CHƯƠNG V

 

SỰ PHỤC SINH CỦA ÐỨC KITÔ

VÀ ÐỨC TIN ÐỨC CẬY CỦA TA

 

 

"Người đã được Thiên Chúa làm cho sống lại

để chúng ta được nên công chính" (Rm 4,25)

 

Buổi sáng ngày Phục Sinh, sứ thần Chúa hiện ra với các phụ nữ và nói: "Ðừng hoảng sợ. Các bà tìm Ðức Giêsu Nagiarét, Ðấng bị đóng đinh chứ gì? Người đã chỗi dậy rồi" (Mc 16,6). Chỗi dậy tức là sống lại. Việc loan báo Chúa sống lại càng có uy lực, càng gây tiếng vang, ngay cả ngày hôm nay, khi nó càng giống hình thức rất đơn sơ nguyên thuỷ trên đây, khi nó càng là hình thức chuyển đạt đức tin và sự sống, hơn là như một bằng chứng hay giáo lý.

 

Seraphin de Sarov, một vị thánh rất được trọng vọng ở Giáo Hội Chính Thống Nga, nhiều năm sống trong rừng, không bao giờ nói chuyện với ai, ngay cả với người ngày ngày vẫn tiếp tế lương thực. Khi trở lại đan viện và thấy đông người, ông đã hô to: "Niềm vui của tôi là Ðức Kitô đã sống lại". Chỉ mấy tiếng đó thôi đã làm thay đổi tâm hồn những người nghe, làm thay đổi thế giới chung quanh. Gần giống với lời sứ thần đã nói với các phụ nhữ. Chúng ta cũng phải nói được như vị thánh này: "Niềm vui của tôi là Ðức Kitô đã sống lại".

 

Theo những khám phá mới đây của khoa học, thì vũ trụ hiện nay hình thành từ một vụ nổ lớn (big bang) : một ít vật chất biến thành năng lượng, khởi đầu cho tiến trình giãn nở cả vũ trụ. Sự giãn nở này vẫn còn tiếp tục sau cả hàng tỉ năm. Trong vũ trụ tinh thần, sự Phục sinh của Ðức Kitô cũng tạo ra một vụ nổ và một tiến trình giãn nở tương tự, nếu có thể nói được như thế. Sự Phục sinh tạo ra một năng lượng cho tất cả những gì hiện hữu và sống trong Giáo Hội, tức là các bí tích, các lời, các thể chế . Phục sinh là lúc sự chết biến thành sự sống, thời gian lịch sử biến thành thời kỳ cánh chung. Ðó là một sáng tạo mới. Phụng vụ Ðêm Vọng Phục sinh ghi sâu vào tâm trí ta điều này, khi chọn bài đọc I là bài nói về việc tạo dựng của Thiên Chúa. Thuở tạo dựng trời đất, Thiên Chúa đã phán: Hãy có ánh sáng. Còn bây giờ, Thiên Chúa cũng phán như vậy, nhưng là ánh sáng mới.

 

Phúc Âm cho biết Tông Ðồ Tôma không tin Chúa sống lại như các bạn nói, đến nỗi Chúa đã bảo ông thọc ngón tay vào cạnh sườn Ngài. Chúng ta có thể nghĩ là ông làm thật, nên mới nhận ra nguồn sức mạnh nơi Thân Thể Chúa Phục sinh như thế nào, đến nỗi hết ngờ vực, xác tín mà kêu lên: "Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con" (Ga 20,28). Nhưng chúng ta biết Chúa lại bảo Tôma: có một cách sờ vào Chúa hạnh phúc hơn. Sờ bằng đức tin. Vậy ngón tay để ta có thể sờ hay thọc vào cạnh sườn Chúa Phục sinh chính là đức tin. Trước hết, chúng ta suy niệm về ngón tay này, để qua sự tiếp xúc với Chúa, chúng ta nhận được ánh sáng và sức mạnh.

 

1. "Nếu lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho

Người sống lại từ cõi chết" (Rm 10,9)

 

* Trước lời công bố Chúa đã sống lại, người ta có thể đi theo một trong hai con đường: con đường giải thích và con đường đức tin. Con đường giải thích dựa trên nguyên tắc: hiểu để tin. Con đường đức tin dựa trên nguyên tắc: tin để hiểu. Tự chúng, cả hai con đường có thể dung hoà với nhau, bổ túc cho nhau. Nhưng trên thực tế, sự khác biệt giữa hai bên cũng đáng kể, thậm chí có khi đi đến chỗ đối lập nhau, khai trừ nhau. Ðối với ta, con đường thích hợp và bảo đảm hơn để tiếp cận Mầu nhiệm Phục sinh, chính là con đường sau: tin để hiểu. Ðúng hơn, tin để hiểu rằng chúng ta không thể hiểu, vì đây là việc của Thiên Chúa chứ không phải của con người. Cũng y như đối với các mầu nhiệm khác thôi.

 

Ngay sau trình thuật về việc Chúa sống lại, tác giả Gioan đã kết thúc sách Phúc Âm của mình như sau: "Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ Danh Người" (Ga 20,31). Gioan không viết: các điều được chép ra là để anh em giải thích, nhưng viết: để anh em tin. Kinh Thánh được viết ra tiên vàn để người ta tin.

 

Vậy chúng ta đi theo con đường mà Gioan đã vạch ra: con đường đức tin. Chính bằng cách này mà, ngay từ đầu, lời loan báo về Chúa Phục sinh đã hoán cải các dân tộc, đã làm thay đổi thế giới, đã làm khai sinh Giáo Hội. Không phải vì lời loan báo ấy được giải thích và chứng minh theo khoa học, nhưng vì nó được công bố "trong Thần Khí và quyền năng". Ðây là một điều cụ thể, không thể chối cãi. Thế mà lắm khi chúng ta không để ý cho đủ.

Trong thư Rôma, Phaolô viết rằng: "Người đã được Thiên Chúa làm cho sống lại" (Rm 4,25). Câu trên được lấy lại và khai triển thêm, nhất là ở chương 10, liên hệ đến thái độ phải có của ta, chẳng hạn câu 9: "Nếu miệng bạn tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ". Vậy ơn cứu độ được ban cho ta tuỳ thuộc niềm tin của ta vào sự Phục sinh. Trong thư Colossê, Phaolô cũng viết: con người cũng sống lại "vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người (Ðức Giêsu) chỗi dậy từ cõi chết" (Cl 2,12).

 

Augustinô diễn giải như sau: "Qua cuộc Khổ nạn, Chúa đã vượt qua sự chết đến sự sống, mở đường cho ta là những người tin vào sự sống lại, để chúng ta cũng vượt qua sự chết đến sự sống". Cứ như trên thì làm cuộc vượt qua chính là tin vào sự sống lại. Augustinô còn nói tiếp: Tin Ðức Giêsu đã chết không phải là điều quan trọng lắm, thậm chí người ngoại giáo, người Do Thái . đều tin như thế. Nhưng điều thực sự quan trọng là tin rằng Ngài đã sống lại. Ðức tin của người kitô hữu chính là sự Phục sinh của Ðức Kitô.

 

Ở Athêna, Phaolô nói với dân chúng rằng Thiên Chúa đã cho mọi người một bằng chứng về Ðức Giêsu, khi cho Ngài từ cõi chết sống lại (Cv 17,31). Thiên Chúa làm cho Ðức Giêsu sống lại tức là chứng thực cho Ðức Giêsu, đóng ấn trên lời nói, hành vi, sự sống, sự chết, cả con người Ðức Giêsu. Ðó là cách Chúa Cha thuận tình với Ðức Giêsu, vì Ðức Giêsu đã thuận tình vâng phục Chúa Cha cho đến chết.

2. "Ðức tin là nhờ nghe giảng" (Rm 10,17)

 

* Nếu tin vào sự sống lại có tầm quan trọng như thế, đến nỗi tất cả kitô giáo đều tuỳ thuộc vào đó, chúng ta sẽ tự hỏi: Làm sao để có đức tin này? Hoàn cảnh nào giúp cho có đức tin này? Phaolô trả lời: nhờ nghe giảng. Ðức tin phát sinh do được nghe loan báo.

 

Ðây là điều độc đáo, duy nhất, không có việc nào như thế cả. Nghệ thuật thì phát sinh từ hứng. Triết lý thì từ suy luận. Kỹ thuật thì từ sự tính toán và thực nghiệm. Chỉ có đức tin là phát sinh từ nghe.

 

Trong sinh hoạt tri thức của ta, thì tiên vàn là ý tưởng, tiếp đến mới là lời diễn tả ý tưởng đó. Còn đối với mạc khải của Chúa, thì tiên vàn là lời, sau mới đến ý tưởng, nhờ đó chúng ta tin hoặc làm nên thần học. Vì vậy, con người không thể tự mình ban cho mình đức tin. Ðức tin phải tuỳ thuộc vào một biến cố, một ân huệ, tuỳ vào việc nghe lời công bố: Chúa đã sống lại, hoặc một lời tương tự.

 

Nhưng sức mạnh của lơi loan báo đó, sức mạnh làm phát sinh đức tin, sức mạnh làm người ta đi vào một thế giới mới, sức mạnh ấy từ đâu mà có? Nó không phải do chứng minh dựa vào lịch sử mà có, cũng không phải do một bằng chứng nhân loại nào mà có. Sức mạnh đó là do một sự kiện, vì điều được loan báo đã thực sự xẩy ra. Có điều lạ là sự kiện hay biến cố Phục sinh lại nằm ngay trong lời loan báo. Nó là ánh sáng nơi chính lời loan báo, và người ta phải đón nhận nó. Ðối với những ai có mắt để trông và có tai để nghe, thì tính lịch sử của nó tự nhiên lộ ra, không cần chứng minh, vì việc chứng minh dù sao cũng chỉ là việc của con người thôi.

 

Về lời loan báo Chúa sống lại, có một cái gì đó tương tự như việc tạo dựng. Thiên Chúa đã không tạo dựng các sự vật rồi thôi. Nhưng các sự vật này đã từ Ngài mà đến, thì vẫn tồn tại nơi Ngài, và Ngài vẫn ở trong các sự vật đó (Augustinô). Vì vậy, "các tầng trời tường thuật vinh quang Thiên Chúa" và "trái đất đầy vinh quang Thiên Chúa".

 

Các lời trong Kinh Thánh, đặc biệt các lời công bố Chúa sống lại, cũng giống như các tạo vật đó, theo nghĩa: Chúa Phục sinh đã không trao cho Giáo Hội những lời này rồi về trời, để mặc con người mất công loay hoay tìm kiếm Ngài trong các lời đó, giống như tìm Ngài trong ngôi mộ trống. Không. Ngược lại, nhờ Thần Khí, Ngài ẩn mình trong các lời đó, tương tự như ẩn mình trong Thánh Thể. Chính vì thế, lời loan báo, tự nó, đã mang Ðức Kitô, và sinh Ngài nơi các tâm hồn. Chúa Phục sinh ở ngay bên trong lời loan báo, như ngọn lửa bên trong chiếc đèn, hoặc để so sánh đúng hơn, như dòng điện ở trong dây điện.

 

* Thế nhưng, nếu tin là nhờ nghe giảng, thì tại sao những người nghe, không phải tất cả đều tin? Chính Phaolô cũng đã đau buồn mà nhận xét như thế (Rm 10,16). Và khi nhận xét, ngài đã mặc nhiên đưa ra lời giải thích: đó là vì không phải tất cả đều sẵn sàng vâng phục Thiên Chúa.

 

Vấn đề ở đây liên hệ đến sự tự do của con người. Con người có thể mở lòng mình đón nhận lời Thiên Chúa, mà cũng có thể đóng hoặc chỉ hé mở. Cũng có người không tin, vì người loan báo đã loan báo sai hoặc làm mất ý nghĩa của lời loan báo, do chính người này không chịu tìm hiểu sự việc cho đúng, hoặc thiếu lòng tin, hoặc thiếu sự gắn bó mật thiết. Nhưng ở đây, chúng ta muốn nói đến những người đã được nghe lời rao giảng tốt, lời rao giảng đúng, chẳng hạn những người được nghe chính các Tông Ðồ rao giảng, tại sao nhiều người trong họ không tin?

 

Về điểm này, một câu nói của Phêrô có thể soi sáng cho chúng ta. Sau khi đã nói cho người Do Tháí biết: Thiên Chúa của cha ông họ đã cho Ðức Giêsu sống lại, đã đặt Ngài làm Thủ lãnh và làm Chúa, Phêrô tiếp: "Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người" (Cv 5,32). Qua câu trên, chúng ta có thể thấy rằng niềm tin của con người vào việc Chúa sống lại dựa trên hai chứng từ: một là chứng từ của các Tông Ðồ, chứng từ hữu hình và bên ngoài, được truyền đạt theo chiều ngang, từ con người đến con người, còn chứng từ kia là của Thánh Thần, chứng từ bên trong và vô hình, được truyền đạt theo chiều dọc, từ Thiên Chúa xuống con người.

 

Chúng ta thử diễn giải vắn tắt hai chứng từ này.

 

Chỉ nguyên chứng từ của các Tông Ðồ thôi cũng đủ để người ta có thể tin một cách hữu lý, tức là để hành vi tin có nền tảng lịch sử, để có thể chấp nhận được. Tuy các chứng từ về sự Phục Sinh có khác nhau ít nhiều, chẳng hạn về số lần Chúa hiện ra, về thứ tự và nơi hiện ra ., nhưng nếu suy nghĩ kỹ, ta thấy những điều đó, thay vì làm cho ta nghi ngờ về sự xác thực của chúng, lại làm cho ta biết chắc rằng đó không phải là những bằng chứng được viết ở bàn giấy. Hơn nữa, như ta biết, các Tông đồ không phải là những người dễ tin, để bị lừa đâu. Lời của mấy phụ nữ từ mộ về nói là Chúa đã sống lại, mười phần thì khó tin đến bẩy tám. Các ông đã hồ nghi, do dự mãi, và cuối cùng mới tin rằng Chúa đã sống lại. Các ông không để mình bị lừa đã vậy, mà cũng không đánh lừa người khác. Làm sao những con người dốt nát, từng sợ hãi tháo chạy tán loạn, lại dám đánh lừa và có thể đánh lừa cả và thiên hạ?

 

Như vậy, tiên vàn có một chứng từ lịch sử, chứng từ bên ngoài, minh chứng Chúa đã sống lại. Ðó là chứng từ của các Tông đồ. Các ông đã lặp đi lặp lại không mỏi mệt rằng: "Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết. Về điều này, chúng tôi xin làm chứng" (Cv 3,15).

 

Thế nhưng nếu chỉ có chứng từ trên đây thì chưa đủ. Bất quá người ta có thể nghĩ rằng chứng từ này đáng tin thôi, nhưng không phải vì thế mà tin. Cần phải có một chứng từ khác nữa, chứng từ bên trong, chứng của Chúa Thánh Thần. Thế mà, theo Phêrô, Thiên Chúa chỉ ban chứng từ này cho những ai vâng phục Ngài, tức những ai có tâm hồn sẵn sàng vâng lời Thiên Chúa.

 

Như vậy, đức tin giả thiết phải có ý muốn cơ bản là vâng phục Thiên Chúa. Tin là vâng phục (Rm 1,15). Muốn biết có vâng phục hay không, cứ xem con người có sẵn sàng tôn kính Thiên Chúa là Ðấng mạc khải cho họ không, có sẵn sàng công nhận quyền của Ngài là Thiên Chúa không. Ðó là điểm phân biệt người tín hữu với người vô tín.

 

Vậy, có những người không tin vào sự Phục Sinh, vì: hoặc không được nghe nói đến, hoặc được nghe nói không đúng, hoặc vì kiêu căng không muốn chấp nhận Thiên Chúa, hoặc vì lười biếng khi biết rằng tin thì sẽ phải thay đổi đời sống, nên không sẵn sàng tin.Về những người này, Pascal có một nhận xét: họ tự nhủ: "Nếu tôi tin, thì không bao lâu tôi sẽ phải từ bỏ các lạc thú. Nhưng tôi nói cho bạn hay: nếu bạn đã từ bỏ các lạc thú, thì không bao lâu bạn sẽ có đức tin".

 

Ngoài ra, còn một lý do nữa. Có lần Ðức Giêsu nói với các luật sĩ và biệt phái: "Các ông tôn vinh lẫn nhau . thì làm sao các ông có thể tin được?" (Ga 5,44). Một số người trí thức không tin sự sống lại cũng vì lý do cơ bản bày: tôn vinh lẫn nhau, tức là muốn nói những điều được cho là độc đáo, hơn là lặp lại những sự việc thật. Ðây là lời cảnh cáo cho mọi người, kể cả cho chúng ta, nhất là những người ưa dựa vào lý trí, tìm tòi, suy luận về mạc khải, muốn tìm ra những gì độc đáo, mà cuối cùng lại đi đến chỗ phủ nhận chính mạc khải.

 

Trong chương 10 thư Rôma, Phaolô phác hoạ đầy đủ tiến trình của lời Chúa. Tiến trình này khởi đi từ lỗ tai đến trái tim, rồi từ trái tim đến môi miệng. Trước hết là được nghe lời loan báo Chúa đã sống lại. Lời này đội vào tai, rồi từ tai vang tới trái tim. Chính nơi trái tim mà phép lạ về đức tin xẩy ra. Chính nơi đây có cuộc gặp gỡ nhiệm mầu giữa ơn Chúa và sự tự do của con người. Tiếp đến, từ trái tim, lời đó lại trào ra trên vành môi cửa miệng, trở thành lời tuyên tín: "Nếu miệng bạn tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ" (Rm 10,9). Muốn được ơn cứu độ, phải để cho lời Chúa đi hết tiến trình này.

 

3. Về chính sự Phục sinh

 

* Cho tới đây, chúng ta suy niệm về sự Phục sinh hầu như chỉ trong mối liên hệ với ta. Chúng ta đã suy nghĩ về hành vi nhờ đó ta tiếp xúc với sự Phục sinh. Ðó là hành vi tin. Nhưng lời Chúa còn trình bầy cho ta một khía cạnh khác, thâm sâu hơn, tức nội dung đức tin hay điều được tin. Giờ đây chúng ta xem xét nội dung này, và tự hỏi: sự Phục sinh của Ðức Kitô là gì?

 

Sự Phục sinh của Chúa không chỉ là một sự kiện thuộc khoa hộ giáo, nhằm đưa ra một bằng chứng chắc chắn về Ðức Giêsu. Nó không chủ yếu là một chứng minh cho chân lý, cũng không chỉ là sự khởi đầu cho Giáo Hội và cho một thế giới mới. Có thể nói: tất cả những cái đó chỉ đến sau như hệ quả. Chúng ta đừng coi sự Phục sinh chỉ như một sự kiện bên ngoài, liên hệ tới lịch sử hay Giáo Hội, như thể Thiên Chúa đã làm cho Ðức Giêsu sống lại chỉ là vì con người, vì chúng ta. Thiên Chúa đã làm cho Ðức Giêsu sống lại tiên vàn vì chính Ðức Giêsu, vì chính Con của mình.

 

* Sự Phục Sinh trước hết là công trình của Chúa Cha, là hành vi vô cùng yêu thương của Chúa Cha. Chúa Cha đã nhờ Thánh Thần làm cho Con của mình, đã chịu khổ và chịu chết, được sống lại, và đặt Con của mình làm Chúa. Ðây là hành động tột đỉnh mà Thiên Chúa đã làm trong lịch sử. Do hành động này mà Thiên Chúa có danh hiệu cao quý nhất, danh hiệu "Ðấng làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết". Danh hiệu này còn cao quý hơn danh hiệu "Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và Giacóp", là danh hiệu mà Thiên Chúa đã mạc khải cho Israel ngày xưa. Từ đây, Thiên Chúa nói với chúng ta: "Ðó là Danh Ta cho đến muôn thuở, danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia" (Xh 3,15).

 

Như vậy, sự Phục sinh tiên vàn là hồng ân của Cha ban cho Con Một yêu quý, là sự âu yếm vô cùng của Cha dành cho Con.

 

Sách Isaia viết: "Từ lâu Ta đã từng nín lặng, Ta làm thinh, Ta đã dằn lòng" (Is 42,14). Nhưng rồi Thiên Chúa "biến đổi bóng tối thành ánh sáng" (c.15). Nín thinh, đó là lúc Ðức Giêsu dường như bị Chúa Cha bỏ rơi trên Thập giá. Giờ đây là biến đổi, là gào lên (bản dịch của cha Thuấn), là phá vỡ sự thinh lặng, là xua tan bóng tối, bằng chính sự Phục sinh của Ðức Giêsu.

 

Sự Phục sinh được thực hiện chỉ giữa Cha và Con, nhờ Thánh Thần. Không một người nào có mặt lúc Chúa Giêsu sống lại. Các chứng nhân như nói trong Phúc Âm chỉ là những người đến sau, và cũng chỉ thấy những dấu chỉ về sự sống lại thôi.

 

Trong Ca nhập lễ của Thánh Lễ Phục Sinh, Giáo Hội được Thần Khí linh hứng, đã đặt vào miệng Chúa Giêsu Phục sinh những lời sau đây thưa lên Chúa Cha: "Con đã chỗi dậy và lại được ở với Cha (Resurrexi et adhuc Tecum sum). Cha đã đặt tay Cha trên Con". Ðây là những ý rút từ các Thánh vịnh 3 và 138, được các Giáo Phụ áp dụng vào sự Phục sinh của Ðức Kitô. Ðể đáp lại, Chúa Cha đã nói với Chúa Con: "Con là Con Cha. Hôm nay Cha đã sinh ra Con" (Cv 13,33; Rm 1,4). Như thể sự sống lại của Ðức Kitô khơi lại nơi Chúa Cha niềm vui từ đời đời đã sinh ra Con.

 

Mà không chỉ có Phụng vụ, hoặc những tưởng tượng đạo đức, nói lên hành động của Chúa Cha cho Chúa Con sống lại. Hành động này là một thực tại, được Kinh Thánh quả quyết hẳn hoi. Ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô đã công bố rằng: "Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết" Và khi trưng dẫn lời Thánh vịnh 16, Phêrô cho hay: đó không phải là Ðavít nói, mà là Ðức Giêsu nói trong Thánh vịnh. Ðức Giêsu hoàn toàn tin tưởng Thiên Chúa sẽ không đành bỏ mặc linh hồn Ngài trong cõi âm ty, nhưng cho Ngài được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh nhan Thiên Chúa (Cv 2,24tt).

 

Chúa Cha có đáp lại niềm tin tưởng này của Ðức Giêsu không? Có đấy. Qua sự Phục sinh, Chúa Cha long trọng nói với Chúa Con: "Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị" (Cv 2,34). Chúa Cha "đã ra tay uy quyền nâng Ngài lên (Cv 5,31).

 

Ðể chỉ biến cố Phục sinh, các tác giả Tân Ước ưa dùng động từ "đánh thức, làm cho chỗi dậy, chỗi dậy" (egeiro). Dùng ngôn ngữ của con người, chúng ta diễn tả hành động của Chúa Cha như thế này: Người tiến đến với Ðức Giêsu đang nằm trong mộ, như người cha nhẹ nhàng đến bên con nhỏ ngủ trong nôi, và cho Con chỗi dậy từ giấc ngủ của cõi chết. Chúng ta hãy nhớ lại câu truyện Ðức Giêsu cho con trai bà goá ở Naim sống lại. Ngài tiến tới trước quan tài và nói: "Này người thanh niên, Tôi bảo anh: hãy chỗi dậy". Ngay lập tức, người chết liền ngồi dậy và bắt đầu nói" (Lc 7,14-15). Giờ đây thì chính Chúa Cha tiến lại gần mộ và nói: "Con ơi, chính Cha đang nói với Con. Con hay chỗi dậy". Cũng ngay lập tức, Ðức Giêsu chỗi dậy.

 

Quả thực, như chúng ta nghe Phụng vụ ca lên trong ngày Phục sinh, ngày Chúa Kitô sống lại là "công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta" (Tv 118,22). Sự kỳ diệu là như thế này: Ðức Giêsu là "viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá" (1Pr 2,4). Chúa Cha đã biến Ngài thành "Ðá góc" của thế giới mới. Làm như thế, Chúa Cha muốn chứng tỏ mình chấp nhận hy tế của Chúa Con, hài lòng vì sự vâng phục của Chúa Con. Theo nghĩa này thì Phục sinh chính là sự đăng quang, sự hoàn thành của hy tế Thập giá.

 

* Chúa Kitô sống lại là nhờ Chúa Thánh Thần. Ngón tay mà Chúa Cha đặt trên Ðức Giêsu, như lời Thánh vịnh nói trên, không gì khác hơn là Chúa Thánh Thần (digitus paternae dexterae).

 

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Thánh Thần "là Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống". Chúa Thánh Thần ban sự sống cách đặc biệt khi làm cho Ðức Giêsu sống lại. Nhiều nghệ nhân trình bầy Chúa sống lại theo một cách hết sức bên ngoài: ra khỏi mồ, tay cầm cờ chiến thắng, lính canh ngã lăn ra đất. Nhưng sự sống lại đích thực lại là biến cố hoàn toàn bên trong, và là việc của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần vẫn hằng ở trong nhân tính của Chúa Giêsu, không bao giờ rời xa linh hồn Ngài, cả khi linh hồn ra khỏi xác, giờ đây, theo ý Chúa Cha, ùa vào thân xác bất động của Chúa Giêsu, làm thân xác ấy sống lại và đưa vào cuộc sống mới, cuộc sống mà Tân Ước gọi là "sống theo Thần Khí".

 

Việc này làm ta nhớ tới lời ngôn sứ Êzêkiel về các bộ xương khô. Có thể nói lời tiên tri này được thực hiện cách tiêu biểu nhất nơi Chúa Giêsu: "Này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta đưa các ngươi lên khỏi . Ta sẽ đặt Thần khí của Ta vào trong các ngươi. Và các ngươi sẽ được hồi sinh" (Ed 37,12.14). Chúa Cha đã đặt Thần khí của Ngài vào Ðức Giêsu. Ðức Giêsu sống lại và mộ phải mở ra, vì không thể chứa nổi một sự sống như thế.

 

Ðức Giêsu được Chúa Cha làm cho sống lại nhờ Chúa Thánh Thần, thì được đặt "làm Ðức Chúa và làm Ðấng Kitô" (Cv 2,36), "làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết" (Rm 14,9), "làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng" (Rm 1,4).

 

Cao điểm của Phục sinh là địa vị làm Chúa. Phục sinh mới chỉ là một sự kiện. Còn địa vị làm Chúa nói lên một tình trạng vững bền. Chúng ta phải tuyên xưng ngoài miệng rằng "Ðức Giêsu là Chúa" (Rm 10,9). Hơn nữa, cũng như Phaolô, chúng ta còn muốn "biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh" (Pl 3,10), biết quyền năng bên trong của sự sống lại. Ðể có được điều này, không thể chỉ dựa vào đức tin thuần tuý tri thức, mà phải biến nó thành một kinh nghiệm sống động. Người ta có thể để cả một đời học hỏi sự kiện Phục sinh, mà vẫn không "biết" sự Phục sinh của Chúa.

 

Vậy có thể "biết" được nhờ ở đâu? Ở trong Giáo Hội. Giáo Hội phát sinh từ niềm tin vào sự Phục sinh, thấm nhiễm sự Phục sinh. Nói trong Giáo Hội tức là nói trong Phụng vụ, giáo lý, nghệ thuật thánh, kinh nghiệm của các thánh.

 

Ðặc biệt ở Giáo Hội Ðông Phương, có rất nhiều chứng từ và gương mẫu về kinh nghiệm này. Lấy ví dụ về việc đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Ðồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Khổ nạn, qua việc được in 5 dấu thánh, là ở Tây Phương. Bên Ðông Phương là đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Phục sinh. Thánh Sarov, khi nói chuyện với các đồ đệ, được biến hình giống Chúa Kitô Phục sinh. Cách riêng ở Nga: niềm tin vào sự Phục sinh bén rễ trong tình cảm sâu xa nhất của dân chúng. Mùa Phục sinh, họ chào nhau bằng câu: Chúa đã sống lại, và được đáp lại: Người đã sống lại thật.

 

Ý thức về quyền năng của sự Phục sinh trong tu đức Chính thống giáo được diễn tả rõ ràng nhất trong các ảnh thánh (icônes) về Phục sinh. Ảnh thánh trình bầy Ðức Kitô chói sáng hào quang uy lực của Thiên Chúa, xuống cõi âm ty, cầm tay Ađam và Evà đưa ra khỏi đó. Theo sau hai người là vô số các người công chính của Cựu Ước, tiến về ánh sáng. Qua hình ảnh này, ta thấy như đang đứng trước một cuộc Xuất hành mới của cả nhân loại. Thiên Chúa thân hành đến giải thoát dân Người bằng hai cánh tay mạnh mẽ. Chính những ảnh thánh như vậy có thể làm ta, khi chiêm ngắm chúng, cảm thấy đức tin tràn ngập nơi ta. Ðó là một bài giảng Tin Mừng bằng nét vẽ và mầu sắc. Ở đó, sự Phục sinh không phải là được chứng minh nữa, nhưng là lộ ra. Nó như cho ta tiếp xúc trực tiếp với thực tại vô hình. Trong những hình ảnh khác, con người nhìn ngắm hình ảnh, còn trong ảnh thánh, chính hình ảnh nhìn con người và hoàn toàn chế ngự con người.

 

4. Chúng ta "được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng

sống động" (1Pr 1,3)

 

* Theo Phaolô, ba nhân đức đối thần (tin, cậy, mến) phát xuất từ Mầu nhiệm Vượt qua. Ngài viết ở đầu chương V thư Rôma như sau: "Một khi được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa . Chúng ta còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa . Trông cậy như thế, chúng ta không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta" (Rm 5,1-5).

 

Trong ba thần đức này, chính đức cậy được thánh Phêrô coi như có liên hệ nhất với sự Phục sinh, khi ngài nói rằng Thiên Chúa "cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Ðức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại" (1Pr 1,3). Vậy khi làm cho Ðức Giêsu sống lại, Chúa Cha không những ban cho ta một bằng chứng chắc chắn về Ðức Giêsu, mà còn ban cho ta niềm hy vọng sống động. Sự Phục sinh không chỉ là một bằng chứng xây dựng chân lý kitô giáo, mà còn là một sức mạnh nuôi dưỡng đức cậy kitô giáo.

 

Có thể nói Phục sinh là ngày đản sinh của đức cậy kitô giáo. Tuy trong lời rao giảng của Ðức Giêsu không có chữ đức cậy, nhưng bù lại, sau ngày Chúa sống lại, trong lời rao giảng của các Tông Ðồ đã thấy có ý tưởng về đức cậy, bên cạnh đức tin và đức mến, như một trong ba thành tố cấu tạo nên đời sống mới kitô giáo (1Cr 13,13). Thiên Chúa cũng được định nghĩa là "Thiên Chúa nguồn hy vọng" (Rm 15,13). Chúng ta có thể hiểu lý do. Là vì khi sống lại, Chúa Kitô đã khơi nguồn hy vọng, đã tạo ra đối tượng của đức cậy (một đời sống trong Chúa, cả sau khi chết). Cho nên, Giáo Hội đã hát lên trong bài Ca tiếp liên lễ Phục sinh: "Niềm hy vọng của tôi là Ðức Kitô đã sống lại" (Surrexit Christus spes mea).

 

* Ngày nay, người ta dễ cảm thấy mối liên hệ giữa sự sống lại và đức cậy. Nhưng đôi khi liên hệ này bị đảo ngược. Thay vì coi sự sống lại là nền tảng của đức cậy, người ta lại coi đức cậy là nền tảng của sự sống lại. Nghĩa là: vì hy vọng mình không phải chết muôn đời, vì hy vọng mình sẽ được sống lại, nên người ta cố biện minh và chứng minh sự sống lại của Ðức Kitô. Như vậy, lý do chủ quan (vì con người) đã thay thế cho sự kiện khách quan (Chúa đã sống lại). Ý nghĩa của biến cố thay thế cho chính biến cố. Không phải Phục sinh làm phát sinh đức cậy hoặc làm nền tảng cho đức cậy nữa, nhưng chính đức cậy đòi phải có sự Phục sinh để làm cho những hy vọng của con người có cơ sở và giá trị. Kết quả là: Phục sinh là một sự kiện có thật và là của Thiên Chúa, thì giờ đây biến thành một điều do con người đặt ra. Không còn phải là sự toàn năng của Thiên Chúa làm nên biến cố, nhưng là lý do thực tiễn hay tôn giáo của con người tạo ra biến cố đó.

 

Ðó là tục hoá sự sống lại, là lý luận theo kiểu khôn ngoan thế gian, muốn dùng sự giải thích thay cho đức tin, hoặc coi trọng nó hơn đức tin. Ðiều này đi ngược lại với quả quyết của Phaolô: "Nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì đức tin . cũng trống rỗng, hão huyền" (1Cr 15,12tt).

 

* Chúng ta phải để cho niềm hy vọng sống động thấm nhiễm đời sống của ta. Theo thánh Phêrô, đó là một sự tái sinh, một cảm thức về sự tái sinh. Ðã xẩy ra như thế với các môn đệ Chúa ngày xưa. Các ông đã cảm thấy sức mạnh của niềm hy vọng. Chính niềm hy vọng đã quy tụ các ông lại. Chính niềm hy vọng đã làm phấn chấn hai môn đệ Emmau, khiến họ vội vã về lại Giêrusalem.

 

Ngày nay, nếu muốn làm cho đức tin có một đà tiến mới, làm cho đức tin có thể lại chinh phục thế giới, cần phải khơi dậy niềm hy vọng. Không có hy vọng thì không làm được gì. Trong một bài thơ, Charles Péguy đã so sánh ba thần đức như ba chị em, hai chị lớn và một em gái nhỏ. Cả ba nắm tay nhau bước đi, và đức cậy như em gái nhỏ đi giữa. Nhìn họ, người ta cứ tưởng hai chị lớn dắt em nhỏ, kỳ thực chính em nhỏ lôi kéo hai chị lớn. Chính đức cậy lôi kéo đức tin và đức mến. Không có đức cậy thì hai thần đức kia sẽ dừng lại.

 

Chúng ta có thể thấy điều trên trong đời sống hằng ngày. Người nào thực sự mất hết hy vọng, sáng sáng thức dậy mà tuyệt đối không mong chờ điều gì, thì kể như đã chết. Không chết một lúc thì cũng là chết dở, chết dần chết mòn.

Ðối với người sắp ngất hay vừa ngất, phải cho ngửi cái gì đó mạnh mùi để giúp họ hồi tỉnh. Cũng vậy, đối với người muốn bỏ cuộc, phải đưa đến cho họ một lý do nào đó để họ hy vọng, cho thấy họ có thể hy vọng, để họ hồi tỉnh và lấy lại sức mạnh.

 

Mỗi khi có mầm mống hy vọng nào tái sinh nơi một con người, thì kể như có một phép lạ. Mọi sự sẽ trở nên khác. Khi niềm hy vọng lại nẩy sinh thì ngay cả một cộng đồng, một dòng tu, cũng hồi sinh, bắt đầu lôi cuốn những ơn gọi mới. Cho ai niềm hy vọng tức là cho điều đẹp nhất có thể cho. Cũng như trong Ðêm Vọng Phục sinh, các tín hữu đốt nến cho nhau, khởi đầu từ chính chủ tế đốt cây nến Phục sinh, chúng ta cũng phải chuyền cho nhau đức cậy, là nhân đức hay bị quên lãng trong dân Chúa.

 

Thời đại hôm nay hay nói đến cánh chung. Nhưng thực tế, chưa bao giờ nó lại ít được sống như bây giờ. Cánh chung là hướng tới tương lai, nhưng là tương lai cuối cùng, tương lai vĩnh cửu. Thứ cánh chung hay tương lai này lắm khi bị gạt ra khỏi đời sống. Người ta sợ nó làm cho mình không còn muốn dấn thân vào đời sống hiện tại. Nó chỉ còn được bàn trong các sách thần học.

 

Chúng ta nhắc lại: đối tượng của niềm hy vọng kitô giáo là được sống lại. "Ðấng đã làm cho Chúa Giêsu chỗi dậy, cũng sẽ làm cho chúng ta được chỗi dậy với Ðức Giêsu" (Cr 4,14). Ðức Kitô là hoa quả đầu mùa, và hoa quả này tiên báo một vụ mùa phong phú. Không có vụ mùa phong phú tiếp sau, hoa quả đầu mùa đó không còn đáng nói nữa.

 

Tuy vậy, không chỉ có sự sống lại của thân xác. Còn có sự sống lại của linh hồn. Nếu sự sống lại của thân xác chỉ xẩy ra ngày tận thế, thì sự sống lại của linh hồn lại xẩy ra mỗi ngày. Chúng ta phải quan tâm hơn đến sự sống lại này, vì, cụ thể, nó tuỳ thuộc nơi ta ngay tự bây giờ. Thánh Lêô Cả nói: "Chớ gì những dấu chỉ của sự sống lại sau này cũng xuất hiện ngay tự bây giờ, và chớ gì điều phải được thực hiện trong thân xác, cũng được thực hiện bây giờ trong các tâm hồn".

 

* Chúng ta phải luôn để đức cậy dẫn dắt ta. Phải hy vọng một sự gì đó có thể làm thay đổi đời sống của ta. Phải hy vọng rằng mọi cái không thể trước sao sau vậy. Có hy vọng, tức là tin rằng lần này sẽ phải khác, dù đã tin như thế cả trăm lần, và lần nào cũng thấy không có gì thay đổi.

 

Có lẽ trong quá khứ đã có không ít lần chúng ta quyết định hoán cải, thay đổi đời sống. Mùa Chay hay dịp tĩnh tâm chẳng hạn, chúng ta như muốn lấy đà nhảy qua hố. Nhưng lúc đứng bên bờ, lại xìu xuống, mất can đảm. Giống như người ở lại bên phần đất Ai Cập, chứ không chịu đi qua Biển Ðỏ.

 

Dầu vậy đi nữa, nếu còn hy vọng, chúng ta vẫn làm cho Thiên Chúa xúc động và sẽ giúp ta. Không một cố gắng nào, dù cuối cùng không đi tới đâu, mà lại vô ích, nếu như nó thành thực. Thiên Chúa quan tâm đến mọi sự. Ân sủng của Ngài vẫn đủ cho tất cả những lần chúng ta có can đảm bắt đầu lại, dù cả trăm lần trước đây đã thất bại. Isaia nói: "Những người cậy trông Ðức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân" (Is 40,31).

 

 

 

 

 

 

 

Chúng ta phải hy vọng không gì có thể trói buộc chúng ta. Không xiềng xích nào không thể bị phá vỡ. Vì sao? Vì Ðức Kitô đã phá tung cửa đồng, đã bẻ gẫy then sắt (Tv 106/107,16), khi Ngài đến viếng thăm những người ngồi trong bóng tối sự chết. Chính Ngài có thể giải thoát ta khỏi bất cứ tình trạng giam hãm nào về đường thiêng liêng. Ngài đến gọi ta: Hãy ra ngoài, như đã gọi Lazarô ra khỏi mồ.

 

Chúng ta hãy nắm lấy bàn tay giơ ra của Chúa, như Ađam Evà đã làm trong bức ảnh thánh nói trên. Và hãy sống lại với Chúa.

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà