ĐỨC MARIA, HÌNH ẢNH CỦA MẦU NHIỆM (*)

(Lc 1,26-55)

(Bài 6)

 

Chúng ta đã suy niệm về tình yêu và mầu nhiệm của Thiên Chúa. Có một cách thức tốt hơn đưa ta vào mầu nhiệm này, đó là nhìn ngắm Đức Maria, vì Người là hình ảnh (icône) của Mầu nhiệm, cũng như học với Người trong việc lắng nghe và vâng phục lời Thiên Chúa.

 

Bài suy niệm này gồm 3 phần, liên hệ tới 3 tước hiệu của Đức Maria : Trinh Nữ, Thánh Mẫu và Hiền Thê. Trinh Nữ trong trình thuật về cuộc Truyền Tin; Thánh Mẫu trong trình thuật về cuộc Thăm Viếng; Hiền Thê trong bài ca Ngợi khen (Magnificat).

 

1. Truyền Tin (Lc 1,26-38)

 

Có nhiều cách đọc trình thuật này.

 

Có cách dựa vào lược đồ giao ước. Thiên Chúa loan báo sáng kiến của Ngài qua trung gian. Con người lấy lòng tin mà đón nhận, như điều đã được ghi trong sách Xuất hành: “Mọi điều Đức Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo” (Xh 19,8). Lược đồ này chắc chắn có ý nghĩa phong phú, vì nhấn mạnh sáng kiến của Thiên Chúa và lòng tin của Đức Maria, để từ nơi Người mà giao ước mới của lịch sử cứu độ khai mào.

Có cách đọc dựa theo lược đồ hay kiểu mẫu về những cuộc báo tin. Dường như Luca đã dựa vào lược đồ này. Nó thường được thấy trong Kinh Thánh, gồm 5 yếu tố kế tiếp nhau : thiên thần hiện đến, phản ứng sợ hãi của người được báo tin, vấn nạn, một dấu chỉ được đưa ra. Đối chiếu những yếu tố này trong việc Truyền tin cho Đức Maria và việc báo tin cho Dacaria trước đó, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa thần học sâu sắc của trình thuật Truyền tin.

 

Yếu tố thứ nhất : thiên thần hiện ra cho Dacaria và cho Đức Maria. Hiện ra cho Dacaria thì ở trong đền thờ Giêrusalem; hiện ra cho Đức Maria lại ở tại Nadaret miền Galilêa. Cả Nadaret lẫn Galilêa đều không có gì đáng nói (x. Ga 1,46). Cần lưu ý sự khác biệt trên đây. Chúa không đến với đền thờ bằng đá nguy nga tráng lệ, nhưng đến tại một nơi nghèo nàn, bình thường, thậm chí bị khinh miệt, đến với một người nữ sống ở miền đất tăm tối.

 

Yếu tố đầu tiên này cho thấy một nhiệm cục mới bắt đầu, và bắt đầu không phải từ một môi trường đạo đức truyền thống, từ một nơi thánh, nhưng từ nơi giáp ranh ngoại đạo, nơi bị người đời coi thường.

 

Yếu tố thứ hai : Phản ứng của người được báo tin cho thấy ngay một điểm khác nhau nữa. Theo Luca, Dacaria và Êlisabet đều là những người công chính trước mặt Thiên Chúa. Họ sống theo đúng các điều răn và mệnh lệnh của Ngài, không ai chê trách được điều gì. Họ tượng trưng cho những người hết sức tuân thủ lề luật theo khả năng của con người. Còn Đức Maria thì sao ? Người được thiên thần gọi là kekaritomene. Từ này thường được dịch là “đầy ơn phúc”. Nhưng dịch như vậy không diễn tả hết ý nghĩa sâu sắc của nó. Nó muốn nói lên rằng Đức Maria hoàn toàn được Thiên Chúa bao bọc, che chở, yêu thương, làm hài lòng Thiên Chúa. Giáo Hội phải mất hàng thế kỷ để tìm hiểu ý nghĩa đầy đủ của lời thiên thần chào, cho tới ngày công bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, một tín điều dựa trên lời chào này.

 

Như vậy, nơi cha mẹ của Gioan, người ta thấy rõ đặc tính tôn giáo của Cựu ước, tức là giữ luật. Còn nơi Đức Maria, người ta thấy rõ sáng kiến tự do của Thiên Chúa. Ngài chọn Đức Maria không do công lao nào của người nữ này, nhưng chỉ theo ý Ngài muốn. Thiên Chúa luôn đi trước sáng kiến và công việc của con người.

 

Yếu tố thứ ba : Với Đức Maria cũng như với Dacaria, thiên thần đều nói : Đừng sợ ! Thiên thần cho Dacaria biết vợ ông sẽ sinh một con trai, đáp ứng với nguyện vọng của hai người. Vậy việc báo tin cho Dacaria thực hiện điều con người mong muốn. Thiên Chúa của Dacaria là Thiên Chúa làm thoả mãn sự chờ đợi của con người.

 

Nhưng điều loan báo cho Đức Maria thì không phải thế. Thiên Chúa muốn thực hiện nơi Người một việc lạ lùng không thể ngờ trước. Ở đây, Thiên Chúa không đáp ứng sự chờ đợi nào của con người cả. Ngài là Đấng làm đảo lộn các lời xin của ta. Nếu ta hiểu biết và chấp nhận hành động này của Ngài, Ngài cũng sẽ thực hiện điều ta mong ước.

 

Yếu tố thứ tư : Vấn nạn của Dacaria và của Đức Maria. Đối chiếu hai trình thuật, ta sẽ nhận ra sự mới mẻ được thực hiện nơi Đức Maria. Vấn nạn của Dacaria là: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ?”. Dacaria muốn có cái gì đó bảo đảm cho lời Thiên Chúa hứa. Vấn nạn này chứng tỏ ông thiếu lòng tin. Ông không tin vào việc lạ lùng Thiên Chúa làm. Ông là người công chính đạo đức, quá quen với việc chu toàn lề luật, nên không thể tin vào những gì vượt trên lề luật. Luthêrô nói: “Những lời cầu xin của kẻ vô đạo, đối với Chúa, còn dễ nghe hơn lời tung hô của những con người tốt”. Quả thực, những con người này mong cho các ước nguyện của họ được thực hiện theo ý họ. Còn những người vô đạo lại sẵn lòng để Thiên Chúa hành động tuỳ ý Ngài.

 

Phần Đức Maria, Người chỉ nói: “Việc ấy xẩy ra cách nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”. Người không yêu cầu sự gì đó bảo đảm, mà chỉ hỏi xem mình phải hành xử thế nào để lời Thiên Chúa được thực hiện. Đức Maria muốn Thiên Chúa chỉ cho mình con đường phải theo. Lời cầu xin phát xuất từ một tấm lòng ngoan ngoãn, từ một đức tin muốn để Chúa dẫn đến bất cứ nơi nào Ngài muốn. Đức Maria thắc mắc không phải vì nghi ngờ, cũng không xin dấu chỉ, nhưng chỉ để biết đường lối mầu nhiệm của Thiên Chúa, và hoàn toàn vâng phục Ngài. Chúng ta có thể thấy sự vâng phục này qua lời thưa cuối cùng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

 

Yếu tố thứ năm : Đối chiếu hai người con. Gioan được đầy tràn Thánh Thần ngay từ trong lòng mẹ, sẽ là người dọn đường cho Chúa. Còn Đức Giêsu không chỉ đầy tràn Thánh Thần, nhưng còn đầu thai nhờ Thánh Thần, còn là Con Đấng Tối Cao, Con Thiên Chúa. Chính nơi Ngài mà một thế giới mới khởi đầu.

Cũng nên lưu ý đến các động từ được sử dụng trong bản văn. Cũng là sinh ra, nhưng Luca dùng động từ ghennáo cho trường hợp Êlisabet, và tikto cho trường hợp Đức Maria. Cách sử dụng khác nhau này là một chỉ dẫn phụ về việc Đức Maria thụ thai mà vẫn đồng trinh. Đây là công trình lạ lùng của Thánh Thần, là sáng kiến của Thiên Chúa.

 

Có hai yếu tố khác củng cố nhận xét trên đây.

 

- Động từ episkiazein, được Luca dùng để chỉ hành động của Thánh Thần. Động từ này đã được dùng trong sách Xuất hành (40,34-35), chỉ vinh quang của Thiên Chúa phủ đầy Nhà Tạm. Đức Maria là Nhà Tạm, nơi Thiên Chúa đến và gặp gỡ. Đấng ngự xuống trên Người cũng là Đấng đã ngự xuống trong Nhà Tạm thời Cựu ước.

 

- Từ kaire, được thiên thần dùng để chào Đức Maria. Kiểu nói này thấy có trong bản LXX, đặc biệt trong một số bản văn ngôn sứ, chẳng hạn Sophonia (3,14). Những bản văn này có cấu trúc giống nhau, mà Luca đã dựa vào: “Mừng vui lên, hỡi nữ tử Sion”. Đây là lời loan báo niềm vui thời cứu thế, vui vì các lời Thiên Chúa hứa được thực hiện. Thiên Chúa đáp ứng cách lạ lùng tâm trạng chờ mong của con người. Điều Ngài thực hiện nơi Đức Maria thực sự là khởi đầu cho một thế giới mới.

 

Sứ điệp thần học được rút ra từ việc Truyền tin là: Phải đưa vinh quang về cho một mình Thiên Chúa. Thiên Chúa là trước hết, trên hết, vì Ngài là Chúa.

 

Đức Maria dạy ta hiểu rằng tin là để tình yêu của Thiên Chúa hoạt động nơi ta, để Ngài huấn luyện ta, ngược lại với thái độ muốn tự liệu lý mọi việc. Tin là chấp nhận rằng đời sống của ta không nằm trong tay ta, nhưng nằm trong bàn tay Thiên Chúa.

Như các Giáo phụ đã từng nói, Đức Maria thụ thai trong tâm hồn, trước khi thụ thai trong lòng dạ.

 

Người thật sự cao cả vì đã tin, qua đó Người tín thác vào mầu nhiệm của Thiên Chúa. Người là “Trinh Nữ trung thành”, Trinh Nữ của lòng tin, Trinh Nữ biết lắng nghe lời Chúa với một tâm hồn thinh lặng, để lời Chúa có thể vang lên trong đó. Người dạy ta phải ưu tiên lưu ý đến chiều kích chiêm niệm, có một đức tin tinh tuyền, để Thiên Chúa hoạt động nơi ta, huấn luyện và hướng dẫn ta như Ngài muốn và bất cứ nơi nào Ngài muốn.

 

Tất cả những gì xẩy ra nơi Đức Maria, đều xẩy ra cho Người với tư cách là người nữ. Người ta thường quên khía cạnh này khi suy tư về Người. Hiểu yếu tố phụ nữ hơn có nghĩa là hiểu yếu tố con người hơn. Nơi mỗi người chúng ta đều có hai yếu tố : yếu tố nữ (anima) và yếu tố nam (animus). Tuỳ phái tính mà yếu tố này mạnh hơn yếu tố kia. Lý tưởng là biết hoà nhập hai yếu tố để bổ sung cho nhau.

 

Về điểm này, Đức Maria dạy ta điều gì ?

 

Yếu tố nữ nơi Đức Maria ngày Truyền tin được thể hiện bằng một sự đón nhận phong phú. Người đón nhận hoàn toàn, trong tâm tình yêu thương và tự hiến. Nơi Người, nữ tính là dấu chỉ tình yêu. Chúng ta thấy Đức Maria, với tư cách là người nữ, có một tình yêu đón nhận và sáng tạo, biết quên mình khi tự hiến, nhưng cũng biết tìm lại mình trong sự kết hiệp giữa sự chết và sự sống, một sự kết hiệp mà chỉ tình yêu mới có thể thực hiện. Sự đón nhận nơi người nữ không phải là một thái độ thụ động hay lệ thuộc người nam, nhưng là một sự đón nhận sáng tạo. Không có nó, yếu tố con người sẽ khô cằn và sẽ chết.

 

2. Thăm Viếng (Lc 1,39-45)

Có thể đọc trình thuật này đối chiếu với bản văn 2Sm 6,2-16. Chúng ta thấy có sự song đối giữa chuyện Hòm bia Giao ước được đưa đến Giêrusalem và Đavít nhảy múa như một đứa trẻ, với chuyện Đức Maria đến nhà Êlisabet.

 

Những yếu tố của sự song đối này thật hiển nhiên.

 

Chuyện xẩy ra ở cùng một miền là Giuđêa; cùng có những cách bày tỏ niềm vui : niềm vui của Đavít, niềm vui của thai nhi trong lòng Êlisabet; sự hiện diện của Hòm bia cũng như sự hiện diện của Đức Maria nơi nhà Dacaria đều mang lại phúc lành; lời của Đavít: “Hòm bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được ?” nói lên sự kính sợ của ông, tương ứng với những lời của Êlisabet: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?”; cuối cùng, cũng như Hòm bia ở nơi nhà Obed-Edon ba tháng, thì Đức Maria cũng ở nhà Êlisabet ba tháng.

 

Qua hình thức song đối này, Luca muốn nói rằng Đức Maria là Hòm bia Giao ước mới, là nơi Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta. Nhưng Đức Maria không phải là nơi giam hãm Thiên Chúa, mà là nơi ban tặng Thiên Chúa; không phải một Hòm bia che giấu mầu nhiệm, nhưng chiếu toả mầu nhiệm. Đó là lý do vì sao hạn từ “mẹ” được nói đến trong trình thuật: “Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy ?”. Đức Maria đón nhận mầu nhiệm và cũng ban tặng mầu nhiệm. Lời Người chào Êlisabet tràn đầy Thánh Thần. Đúng là Người toả chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa.

 

Khi người ta dành chỗ cho Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa cư ngụ nơi mình và yêu thương mình, người ta sẽ biết sống cho tình yêu. Đức Maria làm theo ý Thiên Chúa, với tư cách là Trinh Nữ, thì cũng làm theo ý con người, với tư cách là Mẹ. Đón nhận tình yêu của Thiên Chúa thì cũng ban phát tình yêu ấy cho con người.

 

Chúng ta thực sự kính trọng ân huệ của Thiên Chúa không phải bằng cách khư khư giữ riêng cho mình, biến mình như một hòm bia đóng kín, niêm phong cẩn thận, nhưng là khi chúng ta trở thành một hòm bia toả sáng.

 

Đức Maria thể hiện thiên chức làm mẹ bằng ba thái độ. Trước hết, Người biết chú ý : chú ý tới nhu cầu của Êlisabet, không chờ người chị họ này lên tiếng nhờ vả. “Đâu có tình yêu, đấy có con mắt”. Tình yêu biết nhìn tới những gì mà, nếu không có tình yêu, người ta sẽ không bao giờ nhìn thấy. Thứ đến, Đức Maria biết đến ý nghĩa của  những việc làm cụ thể : giúp đỡ Êlisabet trong những nhu cầu thực tế, trong lần sinh con đầu lòng của một phụ nữ đã cao niên. Cuối cùng là thái độ dịu dàng của Người, dịu dàng khi vui vẻ mà làm ơn, khơi lên niềm vui nơi người nhận ơn.

 

Nếu Thiên Chúa chiếm chỗ nhất trong đức tin của ta, thì người anh chị em chiếm chỗ nhất trong đức mến của ta. Như Luthêrô nói: “Người kitô hữu tự do trong đức tin là người tôi tớ trong đức mến”. Tự do trong đức tin, người đó chỉ lệ thuộc Thiên Chúa; tôi tớ trong đức mến, người đó được Thiên Chúa ban cho người khác.

 

Đức Maria, trong thân phận một người nữ và một người mẹ, đã thể hiện tình yêu bằng những sáng kiến và sáng tạo, biết nhận ra những nhu cầu của người khác và đáp ứng những nhu cầu ấy. Tình yêu của người nữ nói chung cũng như vậy, một tình yêu biết chú ý, cụ thể, dịu dàng và quảng đại. Do đó, nó cũng là hình ảnh tình yêu của Mẹ Thiên Chúa.

 

3. Bài ca Ngợi khen (Lc 1,46-55)

 

Bài ca Ngợi khen là bài thánh ca diễn tả và giải thích rõ rệt nhất điều Đức Maria đã nói và đã sống, trước sáng kiến của Thiên Chúa.

 

Có thể coi bài ca này như thâu tóm toàn bộ Phúc âm Luca. Tin mừng theo Luca là Tin mừng loan báo cho người nghèo. Luca là tác giả đặc biệt nói về người nghèo, những người cuối cùng được Thiên Chúa ban ơn. Tác giả đã tóm lược Phúc âm của mình, và đặt trên môi miệng Đức Maria. Nói khác đi, trong viễn tượng thần học của Luca, Đức Maria là người đầu tiên loan báo Tin mừng. Người là cuốn Tin mừng sống, là bản tóm điều Phúc âm sẽ nói.

 

Vì là người đã được Thiên Chúa ban đầy ơn và là người nghèo trước mặt Thiên Chúa, Đức Maria ca ngợi cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa một Thiên Chúa tràn đầy tình yêu với những tạo vật nghèo khó, hèn mọn. Điều Phúc âm Luca muốn nói thì Đức Maria đã diễn tả trong chính cuộc đời mình : Người là một người nghèo, được Thiên Chúa yêu thương. Nơi Người, Giao ước mới giữa vĩnh cửu và thời gian được thực hiện. Đó là lý do vì sao, khi nói về bài ca Ngợi khen, người ta nói Đức Maria như một hiền thê.

 

Nơi Người, tương lai của thế giới xuất hiện; nơi Người, vinh quang của thời sẽ đến đã được hứa ban và thực hiện trước. Nếu nơi Đức Maria-Trinh Nữ, điều nổi bật là sáng kiến và tình yêu của Thiên Chúa, nếu nơi Đức Maria-Thánh Mẫu, điều nổi bật là sáng kiến và tình yêu của con người, thì nơi Đức Maria-Hiền Thê, điều nổi bật chính là niềm hy vọng, hướng về hôn nhân vĩnh cửu giữa thế giới hiện tại và thế giới tương lai.

Vậy khi ca bài Ngợi khen, Đức Maria là Mẹ của niềm hy vọng.

 

Người phụ nữ và hiền thê có tên là Maria chính là một con người biết đón nhận và cho đi, trung thành với hiện tại và với thế giới tương lai, là dấu chỉ và bảo chứng của tình yêu vĩnh cửu.

 

Cứ như Kinh Thánh cho thấy, Đức Maria thật sự là hình ảnh của mầu nhiệm. Nơi Người, ta có thể thấy rõ một Thiên Chúa đi bước trước trong sáng kiến và hành động, và con người lấy lòng tin vâng phục mà đáp ứng. Nơi Người, sáng kiến của Thiên Chúa trở thành sáng kiến của con người, tình yêu của Thiên Chúa được nối dài bằng tình yêu của con người. Nơi Người, việc ban ơn và tạ ơn được thực hiện một cách luôn mới mẻ trong một giao ước phu thê, một giao ước được sống trong niềm hy vọng và, một cách nào đó, thực hiện trước cuộc sống vĩnh cửu.

 

Lm Micae TRần Đình Quảng

 

(*) Lấy ý trong Bruno Forte, Dans la mémoire du Sauveur,

                     éd. Paulines & Médiaspaul, 1991, tr. 121-135)

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà