PHỤC VỤ

THEO GƯƠNG ÐỨC KITÔ

 

 

PHỤC VỤ THEO GƯƠNG ÐỨC KITÔ

 

Ðức Giêsu là Chúa, là Thày và cũng là Tôi tớ. Ngài đã mặc lấy thân phận tôi đòi như Phaolô nói (Pl 2,7). Ngài đã lấy sứ mạng của người Tôi Tớ Giavê làm sứ mạng của mình. Ngài sống giữa các môn đệ như một người tôi tớ phục vụ, và đã đi đến tận cùng các đòi hỏi của tình yêu thúc đẩy Ngài phục vụ như thế, bằng cách hiến dâng cả mạng sống mình để cứu chuộc các tội nhân.

 

Người môn đệ là chúng ta cũng phải học và biết phục vụ theo gương Chúa, phục vụ Chúa qua việc phục vụ các anh chị em, bằng chính tinh thần đã thúc đẩy Chúa phục vụ.

 

Ðó là mấy ý được khai triển trong bài suy niệm này.

 

1. "Thày đã nêu gương cho anh em" (Ga 13,15)

 

Ðó là lời Ðức Giêsu nói với các Tông đồ, sau khi đã rửa chân cho các ông. Chúa rửa chân là muốn nêu gương cho các ông, để các ông noi theo đó mà làm cho người khác. Nhưng ý nghĩa đích thực của mẫu gương này là như thế nào? Ở đây, tác giả Gioan muốn cho ta hiểu rằng có một mầu nhiệm ẩn giấu trong đó, một mầu nhiệm vượt lên trên cử chỉ hữu hình làm bên ngoài.

 

* Khi nói: "Thày đã làm gương cho anh em", phải chăng Ðức Giêsu muốn dạy ta cũng rửa chân cho các anh chị em mình, trước khi ngồi vào bàn ăn? (Bây giờ không ai nghĩ đến chuyện rửa chân trước khi ăn. Chuyện đó xưa rồi. Nhưng rửa tay trước khi ăn thì vẫn được khuyên làm. Vậy có thể diễn đạt ý trên như sau: Phải chăng Chúa muốn dạy ta rửa tay cho các anh chị em mình, trước khi ngồi vào bàn ăn?). Hiểu như vậy thì nông cạn quá. Ai chịu khó đọc Tin Mừng, nghiền ngẫm về Chúa và về lời Chúa, hẳn phải hiểu Chúa muốn nói gì. Muốn nói rằng: cũng như Ngài "đã thí mạng vì chúng ta, như vậy cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em" (1Ga 3,16).

 

Gương Chúa đưa ra là ở đó. Bài học Chúa dạy ta là ở đó. Là thí mạng mình vì anh chị em.

 

Câu truyện rửa chân có thể làm chúng ta liên tưởng tới đoạn thư Philipphê nổi tiếng (Pl 2,5tt). Ðoạn này bắt đầu bằng lời mời gọi: "Anh em hãy có những tâm tình như chính Ðức Kitô Giêsu". Tiếp đến, Phaolô mô tả Ðức Giêsu, phận là phận một Thiên Chúa, nhưng đã huỷ mình ra không, mang thân phận tôi đòi. Thì Gioan cũng cho ta thấy Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, Ðấng được Chúa Cha trao ban mọi sự, Ðấng từ Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa (tức cũng có phận là Thiên Chúa). Ðấng ấy cởi áo mình ra, thắt dây lưng, mặc áo tôi tớ, rửa chân cho các môn đệ. Có thể nói: điều Phaolô mô tả cách chung chung, thì Gioan vẽ lại bằng những hình ảnh và cử chỉ cụ thể. Quả thực, cả Phaolô lẫn Gioan đã nói lên, tuy bằng cách thức khác nhau, một đề tài xuyên suốt các sách Tân ước, đó là: Ðức Giêsu là tôi tớ của Thiên Chúa và của con người.

 

Chúng ta còn bắt gặp trong Phúc Âm Luca một câu hẳn được Ðức Giêsu nói sau lúc rửa chân: "Giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà Thày đây, Thày sống giữa anh em như một người phục vụ" (Lc 22,27) Theo Luca, Chúa nói câu này lúc các môn đệ đang tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Chắc hẳn vì các ông tranh luận như vậy mà Chúa rửa chân cho các ông, để dạy các ông một bài học bằng chính hành động của mình. Các môn đệ thì muốn làm lớn. Còn Ngài, Ngài lại muốn làm một người rốt hết.

 

* Rửa chân là một cách thâu tóm tất cả ý nghĩa cuộc đời của Chúa, nhằm giúp cho các môn đệ ghi khắc tận tâm khảm ý nghĩa ấy. Lúc bấy giờ, các ông nào có hiểu việc Ngài làm. Nhưng không sao. Sau này các ông sẽ hiểu. Cử chỉ rửa chân được thực hiện ở phần cuối sách Phúc Âm giúp chúng ta hiểu rằng tất cả cuộc đời của Chúa, từ đầu đến cuối, chính là một sự rửa chân, một cuộc đời phục vụ con người. Ðó là một cuộc đời được hiến ban cho người khác, sống vì hạnh phúc của người khác. Một cuộc đời trở thành "tấm bánh bẻ ra cho thế giới". Khi dạy ta làm như mình đã làm, Ðức Giêsu đã coi sự phục vụ như một luật nền tảng, hoặc đúng hơn, một lối sống, một gương mẫu cho mọi mối tương giao trong Giáo Hội và trong xã hội.

 

Chúa đã nói với Phêrô là sau này ông sẽ hiểu việc Ngài làm. Quả thực, sau này Phêrô đã hiểu, các môn đệ đã hiểu, cả Giáo Hội đã hiểu, và đã không ngừng nói đến phục vụ, cũng như bằng mọi cách muốn cho các tín hữu sống phục vụ. Khi phác hoạ chân dung một người goá bụa lý tưởng, để có thể vào hàng các bà goá, Phaolô bảo người đó phải biết "rửa chân cho các thánh" (1Tm 5,10) ("Thánh" ở đây không có nghĩa như ta quen hiểu là vị này vị kia được Giáo Hội tôn phong và kính nhớ, nhưng chỉ tất cả mọi tín hữu, những người được thông phần sự thánh thiện của Thiên Chúa, được Thiên Chúa tác thánh, làm nên một dân thánh, một đền thánh).

 

Tất cả giáo huấn của Phaolô về đặc sủng đều quy về phục vụ, vì nếu ân sủng là dành cho cá nhân, thì đặc sủng là dành cho cộng đồng. Phục vụ được coi là linh hồn và mục tiêu của đặc sủng. Theo Phaolô, mọi cách biểu lộ đặc biệt của Thần Khí đều là "vì ích chung" (1Cr 12,7). Những đặc sủng được ban để các tín hữu "được chuẩn bị làm công việc phục vụ" (Ep 4,12). Khi khuyên các tín hữu phải có một thái độ cần thiết trong thời cánh chung, Phêrô bảo: "Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác" (1Pr 4,10).

 

Ðặc sủng và phục vụ là hai yếu tố có mối liên hệ sinh tử với nhau. Ðặc sủng mà không đưa tới phục vụ cũng giống như nén vàng chôn dưới đất (Mt 25,25), chỉ tổ đem lại án phạt (Mt 25,30), hoặc giống như một lưỡi cầy han rỉ, vì lâu ngày không được người nông dân sử dụng.

 

2. Tinh thần phục vụ

 

Chúng ta cần đào sâu ý nghĩa của từ "phục vụ", để nó trở thành hiện thực trong đời ta, chứ không chỉ là lời nói trên cửa miệng.

* Tự nó, phục vụ không phải là một nhân đức. Trong bản liệt kê của Phaolô về những nhân đức hay hoa quả của Thần Khí, chúng ta không thấy nó. Thậm chí Phaolô còn nói đến việc phục vụ cho tội lỗi (Rm 6,16), cho các ngẫu tượng (1Cr 6,9). Chắc chắn đây không phải là những việc phục vụ tốt.

 

Tự nó, phục vụ không tốt cũng không xấu. Nó nói lên một điều kiện sống là giúp nhau trong các mối tương quan giữa người này người khác. Nó còn có thể là một hành vi tiêu cực nếu phục vụ vì sợ hãi, vì ép buộc, hoặc vì những động lực vụ lợi.

 

Ngày nay, người người đều nói đến phục vụ. Ai cũng cho rằng mình đang phục vụ. Một người bán hàng, nói thì nói thách, chặt thì chặt đẹp, cũng cho là mình đang phục vụ khách hàng. Thậm chí còn gọi khách hàng là Thượng đế nữa! Có thể nói: bất cứ ai có một chức năng xã hội nào đó đều đang làm công việc phục vụ. Ðương nhiên sự phục vụ theo Tin Mừng là chuyện hoàn toàn khác, cho dù tự nó, nó không nhất thiết khai trừ hay hạ giá sự phục vụ mà người đời quen hiểu. Khác nhau là ở những lý do và thái độ bên trong đưa đến phục vụ.

 

Chúng ta hãy đọc lại trình thuật rửa chân, để thấy Chúa làm công việc này với tinh thần nào, và điều gì đã thúc đẩy Ngài hành động. Gioan viết: "Ðức Giêsu. vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1). Phục vụ không phải là một nhân đức, nhưng bắt nguồn từ các nhân đức, nhất là đức mến. Nó là cách diễn tả cao đẹp nhất của điều răn mới. Cũng Gioan còn nói cho ta điều ấy trong thư của ngài. Tính cách riêng của phục vụ là yêu không phải nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng là yêu thương cách chân thành và bằng việc làm (1Ga 3,18).

 

Còn theo Phaolô, phục vụ là biểu lộ tình yêu không ích kỷ (1Cr 13,5), không tìm tư lợi, nhưng tìm lợi ích của người khác, không tìm kiếm mình, nhưng là hiến mình.

 

Tựu trung, đó là một cách thông phần và bắt chước hành động của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Sự Thiện, tất cả Sự Thiện, Sự Thiện tuyệt đối, chỉ có thể yêu và làm điều thiện một cách nhưng không, không vì tư lợi nào.

 

Bởi vậy, khác với sự phục vụ của người đời, sự phục vụ theo Tin Mừng không phải là công việc riêng của người dưới, của người không có gì, nhưng đúng hơn, là công việc của người trên, người có của, người có địa vị, quyền bính. Về sự phục vụ, thì ai nhận được nhiều hơn, sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn (Lc 12,48). Do đó, khi nói về Giáo Hội, Chúa dạy rằng kẻ làm đầu, làm thủ lãnh, phải là người phục vụ (Lc 22,26). Người đầu hết phải là tôi tớ mọi người (Mc 10,44). Cho nên, không phải vô lý mà một tác giả (Spicq) đã viết: "Việc rửa chân là dấu chỉ quyền bính kitô giáo".

 

* Ngoài đặc điểm "nhưng không", sự phục vụ còn diễn tả một đặc điểm khác của tình yêu. Ðó là khiêm nhường. Khi dạy các môn đệ phải rửa chân cho nhau, Ðức Giêsu muốn nói rằng họ phải phục vụ nhau trong tinh thần bác ái khiêm nhường. Bác ái và khiêm nhường cộng lại làm nên sự phục vụ theo Tin Mừng.

 

Nhưng phải hiểu khiêm nhường cho đúng. Nhiều người coi sự khiêm nhường như một cách nói về mình, tức là như một nhân đức của cá nhân mình, trong đó những người khác chỉ có liên hệ gián tiếp như là yếu tố để giúp xem mình có khiêm nhường không và, nếu có, thì khiêm nhường ra sao. Sách Gương Chúa Giêsu viết: "Khiêm nhường là mình là sao thì đánh giá mình là vậy, xem xét mình trong sự hèn mọn của mình, tủi hổ vì các khiếm khuyết của mình, xác tín mình nhỏ nhất so với mọi người" (II,2; III,8).

 

Nếu hiểu khiêm nhường như thế, thì nó sẽ là nhân đức duy nhất không có nơi Thiên Chúa. Thế nhưng, có nhân đức nào mà lại không có gương mẫu tối hậu nơi Thiên Chúa? Thiên Chúa đâu có hèn mọn, cũng chẳng bao giờ nghĩ mình hèn mọn. Ngài không nói về mình với giọng điệu đó, không nghĩ về mình theo cung cách đó.

 

Có thể có người sẽ bảo: khiêm nhường là nhân đức riêng của tạo vật tội lỗi thôi, không mắc mớ gì với Thiên Chúa hết. Có thật không? Cứ mở sách Phúc Âm mà coi. Ta thấy Ðức Giêsu quả quyết: "Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường" (Mt 11,29). Ðức Giêsu luôn cho mình vô tội, không mắc lỗi nào. Ngài luôn ý thức mình là Chúa. Ngài đã nói công khai: ở đây còn có người trọng hơn Salomon, Ðavít, Abraham, Môsê. Dầu vậy, Ngài vẫn dạy các môn đệ học với Ngài vì Ngài khiêm nhường. Như vậy, chắc hẳn sự khiêm nhường có một giá trị hoàn toàn khác với điều người ta thường gán cho nó.

 

Thực ra, trong ý nghĩa cao cả nhất của nó, khiêm nhường không ở chỗ là hèn mọn, vì người ta có thể hèn mọn một cách khách quan, và như vậy không phải là nhân đức gì cả. Cũng không ở chỗ cảm thấy mình hèn mọn, vì có thể thực sự là thế. Sự khiêm nhường đích thực là ở chỗ làm cho mình thành hèn mọn, nhỏ bé. Theo nghĩa này, nó có nơi Thiên Chúa. Hơn nữa, chỉ nơi Thiên Chúa, nó mới đạt tới mức độ cao nhất. Thiên Chúa không phải là Ðấng hèn mọn, không nghĩ mình hèn mọn, nhưng làm cho mình thành hèn mọn khi hạ cố xuống thế. Và Ngài làm như vậy không phải vì lợi lộc nào cho mình, nhưng chỉ là để phục vụ, để làm sự lành, vì yêu thương con người.

 

Khiêm nhường là một nhân đức tiên vàn là của Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài không thể đưa mình lên. Ðâu còn gì ở trên Ngài nữa mà lên! Ở địa vị Ngài, khi làm một hành vi nào hướng ngoại (ad extra), thì chỉ có nước đi xuống.

 

Thánh Phanxicô Assisi đã đưa ra một trong những định nghĩa đẹp nhất về Thiên Chúa: "Thiên Chúa là sự khiêm nhường". Tất cả lịch sử cứu độ là lịch sử sự khiêm nhường của Thiên Chúa, thậm chí lịch sử những hạ mình mà Thiên Chúa phải chịu. Trong một bản văn nói về Thánh Thể, cũng thánh Phanxicô còn viết: "Anh em hãy xem: mỗi ngày Chúa hạ mình như khi Ngài từ ngai vàng xuống trong lòng Ðức Trinh Nữ. Hàng ngày, Ngài đến với ta dưới những hình thái khiêm tốn. Hàng ngày, Ngài từ cung lòng Chúa Cha xuống trên bàn thờ, trong đôi bàn tay của linh mục".

 

Thế nên chúng ta hiểu vì sao Ðức Giêsu có thể nói: Hãy học với tôi, vì tôi có lòng khiêm nhường. Ngài đã làm gì để chứng tỏ là khiêm nhường? Ðã hạ mình. Kể từ lúc nhập thể thì chỉ có đi xuống, xuống tới giới hạn cuối cùng như ta thấy, là quỳ gối rửa chân cho các môn đệ. Rồng đến nhà tôm đã là chuyện khó tưởng tượng, huống hồ ở đây, Ðấng Tạo Hoá quỳ dưới chân những tạo vật! Cho nên, thánh Bênađô đã tự nhủ với mình: "Hỡi tro bụi, ngươi hãy xấu hổ vì sự kiêu ngạo của ngươi. Thiên Chúa hạ mình xuống, còn ngươi, ngươi lại đưa mình lên".

 

Hiểu như vậy thì khiêm nhường là một trong những con đường đẹp nhất đưa ta tới chỗ giống với Thiên Chúa, sao chép hành vi của chính Thiên Chúa.

 

3. "Hãy đi và làm như thế" (Lc 10,37)

 

Ðây là lời Ðức Giêsu nói với nhà luật sĩ, sau khi kể cho ông ta nghe dụ ngôn về người Samari nhân hậu. Còn với các Tông đồ, khi đã cho các ông hiểu ý nghĩa của việc rửa chân rồi, Chúa nói với các ông: "Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em" (Ga 13,17).

 

Vấn đề chẳng qua là phải thực hành. Người ta học hỏi sự phục vụ bằng cách tập phục vụ. Bài suy niệm có kết quả hay không là tuỳ ta có can đảm rà soát lại đời sống, xem trong các thói quen, công việc, thời biểu. có thực sự là phục vụ không, và trong sự phục vụ này có tình yêu và lòng khiêm nhường không.

 

* Cần nhất là lưu ý điều này: xem ta có thực sự phục vụ người khác, hay ngược lại, chỉ là cái cớ để phục vụ mình.

 

Phục vụ mình là khi phục vụ không hoàn toàn vô vị lợi, không hẳn là vì người khác, nhưng là muốn cho người khác thấy mình đang phục vụ, mong cho người khác hiểu là mình đang làm ơn cho họ. Về điểm này, Ðức Giêsu có những đòi hỏi triệt để: "Ðừng cho tay trái biết việc tay phải làm" (mt 6,3). Một kiểu nói thật thú vị để diễn tả hành động ngược với những kẻ giả hình. Chẳng những không tìm cách rao báo cho mọi người biết, mà còn phải âm thầm khiêm tốn, không khoe khoang, không tự mãn, không hãnh diện về việc mình làm. Làm cốt để cho người khác thấy, mong được người khác ca ngợi, thì dù có tỏ ra tất bật với việc phục vụ, việc này cũng chả còn mấy ý nghĩa. Phải luôn nhớ rằng: "Ðức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình" (Rm 15,3). Ðó là luật vàng của phục vụ.

 

Muốn phân biệt đâu là lý do thúc đẩy ta phục vụ, cứ xem những việc phục vụ nào ta hăng hái vui lòng làm, và những việc nào ta muốn tránh né. Khi được ai nhờ cậy, cứ xem ta có sẵn sàng bỏ những việc phục vụ đem lại danh giá, để nhận một việc tầm thường ít ai chuộng không. Việc phục vụ bảo đảm nhất, là việc ta làm mà không ai biết đến, nhưng chỉ có Thiên Chúa ngự trong nơi bí ẩn thấu suốt mà thôi.

 

Trong một cộng đoàn, mỗi người được phân công làm một hay những việc khác nhau, tuỳ theo khả năng riêng và nhu cầu chung. Có việc xem ra nổi nang hơn. Có việc lại âm thầm hơn. Ðương nhiên là vậy. Nhưng tất cả đều nhằm lợi ích chung của cộng đoàn, và lợi ích của từng người cũng bao gồm trong đó. Nếu chỉ chăm chắm vào những việc nổi nang, mà lơ là với những việc âm thầm, đó là thiếu khiêm nhường, là không có tình bác ái huynh đệ, không có tinh thần chung. Một cộng đoàn mà không có những con người hy sinh, bền bỉ trung thành với những công việc nhỏ mọn, ngày này qua ngày khác, thì cộng đoàn đó khó mà ổn định, trật tự, thăng tiến. Và khó sống nữa.

 

[ Về điểm này, những người cao tuổi trong cộng đoàn có thể nêu gương lắm. Nêu gương cho bọn trẻ. Trẻ thì chúng nó còn khoẻ mạnh, nhi nhô nhí nhố, muốn có những hoạt động phục vụ này nọ cho ra trò, chứ ba cái chuyện lặt vặt thì có mòi không ưa. Kệ chúng nó. Mà còn phải hãnh diện nữa là khác khi chúng nó hoạt động được như thế, nếu đó là những hoạt động phục vụ có ý nghĩa, có ích lợi. Còn đối với người già, các thể hiện sinh hoạt bên ngoài dường như đã thu liễm cả vào trong. Vả lại, có muốn hoạt động bên ngoài cũng không được nữa rồi, vì như lời Thánh vịnh nói: "Bệnh mục xương đã nhập vào mình, và chân đi chẳng còn vững bước". Chưa kể trí khôn có khi không còn đủ sáng suốt, minh mẫn. Bởi vậy, người già thường thích sống âm thầm. Thế thì phục vụ trong những công việc âm thầm quả là thích hợp. Dĩ nhiên là trong trường hợp còn khả năng để làm những công việc đó. Chính Tông huấn Vita consecrata, số 44, khi khuyên Hội dòng tỏ ra tôn trọng ân cần đối với những thành viên cao tuổi, thì cũng nhắc nhở những người này thực hiện những việc phục vụ đại loại như vậy].

 

Hãy đọc lại Phúc Âm mà coi. Bên cạnh Chúa, cần có những con người phục vụ âm thầm, nhất là phục vụ vật chất, thì Chúa mới làm được việc của mình. Không phải vậy sao?

 

Trước hết là Giuse và Maria, khi Ðức Giêsu còn sống trong gia đình ở Nagiaret. Ðó là hai con người đã nuôi dưỡng Chúa, đã dạy dỗ Chúa, đã làm gương cho Chúa. Thời gian lại đâu có vắn vỏi. Những 30 năm lận! Hai người có được ai nhắc tới không? Kể như không. Ðúng ra, dân chúng có nhắc, nhưng sự nhắc nhớ của họ không mảy may đem lại danh giá cho hai người, bởi một người chỉ được gọi bằng danh xưng bác thợ mộc, còn người kia được biết đến vì đã cho Chúa bú. Dân chúng chỉ biết có thế, vì thực ra Giuse và Maria đã không ồn ào trong việc phục vụ Chúa.

 

Rồi trong suốt thời gian Chúa hoạt động công khai, ngoài nhóm môn đệ luôn theo sát Chúa, còn phải kể đến một nhóm phụ nữ nữa. Phúc Âm Nhất Lãm có nhắc đến các phụ nữ này. Luca còn nói rõ: không những họ lấy của cải mình có, để giúp đỡ Ðức Giêsu và các môn đệ Ngài, mà còn cùng đi với Ngài (Lc 8,2-3). Ði theo Chúa, hẳn không phải để vui vầy. Có thể theo vì cảm phục và tạ ơn Ngài đã chữa cho lành bệnh. Có thể theo vì muốn được nghe lời hằng sống. Nhưng chắc chắn là đi theo để phục vụ. Lấy của cải mình có để giúp đỡ đã là điều tốt, nhưng đi theo để hầu hạ còn là điều tốt hơn. Cho cái mình có thì ai nấy ít nhiều có thể cho, nhưng cho chính mình, bằng sự phục vụ của mình, lắm người không sẵn sàng đâu. Các phụ nữ này đã làm cả hai việc, vừa cho cái mình có, vừa cho chính mình bằng việc phục vụ phái đoàn.

 

Tuy Phúc Âm không nói rõ, nhưng chúng ta nghĩ là các bà đảm nhận những chuyện lặt vặt của Chúa và các môn đệ. Lặt vặt nhưng cần thiết: lo lắng đồ ăn thức uống, may vá cái áo cái quần. Nghề của các bà mà! Có thế Chúa mới yên tâm làm chuyện lớn. Những việc làm âm thầm và vô danh của các bà, với tất cả lòng mến, quả đã góp một phần vào hành trình truyền giáo của Chúa.

 

Chúng ta hãy học lấy tinh thần phục vụ đó. Phục vụ cả trong những việc nhỏ mọn, không phô trương, không lấy tiếng. Ðó thực sự là phục vụ người khác, chứ không phục vụ mình.

 

* Phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường còn ở chỗ không lấy cớ phục vụ để bắt người khác phục vụ mình. Ðiều này dễ xẩy ra lắm, nhất là nơi những người lãnh đạo, những người có quyền hành, những người đứng đầu một công tác nào. Khổ nỗi, thường thường chính đương sự lại không nhận ra, hay không muốn nhận ra. Nó che giấu một tham vọng thống trị, một thói quen áp đặt cho người khác ý muốn hành động hay cách thức hành động của mình. Nói tắt là muốn tỏ uy quyền. Uy quyền trong tay một người như thế cũng giống như một cái búa. Người đó có khuynh hướng coi mọi vấn đề như là những cái đinh, chỉ biết lấy búa mà đóng, mà nện.

 

Tôi ra ví dụ: một người làm công tác tông đồ, thấy một việc mình cho là hay, một phương pháp mình cho là hợp, rồi chẳng bàn hỏi với ai, hoặc có hỏi mà chẳng nghe người nào, cứ thế bắt người khác cùng với mình làm theo đó, cho dù người khác không đồng tình.

 

Phục vụ trong hoạt động tông đồ, lại nhiệt thành nữa, là điều tốt chứ đâu có xấu. Nhưng vì cung cách làm như vậy, người đó thực ra đã vô tình bắt người khác phục vụ mình, chứ không phải mình phục vụ người khác. Người đó đã không lưu ý đến những đau khổ gây ra cho người khác, từng cá nhân hay cả cộng đoàn. Thậm chí còn ngạc nhiên không hiểu sao người khác lại không thích điều mình làm cho họ, không thấy những cố gắng của mình phục vụ họ. Do đó mà đâm buồn, thấy nản, trách người khác vô ơn, bạc bẽo. Thực ra, người khác không thấy, không thích cung cách của mình, vì mình đã phục vụ mà thiếu khiêm tốn, chỉ chiều theo sở thích hoặc theo đầu óc độc đoán áp chế của mình.

 

Con người này có thể là chính chúng ta. Cứ hỏi người khác coi. Nếu họ dám trả lời thẳng thắn, không ngại, không sợ, họ sẽ cho ta biết sự thật. "Cái gương tốt nhất để ta nhìn thấy ta, là cái nhìn của kẻ khác về ta" (E. Mounier). Nếu thấy làm cho ai khó sống, khó chịu vì sự phục vụ không thích hợp của ta, phải biết khiêm tốn kiểm điểm và điều chỉnh lại sự phục vụ ấy.

 

* Dầu sao, cũng nên giữ sự tự do của Tin Mừng. Khi phục vụ, đã đành chúng ta không coi mình hơn người khác, nhưng không phải lúc nào cũng nhất thiết coi mình dưới người khác. Ðừng tự tôn mà cũng đừng tự ti. Cứ coi mình như mọi người trong cuộc sống hàng ngày. "Có những người tỏ ra rất khiêm nhường để đặt mình dưới người khác, nhưng lại không khiêm nhường để giống như họ" (Manzoni). Một nhận xét thật tinh tế.

 

Ðôi khi sự phục vụ tốt nhất không ở chỗ phục vụ người khác, nhưng để người khác phục vụ mình. Ở đây, nhận cũng quý như cho, cũng là một cách cho. Bởi vậy, có lúc Ðức Giêsu đã ngồi vào bàn và để người khác rửa chân cho mình (Lc 7,38). Chúa có để cho các phụ nữ đi theo hầu hạ mình trong suốt hành trình truyền giáo, cũng là theo ý hướng đó.

 

Trong thư thứ nhất, thánh Phêrô đưa ra lời khuyên: "Ai phục vụ thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban" (1Pr 4,11). Chúng ta phục vụ anh chị em không chỉ bằng sức riêng, mà con bằng sức mạnh Thiên Chúa ban cho ta. Sức mạnh ấy ở đâu? Ở trong tình yêu của Chúa. Chính Chúa đã phục vụ ta bằng tình yêu từ Trái Tim Ngài.

 

Nhìn ảnh Thánh Tâm Chúa, ta thấy Chúa mở Trái Tim Ngài ra, một Trái Tim bừng cháy lửa yêu mến.Và Chúa chỉ ngón tay vào đó như muốn nói với ta rằng: chính nhờ Trái Tim này mà Ta đã yêu thương và phục vụ con người.

 

Xin Chúa ban cho ta sức mạnh tứ chính Trái Tim ấy, để chúng ta cũng biết phục vụ anh chị em theo gương Chúa, với lòng yêu thương và khiêm nhường như chính Chúa. (*)

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)

 

(*) Lấy ý trong R.Cantalamessa, LEucharistie notre sanc-tification, Centurion, 1989

 

 

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà