LẮNG NGHE LỜI CHÚA

 

Nói về các thần dân ngoại, tác giả Thánh Vịnh đã có những lời châm biếm như sau: "Miệng có đó, nhưng chúng không nói" (Tv 115,5). Không nói, vì theo Phaolô, các thần đó chỉ là những "ngẫu tượng câm" (1Cr 12,2), do tâm trí và bàn tay con người nhào nặn. Thiên Chúa chúng ta thì khác. Một trong những nét đặc sắc nhất của Thiên Chúa trong mạc khải Kinh Thánh là : Ngài nói với con người. Cũng như một trong những kinh nghiệm tôn giáo nổi bật nhất nơi Israel là kinh nghiệm gặp gỡ một Thiên Chúa nói. Một đàng, người Do Thái tự hào khi so sánh sự cao cả của một Thiên Chúa nói với những thần câm của dân ngoại, đàng khác, họ ý thức rằng sự im lặng của Thiên Chúa là hình phạt lớn nhất dành cho họ. Là vì, lời Chúa chứa đựng lời hứa cứu độ. Người ta tìm được ở đó không những ánh sáng, chỉ dẫn, nâng đỡ, mà cả bảo chứng của sự cứu độ. Cho nên, nếu Thiên Chúa im lặng, không nói, tức là Ngài đoạn tuyệt với họ, có nghĩa là phạt họ, và họ cảm thấy như phải xuống mồ.

 

Trong Cựu ước, Thiên Chúa nói trực tiếp với một số người đặc tuyển là các ngôn sứ và, qua họ, Ngài nói với dân Ngài và với mọi người. Nhưng đến thời sau hết, thời Tân ước, Ngài nói với ta nơi một Người Con (x.Dt 1.2). Người Con này là Ðức Giêsu, Lời Thiên Chúa nhập thể.

 

Có nói thì phải có nghe. Thiên Chúa nói thì con người phải nghe, (cũng như con người nói thì Thiên Chúa vẫn nghe, x.Tv 114,1-2). Nghe là cách đáp ứng cơ bản nhất với một Thiên Chúa nói.

 

Chúng ta thử suy nghĩ về điều đó trong bài này.

 

1. "Hãy nghe"

 

* Kết thúc dụ ngôn người gieo giống, Ðức Giêsu nói: "Ai có tai thì hãy nghe" (Mt 13,9). Rồi khi giải thích cho các môn đệ ý nghĩa của dụ ngôn này, Ngài bắt đầu bằng những chữ: "Vậy anh em hãy nghe" (Mt 13,18). Những lời trên làm vang vọng lời Thiên Chúa kêu gọi Israel, bàng bạc trong Cựu ứơc, nhất là trong sách Lề luật và Ngôn sứ: "Hãy nghe, hỡi Israel" (shema Israel).

 

Trong diễn từ thứ hai của Môsê (trong sách Ðệ Nhị Luật), chúng ta đếm được 4 lần Môsê nhắc cho Israel hãy nghe. Nhắc, vì nội dung quan trọng của những lời sắp nói cần được lưu ý: "Hỡi Israel, hãy nghe thánh chỉ và quyết định mà hôm nay tôi nói cho anh em nghe. Anh em phải học cho biết những điều ấy và lo đem ra thi hành" (Ðnl 5,1tt). "Nghe đây, hỡi Israel, Ðức Chúa Thiên Chúa chúng ta là Ðức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Ðức Chúa Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức lực anh em (Chúng ta biết : khi trả lời cho một luật sĩ hỏi: "Thưa Thày, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất", Ðức Giêsu đã trích câu Ðệ nhị luật trên đây, mà Ngài coi là giới răn lớn nhất, giới răn đệ nhất, x.Mt 22,37-38) " Những lời tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng. Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy" (Ðnl 6,3-7).

 

Những lời trên đây, trước hết, quan trọng cho Israel. Cùng với vài câu tiếp theo (hết câu 12), chúng làm thành một kinh nguyện rất quen thuộc (kinh Shema Israel), được

người Do Thái đọc 3 lần mỗi ngày, nhất là buổi sáng. Lời kinh nói lên những thái độ chủ yếu của một tín hữu Do Thái : tuyên xưng một Thiên Chúa độc nhất, yêu mến Thiên Chúa, nhớ lại Giao ước.

 

Ðây cũng phải là thái độ của người kitô hữu chúng ta. Có thể vì để nhắc cho ta khỏi quên những điều ấy mà Phụng vụ đọc cho ta nghe những câu trên trong phần lời Chúa của Kinh Tối mỗi thứ bẩy (theo lịch do thái và Phụng vụ thì đã thuộc Chúa nhật). Và phải chăng vì yêu mến Thiên Chúa là luật lớn nhất nên nó được nhắc đến mỗi ngày thứ nhất là ngày quan trọng hơn hết trong tuần ? Nhắc, để chúng ta thi hành việc yêu mến Chúa một cách cụ thể trong ngày đó, là tham dự nghi lễ tôn kính Chúa, chứ không tôn kính các thần nào khác, như chính Sách Ðệ Nhị Luật đã chỉ thị (x.Ðnl 6,14-15).

 

Cho nên, "Hãy nghe" là mệnh lệnh Chúa truyền cho Israel ngày xưa qua miệng Môsê, mà cũng là mệnh lệnh Chúa truyền cho ta hôm nay qua Giáo Hội.

 

* Trongsách các Vua, ta được đọc một bản văn rất có ý nghĩa, cho thấy ý muốn của Thiên Chúa đòi chúng ta phải có một thái độ căn bản là biết nghe. Ngày ấy, Salomon nối ngôi Ðavít, còn nhỏ tuổi, chưa biết ngõ ra lối vào (tức cách xử sự và cai trị), nói chi đến tiếng tăm danh vọng thường được gán cho ông. Ông đi hành hương Gabaon, dâng lễ tế trên bàn thờ Giavê. Ðêm đến, Thiên Chúa hiện ra với ông trong mộng và bảo: "Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho". Salomon thưa: "Chính Ngài đã lấy lòng nhân hậu lớn lao mà xử với tôi tớ Chúa là Ðavít, thân phụ con.Chúa đã duy trì lòng nhân hậu lớn lao ấy với người.Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Ðavít, thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ". Sau khi kể lể khúc nôi, Salomon mới xin. Xin gì ? Ông không xin sống lâu giầu bền, không xin chiến thắng quân thù. Ông xin một điều rất lạ, hầu chắc không ai ngờ tới: "Xin ban cho tôi tớ Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe" (1V 3,5tt).

 

Biết bao lần trong đời ta cũng xin Chúa ban cho mình điều này điều nọ. Nhưng thử nghĩ lại những gì mình đã xin coi. Thường ra, chúng tẹp nhẹp, chỉ nhằm những nhu cầu nhất thời của riêng mình. Chúng ta không biết xin điều cơ bản như Salomon đã làm. Ông là vua, là cha mẹ của trăm họ, tiếp quyền các Thẩm phán ngày trước. Ðiều ông xin liên hệ đến nhiệm vụ quan trọng ấy, tức xin cho mình biết nghe theo tiếng lương tri phán đoán, và chắc hẳn nghe theo tiếng Thiên Chúa nữa.

 

Lời xin ấy làm đẹp lòng Thiên Chúa. Chính Ngài cho hay một tâm hồn biết nghe sẽ có được hiệu quả nào, qua lời Ngài nói với Salomon: "Bởi vì ngươi đã xin điều đó. xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời ngươi : Ta ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn" (1V 3,11-12).

 

Ai nấy đều biết chuyện Salomon khôn ngoan khi phân xử vụ hai người đàn bà cùng nhận một đứa trẻ sơ sinh làm con mình. Ai nấy cũng biết chuyện nữ hoàng Saba tận phương Nam đã đến nghe sự khôn ngoan của ông, điều mà Ðức Giêsu sẽ nhắc lại (x.Mt 12,42tt). Nhưng đó là lúc tâm hồn ông chưa bị đóng đầy mỡ (Tv 119,70). Lòng mà đóng đầy mỡ thì không còn vui khoái với chỉ thị của Thiên Chúa. Sau này, ông không biết nghe tiếng Chúa nữa, vợ con cung tần mỹ nữ đùm đề. Có lẽ Salomon là ông vua trong Kinh Thánh tưng bừng nhất về khoản này. Ông đã mê gái mà thờ quấy (x.1V 11,1tt).

 

Phần chúng ta, muốn được khôn ngoan minh mẫn, tiên vàn cũng phải có một tâm hồn biết nghe : nghe tiếng lương tâm, nghe lời dạy khôn, nghe Bề trên, nghe lời Thiên Chúa.

 

* Chúa nói với ta ở đâu để ta có thể nghe ? Chủ yếu là trong Kinh Thánh, đặc biệt khi lời Kinh Thánh được công bố trong Phụng vụ. Tất nhiên, khi đọc Kinh Thánh một mình, ta cũng bắt gặp Thiên Chúa nói với ta. Nhưng trong Phụng vụ, nơi dân Chúa được lời Chúa quy tụ, Thiên Chúa nói với chúng ta trong tư thế một cộng đồng. Ðọc riêng Kinh Thánh là một hành vi cá nhân. Nghe công bố lời Chúa là một hành vi cộng đồng, một nghi thức, đưa ta vào Giao ước, hội nhập vào Dân Chúa, vào lịch sử cứu độ.

 

Ðược công bố trong cử hành Phụng vụ, lời Chúa như chiếm lĩnh tất cả con người của ta. Nó rót vào tai ta (Dĩ nhiên phải đọc thế nào cho lọt tai, cho thấy đó là lời Chúa. Và cần có bầu khí thinh lặng để nghe). Nó lôi kéo đôi mắt ta hướng về tuyên đài. Từng lời từng lời thấm nhiễm trí óc, đánh động con tim.

 

Chưa hết. Cả môi miệng cũng không được nghỉ ngơi. (Ðọc Kinh Thánh hay một cuốn sách nào đó một mình, thì môi miệng thường nghỉ ngơi. Chúng ta đọc bằng mắt chứ đâu có đọc bằng miệng, như kiểu trẻ con ê a học bài. Ðây là chuyện bình thường, nhưng lại là một sự lạ thời thánh Augustinô. Thuở ấy, một kẻ đọc sách mà không phát âm inh ỏi là một hiện tượng phi thường. Thánh Ambrosiô là một hiện tượng như thế. Augustinô được trông thấy Ambrosiô xem sách, lấy làm ngạc nhiên hết sức, lấy làm thắc mắc mãi không thôi, bèn ghi vào tập Confessions như sau :"Khi ngài xem sách, mắt ngài lướt trên các hàng chữ, nhưng tiếng nói và miệng lưõi của ngài lại nghỉ ngơi. Tại sao ngài lại làm như vậy ?". Ðối với lời Chúa, có khi môi miệng không được nghỉ ngơi, nhất là khi lời Chúa được công bố trong Phụng vụ). Môi miệng phải làm việc vì phải ăn lời Chúa. Có chuyện này nữa sao? Trong một thị kiến, Êdêkien được Thiên Chúa dạy: "Hãy mở miệng ra mà ăn cái Ta sắp ban cho ngươi". Êdêkien đã ăn quyển sách, và nó ngọt như mật ong nơi miệng ông (Êd 2,8-3,3). Phụng vụ cũng kêu mời ta ăn lời Chúa, lấy lời Chúa làm lương thực nuôi sống. Muốn thế, ta phải nhai đi nhai lại, nghiền ngẫm lời, để thưởng thức hương ngon vị ngọt và rút lấy chất bổ dưỡng. Lời Chúa mà ta nhai đi nhai lại chính là Thánh Vịnh đáp ca, liên ý với nội dung của bài đọc Sách Thánh. Sự nghiền ngẫm này giúp cho lời Chúa ghi sâu vào tâm hồn ta. Thánh Vịnh này cũng còn là cách độc đáo đáp lại lời Chúa, dùng ngay lời Chúa mà đáp lại.

 

Ngoài ra, còn có những lúc thinh lặng ( Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, số 23, nhắc giữ thinh lặng sau bài đọc, để suy gẫm vắn tắt những gì đã nghe. Sự thinh lặng này là thành phần của cử hành), bài diễn giảng, các huấn dụ vắn, các lời nguyện, các bài hát, dáng điệu cử chỉ của thân xác : tất cả giúp cho lời Chúa có khả năng tác động trên cả cộng đoàn và từng người.

 

Nghe lời Chúa theo cung cách ấy, trong bầu khí ấy, với hiệu quả ấy, lại chẳng đáng quan tâm hay sao ?

 

* Nghe là bước đầu phải có trướcmột Thiên Chúa nói. Tuy vậy, có thể có những cách đáp ứng như sau :

 

Có người không nghe. Vì sao ? Vì cố chấp trong tội, bởi lời Chúa nói thường có liên can với tội lỗi người ta. Ngay từ lúc khởi nguyên, Ađam, sau khi phạm tội, đã lẩn trốn Thiên Chúa, không muốn nghe tiếng Ngài, nên Ngài đã phải gọi: "Ngươi ở đâu ?" (St 3,9). Khi phạm tội rồi, tất cả những gì trước đó thấy rất rõ, nghe rất rõ, đều tan biến (Julien Green). Không nghe vì không muốn vâng lời, nếu xét theo nguyên ngữ (Ðộng từ shema vừa có nghĩa là nghe, vừa có nghĩa là vâng lời. Hãy xem cách Phaolô dùng 2 từ vâng lời và không vâng lời để chỉ thái độ nghe hay không nghe: "Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính" (Rm 5,19). Không vâng lời có nghĩa la "ở ngoài việc nghe" (parakoè). Vâng lời có nghĩa là "ở dưới việc nghe" (upakoè). Như vậy, không vâng lời là đặt mình ở ngoài khu vực nghe, nơi ngưòi ta không nghe thấy gì nữa. Ngược lại, vâng lời là đặt mình dưới máy khuếch đại lời Thiên Chúa). Người không nghe Chúa thì Chúa cũng không nghe họ. Và chính lời Chúa sẽ phán xét họ trong ngày sau hết (x.Ga 12,48).

 

Có người khác nghe mà lơ đãng, nghe tai này ra tai nọ, nghe như nước đổ đầu vịt. Bởi lòng trí họ còn đang bận bịu trăm công nghìn chuyện. Có nghe cũng như không. Tâm hồn họ như bụi gai bóp nghẹt lời Chúa (x.Mt 13,22).

 

Còn người biết nghe thì sao ? Cho dù chú ý nghe, nhưng nghe suông mà thôi chưa đủ. Còn phải giữ lời, thực hành lời nữa. Trong Phúc Âm, Chúa rất nhấn mạnh việc thực hành này. Trong dụ ngôn hạt giống, ta thấy lời Chúa được đón nhận bằng những cách thức khác nhau. Tất cả đều nghe, nhưng chỉ những kẻ hiểu, thực sự đón nhận hoặc giữ lời đó (3 kiểu nói đồng nghĩa), mới thấy lời Chúa sinh hoa trái nơi họ. Cuối bài giảng trên núi, khi vừa công bố Luật mới, Ðức Giêsu đối chiếu số phận của ngưòi nghe lời mà đem ra thực hành, với số phận của người nghe lời mà không đem ra thực hành : một bên thì giống như ngôi nhà được xây trên đá, bên kia thì xây trên cát (x.Mt 7,24-27).

 

Thánh Giacôbê dùng một hình ảnh so sánh khá ngộ: "Ai lắng nghe lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào" (Gc 1,22-24). Soi gương là muốn nhìn mình cho kỹ, cho rõ, xem có gì lôi thôi thì lau, thì sửa.Thế mà có người soi gương, thấy có những cái phải lau, phải sửa, nhưng bỏ gương ra thì lại quên phéng việc đó. Lơ đãng đến thế là cùng. Người lơ đãng đó chính là người tín hữu để lời Chúa tra xét mình, thấy mình có lỗi này lỗi nọ, nhưng nghe lời Chúa xong, lại không một chút quan tâm sửa mình.

 

Nghe và giữ lời Chúa sẽ đem lại kết quả ra sao ? Ðó là một người có phúc (Lc 11,28), là anh chị em với Chúa (Lc 8,21), được Chúa Cha yêu mến và đặt làm chỗ ở của Ngài (Ga 14,23). Người đó sẽ không phải chết (Ga 8,51), nhưng được sống đời đời (Ga 5,24). Tất cả chỉ vì đã nghe va thực hành lời của Chúa Cha là chính sự thật.

 

2. "Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe" (1Sm 3,10)

 

Thiên Chúa nói với ta, ban cho ta lời Ngài, cho ta được "thưởng thức lời tốt đẹp của Ngài" (Dt 6,5). Nhưng hương vị của lời Chúa không phải bao giờ cũng cảm thấy, không phải môi miệng nào cũng cảm thấy. Cũng như manna trong sa mạc ngày xưa, hoặc như Thánh Thể ngày nay, ăn riết có thể đâm chán. Nói về việc tìm kiếm sự khôn ngoan, thánh Bênađô bảo : Phải làm cho sự khôn ngoan đầy lòng dạ và tâm trí. Nhưng ngài cũng lưu ý : đầy, nhưng không tràn, không ứ, để khỏi mửa ra. Thánh nhân viết: "Bạn tìm thấy sự khôn ngoan, tức là bạn thực sự tìm thấy mật ong. Nhưng đừng ăn nó nhiều quá, để không mửa nó ra vì phát ngấy". Có thể áp dụng điều trên đây vào việc nghe hay đọc lời Chúa. Sao cho đủ liều lượng mà vẫn còn thấy thèm, thấy đói. Chán ngấy như thế nào thì kinh nghiệm của Israel còn sờ sờ ra đó. Họ chán cái thứ manna nhạt nhẽo không mùi vị mà ngày nào cũng phải dùng. Thế nên, để khỏi rơi vào tình trạng này, phải có sự chuẩn bị, phải có tâm hồn sẵn sàng. Thế nào là chuẩn bị, sẵn sàng ?

 

* Có đôi tai đức tin. Muốn nghe phải có tai. Tai xác thịt là để nghe lời của con người. Nhưng để nghe lời Chúa, phải có tai đức tin kia, vì đây là lời của Thánh Thần. Chính đức tin mở tai chúng ta ra để nghe lời Chúa. "Lới đó tác động nơi anh em là những tín hữu" (1Tx 2,13). Khôngcó đức tin, người ta vẫn có thể nghe hay đọc lời Chúa như bất cứ lời nào hay sách nào. Nghe như thế là để biết, để tìm hiểu. Có thể để tìm một nguyên tắc tương tự như nguyên tắc của đời sống luân lý. Hoặc tệ hơn, nghe nhằm tìm cách phản bác. Không có đức tin, phản bác cũng dễ lắm, vì nhiều lời Chúa quả là khó nghe với đôi tai xác thịt. Luther bảo :"Quả thực lời Thiên Chúa có đến thì lại ngược với cảm quan và ước vọng của ta" (Vere verbum Dei, si venit, venit contra sensum et votum nostrum). Ðâu cần đợi tới ngày nay. Hồi Ðức Giêsu đích thân giảng dạy cũng đã từng xẩy ra như thế. Chúng ta có thể thấy, chẳng hạn, khi Chúa giảng về bánh ban sự sống, dân chúng, thậm chí một số môn đệ, đã phản ứng ra sao.

 

Có lần nói về các chiên của mình, Chúa bảo: "Chúng sẽ nghe tiếng tôi" (Ga 10,16). Những kẻ không có đức tin, những ngưòi ngoài đàn chiên, nghe lời Chúa thì chỉ nghe có những lời. Riêng chiên mới nhận ra đó là tiếng của Chúa, nhận ra người nói là ai. Lời và tiếng không giống nhau. Lời diễn tả ý tưởng. Tiếng cho ta biết người. Lời của Kinh Thánh có thể đem sánh với lời của con người, vì cũng chỉ là hình thức chuyển tải ý tưởng. Tiếng của Kinh Thánh thì không thể đem sánh, vì là tiếng của Chúa (x.Ga 6,52.66).

 

Dưới ánh sáng đức tin, Kinh Thánh trở nên có một ý nghĩa khác hẳn với mọi sách khác. So với Kinh Thánh, có thể có những tác phẩm hay hơn, những tư tưỏng sâu sắc hơn. Hoặc cứ cho rằng Kinh Thánh hay hơn hết đi nữa, nếu nó chỉ như một cuốn sách dạy đạo, thì có hay mấy, đọc mãi cũng nhàm. Hội được ý nghĩa, nguyên tắc trong sách rồi, hơi đâu mà đọc lại, hứng đâu mà nghe thêm ? Tương tự đã ép lấy nước mía để uống, thì vứt bã đi. Cùng lắm lâu lâu đọc lại, nghe lại, để nhớ, thế thôi. Sách nào cũng vậy, dù thâm thuý, được ưa chuộng, chỉ chịu được vô số lần đọc của những thế hệ khác nhau, đâu chịu được vô số lần đọc của một người.

 

Nhưng một cuốn sách như Kinh Thánh, đối với người nghe hay đọc bằng đức tin, lại khác hẳn. Lời trong đó có một ý nghĩa mầu nhiệm, luôn mới mẻ và hiện tại, vì gắn chặt với tiếng. Ðấy là tiếng của Chúa đang hiện diện và nói cho mọi người, cho từng người, trong mọi tình huống của ngày hôm nay. Muốn nghe được tiếng Chúa là phải tìm đến Kinh Thánh. Cũng như muốn tìm hương vị của trái chuối, người ta không thể ép lấy nước chuối, như kiểu ép nước mía rồi thải bã, nhưng phải ăn chính trái chuối.

 

Vậy một tâm hồn sẵn sàng trước hết phải là một tâm hồn tin. Phải có đôi tai đức tin để nhận ra tiếng nói của Chúa. Chỉ có nó mới làm cho ta tiếp xúc được với Ngài. Và khi nghe được tiếng của Chúa, tiếp xúc với Ngài, ta mới thấy lời Chúa là lời nói với mình. Mỗi con chiên sẽ được gọi đích danh và được tiếp xúc riêng biệt. Bấy giờ sẽ có đối thoại, như Chúa Phục sinh gọi tên Maria Mađalêna, và cô đáp lại :"Rabboni". Ðáp, vì đã nhận ra tiếng Chúa gọi mình.

* Ngoài ra, cần nghe lời Chúa với tấm lòng tôn kính, đơn sơ, ngoan ngoãn, rộng mở, yêu mến, khao khát nghe để tìm ơn cứu độ. Thể hiện những thái độ trên đặc biệt đối với những lời Phúc Âm. Truyền thống các hiền nhân, nho gia khi đọc hay nghe những tác phẩm thế tục đáng trân trọng, vẫn dành cho chúng một sự tôn kính đặc biệt. (Platon khi đọc sách thánh hiền thì đốt hương trầm. Ðời Lê, có lần tại Bắc Kinh, vị đại sứ của ta tặng một bài thơ cho vị đại sứ Triều Tiên. Ông này gửi thư cám ơn, có câu: "Rửa tay xong mới mở ra ngâm đọc, cảm thấy răng và má tự nhiên phát ra mùi hương thơm". Nói về bài phú Xích Bích của thi sĩ Trung Quốc là Tô Ðông Pha, ông Nguyễn Hiến Lê bảo: "đọc lên thấy thơm tho cả miệng lưỡi"). Ðối với sách thường còn vậy, huống hồ là đối với Sách Thánh. Phải có thái độ tôn kính khi đọc hay nghe đọc. Răng, má hay miệng lưỡi của chúng ta chắc chắn cũng toát ra mùi hương, còn thơm hơn nhiều.

 

Giáo Hội dạy ta một cách tôn kính khi nghe công bố Phúc Âm trong Phụng vụ. Theo tập quán xưa, sách Phúc Âm là sách riêng, không chung với sách các bài đọckhác. Có cung nghinh, có hương nến, trịnh trọng. Người công bố là linh mục hay phó tế. Làm dấu Thánh giá. Hôn sách. Phía người nghe cũng tỏ thái độ tôn kính, cụ thể là đứng nghiêm trang, hướng về tuyên đài. Mong rằng chúng ta luôn giữ đúng cung cách ấy, bày tỏ lòng tôn kính thực sự đối với lời Chúa, và không chỉ khi nghe công bố trong Phụng vụ mà thôi.

 

Chúng ta nghe với tấm lòng đơn sơ, rộng mở, khao khát, như muốn để lời Chúa ùa vào tâm hồn ta. Ðể được thế, thì khi nghe, cũng phải mở rộng vành tai bên ngoài nữa. Chúng ta thấy cái phễu có một đầu loe to, một đầu thu nhỏ. Tai chúng ta cũng vậy. Nghe lời Chúa (hay đón nhận ơn Chúa) là phải hướng đầu loe đó về phía Chúa, tiếp nhận mọi lời (hay mọi ơn) cho bằng hết, không bỏ sót, không để rơi để rớt. Và chính cái đầu thu nhỏ sẽ giúp cho lời Chúa (hay ơn Chúa) chảy tuồn tuột vào trong ta. Ðưa đầu nhỏ mà hấng thì phỏng được mấy tí ? Giêrêmia thì không dùng hình ảnh tai, nhưng dùng hình ảnh miệng. "Gặp được lòi Chúa tôi đã nuốt vào. Lời Chúa làm vui thoả lòng tôi" (Gr 15,16).

 

Ðó là thái độ, chẳng hạn, của một Timotê ngày còn bé. Trong thư thứ hai gửi người môn đệ yêu quý này, Phaolô có nhắc lại điều đó, hàm ý khen, và cũng dựa vào đó để khuyến khích Timotê kiên vững. Thánh Tông đồ viết: "Từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan,để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Ðức Kitô Giêsu" (2Tm 3,14). Mà Timotê biết Kinh Thánh từ tấm bé nhờ ai ? Không ai khác hơn là bà nội và mẹ ruột, những người có lòng tin rất chân thật (x.2Tm 1,5). Chắc hẳn họ đã để cho con cho cháu dựa trên đầu gối mình mà truyền đạt lời Chúa cho nó. Ðó là hành vi rất thông thường của các bà, các người mẹ đạo đức ngày xưa trong khung cảnh gia đình. Ngày nay, thử hỏi được mấy bà mẹ biết dạy con như vậy ? (Nhớ lại mấy chục năm về trước, có những bà mẹ ru con bằng những thi ca đạo đức bình dân, như truyện ông Alêxù, ca vè cụ Sáu., hoặc ít ra những bài ca dao đậm nét tình tự dân tộc, quê hương, đạo lý :"Cái ngủ mày ngủ cho lâu, mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về". Những lời ru như vậy đã thấm sâu vào lòng con người, nhất là con người thôn dã, nếu không muốn nói là cả dân tộc, vì đa số dân ta là nông dân hay có nguồn gốc thôn quê. Những lời ru như vậy đã làm cho tâm hồn một người như thi sĩ Hồ Dzếnh phải cảm kích mà viết : "Kiếp sau xin lại làm người. Ðể nghe non nước vọng lời mẹ ru"). Bây giờ, sau bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời, dù không vất vả lam lũ, người mẹ hầu như khoán trắng việc học đạo của con cho các cha, các thầy, các bà dòng, các giáo lý viên. Chị lớn dỗ em ngủ bằng băng nhạc "rap" nghe lộn ruột, hết năm lần bẩy lượt mà mắt thằng bé cứ mở thao láo. Còn thằng bé Timotê, trước các bậc sinh thành đầy lòng tin, hẳn đã mở to đôi mắt, banh đôi tai, há hốc miệng mà nuốt trửng những lời linh hứng vàng ngọc. Hệt như những đứa trẻ bây giờ mở mắt banh tai trước những truyện cổ tích được kể với một giọng hấp dẫn.

 

* Một tâm hồn thinh lặng và cầu nguyện. Khi được Thiên Chúa kêu gọi, Samuen đang là một con trẻ phụng sự Thiên Chúa, dưới sự chăm sóc của thày cả Êli, đêm nằm ở điện thờ, nơi có Hòm Bia Thiên Chúa (x.1Sm 3,1-3). Như vậy, lời Chúa nói trong một bầu khí thinh lặng (đêm), nói với một tâm hồn luôn ở trong tư thế gần gũi thân mật với Chúa (Hòm Bia), tức là một tâm hồn cầu nguyện. Ngay câu thưa của Samuen, lúc được Chúa gọi lần thứ ba, cũng là một hình thức cầu nguyện :"LạyÐức Chúa, xin Ngài phán".

 

Augustinô nói: "Rốt cuộc, muốn hiểu Kinh Thánh, điều cốt là phải cầu nguyện". Ta có thể diễn ý thêm : Muốn nghe lời Chúa cũng phải cầu nguyện. Phải như các tín hữu sơ khai hằng van nài: "Lạy Chúa, xin hãy đến" (Maran atha). Cầu nguyện và thinh lặng để nghe tiếng Chúa gõ cửa, hầu khi nghe thấy thì mở ngay cho Ngài (x.Kh 3,20). Ồn ào, xao động, làm sao nghe ? Tiếng của Chúa sẽ bị mất hút trong các tiếng động khác. Cầu nguyện và thinh lặng còn là điều kiện để Chúa lưu lại và nói. Thiếu những yếu tố đó, tâm hồn ta giống như một căn phòng bề bộn, đồ đạc ngổn ngang, không ra đâu vào đâu. Chẳng ai muốn bước chân vào một căn phòng như thế.

 

Có thể thấy một chỉ dẫn trong câu truyện hai chị em Matta va Maria lúc Chúa đến chơi nhà (Lc 10,38-41). Maria thì ngồi dưới chân Chúa và nghe lời Ngài. Còn cô chị Matta mải bận rộn với việc phục dịch bộn bàng. Khi Matta xin Chúa bảo cô em giúp mình trong việc này thì được Chúa trả lời: "Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá". Chúa đánh giá cao việc lắng nghe lời Chúa. Mà để được thế, tâm hồn phải không bộn bàng, không xôn xao nhiều chuyện. Phải thinh lặng. (Ở đây, Chúa không có ý coi trọng chiêm niệm hơn hoạt động như có người nghĩ, rồi nhân đó cho rằng đời sống tu kín có giá trị hơn đời sống tu hở. Nhưng có ý nói rằng : muốn chú tâm tới những thực tại Nước Trời, thường được biểu thị bằng lời, thì không để mình chia trí vì những lo toan thái quá về những thực tại trần thế. Hơn nữa, theo Luca, nghe lời Chúa không phải là chiêm niệm ở nhưng chút nào, nhưng phải đưa tới những hành động cụ thể và rất đòi hỏi, x.Lc 8,15).

 

Nhân nói về sự thinh lặng, thiết tưởng cần gợi ra đôi điều trong dịp tĩnh tâm dài ngày. Ngày đầu từ các nơi tựu về, lâu lâu không gặp nhau, chúng ta tay bắt mặt mừng, tíu ta tíu tít, hàn huyên đủ chuyện. Rất tốt. Phải như vậy nữa. Nhưng bầu khí tĩnh tâm đòi chúng ta hạ giọng, "gò hãm miệng lưỡi" như thánh Giacôbê dặn (Gc1,26), vì Thiên Chúa không thể nói khi con người nói quá nhiều. Lý tưởng những ngày tĩnh tâm bảo chúng ta thinh lặng. Thinh lặng hoàn toàn nếu được. Hoặc ít nhất cũng cần có những giờ phút cần thinh lặng tuyệt đối, Thinh lặng tương tự như phần rỗng của bụng trống (bụng của cái trống). Bụng càng rỗng, trống đánh kêu càng to. Lòng trí ta càng thinh lặng, sự tiếp thu lời Chúa và âm vang vủa tiếng Chúa càng lớn. Dĩ nhiên, thinh lặng là do ta tự ý, cố gắng mà không giả dối. Ðó là chuyện liên hệ đến miệng lưỡi. Nhưng quan trọng hơn, là thinh lặng bên trong. Và thinh lặng này, ai có thể ra luật đòi giữ, ai có thể kiểm soát, trừ phi là chính mỗi người chúng ta? Có thể bề ngoài thinh lặng mà trong trí thì ngổn ngang đủ thứ.

 

Chúa có lần vào đền thờ, lật đổ những bàn đổi tiền và xua đuổi các con buôn ra ngoài (x.Ga 2,13tt). Ta cũng phải thanh tẩy lòng trí ta khỏi ba cái chuyện trần tục đó. Nhưng cũng nhớ lời Chúa cảnh giác : đừng quét dọn xong rồi để nhà không ai ở, kẻo Satan lại đi rủ thêm các quỷ dữ hơn và tái chiếm (x.Lc 11,24-26). Lúc ấy sẽ nguy hơn nhiều.

 

Hãy để Chúa đến làm chủ tâm trí ta. Hãy nuốt lời Chúa vào cho đầy lòng dạ. Hãy có tâm hồn như hai môn đệ Emmau sẵn sàng nghe Chúa nói, đến nỗi lòng họ "bừng cháy lên" khi họ nghe Chúa giải thích lời Kinh Thánh.

 

 

Ở đầu bài, chúng ta đã trưng lời châm biếm của tác giả Thánh Vịnh về các tượng thần dân ngoại không biết nói, để thấy sự khác biệt của Thiên Chúa chúng ta là Ngài biết nói. Tác giả còn châm biếm tiếp: "Tai có đó nhưng chúng không nghe". Ðến lượt chúng ta phải cho thấy sự khác biệt của ta với các tượng thần đó ở chỗ ta biết nghe. Nghe lời Chúa vì Chúa lên tiếng nói.

 

Chúng ta hãy xin như thường hát trong một bài ca quen thuộc :

 

Xin cho con biết lắng nghe lời Ngài dạy con trong cuộc sống

.

Xin cho con biết sẵn sàng trả lời vừa khi con nghe Chúa

Xin cho con biết sẵn sàng thực hành lời Chúa đã truyền ban

 

Lắng nghe, hiểu ý, đáp ứng, thực hành : đó là những hành vi cơ bản của người môn đệ trước lời dạy của Chúa là Thày của chúng ta.

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG (micquang@pmail.vnn.vn)

 

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà