HƯỚNG VỀ

ÐỨC KITÔ THÁNH THỂ

 

 

HƯỚNG VỀ ÐỨC KITÔ THÁNH THỂ

 

Yêu ai thì nhớ đến người đó. Càng yêu càng nhớ, nhớ quay nhớ quắt. Và nếu có dịp để gặp gỡ, càng tranh thủ để gặp. Người môn đệ yêu Chúa sẽ thường xuyên tưởng nghĩ tới Ngài và muốn gặp Ngài. Có một cách hiện diện thật đặc biệt của Chúa, để ta có thể dễ dàng tìm đến và gặp gỡ thân tình, diện đối diện. Ðó là sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể.

 

Ðức tin công giáo cho hay: Chúa hiện diện ở đó là hiện diện thực sự, không phải hiện diện tượng trưng. Cũng không chỉ hiện diện một khoảnh khắc trong Thánh Lễ, để người ta chịu lấy, nhưng là hiện diện kéo dài. Thế nên mới có chuyện lưu giữ Thánh Thể trong Nhà Tạm. Ðể làm gì? Ðể Chúa ở giữa con cái loài người một cách thật cụ thể; Ðể người ta có thể dùng làm Của Ăn Ðàng; Và để tôn thờ chiêm ngắm nữa. Chính ý nghĩa cuối cùng này mà chúng ta muốn đặc biệt đề cập ở đây, khi nói về tâm tình của ta hướng tới Chúa Kitô Thánh Thể.

 

1. "Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thày"

(Lc 22,19)

 

* Hàng ngày, trong Thánh Lễ, ta vẫn nghe linh mục chủ tế lặp lại lời trên đây của Chúa Kitô, trong phần truyền phép trên rượu. Nhớ đến Chúa là một điều quan trọng khi cử hành Thánh Thể đến nỗi, khác với các tác giả Phúc Âm Nhất Lãm, thánh Phaolô hai lần nhắc lại lệnh truyền này, trong trình thuật của ngài về việc Chúa lập phép Thánh Thể (1Cr 11,24-25). Không những nhớ đến một cách chung chung, Phaolô còn xác định rõ nội dung của việc tưởng niệm này như sau: "Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết" (1Cr 11,26). Nội dung việc tưởng niệm và lời loan báo chính là cái chết của Chúa. (Trong câu tung hô sau Truyền phép, Phụng vụ thêm vào một ý nữa: "và tuyên xưng Chúa đã sống lại". Ðó là hai khía cạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua, mà Thánh Lễ tưởng niệm và loan báo, vì chính nhờ sự chết và sự sống lại của mình mà Ðức Kitô hoàn tất công trình cứu độ).

 

Trong Thánh Thể, việc tưởng niệm có hai chiều kích, một liên hệ với Chúa, một liên hệ với con người. Vậy có thể nói: tưởng niệm có một ý nghĩa thần học và một ý nghĩa nhân học.

 

Theo ý nghĩa thần học, tưởng niệm là nhắc cho Chúa Cha nhớ đến Ðức Giêsu. Ðó là lời mời gọi ta hướng lên Chúa Cha, để Người nhớ đến những gì Ðức Giêsu đã làm cho ta. Nhắc nhớ như thế là nhằm một mục tiêu rõ rệt, tức là: để Chúa Cha, vì yêu Chúa Con, mà tha thứ tội ta và cho ta được hạnh phúc. Nói khác đi, chúng ta nhắc cho Chúa Cha nhớ đến Ðức Giêsu, để Chúa Cha nhớ đến ta. (Nhà chú giải J. Jeremias đã cắt nghĩa lệnh truyền của Ðức Giêsu như sau: "Hãy làm việc này để Chúa Cha nhớ đến anh em").

 

Trong Cựu ước, khi gặp thử thách nặng nề, dân Chúa đã hướng về Giavê mà kêu lên đại khái: Xin Ngài hãy nhớ đến Abraham tổ phụ chúng tôi. Xin nhớ đến các tôi tớ Ngài là Isaac và Giacóp. Khởi đầu Thánh vịnh 131/132, tác giả đã thưa lên: "Lạy Chúa, xin Ngài nhớ đến vua Ðavít, và mọi công lao vất vả của người". Dân cũ đã nại đến những Abraham, những Ðavít, những người được Thiên Chúa yêu mến, để xin Chúa đừng rút lại lòng nhân từ của Ngài đối với họ (Ðn 3,5). Còn chúng ta hôm nay là dân của Giao ước mới, có thể kêu cầu Thiên Chúa theo cách thức hữu hiệu hơn nhiều, vì chúng ta nại đến chính Con yêu dấu của Thiên Chúa mà thưa với Người: Xin Cha nhớ đến Con yêu dấu của Cha. Xin Cha đừng quên công nghiệp và hy tế của Con Cha.

 

Cái kiểu nhắc nhớ trên đây, Phụng vụ có làm, và cung cấp cho ta những hình thức rất hay. Những Kinh Nguyện Thánh Thể trong Thánh Lễ, đặc biệt Kinh Nguyện Thánh Thể IV, chính là những lời tưởng niệm (anamnèse), một hình thức nhắc nhớ về Ðức Giêsu trước mặt Chúa Cha. Giáo Hội kể cho Chúa Cha nghe những điều Ðức Giêsu đã nói và làm trong cuộc đời dương thế: "Người đã nhập thể. đã loan Tin Mừng cứu độ cho người nghèo khó. đã hiến thân chịu khổ hình. đã sai Chúa Thánh Thần đến với các tín hữu. đã yêu thương họ đến cùng.".

 

Thoạt nghe, có thể có người cho đó là những lời ngây ngô, làm như Chúa Cha không biết gì về những việc Ðức Giêsu đã thực hiện không bằng. Người đó tự đặt mình vào chỗ Chúa Cha đang nghe mà nói: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!" (lời thốt ra thường xuyên của cụ cố Hồng trong tác phẩm Số Ðỏ của Vũ Trọng Phụng). Thật sự, nếu am tường đường lối cầu nguyện của Kinh Thánh, ta sẽ thấy đó là lời kinh tuyệt đẹp.

 

Tính chất thuật truyện còn thấy trong chính những lời truyền phép. Những lời này không khác một cách kể cho Chúa Cha nghe điều Ðức Giêsu đã nói, khi Ngài cầm bánh và chén rượu trao cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly.

 

Chỉ sau khi đã nhắc nhớ nhiều về Ðức Giêsu cho Chúa Cha, chúng ta mới xin Chúa Cha nhớ đến chúng ta, nhớ đến Giáo Hội và các thành phần trong Giáo Hội.

 

Ý nghĩa của tưởng niệm liên hệ với Chúa Cha là thế. Còn liên hệ với chúng ta, tức theo nghĩa nhân học, thì tưởng niệm là nhắc nhớ về Ðức Giêsu, không phải cho Chúa Cha, nhưng là cho chúng ta. Hết thảy chúng ta cử hành Thánh Thể đều phải nhớ đến Ðức Giêsu.

 

Kể từ khi Kinh Nguyện Thánh Thể hình thành, những lời đầu tiên được linh mục đọc sau truyền phép vẫn là: "Vì vậy, giờ đây chúng con tưởng nhớ Con Cha đã chịu chết và sống lại." Có bao giờ chúng ta thực sự hợp ý với những lời này không? Việc tưởng nhớ Ðức Giêsu, Ðấng đã chết và sống lại vì ta, phải làm cho ta cảm thấy vui mừng và đầy sức mạnh trong cuộc lữ hành ở trần gian này. Rập theo lời thánh Bênađô, Phụng vụ trước đây đã ca lên: "Tưởng nhớ Ðức Giêsu thì êm dịu, làm cho tâm hồn được vui thật".

 

* Thực sự, tưởng nhớ, hoài niệm hay ký ức, một khi xuất hiện trong trí, có khả năng khuấy động tất cả thế giới nội tâm của ta, hướng nó tới đối tượng mà ta nhớ, đặc biệt khi đối tượng này không phải là một vật hay một sự việc, nhưng là một con người được ta yêu thương.

 

(Nàng Kiều nhớ chàng Kim thì: "Ngổn ngang trăm mối bên lòng". Chàng Kim nhớ nàng Kiều thí: "Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây". Phim "Ở nhà một mình I" cho thấy một gia đình trong đó người cha người mẹ thật lơ đễnh, cùng với các con khác đi du lịch mà lại quên bẵng đức con trai út ở nhà. Sự nhớ nhung và lo lắng đã làm cho hai người, nhất là người mẹ, bồn chồn như thế nào. Cũng may, thằng bé này khá thông minh, ranh mãnh. Tuy gặp nhiều nguy cơ, nhưng khéo xoay xở, rốt cuộc mọi việc cũng đâu vào đấy, cho đến khi cả gia đình trở về. Có những bà mẹ Việt kiều về thăm quê hương, nhưng không mang theo con dại. Chỉ mấy ngày sau đã ủ ê âu sầu vì nhớ con). Khi tưởng nhớ đên Chúa, các thánh cũng có một tâm trạng tương tự, tuy một cách thiêng liêng hơn. Tác giả Thánh vịnh nói: "Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ, suốt năm canh thầm thĩ với Ngài" (Tv 62/63,7).

 

Nơi con người, ký ức là một trong những cơ năng mầu nhiệm nhất, và cũng gây ấn tượng nhất. Không phải sao? Thử nghĩ coi: những gì ta đã nghe, đã thấy, đã nghĩ, đã nói, đã làm, từ hồi còn bé lúc đã có trí khôn, tất cả nằm im chỗ nào trong đầu không rõ, nhưng khi ta nhớ được và muốn nhắc đến, là chúng hiện ngay lên trong trí, nhanh hơn cả vận tốc ánh sáng.

Augustinô đã viết những trang rất hay về ký ức, trong đó có ký ức về Thiên Chúa: "Lạy Thiên Chúa của con, sức mạnh của ký ức lớn biết chừng nào. Ai có thể chạm tới đáy của nó?... Từ khi con biết Chúa, Chúa ở trong ký ức của con. Chính ở đó mà con tìm thấy Chúa, khi con nhớ tới Chúa và khi con vui mừng trong Chúa" (Conf. X,8.17.24). Thiên Chúa mà các tầng trời không chứa nổi, lại có thể ở ngay trong ngôi đền ký ức bé nhỏ của con người. Lạ thay!

 

Ðộng từ "nhớ lại", theo tiếng la tinh (recordari), có nghĩa là đưa lên lại (re) trong tâm hồn (cor). Vậy nhớ lại hay tưởng niệm không chỉ là hoạt động của trí khôn, nhưng còn là hoạt động của ý muốn, của con tim. Nhớ lại là tưởng nghĩ với lòng yêu mến (dĩ nhiên phải là đối tượng ta yêu mến, và ở đây là Ðức Kitô). Hành vi này một phần là do nỗ lực của ta, nhưng chủ yếu là do hoạt động của Thánh Thần, như lời Ðức Giêsu nói với các môn đệ: "Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thày, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thày đã nói với anh em" (Ga 14,26).

 

* Dựa vào lệnh truyền của Chúa "Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thày", được Phụng vụ không ngừng lặp lại, các Giáo phụ đã đề ra cả một linh đạo Thánh Thể rất phong phú. Theo các ngài, hiệu quả thiêng liêng của Thánh Thể là giúp cho người ta không ngừng nhớ đến Ðức Giêsu. Trung thành nhớ đến Chúa thì Thiên Chúa sẽ đến ở trong linh hồn ta, biến ta thành đền thờ của Người. Thánh Basiliô cho biết, khi lập phép Thánh Thể, Chúa muốn cho ta "khi ăn Thịt và uống Máu Ngài, ta luôn nhớ tới Ngài là Ðấng đã chết và sống lại vì ta". Nhớ, và miệt mài suy niệm các mầu nhiệm này, để tâm hồn có thể đam mê chúng. Ký ức của ta về Chúa phải làm cho con đường của Chúa trở thành con đường của ta, thấm nhiễm tư tưởng của ta. Ðiều này tuy khó, nhưng không phải là không thể thực hiện, ngay cả cho những kitô hữu sống giữa đời.

 

Ðể cho việc nhớ tới Chúa được dễ dàng hơn, ít nhất trong bước đầu, chúng ta hãy tập, chẳng hạn, thường xuyên kêu cầu danh Chúa, lặp lại trong trí hoặc lắp bắp trên môi. Một việc rất đơn sơ dễ dàng, ai làm cũng được. Một phương thế bình thường, tưởng không có gì đặc biệt, thực ra lại đem đến cho ta những hiệu quả bất ngờ.

 

Nói thế có quá chăng? Không đâu. Vì danh Ðức Giêsu mà chúng ta nại đến, không chỉ là một danh xưng thuần tuý, một cái tên để gọi như ai nấy đều có. Nó chứa đựng mầu nhiệm của con người Ðức Kitô và quyền năng của Ngài. Trước danh xưng đó, "muôn vật phải bái quỳ" (Pl 2,10). Thế thì khi thành tâm kêu cầu Danh đó, chúng ta phải có tâm tình tôn phục đã đành, mà con người cũ của ta cũng phải "khúm núm quy hàng". Quyền năng của danh xưng này sẽ giúp ta cắt đứt những tư tưởng kiêu căng, tự mãn, giận ghét, những ý nghĩ không trong sạch. Ngược lại, nó khơi dậy nơi ta những tư tưởng và hành vi tốt, dần dần làm cho ta thủ đắc "những tâm tình của chính Ðức Kitô Giêsu" (Pl 2,5), nghĩ theo cách của Thiên Chúa chứ không theo cách của loài người (Mt 16,23).

 

2. "Hãy đến cùng tôi." (Mt 11,28)

 

* Kêu cầu Danh Ðức Giêsu là mộtcách giúp ta nhớ tới Chúa, hướng về Ngài. Thế nhưng có một hình thức khác, ý nghĩa hơn, hiệu quả hơn, đó là đến với Chúa tại nơi Ngài hiện diện một cách đặc biệt. Nói rõ hơn, là Thánh Thể tại Nhà Tạm. Trước Nhà Tạm, không những ta như trực diện với Chúa, mà còn có điều kiện hơn để suy niệm về Ngài và chiêm ngắm Ngài.

 

Chắc chắn ta có thể tưởng nhớ và chiêm ngắm Chúa ngay trong nhà tạm là tâm trí ta. Về điều này, ta có một mẫu gương tuyệt vời là Ðức Maria. Ðức Maria chiêm ngắm Ngôi Lời nhập thể ngay trong lòng mình, Hơn thế nữa, như Augustinô nói, Người còn cưu mang Ngôi Lời trong trí trước khi cưu mang Ngôi Lời trong thân xác (Prius concepit mente quam corpore). Nghĩa là tâm trí đã hướng về Chúa trước rồi. Sau khi nhập thể, Ðức Giêsu không chỉ cư ngụ trong thân xác Ðức Mẹ, mà còn chi phối tất cả tâm trí Người, trong mọi tư tưởng và tình yêu của Người. Thế nên cái nhìn của Ðức Mẹ không hướng ngoại cho bằng hướng nội, nhìn vào chính cung lòng của mình, vì tất ca kho tàng của mình là ở đó. Một sự tưởng nhớ và chiêm ngắm Chúa như vậy thật đáng cho ta bắt chước, khi ta tưởng nhớ và chiêm ngắm Chúa ngự trong ta, cách riêngsau khi rước lễ.

 

Tuy vậy, chiêm ngắm Chúa hiện diện trong Nhà Tạm, mặt đối mặt, ở một nơi yên tĩnh và như đã chan hoà sự hiện diện của Ngài, còn đem lại cho ta nhiều ích lợi hơn. (Người tu sĩ sống đời sống cộng đồng dễ có điều kiện này, vì thường ra trong mỗi nhà, dù nhỏ, vẫn có Nhà Tạm lưu giữ Thánh Thể).

 

Chính Ðức Kitô cũng mời gọi: "Hãy đến cùng tôi.". Ðó là lời mời gọi chung chung đến với Chúa. Ðó còn là lời mời gọi đặc biệt đến với Thánh Thể. Chúa sẽ ban cho ta một điều đáng mong ước như lời Ngài hứa: "Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng".

 

* Trong bài này, chúng ta không bàn về việc đến với Chúa trong Thánh Lễ, một đề tài đáng để ta suy niệm lắm, mà chỉ giới hạn trong những hình thức khác liên hệ đến việc tôn sùng Thánh Thể. Trong Tông thư về mầu nhiệm và việc tôn sùng Thánh Thể (24/2/1980), Ðức Gioan Phaolô II có nói (đại ý): Việc tôn thờ Ðức Kitô trong bí tích tình yêu này phải được diễn tả bằng những hình thức khác nhau: cầu nguyện riêng trước Thánh Thể, cầu nguyện chung, Chầu Phép Lành. Huy động và đào sâu việc tôn sùng Thánh Thể là bằng chứng cho thấy sự canh tân chính thực mà Công đồng đã coi là mục đích. Những việc đó là tâm điểm của sự canh tân này. Ðức Giêsu chờ đợi ta trong bí tích tình yêu này. Ðừng tính toán thời giờ đi gặp gỡ, tôn thờ và chiêm niệm Ngài.

 

Nhắc lại những lời khuyến cáo trên đây không phải là chuyện thừa, cho dù chúng là những nguyên tắc rất thông thường trong đời sống thiêng liêng.

 

Phải nhận rằng việc tôn sùng truyền thống dành cho Thánh Thể ít nhiều bị quên lãng. Lý do? Có thể nhận ra không khó lắm. Một khía cạnh được làm nổi bật dễ làm lu mờ một khía cạnh khác. Trong nỗ lực canh tân Phụng vụ, người ta chú trọng lãnh vực cộng đoàn và dấu chỉ phụng vụ, hơn là những việc đạo đức thuần tuý, dù làm chung hay làm riêng, ngay cả những việc đạo đức liên hệ với Thánh Thể. Nhấn mạnh hành động phụng vụ và bí tích là điều phải lẽ, nhưng từ đó lơ là với việc tôn sùng Thánh Thể thì lại là điều tai hại.

 

Ngoài ra, rập theo lời kêu gọi của Công đồng, người ta dấn thân vào xã hội, hướng tới người nghèo, mà lắm khi quên đi cái là "tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động. và nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội" (PV 10). Cái tột đỉnh đó, cái nguồn mạch đó, chính là Phụng vụ, đặc biệt là Thánh Thể. Hoạt động ly tâm trên đây cần được quân bình hoá bằng hoạt động hướng tâm, hướng về Thánh Thể là trọng tâm của đời sống kitô giáo.

 

Qua bao nhiêu thế kỷ trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội, đặc biệt mấy trăm năm trở lại đây, không một vị thánh nào mà đời sống lại không ghi đậm ảnh hưởng của Thánh Thể. Một Gioan Maria Vianey bận bịu tối ngày với công việc mục vụ, vẫn có thể dành nhiều thời gian quỳ trước Nhà Tạm.

 

Quả thực, đúng như Công đồng nói, việc tôn sùng Thánh Thể đã là nguồn mạch làm phát sinh những năng lực thiêng liêng lớn lao. Nếu đạo Tin Lành nhấn mạnh lời Chúa, Chính Thống giáo tôn sùng ảnh thánh (icône), thì nét riêng của Giáo Hội Công giáo là Chúa Kitô Thánh Thể, tôn sùng sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể. Ðây là ân huệ đặc biệt Chúa dành cho chúng ta. Phải phát huy tối đa giá trị của nó.

 

Ðương nhiên có một vài hình thức tôn sùng trước đây, nay cần xét lại. Hoàn cảnh bây giờ khác xưa. Ngay cả cách thực hành lắm khi đã làm méo mó ý nghĩa của chúng. Một ví dụ: việc kiệu Thánh Thể qua các làng mạc và đường phố. Không những nó đụng chạm nhiều chuyện của xã hội mà còn, thay vì biểu dương danh Chúa, có khi lại biểu dương tâm trạng hãnh tiến (triomphalisme).

 

Cũng may, có thể nói là hiện giờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội lập lại hoặc khuyến khích một số hình thức tôn sùng Thánh Thể. Lập lại, nhưng đồng thời cũng thanh tẩy chúng, khoác cho chúng bộ mặt mới, dựa vào Kinh Thánh và Phụng vụ. Ở nhiều nơi, người ta cũng thấy tái hiện nhu cầu sâu xa này: nhu cầu tôn sùng Thánh Thể, nhu cầu ở bên chân Thày như Maria người Bêtania (Lc 10,39). Quả thực, Thân Thể Ðức Kitô là Giáo Hội chỉ có thể phát triển và sống chung quanh Thân Thể đích thực là Thánh Thể (MK 26). Ðiều xẩy ra cho cả thân thể thế nào, cũng xẩy ra cho từng chi thể thế ấy.

 

* Trước Thánh Thể Chúa, trong thinh lặng và bình an, ta cảm thấy tình yêu của Ngài dành cho ta, tình bạn của một Thiên Chúa nhờ Thánh Thể mà cụ thể hoá việc thường xuyên thăm viếng dân mình. Ta cảm thấy những ước muốn của Ngài đối với ta. Trên Thập giá, qua tiếng kêu "Tôi khát" (Ga 19,28), lòng Chúa Giêsu khao khát thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, hoàn tất công trình Chúa Cha đã trao phó. Khát vọng của Chúa đối với ta cũng là muốn cho ta thi hành thánh ý Thiên Chúa, cộng tác vào công trình cứu độ này. Ta từ bỏ những dự phóng của ta, nhường chỗ cho những dự phóng của Thiên Chúa. Ánh sáng và sức mạnh của Thiên Chúa dần dần thấm nhập vào tâm hồn ta, làm cho nó sống và tăng trưởng.

 

Có một cái gì đó xẩy ra tương tự như những cây cành khi mùa xuân tới, với chất diệp lục tố. Lá xanh trổ ra từ các cành, hấp thụ những yếu tố từ bầu khí quyển. Dưới tác động của ánh sáng mặt trời, những yếu tố này biến đổi thành nhựa nuôi cây. Không có lá xanh thì cây không phát triển, không thể sinh hoa kết trái, không góp phần vào việc tái tạo chất ôxy mà chính chúng ta cần để thở. Những lá xanh này là biểu tượng cho những tâm hồn tôn sùng Thánh Thể, hướng tới Mặt Trời Công Chính là Ðức Kitô, hấp thụ những yếu tố tốt là Thánh Thần, để sinh ích cho cả cây lớn là Giáo Hội.

 

Nói như Phaolô, "Tất cả chúng ta, không màn che mặt, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí" (2Cr 3,18). Ta được chiêm ngắm vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên Chúa Kitô Thánh Thể, để rồi chiếu toả vinh quang đó ra, và ngày càng trở nên rực rỡ.

3. "Tôi nhìn Chúa và Ngài nhìn tôi"

 

Chúng ta vừa nói đến chiêm ngắm Chúa Kitô Thánh Thể. Nhưng chiêm niệm Thánh Thể thực sự là gì? Tự nó, đây là một ân huệ tạo ra sự tiếp xúc giữa hai tâm hồn, giữa ta với Chúa Kitô Thánh Thể, và qua Ngài mà lên tới Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần. Tất cả đều diễn ra trong thinh lặng hoàn toàn, cả bên ngoài lẫn bên trong. Ðối với chiêm niệm, thinh lặng là người bảo vệ, như Giuse thinh lặng bảo vệ Ðức Maria chiêm niệm.

 

Chiêm niệm là nhìn thẳng bằng trực giác vào thực tại Thiên Chúa. Thực tại này có thể là chính Thiên Chúa, có thể là một trong các thuộc tính của Ngài, có thể là một mầu nhiệm của cuộc đời Ðức Kitô. Không chỉ nhìn mà còn vui hưởng sự hiện diện của Chúa nữa. Khi suy gẫm, ta dành ưu tiên cho việc tìm kiếm chân lý. Khi chiêm niệm, ta vui hưởng chân lý đã tìm thấy, tức Thiên Chúa. Chiêm niệm luôn hướng về cả con người, về toàn bộ chứ không phải từng phần.

 

Thánh Bonaventura định nghĩa: "Chiêm niệm là cái nhìn âu yếm hướng tới Thiên Chúa". Nhưng đúng nhất có lẽ là câu nói, không phải của một nhà thông thái nào, nhưng là của một nông dân ở họ đạo Ars. Ông ngồi thinh lặng hàng giờ trong nhà thờ, mắt đăm đăm nhìn lên Nhà Tạm. Cha thánh Gioan Maria Vianey lấy làm thắc mắc, hỏi xem ông đã làm gì trong thời gian lâu như vậy. Ông đáp gọn: "Tôi nhìn Chúa và Ngài nhìn tôi".

 

Câu trả lời xác định rõ điều này: cái nhìn của ta không bao giờ hướng tới hư vô. Nó có đối tượng rõ rệt. Ðối tượng là Chúa. Nhưng chưa hết. Còn chuyện khác nữa. Nó cho biết thêm một khía cạnh lẽ ra là hiển nhiên, nhưng thực tế ít ai để ý. Khía cạnh này là Chúa nhìn ta. Chiêm niệm kitô giáo không bao giờ chỉ có một chiều độc nhất. Nó luôn là sự trao đổi hai chiều. Luôn có hai cái nhìn gặp gỡ nhau: ta nhìn Chúa và Chúa nhìn ta. Nếu có giây phút nào đó ta hướng tới đối tượng khác, thì Chúa vẫn nhìn ta.

 

Chiêm niệm Thánh Thể đôi khi chỉ là thuần tuý hiện diện trước mặt Chúa, để Chúa nhìn ta, vui mừng được nhìn thấy ta. Vì sao? Vì tuy là tạo vật tội lỗi, ta vẫn là hoa quả của công trình cứu chuộc Ngài đã thực hiện. Vì sao nữa? Vì ta là người Ngài yêu thương và hiến thân cho.

 

Niềm vui của Chúa được gặp ta, trộm nghĩ, là điều cần nhấn mạnh. Không một người chiêm niệm nào lại chiêm niệm mình, nhưng cũng rất nhiều người nghĩ đến mình khi chiêm niệm. Thành ra, có những lúc cảm thấy khô khan, hay chia trí, hoặc không cảm nghiệm được lợi ích của chiêm niệm trong đời sống thiêng liêng, ta dễ có nguy cơ bỏ cuộc. Hãy nghĩ đến Chúa. Hãy làm cho Chúa được hạnh phúc vì gặp ta. Hãy biết nói như Charles de Foucauld: "Lạy Chúa, hạnh phúc của Chúa là đủ cho con!". Từ đời đời, Chúa hằng sẵn sàng làm cho ta được hạnh phúc. Còn ta, để làm cho Chúa hạnh phúc, ta chỉ có một khoảng thời gian nào đó. Ðừng nhẫn tâm làm mất đi cơ hội.

 

Khi ta dành thời giờ chiêm ngắm Chúa Kitô Thánh Thể, ta thực hiện lời tiên tri đã được nên trọn trên Thập giá: "Họ sẽ nhìn lên Ðấng mà họ đã đâm thâu" (Ga 19,37). Hơn nữa, một sự chiêm niệm như thế, tự nó, cũng là một lời tiên tri, mà chúng ta có thể thực hiện trong Giáo Hội. Theo nghĩa nào? Theo nghĩa này: ngày tận thế, Chiên Con sẽ không còn bị sát tế. Không còn truyền phép. Không còn hiệp lễ. Không còn ăn Mình và uống Máu Chúa. Cái còn lại và còn mãi, là việc chiêm niệm Chiên Con bị sát tế vì ta.

 

Ðó là điều các thánh đang làm trên trời. Ðó là kho tàng quý báu các ngài đang chiếm hữu. Vậy ở trước Nhà Tạm, chúng ta đã làm thành một với các thần thánh. Chỉ khác một điều: đối với các ngài. chiêm niệm là hưởng kiến, diện đối diện; đối với chúng ta, chiêm niệm được thực hiện trong đức tin.

 

 

Nhớ tới người yêu, mặt mũi lòng dạ ta có biến chuyển. Gặp gỡ người yêu, biến chuyển còn mạnh hơn, lộ rõ hơn. Người nào nhớ tới Chúa, nhất là gặp gỡ Chúa, cũng vậy. Sách Xuất hành kể: Khi Môsê xuống núi sau cuộc hội kiến với Thiên Chúa, mặt ông sáng lên (Xh 34,29). Sáng, vì ánh vinh quang của Thiên Chúa còn đọng lại nơi ông. Biết đâu khi gặp Chúa Kitô Thánh Thể rồi, ta trở lại với các anh chị em, và họ cũng nhìn thấy ta thay da đổi thịt, mặt mũi ta bừng lên ánh sáng của Thiên Chúa. Có thể ta không thấy điều đó, như Môsê ngày xưa cũng đã không biết hình dạng thay đổi của mình. Như thế càng tốt.Và đó là món quà quý nhất mà ta có thể dành cho người khác. (*)

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)

 

(*) Lấy ý trong R.Cantalamessa, LEucharistie notre sanc-

tification, Centurion, 1989


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà