Kết luận :


MẦU NHIỆM KINH NGUYỆN TRONG THIÊN CHÚA (*)


 

1. Người kitô hữu không cầu nguyện với Thiên Chúa, nhưng cầu nguyện trong Thiên Chúa

 

Người kitô hữu không ở trước nhan Thiên Chúa như trước một người xa lạ. Khi cầu nguyện, họ đi vào trong chính mầu nhiệm Thiên Chúa. Họ được mầu nhiệm ba ngôi bao bọc.

 

Không như bất cứ một hình thức kinh nguyện nào khác, kinh nguyện kitô giáo có đặc điểm là một kinh nguyện ba ngôi. Phụng vụ của Giáo Hội luôn dạy chúng ta cầu nguyện theo tiến trình : trong Chúa Thánh Thần, nhờ Chúa Con, ta đến với Chúa Cha, và từ Chúa Cha, mọi ơn lành được ban cho ta nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Các lời nguyện phụng vụ đều kết thúc bằng công thức ba ngôi.

 

Đặc biệt, Kinh Nguyện Thánh Thể chính là một cách cầu nguyện trong lòng Ba Ngôi. Chúng ta chúc tụng Chúa Cha là Đấng chí thánh, xin Ngài sai Thần Khí đến làm cho Chúa Kitô hiện diện. Sau khi chúc tụng và tạ ơn Chúa Cha, trong lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần và trong việc tưởng niệm Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Con, chúng ta lại nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần, nhờ bánh rượu đã trở nên Mình Máu Chúa, hướng về Chúa Cha, như đọc trong Vinh tụng ca kết thúc: “Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng đến muôn thuở muôn đời”.

 

Như vậy, đặc điểm của kinh nguyện kitô giáo là cầu nguyện trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Cầu nguyện là chúng ta ở trong Chúa Cha, trong Thần Khí, nhờ Chúa Con. Chúng ta xử sự như những con cái trong mầu nhiệm Chúa Cha. Phaolô nhắc cho ta như thế trong chương 8 thư Rôma, cũng như trong thư Galát: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha ơi” (Gl 4,6). Như vậy, khi ta cầu nguyện thì Thần Khí sống trong ta và, trong Thần Khí, ta kêu lên: “Cha ơi”. Chính Phaolô, khi cầu nguyện, cũng đã xin Chúa Cha ban cho ta “nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự đến trong tâm hồn” (Ep 3,17).

 

Kinh nguyện là lúc Ba Ngôi đi vào lịch sử thế giới, lúc thể hiện giao ước giữa lịch sử muôn đời của Thiên Chúa và lịch sử chóng qua của con người. Kinh nguyện là bảo chứng niềm hy vọng, cho ta được nếm thử trước ngày thế giới sẽ hoàn toàn ở trong Thiên Chúa, lúc Thiên Chúa là mọi sự cho mọi người. Trong kinh nguyện, Ba Ngôi và con người thực sự kết hợp với nhau. Con người ý thức mình ở trong lòng Ba Ngôi và Ba Ngôi được công bố hiện diện nơi tâm hồn con người, như điều Đức Giêsu nói: “Cha của Thày và Thày sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).

 

Chính đó là mầu nhiệm kinh nguyện kitô giáo, mầu nhiệm giúp ta hiểu rằng cầu nguyện là cầu nguyện trong Thiên Chúa, trong Ba Ngôi chí thánh.

Dựa vào những gì nói trên và qua cách thực hành của phụng vụ, chúng ta khai triển ba khía cạnh: kinh nguyện hướng về Chúa Cha, nguồn mạch và cùng đích mọi sự; kinh nguyện được thực hiện nhờ Chúa Con, “nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”; kinh nguyện được thực hiện trong Chúa Thánh Thần.

 

a) Kinh nguyện hướng về Chúa Cha

Kinh nguyện nói lên mối tương quan của Chúa Cha với ta và của ta với Chúa Cha.

 

* Tương quan của Chúa Cha với ta

 

Thư Giacôbê cho biết Chúa Cha là nguồn mạch mọi ơn lành và phúc lộc hoàn hảo (Gc 1,17).

 

Theo mạc khải, Chúa Cha là Đấng yêu ta trước, sai Chúa Con và Chúa Thánh Thần đến với ta. Chúa Cha là nguyên lý vĩnh cửu và nguồn mạch của tình yêu. Ngài không yêu vì lý do nào đó buộc Ngài phải yêu. Ngài yêu vì lấy đó làm vui. Luthêrô nói: “Thiên Chúa không yêu ta vì ta tốt lành và đẹp đẽ, nhưng Ngài làm cho ta nên tốt lành và  đẹp đẽ vì yêu ta”. Từ đời đời Ngài đã yêu ta và còn yêu ta mãi mãi. Và nếu Ngài là nguồn mạch mọi ơn lành và phúc lộc hoàn hảo, thì mọi sự đều từ Ngài mà đến. Kinh nguyện là nơi mà con người và Giáo Hội nhận ra tình yêu và mầu nhiệm Thiên Chúa đến với họ.

 

Cầu nguyện không phải là nói nhiều để thổ lộ lòng yêu mến. Cầu nguyện là để mình được Thiên Chúa yêu. Theo nghĩa này, cầu nguyện tiên vàn là lãnh nhận, là thinh lặng nhẫn nại chờ đợi tình yêu của Thiên Chúa. Ai không có tâm hồn nghèo khó trước Thiên Chúa sẽ không bao giờ biết cầu nguyện. Không có tâm hồn này, việc cầu nguyện của người ấy chỉ là một hoạt động của con người. Nhưng cầu nguyện lại là công việc của Thiên Chúa (opus Dei), như thánh Bênađô nói. Thế nên con người phải để Thiên Chúa hoạt động.

 

Giáo Hội cầu nguyện mà biết đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, sẽ giống như Đức Maria, Đấng đã cảm nghiệm Thiên Chúa trong lòng dạ trước khi thấy và chiêm ngắm Ngài. Trong kinh nguyện kitô giáo cũng như nơi Đức Maria, cảm nghiệm mầu nhiệm đi trước chiêm ngắm mầu nhiệm.

 

Vì cầu nguyện trước hết là để mầu nhiệm Thiên Chúa tràn ngập nơi ta, nên ta phải dành thời giờ cho Thiên Chúa. Theo Karl Barth, Thiên Chúa đã dành thời gian cho con người. Đổi lại, con người cũng phải dành thời giờ cho Thiên Chúa, với thái độ thinh lặng, ngoan ngoãn, kiên trì và trung thành để mình được Ngài yêu. Khi ấy, kinh nguyện của ta không dựa trên sự phấn khởi nhất thời, trên cảm xúc mau qua, nhưng trên sự lựa chọn ở trước nhan Thiên Chúa, chấp nhận để Ngài lên tiếng khi nào và cách nào Ngài muốn.

 

* Tương quan của ta với Chúa Cha

 

Mọi sự từ Chúa Cha mà đến, nhưng cũng trở lại với Ngài. Trong kinh nguyện, chúng ta không chỉ đón nhận phúc lộc từ Thiên Chúa, mà còn biết đáp lại ơn Ngài, muốn đưa mọi sự về Ngài. Con người có sẵn trong tâm hồn ý hướng về Thiên Chúa. Kinh nguyện sẽ giúp họ bộc lộ ý hướng này qua những hành vi ca ngợi, tạ ơn, chuyển cầu, để đưa cả thế giới về lại với Thiên Chúa, nhờ đó mà nó tìm lại được nguồn gốc đích thực của mình.

 

Nền tảng của ơn gọi kitô giáo là ở chiều đi lên này của kinh nguyện. Ơn gọi này là dấn thân hoạt động nhằm phục vụ con người, đấu tranh cho công lý, liên đới với người nghèo. Đây không phải là một thứ mốt của xã hội, nhưng là đáp lại điều người ta cảm nghiệm được khi cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện, người kitô hữu tập xem xét mọi sự trong ánh sáng của Thiên Chúa, tố cáo những bất công, công bố chân lý Nước Trời. Nhờ cầu nguyện, họ định hướng cuộc đời mình tới ý nghĩa sâu xa và tối hậu của mọi sự. Nhờ cầu nguyện, họ tập nhận ra lịch sử riêng của họ, của con người và của Giáo Hội, đang tiến về quê hương vĩnh cửu.

 

Một dân tộc hay một Giáo Hội càng cầu nguyện thì càng theo sát lịch sử, càng vào sâu trong lịch sử, để đảm nhận niềm hy vọng của con người và biến nó thành một con đường cụ thể thực hiện công lý và hoà bình. Ai đi vào mầu nhiệm Chúa Cha giữa lòng Ba Ngôi thì cũng ở giữa lòng lịch sử. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Người cầu nguyện là người lèo lái lịch sử”. Mọi sự từ Chúa Cha mà đến và trở về với Ngài, được thực hiện trong một mạch kín là tình yêu Ba Ngôi. Tình yêu này chan hoà trong lịch sử, một lịch sử mà chúng ta, khi cầu nguyện, phải hội nhập với tất cả ý thức.

Tựu trung, cầu nguyện trong tương quan với Chúa Cha có nghĩa là thừa nhận rằng mọi sự từ Ngài mà đến, coi kinh nguyện như một sự thinh lặng, đón nhận, chờ đợi; đồng thời thừa nhận rằng mọi sự trở về với Ngài, coi kinh nguyện như một lời ca ngợi, tạ ơn và chuyển cầu.

 

b) Kinh nguyện nhờ Chúa Con

 

Giáo Hội luôn dạy ta cầu nguyện nhờ Chúa Con. Điều này có nghĩa gì ?

Nếu Chúa Cha là nguồn mạch tình yêu, là Đấng yêu thương từ đời đời, thì Chúa Con là Đấng được yêu từ đời đời, đón nhận tình yêu từ đời đời. Qua tình yêu này, Chúa Con đã được sai xuống thế, chấp nhận cái chết thập giá và được đầy tràn Thần Khí trong ngày phục sinh.

 

Chúa Cha dạy chúng ta rằng ban tặng và yêu thương là hành vi thần linh. Chúa Con dạy chúng ta rằng đón nhận và để mình được yêu cũng là hành vi thần linh. Vậy điều quan trọng là khám phá ý nghĩa thần linh của việc đón nhận tình yêu. Cầu nguyện “nhờ Chúa Con” tiên vàn có nghĩa là đi vào trong mầu nhiệm đón nhận của Chúa Con, để rồi, trong sự đón nhận này, chúng ta khi cầu nguyện sẽ trở thành người đón nhận như thế nào trong đời sống cụ thể. Như vậy, kinh nguyện cho thấy hai khía cạnh trong tương quan với Chúa Con : kinh nguyện như một sự bắt chước Đức Kitô; kinh nguyện như một sự đồng hành với đức tin và đời sống.

 

* Kinh nguyện như một sự bắt chước Đức Kitô.

 

Bắt chước ở đây là bắt chước sự đón nhận của Chúa. Hạn từ “bắt chước” rất thường được nói đến trong truyền thống tu đức của Giáo Hội. Theo các Giáo phụ, bắt chước không phải là xem xét một kiểu mẫu từ xa, rồi tìm cách rập theo kiểu mẫu đó. Theo truyền thống tu đức lớn, bắt chước là thể hiện lại. Bắt chước Đức Kitô là thể hiện lại Đức Kitô nơi ta. Nói như Phaolô, đó là để Đức Kitô sống trong ta (x. Gl 2,20), để Ngài ngự trong tâm hồn nhờ lòng tin (x.Ep 3,17), chi phối tư tưởng, lời nói, tình yêu và sự sống của ta. Điều này được thực hiện trong việc cầu nguyện nhờ Chúa Con. Cầu nguyện là lúc mà Chúa Con cắm lều nơi con người và lịch sử của ta.

 

Việc bắt chước này có hai khía cạnh. Trước khi sống lại, Chúa đã bị đóng đinh thập giá. Vậy bắt chước Chúa Kitô là bắt chước Đấng bị đóng đinh và bắt chước Đấng Phục sinh vinh hiển.

 

Trước hết, kinh nguyện làm cho ta có kinh nghiệm về thập giá của Chúa, đưa ta đến chỗ bắt chước Đấng bị đóng đinh.

 

Chúng ta thường cho rằng sự khô khan khi cầu nguyện là do sự yếu đuối của con người và cũng do tội lỗi nữa. Tuy nhiên, sự khó khăn khi cầu nguyện không chỉ có một ý nghĩa nhân học, nhưng có một ý nghĩa thần học sâu sắc. Cầu nguyện khó khăn chính là lúc đưa ta vào mầu nhiệm thập giá Chúa. Do đó ta hiểu vì sao những người muốn cảm nghiệm Thiên Chúa một cách nghiêm túc vẫn trải qua những lúc bị thử thách và khô khan khi cầu nguyện. Ai không bị thử thách, sẽ không biết ý nghĩa của hy vọng, do đó không biết ý nghĩa của cầu nguyện. Thiên Chúa là lò lửa bừng cháy. Ai không được lửa này thanh tẩy, sẽ không bao giờ là một người cầu nguyện. Người đó có thể cầu nguyện nhiều lời, nhưng sẽ không cho thấy ý nghĩa của tự do và an bình mà kinh nguyện đem lại cho tâm hồn con người.

 

Không phải tình cờù mà các nhà tu đức lớn thú nhận với chúng ta là các ngài đã phải chiến đấu thế nào khi cầu nguyện. Têrêxa Avila đã khô khan tới 19 năm, và có lần đã nói là mình thích bất cứ điều gì khác hơn là trung thành cầu nguyện. Ignatiô Loyola đã từng có kinh nghiệm về sự khó khăn này, nên khuyên: “Lúc khô khan, bạn hãy làm chính những việc mà bạn hẳn sẽ làm lúc phấn khởi”.

 

Sự khô khan không chỉ là một thử thách, nhưng còn là một ân sủng, vì là lúc Chúa đưa ta từ bóng tối ra ánh sáng. Về kinh nghiệm thử thách như một kinh nghiệm ân sủng, Luthêrô có những lời lẽ rất hay như sau: “Nếu Thiên Chúa muốn làm cho chúng ta sống, Ngài giết chết chúng ta. Chính khi dẫn ta tới thung lũng tối tăm mà Ngài ban cho ta đầy ánh sáng của Ngài”. Sự khô khan khi cầu nguyện là cái giá phải trả cho những ai muốn bắt chước Đức Kitô.

 

Muốn cầu nguyện mà lại không muốn biết đến những khó khăn, thì sẽ không cầu nguyện nữa. Ta sẽ không bao giờ là một người cầu nguyện, nếu dừng lại trước những khô khan và mệt nhọc đầu tiên. Nhưng ta sẽ là người cầu nguyện nếu chấp nhận kiên trì trong lúc khó khăn, chấp nhận đôi khi vẫn tiếp tục cầu nguyện dù không cảm thấy gì, hiến dâng cho Chúa thời giờ cầu nguyện tưởng là vô ích.

 

Điều này có giá trị cho cả cầu nguyện riêng lẫn cầu nguyện chung. Chúng ta đã đánh mất ý nghĩa thần học của sự khô khan, đến nỗi không còn can đảm cùng nhau cầu nguyện trong thinh lặng. Khi cầu nguyện chung với nhau, chúng ta luôn có nhiều lời, hầu như sợ thinh lặng vì dễ chia trí. Thực ra, trong kinh nguyện, thinh lặng cũng có giá trị ngang với lời nói. Nó cho phép ta cảm nghiệm được ý nghĩa của việc một mình đối diện với Thiên Chúa, thinh lặng bày tỏ mình trước sự thinh lặng đầy yêu thương của Thiên Chúa.

 

Kinh nguyện cũng giúp ta bắt chước Đức Kitô vinh hiển. Ngài không chỉ là Đấng bị đóng đinh, mà còn là Đấng được tôn vinh. Đây là khía cạnh thứ hai cho thấy kinh nguyện là nguồn mạch hoan lạc và bình an. Đó là sự hoan lạc và bình an của người đã chiến thắng sự chết, nhờ quyền năng của Chúa Phục sinh. Chỉ trong mầu nhiệm kinh nguyện kitô giáo, chúng ta mới biết đến niềm vui này. Người không có kinh nghiệm về Thiên Chúa thì không thể có nó. Người ta có thể vui lúc nào đó, nhưng niềm vui này mau qua, khác với niềm vui sâu xa của người được sống lại, dự phần vào sự sống mới.

 

Niềm vui sâu xa này, chúng ta vẫn giữ được cả khiø đang mất hết mọi sự, thất bại, cô đơn, buồn phiền. Sự buồn phiền cũng có một giá trị. Đừng tin người kitô hữu nào nói với ta là họ không bao giờ biết buồn, nhất là vì Đức Kitô cũng đã biết buồn. Nhưng đồng thời, vẫn còn có kinh nghiệm về sự chiến thắng, hoan lạc và bình an. Kinh nguyện là nguồn mạch bình an, vì bắt chước và tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh của Chúa.

 

* Kinh nguyện như một sự đồng hành với đức tin và đời sống.

 

Trong kinh nguyện, ta trở thành thân thể Đức Kitô. Kinh nguyện là nguồn mạch của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội sinh ra từ lời Chúa, thì kinh nguyện, nơi mà lời Chúa được đón nhận trong thinh lặng, là nguồn gốc của tất cả đời sống Giáo Hội. Con người càng cầu nguyện thì càng ý thức về Giáo Hội, vì càng cầu nguyện càng cảm thấy mình đối diện với Thiên Chúa và hiệp thông với những người khác.

 

Chiêm niệm là gì ? Contemplatio gồm cum và templum. Cum có nghĩa là cùng với; templum (từ hy lạp temnein = tách biệt). Chiêm niệm là đặt hai thực thể gần nhau, tách biệt nhau nhưng ở với nhau. Người chiêm niệm là người vừa cô độc vừa hiệp thông. Theo D. Bonhoeffer, ai không có khả năng sống cô độc với Thiên Chúa, thì không thể hiệp thông với các anh chị em mình. Cũng vậy, ai không có khả năng hiệp thông với người khác thì không thể một mình đối diện với Thiên Chúa. Kinh nguyện là chiêm niệm nếu là sự cô độc với Đức Kitô, nhưng cũng là sự hiệp thông với thân thể Đức Kitô.

 

Ý thức về Giáo Hội, trước khi được nuôi dưỡng bằng những ý tưởng thần học, thì đã được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm đích thực về mầu nhiệm kinh nguyện kitô giáo, về phụng vụ.

 

Người thực sự cầu nguyện là một nhà cách mạng, theo nghĩa là người kiến tạo hoà bình. Người đó giống như thánh Phanxicô Assisi, suốt đời mưu cầu hoà bình nhằm xoá bỏ hận thù, vì biết Đức Kitô đồng hành với mọi người.

 

Không những đồng hành với đức tin, kinh nguyện còn đồng hành với đời sống. Đó là do con người được đón nhận trong Đức Kitô. Đồng hành có nghĩa là cùng nhau bẻ bánh hoặc ăn chung với nhau. Đồng hành với đời sống là liên đới, “ở với”, “sống cho”. Theo nghĩa này, kinh nguyện dạy ta sống liên đới với người khác. Người cầu nguyện sẽ tập mang gánh nặng của người khác, biết nhìn người khác bằng đôi mắt yêu thương. Và ở đâu có yêu thương, ở đấy người ta hiểu được cần phải làm gì, như câu tục ngữ thời Trung cổ nói: Đâu có tình yêu, đấy có con mắt (ubi amor, ibi oculus).

 

Điều quan trọng là phải quan niệm kinh nguyện như một trường đào tạo tình liên đới. Nơi đó, chúng ta được dạy cho biết nhìn tới người khác, biện biệt các ý định của Thiên Chúa và các nhu cầu của nhân loại. Kinh nguyện chính là nơi tuyên dương bác ái kitô giáo.

 

c) Kinh nguyện trong Thần Khí

 

Theo truyền thống tây phương, Thần Khí là mối dây tình yêu vĩnh cửu giữa Đấng yêu và Đấng được yêu. Thần Khí là Tình Yêu. Nhãn quan trên đây của Augustinô đã ảnh  hưởng trên toàn thể Tây phương la tinh đến nỗi, cả trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần “bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra”. Người ta giải thích mầu nhiệm như thế này : Chúa Thánh Thần là dây tình yêu liên kết Chúa Cha và Chúa Con, là sự bình an của Thiên Chúa, sự hiệp thông của Thiên Chúa. Ngài cũng là Đấng tạo ra sự bình an và hiệp thông trong lòng con người.

 

Trong khi truyền thống tây phương để ý hơn khía cạnh phục sinh của Đức Kitô khi bàn về Chúa Thánh Thần, thì truyền thống đông phương để ý hơn khía cạnh tử nạn. Theo truyền thống này, Đức Giêsu liên đới với các tội nhân là nhờ Thần Khí. Đối với Đông phương, Thần Khí còn hơn là một mối dây hiệp nhất. Ngài là hồng ân của Thiên Chúa, là sự hướng ngoại của Thiên Chúa. Nếu “yêu không phải là nhìn vào mắt nhau, nhưng là cùng nhau nhìn về một hướng” (A. de Saint-Exupéry), thì Chúa Thánh Thần là Đấng thực hiện điều này nơi Thiên Chúa. Trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa ra khỏi mình, hướng tới thụ tạo. Do đó, việc tạo dựng được thực hiện trong Thần Khí, vì Thần Khí bay lượn trên mặt nước. Việc nhập thể được thực hiện trong Thần Khí, vì Thần Khí phủ bóng trên Đức Trinh Nữ Maria. Giáo Hội khai sinh ngày lễ Ngũ tuần là do Thần Khí. Các lời tiên tri luôn được Thần Khí gợi ra. Thần Khí đem lại sự mới mẻ, mở ra tương lai.

 

Chính vì vậy mà đối với Đông phương, Chúa Thánh Thần không phải bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Người Đông phương vốn nhạy cảm nên không hiểu nổi điều này. Cũng vì vậy mà trong kinh Tin Kính của Đông phương, không có từ filioque (và Đức Chúa Con), bởi Đông phương quan niệm Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha mà ra, nhờ Chúa Con.

Nếu dùng đồ hình, ta sẽ vẽ truyền thống tây phương về Ba Ngôi bằng một vòng tròn lưu chuyển tình yêu, Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau trong Chúa Thánh Thần; và vẽ truyền thống đông phương về Ba Ngôi bằng một đường thẳng kéo dài đến vô tận, từ Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần, để sự sống luôn vọt ra theo một cách thức mới mẻ, và được đưa vào lòng Ba Ngôi.

 

Dựa vào cả hai truyền thống, chúng ta tự hỏi : cầu nguyện trong Thần Khí, “hiệp nhất với Chúa Thánh Thần” như phụng vụ dạy ta đọc, điều ấy có nghĩa gì ?

 

 

Vì Thần Khí là nguồn mạch hiệp nhất, kinh nguyện trong Thần Khí đưa ta tới sự hiệp nhất của mầu nhiệm. Kinh nguyện dạy ta đối thoại và hiệp thông.

 

Người cầu nguyện tập tôn trọng tha nhân dù họ khác với mình, biết thừa nhận người khác như một hồng ân làm một với mình. Không có khoan dung thì không có đối thoại, và thường ra không có tinh thần cầu nguyện đích thực. Người không khoan dung ít khi cầu nguyện hoặc cầu nguyện mà không có tinh thần. Còn người thực sự cầu nguyện là người kiến tạo hoà bình.

 

 

Nói tới Thần Khí là nói tới sự mới mẻ và mở rộng. Người cầu nguyện trong Thần Khí sẽ không thể là người bảo thủ chỉ biết khư khư với quá khứ, nhưng luôn hy vọng vào tương lai, vì Thần Khí hằng sống trong lịch sử. Tuy trung thành với cái cũ, với Đức Kitô, với Chúa Cha, với truyền thống giáo hội, nhưng người cầu nguyện cũng thực sự là con người đổi mới, vì sẵn sàng đón nhận điều mới. Trung thành và mới mẻ không đối nghịch nhau, nhưng là hai khía cạnh của cùng một kinh nghiệm. Người thực sự trung thành thì cũng thực sự đổi mới, nhưng không phải là người chỉ ham thích những gì mới mẻ. Sống trong Thần Khí, cầu nguyện trong Thần Khí, họ biết làm những gì mới mẻ do Thần Khí gợi hứng mà vẫn là con người trung thành.

 

Thời Trung cổ, người ta khẳng định điều này bằng một kiểu nói rất hay : chúng ta như những người lùn ngồi trên vai những người khổng lồ. Người khổng lồ là các tổ phụ của ta trong đức tin, vĩ đại hơn ta nhiều. Tuy vậy, nếu các ngài là những người khổng lồ và chúng ta là những người lùn, chúng ta lại ngồi trên vai các ngài. Ngồi trên đó tức là chúng ta nhìn xa hơn các ngài. Nhìn xa trông rộng hơn người thường, chính là các tiên tri. Trong Thần Khí, người ta trở thành tiên tri mà không biết, vì đây là công việc của Thần Khí. Một Giáo Hội cầu nguyện trong Thần Khí là một Giáo Hội biết nhìn xa, không phàn nàn về những thất bại, đau khổ. Đó là một Giáo Hội có tràn đầy hy vọng, luôn đổi mới, hướng tới sự trẻ trung vĩnh cửu.

 

2. Đào tạo việc cầu nguyện

 

Dựa vào những gì vừa khai triển, ta có thể khẳng định rằng cầu nguyện là lịch sử Thiên Chúa trong lịch sử con người, đưa Ba Ngôi ngày càng vào sâu trong cuộc sống của ta. Chính vì cầu nguyện là lịch sử mà nó phải đương đầu với ba cám dỗ : sợ hãi, thoái thác và thiếu kiên nhẫn. Do sợ mà chúng ta từ chối tương lai. Do thoái thác mà chúng ta phủ nhận hiện tại. Do thiếu kiên nhẫn mà chúng ta phủ nhận quá khứ. Tự nền tảng, các cám dỗ trên làm cho kinh nguyện không còn phải là một lịch sử, nhưng là một hoạt động bên lề, tuỳ phụ, tách rời khỏi đời sống.

 

a) Cám dỗ lớn thứ nhất : sợ hãi

 

Người ta sợ Thiên Chúa, sợ những đòi hỏi của Ngài. Thời Trung cổ gọi đó là sự lười biếng về đường thiêng liêng, một ý tưởng quan trọng nhưng ít nhiều bị lãng quên. Người ta sợ Thiên Chúa vì biết rằng những đòi hỏi của Ngài là những đòi hỏi chết người.

 

Nhưng ai thực sự gặp gỡ Thiên Chúa đều sẵn sàng chết cho mình, để đi vào một thế giới chưa từng biết đến. Ai thực sự cầu nguyện đều dám chấp nhận không tự liệu lý cuộc đời của mình, nhưng đặt nó trong bàn tay của một Đấng khác. Theo nghĩa này, kinh nguyện thực hiện đầy đủ kinh nghiệm đức tin. Thời Trung cổ cho rằng tin là trao tặng tấm lòng mình (credere = cor + dare). Trao tặng tấm lòng mình là biến mình thành tù nhân của Thiên Chúa vô hình. Tin là đi vào trong đêm tối của Thiên Chúa, mà không chắc chắn sẽ có ban ngày, chân nhận rằng chỉ mình Thiên Chúa có thể soi sáng giúp mình bước đi. “Lạy Chúa, lời Chúa là đèn rọi bước chân con”.

 

Có được thái độ như trên quả là khó. Chúng ta bị cám dỗ tự vệ chống lại tương lai của Thiên Chúa, tin tưởng vào những gì đã là và đã làm hơn là chờ đợi những điều bất ngờ Chúa cho xẩy đến. Cám dỗ này, chàng thanh niên giầu có trong Phúc âm (Mc 10,7tt) đã gặp. Trước những đòi hỏi của Chúa (bán mọi sự mình có và bố thí cho người nghèo), anh tỏ ra sợ hãi, không dám vứt bỏ quá khứ để phó thác vô điều kiện cho bàn tay của một người xa lạ đang mời gọi anh, dù ngài nhìn anh bằng cặp mắt yêu thương.

 

Bài học đầu tiên dạy thực tập cầu nguyện là can đảm để lòng được tự do, chấp nhận một mình đối diện với Thiên Chúa, không tìm cớ thoái thác, bào chữa. Cớ thoái thác này có thể có ngay cả trong kinh nguyện, khi ta chỉ biết nói nhiều như dân ngoại quen làm, không dành khoảng trống nào để Thiên Chúa có thể nói với ta. Khi chấp nhận một mình đối diện với Thiên Chúa, ta cũng dám chấp nhận tác động mạnh mẽ của kinh nghiệm này trong tâm hồn và cuộc sống của ta.

 

Dân nào sợ thay đổi thì sẽ không cầu nguyện. Ngược lại, nếu thực sự cầu nguyện, dân đó sẽ không còn sợ hãi. Họ để cho Thiên Chúa hành động, sẵn sàng cho những việc bất ngờ Ngài làm. Họ sẽ là một dân lữ hành, luôn trẻ trung và tự do.

 

Kinh nguyện giúp ta thoát khỏi sự trống rỗng và khốn cùng của ta, cho ta thấy những điều mới mẻ của Thiên Chúa, không những thế, nó còn thực hiện trước tương lai của Thiên Chúa trong thời gian hiện tại của con người. Do đó, điều quan trọng là biết cầu nguyện khi gặp những thách đố, khó khăn và nghịch lý mà chúng ta đang đương đầu. Khi ấy, cầu nguyện là một hành vi can đảm. Đó là sự can đảm của con người tự do trong tình yêu.

 

b) Cám dỗ lớn thứ hai : thoái thác hoặc trốn tránh

 

Nếu sợ hãi từ chối tương lai của Thiên Chúa, thì thoái thác từ chối hiện tại của con người. Thoái thác là nói, chẳng hạn: Tôi mà sống trong điều kiện khác, thì tôi đã là một kitô hữu tốt …

 

Một cách cơ bản, cám dỗ trốn tránh là cám dỗ nhắm mắt trước điều kiện hiện tại, mà Thiên Chúa đã đặt ta trong đó và là nơi Thiên Chúa nói với ta trước tiên. Có lần Chúa bảo: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xẩy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: “Trời sẽ oi bức”, và xẩy ra đúng như vậy … cảnh sắc trời đất, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét ?” (Lc 12,54-56). Đây là lời quan trọng nhắc nhở ta đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, không phải ở nơi đâu khác, nhưng ngay ở đây và lúc này, trong điều kiện hiện tại của ta.

 

Để học tập cầu nguyện, phải thắng mọi cám dỗ thoái thác. Phải có lòng can đảm của một người trung thành trong tình yêu. Kinh nguyện của ta không chính thực, nếu ta không coi là một bổn phận để bày tỏ lòng trung thành này.

 

Ai cầu nguyện mà không nhớ đến sự đau khổ của những người chung quanh, của chính mình, của những điều kiện mà mình sống trong đó, thì không thực sự cầu nguyện. Phải mang vào kinh nguyện tất cả con người của mình. Chỉ mang một phần của mình hay một phần lịch sử mà mình đang sống, thì không phải là thực sự cầu nguyện. Kinh nguyện sẽ giúp ta chiến thắng cám dỗ này, nếu nó đảm trách lịch sử của ta, nếu nó đưa những con người của thời đại này về cho Thiên Chúa và đem Thiên Chúa đến cho họ. Kinh nguyện giúp ta trung thành với thế giới hiện tại và thế giới sẽ đến, trung thành với Thiên Chúa và với con người. Kinh nguyện là lúc Thiên Chúa biến đổi ta, giúp ta có thể nhận ra Ngài trong hiện tại, không phải để trốn tránh Ngài, nhưng là yêu Ngài ở nơi Ngài hiện diện.

 

Chúng ta học cầu nguyện nếu trung thành với ngày hôm nay của ta, biến nó thành ngày hôm nay của Thiên Chúa, để thời gian này (kronos, theo ngôn ngữ Tân ước) trở thành giờ (kairos) của Thiên Chúa, cho ta và cho người khác.

 

c) Cám dỗ lớn thứ ba : thiếu kiên nhẫn

 

Thiếu kiên nhẫn phủ nhận quá khứ. Nếu sợ hãi không cho ta nhìn tới tương lai, nếu trốn tránh làm ta ngoảnh mặt trước hiện tại, thì thiếu kiên nhẫn khiến ta quên rằng đàng sau ta đã có một quá khứ liên hệ đến ta. Chính đây là một lịch sử đòi có thời gian chín muồi, đòi sự chậm rãi mà đôi khi ta không muốn. Thiếu nhẫn nại là cám dỗ của người muốn có ngay mọi sự, muốn tập cầu nguyện mà có ngay được kinh nghiệm về Thiên Chúa, muốn lời cầu xin mang lại ngay kết quả.

 

Kinh nguyện giúp ta hiểu rằng Thiên Chúa không cưỡng ép thời gian của con người. Ngài đã nhẫn nại trước khi tỏ lòng thương xót, đã tôn trọng phẩm giá của sự sống con người, cả khi họ lầm lạc tội lỗi. Biết nhẫn nại trước thời giờ của Thiên Chúa là can đảm chấp nhận rằng sự việc chỉ có thể thay đổi khi mọi sự khác cũng dần dần thay đổi, vì chúng có liên hệ với nhau; chấp nhận rằng thế giới này không bao giờ là quê hương, và nó không thay đổâi dễ dàng nhưng luôn phải trả giá đắt.

 

Ơn Thiên Chúa là ơn lạ lùng và cho không, nhưng con người phải khó nhọc suốt đời để đáp lại. Phải nhẫn nại. Đừng chiều theo cám dỗ của các con ông Dêbêđê: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thày, khi Thày được vinh quang” (Mc 10,37). Chúng ta biết câu Chúa trả lời cho họ : ngồi chỗ nào là tuỳ Chúa Cha xếp đặt, nhưng họ sẽ phải uống chén. Uống chén là chấp nhận sự nhẫn nại của Thiên Chúa.

 

Một Giáo Hội hay một cá nhân sẽ không bao giờ có thể trở thành dân hay người cầu nguyện nếu không thể có tự do trong tình yêu, không thể trung thành với thời gian hiện tại, không thể nhẫn nại trước hành động của Thiên Chúa.

Trên đây là những cám dỗ cơ bản liên hệ đến việc cầu nguyện. Nếu ngày qua ngày chúng ta biết chiến thắng những cám dỗ đó, thì kinh nguyện trở thành lịch sử, lịch sử của Thiên Chúa trong đời sống ta và lịch sử của đời sống ta cũng như của dân ta trong Thiên Chúa.

 

3. Đức Maria, hình ảnh của người cầu nguyện

 

Đức Maria cầu nguyện như một trinh nữ, một người mẹ. Nhờ hai tư cách lớn này mà Người trở thành hình ảnh của người cầu nguyện.

 

Là trinh nữ, Đức Maria là thụ tạo hoàn toàn lắng nghe lời Thiên Chúa. Người là sự thinh lặng để lời Thiên Chúa vang lên. Karl Barth đã viết những trang tuyệt vời về sự đồng trinh của Người, nhấn mạnh rằng sự đồng trinh này là một thánh thi dâng lên vinh quang của Đấng Tối Cao. Là trinh nữ, Đức Maria là thửa đất được chuẩn bị sẵn sàng cho Chúa đến, là cung lòng của Thiên Chúa để Thiên Chúa là cung lòng của thế giới.

 

Nhưng Đức Maria còn là mẹ. Nơi Người, thinh lặng đã trở thành lời nói; người trinh nữ đã trở thành người mẹ. Đức Maria là một người mẹ tế nhị, dịu dàng, ban tặng, tất cả đều là những đặc điểm của nữ tính nơi Người. Đức Maria giúp ta hiểu rằng kinh nghiệm về Thiên Chúa, trong Thiên Chúa, tức là cầu nguyện, thực sự mang lại kết quả khi Giáo Hội cũng trở thành mẹ : một Giáo Hội sinh ra các con cái cho Thiên Chúa, trong sự tế nhị, dịu dàng của tình yêu; một Giáo Hội không chỉ hát lên kinh Ngợi Khen, nhưng còn thực hiện những công trình của kinh này trong đời sống con người.

 

Lm Micae Trần Đình Quảng

------------

(*) lấy ý trong Bruno Forte, Dans la mémoire du Sauveur,

                      éd. Paulines & Médiaspaul, 1991, tr. 205-228


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà