BA NGÔI, LỊCH SỬ VĨNH CỬU CỦA TÌNH YÊU

(Bài 5)

 

1. Tiên vàn là kinh nghiệm về một cuộc gặp gỡ

 

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ. Cuộc gặp gỡ này có tính chất quyết định, làm cho cuộc đời của các ông hoàn toàn biến đổi. Trước thì sợ hãi, tháo chạy, nay lại can đảm và ra đi làm chứng. Các ông dành hết cuộc đời còn lại để làm chứng về Đấng mà các ông đã phản bội vào “giờ tăm tối” trước đây.

 

Sao lại có chuyện đó ? Chính là vì biến cố Phục sinh, khởi điểm của lịch sử kitô giáo.

Nhiều người coi niềm tin phục sinh của các môn đệ chỉ là kinh nghiệm thuần tuý chủ quan của các ông. Còn sử gia ngoại đạo thì xác nhận có một cái gì đó mới mẻ, nhưng lại không cho biết lý do. Ngược lại, cứ như những điều Tân ước ghi chép, cuộc gặp gỡ Đấng Phục sinh được các môn đệ công bố như một kinh nghiệm ân sủng. Các bản văn thuật lại những lần Chúa hiện ra, tuy có khác nhau ít nhiều trong chi tiết, nhưng tất cả đều có một cấu trúc giống nhau cho thấy những đặc điểm cơ bản của kinh nghiệm này. Cấu trúc đó luôn luôn là : Chúa Phục sinh hiện đến với các môn đệ; các ông nhận ra Ngài; Ngài sai các ông đi làm chứng về những điều tai nghe mắt thấy … (x.1Ga 1,1). Việc Chúa đi bước trước đến với các môn đệ muốn nhấn mạnh điều này: kinh nghiệm của các môn đệ là một kinh nghiệm có tính chất khách quan. Có một sự gì đó đã xẩy ra cho các ông, chứ không do các ông tưởng tượng. Tuy vậy, cần có một tiến trình thiêng liêng nào đó nơi các ông, giúp các ông có thể từ chỗ ngạc nhiên và nghi ngờ đến chỗ mở mắt và nhận ra Chúa (Lc 24,31). Kinh nghiệm nguyên thuỷ của đức tin có tính chất chủ quan và thiêng liêng nằm trong tiến trình này.

 

Chúa hiện ra với các người thuộc về mình, làm cho họ sống bằng sự sống mới là sự sống của chính Ngài. Họ trở thành chứng nhân về cuộc gặp gỡ luôn ghi dấu trong cuộc đời họ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15); “Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết : về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,15).

 

Vậy kinh nghiệm phục sinh, cả khách quan lẫn chủ quan, hình thành do sức mạnh của cuộc gặp gỡ giữa Chúa Phục sinh và các môn đệ, như một kinh nghiệm làm biến đổi các ông. Sứ mệnh của các ông phát xuất từ đó. Sự năng động thúc đẩy các ông thi hành sứ mệnh cho tới tận cùng trái đất cũng phát xuất từ đó.

 

Tại sao kinh nghiệm ấy lại làm thay đổi sâu xa cuộc đời của các môn đệ như vậy ? Chúng ta chỉ có thể hiểu được điều này nếu biết cùng với các ông đào sâu khía cạnh ba ngôi trong biến cố Vượt qua. Chúng ta nhận ra Phục sinh và Thập giá như những biến cố nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hành động nhờ Thánh Thần. Và khi hành động, Ngài cho thấy tình yêu của Ngài khi “thi ân giáng phúc cho ta được hưởng muôn vàn ơn phúc trong Đức Kitô”, khi cho ta được “đóng ấn Thánh Thần” (x.Ep 1,3-14). Cũng là Đức Giêsu chịu đóng đinh, giờ đây trở thành Chúa Phục sinh. Cũng là các môn đệ đã hoảng sợ ngày Thứ Sáu, giờ đây trở thành những con người mới sẵn sàng chết cho Tin mừng. Tất cả những gì vừa đồng nhất vừa nghịch lý đó đều dựa trên nền tảng và có nguồn gốc tối hậu là sự hiện diện của Chúa Cha, là sáng kiến của Chúa Cha trong Thánh Thần. Phục sinh trở thành lịch sử của chúng ta, vì là lịch sử của Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

2. Sự Phục sinh như lịch sử của Ba Ngôi

 

Nếu trên Thập giá Chúa Con trao Thần Khí cho Chúa Cha, thì vào ngày Phục sinh, Chúa Cha ban lại Thần Khí cho Chúa Con, để, trong Chúa Con và cùng với Chúa Con, đưa cả nhân loại vào trong sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

Cách trình bày Ba Ngôi, thường bắt gặp trong các ảnh thánh (icône) của Đông phương, cho thấy trực giác đó. Ba khuôn mặt thiên thần quanh chén rượu bàn tiệc, như cách vẽ của của Rublev trong bức ảnh Ba Ngôi nổi tiếng, thấm nhiễm một sự năng động còn tiếp nối và hoàn tất nơi người ngắm ảnh, tức là chính người chiêm ngắm cũng trở thành hình ảnh của Ba Ngôi, phản chiếu sự sống Ba Ngôi trong thời gian, nhờ Thần Khí tuôn đổ ngày Phục sinh được chuyển sang bàn tiệc của Đấng Phục sinh…

 

Giáo Hội sơ khai làm chứng về những điều đó trong trình thuật về sự Phục sinh như là lịch sử của Ba Ngôi. Các bản văn Tân ước quả quyết rằng Đức Kitô đã được Thiên Chúa làm cho sống lại (Cv 2,24). Sự Phục sinh là một sáng kiến của Chúa Cha. Chính Ngài đã đặt Đức Giêsu làm “Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” sau khi Đức Giêsu đã “từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần” (Rm 1,4).

 

Chúa Cha yêu thương chúng ta đến nỗi đã trao nộp người Con yêu quý cho sự chết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16); “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). Tình yêu của Thiên Chúa quả là điên rồ (x.1Cr 1,18-25).

 

Với tư cách là Cha, Thiên Chúa đã yêu Chúa Con và chúng ta. Thiên Chúa là Tình Yêu : Gioan đã viết như vậy trong là thư thứ nhất (x.1Ga 4,8-10.16), do đã suy niệm về lịch sử tình yêu của Ba Ngôi, được mạc khải vào ngày Phục sinh.

 

Thiên Chúa Cha là Tình yêu. Khẳng định này đưa ta vào sâu trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Từ lịch sử của Đấng đã yêu Con mình là Đức Giêsu và yêu chúng ta trong Đức Giêsu, ta có thể vươn tới lịch sử vĩnh cửu của tình yêu của Ngài. Tình yêu thể hiện trong nhiệm cục cứu độ đưa ta tới nội tại tính của mầu nhiệm.

 

Chúa Cha là nguồn gốc và nguồn mạch của tình yêu. Từ muôn đời và mãi mãi, Ngài hằng yêu thương bằng một tình yêu tuyệt đối tự do và nhưng-không, cao cả và sáng tạo. Tình yêu của Ngài cũng không bao giờ suy giảm.

 

Chúa Con là Đấng đón nhận tình yêu. Ngài được Chúa Cha yêu thương “trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24). Chúa Cha yêu Chúa Con, và Chúa Con đón nhận tình yêu của Chúa Cha : tiến trình này có thể được gọi là sự đản sinh, một sự đản sinh từ đời đời, “từ lòng Chúa Cha”. Chúa Con được yêu thương từ đời đời, thì cũng là được sinh ra từ đời đời.

 

Chính nhờ Chúa Con đón nhận tình yêu của Chúa Cha mà, trong công trình tạo dựng và cứu chuộc thế gian, Ngài đã làm cho Chúa Cha có thể thông ban mình cho tạo vật. Nhờ đó, ta có thể đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, sự sống viên mãn của Thiên Chúa, sự sống mới trong ân sủng.

 

Trong lịch sử tình yêu này, còn có vai trò của Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng An Ủi sự đau khổ của Thiên Chúa, nên cũng là Đấng An Ủi những đau khổ của thế giới. Chúa Thánh Thần kết hợp Đấng sinh ra với Đấng được sinh ra;  là sự hiệp thông giữa Chúa Cha yêu thương và Chúa Con được yêu thương, cũng như bảo đảm cho sự hiệp thông của Thiên Chúa với thụ tạo và với lịch sử của thụ tạo. Ngài làm điều này trong và nhờ Chúa Con. Nhờ Chúa Thánh Thần, sự hiệp nhất mạnh hơn sự tách biệt, niềm vui lớn hơn nỗi khổ do thụ tạo gây ra vì không biết yêu thương. Chúa Thánh Thần tuôn tràn trên Chúa Giêsu vào ngày Phục sinh, hoà giải Chúa Cha với Chúa Giêsu và, qua Người, với thế giới.

 

Là dây liên kết, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn là một Ngôi vị tách biệt với Chúa Cha và Chúa Con. Ngài khác với Chúa Cha vì được nhận bởi Chúa Con, và khác với Chúa Con vì được ban bởi Chúa Cha. Ngài là người yêu của cả Chúa Cha lẫn Chúa Con.

 

Vai trò của Chúa Thánh Thần cho thấy tình yêu ba ngôi là một tình yêu mở rộng và dâng hiến. Chính do sự dâng hiến này mà, trong nhiệm cục cứu độ, Thiên Chúa luôn xuất hiện trong Thánh Thần. Thánh Thần có mặt thuở tạo dựng (St 1,2), ngự xuống trên Đức Giêsu (Lc 1,35), ùa vào thân xác phục sinh của Đức Giêsu (Rm 1,4). Theo nghĩa này, Thánh Thần làm trọn chân lý tình yêu khi cho thấy tình yêu chân thật không bao giờ đóng kín nhưng mở rộng, nơi Thiên Chúa cũng như nơi nhân loại. Thánh Thần là cầu nối đưa lịch sử Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại, và đưa lịch sử nhân loại vào lịch sử Thiên Chúa.

 

Như vậy, biến cố Vượt qua bày tỏ lịch sử của Ba Ngôi Thiên Chúa. Không chỉ là lịch sử của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng còn bày tỏ sự hiệp nhất của Ba Ngôi như là sự hiệp nhất của lịch sử tình yêu, với Đấng vì yêu mà trao nộp Con mình (Chúa Cha), Đấng vì yêu mà để mình bị trao nộp (Chúa Con), Đấng vì yêu mà tuôn tràn ngày Phục sinh để đưa con người vào trong tình yêu của Thiên Chúa (Chúa Thánh Thần).

 

Thực ra thì tất cả sứ mệnh và công trình của Đức Giêsu đều cho thấy sự hiệp nhất của Ngài với Chúa Cha. Con Thiên Chúa, Đấng nhận và ban Thần Khí, là một với Chúa Cha (x.Ga 10,30), nhờ sự Phục sinh mà đặt nền móng cho sự hiệp nhất của con người trong sự hiệp nhất của Ba Ngôi (x.Ga 14,20tt; 17,21.23).

 

Phải hiểu thế nào về sự hiệp nhất ba ngôi được mạc khải vào ngày Phục sinh ? Đức tin của Giáo Hội tuyên xưng chỉ có một Thiên Chúa, chống lại các lạc giáo. Công đồng Nicêa tuyên xưng Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha. Công đồng Constantinopoli tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, như Chúa Cha và Chúa Con, “cùng được phụng thờ và tôn vinh” như Chúa Cha và Chúa Con, là “Chúa ban sự sống”.

 

Từ mạc khải về tình yêu của Ba Ngôi ngày Phục sinh, người ta khẳng định rằng yếu tính duy nhất của Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa độc nhất là tình yêu trong sự khác biệt giữa Đấng yêu thương, Đấng được yêu thương và Đấng là tình yêu. Augustinô đã nhận ra điều này khi viết: “Quả thực, bạn thấy Ba Ngôi nếu bạn thấy tình yêu”, “các Ngài là ba: Đấng yêu thương, Đấng được yêu thương và Tình yêu” Đó là lịch sử ba ngôi của tình yêu. Từ lịch sử vĩnh cửu của tình yêu, Ba Ngôi đi vào lịch sử nhân loại để yêu thương con người. Biến cố Vượt qua mạc khải yếu tính của Thiên Chúa như một biến cố vĩnh cửu của tình yêu giữa Ba Ngôi và tình yêu của các Ngài đốùi với ta.

 

3. Khuôn mặt của Thiên Chúa Tình Yêu

 

Dựa vào những việc Thiên Chúa làm cho con người, ta có thể chiêm ngắm Ngài trong tất cả chiều sâu của hữu thể Ngài, như một Thiên Chúa yêu thương, một Thiên Chúa là cho ta. Là Thiên Chúa yêu thương, Ngài cũng là Đấng biết mọi sự. “Đâu có tình yêu, đấy có con mắt” (Richard de Saint-Victor). Không gì giấu được trước tình yêu. Đây là mầu nhiệm “Thiên Chúa thông biết mọi sự”, một sự thông biết hiểu theo nghĩa Kinh thánh, bao gồm cả sự yêu thương, quan tâm và dấn thân, được mạc khải viên mãn trong mối tương giao giữa Con Thiên Chúa làm người và các kẻ thuộc về Ngài. “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, va tôi hy sinh mạng sống mình cho chiên” (Ga 10,14-15). Hiểu như vậy thì sự thông biết của Thiên Chúa không đụng chạm gì tới sự tự do của tạo vật, giống như một người đang yêu, dù biết về người mình yêu, vẫn không cản trở sự tự do của người này.

 

Sự toàn năng của Thiên Chúa cũng phải được hiểu theo cách đó. Thiên Chúa có thể làm được mọi sự trong tình yêu, có thể hướng mọi sự tới điều lành. Đây là mầu nhiệm về sự quan phòng của Ngài. Chính vì toàn năng trong tình yêu và yêu thương trong sự tự do mà Thiên Chúa không bao giờ thi thố quyền năng của sự quan phòng đi ngược lại sự tự do của tạo vật. Ngài thà chấp nhận như bất lực trước tiếng rên rỉ của kẻ hấp hối còn hơn. Đấng “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4) sẽ không cứu người nào nếu người đó không muốn. “Đấng đã dựng nên ta mà không có ta, sẽ không cứu ta nếu không có ta” (Augustinô).

 

Cũng theo cách trên đây mà ta có thể hiểu được lòng khoan dung của Thiên Chúa trước sự dữ. Là một Thiên Chúa công chính và yêu thương, Ngài đã chấp nhận sự may rủi của tình yêu, chấp nhận người ta có thể chối từ tình yêu với tất cả những hệ quả của thái độ này. Một cách nghịch lý, sự dữ trên thế giới lại là dấu chỉ cho thấy sự toàn năng của Thiên Chúa là tình yêu, là khả năng tuyệt đối tôn trọng con người.

 

Vì có sự sống và tình yêu viên mãn, Thiên Chúa có thể được coi như ở bên kia sự hữu hạn của ta. Ngài là lịch sử vĩnh cửu của tình yêu, vì khác với ta, lịch sử nơi Ngài không bị không gian và thời gian giới hạn.

 

Ngài ở bên kia không gian để thống trị vạn vật và nội tại nơi chúng. Đây là mầu nhiệm “Thiên Chúa ở khắp mọi nơi”. Sự hiện diện này quy hướng về sự hiện diện của Chúa Giêsu. Chính nhờ sự hiện diện của Con Thiên Chúa làm người mà con người có thể đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

 

Thiên Chúa cũng ở bên kia thời gian để là nguyên lý và cùng đích vạn vật. Đây là mầu nhiệm về sự vĩnh cửu của Ngài, như một sự hiện diện liên tục của sự sống thần linh, hoặc, nói theo kiểu Kinh thánh, như sự trung thành của tình yêu đối với mỗi lúc hiện tại (“ngày hôm nay”) của tình yêu. Chính như thế mà chúng ta phải hiểu về sự bất biến của Thiên Chúa. Ngài lúc nào cũng là một Thiên Chúa sống động, trước sau như một, trung thành với lời hứa. Thiên Chúa không thay đổi vì luôn là một Thiên Chúa yêu thương, tín thành.

 

Trước những chiều kích khác nhau của tình yêu này, tức những thuộc tính và những cách thức tự do hành động của Thiên Chúa, chúng ta chỉ có thể đáp lại bằng cách chúc tụng vinh quang của một tình yêu lớn lao như vậy. Đó là ý nghĩa sâu sắc của việc tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất trong truyền thống Kinh thánh. Lời tuyên tín này liên kết các kitô hữu với người Do thái và người Hồi giáo, có cái gì đó khác hơn nhiều so với lời tuyên tín vào một ý tưởng trừu tượng. Đây là một hành vi tôn thờ, một vinh tụng ca, đi kèm với một đời sống dấn thân. “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4: lời tuyên xưng quan trọng nhất của người Do thái vào một Thiên Chúa độc nhất). Tin vào Thiên Chúa độc nhất là đi vào sự hiệp nhất của Ngài, là dấn thân giúp cho mọi người được sống trong công lý và bình an. Theo đức tin kitô giáo, ta chỉ có thể thực hiện điều này khi hiểu biết sự hiệp nhất của tình yêu nơi Thiên Chúa. Lời tuyên xưng độc thần phải là lời tuyên xưng một Thiên Chúa là Tình yêu, và để cho lịch sử vĩnh cửu của tình yêu này chi phối đời sống chúng ta.

 

Lm Micae Trần Ðình Quảng

(lấy ý trong: Bruno Forte, Dans la mémoire du Sauveur,

éd. Paulines & Médiaspaul, 1991, tr.103-117)

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà