SUY NIỆM

VỀ LỜI KINH CHÚA DẠY

 

XII. SUY NIỆM VỀ LỜI KINH CHÚA DẠY

 

Kinh Lạy Cha, cho dù rất đơn sơ và ta đọc hằng ngày, coi vậy mà không dễ đâu. Ta biết đó là kinh duy nhất mà Chúa Kitô đã dạy. Có điều lạ: mày mò hết các trang sách Công vụ, không thấy chỗ nào đề cập kinh này. Lẽ ra các môn đệ ưu tiên để ý đến nó mới phải, vì chính các ông đã xin Chúa dạy cho mình.

 

Tuy nhiên, sách không ghi không có nghĩa là kinh không được đọc. Cứ như khẳng định của sách Giáo lý Công giáo (số 2767), các kitô hữu sơ khai đọc kinh Lạy Cha 3 lần mỗi ngày, thay cho 18 lời chúc tụng theo thói quen đạo đức của người Do Thái. Theo một nghĩa nào đó, kinh Lạy Cha không chỉ là một lời kinh, mà là cả một cách sống được diễn tả dưới hình thức kinh nguyện. Nó phản ánh một tâm hồn đi từ chỗ nô lệ tiến dần tới chỗ tự do.

 

Quan sát một ngọn tháp, ta có thể nhìn từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên trên. Thường thường, nhìn từ chân lên đỉnh sẽ dễ hơn. Ta có thể làm như thế với kinh Lạy Cha, tức là bắt đầu từ câu cuối lên câu đầu là lời hướng về Cha chúng ta. Tuy làm thế là ngược lại với thứ tự như Ðức Kitô đã dạy và Giáo Hội vẫn đọc, nhưng có cái lợi là đi theo đúng tiến trình của đời sống thiêng liêng, một tiến trình từ dưới đi lên.

 

Ðể hiểu hơn tiến trình này khi khai triển kinh Lạy Cha, chúng ta đối chiếu với biến cố Xuất Hành của dân Do Thái ngày xưa. Xuất Hành hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả giai đoạn đi trong sa mạc cho tới khi vào Ðất Hứa. Người Do Thái đi từ thân phận nô lệ tới địa vị của những con người tự do. Chúng ta cũng đi từ chỗ sống dưới ách tà thần tới diễm phúc làm con cái Thiên Chúa. Chúng ta bắt đầu bằng câu cuối cùng.

 

1. "Xin xứu chúng con cho khỏi sự dữ"

 

Lúc đến Ai Cập, người Do Thái là những con người tự do. Nhưng rồi lâu dần lại trở thành những người nô lệ. Tình trạng nô lệ được chứng minh bằng điều kiện sống : hoàn toàn tuỳ thuộc người Ai Cập, lao công mỗi ngày nặng nhọc hơn, cuộc sống mỗi ngày tồi tệ hơn. (Ai đã có dịp xem phim "Mười giới răn" có thể hình dung một phần điều kiện cơ cực này).

 

Một khi đói khổ quá, bị áp bức quá, người ta có thể nổi loạn, bạo động, tìm cách trốn thoát, mong thấy tự do. Nhưng nếu xét tận cùng sự việc, thì cả nổi loạn lẫn trốn tránh không giải thoát nổi ta, vì sự tự do tiên vàn là một điều kiện bên trong, đối với Chúa, với mình và với thế giới.

 

Người Do Thái mỗi lần tìm cách trốn tránh, như xin đi tế lễ Giavê ở sa mạc (Xh 5,8), thì lại bị người Ai Cập đè thêm một ách nặng. Trước, được cung cấp rơm để nung gạch. Nay, như lệnh của Pharaô, "chính chúng phải tự mình đi lượm rơm mà làm". Thêm thời giờ đi lấy rơm, mà vẫn phải nộp gạch cho đủ số, tội nghiệp làm sao! Lệnh của Pharaô nhằm làm cho người Do Thái kiệt sức vì công việc, khiến không thể còn có ý tưởng nổi loạn hay giải phóng gì ráo.

 

Nơi chúng ta cũng vậy thôi. Sẽ không có một hy vọng nào bao lâu còn là tù nhân của Satan, bao lâu quyền lực của nó còn cầm giữ linh hồn và thân xác ta, xa Thiên Chúa hằng sống. Nếu Thiên Chúa không đích thân đến giải cứu, đừng hòng có chuyện giải cứu. Muôn đời sẽ vẫn là nô lệ.

 

Do đó, ta hiểu lời Chúa dạy trong kinh Lạy Cha: "Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ". Giải thoát khỏi sự dữ chính là điều Mosê đã làm xưa trong đất Ai Cập, theo lệnh Giavê, và nay được làm trong phép Rửa Tội, nhờ quyền năng của Thiên Chúa được trao ban cho Giáo Hội. Lời Thiên Chúa mời gọi mọi người tới cuộc sống tự do, đem hy vọng từ trời cao cho những ai đã mất hết hy vọng ở đời này, lời ấy được rao giảng và vang vọng trong các tâm hồn, thúc giục con người lắng nghe và đến với Giáo Hội.

 

Khi người ta quyết định muốn làm một con người tự do trong Nước Chúa, thì Giáo Hội ra tay hành động. Mà hành động của Giáo Hội cũng đúng phép lắm. Với một người nô lệ còn đang sống dưới quyền của chủ nó, không thể hỏi nó có muốn tự do không. Nó mà cả gan ngỏ ý muốn, như người ta hứa, chắc chắn sẽ bị phạt nặng khi chỉ còn lại một mình nó với chủ. Do sợ và quen sống nô lệ, người ta không thể xin được tự do bao lâu chưa được giải thoát khỏi quyền lực áp chế. Bởi vậy, ta hiểu vì sao trong bí tích Rửa Tội, trước khi hỏi đương sự, Giáo Hội phải giải thoát đương sự khỏi Satan cái đã. Ðó là ý nghĩa của nghi thức trừ tà. Chỉ khi đương sự được giải thoát khỏi xiềng xích nô lệ rồi, Giáo Hội mới hỏi xem có từ bỏ ma quỷ và muốn gắn bó với Ðức Kitô không.

 

Bằng trăm phương nghìn cách, Satan muốn ta làm nô lệ cho nó. Nhưng Thiên Chúa lại muốn những con người tự do, tự do thật sự. Tự do không bằng cách nổi dậy, cũng không bằng cách trốn tránh. Cho dù nổi dậy hay trốn tránh, người ta vẫn còn là nô lệ. Là vì sự nô lệ cho con người, như trường hợp người Do Thái ở Ai Cập, chỉ biểu thị một thứ nô lệ khác. Chỉ khi người Do Thái được Mosê hướng dẫn và soi sáng, biết rằng sự nô lệ của họ có cái gì đó liên hệ với Thiên Chúa, chứ không đơn giản là một hoàn cảnh thuần tuý của con người, chỉ khi họ quay về với Thiên Chúa, thì một điều gì đó mới có thể xẩy ra.

 

Nơi mỗi người chúng ta cũng thế thôi. Chỉ khi ta ý thức về sự nô lệ của ta, nô lệ cho sự dữ [sự dữ không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng hiện thân nơi Satan, "tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ" (Kh 12,9), kẻ chủ mưu mọi sự dữ, kẻ phá ngang (diabolos : kẻ phá ngang)], chỉ khi ta biết rằng phải hướng về Thiên Chúa, Ðấng duy nhất có thể giải thoát ta, khi ấy, ta mới có thể xin với Ngài: "Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ".

 

 

 

 

2. "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ"

 

Cũng như người Do Thái được Mosê kêu gọi ra khỏi Ai Cập, theo ông trong đêm tối (Xh 12,42), qua Biển Ðỏ tới sa mạc, mỗi người chúng ta cũng được đưa tới sa mạc, nơi mà một giai đoạn mới bắt đầu.

 

Ra khỏi Ai Cập là không còn bị áp bức, nhưng chưa hưởng ngay sự huy hoàng của Ðất Hứa đâu. Người ta còn mang theo từ Ai Cập một tâm hồn nô lệ, áo quần nô lệ, cám dỗ nô lệ. Và việc đào tạo một con người tự do mất thời gian hơn nhiều so với việc khám phá ra tình trạng nô lệ của mình. Tinh thần nô lệ còn đó, chưa nhất đán biến đi được. Những bảo đảm của cuộc sống trước đây còn quyến rũ lắm, nhất là khi phải đối mặt với những thiếu thốn của sa mạc. Nô lệ thì nô lệ, vẫn còn có chỗ tựa đầu, có cơm ăn nước uống hằng ngày, có chỗ đứng trong xã hội dù là chỗ đứng thấp kém nhất. Nô lệ thì nô lệ, nhưng được bảo đảm an ninh vì đã có chủ lo. Có khổ sở tủi nhục đi nữa, sự nô lệ vẫn là một hình thức an ninh, trong khi sự tự do là một tình trạng hoàn toàn thiếu bảo đảm. Khi nắm trong tay vận mệnh của mình, người ta phải tự xoay xở lấy mọi chuyện.

 

(Có khối con trai con gái trong gia đình, lớn lên, muốn tách khỏi quyền cha mẹ, muốn tự lập, muốn tự liệu lý cuộc đời mình. Nhưng khi đi kiếm việc làm để tự nuôi mình, mới thấy chuyện không đơn giản. Rồi còn phải lo lắng đủ thứ).

 

Tình cảm bất an này, có thể thấy, chẳng hạn, trong việc người Do Thái xin với ngôn sứ Samuel đặt cho họ một ông vua. Trong nhiều thế kỷ, Thiên Chúa đã dùng những con người thánh thiện, biết đường lối Thiên Chúa, để hướng dẫn họ. Như Amos nói (3,7), ngôn sứ là người tôi tớ được Thiên Chúa bày tỏ bí mật của Ngài. Nhưng đến thời Samuel, người Do Thái cho rằng nếu chỉ có mình Thiên Chúa hướng dẫn, cuộc sống sẽ hoàn toàn bất an. Dân thiên hạ, đâu đâu cũng phải có người đứng đầu cai trị thật sự, dẫn dắt dân, lo cho dân, bảo vệ quyền lợi, công lý, chiến thắng cho dân. Vua sẽ là người dân chúng nhìn đến và cậy nhờ trong mọi việc. Các quan án hay ngôn sứ không phải loại người đó. Thiên Chúa càng không phải, vì Ngài ở quá xa, lại không lộ diện, chưa kể còn đòi hỏi họ sống quá khác với những dân tộc chung quanh. Những dân này chẳng có các thần linh riêng đó sao? Nhưng họ vẫn có vua hẳn hoi. Chính những ông vua này đã làm cho dân tộc họ hùng cường, quốc gia họ giầu mạnh, nở mày nở mặt với thiên hạ. Israel bị kẹp gữa các đế quốc lớn, sao cho khỏi có sự so sánh?

 

Vậy họ tìm đến Samuel, xin đặt cho họ một ông vua, để, như họ nói, "vua xét xử chúng tôi như trong tất cả các dân tộc" (1Sm8,5). Buồn thay! Israel quên rằng họ không giống như các dân khác. Họ đã thành phàm tục khi học đòi hư danh của các nước.

 

Dĩ nhiên, Samuel không muốn chấp nhận điều mà ông coi là một hành vi bội giáo. Nhưng Thiên Chúa nói với ông: "Ngươi cứ nghe theo tiếng của dân trong mọi điều chúng nói với ngươi, vì không phải chúng gạt bỏ ngươi, mà là chúng gạt bỏ Ta, không chịu để Ta làm vua của chúng". Samuel phải nghe theo chỉ thị của Thiên Chúa, nhưng không quên kèm theo lời cảnh cáo: "Ðây là quyền hành của nhà vua sẽ cai trị anh em. Các con trai anh em, ông sẽ bắt mà sắp đặt vào việc trông coi xe va ngựa của ông . Các con gái anh em, ông sẽ bắt vào làm thợ chế nước hoa, nấu ăn và làm bánh" (1Sm 8,11-13). Ðể ngoài tai những lời cảnh cáo này, họ cứ nằng nặc: Không, thế nào cũng phải có vua cho chúng tôi.

 

Dân Do Thái lúc này muốn mua sự bảo đảm an toàn bằng cái giá của sự tự do. Thật không khác chi thời Xuất Hành.

 

Ðây không phải là điều Thiên Chúa muốn cho ta. Ngài muốn ta khước từ sự an ninh giả tạo của tình trạng nô lệ, chấp nhận sự bất an của những người đang tiến tới chỗ chinh phục tự do. Khó khăn chứ không phải chuyện đùa, vì bao lâu còn tiến bước, ta vẫn chưa biết rõ thế nào là tự do, trong khi những cám sỗ của thời nô lệ lại quá lôi cuốn, hấp dẫn.

 

Sa mạc là nơi đào luyện con người. Sa mạc cũng là nơi thử thách, đầy cám dỗ. Bao nhiêu lần người Do Thái tỏ ra tiếc rẻ thời còn làm nô lệ bên Ai Cập. Bao nhiêu lần họ đã càm ràm không có nhà ở, không có bánh ăn, không có nước uống, làm gì cũng phải tuỳ thuộc vào ý Thiên Chúa. Họ chưa từng học biết cậy dựa hoàn toàn vào Ngài.

Vì dân có thái độ như vậy, nên một quãng đường từ Ai Cập về Ðất Hứa đâu có xa xôi gì, bình thường chỉ vài tuần là có thể đi đến nơi, thế mà họ đã phải mất 40 năm ròng rã. Lý do? Theo Ðức Gioan Phaolô II, Mosê khôn đáo để, không đưa dân về ngay Ðất Hứa, mà lại dẫn họ đi lang thang lâu như vậy, chính là để những ai còn dính bén với chế độ nô lệ cũ đều chết hết. Chỉ có những con người được đào tạo theo đường lối mới thì mới có thể vào Ðất Hứa mà thôi. Sách Thánh thì cho biết cụ thể thực tế hơn. Thiên Chúa không dẫn họ đi đường gần, vì "khi thấy phải chiến đấu, dân có thể hối hận mà quay về Ai Cập" (Xh 13,17). Quay về Ai Cập là quay lưng lại với Thiên Chúa. Và mỗi lần quay lưng lại với Thiên Chúa là mỗi lần con đường về Ðất Hứa lại dài thêm.

 

Trong cuộc lữ hành của ta, những cám dỗ và cạm bẫy không phải là ít. Ba chước cám dỗ chủ yếu mà Satan đưa ra cho Ðức Giêsu, vẫn thường xuyên được gợi lại cho chúng ta hôm nay: cơm bánh, của cải, quyền lực và danh vọng. Ðúng là "Ba cái lăng nhăng nó quấy ta" (Trần Tế Xương). Nhưng không chỉ có bấy nhiêu. Còn nhiều thứ khác cũng quấy ta. Quấy, vì muốn cho ta coi đó là những cái bảo đảm cho cuộc đời.

 

Người Do Thái ngày xưa biết rằng bỏ Ai Cập, qua Biển Ðỏ, là đi vào sa mạc thăm thẳm đầy khó khăn. Chúng ta hôm nay, thoát ách nô lệ Satan, cũng mới chỉ là đi vào sa mạc của cuộc đời trần gian này. Ðất Hứa có đó, nhưng xa vời vợi. Ta cũng phải chấp nhận những nguy cơ của cuộc hành trình. Phải lướt thắng những cám dỗ, thói hư cố hữu, nhu cầu an ninh giả tạo. Cách duy nhất để tới Ðất Hứa là đi theo bước chân của Chúa. Mỗi lần lòng trí ta trở lại Ai Cập là đi thụt lùi, lạc đường. Tất cả đã được Chúa thương giải thoát. Tất cả đã lên đường. Nhưng thử hỏi ai dám tự phụ là đã không bao giờ thụt lùi, không bao giờ lạc xa đường chính?

 

Thế nên phải luôn cậy vào ơn Chúa. Chỉ riêng sức ta, ta dễ sa vào những cám dỗ". Bởi vậy, ta mới cầu xin Chúa "chớ để chúng ta sa chước cám dỗ". Lời xin này đồng thời cũng là lời xin Chúa Cha ban Thánh Thần giúp ta nhận định và có sức mạnh chống lại những cám dỗ. Nó cũng nhắc nhở ta cố gắng không được trở lại tình trạng nô lệ cũ.

 

3. "Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha ."

 

Giữa Ai Cập và sa mạc, giữa nô lệ và tự do, có đường ranh giới trải dài ngăn cách. Vượt qua nó thì mới thành con người mới. Trên bản đồ, ranh giới ấy là Biển Ðỏ. Trong kinh Lạy Cha, ranh giới ấy là câu "Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con". Vế sau nói lên điều kiện để có thể xin ơn tha thứ, vì điều Thiên Chúa sẽ làm cho ta tuỳ thuộc điều ta đã làm cho người anh chị em ta. Không phải việc ta tha thứ cho người anh chị em mua được ơn tha thứ cho ta, cũng không phải để ta xứng đáng với ơn tha thứ này, nhưng nó chứng thực lời cầu xin của ta là chân thành.

 

Con người ra khỏi Ai Cập mà còn mang theo hận thù ghen ghét, sẽ tiếp tục là nô lệ trong Ðất Hứa. Họ sẽ không là những con người tự do. Họ không là những người đang xây đắp sự tự do của mình. Phải loại trừ tâm tình thù hận, tức là biết tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình. Tha cho kẻ thù, đó là đặc điểm nổi bật nhất của bác ái kitô giáo. Biết tha thứ, sẽ nhận được ơn tha thứ. Ngược lại, không tha thứ thì hành vi này được coi như chống lại chính chúng ta. Không phải Thiên Chúa không muốn tha, nhưng nếu ta không tha, ta làm thất bại mầu nhiệm tình yêu, không để cho tình yêu của Thiên Chúa có thể thấm nhập vào ta. Không có chỗ cho tình yêu trong lòng, thì cũng không có chỗ cho ta trong Nước Trời. Mãi mãi ta vẫn chỉ là những người lang thang trong sa mạc nắng cháy. Ta không thể đi xa hơn, nếu không được tha thứ. Nhưng không thể được tha, bao lâu đã không tha cho những người xúc phạm đến ta.

 

Phải nhận rằng tha thứ lắm khi là một việc cực kỳ khó. Tha những xúc phạm nhẹ là điều có thể làm được. Nhưng những xúc phạm nặng nề đến thanh danh, tính mạng, người thân của mình thì sao? Có những người tha mà vẫn ấm ức thế nào ấy, theo kiểu: tha thì tha rồi, nhưng quên thì chưa. Cơ hồ còn chờ đợi hành vi cải thiện của người lầm lỗi, tức là: Mức độ tha thứ của ta tuỳ vào mức độ cải thiện của người đó. Do vậy, tình cảm thù hận có khi dằng dai đến cả đời.

 

Trước thực tế này, ta hiểu vì sao luật tha thứ không phải là con suối hẹp ngăn cách nô lệ và tự do. Nó rộng và sâu. Nó là biển. Biển Ðỏ. Người Do Thái không đi qua Biển Ðỏ bằng tầu bè, bằng nỗ lực riêng. Thiên Chúa phải giúp họ khi Ngài dùng quyền năng tách nước Biển Ðỏ. Ðối với ta, Thiên Chúa cũng sẽ giúp ta vượt qua khó khăn này, nếu ta biết dựa vào ơn Ngài và luôn xin Ngài ban ơn, nếu ta năng suy niệm lời dạy và hành vi tha thứ của Chúa, nếu ta hiệp thông với tấm lòng của Ngài là một tấm lòng tha thứ xót thương, nếu ta thanh tẩy trí nhớ bằng cách biến đổi sự xúc phạm thành lời chuyển cầu cho kẻ thù (Mt 5,44).

 

4. "Xin Cha cho chúng con hôm nay

lương thực hằng ngày"

 

Những gì đã có khi còn là nô lệ ở Ai Cập, giờ đây mất hết. Không còn gì khác hơn ngoài sa mạc. Sa mạc thì không thể nuôi con người, hoặc khó có thể nuôi con người. Người ta cũng không thể tin tưởng vào lương thực do thiên nhiên cung cấp. Phải có sự trợ giúp của Thiên Chúa.

 

Dân Do Thái vừa vào sa mạc, đến Marah đã than khát. Thì Giavê truyền cho Môsê lấy một thứ cây ném vào nước mặn, làm nước nên ngọt (Xh 15,22tt). Ðến Sin, họ than đói. Thì ban chiều Giavê cho họ có thịt (chim cun cút), ban sáng cho họ bánh (manna), để họ có thể ăn no thoả mỗi ngày (Xh 16,8.12). Ở Riphidim, dân lại than khát nữa. Thì Giavê lại cho nước vọt ra từ tảng đá mà Mosê dùng cây gậy đập vào (Xh 16,5-6).

Dân Do Thái gặp lúc đói khát, đã nghi ngờ không hiểu Giavê có ở giữa họ hay không. Nhưng việc Thiên Chúa làm cho thấy Ngài vẫn ở giữa họ và giúp họ. Chúng ta hôm nay hẳn không nghi ngờ. Biết Ngài hằng giúp đỡ, ta cầu xin Ngài ban lương thực hôm nay, hằng ngày. Thiên Chúa ban cho ta cả khi ta đi lạc đường, vì nếu Ngài không ban, ta sẽ chết trước khi tới Ðất Hứa.

 

Nhưng lương thực hôm nay là gì ? Là tất cả những gì cần cho sự sống. Thiên Chúa đã ban cho ta sự sống, không thể không ban những gì cần thiết để nâng đỡ sự sống ấy, cả tinh thần lẫn vật chất. Các Giáo Phụ, từ sau Origène và Tertullien, luôn cắt nghĩa lương thực không chỉ liên hệ với những nhu cầu thể xác, mà còn với Bánh nhiệm mầu, Bánh sự sống. Bánh này, biểu thị bằng manna trong sa mạc, là Mình Thánh chúng ta lãnh nhận trong Thánh Lễ, là lời Chúa chúng ta đón nhận trong đức tin. Ðây chính là ý nghĩa đặc biệt kitô giáo của lời cầu xin liên quan đến lương thực.

 

5. "Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời"

 

"Ý của Thiên Chúa là sự chúc dữ cho ma quỷ, là luật cho các tôi tớ Thiên Chúa, là sự tự do cho các con cái Thiên Chúa" (Khomiakov, nhà thần học Nga thế kỷ 19). Ý tưởng trên phải chăng rất đúng khi áp dụng cho dân Do Thái trong cuộc Xuất Hành? Ngày lên đường, những người vừa thoát cảnh nô lệ mới chỉ có một ý thức mơ hồ về những gì mà các con cái Chúa sẽ có. Ðể đạt tới tinh thần con cái, vóc dáng con cái, họ còn phải vuợt qua não trạng nô lệ. Ðiều này được thực hiện dần dần trong suốt cuộc hành trình dài đầy gian khổ. Ngày qua ngày, họ làm thành một cộng đồng các tôi tớ Thiên Chúa, nhận ra rằng Thiên Chúa không giống như Pharaô, nhưng là Thiên Chúa các đạo binh. Ðối với Ngài, họ phải tỏ ra tuân phục tuyệt đối. Họ có thể chờ đợi Ngài phạt họ, và cũng mong Ngài thưởng cho họ, biết rằng Ngài dẫn họ vượt qua những gì họ thấy, họ hiểu, tới ơn gọi cuối cùng của họ, tức là ơn gọi làm con cái.

 

Có một ý tưởng rất quen thuộc trong các tác phẩm tu đức kitô giáo đầu tiên. Ðó là người ta phải đi qua 3 giai đoạn : giai đoạn nô lệ, giai đoạn làm thuê, giai đoạn con cái. Nô lệ là người vâng phục vì sợ hãi. Người làm thuê vâng phục để lãnh tiền công. Con cái vâng phục vì yêu mến. Trong cuộc Xuất Hành, ta có thể thấy dân Chúa ngày một ngày hai vượt qua giai đoạn nô lệ và làm thuê như thế nào. Ở Sinai, họ đã bước tới ngưỡng cửa của giai đoạn thứ ba, mở vào Ðất Hứa. Chính ở Sinai, dân đã khám phá ra ý muốn của Thiên Chúa, qua Lề luật Ngài ban hành: ngươi phải làm điều này, ngươi đừng làm điều kia.

 

Ðấy là theo não trạng Cựu ước. Nhưng dưới ánh sáng Tân ước, với cái nhìn của ta hôm nay, thì lề luật chỉ quy về việc mến Chúa yêu người. Mối liên hệ đúng đắn giữa ta với Chúa, với nhau và với chính mình được thâu tóm trong những khía cạnh yêu mến đó.

 

Người Do Thái phải thực hiện ý muốn của Thiên Chúa qua Lề luật Sinai. Chúng ta hôm nay, trong kinh Lạy Cha, cũng xin cho ý này thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Thực hiện ý Chúa không có nghĩa là vâng phục cam chịu ý muốn ấy, như nguời Do Thái xưa, hoặc như người ta thường hình dung. Ðây là một thái độ tích cực, thái độ của những người con, thực hiện ý Thiên Chúa theo tinh thần của Ðức Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng vâng phục, Ðấng đến để thi hành thánh ý Chúa Cha (Dt 10,7).

 

6. "Nước Cha trị đến"

 

Giữa một Thiên Chúa quyền uy, như được nhận ra ở Ai Cập rồi ở sa mạc, và một Thiên Chúa như ta nhận ra trong Ðất Hứa hôm nay, có sự khác nhau. Ở Ai Cập và sa mạc, ý của Thiên Chúa lúc nào cũng thắng thế. Không một ai có thể chống lại. Trước ý muốn này, vâng phục có nghĩa là lệ thuộc. Dần dần, qua từng giai đoạn, ta thấy Thiên Chúa quyền uy này không như một kẻ buôn nô lệ, nhưng là một ông vua nhân từ. Một khi vâng phục Ngài, mọi sự sẽ thay đổi. Rồi lại thấy ta có thể còn khác hơn là những thần dân thuần tuý. Cuối cùng, ta khám phá ra vua theo ý nghĩa đầy đủ và sâu sắc nhất, như thánh Basiliô đã mô tả: "Mọi thủ lãnh đều có thể cai trị, nhưng chỉ mình đức vua là có thể chết cho dân".

 

Ở đây, vua đồng hoá với thần dân, đồng hoá với Vương quốc, đến nỗi mọi điều xẩy ra cho Vương quốc là xẩy ra cho vua. Và không chỉ có sự đồng hoá mà, đúng hơn, là một hành vi thế chỗ. Thế chỗ vì yêu.Vua hạ cố vào hạng thần dân. Vua trở thành con người. Thiên Chúa nhập thể. Ngài đi vào vận mệnh của nhân loại, sống điều kiện của con người khi mặc lấy xác phàm, trở nên giống hệt mọi người chỉ trừ tội. Ngài đi sâu vào điều kiện này cho tới chỗ bị xét xử, bị kết án và phải chết.

 

Vua đó, Vương quốc đó, chính là Nước Thiên Chúa nói trong kinh Lạy Cha. Nếu không trở nên một với Ðức Kitô, với tất cả tinh thần của Vương quốc hiểu theo một cách mới, ta không thể được gọi là con cái Thiên Chúa, không thể xin cho Nước Cha trị đến. Ðây là Vương quốc tình yêu. Vào Vương quốc là phải có tình yêu. Mà tình yêu có một khía cạnh bi đát, bao hàm sự chết. "Yêu là chết trong lòng một tí". Ðúng hơn, không phải một tí, nhưng con người ích kỷ của ta phải chết hoàn toàn, chết dữ dội, như Ðức Kitô đã chết bằng cái chết thập giá.

 

7. "Nguyện danh Cha cả sáng"

 

Trước khi Mosê đưa dân ra khỏiAi Cập, Giavê đã mạc khải danh Ngài cho ông (Xh 3,14). Ngài tiếp tục bày tỏ danh Ngài trước mặt toàn dân khi giải thoát họ khỏi tay Pharaô. Ngài được phủ đầy vinh quang. Từ khi có Giao ước Sinai, dân Do Thái phải là một dân thánh (hoặc được thánh hiến), vì danh Thiên Chúa ở trong dân. Thế nhưng dân vẫn xúc phạm đến danh thánh giữa các dân ngoại (Êd 20,36). Họ đã làm cho danh Thiên Chúa, thay vì cả sáng, lại ra ô tục.

Ðối với ta hôm nay, danh Chúa chỉ có thể cả sáng và được ta tôn vinh trong bối cảnh Nước Thiên Chúa. Không phải những lời nói hay hành vi của ta tôn vinh Thiên Chúa, ngay cả trong Phụng Vụ, làm sáng danh Ngài, cho bằng chính sự kiện ta là Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là vinh quang của Ðấng tạo thành và cứu chuộc ta, nên để làm sáng danh Ngài, chúng ta phải sống thánh thiện và không tì ố trước mặt Ngài, trong tình yêu. Xin cho danh Cha cả sáng cũng là xin cho chúng ta biết sống như thế, sống thánh, như lời mời gọi thường xuyên của Chúa, của Giáo Hội.

 

8. "Lạy Cha chúng con ở trên trời"

 

Khi Mosê hỏi Thiên Chúa xem Ngài là ai để đi nói với dân, ông đã được nghe một danh xưng chỉ có nghĩa là "Thiên Chúa có" (Ta có sao, Ta có vậy; Ta là Ðấng hiện hữu), không phải danh xưng Cha. Dầu vậy, trong cuộc Xuất Hành, Thiên Chúa tỏ mình ra như Cha của Israel, khi Ngài bảo vệ họ, nuôi dưỡng họ, đồng thời cũng là chủ của họ. Ý tưởng cơ bản vẫn là ý tưởng về một chủ quyền nhân hậu, một sự quan phòng đòi Israel phải tùng phục và tin tưởng. Tuy họ công nhận một Thiên Chúa cao cả, quyền năng, yêu thương, nhưng họ chưa thể gọi Thiên Chúa là Cha. Vì sao? Vì chưa có mạc khải của Ðức Kitô. Chỉ mình Ðức Kitô có thể cho người ta biết Thiên Chúa là Cha: "Không ai biết rõ người Con trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho" (Mt 11,27).

Vậy ai được người Con mạc khải cho biết Thiên Chúa là Cha? Ðó là các người kitô hữu. Ðó là chúng ta. Biết Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng muôn loài, nhiều người có thể biết. Biết Thiên Chúa theo kiểu Israel thuở đầu, nhiều người cũng có thể biết. Nhưng biết Ngài là Cha, thì chỉ có người kitô hữu chúng ta được biết, trong Ðức Kitô, trong đức tin. Chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha chúng ta, vì Con của Ngài làm người đã mạc khải như thế cho ta, vì Thánh Thần cho ta biết về Ngài.

 

Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta sống trong một tương quan mới mẻ với Ngài. Thiên Chúa là Cha chúng ta, vì Ngài đã cho ta làm nghĩa tử trong Con Một yêu dấu của Ngài. Nhờ phép Rửa Tội, Thiên Chúa giải thoát ta khỏi ách nô lệ Satan, cho ta tháp nhập vào Thân Thể Ðức Kitô. Chính khi là chi thể trong Thân Thể Ðức Kitô, ta mới là con cái Thiên Chúa, và mới có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Nhờ phép Rửa Tội, chúng ta trở thành "những con người mới, được tái sinh và được trả lại cho Chúa mình nhờ ân sủng; chúng ta sẽ trước hết nói "Cha ơi", bởi vì đã trở thành những người con" (Cyprianô).

 

 

Biết gọi Thiên Chúa là Cha tức là đã tới Sion, tới đỉnh núi. Và ở đỉnh núi, ta tìm thấy Cha. Từ nơi này, ta có thể xoay người nhìn lại phía sau, có thể bắt đầu đọc kinh Lạy Cha theo thứ tự mà chính Ðức Kitô đã dạy ta, như kinh của người Con duy nhất, kinh của Giáo Hội, kinh của mỗi người chúng ta là con cái Thiên Chúa kết hợp với những con cái khác. Chỉ khi đó, ta lại có thể xuống núi, từng bước một, để gặp gỡ tất cả những ai còn đang đi trên đường, hoặc những ai chưa bắt đầu hành trình.

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà