HOÁN CẢI

HƯỚNG VỀ ÐỨC KITÔ

 

IV. HOÁN CẢI HƯỚNG VỀ ÐỨC KITÔ

 

Ngày nay, nhiều người cảm thấy ngại ngùng khi nói về hoán cải, hoặc khi nghe kêu mời hoán cải. Ngại, không phải vì cho mình không có lỗi, nên không thấy cần hoán cải. Ngại là vì những đòi hỏi của nó dường như bắt người ta phải cố gắng nhiều, làm cho cuộc sống không còn thoải mái như người ta nghĩ. Chuyện hoán cải, mười phần khó thực hiện đến bảy tám.

 

Thế nhưng hoán cải vẫn là một trong những điểm then chốt của đời sống kitô giáo. Nó bàng bạc trong tất cả giáo huấn của Kinh Thánh, từ lời rao giảng của các ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả, đến Dức Giêsu và các Tông Ðồ. "Hãy sám hối", "Hãy hoán cải" đó là những lời đầu tiên Ðức Giêsu nói với người Do Thái, trước cả những lời dạy được coi là cốt yếu khác, trước cả Bài Giảng Trên Núi được coi là Hiến chương của Nước Trời. Và không chỉ nói một lần rồi thôi, nhường chỗ cho các giáo huấn khác. Không. Lời kêu gọi hoán cải còn tiếp tục vang lên trong suốt cuộc đời của Chúa, cho tới Thập giá, thậm chí cho tới lúc Ngài về trời, qua lời Ngài căn dặn các môn đệ là "phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân. , kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội" (Lc 24,47).

 

Hoán cải tạo nên một thái độ cần thiết. Không có thái độ này, không thể đón nhận sứ điệp của Chúa, không thể hiểu và sống sứ điệp này. Do đó không thể được cứu (x.Lc 13,3.5).

 

Do sự hoán cải được nhấn mạnh như thế, do nó có tầm quan trọng lớn trong đời sống của ta, ta không thể không suy niệm ít nhiều về nó trong bài này.

 

1. "Hãy hoán cải" (Mc 1,15)

 

* Hoán cải (conversion) là một từ có tính chất đa giá. Nó được sử dụng theo nhiều nghĩa rất khác nhau. Nói chung, nó nói lên một sự thay đổi đời sống. Bỏ một cung cách sống quen thuộc để nhận một cung cách sống mới tốt hơn. Bỏ việc phục vụ mình một cách ích kỷ để phục vụ cộng đồng hay phục vụ Chúa. Cuối cùng là bất cứ quyết định hay đổi mới nào, dù làm theo cách nào, đưa ta tới gần Chúa hoặc kết hợp ta hơn với sự sống của Thiên Chúa. Ý nghĩa cuối cùng hoàn toàn thuộc phạm vi tôn giáo.

 

Hoán cải, theo từ hy lạp (metanoia) dùng trong Tân Ước có nghĩa là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận. Như vậy, dường như nó chỉ liên hệ với tâm trí, với sự thay đổi bên trong. Không phải thế. Phải hiểu nó theo chủ đề căn bản trong Cựu Ước, cách riêng từ ngôn sứ Giêrêmia. Nó có nghĩa là thay đổi hướng đi, thay đổi con đường, bỏ đường tà trở lại đường chính, triệt để quay về với Thiên Chúa của Giao Ước, và dấn bước vào một cuộc sống mới. Vì Cựu Ước coi con người như một toàn thể, nên hoán cải không chỉ là thay đổi tâm trí, mà là cả con người. Không chỉ trong ý nghĩ mà cả trong hành động.

 

Cũng theo quan niệm của Kinh Thánh, ngoài chiều kích luân lý (bỏ điều dữ làm điều lành), đặc biệt hoán cải còn có chiều kích thần học. Chính chiều kích thần học làm nền tảng cho chiều kích luân lý. Ta không chỉ đơn thuần sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót của mình. Một cách cơ bản hơn, phải hiểu cho đúng mình là ai trước mặt Thiên Chúa, để có thể hướng về Ngài. Trên thực tế, ta luôn có khuynh hướng đánh giá mình quá cao nên không thể công chính trước mặt Thiên Chúa và đối với anh chị em.

 

* Vậy khi Ðức Giêsu, tiếp theo sau Gioan Tẩy Giả, kêu gọi hoán cải, Ngài muốn ta làm gì ? Dựa vào những ý nghĩa trên đây, chúng ta thấy phải làm hai việc. Quả thực, hoán cải có hai khía cạnh : một tiêu cực và một tích cực, nếu có thể nói được như thế. Một đàng hướng về quá khứ để hối hận đau buồn vì những lầm lỗi đã phạm, một đàng hướng về Thiên Chúa nơi Ðức Kitô là Ðấng đang đến.

 

Trước hết là hướng về những tội lỗi đã phạm. Ðây là lúc sám hối, là khởi điểm chủ yếu cho sự hoán cải, là lúc khởi đầu cải thiện cùng với những nỗ lực nhọc nhằn gắn liền với việc cải thiện (paenitentia, paena, punire, "đánh tội"). Quả thực, chính vì mối liên hệ với con đường tội lỗi đã đi qua mà chúng ta hoán cải. Hoán cải liên kết với ý nghĩ về tội và với sự kiện tội lỗi. Nghĩ đến tội và thấy có tội nơi mình, chúng ta bày tỏ tâm tình hối lỗi, đau buồn, muốn đền tội đã phạm, quay lưng khỏi tội, xa tránh dịp tội. Tội càng nặng, quá khứ càng đen tối, thì những tâm tình, ước muốn và hành động trên đây càng gia tăng. Có thấy rõ điều này nơi các thánh.

Ở đầu sách Linh Thao, thánh Inhaxiô Loyola đề nghị với các người tĩnh tâm như sau : "Tôi sẽ nhìn tất cả sự hư hoại và thối tha của thân xác tôi. Tôi sẽ nhìn tôi như nhìn một vết lở loét và ung nhọt, từ chỗ đó phát sinh bao nhiêu là tội lỗi, bao nhiêu là điều ác, bao nhiêu là nhơ bẩn đáng xấu hổ.". Các vị Thánh, dù đời sống ít có lỗi nặng, nhưng khi nhìn lại mình, vẫn tự trách mình với một sự đau buồn dường như không cân xứng với những sơ sót của các ngài. Lu-y Gonzaga đã ngất xỉu trong toà giải tội khi xưng những tội mà thực ra chúng ta cho là quá nhẹ. Nhẹ đối với ta, nhưng vẫn là nặng đối với những người thực sự ý thức về tội. Thánh Têrêxa Giêsu là người hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa, hầu như không bao giờ phạm tội gì nặng. Vậy mà trong cuốn sách tự thuật, thánh nữ vẫn bộc bạch tình cảm về thân phận tội lỗi của mình, và nói lên sự cần thiết phải sám hối.

 

* Tuy nhiên, hướng về quá khứ tội lỗi không phải là dừng lại ở đó. Quá khứ chỉ là bước đầu, được sử dụng để đi tới tương lai, hướng tới một mục tiêu khác. Việc xem xét tội, tâm tình sám hối tạo ra một tiến trình hoán cải mà điểm chót của nó lại là hướng về Thiên Chúa.

 

Thực ra, điều này đã có ngay từ lúc bắt đầu sám hối. Chính lúc sám hối là lúc chúng ta nhìn tới lòng thương xót của Thiên Chúa đang thể hiện, qua việc Ngài tha thứ tội ta và không ngừng đưa ta trở lại với Ngài. Nhưng sau khi sám hối, chính là một sự tái sinh, một sự thay đổi tận căn, một sự trở lại hoàn toàn với Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô.

 

Ý nghĩa tích cực này đã được Gioan Tẩy Giả làm nổi bật khi ông kêu gọi người Do Thái hoán cải. Viễn tượng mà Gioan cho họ thấy không hẳn là viễn tượng tội lỗi của họ. Ông không muốn làm cho họ đau buồn trong tình cảm bệnh hoạn về tội của họ. Ông muốn nhấn mạnh viễn tượng vinh quang của Nước Thiên Chúa đã đến (Mt 3,2). Gioan không đòi họ nhìn về quá khứ để dừng lại ở quá khứ, để nghĩ đến cuộc sống xấu xa tội lỗi mà thôi. Ðiều ông nhấn mạnh là muốn họ nhìn về phía trước, hướng về Ðấng Cứu Thế đang đến. Bởi vậy, lời rao giảng hoán cải của ông không nhằm đưa họ trở lại với Giao ước cũ. Ngược lại, Gioan hướng họ đi gặp Ðấng đến sau ông, nhưng cao trọng hơn ông, đến nỗi ông không đáng cởi dây giầy cho Ngài (Lc 3,16).

 

Các ngôn sứ trước Gioan cũng đã từng làm một cách tương tự. Chắc hẳn các ngài cũng thường nhắc cho Israel tội lỗi của họ (Gr 35,15), nhưng phần nhiều là những lời mời gọi hướng về Thiên Chúa (Is 45,22; Ge 2,12.). Có điều, Thiên Chúa này là Thiên Chúa của Giao Ước cũ. Hướng về Thiên Chúa là trở lại với việc giữ Lề Luật mà Ngài đã ban hành, Lề Luật mà họ đã lỗi phạm. Còn giờ đây, lời mời gọi của Gioan hướng về tương lai, hướng về Ðức Kitô, hướng về Nước Thiên Chúa do Ðức Kitô thiết lập, nơi ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện.

 

Lời rao giảng đầu tiên của Ðức Kitô cũng không khác hơn. Lý do cũng là Nước Thiên Chúa đã gần kề. Nội dung cũng là hoán cải. Tuy vậy, nội dung này còn có thêm một yếu tố mới liên hệ đến Ngài và sứ điệp của Ngài. Ðó là tin :"Hãy sám hối và tin" (Mc 1,15). Ðây là hai thái độ căn bản mà con người phải có trước việcloan báo Nước Thiên Chúa. Nhưng chúng không phải là hai thái độ độc lập với nhau. Không phải hoán cải trước rồi tin sau. Ðúng ra, chúng là hai mặt của một chuyển động. Hoán cải được thực hiện trong niềm tin vào ơn cứu độ do Dức Kitô thực hiện. Chung quy là hướng về một đời sống mới.

 

2. "Trở lại nên như trẻ nhỏ" (Mt 18,3)

 

* Chúng ta sang một khía cạnh khác của hoán cải : trở nên như trẻ nhỏ. Ðây cũng chính là điều kiện để có thể vào Nước Trời, như Ðức Giêsu nói rõ.

 

Ðối với một trẻ nhỏ, thường ra người lớn nào cũng ưa, cũng thích, nhất nữa khi đó là một em bé mũm mĩm, dễ coi, dễ bảo. Con người và tính tình của nó toát lên một một vẻ ngây thơ, trong trắng, một nét đẹp còn tinh khôi, chưa bị hoen ố bởi thời gian và các thói hư tật xấu.

 

Trong Kinh Thánh, trẻ em được xem như một kẻ được Thiên Chúa ưu đãi. Chỉ cần nghĩ tới việc Ngài không ngần ngại chọn một số trẻ em làm kẻ thừa hưởng công cuộc mạc khải và cứu rỗi của Ngài, cũng như làm sứ giả đầu tiên của công cuộc này. Samuel chẳng hạn, đã đón nhận lời Thiên Chúa ngay từ bé và trung thành truyền đạt (1Sm 1,3). Hay chẳng hạn Ðavít, nhỏ nhất trong các anh em, lại là kẻ được Thiên Chúa để mắt tới (1Sm 16,1-13). Hoặc cậu nhỏ Ðaniel tỏ ra khôn ngoan hơn các bậc lão trượng Israel trong việc cứu sống bà Suzana (Ðn 13,44-50).

 

Ðức Giêsu khi đến trần gian cũng rập theo cung cách cư xử ấy của Thiên Chúa. Ngài để con trẻ đến với mình. Như Thiên Chúa đã chúc phúc cho người nghèo, Ngài cũng chúc lành cho trẻ nhỏ (Mc 10,16). Ngài muốn cho thấy : cả người nghèo lẫn trẻ em đều có ưu tiên đi vàoNước Trời. Vậy ai muốn vào Nước Trời, thì phải trở thành giống như trẻ nhỏ, vì Nước Trời thuộc về chúng (Mt 19,14tt). Phải đón nhận Nước Trời giống như trẻ nhỏ (Mc 10,15), đơn sơ lãnh nhận Nước Trời như một ân huệ của Thiên Chúa, thay vì đòi hỏi như một món nợ phải trả cho công trạng của mình. Trẻ em chỉ biết đến đặc ân, đâu có bao giờ nghĩ đến côngtrạng. Nếu nó xin cha mẹ một điều gì, nó chỉ biết rằng cha mẹ yêu nó thương nó mà cho như nó xin, chứ đâu phải nó có công trạng nào khiến cha mẹ phải đền bù lại cho nó. Bí quyêt để trở nên cao trọng là "coi mình như trẻ nhỏ" (Mt 18,4). Ðây chính là sự khiêm nhường đích thực. Thiếu nó, người ta không thể trở thành con cái Cha trên trời, là Ðấng hạ kẻ kiêu căng và nâng người hèn mọn.

 

Những đức tính đơn sơ, khiêm nhường, hiền hoà, nghèo khó. là những đức tính mà một môn đệ của Chúa phải có. Thành ra, trẻ nhỏ tượng trưng cho những môn đệ đích thực.

 

* Tuy nhiên, khi dạy chúng ta phải hoán cải nên như trẻ nhỏ, Ðức Giêsu muốn nhấn mạnh điều gì ? Hãy trở lại với bối cảnh của lời giảng dạy này. Lúc bấy giờ các môn đệ hỏi Chúa xem ai là kẻ lớn hơn trong Nước Trời. Câu hỏi mặc nhiên nói lên tham vọng của các ông muốn là những người làm lớn, có quyền cao chức trọng. Con đường danh lợi quả là một cám dỗ tự nhiên và dai dẳng. Cứ nhìn chung quanh mà coi. Hầu như ai nấy đều bị cái bả danh lợi làm cho loá mắt. Ai nấy đều muốn có chức quyền, có lợi lộc, có ảnh hưởng. Mà mức độ của ước muốn này là không có mức độ. Thế mới chết!. Cám dỗ này, các môn đệ của Chúa chắc cũng không tránh khỏi.

 

Chính để trả lời cho câu hỏi đó mà Chúa dạy phải nên như trẻ nhỏ. Chúa không có ý giới thiệu trẻ nhỏ như một mẫu gương ngây thơ, vô tội, thật thà, hoặc có những đức tính luân lý này khác, cho dù những đức tính này vẫn tốt đẹp, cao quý, đáng noi theo. Tuy trẻ em ngây thơ, thật thà. nhưng Chúa Giêsu không phải không biết rằng chúng cũng có những lúc ngang bướng. Ngài có nhắc đến điều này trong một dụ ngôn, trong đó nhóm Biệt Phái được so sánh với những đứa trẻ chơi ở công trường, không biết múa theo tiếng kèn sáo, không biết khóc theo tiếng than van (x.Lc 7,31-32). Ở đây, Chúa giới thiệu trẻ em như một kẻ không có tham vọng, sống lệ thuộc hoàn toàn vào người lớn, trái hẳn với tham vọng thầm kín của các môn đệ.

 

Người lớn phải lệ thuộc ở đây là ai ? Là Ðức Kitô. Trong Nước Trời, chính lòng tin làm cho người môn đệ lệ thuộc hoàn toàn vào Ðức Kitô, gắn bó với Ngài, sẵn sàng nghe lời Ngài mời gọi. Ðể được thế, cần phải hoán cải, tức là từ bỏ bản thân để đi theo Chúa. Giá trị của người môn đệ là ở đó. Sự cao trọng đích thực của họ cũng là ở đó.

* Nếu như lời dạy hoán cải của Chúa được các vị thánh rất quan tâm, thì lời dạy phải nên như trẻ nhỏ cũng được nhiều vị để ý thực hành. Trong số này, có lẽ chúng ta nghĩ ngay tới Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, được biết đến nhiều như là người đã mở ra "con đường nhỏ" hay " con đường thơ ấu thiêng liêng". Ðây là một con đường rất thẳng, hoàn toàn mới, hệ tại ở một tâm hồn sẵn sàng làm cho mình nhỏ bé và khiêm tốn trong cánh tay Thiên Chúa, ý thức sự yếu đuối của mình, tin tưởng đến táo bạo vào lòng nhân từ của Chúa Cha. Chính Têrêxa đã khám phá ra rằng sự bé nhỏ giúp người ta nương náu trong cánh tay Chúa. Và cánh tay này như một chiếc thang máy đưa người ta lên nhanh hơn, dễ hơn tới đỉnh cao của sự thánh thiện. (x. Novissima verba, Lisieux 1926, pp 112-113). Thánh nữ viết trong cuốn Một tâm hồn như sau: "Lạy Chúa, những cánh tay của Chúa là như chiếc thang máy nâng con lên tận thiên đàng. Vì vậy, con không cần phải lớn lên gì cả. Trái lại, con còn phải bé nhỏ đi, phải trở nên bé nhỏ hơn mãi" (ch.X). Sự thành công và giá trị của con đường nàylà do nó đưa con người tới chỗ mở rộng tâm hồn và phó thác cho Thiên Chúa là Ðấng giầu lòng thương xót. "Con đường nhỏ là một sự năng động của đức cậy, được gợi hứng bởi đức tin, dấn thân trong dức mến. Nó là sự diễn tả điều cốt tuỷ của Phúc Âm. Hơn nữa, trước hết nó phải là sự thực hiện điều cốt tuỷ của Phúc Âm. Ðiều cốt tuỷ này là ơn thương xót. Ðiều đó nói cho mọi người, nhưng tiên vàn là cho người nghèo khó, bé nhỏ, khiêm tốn, người sống lầm than, kể cả trong lầm than tội lỗi" (R. Laurentin, Thérèse de Lisieux, mythe et réalité, Paris 1972, pp 122-123). (theo G. Gennari, khuôn mẫu linh đạo của thánh nữ, nói đúng hơn, không phải là trẻ em, nhưng là Con trẻ Giêsu sống nhờ Thần Khí và phó thác nơi Chúa Cha, x. Teresa di Lisieux, La verità è pìu bella, Milano 1974).

 

* Cũng cần phân biệt việc nên như trẻ nhỏ hoặc con đường thơ ấu thiêng liêng với cách sống ấu trĩ về phương diện thiêng liêng (infantilisme spirituel). Người đã lớn mà còn có những cách suy nghĩ, phán đoán, nói năng, hành động như trẻ con, người ta gọi đó là người ấu trĩ. Người kitô hữu đã lớn mà có những suy nghĩ, phán đoán, nói năng, hành động như một người chưa thấm nhuần giáo lý, cũng được coi là ấu trĩ về đường thiêng liêng.

 

Ngày xưa, các Tông Ðồ đã từng cảnh giác các tín hữu về tình trạng này, khuyên họ vượt qua nó, để tiến tới sự trưởng thành trong nhân cách của người kitô hữu. Các ngài dùng hình ảnh "sữa" để phân biệt trẻ con và người lớn (x.1Pr 2,2; 1Cr 3,2). Trẻ con uống sữa, nhưng người lớn dùng của ăn đặc. Lớn mà còn tiếp tục uống sữa thì chưa phải là người trưởng thành, nhưng là trẻ con, là ấu trĩ.

 

Thế nào là ấu trĩ ? Dựa vào Tân Ước, chúng ta ghi nhận một vài dấu chỉ này :

 

Người không có khả năng đón nhận Phúc Âm trong toàn bộ nội dung và đòi hỏi của nó (1Cr 3,1tt); người đi tìm sự khôn ngoan của nhân loại hơn là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, mà sự khôn ngoan này lại là sự điên rồ trước mắt thế gian (1C1,21tt), đó là người ấu trĩ.

Người có những phán đoán lệch lạc, non nớt, biện biệt không chín chắn, lạm dụng lời Chúa (1Cr 14,20), đó là người ấu trĩ. (Khi khuyên người Corintô đừng phán đoán như trẻ con, hình như Phaolô muốn phản ứng chống lại một lối giải thích nhằm lạm dụng lời Chúa dạy là trở nên như trẻ nhỏ).

 

Về phương diện tuổi tác, chúng ta không còn là trẻ em. Về phương diện thiêng liêng, chúng ta cũng không được phép ở lì trong tình trạng ấu trĩ. Phải ngày càng làm phát triển tới chỗ hoàn hảo những mầm mống của sự sống mới, nhận được từ Phép Rửa. Ðảm nhận những trách nhiệm thuộc đức tin và ân sủng, để thực sự làm cho nhân cách người kitô hữu chúng ta được trưởng thành (Gl 11,1tt; 1Cr 13,11).

 

Chúng ta đã nghe lời Chúa kêu gọi hoán cải, và biết phải hoán cải ra sao. Giờ đây, chúng ta thử xem gương của một người đã hoán cải như thế nào. Người đó, gương đó được ghi lại trong Phúc Âm Luca.

 

3. "Có một người tên là Dakêu" (Lc 19,1)

 

* Lúc ấy, Ðức Giêsu tới cửa thánh Giêricô và đã chữa lành một ngưòi mù. Tin này chắc chắn phải loan truyền nhanh chóng. Và một trong những người đầu tiên biết tin này hẳn là Dakêu.

 

Tác giả Luca ít có thói quen mô tả chi tiết về một nhân vật. Tuy vậy hôm nay ông xác định rõ tên của đương sự : Dakêu. Danh xưng này có nghĩa gần như "một người trong sạch". Phải chăng là Luca muốn đùa ? Một quan chức thuế vụ lại có thể trong sạch được sao ? Trước mắt người Do Thái nói chung, người Giêricô nói riêng, đó là một con người làm tay sai cho ngoại bang, làm giầu bất chính, tội nhân công khai, một người bị khai trừ khỏi cộng đồng.

 

Con người này, dân chúng thì khinh bỉ, xa tránh, nhưng Ðức Giêsu lại muốn đến gần. Sứ mệnh của Ngài là đến tìm cứu những người hư mất. Chính Ngài đi bước trước trong tiến trình hoán cải của Dakêu. Ngài thường lợi dụng dịp xin ai hoặc nhận từ ai điều gì để ban phát ân sủng. Bên bờ giếng Giacóp, Ngài đã xin người phụ nữ Samari cho mình nước uống, để hứa ban nước hằng sống nơi Ngài (Ga 4,1tt). Trong nhà một người Biệt phái, Ngài đã để cho một người phụ nữ điếm đàng xức thuốc thơm, sau đó cho mọi người thấy lòng đại độ tha thứ của Ngài như thế nào (Lc 7,36tt). Là một Thiên Chúa ban ơn, nhưng Ðức Giêsu lại có cách giao tiếp của con người, xử sự như giữa người ta với nhau.

 

Hôm nay, với Dakêu, Chúa cũng xử sự như vậy. Ngài khởi đầu bằng một lời gọi rất thân mật: "Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông". Một lời khiến cho những người chung quanh phải sửng sốt và xầm xì bàn tán. Không chỉ người Biệt phái thôi đâu nha! Cả dân chúng nữa. Ăn uống với người tội lỗi đã là chuyện không nên không phải, huống hồ còn lưu lại tại nhà của người này. Bộ trêu tức người đạo đức sao chớ ! Nhưng chính đây lại là lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa.

 

* Ðáp lại hành động này, Dakêu đã làm gì ? Ông dõng dạc tuyên bố những lời nói lên sự hoán cải của ông. Cũng chẳng ai bắt, chẳng ai ép. Hoàn toàn tự do tự nguyện. Thực ra, sự hoán cải này có lẽ đã manh nha ngay từ lúc ông nghe biết về Chúa và muốn gặp Ngài. Nó chưa thể hiện bằng lời lẽ công khai, nhưng bằng hành vi công khai. Hành vi là trèo lên cây cao bên vệ đường nơi Chúa sẽ đi qua. Phúc Âm cho biết vì ông thấp người mà làm thế. Nhưng đường đường là một quan chức thuế vụ, chức tước đâu phải nhỏ, dám chắc ông không dám táo bạo trèo lên cây, nếu trong lòng ông đã không có một tâm tình hoán cải nào đó. Trèo cây xem sự việc là chuyện của con nít, không phải của người lớn, càng không phải của người có chút ít địa vị. Chúng ta biết ở xã hội do thái thời Chúa, danh giá rất quan trọng. Tiền tài cũng quan trọng, nhưng chỉ thuộc loại hai. Số một là danh giá. Ngay cả cho tới ngày nay, nó vẫn còn quan trọng hơn bất cứ yếu tố nào khác. Người ta thà chết chứ không chịu để mất nó. Dakêu, dù bị nhiều người không thích đi nữa, vẫn là người có một địa vị nào đó trong thành phố, có danh giá ở mức độ nào đó. Trèo lên cây xem Chúa đi qua, tức là ông coi trọng Chúa hơn danh giá của mình. Dakêu đã muốn "nên như trẻ nhỏ" ngay từ bước đầu, dù có thể ông chưa nghe biết giáo huấn này của Chúa.

 

Sự hoán cải của Dakêu biểu lộ công khai hơn lúc Chúa đến nhà ông. Ông nói :"Ðây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn". Ðó là phản ứng của một con người quyết tâm đổi đời, đổi hướng đi. Trước, ông muốn vơ vét nhiều của. Nay, ông muốn tung ra. Trước, ông có gian lận làm thiệt hại người khác. Nay, ông muốn đền quá mức luật đòi hỏi (Luật do thái chỉ buộc đền gấp bốn tội trộm chiên, x. Xh 21,37. Luật Rôma thì tội trộm nào có chứng cớ. Riêng Dakêu tự buộc mình đền gấp bốn cho tất cả những thiệt hại do ông gây ra, chứng tỏ đang có biến chuyển mạnh mẽ trong con người của ông).

 

Lời tuyên bố của Dakêu còn hàm ý cho người khác hiểu rằng : Thấy chưa, Chúa đã chọn đúng nhà, và người mà Chúa giao tiếp không xấu như các ông các bà tưỏng đâu!

 

Tóm lại, lời ấy vừa cho thấy sự hoán cải công khai của Dakêu muốn tìm lại con đường bác ái và công bằng, vừa muốn nói với mọi người rằng cái nhìn mời gọi của Ðức Giêsu đã tác động trên một con người như thế nào.

 

Lời tuyên bố của Dakêu hẳn cũng nhắc cho ta lời của một người Biệt Phái lên đền thờ cầu nguyện, được Luca ghi lại trong một dụ ngôn trước đó. Người Biệt Phái này thưa với Thiên Chúa: "Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con"(Lc 18,12). Tuy nhiên, giữa hai lời đó, một của người khoe khoang làm tròn nhiệm vụ, một của người quảng đại vì được ơn Chúa tác động, có sự khác nhau xa. Nơi Dakêu là một sự hy sinh từ bỏ to lớn. Người đã cảm nhận được ơn thương xót, tha thứ, cứu độ, đâu có tiếc xót vì một sự hy sinh như thế. Ðây chính là bài học lớn cho ta.

 

4. "Xin đưa chúng con về với Ngài, lạy Ðức Chúa" (Ac 5,21)

 

* Bây giờ hãy trở về với đời sống của ta. Cũng như hoán cải bao trùm tất cả giáo huấn của Chúa, nó cũng phải bao trùm tất cả cuộc đời của ta, của bất cứ người kitô hữu nào.

 

Có những giai đoạn được ghi dấu bằng sự hoán cải rõ rệt. Từ ngoài đạo vào trong đạo, đó là hoán cải. Từ cuộc sống tội lỗi đến cuộc sống phù hợp hơn với những đòi hỏi của Tin Mừng, đó là hoán cải. Bỏ thế gian đi tu, theo một số tác giả tu đức xưa, cũng là hoán cải. Trong đời sống tu trì, dấn thân vĩnh viễn khi xong thời kỳ huấn luyện, được gọi là hoán cải. Lại có những thời gian khác, hoặc để làm một công việc tích cực nào, cần có hoán cải khởi đầu. Chẳng hạn đối với người tĩnh tâm, ngay từ đầu phải tra xét và từ bỏ những gì cản trở ta đến với Chúa. Cũng như người thợ săn phải dẹp cành lá để đi đến con mồi.

 

Tuy nhiên, không chỉ có những lúc đó. Hoán cải là việc không bao giờ chấm dứt. Nó không phải là thứ phòng đợi phải dừng lại, và khi đã vào nhà trong rồi thì thôi. Dĩ nhiên, có những lúc ta không để ý nhiều đến nó. Những lúc này tương tự như những lúc nghỉ trong một cuộc chạy. Cần những lúc nghỉ để khỏi hụt hơi, để có thể tiếp tục chạy. Vậy những lúc đó cũng là thành phần của hoán cải.

 

Sở dĩ hoán cải là thái độ phải có trong suốt cả đời ngưòi, vì ta không thể hiểu và sống sứ điệp Phúc Âm nếu không có một sự thay đổi tư tưỏng và hành động. Không thể chấp nhận Phúc Âm nếu không có sự hoán cải hoàn toàn và bền bỉ. Cứ xem các môn đệ Chúa mà coi. Cả sau khi Chúa sống lại rồi mà các ông vẫn chưa hoàn toàn hoán cải. Bằng chứng là tới lúc đó, lúc Chúa sắp về trời, các ông vẫn còn hỏi Chúa đây có phải là lúc tái lập vương quốc Israel chăng (Cv 1,6) Ðâu có khác với não trạng trước Phục sinh! Sự biến đổi sâu xa con người tôn giáo của các ông chưa kết thúc. Nơi chúng ta cũng thế thôi. Chỉ có thể tiếp tục là con cái Chúa, hoặc trở thành con cái Chúa hơn, với điều kiện không ngừng giũ bỏ những gì làm ta lạc đường, để hướng về Ðức Kitô.

 

(Con đường đến với Chúa tương tự như chuyến hải hành từ cảng này sang cảng nọ. Có đá ngầm. Có những bất trắc của thời tiết. Phải lèo lái, tránh né. Có khi tầu táp vào những chỗ không muốn. Không hoán cải, khó mà đến nơi. Ðôi khi người ta còn đối chiếu sự hoàn thiện với việc xây một ngôi nhà nhiều tầng. Nhà xây tầng nào là xong tầng ấy, dù chưa hoàn bị vẫn là một thành quả. Nhưng việc hoán cải không chỉ dành cho những tầng tiếp theo, mà vẫn phải bao trùm tất cả những gì ta có, những gì ta là. Cách so sánh với ngôi nhà bẩy tầng là của Têrêxa Giêsu. Tuy vậy thánh nữ vẫn cho thấy chính giá trị hoán cải cho phép ta đi vào từng tầng một. Còn thánh Bonaventura lại chia hành trình nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa thành bẩy cấp, cấp cuối cùng lại là Thập giá. Cứ tưởng là đạt tới chín tầng mây, ai ngờ thánh nhân lại lôi ta trở lại, bắt ta nhìn vào Thập giá.

 

* Hoán cải là một nỗ lực không ngừng của ta, nhưng lại là ơn Chúa ban. Có thể nói chính Chúa đã "hoán cải" bước đầu khi Ngài có sáng kiến đi tìm con người tội lỗi. Trở lại với câu truyện Dakêu. Ðã đành ông cũng có công. Ông đã muốn xem thấy Chúa và trèo lên cây cao. Nhất là ông đã thành tâm trở lại. Nhưng nếu Ðức Giêsu không nhìn và gọi ông, nếu Ngài không thương lưu lại tại nhà ông, thì đã không có câu truyện này. Tất cả đều do Chúa, do sáng kiến của Ngài, do tình thương của Ngài. Người ta không thể tự mình hoán cải hoàn toàn. Vậy hoán cải là một ơn, nhưng đồng thời vẫn là một đòi hỏi có tính cách bắt buộc nơi ta. Nó vừa là ân huệ của Thiên Chúa vừa là việc làm của con người. Hoán cải đòi cùng một lúc phải có hai yếu tố trên đây.

 

Ðã là ơn Chúa thì phải xin. Trong những ngày tĩnh tâm chẳng hạn, ta có nhiều thời giờ dành cho việc cầu nguyện, thì tiên vàn hãy cầu xin ơn Chúa giúp mình hoán cải, vì đây là bước khởi đầu để có thể làm tốt những việc khác. Chúng ta hãy lặp lại lời của tác giả sách Ai ca :"Xin đưa chúng con về với Ngài, lạy Ðức Chúa". Tập thể nói lên lời trên đây với Thiên Chúa không chỉ xin, má còn "hứa sẽ trở lại" tức là muốn đáp lại hành vi của Chúa. Chúng ta cũng vậy, một khi được Chúa kêu gọi và ban ơn hoán cải, ta cũng sẵn sàng đổi hướng, trở lại với Chúa, sống cuộc đời của những người sống lại trong Ðức Kitô.

 

 

Trong Năm Phụng vụ, thời kỳ sám hối khá dài, chiếm cả hai Mùa Vọng và Chay, chưa kể dịp này dịp khác. Hằng tuần, ngày thứ sáu cũng mang ý nghĩa là ngày sám hối. Kinh nguyện kitô giáo, nhất là kinh nguyện Phụng vụ, thường hay trở lại đề tài hoán cải. Ðầu Thánh lễ mỗi ngày, Giáo Hội mời gọi ta sám hối. Cuối mỗi ngày, đầu Giờ Kinh Tối, chúng ta cũng được kêu gọi sám hối. Ðó là những tiếng chuông theo nhịp thời gian nhắc nhở cho ta hành vi quan trọng này. Hy vọng những tiếng chuông đó không gióng lên vô ích, để hoán cải và sám hối phải trở thành những việc làm thường xuyên trong suốt cuộc đời ta.

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)

 

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà