YÊU MẾN CHÚA

 

VII. YÊU MẾN CHÚA

 

Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corintô, Phaolô đã viết câu kinh khủng này :"Nếu ai không yêu mến Chúa, thì hãy là đồ khốn kiếp" (1Cr 16,22). Ðồ khốn kiếp, đồ vô đạo, đồ chúc dữ, đó là một lời nguyền rủa, một hình phạt rất nặng dành cho những tội rất nặng trong đạo. Trong lịch sử, liên hệ đến Ðức Kitô, đã có nhiều người bị chúc dữ. Ðó là những người cố tình tin sai về Ngài, hoặc có những lời lẽ xúc phạm đến Ngài. Nhưng có lẽ chúng ta không lưu ý là lời chúc dữ đầu tiên, do chính một Tông Ðồ nói ra, lại là lời dành cho những ai không yêu mến Chúa.

 

Chắc chắn chúng ta không muốn vào số những người này. Ngược lại, chúng ta muốn khẳng định mình yêu mến Chúa, khi chúng ta đi theo làm môn đệ Chúa, khi chúng ta tận hiến cho Ngài tất cả cuộc đời ta. Thế nhưng, muốn là một chuyện, khẳng định là một chuyện, còn thực tế có yêu mến Chúa không, yêu tới mức độ nào,bày tỏ lòng yêu mến này ra sao, lại là chuyện khác. Ðó là vấn đề đặt ra cho chúng ta trong bài suy niệm này, đòi chúng ta phải tự vấn.

 

Dựa vào ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp, chúng ta thử suy nghĩ đôi ba điều.

 

1. "Anh có mến Thầy. không ?" (Ga 21,15)

 

* Câu đầy đủ là như thế này: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?". Ðó là câu Chúa hỏi Phêrô sau ngày Phục sinh, lúc Ngài hiện ra với các môn đệ bên bờ hồ Tibêria. Không phải hỏi một lần, nhưng là ba, khiến cho Phêrô phải "buồn 5 phút". Vì sao ? Vì nghĩ rằng đó là cách Chúa nhắc khéo ba lần ông đã chối Ngài. Có tật thì giật mình. Hệt như chúng ta thôi. Phạm một lỗi nào, rồi nghe ai nói chuyện gì có dây mơ rễ má đến lỗi đó, lại cứ tưởng họ đang nói móc mình hay ám chỉ về mình. Ở đây, có thể Chúa muốn gợi lại lỗi của Phêrô thật. Ba lần chối Thầy là ba lần Phêrô không còn trung thành và yêu mến. Thì Chúa đáp lại bằng ba lần hỏi, để Phêrô khẳng định lại lòng yêu mến.

 

Ðấy là một lẽ. Nhưng sự việc còn có thể có một lẽ khác. Phải có ba lần diễn tả sự gắn bó với Chúa, để được Chúa ba lần trao sứ mạng mục tử. Ba lần đáp của Phêrô giống như một sự cam kết dứt khoát và long trọng, thay cho một bản văn ký nhận, để chính thức lãnh nhận trọng trách. Cái kiểu cam kết này, Cựu Ước có nói đến. Lúc Abraham đi tìm mua đất làm phần mộ cho vợ ông là bà Sara, ông đã ba lần thương lượng với người Khết ở đất Canaan, và cũng ba lần người Khết cam kết để cho ông phần đất nào ông muốn (St 23,1tt).

 

Trong trường hợp Phêrô, dĩ nhiên Chúa trao trọng trách không phải vì ông đã yêu mến Chúa hơn các anh em khác. Tội chối Chúa còn rành rành ra đó, dễ gì xóa nhòa trong khoảng thời gian mấy ngày. Chúa chọn ông là do sáng kiến của Ngài, đâu phải do ông có công trạng gì. Cũng như Chúa chọn bất cứ ai, đều không phải do công trạng của người đó. Cho nên, lời Chúa hỏi Phêrô không nhắm về quá khứ, nhưng hướng về tương lai : không phải để ông xác nhận đã yêu mến Chúa thế nào, nhưng để ông xác nhận sẽ yêu mến Chúa ra sao. Ðiều này thật cần thiết, vì ông sẽ chăn dắt bầy chiên của Chúa. Không yêu Chúa hơn các môn đệ khác, làm sao có thể chăn dắt những con chiên được Chúa yêu thương và trao phó cho mình ?

 

(Nếu đọc chính bản văn hi lạp, người ta còn thấy ý nghĩa sâu xa của câu truyện này. Trong tiếng hi lạp, có hai động từ để chỉ yêu : phileo và agapao. Phileo chỉ tình yêu bạn hữu, nhưng có thể không hoàn hảo. Còn agapao chỉ một tình yêu hoàn hảo. Lần đầu hỏi Phêrô, Chúa dùng từ agapao (bản Phổ thông : diligere). Nếu là hỏi trước khi Phêrô chối Chúa, chắc ông cũng dùng từ agapao mà đáp, để nói lên tình yêu của mình. Ðàng này, vì đã chối Chúa rồi, thì ông không dám nữa, mà chỉ dùng từ phileo (bản Phổ thông : amare), hàm ý nói: Chúa biết con yêu Chúa bằng tình yêu kém cỏi của con ! Lần hỏi thứ hai, Chúa còn dùng từ agapao, và Phêrô vẫn chỉ dám đáp bằng từ phileo. Cho nên, ở lần hỏi thứ ba, Chúa mới dùng từ phileo, với ý nghĩa: Thôi thì tình yêu kém cỏi, bất toàn của ngươi cũng đủ cho Ta. Như vậy là Chúa xuống nước, chỉ đòi một tình yêu tối thiểu, điều mà Phêrô có thể làm được).

 

* Chuyện của Phêrô thì khúc mắc như vậy. Còn đối với chúng ta hôm nay, tôi nghĩ đơn giản thế này : Chúa cũng muốn hỏi ta xem có yêu mến Ngài không. Và nếu cần so sánh, Ngài muốn hỏi ta xem có yêu mến Ngài hơn nhiều người khác không.

 

Với từng người một, Chúa đều đòi hỏi một tình yêu tối thiểu, thể hiện bằng cách này cách khác. Chúa hỏi từng người, như đã hỏi cá nhân Phêrô. Ta thấy bên Phêrô lúc bấy giờ còn có những môn đệ khác, đã cùng nhau đánh cá, đã nhận ra Chúa Phục sinh, tất cả cùng ăn với Chúa. Nhưng lúc Chúa hỏi Phêrô, dường như họ biến đâu mất tăm, chỉ còn lại Chúa và Phêrô thôi. Phêrô khi trả lời, thì cũng riêng mình trả lời cho mình, chẳng để ai đại diện, cũng chẳng đại diện ai. Lúc trước tuyên tín ở Cêsarêa, ông vừa nói lên niềm tin của mình, vừa nói thay cho các anh em, vì Chúa hỏi cả đám. Còn lúc này, về tình yêu, thì ông phải trả lời với tư cách cá nhân, nói lên tâm tình riêng của mình. Chúa cũng hỏi về tình yêu của từng người chúng ta như vậy. Ít nhất ta phải có một tình yêu tối thiểu đối với Ngài. Không có tình yêu này thì không thể được cứu. Thiên Chúa có thể tạo dựng con người mà không cần đến họ, nhưng Ngài không thể cứu con người mà không có họ (Augustinô). Phần "có" của con người chính là phần đóng góp cộng tác của họ, ít nhất bằng tâm tình yêu mến và biết ơn.

 

Cứ xem thái độ của người phụ nữ tội lỗi được Chúa tha thứ thì biết. Phúc Âm viết: "Chị đã yêu mến nhiều" (Lc 7,47). Nhưng không phải vì yêu mến nhiều mà được tha thứ, bởi hành vi tha thứ hoàn toàn là do lòng thương xót quảng đại của Chúa. Luther nói: "Thiên Chúa không yêu chúng ta vì chúng ta tốt đẹp, nhưng Ngài làm cho chúng ta tốt đẹp vì Ngài yêu chúng ta". Ở đây, Chúa làm điều tốt đẹp là tha thứ cho chị ta, chỉ vì Ngài yêu chị. Thế nhưng tình yêu của chị lại là hệ quả và dấu chỉ của ơn tha thứ đó. Chị yêu mến vì đã được tha.Và yêu mến nhiều vì được tha nhiều. Phải có dấu chỉ là tình yêu để cho thấy thực tại là ơn tha thứ. Không riêng gì người phụ nữ kia, hết thảy chúng ta đều đã được Chúa tha thứ cứu độ, nên phải yêu mến Chúa. Ðó là luật chung cho mọi người.

 

Với người môn đệ thân tín, đòi hỏi này còn cao hơn. Môn đệ là người đi theo Thầy, sống với Thầy, được Thầy yêu thương trăm bề, chỉ vẽ đủ điều. Vậy người môn đệ không thể không bày tỏ lòng yêu mến nhiều hơn đối với Thầy.

 

Hơn nữa, Chúa là Thầy, nhưng ta không phải là tớ. Chúa không coi ta là tôi tớ, mà là bạn hữu (Ga 15,15). Thế nên, tình yêu của ta đối với Chúa phải là tình yêu bạn hữu. Hãy yêu mến Chúa như các môn đệ đương thời của Chúa. Hãy nói lên tâm tình chân thành yêu mến Chúa như Phêrô, dù chỉ bằng những lời lẽ vụng dại.

 

Chúa còn đòi ta yêu mến Ngài với tư cách là Thiên Chúa. Thiên Chúa vô hình, nhưng đã mặc lấy một hình hài nhân loại, để ta có thể dễ thấy và dễ yêu.Mà đối với Thiên Chúa thì ngay từ thời Cữu Ước, người ta đã dạy phải yêu mến Ngài. Sách Ðệ Nhị Luật viết: "Hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em" (6,5). Chúng ta biết : Ðức Giêsu đã trưng dẫn lời trên đây, khi một người Biệt phái hỏi Ngài xem giới răn nào trọng nhất trong Lề Luật (Mc 12,28tt).

 

Kể cũng lạ. Trong một nhóm những bản văn chỉ bàn về luật với lệ, lại có những đoạn minh nhiên nhắc nhở phải yêu mến Thiên Chúa. Và cũng lạ nữa, vì lời nhắc nhở này dường như lạc lõng giữa thái độ chung của con người đối với Thiên Chúa là sợ. Cựu Ước hay nói đến sợ Thiên Chúa, sợ và run. Sợ là phải, vì chính Thiên Chúa đã truyền cho Israel phải sợ Ngài (Lv 19,32). Từ khi có trí khôn, người người trong dân phải ghi lòng tạc dạ lệnh truyền này (1V 18,12). Sợ là phải, khi người ta chứng kiến những việc lạ lùng Thiên Chúa làm (mirabilia Dei), hoặc nếu mắt chưa hề thấy thì tai đã từng nghe tường thuật những việc này. Chẳng hạn Thiên Chúa đã cho dân đi qua Biển Ðỏ và sông Giođanô ráo chân (Gs 4,23tt).

 

Chúng ta hôm nay có sợ như thế chăng ? Nếu hiểu sợ như trong tương quan chủ-nô (Hegel), tức như thái độ của một nô lệ thấp cổ bé miệng trước một ông chủ uy quyền hà khắc, thì thái độ đó cần phải loại bỏ. Giữa Thiên Chúa và ta, không hề có tương quan chủ-nô, mà chỉ có tương quan phụ-tử. Ðiều này càng thấy rõ nét trong Phúc Âm, nhất là qua Ðức Giêsu, chúng ta được mạc khải về một Thiên Chúa là Cha đầy lòng yêu thương, hằng làm những sự lành cho con cái.

 

Ðối với một Chúa Cha như thế, sợ thì không, nhưng kính sợ thì có. Kính sợ khác với sợ thuần tuý. Kính sợ có thể đi đôi với yêu mến, chứ sợ thì không thể. Kinh Thánh còn nói rõ : Kính sợ Thiên Chúa là hồng ân của Thánh Thần (Is 11,2). Kính sợ Thiên Chúa là đầu mối khôn ngoan (Tv 111/110,10). Kính sợ Thiên Chúa để có thể yêu mến Ngài cho trung thực và hữu hiệu. Kính sợ cũng là một cách yêu mến của người con đối với cha mình.

* Có người cho rằng Thiên Chúa không nhận tình yêu nào của ta cả. Ngài đâu cần nó, vì Ngài đầy đủ mọi sự. Ngài chỉ muốn ta yêu Ngài nơi người lân cận mà thôi (E. Brunner). Nghĩ thế là lầm, chưa kể còn xúc phạm tới yếu tính sâu xa nhất của đạo.

 

Thực sự, Thiên Chúa muốn ta tiên vàn yêu chính Ngài. Không phải vì Ngài cần tình yêu của ta, nhưng vì Ngài yêu ta bằng tình yêu bạn hữu. Mà tình yêu bạn hữu nhất thiết đòi phải có tình yêu đáp ứng. Giữa con người với nhau, có thể có tình yêu đơn phương, một chiều. Yêu một anh chàng hay một cô nàng nào đó, lắm khi chỉ có "Một mảnh tình riêng ta với ta", chỉ mình biết mình, đêm ngày thầm yêu trộm nhớ mà đối tượng không hay, không biết, hoặc có biết nhưng không đoái hoài. Khổ nỗi không dứt bỏ được. Nhưng cũng nơi con người, không thể có tình yêu bạn hữu đơn phương. Khác với tình bạn thông thường, tình yêu bạn bữu là tình yêu hỗ tương giữa những người hiệp thông vào cùng một sự thiện khi biết vượt thắng chính mình.

 

Tình yêu bạn hữu giữa Thiên Chúa và ta cũng vậy. Nó là tình yêu hỗ tương giữa hai bên, cùng hiệp thông vào chân lý và sự thiện tuyệt đối nơi Thiên Chúa, nên không thể đơn phương. Không thể chỉ có chiều đi xuống. Phải có sự đáp ứng đi lên từ phía ta. Chính trong ý nghĩa này mà thánh Gioan đã viết: "Chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước" (1Ga 4,19). Thi sĩ Dante đã viết: "Tình yêu không cho phép người được yêu không yêu lại". Ngày lễ Giáng Sinh, Giáo Hội đã ca lên trong một bài hát quen thuộc (Adeste fideles): "Ai mà không yêu lại Ðấng đã yêu ta như thế?" (Sic nos amantem quis non redamaret ?). Tình yêu chỉ có thể được đáp lại bằng tình yêu. Không có cách đáp lại nào khác tương xứng cả.

 

Thiên Chúa cũng muốn cho ta yêu Ngài vì chính Ngài. Chính Ngài là lý do tình yêu của ta. Tuy vậy, lý do này cũng có hai mặt.

 

Ta có thể yêu Chúa vì Ngài là Sự Thiện tuyệt đối. Nơi Ngài có mọi sự tốt đẹp, hoàn hảo, thánh thiện. Chính điều đó lôi cuốn ta, hấp dẫn ta, khiến ta hướng về Ngài với thái độ yêu mến và kính phục. Ðó là hình thức hoàn hảo của tình yêu. Chúng ta không dám cao ngạo để tự phụ mình đã đạt tới mức đó.

 

Ta cũng có thể yêu Chúa, không chỉ vì Ngài là Sự Thiện khách quan, nhưng còn là Sự Thiện cho ta, có ích cho ta. Nói vậy không có nghĩa là tình yêu của ta mang mầu sắc vụ lợi đâu. Vụ lợi chăng - nếu nói được như vậy - cũng chỉ là để phục vụ cho những giá trị cao hơn, mà cuối cùng là phục vụ chính Chúa, vì "đức mến thì không tìm tư lợi" (1Cr 13,5). Chẳng hạn tôi thấy Thiên Chúa nhân từ với tôi, chỉ mình Ngài có thể làm cho tôi hạnh phúc. Thế nên tôi hướng về Ngài, yêu mến Ngài, dẹp bỏ những gì ngăn cản tôi đến với Ngài là nguồn hạnh phúc của tôi. Ðó cũng là yêu mến thật.

 

Thiên Chúa còn muốn cho ta yêu Ngài để ta có thể tham dự vào tình yêu của Ba Ngôi. Thiên Chúa không chỉ có một mình. Nếu chỉ có một mình, Ngài sẽ là Ðấng ích kỷ ghê gớm. Nhưng Thiên Chúa là Ba Ngôi. Ba Ngôi kết hiệp mật thiết với nhau đến nỗi là một Thiên Chúa. Nơi con người thì không thể như thế. Vợ chồng có kết hợp với nhau nên một xương một thịt đi nữa, vẫn là "ta với mình tuy một mà hai". Thiên Chúa lại là Tình Yêu (1Ga 4,8). Yêu thật sự là hoàn toàn quên mình vì người mình yêu, làm giầu cho người đó, muốn nên một với người đó. Nơi Thiên Chúa, Ngôi này hoàn toàn hướng về Ngôi kia. Ðức Giêsu nói: "Tất cả những gì của Con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của Con" (Ga 17,10), "Tôi và Chúa Cha là một" (Ga 10.30), "Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha" (Ga 10,38). Giả sử Ba Ngôi không còn tự hiến cho nhau, không còn yêu mến nhau, thì cũng hết là Thiên Chúa.

 

Thế mà Thiên Chúa đã dựng nên ta giống hình ảnh Ngài, tức là, ngoài những phẩm tính khác, ta còn biết yêu. Ðấy là tình yêu của chính Thiên Chúa được Thần Khí đổ tràn vào lòng ta (Rm 5,5), nhờ đó ta được tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa. Thế nên tình yêu của ta đương nhiên phải hướng về Ngài. Nói khác đi, chúng ta phải yêu mến Ngài. Nhưng yêu mến thế nào?

 

2. "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa. hết lòng,

hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi"

(Mc 12,29)

 

* Câu trên đây là ở trong sách Ðệ Nhị Luật (6,5), được Ðức Giêsu trưng dẫn khi trả lời cho người Biệt Phái như đã nói ở trên (Thực ra, câu trong sách Ðệ Nhị Luật không có những chữ "hết trí khôn ngươi"). Nó cho ta biết cách phải yêu Chúa thế nào : hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn. Mới nghe, tưởng chỉ là một kiểu nói để nhấn mạnh mức độ tối đa của tình yêu đối với Chúa, bởi vì đối với Chúa, mức độ của yêu là yêu không mức độ; hoặc một cách cho thấy tình yêu này phải chi phối cả con người và mọi quan năng của ta; hoặc một cách nhấn mạnh tầm quan trọng của đòi hỏi này. Lẽ ra khỏi cần phân biệt những khía cạnh trên đây. Phân biệt quá, e bị coi là muốn chẻ sợi tóc làm tư. Tuy nhiên, có phân biệt cũng không thừa, vì có thể giúp chúng ta sống tình yêu này một cách sâu sắc và đầy đủ hơn.

 

Yêu Chúa hết lòng. Lòng hay con tim thường được coi là nơi phát xuất tình yêu. Con người ta, khi yêu, có cảm nghiệm rõ rệt là con tim mình lúc lắc, rung động. Theo cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, lòng cũng là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Lòng ta là nơi Thiên Chúa kề môi miệng Ngài để thổ lộ tâm tình với ta (Hs 2,16). Vậy khi gặp được Thiên Chúa ở đó, khi nghe những lời thì thầm yêu đương của Thiên Chúa ở đó, ta cũng phải dành cho Ngài tất cả chỗ đó. Yêu Chúa hết lòng là yêu bằng tất cả sự cảm ái của ta. Dĩ nhiên, lòng ta, cho dù đã được thanh tẩy, được cắt bì (Ðnl 30,6), vẫn còn gắn với con người xác thịt. Nó vẫn còn yêu người này vật nọ. Nếu những đối tượng ấy giúp ta hướng tới Chúa thì không sao, tốt thôi. Nhưng nếu chúng làm cho lòng ta xa cách Chúa (Is 29,13), ngăn cản ta yêu Chúa, thì hãy coi chừng. Chúng đã xúc phạm đến đòi hỏi của Chúa.

 

Yêu Chúa hết linh hồn. Theo quan niệm của Kinh Thánh, linh hồn không có nghĩa là một thành phần hợp với thân xác để làm thành một con người (như quan niệm của triết học hy lạp và kinh viện), nhưng có nghĩa là con người toàn diện. Khi Ðức Maria cất tiếng nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa" thì không phải chỉ có linh hồn Ðức Mẹ ngợi khen, xác thì nghỉ ngơi cho khoẻ, việc bên nào bên ấy làm, nhưng là cả con người Ðức Mẹ ngợi khen Chúa. Yêu Chúa hết linh hồn là yêu bằng cả cuộc đời của mình, dám hy sinh nó cho tình yêu, theo gương Ðức Kitô đã hy sinh mạng sống mình vì yêu ta. Mạng sống là cái quý giá nhất của con người. Dám liều mạng sống cho Chúa là Ðấng mình yêu mến, thì không còn lòng mến nào lớn hơn nữa (Ga 15,13).

 

Yêu Chúa hết trí khôn. Nói đến trí khôn là nói đến tri thức, hiểu biết, suy luận, biện biệt. Chúa có sự hiểu biết của Chúa. Ta có sự hiểu biết của ta. Vì yêu Chúa, ta bắt trí khôn của ta quy phục Chúa. Vì yêu Chúa, ta bắt trí khôn của ta đào sâu hơn về Chúa, tìm cách hiểu biết hơn những gì Ngài nói về Ngài. Chắc chắn đối với Thiên Chúa là mầu nhiệm, ta chỉ có thể mon men quanh khu vực bờ biên. Và phải dựa vào đức tin. Tin để biết, cũng như biết để tin. Hơn nữa, không chỉ tìm hiểu Chúa bằng hoạt động thuần tuý trí thức mà còn cần có một tấm lòng. (Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác bài "Ðể gió cuốn đi" khởi đầu bằng câu "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng". Con người thời nay sống suy luận nhiều quá, hoặc vô tâm vô tình nhiều quá. Cần có tấm lòng. Ðối với nhau cũng vậy mà đối với Chúa cũng vậy). Thiên Chúa của ta không phải là Thiên Chúa của các triết gia, nhưng là của người tín hữu. Ngài không phải là đối tượng để suy tưởng, nhưng là Ðấng để ta yêu mến.

 

Yêu Chúa hết sức lực. Có nghĩa là yêu không chỉ bằng những tâm tình bên trong, không chỉ ở chỗ kích thích tâm trí. Yêu còn phải được thể hiện bằng hành động bên ngoài. Ai nói yêu mà không có những hành động bên ngoài minh chứng, có thể ngờ rằng người đó nói điêu. Chúng ta hẳn còn nhớ có lần Chúa bảo: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lạy Chúa ! Lậy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời mới được vào mà thôi" (Mt 7,21). Ðấy là chuyện vào Nước Trời. Về tình yêu thì cũng tương tự như thế. Phải biểu lộ bằng hành động. Hành động này là làm theo ý Chúa trong mọi sự, được cụ thể hoá bằng việc phục vụ Chúa và các anh (chị) em. Phục vụ hết mình. Có thế mới chứng tỏ ta yêu mến Chúa hết sức lực ta.

 

Chúng ta cũng hiểu rằng con người của ta yếu đuối, sức lực có hạn. Hoàn cảnh và cám dỗ này nọ có thể làm cho mục tiêu hoạt động của ta xoay chiều : thay vì phục vụ Chúa, lại phục vụ cho sự ích kỷ của mình. Nhưng chúng ta tin tưởng Chúa là sức mạnh sẽ luôn hỗ trợ cho những cố gắng của ta.

 

* Những gì khai triển trên đây cho thấy ta có thể và phải yêu Chúa bằng những hoạt động của trí khôn hoặc của tình cảm, cả bằng những gắn bó trong tâm trí lẫn bằng những hoạt động bên ngoài. Nguồn mạch sâu xa của những tình cảm bên trong, và hồn của những hình thức biểu hiện bên ngoài, chính là thái độ sẵn sàng tự hiến mình cho tình yêu. Chính thái độ này là đặc tính của một tình yêu chân thật.

 

Ði vào cụ thể, làm sao thực hiện cho hết các khía cạnh trên đây ? Làm sao cho có sự quân bình giữa các khía cạnh ? Có cần nhấn mạnh những tâm tình bên trong hay những hành động bên ngoài để tỏ ra là yêu Chúa cách trung thực? Cái đó còn tuỳ. Tuỳ sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng. Tuỳ tâm tính của mỗi người. Tuỳ hoàn cảnh và điều kiện sống cụ thể của từng người hay cả cộng đồng.

 

Thường ra, những yếu tố trí khôn, tình cảm, ý muốn, hoạt động đều tác động lên nhau. Yếu tố này lôi kéo yếu tố kia, nếu chúng ta thật tình mến Chúa. Khi hoàn toàn thiếu vắng một yếu tố nào, nhất là trong một thời gian dài, tình yêu của chúng ta có nguy cơ không còn trung thực, và khô cằn là cái chắc.

 

Thử lấy ví dụ về một hoạt động đạo đức rất thông thường, một hoạt động mà truyền thống tu đức dạy phải làm hằng ngày, nếu muốn thăng tiến trong đời sống thiêng liêng nói chung, và lòng yêu mến Chúa nói riêng. Ðó là nguyện gẫm.

 

Nguyện gẫm thì có nhiều phương pháp lắm. Có phương pháp dòng Tên mà có lẽ ai nấy đều biết, trong sách Linh Thao. Có phương pháp Xuân Bích với lược đồ tóm tắt trong ba công thức thời danh : đặt Chúa Giêsu trước mặt, đem Chúa vào lòng, để Chúa ra ngoài bàn tay. Có phương pháp của cha Chautard gói ghém trong ba chữ : video, sitio, volo (tôi thấy, tôi khát, tôi muốn). Còn nhiều phương pháp khác nữa của truyền thống các dòng. Có bao nhiêu phương pháp là có bấy nhiêu dị biệt. Nhưng dị biệt là ở các chi tiết và cách nhấn mạnh, chứ các phương pháp đều giống nhau trong những đường nét chính, và đều huy động mọi cơ năng của con người : trí khôn, tình cảm, ý chí hành động. Tâm tình thì nhớ đến Chúa, giục lòng tin mến và thờ lậy, tâm sự, ca ngợi, cảm tạ và cầu xin. Trí khôn thì suy nghĩ hay chiêm ngắm một chân lý trong đạo, một mầu nhiệm, một lời Kinh Thánh hay một hành vi của Chúa Giêsu. Ý muốn thể hiện bằng việc quyết tâm thi hành trong đời sống một điều gì liên hệ tới đề tài nguyện gẫm. Yếu tố cuối cùng này chính là yếu tố của một tình yêu hữu hiệu (amour effectif).

 

Như thế, nếu hằng ngày kiên trì làm đúng và tốt việc nguyện gẫm của ta, thì đó chính là một trong những cách bày tỏ lòng mến Chúa, cụ thể và trung thực.

 

* Trong "Ðạo Ðức Chúa Trời có mười điều răn" thường thấy đọc trước Thánh Lễ Chúa Nhật trong các nhà thờ xứ, sau kinh Nghĩa Ðức Tin, người ta ê a khởi đầu : Thứ nhất, thờ phượng một Ðức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự. "Trên hết mọi sự" : một cách nói khác, một cách xác định vắn tắt hơn phẩm chất của tình yêu dành cho Chúa. Nó nhấn mạnh đối tượng yêu (Chúa) hơn là chủ thể yêu (ta). Chúng ta có nhiều đối tượng để yêu, từ những đồ vật để yêu thích đến những con người để yêu thương hay yêu kính. Dù đó là vật ta thích nhất, dù đó là người ta yêu nhất, dù đó là vị thánh ta kính nhất, tất cả đều chỉ là tạo vật, không thể bì với Thiên Chúa là Ðấng tạo thành mọi loài mọi vật. Yêu Chúa chỉ như yêu các tạo vật khác, hoặc yêu ít hơn các tạo vật khác, thì không còn phải là yêu Chúa, nhưng là xúc phạm tới Ngài. Yêu theo cách đó là không biết đến tình yêu cao cả của Thiên Chúa, hoặc khinh rẻ tình yêu này. Chúa Giêsu đã cảnh giác ta về điều đó khi Ngài nói: "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thày thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy" (Mt 10,47). Chúa là một Thiên Chúa cả ghen (Xh 20,5), không chấp nhận ta coi Ngài ngang hàng với tạo vật, huống hồ còn kém hơn tạo vật.

 

Thế chẳng hạn một người mẹ tỏ ra âu yếm với con mình mà không có tình cảm ấy đối với Chúa thì sao? Chẳng sao cả. Chúa đâu có đòi phải dành cho Ngài mọi chi tiết biểu lộ tình yêu, nhất là về phương diện tình cảm, như ta dành cho tạo vật. Ðể tỏ ra yêu Chúa trên hết mọi sự, điều chủ yếu là luôn nhận Ngài có giá trị hơn hết, để Ngài hướng dẫn hữu hiệu mọi sự lựa chọn của ta, và sẵn sàng tự hiến cho Ngài.

 

3. "Ðặt Chúa như chiếc ấn trên trái tim" (Dc 8,6)

 

Ở trên, chúng ta đã thấy Chúa dạy phải yêu mến Ngài như thế nào : yêu với tư cách cá nhân, yêu Ngài trên hết mọi sự, yêu hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Giờ đây chúng ta thử xem, trong đời sống cụ thể, phải vun trồng lòng yêu mến ấy như thế nào.

Có vô số cách nuôi dưỡng lòng yêu mến Chúa. Mỗi người có ơn riêng, có cách thức riêng của mình. Có thể dựa vào việc nguyện ngắm, chiêm niệm, như nói ở trên. Có thể dựa vào lời Chúa, trong đó ta cảm thấy như Ngài dang sống và đàm đạo với ta. Có thể nuôi dưỡng tình yêu bằng kinh nguyện. Nhưng dù theo bất cứ cách nào, vẫn cần có ơn Thánh Thần, vì chỉ Thánh Thần biết Ðức Giêsu là ai, chỉ Thánh Thần mới gợi lên trong ta lòng yêu mến Chúa.

 

Tưởng cũng nên lưu ý một phương thế rất được truyền thống quý trọng, nhất là truyền thống Ðông Phương. Ðó là nhớ đến Chúa Giêsu. Trí nhớ là cửa sổ mở vào tâm hồn và yêu ai thì năng nhớ đến người đó. Người tín hữu yêu Chúa cũng phải năng nhớ đến Chúa. Chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ như thế khi Ngài nói: "Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22,19). Thánh Phaolô cũng từng cho thấy mối liên hệ giữa Chúa Kitô và trí nhớ của mình khi ngài viết: "Tình yêu của Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi xác tín rằng : nếu một người đã chết thay cho mọi người." (2Cr 5,14). Xác tín, theo nghĩa của từ hy lạp, là suy nghĩ và cân nhắc trong trí. Khi ta suy nghĩ và cân nhắc trong trí sự kiện Ðức Kitô đã chết vì ta, vì mọi người, chúng ta như được thôi thúc lại yêu mến Chúa. Ý nghĩ hay tưởng nhớ đến Ngài làm cho tình yêu của ta bừng cháy lên.

 

Chúng ta phải coi Chúa Kitô như là lý tưởng của cuộc đời mình. Phải say mê và muốn cho mọi người biết đến Ngài. Say mê Chúa Kitô, và rồi làm cho người khác yêu mến Ngài, tưởng không còn ơn gọi nào đẹp đẽ hơn.

 

Trong một đoạn của sách Diệu ca, nàng (theo cách giải thích truyền thống, chính là linh hồn) nói với chàng: "Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh, như con dấu trên cánh tay anh" (Dc 8,6). Chàng, hay Ðức Kitô, đã chấp nhận lời xin này. Ngài đã thật sự đặt ta như con dấu trên trái tim và trên cánh tay Ngài. Con dấu là con dấu bằng máu, không phai mờ.

 

Nhưng ta xin Chúa thế nào, thì Chúa cũng đòi ta như thế. Có đi có lại. Tức là ta cũng phải đặt Ðức Kitô như con dấu trên trái tim ta. Vì vậy mà giờ đây, chính Ðức Kitô nói với Giáo Hội và với ta: "Ngươi hãy đặt Ta như chiếc ấn trên trái tim ngươi". Ấn có đó, không phải để cấm cản ta yêu người nào hay vật nào khác, nhưng để ta không yêu người ấy hay vật ấy mà không có Chúa, hoặc ngoài Chúa. Nhất là không để cho người ấy vật ấy chiếm hẳn chỗ của Chúa trong lòng ta. (x. R.Cantalamessa, Jésus-Christ, le Saint de Dieu, Mame 1993, pp.145-146)

 

Trong cuốn Confessions, thánh Augustinô đã viết một lời cầu nguyện mà cũng là một suy nghĩ về tình yêu của ngài đối với Chúa. Tôi mượn những lời của vị đại tiến sĩ này để kết thúc bài suy niệm hôm nay. Lời cầu nguyện ấy như sau:

 

"Lạy Chúa, một điều không nghi ngờ, một điều lương tâm con chắc chắn, đó là con yêu Chúa. Chúa đã dùng lời Chúa đánh động lòng con. Trời đất và muôn loài trong đó từ tứ phía bảo con yêu mến Chúa, và chúng không ngừng bảo mọi người làm như thế, để họ vô phương chữa mình.

"Nhưng khi con yêu Chúa, thì con yêu cái gì ? Không phải con yêu nét mỹ miều của một thân xác, không phải vẻ tươi đẹp của thời tiết, không phải sự huy hoàng của ánh sáng mà mắt con vẫn thích, không phải sự du dương êm dịu của những bản tình ca đủ loại, không phải hương ngon vị ngọt của hoa, của trầm, của thuốc thơm, không phải manna và mật ong, không phải những cánh tay ấp yêu nhục dục. Khi con yêu Chúa thì không phải con yêu những cái đó.

 

"Nhưng khi con yêu Chúa, con lại vẫn yêu một ánh sáng, một âm thanh, một hương vị, một ấp yêu, vì Chúa là ánh sáng, là âm thanh, là hương vị, là ấp yêu của con người bên trong của con. Ở đó, ánh sáng soi chiếu hồn con, mà không gian không hạn chế nổi. Ở đó, âm thanh vang lên mà không bị thời gian làm tiêu tan. Ở đó, hương thơm bay toả mà không tản mát trong gió. Ở đó, thần lương không trở thành ớn ngấy khi người ta no say. Ở đó, có ấp yêu mà không thoả mãn nào làm lơi lỏng. Ðó chính là cái con yêu, khi con yêu Chúa" (livre X, ch.6).

 

Nếu không có được cảm nghiệm như Augustinô bày tỏ trong phần sau của lời cầu nguyện, ít nhất chúng ta cũng có thể lặp lại xác quyết của ngài ngay lúc đầu : Lạy Chúa, điều con chắc chắn là con yêu Chúa.

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà