YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA DẠY

 

VIII. YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA DẠY

 

Khi trả lời cho một nhà thông luật hỏi xem điều răn nào trọng nhất trong Lề Luật, Ðức Giêsu cho biết : Ðiều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa, điều răn thứ hai là yêu thương người thân cận. Không có điều răn nào lớn hơn hai điều răn ấy (Mc 12,28tt; Mt 22,34tt). Qua lời Chúa dạy trên đây, có thể khẳng định hai điều : điều răn yêu người thật quan trọng, và mối liên hệ bất khả phân ly của nó với điều răn mến Chúa.

 

Nhưng không chỉ có vậy. Chúa còn đi xa hơn, coi yêu mến nhau là lệnh truyền độc nhất (Ga 15,12), là điều răn mới (Ga 13,34), cho dù nó đã có từ lúc khởi đầu mạc khải. Theo Ngài, yêu thương anh em là yêu mến Ngài và yêu mến Thiên Chúa (Mt 25, 40). Ngược lại, không yêu thương anh em là không yêu mến Ngài và không yêu mến Thiên Chúa. Tông Ðồ Gioan sau này sẽ giải thích: "Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, mà họ không trông thấy" (1Ga 4,20). Rốt cuộc, chỉ có một tình yêu hướng về hai đối tượng, hoặc một tình yêu với hai mặt : Thiên Chúa và các anh chị em.

 

Ðã nói đến yêu Chúa (bài số VII) thì cũng phải nói đến yêu người. Ðối tượng thứ hai này của tình yêu là đề tài của bài suy niệm hôm nay.

 

1. "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" 

(Mc 12,31)

 

* Con người ta vốn có sự vị tha bẩm sinh. Yêu thương là thuộc về bản năng của con người. (Mà chẳng cứ gì con người, các loài vật khác, nói chung, cũng có bản năng này, ít nhất đối với các con nhỏ của chúng. Ta còn thấy những trường hợp đặc biệt:  con vật loài này yêu thương con vật loài khác. Chó và mèo thường gầm gừ nhau, nhưng phim Benji chẳng hạn cho thấy một con chó rất thương và đùm bọc những con báo mới sinh, mà mẹ của chúng đã bị thợ săn giết chết.)

 

Hơn những người khác, người kitô hữu chúng ta không chỉ sống bằng sự vị tha bẩm sinh, còn nhiều tuỳ tiện và hạn chế, nhưng sống theo một lệnh truyền thực sự, lệnh truyền của chính Thiên Chúa, được cả Cựu Ứớc lẫn Tân Ước đưa ra : Phải yêu người khác, phải yêu đồng loại.

 

Yêu mà lại bị bắt buộc sao ? Người ta có thể ra lệnh cho tôi làm điều này điều nọ, chứ không thể ra lệnh cho tôi phải yêu. Tình cảm hoặc có hoặc không có. Trái tim hoặc rung động hoặc không rung động. Cho nên, lệnh truyền là vô ích hoặc không thể thực hiện. Vô ích, vì nếu tôi yêu, chả cần phải ra lệnh. Không thể thực hiện, vì nếu tôi không yêu, không thể buộc tôi yêu được. Không thể buộc có tình cảm khi không có tình cảm. Không thể buộc con tim rung động khi nó trơ trơ như phỗng đá trước một đối tượng. Vờ yêu thì có, chứ yêu thật thì không.

 

Ðấy là một thắc mắc. Thực sự, thắc mắc này đúng, nếu là về một tình yêu chỉ thuần tuý dựa trên tình cảm, hoặc một tình yêu nhằm chiếm đoạt. Nhưng ở đây lại là tình yêu thuộc ý muốn, tình yêu hiến dâng, tuy không gạt ra ngoài yếu tố tình cảm. Ðiều ta muốn và cố gắng làm là giúp cho người mình yêu được sự lành và hạnh phúc.

 

Hơn nữa, chúng ta yêu thương không phải do một lệnh truyền thuần tuý. Bác ái của ta có một nguyên uỷ và một động lực sâu xa. Ðó là vì Thiên Chúa đã yêu thương ta, yêu thương mọi người, đặc biệt qua Ðức Kitô. Chính tình yêu này giờ đây được đổ xuống lòng ta, nhờ bởi Thánh Thần là Ðấng liên kết chúng ta trong mối dây bác ái, để chúng ta có thể và phải yêu thương nhau. Ðược sống trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải yêu thương người khác. Chính ý thức trên đây là lý do khiến chúng ta trung thành với lệnh truyền của Chúa.

 

* Nhưng thế nào là yêu người ? Nói đến yêu, tiên vàn là nói đến một tình cảm. Yêu là một tình cảm hướng về người khác, dựa vào giá trị thực sự của người đó, vượt lên trên những gì là lôi cuốn hấp dẫn giác quan. Một tình yêu như vậy đòi có một khoảng cách nào đó giữa người yêu và người được yêu. Một khoảng cách vừa xa vừa gần, xa mà gần. Xa đủ để kính trọng. Gần đủ để yêu thương. Xa quá có thể làm cho người ta hết yêu (xa mặt cách lòng). Người chỉ biết "kính nhi viễn chi" là người khó có thể yêu. Nhưng gần quá lại có nguy cơ làm biến chất tình yêu, làm biến chất người yêu. Nó có thể trở thành một thứ ham muốn và chiếm đoạt. Yêu ai không phải là làm tôi cho người ấy, cũng không phải là bắt người ấy làm tôi cho mình. Nếu không, một trong hai sẽ trở thành đồ vật, không còn là nhân vị để yêu hay được yêu. Như vậy, yêu một người vừa phải hướng tới người đó thật gần gũi, vừa phải giữ một khoảng cách để kính trọng người đó. Có thể thấy điều này trong cách ta yêu Chúa : vừa mở hết tâm hồn cho Ngài, vừa tuyệt đối kính trọng Ngài. Cả hình thức thân mật nhất của tình yêu nhân loại là tình yêu đôi lứa cũng có đòi hỏi tương tự. Hai người càng muốn có sự kết hợp hoàn toàn với nhau, càng phải biết bảo vệ sự ngăn cách giữa hai bên, để còn kính trọng nhau (Nhiều cô gái nhẹ dạ cảm thấy bẽ bàng sau một cuộc tình, khi anh chàng quất ngựa truy phong, cũng là vì không biết giữ cái khoảng cách đó).

 

Ðiều có giá trị đối với bất cứ tình yêu nào, cũng có giá trị đối với bác ái huynh đệ kitô giáo. Bác ái này tiên vàn là một tình cảm của lòng ta, bám rễ trong tình cảm yêu mến tự nhiên. Tuy vậy, nó còn thấm nhuần tình yêu siêu nhiên, hướng tới giá trị sâu xa nhất của người khác, đến nỗi có thể yêu thương cả kẻ thù, điều không thể xẩy ra nếu chỉ có tình cảm tự nhiên.

 

Ngoài tình cảm yêu thương, quý mến, kính trọng, bác ái huynh đệ còn là sự làm ơn, làm tốt cho người khác. Tôi không chỉ muốn thấy người tôi yêu được hạnh phúc, mà còn muốn làm cho người tôi yêu được hạnh phúc. Từ một tình yêu trong tình cảm tiến tới một tình yêu hành động, một tình yêu được gọi là hữu hiệu.

 

Ý muốn làm điều tốt cho người khác còn phát xuất từ tình cảm liên đới với người khác. Mà tình cảm liên đới này lại là do tình yêu của Thiên Chúa đổ vào lòng ta. Ta thấy mình liên đới gắn bó với người khác trong một cộng đồng tình yêu, môt cộng đồng sinh mệnh. Trong cộng đồng này, mỗi người đều phải tìm cách duy trì và tăng cường tình yêu nơi mình cũng như nơi người khác. Trong cộng đồng này, mỗi người là phần tử của nhau, có trách nhiệm với nhau, quan tâm tới nhau, đồng cảm với nhau trong đau khổ cũng như trong hạnh phúc, như lời Phaolô nói: "Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau; nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung" (1Cr 12,26).

 

* Phải yêu người thế nào như Tin Mừng đòi hỏi ? Ðối với Thiên Chúa, lệnh truyền buộc ta phải yêu Ngài hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn. Ðối với con người, lệnh truyền đơn giản hơn, nhưng cũng đòi hỏi không kém : phải yêu người như yêu mình ("Thương người như thể thương thân" như ca dao Việt Nam nói).

 

Về chuyện yêu mình, trộm nghĩ chẳng cần bàn. Trong bất cứ trường hợp nào, bất cứ tình huống nào, ai nấy đều biết phải yêu mình ra sao. Cái khó là yêu mình thế nào, thì cũng phải yêu người khác thế ấy.

 

Cựu Ước đã từng cắt nghĩa lệnh truyền trên đây bằng một quy tắc cụ thể: "Ðiều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả" (Tb 4,15). Ðây là lời của Tôbít khuyên con là Tôbia, sau trở thành luật vàng (règle d’or) cho cách sống của dân Chúa. Ðức Giêsu đã lặp lại luật vàng này, đồng thời làm trọn nó, như làm trọn Lề Luật nói chung (Mt 5,17). Thay cho hình thức tiêu cực (đừng làm), Ngài khoác cho nó một bộ mặt tích cực (hãy làm). Ngài nói: "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7,12; Lc 6,31). Nhất là Ngài xác định rõ sự tương đương giữa yêu người và yêu mình, dựa vào chính tình yêu của Ngài đối với con người: "Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15,12). Mà tình yêu của Ðức Giêsu đối với ta lại là một tình yêu thí mạng sống mình vì người mình yêu, một tình yêu là của Thiên Chúa (Ga 15,9.13).

 

Do tình yêu này mà tình yêu của ta đối với chính mình cũng như đối với người khác mang một sắc thái mới. Yêu mình và yêu người, cả hai tình yêu không còn phải là do bản năng, nhưng do động lực là tình yêu của Chúa. Phải yêu mình như mình được Chúa yêu. Phải yêu người như họ được Chúa yêu. Vì chỉ có một tình yêu của Chúa dành cho ta và cho người khác, nên ta phải yêu người khác như yêu chính mình ta.

 

"Như" là một khía cạnh cần được xác định rõ. "Như" không chỉ là tương tự, là giống, nhưng là "bằng". Yêu người khác bằng yêu mình. Yêu bằng mình cả về mức độ lẫn về thời gian. Không phải tiên vàn yêu mình đã, rồi sau mới yêu người. Ðợi cho yêu mình xong, hẳn đến "Tết Congo" mới nghĩ đến chuyện yêu người. Cả hai tình yêu này phải tăng trưởng cùng một lúc.

 

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý : "bằng" ở đây là xét về lý do, chứ không phải trong cách thể hiện. Lý do : vì cùng một tình yêu của Chúa; vì cả ta lẫn người khác đều xứng đáng với cùng tình yêu ấy; vì cả ta lẫn người khác đều có cùng một giá trị. Nhưng cách thể hiện tình yêu thì có thể khác nhau. Chúa không đòi ta bất cứ khi nào yêu người cũng phải có cùng một cường độ cảm ái như khi yêu mình. Chúa cũng không dạy phải làm cho người khác bất cứ điều gì làm cho mình.

 

(Muốn rõ vấn đề, phải phân biệt tình yêu và trách nhiệm. Xét về trách nhiệm, tôi phải có trách nhiệm về tôi, con người của tôi, thiện ích của tôi, hơn là về những cái đó nơi người khác. Chúa ban cho mỗi người có sự tự do để chịu trách nhiệm về mình, chứ ta không có quyền làm chủ trên sự tự do của người khác. Bởi vậy, yêu người như yêu mình không có nghĩa là phải thấy mình hoàn toàn có trách nhiệm về sức khoẻ, đời sống, thiện ích của người khác hệt như về sức khoẻ, đời sống và thiện ích của mình. Không phải khi tôi dùng một viên thuốc cảm thì cũng phải cho người khác viên thuốc cảm. Theo một nghĩa nào đó, và trong một giới hạn nào đó, thì người thân cận đầu tiên chính là tôi. Nếu không phân biệt hai lãnh vực tình yêu và trách nhiệm, có thể rơi vào trường hợp mà Chúa cảnh giác:  chỉ đăm đăm nhìn cái rơm trong mắt người, mà không lo cái xà trong mắt mình (x.Mt 7,3-5). Không chịu trách nhiệm trực tiếp về người khác, nhưng xét về tình yêu, ta vẫn là người đồng trách nhiệm. Thực hiện việc đồng trách nhiệm này như thế nào, với mức độ nào, còn tuỳ hoàn cảnh, tuỳ công việc, tuỳ vai trò của ta đối với người khác.)

Một cách tổng quát, người nào chỉ biết lợi ích của mình, mà không lo lắng chút nào về lợi ích của người khác đang lâm nguy, và lợi ích này cũng tương đương hoặc lớn hơn lợi ích của nình, người đó là người yêu mình hơn đồng loại, hoặc đúng hơn, quá yêu mình theo bản năng, chứ không theo tình yêu của Chúa.

 

2. "Ai là người thân cận của tôi" (Lc 10,29)

 

* Theo tác giả Luca, sau khi trưng dẫn lệnh truyền yêu người trong sách Lêvi (19,18), nhà thông luật còn hỏi Chúa tiếp: "Vậy ai là người thân cận của tôi ?" (hoặc:  ai là người đồng loại của tôi ?). Có nghĩa là : ai là người tôi phải yêu thương?  người đồng chủng, người ngoại giáo, người ngụ cư trên đất Israel, hay bất cứ người nào tôi gặp ?

 

Chúa không trả lời trực tiếp câu hỏi, không định nghĩa thế nào là người thân cận, nhưng diễn giải bằng dụ ngôn người Samari nhân hậu. Dụ ngôn này, chúng ta đã quá biết, gồm 4 nhân vật, có thể nói, thuộc 3 loại người : một người Do thái nào đó bị kẻ cướp "lèn" (Trần Tế Xương : "Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông") trên đường từ Giêrusalem xuống Giêricô, hai người thuộc hàng tư tế do thái đi ngang qua, một người Samari, thường bị coi là thuộc một chủng tộc và tôn giáo không còn thuần nhất như người Do thái, cũng tình cờ qua đó.

 

Nạn nhân thì cần được cứu giúp là chuyện tất nhiên. Người ta cứ tưởng thầy tư tế và thầy lêvi, hai người đồng chủng đồng tôn với người bị nạn, sẽ mau mắn làm công việc này. Nhưng thật tệ, họ "tránh qua bên kia mà đi". Ðến lượt người Samari. Chẳng ai trông chờ một hành động nghĩa hiệp của người này cả. Ông ta có thể tự nhủ: "Ðây là một người xa lạ, tôi đâu biết", "Ðây là một người Do thái, không mắc mớ gì với tôi hết". Chắc hẳn nhiều lần chúng ta cũng đã tự nhủ như thế, khi đứng trước một sự việc tương tự (hoặc đúng hơn, chúng ta sợ phiền phức). Nhưng nhân vật của chúng ta đã không nghĩ như vậy, mà có tâm tình và hành động ngược hẳn. Tức là "chạnh lòng thương" (một từ hay được dùng để diễn tả tấm lòng của Thiên Chúa), săn sóc cho nạn nhân, không chỉ bước đầu, nhưng là cho tới khi nạn nhân bình phục. Tử tế và nhiệt tình đến thế là cùng !

 

Kể xong câu truyện, Chúa hỏi nhà thông luật: "Theo ông nghĩ, trong 3 người ấy, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?". Nếu để ý, chúng ta thấy Chúa thay đổi ý nghĩa câu hỏi của nhà thông luật. Thay vì : Ai là người thân cận của tôi ?, bây giờ đại khái là : Tôi là người thân cận của ai? Trong bậc thang giá trị mới, "cái tôi" không còn phải là trung tâm bắt người khác hướng về mình. Trung tâm bây giờ là tha nhân mà tôi phải hướng tới. Tuy nhiên, đây không phải là một sự hệ thống hoá áp dụng cho mọi trường hợp, nhưng chỉ là một quy tắc hành xử thuần tuý mỗi khi đứng trước một người đang cần được giúp đỡ.

 

Người Samari đã trở thành thân cận với nạn nhân, vì đã hướng tới anh ta, giúp anh ta trong lúc ngặt nghèo, trong tình trạng thập tử nhất sinh, khác với hai người thuộc hàng tư tế, tưởng là những người thân cận, nhưng thực tế lại là những người xa lạ, vì đã thờ ơ với ngưòi bị nạn. Chính bác ái làm cho người ta trở thành người thân cận. Chính bác ái làm cho người ta thành anh (chị) em của mọi người.

 

Nếu áp dụng cho ngày hôm nay câu hỏi "Tôi là người thân cận của ai ?", thì thứ tự bình thường sẽ là : Nếu là cha mẹ, người thân cận là con cái. Nếu là con cái, người thân cận là cha mẹ. Chồng là người thân cận của vợ và ngược lại. Người hàng xóm đối với người hàng xóm. Từng tu sĩ đối với nhau trong cộng đồng. Người thân cận tiên vàn là người có một mối liên hệ nào đó với người khác, thân hay sơ. Nhu cầu của người ấy thúc đẩy người gần hơn phải sẵn sàng đáp ứng. Nhưng trên nguyên tắc, không có một ranh giới nào hết, không có tiêu chuẩn về họ hàng, bạn bè, chủng tộc, lý tưởng. Chúng ta có thể trở nên người thân cận của mọi người, bất kể là ai, khi Chúa quan phòng đặt ta trước nỗi khổ của người đó, mở lòng ta, và cung cấp cho ta phương tiện giúp đỡ người đó. Thực hiện như thế là một trong những cách chúng ta chu toàn điều răn yêu người.

 

* Có một loại người thân cận mà chúng ta cần đặc biệt ghi nhận : kẻ thù. Kẻ thù cũng là người thân cận. Kẻ thù ở đây hiểu theo nghĩa rộng nhất, từ những người không thể dung hợp với ta về đường lối suy nghĩ, cung cách sống và hành xử, đến những người thực sự tranh chấp đối kháng lại ta, và cuối cùng là những người chủ ý làm khổ, bách hại ta. Người kitô hữu mà lại dám coi ai thực sự là kẻ thù, với một thái độ khăng khăng kéo dài sao? Không dám đâu! Sái tinh thần Phúc Âm quá. Nhưng thù nghịch với người này người nọ, lúc này lúc khác, hẳn là có đấy. Tôi nghĩ vậy. Vả lại, cho dù ta không thù nghịch với ai, vẫn có thể có người thù nghịch với ta. Chúa còn có kẻ thù nữa là. Vậy đối với người thù nghịch, ta phải tỏ thái độ nào cho phù hợp với Tin Mừng?

 

Chúa dạy ta phải yêu kẻ thù (Mt 5,45). Nếu yêu  thương là điều tốt lớn nhất thì thù ghét là điều xấu lớn nhất. Bởi vậy, tuyên dương tình yêu thì đồng thời cũng lên án sự thù ghét. Ðó là điều phải lẽ. Chúng ta không được thù ghét ai. Thế đã là tốt. Nhưng Chúa còn tiến thêm một bước : dạy ta phải yêu cả kẻ thù. Ðây là một lệnh truyền, là thành phần chủ yếu của lệnh truyền yêu nhau. Một lệnh truyền chứ không phải một lời khuyên. Có giữ lệnh truyền này mới xứng đáng là con cái Cha trên trời. Vì sao? Vì Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, và ban tình yêu của Ngài cho ta, để ta có thể và phải yêu thương hết mọi người, bất kể là bạn hay thù. Yêu kẻ thù là một thứ đá thử vàng, xem tình yêu của ta có rập theo khuôn mẫu tình yêu của Thiên Chúa chăng.

 

Quả thực, tình yêu của Thiên Chúa đối với ta không chỉ là tình yêu bạn hữu, nhưng, theo một nghĩa rất thật, còn là sự yêu thương kẻ thù. Ta mà lại là kẻ thù của Thiên Chúa sao?  Không sai. Thư Rôma đã viết rõ: "Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của người Con ấy" (Rm 5,8-10). Ngay từ đầu, tình yêu của Thiên Chúa là dành cho các tội nhân. Mục tiêu và cố gắng của Ngài là chiến thắng sự thù nghịch của ta. Ngài muốn biến thù thành bạn. Cái giá phải trả cho ý muốn này chính là sự chết của Con Ngài là Ðức Kitô. Sự chết này cũng cho ta thấy rõ hơn bản chất của lệnh truyền yêu kẻ thù.

 

Nói đúng ra, yêu một kẻ thù không phải là yêu người đó trong tư cách kẻ thù. Yêu như thế là ngược ngạo, là hư đốn. Thánh Tôma gọi đó là vicieux. Còn khoa tâm lý ngày nay liệt người yêu như thế vào loại masochiste (không theo nghĩa chuyên môn "khổ dâm", nhưng là khoái đau, thích đau. Kẻ thù làm cho mình đau mà vẫn khoái. Khoái vì được đau). Chúng ta yêu kẻ thù chỉ vì họ được Thiên Chúa yêu thương kêu gọi đến cùng một tình yêu bạn hữu như ta. Ngài muốn cho cả kẻ thù được hưởng thiện ích lớn nhất là thông hiệp vào cùng một tình bạn thần linh. Mục tiêu này luôn phải định hướng cách xử sự của ta đối với kẻ thù, trong từng tình huống cụ thể.

 

3. Những đặc tính của lòng mến (1Cr 13,4-7)

 

* Từ đầu tới giờ, có thể nói chúng ta chỉ suy niệm về lý do, ý nghĩa và phạm vi của lệnh truyền yêu người. Lúc này, chúng ta muốn đề cập đôi chút về sự thực hành tình yêu này. Về thực hành, chúng ta đã được nghe quá nhiều lời dạy, lời khuyên, hầu như hằng ngày. Tương truyền, vào những ngày cuối đời, trong tất cả các bài giảng, Tông Ðồ Gioan hầu như chỉ khuyên các tín hữu yêu nhau, đến nỗi nhiều người cảm thấy nhàm chán, lắc đầu quầy quậy. Mặc kệ, Gioan vẫn nói. Bởi chính đó là điều cốt yếu lời Chúa muốn dạy, mà Gioan chỉ là người truyền đạt. Quả thực, Sách Thánh, nhất là Tân Ước, từng trang từng trang đều có những lời lẽ ít nhiều liên hệ tới bác ái huynh đệ. Có bác ái trong tư tưởng. Có bác ai trong lời nói. Có bác ái trong việc làm.

 

Bằng những nét lớn, dễ nhớ, 7 trong số 10 điều răn dạy ta phải yêu người thế nào. Chúng ta còn được nhắc nhở thực hiện bác ái cách cụ thể và thực tế hơn nữa trong kinh "Thương người có 14 mối : thương xác 7 mối, thương linh hồn 7 mối". Liệt kê và khai triển cách thực hành bác ái là chuyện không thể, huống hồ trong phạm vi một bài suy niệm. Người viết không làm nổi đã đành, mà người đọc e rằng cũng có tâm trạng như các thính giả của Gioan ngày trước. Ðành phải chọn lựa. Tôi chọn mấy câu trong "Bài ca đức mến" nổi tiếng của Phaolô (1Cr 13).Mở đầu bài ca này, Phaolô nói lên sự cao trọng tuyệt vời của đức mến (cc.1-3). Tiếp đến là những đặc tính phong phú của đức mến (cc.4-7). Cuối cùng là sự vĩnh tồn của nó (cc.8-13).

 

Những đặc tính của đức mến được Phaolô diễn tả như sau: "Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, khônglàm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả".

 

Nghe những lời trên đây trong một số bản dịch, chúng ta có cảm tưởng coi bộ Phaolô nhấn mạnh những tình cảm của đức mến thôi, tức là những gì cần có trong tâm hồn, để chứng tỏ là yêu người. Thực ra, nguyên bản hy lạp không dùng những tính từ suông, không nói chung chung khái quát, mà đưa ra một loạt 15 động từ, cho thấy đức mến đòi chúng ta có những hành động thực hiện cụ thể. Có hành động phải làm. Có hành động không được làm.

 

Chúng ta suy nghĩ cách riêng một đặc tính được nêu ra ở đầu câu 7 : đức mến tha thứ tất cả. Tha thứ, yên lặng bỏ qua các điều xấu người khác làm cho mình, vô tình cũng có, hữu ý cũng có.

 

Cựu Ưỡc đã từng nêu ra một số gương tha thứ, chẳng hạn : Giuse tha thứ cho các anh đã bán ông lúc còn nhỏ cho các lái buôn sang Ai Cập; Ðavít tha thứ cho Saolê. Trong Phúc Âm, hẳn chúng ta không quên có lần Phêrô hỏi Chúa xem phải tha thứ cho anh (chị) em bao nhiêu lần, có phải 7 lần không (Mt 18,21tt). 7 là con số hoàn hảo của Kinh Thánh. Phêrô tưởng tha như vậy đã là vượt mức, so với việc tha 3 lần theo cách thực hành của các rabbi thời trước. Chúa đã trả lời cho Phêrô bằng một câu xác quyết và một dụ ngôn. Câu xác quyết là một cách chơi chữ, chỉ có nghĩa : tha thứ không cùng, không hạn định số lần. Còn dụ ngôn cho biết thêm : sự tha thứ không căn cứ ở lỗi lầm nặng hay nhẹ, cũng không căn cứ ở địa vị người tha hay người được tha. Nhất là qua dụ ngôn, ta thấy ý nghĩa đích thực của sự tha thứ trong đạo ta : tha thứ cho người khác vì chính mình đã được Thiên Chúa tha thứ trước và tha thứ không cùng. Sự tha thứ của ta không chỉ là một bổn phận luân lý, có một giới hạn nào đó, nhưng phát xuất từ ý thức mình được tha thứ, rập theo hành vi tha thứ của Thiên Chúa, và nối dài hành vi này đối với các anh chị em mình.

 

Ðức Giêsu không những dạy mà còn nêu gương, khi trên Thập giá, Ngài đã "xin Ðức Chúa Cha tha tội cho kẻ làm khốn mình" (kinh cầu Chịu Nạn ; Lc 23,34). Chưa hết. Ngài còn tìm cách giảm tội cho kẻ phạm "vì lầm chẳng biết" (Ngắm 15 sự Thương Khó; Lc 23,34), tìm cách đưa họ vào nơi hạnh phúc khi hứa Thiên đàng cho người trộm lành.

 

Thiết nghĩ trong cuộc sống chung đụng hằng ngày giữa những ngưòi sống bên nhau hoặc sống với nhau trong một cộng đồng, phải nhận rằng có lắm chuyện gây bực mình. Lỗi có thể một phần do người, nhưng lắm khi một phần cũng do ta, mà thường ta cố chấp không chịu nhận, và cứ đổ riết cho người. Ừ thì cứ cho rằng lỗi ở nơi người anh chị em đi nữa, chúng ta cứ nhớ lại lời Chúa dạy : phải tha thứ, tha nhiều, tha luôn. Tha, không chỉ để thực tế có thể sống với nhau. Chẳng lẽ ra vào thấy nhau luôn mà mặt mũi cứ sưng như mắc quai bị. Chịu sao thấu! Người nhìn mặt sưng chịu không  thấu đã đành, mà chính người sưng mặt cũng chịu không thấu nữa. Bầu khí nặng nề chết! Tha, cũng không phải vì mình không làm gì được người có lỗi, nên ép mình mà tha vậy. Tha, chủ yếu là vì ta đã nhận được hồng ân của Chúa, mà ơn lớn nhất là Ngài đã tha thứ cho ta.

 

Lời xin thứ năm của kinh Lạy Cha đọc hằng ngày hẳn phải giúp ta ý thức điều đó. Và lời thư Êphêsô (4,26) đọc Giờ Kinh Tối mỗi thứ tư là một lời nhắc nhở cụ thể: "Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn".

 

Bác ái huynh đệ ngày càng được coi là dấu chỉ đặc trưng nhất, khả tín nhất của một đời sống kitô giáo trung thực (Nhất là trong thế giới hôm nay, càng văn minh, càng xuất hiện những hình thức ích kỷ, áp bức, bạo hành. Kinh tế đi lên thì nhân bản lại có mòi đi xuống). Ðược nhắc nhở nhiều, hiểu biết ý nghĩa và tầm quan trọng của bác ái trong đời sống, chúng ta hãy cố gắng thực hiện cho nhau, cho mọi người. Hãy mở mắt nhìn đến những nhu cầu của anh chị em, như người Samari biết nhìn đến nạn nhân trên đường. Hãy lắng tai nghe tiếng kêu trầm thống của những người cần được ta giúp đỡ. Hãy mở rộng tay làm việc bác ái cụ thể cho người. Ðó là dấu chỉ cho thấy chúng ta là những môn đệ đích thực của Chúa, biết sống theo lệnh Chúa truyền. Ðó là một trong những cách minh chứng hữu hiệu về Chúa và về đạo.

 

Những điều trên đây được diễn tả bằng một lời cầu nguyện rất hay trong Phụng vụ Giờ Kinh của Giáo Hội:

 

Ôi lạy Chúa, mở cho con đôi mắt

Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi

Con mù loà, bên vệ đường hành khất

Xin chữa con để nhìn thấy mặt Ngài

Cúi lạy Ngài, cho tai con nghe rõ

Tiếng tha nhân cầu khẩn lượng hải hà

Họ khổ đau, họ kêu gào than thở

Ðừng để con cứ giả điếc làm ngơ

Cúi lạy Ngài, xin mở rộng tay con

Luôn nắm lại giữ khư khư tất cả

Trước cửa nhà có người nghèo đói lả

Xin dạy con biết chia sẻ vui lòng . . .

 

(Thánh Thi Giờ Kinh Sách Thứ Năm Tuần II).

 

Hãy dùng nó làm lời cầu nguyện, xin cho ta biết làm những việc bác ái cụ thể cho các anh chị em của ta.

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

  (micquang@pmail.vnn.vn)

 

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà