Suy niệm về

ÐỜI SỐNG MỚI TRONG CHÚA KITÔ

IX

 

CHÚA THÁNH THẦN

VÀ KINH NGUYỆN

 

 

"Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta"

(Rm 8,26)

 

Tất cả chương 8 của thư Rôma tràn ngập sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí. Phaolô nói về Chúa Thánh Thần như là nguyên lý của đời sống mới nơi ta, khi ta chịu phép Rửa Tội. Giờ đây ngài nêu ra một số hoạt động đặc thù của Chúa Thánh Thần, mà nổi bật hơn cả là kinh nguyện. Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý của kinh nguyện mới.

 

Trong số những việc lành ta làm, thì chỉ kinh nguyện là có đặc tính "lợi ích mọi bề" (1Tm 4,8). Kinh nguyện là phương thế cần thiết để thăng tiến trên đường nhân đức. Chân phước Angela Foligno viết: "Nếu bạn muốn bắt đầu có được ánh sáng của Chúa, bạn hãy cầu nguyện. Nếu bạn đã bước vào con đường đưa đến sự trọn lành, và nếu bạn muốn ánh sáng này toả rộng nơi bạn, bạn hãy cầu nguyện. Nếu bạn muốn đức tin, hãy cầu nguyện. Nếu bạn muốn đức mến, hãy cầu nguyện. Càng bị thử thách, càng phải kiên trì cầu nguyện. Quả thực, kinh nguyện ban cho bạn ánh sáng, giải thoát bạn khỏi các cám dỗ, làm cho bạn nên trong sạch, kết hợp bạn với Thiên Chúa".

 

Augustinô có nói: "Cứ yêu đi và làm điều bạn muốn" (Ama et fac quod vis). Nếu câu ấy đúng, thì nói như truyền thống Chính thống giáo "Cứ cầu nguyện đi và làm điều bạn muốn", cũng đúng không kém. Kinh nguyện giống như hơi thở của linh hồn. Cũng như hô hấp cần cho các cơ quan của thân xác, kinh nguyện cũng cần cho linh hồn, nhất là khi muốn thăng tiến trong đời sống thiêng liêng.

 

1. Sự "yếu hèn" của chúng ta trong kinh nguyện

 

Phaolô viết: "Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa" (Rm 8,26-27).

 

Hai câu trên cho ta biết nhiều điều về kinh nguyện.

 

* Trước hết chúng cho biết lý do của kinh nguyện, giúp ta khám phá ra nền tảng thần học của kinh nguyện. Chúng ta đã được cứu chuộc, đã có mọi sự, không còn án phạt, thoát khỏi luật tội lỗi và sự chết, tại sao còn phải cầu nguyện, sao cần phải có Thần Khí giúp đỡ? Bộ chúng ta chưa thực sự lãnh nhận Thần Khí sao?

 

Chắc chắn chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí, nhưng mới lãnh nhận như của đầu mùa, như khai ân thôi. Chúng ta đã có ơn cứu độ, nhưng chưa viên mãn. Cái viên mãn còn đang ở phía trước. Như vậy, tình huống của ta sống giữa thế gian là tình huống giữa cái đã có và cái chưa có, đã có của đầu mùa và chưa có thực tại viên mãn. Nếu cái đã có giúp ta có thể cầu nguyện, thì cái chưa có đòi ta phải cầu nguyện. Ðó là lý do vì sao ta cầu nguyện. Kinh nguyện của ta dựa trên cái đã chiếm hữu nhờ đức tin, để hướng tới cái còn đang hy vọng nhờ đức cậy. Tự nền tảng, kinh nguyện là khát vọng mạnh mẽ hướng tới dự tự do đầy đủ của con cái Chúa, hướng tới vinh quang. Nó giống như tiếng rên siết của người phụ nữ đang sinh con (Rm 8,22).

 

Ở đây, chúng ta muốn nói đặc biệt về kinh nguyện xin ơn và kinh nguyện chuyển cầu, là những kinh nguyện riêng của thời còn nhu cầu là thời chúng ta đang sống hiện nay.

 

* Tình cảnh yếu hèn của ta như Phaolô nói, tiên vàn phản ánh trong chính kinh nguyện của ta. Kinh nguyện của ta yếu hèn. Quả thực ta không biết xin gì, và cũng không biết xin thế nào cho phải. Yếu hèn hay bất toàn không chỉ ở trong những điều ta cầu xin, mà, sâu xa hơn, còn ỏ trong chính thái độ và tinh thần của ta khi cầu nguyện. Cầu nguyện mà không hiệu quả, vì chúng ta là những con người xấu, xin những điều xấu, xin cách thức xấu (mali mala male petimus). Ðó là do ta vẫn còn ích kỷ. Vậy Thần Khí đến giúp ta, điều chỉnh những gì xấu hay bất toàn nơi ta.

 

Trước hết là xin điều xấu. Phaolô quả quyết: ta không biết xin gì. Dường như quả quyết này không đúng với thực tế, vì khi cầu nguyện, chúng ta biết, thường là rất rõ, mình xin gì với Thiên Chúa. Chúng ta có khối điều để xin Ngài. Tuy vậy, thường ra chúng ta lại giống với bác nông dân mà một nhà tu đức xưa có lần đã đưa ra làm ví dụ. Bác được vinh dự bệ kiến nhà vua, có thể trực tiếp bầy tỏ nguyện vọng của mình. Nhiều nguyện vọng lắm. Ðây là cơ hội có một không hai trong đời bác. Nhưng khi cơ hội đến, và được nhà vua hỏi, bác lại chỉ biết xin vua ban. một tạ phân để bón ruộng!

 

Những điều chúng ta xin với Chúa thường cũng nhỏ nhặt như vậy, liên hệ tới lợi ích vật chất, chỉ giúp cho cuộc đời này. Chúng chỉ là "phân bón" so với những gì Chúa sẵn sàng ban cho ta. Chúng chỉ là những cái được ban thêm cho những ai tiên vàn biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa.

 

Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta về những điều phải xin. Ngài cầu thay nguyện giúp cho ta rập theo ý Thiên Chúa, tức là xin những điều Ngài biết là Thiên Chúa muốn ban cho ta qua kinh nguyện, và như vậy, kinh nguyện có hiệu quả. Thần Khí thấu suốt sự sâu thẳm của Thiên Chúa. Ngài biết dự định của Thiên Chúa như thế nào đối với ta.

 

2. Học tập cầu nguyện theo Kinh Thánh

 

* Sự bất toàn đáng nói hơn không ở trong điều xin cho bằng ở nơi chính người xin, người cầu nguyện. Chúa Thánh Thần giúp đỡ sự yếu hèn của ta bằng cách điều chỉnh tâm hồn ta. Ngài dạy ta cầu nguyện không phải như những con người xấu, mà là những con người tốt, với thái độ của con cái, chứ không phải của nô lệ.

 

Phaolô quả quyết rằng Thần Khí cầu nguyện nơi ta hoặc dạy ta cầu nguyện "bằng những tiếng rên siết khôn tả". Muốn hiểu Chúa Thánh Thần rên siết như thế nào, cách cầu nguyện của Thần Khí nơi ta như thế nào, cứ mở Kinh Thánh. Thần Khí cầu nguyện âm thầm nơi ta cũng chính là Thần Khí đã cầu nguyện minh nhiên trong Kinh Thánh. Ðấng đã linh hứng những trang sách Kinh Thánh cũng đã linh hứng những kinh nguyện có trong Kinh Thánh. Những kinh nguyện đó là những tiếng rên siết khôn tả của Thần Khí. Ngài đã cầu nguyện trong Kinh Thánh thế nào, thì Ngài cũng đang cầu nguyện hôm nay trong Giáo Hội và trong các tâm hồn như vậy. Chúa Thánh Thần không có hai cách cầu nguyện khác nhau đâu. Thế nên chúng ta phải học tập cầu nguyện theo Kinh Thánh, để hài hoà chúng ta với Thần Khí, và học cầu nguyện như Ngài cầu nguyện và dạy người ta cầu nguyện.

 

* Ðâu là những tình cảm, thái độ của người cầu nguyện trong Kinh Thánh, những người đã được Thần Khí linh hứng khi cầu nguyện? Thử điểm vài khuôn mặt lớn: Abraham, Môsê, Giêrêmia, là những người được Kinh Thánh coi là những người cầu bầu có thế giá (Gr 15,1; 2Mc 15,14). Ðiều nổi bật nhất nơi các ngài là sự tín thác và mạnh bạo đến độ khó tin, khi các ngài thưa với Thiên Chúa.

 

Chúng ta quá biết lời cầu xin của Abraham cho hai thành Sôđôma và Gômôra (St 18,22tt). Khởi đầu, Abraham như muốn nói: Tôi không thể tin được là Ngài sắp làm một chuyện động trời như vậy. Sau đó là xin tha cho dân thành, liên tiếp nhiều lần, mỗi lần đều nói đại khái: Tôi quả đường đột mà thưa với Chúa tôi. Xin đừng chấp, để tôi nói. Xin Ngài đừng nổi giận, để tôi nói lần nữa (Ðúng là kiểu mặc cả, trả giá, cò kè bớt một thêm hai!). Abraham quả là táo bạo. Ông biết thân phận mình chứ. Nhưng cứ nói, vì ông là bạn hữu với Thiên Chúa (Is 41,8), và giữa bạn với nhau, đâu có ngại.

 

Môsê còn bạo hơn. Sau lúc dân đúc bò vàmg để thờ, Thiên Chúa nói với ông: "Ðứng lên, xuống mau khỏi đây, vì dân của ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa ra khỏi Ai Cập". Môsê đã thưa lại: "Ðó là dân của Ngài, cơ nghiệp Ngài đã dùng sức mạnh lớn lao và cánh tay uy quyền đưa ra khỏi đất Ai Cập" (Ðnl 9,12.29). Ý muốn nói là: bây giờ dân hư hỏng, thì nó là của tôi. Nhưng trước đây, nó tốt lành, nó là dân của Ngài mà! Ngái đã cứu nó mà! Phải chăng là một cách nhắc cho Chúa nhớ lại như thế? Rồi khi Chúa định tiêu diệt dân này, để làm cho ông một dân lớn khác (Xh 32,10), Môsê lại nhắc khéo: Ngài cẩn thận nha! Kẻo các dân khác nhạo cười là Ngài đã cứu nó, rồi lại giết nó trong sa mạc! Kinh Thánh nói Thiên Chúa đã đàm đạo với Môsê như người ta nói với nhau (Xh 33,11), như bạn với bạn. Và chính Chúa Thánh Thần đã linh hứng những lời cầu xin như thế đó!

 

Phần Giêrêmia, ông đã dám kêu lên với Chúa thế này: "Người đã dụ dỗ tôi. Tôi sẽ không nghĩ đến Người nữa, tôi sẽ không nói nhân danh Người nữa" (Gr 20,7-9).

 

Giải thích thế nào về những lời lẽ trên đây? Phải chăng Thiên Chúa xúi con người bất kính với Ngài, vì chính Ngài linh hứng và chấp nhận những lời cầu nguyện như vậy? Câu trả lời là thế này: Có thể xẩy ra điều trên, vì mối liên hệ giữa người cầu nguyện và Thiên Chúa thật bảo đảm. Ngườì cầu nguyện rất ý thức về sự uy linh và thánh thiện của Thiên Chúa. Ông hoàn toàn phục tùng Ngài, vì Ngài vẫn là Thiên Chúa của ông.

 

Tựu trung, lý do là ở nơi tâm hồn người cầu nguyện. Họ không cầu nguyện như những con người xấu, vì vậy họ không cầu nguyện một cách xấu. Tấm lòng của những con người này gắn chặt với tấm lòng của Thiên Chúa. Không một điều gì hay một người nào có thể thay đổi nó. Những lời bầy tỏ sự lo âu, phiền muộn hay trách móc của họ đối với Chúa là ở trên bình diện tư tưởng (vì họ không hiểu hành động nhiệm mầu của Ngài), chứ không ở trong tâm hồn. Tâm hồn họ hoàn toàn luỵ phục Ngài.

 

Người cầu nguyện luôn sẵn sàng chấp nhận Thiên Chúa có lý, cho dù Ngài làm gì đi nữa, ngay cả khi Ngài nổi giận với họ (Is 12,1). Con người biết mình đang nói chuyện với ai, và chấp nhận Ngài đến cùng. Lúc bị thử thách, lời kinh mà họ thích tương tự thế này: "Trong hết mọi việc Chúa làm cho chúng con, Chúa đã xử công minh chính trực. Mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Ðường lối Chúa quả là ngay thẳng. Mọi phán quyết của Ngài thật công minh. Bởi vì chúng con đã phạm tội, nên Người đã giáng xuống tất cả những điều ấy" (Ðn 3,27tt; Ðnl 32,4tt).

 

3. Kinh nguyện của những người đạo đức giả

 

* Ðể thấy rõ hơn kinh nguyện trên đây là tốt, thử đối chiếu với kinh nguyện xấu của con người xác thịt, cũng được Kinh Thánh ghi lại.

 

Qua miệng Isaia, Thiên Chúa đã than phiền: "Dân này chỉ đến với Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi; còn lòng chúng thì xa Ta lắm" (Is 29,30). Có lần Ðức Giêsu dẫn lời trên đây khi nói với nhóm Biệt phái: "Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông." (Mt 15,7-8). Ðức Giêsu coi lời cầu nguyện chỉ bằng môi miệng là giả hình, đạo đức giả. Người cầu nguyện của Kinh Thánh có tấm lòng ở kề bên Chúa, còn môi miệng lắm khi lại xa Chúa, nghĩa là có những lời thưa khó nghe, ngạo ngược, những điều phiền trách Chúa. Ngược lại, người cầu nguyện giả hình có môi miệng ở gần Chúa, tức luôn có lời lẽ kính trọng Ngài, nhưng lòng họ lại tách xa Ngài, theo nghĩa chống lại Ngài. Có một Thánh vịnh nói về những người cầu nguyện kiểu này như sau: "Miệng họ phỉnh phờ Chúa. Lưỡi họ lừa dối Người. Còn lòng dạ chẳng chút gì gắn bó" (Tv 78,36).

 

* Khi Chúa than phiền: "dân này kinh Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta", Chúa không có ý nói về sự chia trí thuần tuý khi cầu nguyện. Ðiều này ai mà chả có, và có luôn. Chúa muốn nói về một điều nghiêm trọng hơn nhiều: lòng nói ngược lại với miệng, tức là một tâm hồn dối trá. Thế nào là dối trá ở đây? Là khi con người muốn những cái Thiên Chúa có, hơn là muốn chính Ngài. Thiên Chúa bị coi như dụng cụ để phục vụ con người. Không còn là lời cầu xin của một người bạn, nhưng là của một nô lệ, biết mình yếu đuối, thiếu thốn, và chủ mình quyền năng, dư dật, nên cầu xin chỉ để nhằm khai thác chủ. Cầu nguyện nhằm mua chuộc, chứ không phải là hành vi phát xuất tự đáy lòng.

Từ một thái độ như vậy sẽ nảy sinh một thứ kinh nguyện quanh co, tạm gọi là kinh nguyện "ngoại giao". Nói chuyện tâm tình khác hẳn nói chuyện ngoại giao. Tâm tình thì được tự do bên trong, dám nhìn vào mắt nhau, không có hậu ý, không cần cân nhắc nhiều về lời nói, hiểu nhau dù không nhiều lời, thậm chí đôi khi không cần nói, mà nhìn nhau cũng đủ. Còn ngoại giao đòi thận trọng, cân nhắc từng lời từng chữ.

 

Thế nhưng Thiên Chúa là Ðấng thấu suốt tâm hồn. Ngoại giao có thể lừa được nhau, nhưng không thể lừa được Thiên Chúa. Thiên Chúa biết rõ lòng con người đang cầu nguyện như thế nào. Ðiều Ngài tìm kiếm đầu tiên là sự chân thành của tâm hồn. Có nó, mọi sự khác đều làm Ngài hài lòng. Không có nó, tất cả những cái khác đều vất đi.

 

Phải nhận rằng chúng ta hôm nay khó mà cầu nguyện với tâm tình đơn thành và thái độ táo bạo như những Abraham, Môsê, Giêrêmia hay tác giả Thánh vịnh ngày trước. Chúng ta thấy mình tội lỗi, đúng thôi, nhưng lại thiếu những điều kiện nội tâm cần thiết để cầu nguyện như trên. Vậy cần tìm lại tâm hồn của những người cầu nguyện lớn trong Kinh Thánh.

 

4. Kinh nguyện của Ðưc Giêsu và của Thần Khí.

 

* Biết Thần Khí đã cầu nguyện thế nào nơi Abraham. là điều quan trọng. Biết Thần Khí cầu nguyện thế nào nơi Ðức Giêsu còn quan trọng hơn, vì chính Thần Khí của Ðức Giêsu đang cầu nguyện nơi chúng ta hôm nay bằng những tiếng rên siết khôn tả.

 

Nơi Ðức Giêsu, sự gắn bó bên trong với Thiên Chúa đạt tới chỗ tuyệt hảo. Như ta thấy nơi những người cầu nguyện trong Kinh Thánh, sự gắn bó này là yếu tố quan trọng nhất của kinh nguyện. Chúa Cha luôn nhận lời Ðức Giêsu, vì Ngài luôn làm đẹp lòng Cha (Ga 4,34; 11,42). Chúa Cha nhận lời, vì Ðức Giêsu vâng phục như một người con. Con chỉ xin điều Cha muốn, và Cha muốn tất cả những gì Con xin.

 

Qua lời Chúa, qua Ðức Giêsu, ta thấy điều quan trọng nhất khi cầu nguyện không phải là những gì nói ra trên môi miệng, nhưng là những gì ta có trong lòng; không phải là đối tượng của kinh nguyện, nhưng tiên vàn là chủ thể cầu nguyện, con người cầu nguyện.

 

* Cái mới do Thần Khí mang lại cho đời sống cầu nguyện là ở chỗ Ngài tái tạo con người cầu nguyện thành con người mới, bạn hữu với Thiên Chúa, cất đi tấm lòng giả hình của người nô lệ. Khi đến với ta, Thần Khí không chỉ dạy ta cầu nguyện, nhưng còn cầu nguyện trong ta. Thần Khí không ban cho ta một luật cầu nguyện, nhưng là một ơn cầu nguyện. Phải có ơn đã, rồi ta mới tập cầu nguyện theo cung cách của Abraham, của Môsê, ngay cả của Ðức Giêsu. "Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha ơi" (Gl 4,6). Chính đó là cầu nguyện "trong Thần Khí" hoặc "nhờ Thần Khí" (Ep 6,18).

Trong kinh nguyện cũng như trong những việc khác, Thần Khí không tự mình nói ra. Ngài không nói điều gì mới mẻ khác lạ. Ngài chỉ làm sống lại trong tâm hồn ta kinh nguyện của Ðức Giêsu. Ðức Giêsu nói về Thánh Thần như sau: "Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em" (Ga ,16,14). Áp dụng vào trường hợp ở đây, ta có thể nói: Thánh Thần lấy kinh nguyện của Ðức Giêsu mà ban cho ta. Nhờ vậy, chúng ta có thể nói rất đúng là: không còn phải tôi cầu nguyện nữa, mà là Ðức Kitô cầu nguyện trong tôi. Chính tiếng Abba chứng thực rằng người cầu nguyện trong ta, nhờ Thần Khí, chính là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa.Người ấy không thể là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần không thể gọi Thiên Chúa là Cha, vì Ngài không được sinh ra, nhưng là nhiệm xuất từ Cha. Khi dạy chúng ta kêu lên: Abba, Chúa Thánh Thần như thể một người mẹ dạy con mình nói: ba, cha.

 

* Chúa Thánh Thần đổ vào lòng ta tình cảm của người con, tình cảm làm cho ta cảm thấy mình là con cái Thiên Chúa (Rm 8,16). Ðôi lúc, vào dịp tĩnh tâm chẳng hạn, chúng ta cảm nhận được điều ấy. Và trong kinh nguyện, chúng ta hoàn toàn phó thác, vâng phục, gọi Thiên Chúa là Cha với cả tâm tình. Nhưng đó là trường hợp đặc biệt. Còn thường ra, nhiều người kêu "Cha", "Lạy Cha chúng con" mà chẳng cảm thấy gì. Chúng ta chỉ thuần tuý lặp lại lời Chúa dạy.

 

Tuy nhiên, có điều cần nhớ: tiếng kêu trên, dù không làm cho ta cảm thấy gì đi nữa, lại làm cho Chúa Cha vui mừng. Khi ấy, ta giống như một nhạc sĩ bị điếc, vẫn tiếp tục sáng tac những khúc nhạc đem lại niềm vui cho thính giả, dù chính mình không nghe thấy một dấu nhạc nào. Thường ra, khi kêu lên "Cha ơi", "Lạy Cha", ta chỉ nghĩ đến điều gì đó liên hệ với ta, hầu như không bao giờ nghĩ nó có ý nghĩa gì đối với Thiên Chúa là Ðấng đang nghe, không bao giờ nghĩ nó gây ra tác động nào nơi Thiên Chúa. Chúng ta không bao giờ nghĩ tới niềm vui của Thiên Chúa được chúng ta gọi là Cha. Người làm cha chắc chắn phải vui khi thấy con cái kêu mình là "ba", "cha". Mỗi lần được nghe gọi, người đó dường như lại trở thành cha, vì tiếng gọi đó nhắc nhớ vai trò của người đó là cha, nhắc thực hiện vai trò làm cha. Ðức Giêsu biết rõ như thế, nên Ngài thường kêu lên với Thiên Chúa: Lạy Cha. Và Ngài dạy ta làm như vậy.

 

Vậy khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta sẽ làm cho Ngài vui hết chỗ nói. Dựa vào một câu Kinh Thánh (Hs 11,8), tôi có thể quả quyết: Khi Thiên Chúa được ta gọi là Cha, lòng Ngài thổn thức và ruột gan Ngài bồi hồi. Ta hãy làm cho Thiên Chúa được như thế, cả khi ta không cảm thấy gì.

 

* Khi cùng với Thần Khí cầu nguyện thật sự, ta có thể thấy rằng cách cầu nguyện đơn giản nhất, là lặp lại lời kinh Ðức Giêsu đã dạy (kinh Lạy Cha), như người xưa lặp đi lặp lại lời kêu cầu Danh Ðức Giêsu ("Lạy Ðức Giêsu, xin thương xót con là kẻ có tội"). Chắc chắn ta không thể chú tâm đến từng lời từng chữ, nhưng việc lặp đi lặp lại vẫn tạo ra một nhịp kinh nguyện trong tâm trí. Khi đọc, đôi khi tâm trí ta để ý đến một lời xin nào đó trong 7 lời xin. Bất cứ nhu cầu nào của đời sống, tình trạng nào của tâm hồn cũng đều được phản ánh trong lời kinh này.

 

Ðặc biệt, kinh Lạy Cha là kinh nguyện lúc thử thách, giống với lời kinh Ðức Giêsu dâng lên Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu. Ở đó, khi thưa với Thiên Chúa, Ðức Giêsu gọi Thiên Chúa là "Cha" (Mc 14,36), "Lạy Cha" (Mt 26,39). Ngài xin cho ý Cha được nên trọn, y như chúng ta đọc trong kinh Lạy Cha, xin Cha cho "chén rời khỏi" Ngài, như chúng ta xin Chúa Cha cứu chúng ta cho khỏi sự dữ và đừng để chúng ta sa chước cám dỗ, tức là những thử thách. Những lúc gặp thử thách, sống trong tăm tối, chúng ta sẽ cảm thấy được an ủi, khi biết rằng Chúa Thánh Thần tiếp tục nơi ta lời cầu nguyện của Ðức Giêsu ở Vuờn Cây Dầu. Chúng ta cảm thấy được an ủi khi biết rằng những tiếng rên siết khôn tả của Chúa Thánh Thần nơi ta, vào những lúc đó, vươn lên tới Chúa Cha, hoà lẫn với những "tiếng kêu van khóc lóc" mà Ðức Giêsu dâng lên Chúa Cha, "khi còn sống kiếp phàm nhân" (Dt 5,7).

 

Tưởng cũng nên nhắc ở đây lời của Augustinô: "Chúa chúng ta, Ðức Giêsu Kitô, là Ðấng cầu nguyện cho ta, cầu nguyện trong ta, và được ta cầu nguyện. Người cầu nguyện cho ta với tư cách là linh mục của ta. Người cầu nguyện trong ta với tư cách là Ðầu của ta. Người được ta cầu nguyện với tư cách là Thiên Chúa của ta. Vậy ta hãy nhận biết tiếng của ta nơi Người, và tiếng của Người trong ta".

 

 

5. Cầu nguyện trong Thần Khí

 

* Tiếng của Thần Khí trong ta giống như kho tàng quý giá chôn giấu trong thửa ruộng tâm hồn ta, giống như "mạch nước ban sự sống thầm thĩ trong lòng ta rằng: Hãy đến với Chúa Cha" (Ignatiô Antiokia). Ở những vùng khô cạn, khi gặp một mạch nước ngầm, người ta cố đào bới đưa nó lên mặt đất để sử dụng. Chúng ta có nơi mình "mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời" (Ga 4,14), phải cố gắng đưa nó ra ánh sáng của tâm trí ta. Và phải luôn đưa nó ra, tìm lại nó, vì ta thường xuyên để nó bị che lấp bởi những tiếng ồn ào, những chuyện tào lao vô tích sự, những lo toan về xác thịt.

 

Ngày nay, nhiều người tìm lại được nhu cầu và sở thích cầu nguyện, nhưng lắm khi lại muốn tìm đến những nơi mãi đâu đâu. Ðó không nhất thiết là điều xấu. Ðôi khi cũng cần thay đổi bầu khí. Nhưng hãy nhớ lời Augustinô nói: "Hãy trở vào trong chính bạn. Chân lý ở bên trong con người". Ðúng vậy. Thiên Chúa ở trong ta, mà ta chỉ lo đi tìm Ngài ở bên ngoài. Kinh nguyện ở trong ta, mà ta lại mải mê đi tìm nó ở bên ngoài.

 

* Thánh Thần hiện diện trong ta không những làm sống động lời cầu xin của ta, mà còn làm cho bất cứ hình thức cầu nguyện nào được sống động và chân thực. Ðặc biệt là kinh nguyện Phụng vụ. Quả thực, khi ta cầu nguyện tự phát bằng lời lẽ riêng, thì Chúa Thánh Thần làm cho lời cầu nguyện của ta thành lời cầu nguyện của Ngài. Nhưng khi ta cầu nguyện bằng lời của Kinh Thánh hoặc của Phụng vụ, ta làm cho lời cầu nguyện của Chúa Thánh Thần trở thành lời cầu nguyện của ta. Và điều này bảo đảm hơn nhiều.

 

Ngay cả kinh nguyện chiêm niệm, tôn thờ, nếu được làm "trong Thần Khí", cũng rất có lợi. Theo thánh Basiliô, Thần Khí là "nơi", "chỗ" mà ta phải đi vào để chiêm ngắm và tôn thờ Thiên Chúa. Sách Xuất hành kể: Ðể có thể được Thiên Chúa tỏ mình ra, để có thể chiêm ngắm Ngài đi qua, Môsê đã ẩn mình trong hốc đá. Chúng ta cũng phải ẩn mình trong hốc đá là Thần Khí, để có thể chiêm quan Chúa. Sách Ðệ nhị luật đòi phải thượng tiến lễ hy sinh chỉ ở chỗ nào Thiên Chúa đã chọn (Ðnl 12,13-14). Chỗ mà Thiên Chúa đã chọn cho ta để ta dâng tiến hy tế chính là "trong Thần Khí". Ðức Giêsu cũng đã dạy ta như thế khi Ngài nói: "Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật" (Ga 4,23).

 

Như vậy, không những tâm hồn là đền thờ của Chúa Thánh Thần, mà chính Thánh Thần cũg là đền thờ của linh hồn. Trong đền thờ này, ta có thể chiêm ngắm Chúa thật gần gũi, vì Thánh Thần là Thiên Chúa. Nơi Ngài, chúng ta đến không phải với một vị trung gian nào đó, nhưng là chính Thiên Chúa. Ngài ở trong ta và ở trong Thiên Chúa. Thờ phượng trong Thần Khí có nghĩa là thờ phượng trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Từ bên trong, Ngài mở ra cho ta mầu nhiệm Ðức Kitô, và qua Ðức Kitô, đưa ta lên tới Chúa Cha. Ðó là bí mật và cũng là đặc quyền của Chúa Thánh Thần.

 

* Việc cầu nguyện trong Thần Khí đem lại cho ta nhiều hy vọng. Tuy vậy, trong thực tế, liên hệ đến đời sống thiêng liêng và luân lý của mình, nhiều người cảm thấy mình bất lực trước các cám dỗ, thấy mình không thể đáp lại những đòi hỏi của luân lý Phúc Âm. Quả thực, chỉ dựa vào sức riêng, thì đúng là bất lực, bất khả. Phải có ơn thánh. Nhưng ơn thánh lại là ơn ban nhưng không, chứ không phải do ta đáng được. Thất vọng chăng? Bỏ cuộc chăng? Công đồng Trentô nói: "Khi ban ơn cho ta, Thiên Chúa truyền ta làm điều ta có thể làm, và truyền ta xin điều ta không thể làm" (DS 1536). Khi đã làm mọi sự có thể làm mà không có kết quả, chẳng hạn tìm mọi phương cách chống lại cám dỗ cũng chẳng đi đến đâu, thì vẫn còn một điều có thể làm là cầu nguyện, Nếu đã cầu nguyện rồi thì tiếp tục cầu nguyện nữa.

 

Cái khác giữa Cựu ước và Tân ước là ở chỗ này: trong chế độ cũ (Lề luật), Thiên Chúa truyền khi nói với con người: "Ngươi hãy làm điều ta truyền cho ngươi". Còn trong chế độ mới (ân sủng), con người xin khi thưa với Chúa: "Xin ban cho con điều Chúa truyền". Augustinô đã khám phá ra bí mật này. Ngài bị cám dỗ về đức trong sạch, dùng nhiều phương sách chống lại mà chẳng ăn thua. Thế rồi ngài đổi kiểu: thay vì tự mình chống lại, ngài bắt đầu cùng với Thiên Chúa chiến đấu. Ngài viết: "Lạy Chúa, Chúa truyền cho con phải trong sạch, thì xin ban cho con điều Chúa truyền, và rồi truyền cho con điều Chúa muốn". Nghĩa là xin trước để được ơn, rồi có thể làm điều Chúa truyền. Kết quả là từ đó ngài giữ được đức trong sạch.

 

Như đã nói trên, kinh nguyện là hơi thở của linh hồn. Với người sắp ngất, ngạt thở, người ta giục người đó thở mạnh. Cũng vậy, đối với người sắp sa chước cám dỗ, sắp đầu hàng trước những thử thách, người đó cũng được thúc giục phải cầu nguyện nhiều, gia tăng cầu nguyện. Không ít người làm chứng là đời sống của họ thay đổi, kể từ lúc họ biết dành ra một giờ mỗi ngày để cầu nguyện, và cố duy trì nó bằng bất cứ giá nào.

 

6. Kinh nguyện chuyển cầu

 

Sức mạnh của kinh nguyện được thể hiện nhất là trong việc chuyển cầu, cầu thay nguyện giúp cho người khác. Thần Khí chuyển cầu cho ta, thế nên phương tiện bảo đảm nhất để hài hoà với kinh nguyện của Chúa Thánh Thần là ta cũng chuyển cầu cho các anh chị em, cho mọi người.

 

Trong lời nguyện tế hiến, Ðức Giêsu để lại cho ta một mẫu gương chuyển cầu rất cao đẹp: "Con cầu xin cho họ. Xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con" (Ga 17,9tt). Ðức Giêsu tương đối ít cầu xin cho mình, nhung xin rất nhiều cho người khác. Nhờ Thánh Thần là Ðấng chuyển cầu cho ta, Ðức Giêsu tiếp tục lời nguyện chuyển cầu cho ta.

 

Trở lại với Kinh Thánh. Ta thấy người cầu nguyện tỏ ra mạnh dạn trước mặt Chúa nhất, chính là khi cầu thay nguyện giúp cho người khác. Và lời nguyện chuyển cầu này làm Thiên Chúa rất hài lòng. Vì sao? Vì khi không còn dấu vết ích kỷ, lời chuyển cầu đó phản ánh rõ nhất tính chất nhưng không của Thiên Chúa, hoà hợp với ý của Thiên Chúa là muốn cho mọi người đuợc ơn cứu độ (1Tm 2,4).

 

Trong đoạn cuối sách Gióp, ta thấy vì Gióp cầu xin cho 3 người bạn đã nói những lời khinh mạn Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã tha cho họ, và đã phục hồi tài sản cho ông (G 42,8-10). Người Tôi tớ của Giavê, nói trong Isaia, được Thiên Chúa ban muôn người làm gia sản, vì đã can thiệp cho những kẻ tội lỗi (Is 53,12).

 

Lời chuyển cầu còn có hiệu lực đặc biệt khi người cầu nguyện là người được Thiên Chúa đặt làm đầu trong dân hay trong cộng đoàn. Chính Môsê đã đứng trước nhan Thiên Chúa như đứng nơi tiền tuyến, để ngăn ngừa cơn thịnh nộ của Thiên Chúa muốn tiêu diệt dân. Vậy mà Thiên Chúa lại thích hành động đó, và đã rút lại điều dữ định làm (Xh 32,14). Vậy những người đứng đầu một cộng đoàn chẳng hạn, nếu thấy cộng đoàn có điều xấu, cứ đứng về phía họ và cầu xin, cùng với họ và cho họ. Ðừng đứng về phía Chúa mà nổi giận với họ. Dĩ nhiên, trước mặt họ thì phải hết sức bênh vực Thiên Chúa.

 

Thiên Chúa giầu lòng thương xót, tuy có bổn phận sửa phạt, nhưng tìm mọi hoàn cảnh giảm khinh có thể có để khỏi phạt, và rất vui mừng khi thấy các anh em của phạm nhân xin cho phạm nhân khỏi bị phạt. Thiên Chúa phải than phiền khi không thấy người anh chị em nào giơ tay van xin: "Người đã thấy chẳng có ai phản ứng. Người ngạc nhiên vì không ai can thiệp" (Is 59,16). Cùng một lời than phiền như vậy trong Ezêkiel: "Ta đã kiếm trong bọn một người. đứng trước nhan Ta. nhằm ngăn cản Ta. nhưng Ta không tìm ra" (Ed 22,30). Chúng ta hãy là những người can thiệp đó, dâng lời cầu xin của ta cho các anh chị em mình.

 

Chúng ta có thể đúc kết về ý nghĩa và hiệu lực của việc chuyển cầu bằng lời sau đây của Ambrosiô: "Nếu bạn cầu nguyện cho bạn, bạn chỉ có một mình cầu nguyện cho bạn. Và nếu mỗi người chỉ cầu nguyện cho mình, ân sủng mà người cầu nguyện nhận được ít hơn là nơi người chuyển cầu cho người khác. Nhưng nếu mỗi người cầu nguyện cho mọi người, thì khi ấy, mọi người cầu nguyện cho mỗi người. Tóm lại, nếu bạn chỉ cầu nguyện cho bạn mà thôi, bạn sẽ chỉ có một mình. Nhưng nếu bạn xin cho mọi người, mọi người sẽ xin cho bạn".

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

( micquang@pmail.vnn.vn )


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà