơn nhiều. Chẳng hạn trốn trách nhiệm, ngại đương đầu với những khó khăn của cộng đoàn, bưng tai bịt mắt trước những nhu cầu của người chung quanh, cũng là những cám dỗ. Ở Vườn Cây Dầu, Chúa đã bảo các môn đệ cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. Ðối với những cám dỗ của ta hôm nay, Chúa cũng bảo ta cầu nguyện chiến đấu mà chống lại, để cho ý Thiên Chúa luôn được thể hiện.

 

Ðọc trong Cựu ước, ta bắt gặp một cuộc chiến đấu khá ngộ giữa Giacóp và Thiên Chúa. Chuyện khó tin nhưng có thật. Một cuộc đấu sức thực sự, thượng cẳng chân hạ cẳng tay hẳn hoi. Một cuộc chiến đấu tưởng là không cân sức, tưởng là châu chấu đá xe, ai ngờ lại ngang cơ đấy. Giacóp còn chiếm chỗ thượng phong nữa là khác. Ðến nỗi Giacóp được Thiên Chúa đổi tên là Israel, có nghĩa bình dân là "người đã đấu được cả với Thiên Chúa" (St 32,29). Giacóp chiến đấu để đạt được điều mình xin, buộc Thiên Chúa làm điều mình xin: "Tôi không buông ngài ra, nếu ngài không chúc lành cho tôi". Ông còn tiếp: "Xin cho tôi biết tên ngài". Lý do là vì ông tin rằng nếu biết được tên thì, nhờ vào uy lực của nó, ông có thể chiến thắng người anh là Esau đang săn đuổi ông.

 

So với cuộc chiến đấu của Ðức Giêsu, ta thấy rõ dự khác biệt. Ðức Giêsu cầu nguyện chiến đấu là để chính mình thuận theo ý Thiên Chúa. Giacóp cầu nguyện chiến đấu là để bắt Thiên Chúa thuận theo ý mình.

 

Phần chúng ta thì giống ai, khi cầu nguyện mà lòng xao xuyến trước đòi hỏi hay hành động của Thiên Chúa ? Hẳn là giống Giacóp nhiều hơn. Ta chiến đấu để bắt Thiên Chúa thay đổi quyết định của Ngài, để Ngài cất thập giá khỏi ta, hơn là để ta có khả năng vác cùng với Ngài. Hãy theo gương Ðức Giêsu. Ðừng làm như Giacóp. Chúng ta còn có lý do làm hơn Giacóp. Giacóp không được Thiên Chúa tỏ cho biết Danh Ngài. Chúng ta thì lại biết rõ danh hiệu Giêsu, một danh hiệu quyền năng (x.Pl 2,11) giúp ta có thể chiến thắng mọi khó khăn.

 

*

 

Chúng ta có mẫu gương tuyệt vời của một người đã thực hiện trọn vẹn những lời dạy(và việc làm) trên đây của Chúa về việc cầu nguyện. Người đó không ai khác hơn là Ðức Maria. Trong nhà Tiệc ly, lúc chờ đợi Chúa Thánh Thần sau ngày Phục Sinh, Ðức Maria đã cùng với các môn đệ Chúa "chuyên cần cầu nguyện" (Cv 1,14). Mà không phải chỉ có lúc này. Cuộc đời của Người, ít nhất từ lúc Con Thiên Chúa nhập thể, là một đời sống cầu nguyện, hằng hướng về Thiên Chúa, ngợi khen Ngài (Lc 1,46-47), suy đi nghĩ lại (Lc 2,29) về các việc Ngài làm. Ðặc biệt dưới chân Thánh giá, Ðức Mẹ đã cầu nguyện trong chiến đấu như Con mình, cộng khổ với Con, để ý muốn của Thiên Chúa được nên trọn. Chúng ta hãy hướng về Người, cầu xin Người giúp sức cho ta biết noi theo Người cầu nguyện như Chúa đã dạy chúng ta.

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà