gặp gỡ đức kitô

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

micquang@pmail.vnn.vn

 

 

Mahatma Gandhi, người được coi là vị thánh của Ấn Ðộ, người đã có công giải phóng quê hương khỏi ách thống trị của thực dân Anh bằng phương pháp bất bạo động, đã nói thế này : "Trong tâm hồn tôi, Ðức Giêsu chiếm địa vị một bậc thày của nhân loại. Ngài là người đã có một ảnh hưởng quan trọng trong cuộc đời của tôi". Một người ngoại mà còn thú nhận ảnh hưởng của Ðức Kitô trong cuộc đời mình như thế, còn người kitô hữu chúng ta thì sao ?

 

Ðời sống thiêng liêng của ta, dù dựa vào bất cứ phương pháp nào, theo bất cứ trường phái nào, đều phải hướng về Ðức Kitô, coi mối tương giao với Ngài là chủ yếu, đặt Ngài làm trung tâm. Phải nói được như thánh Phaolô: "Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô" (Pl 1,21).

 

Khi cần hiểu rõ ý nghĩa của một từ, chúng ta tra tự điển. Khi cần hiểu rõ ý nghĩa của đời sống, của mỗi thực tại hằng ngày, khi cần nguyên tắc để sống, chúng ta có cuốn tự điển là chính Ðức Kitô. Phải thường xuyên tra cứu, lật đi lật lại tự điển này. Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu viết trong cuốn Tự thuật là mỗi khi gặp một khó khăn nào, ngài đều mở sách Kinh Thánh, để tìm một nguyên tắc chỉ đạo.Chúng ta có Ðức Kitô là Thày, là người chỉ đạo. Phải tra cứu ở đó. Cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa luôn là mẫu mực cho ta. Có thăng tiến được cũng là nhờ không ngừng đối chiếu và canh tân dựa vào khuôn mẫu ấy.

 

Dựa vào điều trên đây, tôi khai triển một số đề tài qui đời sống của chúng ta về Ðức Kitô.

 

Hãy khởi đầu bằng việc gặp gỡ Chúa.

 

1. Hãy "đến mà xem" (Ga 1,39)

 

Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Lời Thiên Chúa đến dạy ta. Nhưng trước khi cho người ta nghe, Ngài đã muốn cho người ta thấy. Mắt quan trọng hơn tai. Thấy đã rồi mới nghe sau. Chứng cớ ? Thì cứ rảo qua một vài sự kiện được Phúc Âm ghi lại.

 

Ngay khi Chúa sinh ra, các mục đồng được thần sứ loan báo, đã hối hả đi đến nơi và gặp Maria, Giuse, cùng Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Thấy rồi. họ trở về tôn vinh và ca ngợi Thiên Chúa vì mọi điều đã được nghe và thấy (Lc 2,10-20). Họ có nghe, nhưng nghe là nghe lời của thần sứ. Còn đối với lời mặc xác phàm, họ chỉ có thấy.

 

ngày Hài Nhi được dâng vào Ðền thờ, ông già Simêon ẵm Chúa trong tay và kêu lên: "Chính mắt con được thấy ơn cứu độ" (Lc 2,30).

 

Trong 30 năm ở Nagiarét, tức tới 9/10 cuộc đời, Ðức Giêsu chỉ muốn là người có mặt mà thôi. Thực ra, Chúa cũng có nói, như thấy trong trình thuật năm Chúa lên 12 tuổi cùng với cha mẹ lên Ðền thờ. Thế nhưng đây chỉ là những lời vắn tắt, nói riêng cho cha mẹ đã lo lắng tìm Ngài. Vậy thôi. Cũng thánh sử Luca cho biết : lúc ở Ðền thờ, Chúa "ngồi giữa các thày dạy, vừa nghe họ vừa đặt câu hỏi" và "ai nghe cũng ngạc nhiên. về những lời đáp của cậu" (Lc 2,46-47). Nhưng Chúa đã nói gì, đối đáp ra sao, ai mà biết được ? Luca đâu có ghi lại.

 

Có thể nghĩ rằng lời Chúa chỉ được công bố cho mọi người khi Chúa bắt đầu sống cuộc đời công khai. Còn những năm dài ở Nagiarét chỉ là hiện diện suông, cho người ta thấy thôi, đến nỗi sau này, khi nghe Chúa giảng dạy, dân chúng phải ngạc nhiên mà hỏi nhau : "Ông ấy không phải là con bác thợ sao ? Mẹ ông không phải là bà Maria. sao ?" (Mt 13,55)

 

Khi Chúa bắt đầu cuộc đời công khai, người ta làm gì đối với Ngài ? Nhìn. Lần đầu tiên Ngài đọc sách ở hội đường Nagiarét, nơi Ngài đã sống từ nhỏ đến lớn, mọi người trong hội đường đều  nhìn Ngài (Lc 4,20). Tuy nhiên, lúc này không phải là thấy suông nữa, như họ vẫn thấy Ngài trước đây, nhưng là đăm đăm nhìn, như chờ như đợi Ngài nói, vì họ đã nghe biết Ngài được ca tụng ở những nơi khác.

 

Còn các môn đệ đầu tiên, khi nghe Gioan Tẩy Giảõ giới thiệu Chúa, đã đi theo Ngài và hỏi: "Thưa Thày, Thày ở đâu ?". Và Chúa trả lời: "Ðến mà xem".

 

Cho nên, vấn đề quan trọng tiên quyết là phải xem, phải thấy, phải gặp gỡ. Nói như Têrêxa Giêsu: "Tôi muốn nhìn thấy Thiên Chúa". Ở đây, phải thấy, phải gặp Ðức Giêsu trước đã. Thánh sử Gioan hẳn đã thường xuyên suy niệm về điều này, nên đã viết trong bài Tựa sách Phúc Âm của mình: "Ngôi Lời đã trở nên người phàm. Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người" (Gioan 1,14). Lưu ý điều Gioan viết: "chúng tôi" chứ không phải "tôi". Thấy là thấy của một tập thể, một cộng đồng sống theo Ðức Kitô, trung thành với truyền thống tông đồ. Chúng ta có thấy Chúa là thấy theo cách đó.

 

Muốn thấy thì phải tìm. Giữa người này với người kia, đôi khi chẳng cần tìm cũng lù lù mò đến. Với Chúa thì khác. Chính Chúa đã có sáng kiến xuống thế tìm kiếm con người. Có thể thấy một dấu chỉ ngay trong câu truyện Chúa gặp các môn đệ đầu tiên nói ở trên. Tác giả Phúc Âm thứ tư cho biết : Gioan Tẩy Giả đứng ở đó với hai môn đồ, còn Dức Giêsu thì đi ngang qua. Hai cung cách trái ngược nhau. Ðứng là cung cách cũ hoặc chấm dứt một cung cách cũ. Ði là khởi đầu một sứ mệnh mới, sứ mệnh tìm kiếm liên tục cho tới khi Ðức Giêsu về lại với Chúa Cha. Nói đúng ra, Thiên Chúa của Cựu Ước cũng đi tìm con người, chẳng hạn Ngài đích thân đến gặp Ađam, Evà ở vườn Ðịa Ðàng, nhưng phần lớn Ngài tìm kiếm con người qua các sứ giả.

 

Tuy Thiên Chúa đi tìm con người, nhưng con người cũng phải tìm Ngài thì mới thấy, nghĩa là con người phải đáp lại hành động của Thiên Chúa. Hãy làm như tác giả Thánh vịnh 62 : "Lạy Chúa, Ngài là Chúa con thờ. Ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa". Có thể thấy việc con người phải tìm Chúa trong chính ý nghĩa của ý tưởng "con người là hình ảnh của Thiên Chúa". Hình ảnh, một cách nào đó, cũng là biểu tượng. Mà biểu tượng, xét theo ngữ nguyên symballein, là ráp hai nửa của một vật lại với nhau. Vậy con người, hình ảnh biểu tượng của Thiên Chúa, sẽ mãi mãi tìm ráp chính nó với cái nửa kia, cái nửa mà nó vẫn thiếu, vẫn khao khát được ráp lại. Cái nửa ấy là chính Thiên Chúa.

 

Về phía Thiên Chúa thì Ngài chỉ mạc khải mình cho những ai hết dạ tìm Ngài. "Ai tìm kiếm Ðức Khôn Ngoan thì Ðức Khôn Ngoan cho gặp" (Kn 6,12). Sấm của Giavê qua miệng Giêrêmia nói rằng: "Các ngươi sẽ tìm Ta và các ngươi sẽ thấy, vì các ngươi sẽ hết lòng kiếm Ta, Ta sẽ cho các ngươi được gặp" (Gr 29,13-14).

 

Theo Phúc Âm Gioan, lời đầu tiên Chúa mở miệng nói chính là lời liên hệ đến việc tìm kiếm. Khi thấy hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả theo mình, Chúa quay lại hỏi: : "Các anh tìm gì thế ?" (Ga 1,38). Ðây cũng phải là câu Chúa hỏi chúng ta, mời gọi ta tìm kiếm, lựa chọn, một cách tự do và sáng suốt. Chúa không muốn ta theo Ngài mà chỉ dựa dẫm vào chứng từ của người khác. Ngài muốn ta vượt ra khỏi thái độ thờ ơ bẩm sinh để đích thân tìm Ngài. Hơn nữa, khi đi tìm, phải ý thức việc mình làm, không theo cách "ngớ ngẩn đi xia may vớ được" (Trần Tế Xương), không phải tìm bất cứ cái gì, không phải tìm vì tò mò muốn biết để biết vậy thôi. Tìm Chúa thực sự, tìm "nơi ở" của Chúa như hai môn đệ kia, để có thể gặp gỡ sâu xa với Ngài.

 

Không những phải tìm, phải thấy, mà còn phải lưu lại với Chúa. Chính Gioan là một trong hai môn đệ đã hỏi Chúa, được Chúa trả lời, đã đến, đã thấy nơi Ngài lưu lại, và đã lưu lại với Ngài ngày hôm đó (Ga 1,39). Việc lưu lại này hẳn phải tác động sâu xa trên Gioan, khiến ông không thể quên, nên đã cẩn thận ghi rõ thời khắc : lúc đó khoảng chừng giờ thứ mười (4 giờ chiều). Quên sao được, vì đây không phải là một cuộc gặp gỡ bình thường, không phải là cuộc trò chuyện tầm phào, không chỉ là xem cho biết. Về phía Chúa, Ngài đã qua giác quan của ông mà đi vào con người của ông. Về phía Gioan, đây là một sự "thấy" vào sâu, vượt qua bình diện hiện tượng, để nắm bắt thực tại sâu xa bị xác thịt che khuất.

 

Thực ra, ngay từ câu hỏi "Thưa Thày, Thày ở đâu ?", hai môn đệ hẳn đã không chỉ hỏi nơi Chúa ở, như hỏi một địa chỉ, một căn nhà, một nơi trú. Tác giả Gioan, vốn quen sử dụng những từ gồm hai nghĩa, hẳn muốn cho người ta thấy một ý nghĩa thứ hai, sâu sắc hơn, hàm chứa trong câu hỏi trên đây. Nó liên hệ tới nơi ở thiêng liêng của Chúa nữa kia. Tương tự như câu mà sau này Philipphê sẽ thưa với Chúa :"Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện" (Gioan 14,8). Chúa Cha chính là nơi mà Ðức Giêsu lưu lại.

 

Thế nên, nghe lời Chúa bảo "Ðến mà xem", hai môn đệ đến, và không chỉ khám phá nơi Chúa trú ngụ, mà còn khám phá ra chỗ ở thiêng liêng của Chúa, đặc biệt do lưu lại và trao đổi lâu với Chúa ngày hôm đó. Chỗ ở thiêng liêng này chính là Chúa Cha. Họ đã gặp được chính Chúa Cha. Thực như điều Chúa sẽ trả lời cho Philipphe:â  "Ai thấy Thày là thấy Chúa Cha" (Ga 14,9).

 

Cũng vì tác động sâu xa của cuộc gặo gỡ này, nên trong Thư thứ nhất của mình, Gioan đã viết: "Ðiều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là lời sự sống. Quả vậy, sự sống đó đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời. Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa" (1Ga 1,1-3).

 

Chúng ta cũng vậy. Trong đức tin, phải đi tìm Chúa, gặp gỡ Chúa và lưu lại với Chúa. Tiếp xúc với Chúa tới tận mức đó, Ngài sẽ tỏ cho ta thấy Ngài là ai. Và thấy Ðức Kitô là thấy Chúa Cha, vì Ngài với Cha là một. Con người, lời nói và hành động của Ngài chính là sự mạc khải chính xác về Chúa Cha. Ðức Kitô chính là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15). Chúng ta cũng gặp được Chúa Thánh Thần, vì Thánh Thần là Thần Khí của Ðức Kitô.

 

2. "Thưa Thày, Thày ở đâu?" (Ga 1,38)

 

Hai môn đệ đầu tiên đã hỏi Chúa như thế, và được Ngài cho biết chỗ Ngài ở. Còn chúng ta hôm nay có thể gặp gỡ Chúa ở đâu ? Ta biết rằng sau khi sống lại, Chúa đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ, không chỉ để củng cố tinh thần các ông, nhưng còn, và chủ yếu còn là để cho các ông hiểu rằng Ngài vẫn sống, hằng sống, và hiện diện giữa các ông, giữa Giáo Hội và thế giới. Trước khi về trời, Chúa đã hứa với các ông một cách chung chung: "Và đây, Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).

 

Ngày xưa, Chúa mới chỉ cho hai môn đệ thấy một chỗ ở, hoặc đúng hơn, một chỗ ở vật chất và một chỗ ở thiêng liêng. Trước khi chịu Khổ Nạn, Chúa nói với các Tông đồ là Ngài đi trước để dọn chỗ cho các ông trong nhà Cha trên trời (Ga 14,2). Khi diễn giải điều này, thánh Augustinô viết :"Ðức Kitô chuẩn bị chỗ ở cho các môn đệ bằng cách chuẩn bị họ cho các chỗ ở của Ngài. Tức là : không còn phải là một chỗ ở, nhưng là rất nhiều. Không còn phải là hiện diện ở một nơi, nhưng là ở nhiều nơi.

 

(Ngày xưa còn bé, học bổn có câu : Hỏi : Ðức Chúa Trời ở đâu ? Thưa : Ðức Chúa Trời ở khắp mọi nơi, trên trời dưới đất, chẳng có nơi nào mà chẳng có Ðức Chúa Trời. Mấy đứa bạn thắc mắc : Làm sao cùng một lúc Chúa có thể ở lắm chỗ thế ? Nay thì được nghe phân biệt : Ðây không phải là sự hiện diện đóng khung vào một nơi nhất định. Tôi, một người có xác có thịt, thì hoặc ở trong phòng hoặc ở ngoài phòng, không thể một trật ở cả hai nơi ("Thân này" đâu có "ví xẻ làm đôi được"). Nhưng Chúa là thần thiêng, nên khác. Hơn nữa, phải hiểu hiện diện theo quan niệm nhân vị. Không phải tương quan với một nơi, nhưng là tương quan giữa người và người. Hiện diện này là truyền đạt và hiệp thông, nên có mức độ. Càng tự hiến thì càng hiện diện).

 

Vậy rất nhiều chỗ có thể gặp Chúa. Có những chỗ được Ngài xác định rõ ràng. Dĩ nhiên, để có thể thấy Ngài, gặp Ngài, con mắt xác thịt không đủ. Có khi cũng chẳng cần. Người mù mắt có thể gặp Chúa ngon hơn  người sáng mắt. Cần là cần đức tin, con mắt đức tin. Chính đức tin cho thấy những hình thức trung gian Chúa chọn, để qua đó ta có thể tiếp xúc với Ngài.

 

Nói chung, ta có thể quả quyết rằng, vì Ðức Kitô ẩn tàng trong tạo thành, nên theo một nghĩa nào đó, vũ trụ là dấu chỉ của Ngài. Mọi vật đều mang dấu vết của Chúa. Mọi sự đều mạc khải Chúa. Augustinô viết :"Lịch sử chứa đầy Ðức Kitô" (L’histoire est grosse du Christ). Như vậy, có quá nhiều trung gian và phương tiện giúp ta có thể gặp Chúa. Chúng ta có thể chọn lấy một. Nguyên tắc là thế, nhưng cũng phải nói: Kinh nghiệm về Chúa sẽ nghèo nàn biết bao nếu không sử dụng một số phương tiện có ý nghĩa cách đặc biệt và rất đáp ứng với người thời nay. Có thể kể :

 

- Gặp Chúa trong Giáo Hội và trong các bí tích

 

Nếu Ðức Kitô hiện diện trong Thân Thể Ngài là Giáo Hội (Ep 1,23), thì chính giữa lòng cộng đồng bác ái và cầu nguyện này mà ta có thể gặp Ngài, có kinh nghiệm về Ngài.

 

Quả thực, trong Giáo Hội, nhất là trong Phụng vụ, ta thấy một loạt các phương tiện trung gian dễ dàng giúp ta gặp gỡ thiêng liêng với Chúa. Hiến chế về Phụng vụ của CÐ Vat.II, số 7, có kể ra những hình thức hiện diện của Chúa. Có hiện diện động. Có hiện diện tĩnh.. Chúa hiện diện trong Thánh Lễ, không những nơi con người linh mục chủ sự, mà nhất là hiện diện thực sự dưới hai hình Thánh Thể  (Lưu ý : Tuy sự hiện diện nơi linh mục chủ sự ở mức độ thấp hơn sự hiện diện trong Thánh Thể, nhưng sự hiện diện sau là kết quả của sự hiện diện trước. Linh mục có đọc lời truyền phép thì Chúa mới hiện diện trong Thánh Thể. Vì vậy, CÐ nói đến sự hiện diện nơi linh mục trước khi nói đến sự hiện diện trong Thánh Thể).

 

Chúa còn hiện diện trong các bí tích khác nhờ quyền năng của Ngài, và nơi thừa tác viên. Kinh nguyện làm chung cũng khiến cho Ðức Kitô hiện diện giữa cộng đoàn, như chính Ngài đã nói: "Ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thày, thì có Thày ở đấy, giữa họ" (Mt 18,20).

 

Các bí tích có cơ cấu kitô học, không những do Ðức Kitô thiết lập và để lại cho Giáo Hội, mà còn là những hành động của Ngài và của Giáo Hội. Do đó, không nên  coi bí tích chỉ như những phương tiện ban ân sủng cứu độ, mà còn phải như một cuộc gặp gỡ cá nhân với Ðức Kitô, Ðấng nối dài trong thời gian những hành vi cứu độ của mình. Hành vi này là giải thoát con người khỏi tội lỗi, ban ơn tha thứ, ban Thần Khí, ban sự sống.

 

Từ những viễn tượng này mà có một linh đạo Giáo Hội, chung cho mọi kitô hữu, giúp đưa họ tới chỗ kết hợp mật thiết và bền bỉ với Chúa. Nếu không theo một linh đạo riêng nào, cứ theo linh đạo chung đó. Tốt chán!

 

- Gặp Chúa trong lời Chúa

 

Trong tiếng hipri, lời không chỉ một âm thanh trống rỗng (flatus vocis), nhưng có nghĩa "cái ở phía sau, ở bên trong, ở dưới", tức là trọng tâm, sức mạnh, chủ tính của một vật. Nếu lời là như thế thì đối với ngưòi Do thái, lời Thiên Chúa có nghĩa là chính Thiên Chúa trong dấu chỉ lời của Ngài. Ðây cũng là ý tưởng của Kinh Thánh về lời Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa không phải là một cái gì đo,ù nhưng là một AI đó, là Thiên Chúa hằng sống trong dấu chỉ lời của Ngài, một Thiên Chúa mạc khải mình ra trong quyền năng của lời Ngài.

 

Vậy ai khám phá Ðức Giêsu không thể không khám phá lời Thiên Chúa. Nếu mỗi gia đình có một cuốn Kinh Thánh thì, một cách nào đó, Thiên Chúa đến với mỗi gia đình. Nếu mỗi người có một cuốn Kinh Thánh, thì Thiên Chúa đến với mỗi người.

 

Kể từ khi được Giáo Hội chính thức coi như Sách Thánh, 4 sách Phúc Âm và các sách Tông đồ hay được các kitô hữu nại tới. Việc thường xuyên đọc hay nghe lời Chúa giúp người ta có được "mối lợi tuyệt vời là được biết Ðức Kitô Giêsu" (Pl 3,8), vì, như thánh Giêronimô nói, "không biết Kinh Thánh là không biết Ðức Kitô". Biết, không chỉ là biết thuần túy trí thức, nhưng còn là gặp gỡ và kết hợp với Ngài hiện diện trong đó.

 

Quả thực, việc suy niệm đời sống và lời dạy của Chúa, trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội, đã thường là một phương tiện để bắt gặp Chúa tự thâm tâm, noi gương Ngài, tìm cách đồng hình đồng dạng với Ngài. Coi Ðức Giêsu như một kiểu mẫu sống quả đã từng là một bổn phận cơ bản của người kitô hữu. Có lẽ ai trong chúng ta, ít nhất những người lớn tuổi, cũng đều biết hay nghe nói đến cuốn Gương Chúa Giêsu (cũng gọi là sách Gương Phúc). Nó được viết ra từ thế kỷ XIV. Số lượng in hầu như chỉ thua Kinh Thánh. Tiếc rằng ngày nay không còn mấy ai đọc. Ðọc có thể bị chê là lỗi thời. Vả, muốn đọc chăng nữa, tìm đâu ra sách ? Sách Gương Chúa Giêsu chính là một cuốn sách cụ thể hoá lối sống theo Ðức Kitô.

 

Nói đến chuyện bắt chước Ðức Kitô, thiết tưởng cần nêu ra một vấn đề. Bắt chước ở đây không phải là lặp lại y chang, một cách máy móc, cách hành xử của Chúa. Lý do ? Vì những hoàn cảnh chi phối hành động của Chúa khác xa với của ta; vì những điều kiện của ta là tội nhân khác hẳn với điều kiện của Ngài là Ðấng chí thánh; vì ngay đối với các tội nhân là chúng ta, các tình huống cũng luôn luôn mới mẻ và khác nhau giữa người này kẻ kia.

 

Vậy thế nào là bắt chước Chúa ? Là cố gắng thâm hiểu ý nghĩa thiêng liêng của cách hành xử của Chúa, chứ không phải tái tạo nó. Ðể được thế, phải suy niệm và kết hợp tâm hồn ta hài hoà với tâm hồn Ngài. Phải tập "mặc lấy Chúa Kitô" như Phaolô nói, để mỗi lần tìm ra được một phản ứng, một cách hành xử đúng đắn. Khó chứ không dễ đâu. Phải học tập cả đời người cũng chưa đủ.

 

- Gặp Chúa nơi con người

 

Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Con người là phản ảnh hoặc dấu vết rõ nhất của Thiên Chúa nơi tạo vật. Vậy có thể gặp gỡ Ðấng dược biểu thị qua hình ảnh là con người. Con người kitô hữu, thậm chí mọi người, còn là đền thờ của Thiên Chúa và của Chúa Thánh Thần, và là nơi ở của Ðức Kitô (1Cr 3,16-17; Ga 14,23). Có thể gặp gỡ Chúa nơi con người là đền thờ của Ngài.

 

Nhưng rõ nét nhất chính là điều nói trong đoạn văn nổi tiếng Mt 25,31-46 về ngày chung thẩm. Lời Chúa trong đoạn văn này cho thấy người lân cận là dấu chỉ Ðức Kitô, vì Ngài đồng hoá mình với những người nghèo hèn nhất, những người đói khát, trần truồng, đau yếu, tù tội. Chúa coi mọi hành vi yêu thương và giúp đỡ làm cho những người đó là làm cho chính Ngài, và không làm những hành vi ấy cho họ là không làm cho chính Ngài.

 

Bởi vậy, ta bắt gặp Chúa trong các mối tương giao của ta với con người, đặc biệt với những người nghèo, người bên lề, người bị bỏ rơi, người bị bóc lột. Khi thực hiện tình bác ái huynh đệ cho những con người như thế, chúng ta có thể nhận ra khôn mặt của Ðức Kitô nơi họ. Ðâu có tình yêu, đấy có Thiên Chúa. Tình yêu thể hiện nơi nào, Ðức Kitô hiện diện nơi đó.

 

Phải nhận rằng, so với việc nhận diện và gặp gỡ Chúa trong Phụng vụ và trong lời Chúa, việc nhận diện và gặp gỡ Ngài nơi con người khó hơn nhiều. Một con người đẹp, cả thể xác lẫn tinh thần, dễ cho người ta nhận ra đó là hình ảnh và đền thờ của Thiên Chúa. Ngược lại, làm sao có thể nhận ra Chúa nơi những con người xấu xí, thương tật, nghèo đói, sống vất vưởng, khó tính khó nết, thù nghịch với mình . ? Phải có đức tin mạnh, có tình yêu vô vị lợi, biết quên mình, mới có thể vượt qua khu vực giác quan mà vào tận bên trong con người, để có thể bắt gặp chính Chúa ở đó.

 

- Gặp Chúa trong vũ trụ

 

Không thể giới hạn sự hiện diện của Ðức Kitô nơi con người mà thôi. Ðức Kitô còn hiện diện trong vũ trụ nói chung nữa. Mọi sự đã được tạo dựng bởi Ngài và do Ngài (x.Cl 1,16). Nhờ sự Phục sinh, Ngài đã hiện diện thâm sâu hơn trong vũ  trụ (x.Ep 1,9-10; Cl 1,13-20; Rm 8,28-30). Cha Teilhard de Chardin đã nói về "Ðức Kitô vũ trụ" như là cùng đích mà sự tiến triển tự nhiên của con người phải hướng tới. Cha đã nhìn thấy nơi Ðức Kitô một tấm lòng khơi động toàn bộ thực tại vật chất. Nhờ năng lực của việc Con Thiên Chúa nhập thể, vũ trụ dường như ở trong một loại từ trường của Thiên Chúa. Trong Ðức Kitô, Thiên Chúa đã muốn trở thành trái tim của vật chất, để nâng nó lên tình trạng thần linh. Tuy nhiên, Ðức Kitô không trở thành linh hồn phổ quát của thế giới, như kiểu Brahman (hay Atman, Ðại Ngã) trong Ấn giáo đâu. Là trung tâm vũ trụ, Ngài lôi kéo tới mình tất cả thực tại vật chất, theo cách thức của một người yêu.

 

Cho dù không đi vào viễn tượng đặc biệt này đi nữa, ta vẫn phải tuyên xưng Ðức Kitô như là nguyên lý, cùng đich và lý do của mọi sự. Và phải cố gắng gặp gỡ Ngài, hiệp thông với Ngài, nhờ cả vũ trụ nữa.

 

PhúcÂm thánh Tôma, tuy chỉ là ngoại thư, tức không được Giáo Hội nhận vào quy điển Tân Ước, đã viết những lời có ý nghĩa như sau: "Ta là ánh sáng trên mọi vật. Ta là vũ trụ. Vũ trụ phát xuất từ Ta và trở về với Ta. Hãy bẻ một miếng gỗ : Ta ở trong đó. Hãy nhấc một hòn đá lên : Ta ơ ûdưới đó". Chúa nói câu này sau ngày Phục sinh. Ðây không phải là quan niệm phiếm thần đâu, nhưng chỉ muốn nói lên rằng ÐứcKitô hằng sống chan hoà trong vũ trụ. Nghĩ như vậy nên các tu sĩ Chính thống giáo ở núi Athos (Hy Lạp) có thói quen áp tai xuống nền nhà thờ, để nghe nhịp đập của trái tim Chúa Kitô, và để khẳng định sự thống trị của Ngài trong vũ trụ.

 

Thiền kitô giáo cũng hướng về Ðức Kitô vũ trụ, nhưng làm theo cung cách khác, hợp thời hơn. Chẳng cần thông qua hình ảnh gì ráo. Chẳng cần dựa vào ý niệm hay vật chất gì ráo. Chỉ tiếp cận trực tiếp với Ðức Kitô vũ trụ, vì Ngài là một mầu nhiệm, và là một thực tại vượt lên trên những hình thức biểu thị Ngài. Ở đó, tin yêu và thinh lặng thần bí là những điều kiện để Ðức Kitô vũ trụ ùa vào trong ta. Ta dễ nhận ra và gặp gỡ Ngài hơn.

 

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải cố gắng gặp gỡ Chúa. Nếu có khó khăn, cứ kiên nhẫn tìm, vì tìm thì sẽ gặp. Một chỉ dẫn trong Phúc Âm có thể là điều khích lệ chúng ta. Vào buổi sáng ngày Phục sinh, Maria Mađalêna đến viếng xác Chúa và thấy ngôi mộ trống. Phêrô và Gioan được báo tin cũng đã đến, nhưng bỏ đi sau đó. Chỉ mình cô nán lại. Cô không chấp nhận sự trống vắng này. Thày của cô không thể biến mất một cách vô lý như thế. Cho nên, cô cứ tần ngần bên mộ, khóc lóc, cúi xuống, nhìn ra ngó vào. Chính như vậy mà cuối cùng cô là người đầu tiên gặp lại Chúa đấy.

 

Chúng ta hôm nay hãy học lấy gương đó. Ðừng thấy cái dường như trống vắng mà tưởng là trống vắng thực. đừng thấy Chúa dường như không hiện diện mà tưởng Ngài không hiện diện. Cứ tìm kiếm sâu xa hơn, kiên nhẫn, cậy trông. Chắc chắn Chúa sẽ cho ta được gặp gỡ Ngài.


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà